Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Tập án cái đình - phóng sự Ngô Tất Tố ( 1 )

"Tập án cái đình" là một thiên phóng sự đăng lần đầu tiên trên báo "Con Ong" từ số 18/10/1939 (tức là trước phóng sự "Việc làng" đăng trên Hà nội tân văn từ số 5/3/1940. "Tập án cái đình" cũng viết về những hủ tục ở chốn đình trung, đặc biệt là những lễ nghi phiền phức, hủ bại. So với "Việc làng", "Tập án cái đình" nghiêng về mặt miêu tả những phong tục, nói cho đúng hơn là những hủ tục kỳ quái được duy trì ở nông thôn. Nó cung cấp được nhiều tài liệu về mặt xã hội học.



1. MỖI NĂM MỘT LẦN ĐÁNH ĐUỔI THÀNH HOÀNG



Mới vắng mùa xuân bốn ngày, trời đất đã thấy khác hẳn. Hai tiếng "lò cừ" của Cung oán ngâm khúc có lẽ để chỉ vào vũ trụ hôm nay. Hôm nay ông thần Hạn bạt đã báo thù trần gian một cách tàn nhẫn. Mới già nửa ngày thiêu đốt, lá cây đều héo rũ như ngọn cờ tang, mặt đất tuy không chảy mỡ, nhưng, hơi khét bốc lên ngào ngạt.
Bãi cỏ vệ đường lúc này đã thành ra vật cần dùng cho khách bộ hành. Nhờ đó, gót chân những người không dép không giầy cũng bớt rát bỏng.
Chỉ mấy ông nông phu là đáng kính phục. Mắt họ đã không thể mở vì mồ hôi tràn trụa chảy qua, miệng họ đã phải há ra để giữ lấy sợi quai nón. Vai họ đã phải ỏe xuống để đỡ lấy chiếc đòn gánh nặng nề, nhưng đôi ống chân của họ vẫn thay lượt nhau cất nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Theo họ, đem hết năng lực, nghị lực chiến đấu với con quạ vàng, chúng tôi đã tiến vào cổng thôn T với sự sung sướng của một người qua bể cát.
Cái làng quê vùng bể đâu phải là thế giới vàng trong câu vịnh chùa của Tống Huy Tôn? Vậy mà trước chúng tôi, ngọn tre, lá chuối, tuờng đất, mái tranh, gì gì cũng như vàng tất cả.
Sau nửa tiếng đồng hồ nấp dưới bóng rợp cây đa để lau cho ráo mồ hôi, và nghỉ cho tinh con mắt, ông P, một người đưa đường của tôi, dẫn tôi vào nhà người quen ông ấy. Chúng tôi chờ coi cảnh tượng buổi tối.
Mồng bốn tháng tư.
Tối nay, năm thôn của làng V.L, tề tập cả ở thôn T. để diễn một cuộc đánh đuổi thành hoàng. Thiên hạ đồn rằng vui lắm. Ai mà không phải ngạc nhiên khi nghe ở vùng thôn quê có chiến tranh kiểu này.
Phải! Trong lũy tre xanh, thành hoàng làng nào tức là vua làng ấy.
Không hình không bóng, đó đểu là những đấng thiêng liêng luôn ngự ở trên đầu họ, vai họ, có thể làm oai làm phúc cho họ. Vì vậy, họ đều thành thực kính sợ không dám dị nghị điều gì. Thì đến những con lợn ỷ nuôi để cúng những đức vua ấy, họ còn kính trọng mà tôn ông lên làm người, huống chi bản thân các ngài, khi nào họ dám động tới.
Thế thì cớ sao lại có cái làng dám dám đuổi thành hoàng? Hay là làng ấy đã cách mệnh với thần giới?
Các ngài sẽ hỏi như vậy.
Thưa không. Cuộc trị an của chư thần, đâu cũng như đâu, vẫn vững như núi Thái Sơn, trận đánh đuổi đó chỉ là ván trò diễn lại một võ công oanh liệt của đức thành hoàng làng ấy. Nhưng không phải là chuyện dẹp giặc dẹp cướp, cái võ công này là võ công của ... me xừ Toóng.
Chúng ta đã thường thấy trong sách Tàu: chú cai phu có thể làm vua nhà Hán, anh bợm bạc có thể làm vua nhà Tống, thằng nhỏ của chùa Hoàng Giác có thể làm vua nhà Minh, và vô số những ông cắn cơm không vỡ chỉ nhờ cái tài đẻ vào nhà vua mà nghiễm nhiên ngồi trên ngai vàng, cố nhiên chúng ta không lấy làm lạ, khi thấy những ông chết đói, chết rét, những ông ăn cướp ăn trộm ngang nhiên được làm thượng đẳng phúc thần. Nhưng đến cái ông "bốn cẳng" mà cũng được làm thành hoàng, thì thật là việc gia ân rất đặc cách!
Là vì, nghề làm thành hoàng cũng phải có đủ điều kiện. Điều kiện cốt yếu của các vị thành hoàng tức là bốn chữ "hộ quốc tý dân", các sắc bách thần đều thế, dù là sắc của những ông thành hoàng chết đói, chết rét, ăn trộm, ăn cướp mặc lòng.
Me xừ Toóng có thể hộ quốc tý dân được chăng?
Tôi đã tìm các câu trả lời cho câu hỏi ấy trong nhiều cuốn công đức lục của các đấng tiên liệt họ Toóng.
Nhân hậu hơn hết, chỉ có ngài Toóng trong chuyện Liêu trai.
Ngài ấy quán ở Triệu thành bên Tàu. Vì trót ăn thịt con trai của một mụ già vùng ấy, ngài ta mới bị quan huyện sở tại bắt làm con nuôi bà kia , để sớm hôm nuôi cái thân già cô độc. Ngài ấy bằng lòng, và liền bắt hươu, bắt nai, ăn trộm vàng bạc, gấm vóc tha về cho mẹ nuôi. Rồi khi bà lão tạ thế, ông con nuôi này còn về tận mà gầm gào một hồi. Người ta bảo đó là ông cọp khóc mẹ. Vì vậy, người ở miền ấy mới lập ngôi nhà thờ ngài, họ gọi là đền Nghĩa hổ.
Ngoài đức Toóng ở liêu trai, loài Toóng chỉ có hạng hay ăn thịt người. Thửa xưa, mẫu quốc chưa biết lo về nạn nhân mãn, chắc rằng người ta không coi đó là việc tý dân hộ quốc.
Vậy mà ông Toóng V.L. cứ được làm vua năm thôn! Thì ra trong nước Việt nam, cái gì cũng có đặc ân được cả.
Tôi không biết trong đạo thần sắc của ngài, phong ngài làm "gì đại vương". Chỉ biết người trong làng ấy đều kiêng tiếng "Hổ", họ gọi trệch đi thành "hể" cũng có người gọi là ông Ba mươi, hay là ông quan tướng năm dinh....
Cái miếu để thờ vua hổ ở đây nghiêm lắm, nghiêm như một nơi cung cấm. Trừ ông thủ từ là kẻ cận thần của ngài, người làng không ai được ngó mắt vào. Những người đi qua trước miếu đều phải ghé ô, ghé nón.
Nhờ có một ông đàn anh trong làng làm người hưống đạo, chúng tôi đã được chiêm yết cái hành doanh của Hổ đại vương.
Nó là năm gian nhà gạch lối cổ nhiều bề rộng mà ít bề cao. Giữa tiết trời hè, trong nhà vẫn tối om om và vẫn ẩm rờm rợp. Bước vào trong cửa tôi tưởng như bước vào trong hang núi. Dưối lớp mái ngói, đầu xà mối kẻ quanh những con cốn con rồng, long, ly, qui, phượng nằm chen nhau với cúc trúc thông, mai để làm chỗ chứa đựng cát bụi. Mạng nhện chăng chít như những chiếc võng trăng từ đầu cột nọ đến đầu cột kia. Cứt chim sẻ rơi xuống sàn trắng xóa.
Lòng miếu chia làm ba ngăn. Hai ngăn bên đều có lát ván chừng để làm nơi dân làng họp hành, ăn uống. Ngăn giữa tức là ngự doanh của Hổ đại vương.
Vì có bức mành hoa thườn thượt từ trên mái nhà buông xuống, chỗ này có tể gọi là hai lớp. Lớp ngoài, không hiểu là để làm gì. Ngự tọa của Toóng đại vương thì ở lớp trong, cái lớp bị bức mành che kín, người làng gọi là hậu cung.
- chết nỗi! Hậu cung là chỗ thâm nghiêm, ngoài tôi ra không ai được bước chân vào. Đức thượng đẳng làng tôi thiêng lắm, người nào vô ý sẽ bị người vật chết tươi.
Ông thủ từ nghiêm nghị nói với chúng tôi như thế khi chúng tôi yêu cầu ông ấy cho vào xem trong hậu cung.
Bằng một giọng khẩn khoản tha thiết, chúng tôi phải nói dối là rất thành kính, rất thanh tịnh và cam đoan rằng nếu người vật chết cúng tôi cũng xin vui lòng, bấy giờ ông ta mới chịu khúm núm thắp đèn đốt hươnmng làm lễ, rồi rụt rè hé bức mành cho vào.
Chúng tôi tưởng như mình đi xuống âm cung, vì cái hậu cung của Toóng đại vương tối như hũ nút và hôi như tổ cú.
Nào có gì lạ đâu? Trước ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu ta chỉ thấy một cái bệ gạch xứt xở đột ngột nổi lên ở chính giữa. Trên bệ một cái bình hương, đầy ụ chân huơng, một vật đỏ đỏ xanh xanh sùm sụp úp xuống mặt bệ, coi chẳng khác cái đầu sư tử tháng tám.
- Đấy là lốt "bệt".
Ông thủ từ cắt nghĩa như vậy trong lúc ông ta đưa chúng tôi ra ngoài mành mành và lên trên sàn ngồi chơi. Chúng tôi không hiểu cà cố hỏi cho hiểu:
- Bệt là cái gì, thưa ông?
Ông thử từ mỉm cười ra bộ kiêu ngạo
-Tôi tưởng các ông nhà báo thì biết nhiều tiếng. Té ra hai ông đây không biết tiếng ấy ư? Lốt bệt tức là cái lốt bằng giấy giống hình người. Lát nữa, coi dân làng đuổi bệt các ông sẽ thấy.
Như sợ chúng tôi không nhận sự long trọng của cái lốt bệt, ông ấy nói thêm:
- Tiếng rằng nó là đồ mã, nhưng cũng là vật sự thần, vì vậy, từ xưa đến nay, không bao giờ làng dám mua bán bằng cách cẩu thả. Hàng năm cứ đến hai nhăm tháng ba, cụ trướng lễ và bốn ông hương trưởng làng tôi phải sửa trầu rượu ra đình làm lễ, xin đi thửa bệt. Luôn trong bữa ấy, cả năm ông đó đem lại một trăm quả cau đên nhà một người thợ ở làng bên cạnh, bảo họ làm tốt. Người thợ mã nhận số cau ấy, liền phải đặt lên bàn thờ cúng tổ sư, rồi mới nhận lời các cụ làng tôi. Trong lúc đan hom, dán giấy, người thợ mã phải tắm rửa sạch sẽ, ăn trai, không được gần vợ, gần con. Nếu không thế tất nhiên sẽ bị người quở phạt. Năm xưa, có người thợ mã đương làm công việc của nhà thánh, thình lình thấy trời đổ mưa, cả nhà đi vắng, anh ta phải chạy ra sân cất cái xống nâu cho vợ. Đáng lẽ, hắn dùng nước gừng tẩy uế cái tay thì không sao cả. Nhưng anh ta vội quá, cứ để bàn tay uế tạp lại vào cắt giấy. Tức thì Người cho một trận đau bụng lăn giường trên xuống giường dưới, tưởng chừng như sắp chết đến nơi. May sao người vợ vừa về. CHị ta vộ vàng sắm sửa trầu rượu, thiết lập bàn thờ giữa sân, kêu khấn với Người, bấy giờ anh ta mới khỏi. Các ông coi đó, việc quỷ thần có phải chuyện chơi?
Nghe nốiong cọp luôn ăn trầu uống rượu, chúng tôi đã suýt phì cười, phải cố nhịn mãi mới giữ được vẻ mặt tự nhiên. Chờ cho ông thủ từ dứt mạch, tôi lại hỏi tiếp:
Thần tích làng ta ra sao? Ông có thể nói cho chúng tôi biết chăng?
Ông thủ từ lắc đầu một cách quả quyết:
- cái đó không sao được! Bởi vì sự tích của người vẫn cất ở trong hòm sắc, cả làng tôi không ai được coi, chính tôi cũng không được biết ra sao. Vả chăng sự tích của người, xưa nay làng tôi vẫn giữ bí mật, dù có biết nữa, tôi cũng không dám nói ra.
Rồi ông cáo từ chúng tôi đứng dậy sắp sửa mũ áo, vì giờ đuổi bệt đã đến.
......
Trời tối, trẻ con tấp nập chạy nháo quanh đình với những tiếng hò reo vui vẻ.
Trong đình nổi một hồi trống cái, xen với hồi chiêng, ông thủ từ xúng xính mũ áo thụp xuống lòng đình lễ đủ bốn lễ, rồi thụt vào trong hậu cung. Tám, chính ông khác đứng ngoài đồng thời lạy vào. Kẻ đã ngay lưng đứng lên, người mới cúi đầu gục xuống, cảnh tượng giống như lũ phu bổ củi.
Cánh đồng trước đình bỗng nghe có tiếng ầm ầm và thấy bỏng lửa bốc lên sáng rực
Ánh lửa mỗi lúc một rõ thêm, tiếng ầm ầm mỗi lúc mỗi gần lại.
Một lát sau, hàng trăm bó đuốc đùng đùng chiếu vào cổng làng với những hàng gậy tre nghênh ngang ở trước ánh lửa.
Người đâu mà nhiều dữ vây! Họ đi hàng ba, hàng bốn, hàng năm một lũ dài kéo vào cửa đình, chẳng khác nào một đám quân chạy.
Trống cái trong đình thúc mau như trống hộ đê. Tù và liên thanh bất chỉ.
Đám người cầm đuớc tức thì rẽ ra hai hàng và đứng thẳng băng trước đình như hai dẫy cột đèn, làm cho sân đình thành một đoạn đường cái, Mấy trăn gậy tre nhất tề vừa múa vừa theo đoạn đường giữa hai hàng đuốc nhẩy vào cửa đình.
Hình như những người múa gậy đều có luyện tập. Nếu không làm sao bấy nhiêu chiếc gậy cùng múa mà không hcieec nào đụng chiếc nào!
Đuốc vẫn cháy nỏ, trống cái vẫn thúc rền, tù và vẫn thổi dữ, đám gậy hùng dũng xông vào lòng dinh, tiếng người reo như xô mái ngói.
Bỗng như bị vật gì ngăn cản, mấy trăm người và mấy trăm gậy nhất tề chạy ra chỗ cũ như một đàn vịt bị đuổi.
Trống cái, tù và lại thưa. Các gậy thi nhau múa.
Rồi, lại như trước, trống cái lại thúc mau, tù và lại thổi dồn. Đám gậy lạ sầm sập tiến vào lòng dinh và lại ù té chạy ra giữa những tiếng hò reo vang trời dậy đất.
Tôi đương lo rằng cái trò "thả chiến thả tẩu" diễn đến bao giờ cho rồi, thì đội quân đánh gậy đã lại hùng hổ xông vào phía trước hậu cung lần thứ tư.
Trước bóng lửa sáng, bức mành treo dưới cửa cấm tự nhiên lay động.
Một vật xanh xanh đỏ đỏ từ phía trong hậu cung chồm chồm nhảy ra:
- Người ra! Người ra! Người ra kìa!
Theo với một hồi vỗ tay, tiếng la "Người ra" ầm ầm như đám chợ vỡ.
"Người" là cái mà người trong làng này vẫn gọi là bệt.Đóng vai đội cái lốt bệt là cái ông thủ từ nói chuyện với chúng tôi vừa rồi. Tuy rằng phải chạy, phải nhẩy, có khi phải tế bằng kiểu bốn chân ông ấy vẫn giữ chiếc áo thụng lam súng sính.
Đám người múa gậy đều rạt ra hai bên đường, đứng lộn với đám người cầm đuốc nhường quãng đất không cho bệt chạy ra.
Giống như người múa sư tử bệt cứ chạy, vừa nhảy vừa tế bốn chân mà lồng ra đường.
Đuốc, gậy, tù và, trống cái nhất tề chạy theo với những tiếng reo ầm ầm.
Lúc này quang cảnh mới càng náo nhiệt. Trên những ruộng đất cày lổm chổm, lắm người ngã sấp ngã ngửa.
Chúng tôi đã sắp đứt hơi vì muốn theo đuổi trò lạ đời ấy cho đến cuối cảnh.
Trong ánh lửa sáng, một tòa đền cổ lù lù hiện ra dưới bóng cây với những chiếc tréo đao cong dướn.
Đám đuốc vừa suýt tới nơi bệt liền thụt vào trong đền.
Một hồi vỗ tay chấm dấu hết cho một cuộc chiến đấu. Bọn người đuốc gậy lẻ tẻ chia đi các ngả, ai về làng nấy. Chúng tôi vừa thở vừa theo người quen, ông P. trở về thôn T. Thì ra trong lúc mới rồi, chúng tôi cũng như những người đuổi bệt đã vô tình mà chạy một mạch luôn bốn cây số.
Ngủ một đêm, hôm sau vẫn còn thấy mệt.
Trước khi từ biệt, ông chủ nhà căn dặn lại chúng tôi.
- Các ông đừng cười. Cái hèm, nhà thánh làng tôi như thế. Nếu mà bỏ đi, trong làng sẽ không được yên, có khi sinh ra dịch tễ người chết như rạ. 



2. AI LÀM NÊN TỘI


- Không thể tha hắn, nếu chúng ta nói đến chuyện cái đình.
Một ông túc nho bảo với tôi thế khi sắp kể cho tôi một vài tục lạ ở thôn quê. Rồi ,bằng vẻ mặt bừng bừng tức giận, ông tiếp:
- Hắn là lão Trần thủ Độ, cái lão đại gian, đại ác, đã lợi dụng sự ngây thơ của cô gái bé con để cướp lấy ngôi nhà Lý ấy mà.
Tôi tưởng ông lầm lịch sử, vội vàng ngắt lời:
- Cụ bảo ông Trần Thủ Độ dựng lên cái đình trước nhất?
Ông lắc đầu một cách quả quyết:
- Không! Đâu có! Cái đình của ta vốn là bắt chước của Tàu: trong đời Tần Hán, hương thôn nước Tàu thường thường có đình cất ở ben đường, năm dặm một cái nhỏ, mười dặm một cái lớn. Khi ấy , cái đình là cái quán làm nới hành khách nghỉ chân và chỗ cung ứng những cuộc đưa tiễn. Truyện Kiều đã có nói đến. Như là:
Bề ngoài mười dặm trường đình
Vương ông bày tiệc tiễn hành đưa theo:
hay là
Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã đổi ra cao đình
Ấy đó, công dụng cái đình của Tàu ngày xưa, chẳng qua có vậy. Vậy mà đến khi sang ta, nó đã thay đổi khác hẳn.
Đến đó, ông tạm ngừng để vớ lấy chiếc xe điếu và đặt mồi thuốc vào nõ điếu. Tôi hỏi bằng giọng trịnh trọng:
- Thưa cụ, bên ta có đình từ đời nào, cụ có biết không?
Thở hết khói thuốc trong miệng cụ đáp:
-Thửa nhỏ tôi có đọc một cuón sách nói đến chuyện đó, bây giờ quên mất tên sách, nhưng câu chuyện còn nhớ mang máng. Hình như cái đình của ta mới có từ thời Bắc thuộc. Là vì, hồi ấy, nước mình bị làm quận huyện của Tần và hán, chế độ hương thôn cũng phải theo như của họ. Mấy anh Nhâm Diên, Tích Quang, Mã Viện Sỹ Nhiếp đem văn hóa nước họ truyền sang bên này, tất nhiên họ phải dem cả cái đình sang nữa. Có điều, cái đình của mình bây giờ, cũng như cái đình của Tàu thời xưa, chỉ để thợ cày, thợ cấy và người đi đường tránh mưa, tránh nắng, không có thờ cúng gì cả.
Cái tục thờ cúng tại đình, mới bắt đầu từ thời nhà Lý. Bởi vì nhà Lý sùng thượng đạo Phật nên mới bắt buộc các đình dân gian đều dựng tượng Phật tất cả. Trong hồi ấy, cái đình ngoài việc thờ Phật còn làm hành cung của nhà vua nữa.
Những lúc rỗi rãi, các vua thường về quê xem dân cày cấy và xét xử những việc kiện tụng, những điều oan khuất. Mỗi một cuộc tuần du như thế, ít ra cũng phải trong vài ngày mới về. Nếu mỗi lần lại bắt dân gian phải dựng một nếp hành tại, thì nó phiền cho dân quá. Nhà vua không muốn dân sự tốn kém vì mình cho nên đi đến làng nào, các ngài đóng luôn ở đình làng đấy. Vì thế, ở trong các đình mới phải kê sẵn cái sập để vua ngồi, người ta thường gọi là sập ngự và treo sẵn những cái hoành biển để chúc tụng nhà vua, như là: "Thiên tử vạn niên","Vạn thọ vô cuơng","Thánh cung vạn tuế"
.... Kiểm duyệt bỏ......
Cái đó mới thật là vô ý thức.
Ngắc lại giây lát, như để lấy hơi, ông lại cất cái giọng hùng hồn:
-Song mà trong dời nhà Lý cái đình tuy đã thành nơi thờ Phật và chỗ đón vua, nhưng vãn chưa phải là chỗ hội họp ăn uống. Dùng đình làm chỗ cho ăn uống hội họp, mới tự lão Trần Thủ Độ.
Anh ta tuy là con nhà thuyền chài, nhưng cũng có tài chính trị. Bởi việc cướp nước nhà Lý bằng cách bất chính, hắn biết rằng người trong nước phần nhiều không phục mình. Thật thế, với tám đời trị dân khoan hồng, ơn trạch họ Lý cũng đáng cho dân ghi nhớ. Thế mà thình lình mất nước một cách oan uổng. Cố nhiên họ ấy được dân sót thưong, mong có ngày khôi phục đất nước. Người ta không phục họ Trần là phải. Tuy rằng binh quyền, chính quyền đều ở trong tay, họ Trần có thể giết chết hết dòng dõi họ Lý để tuyệt mầm vạ nhưng mà không thể giết hết nhân dân. Làm thế nào cho được yên lòng những tay hào kiệt vãn thờ họ Lý?
Thủ Độ cho rằng những kẻ thượng lưu ai cũng hám danh, chuộng lơi, hắn liền dùng nơi đình trung nhử họ. Một mặt, phong cho những kẻ có công với mình, lúc chết được làm thành hoàng, đơi đời hưởng sự tế tự trong đình, một mặt thì bầy ra những chuyện hội họp ăn uống, và lại cho phép những người dự có quan tước đều được ngồi trên, ăn phần hơn, có quyền sai bảo những người ở dứoi.
Rồi ông kết luận:
- Bây giờ thời buổi văn minh, những cái hủ tục ở đình trung đáng lẽ phải sửa dổi hết thì dân quê mới mong có ngày tiến bộ. Chỉ vì người ta không rõ thê nào cho nên ít ai chú ý đến chuyện đình điếm. Anh đã làm báo cũng nên công bố cho mọi người cùng biết.
Theo lời ông, tôi đã lăn lóc nhiều năm ở thôn quê
Giữ lời hứa với ông, tôi đem cái ổ hủ bại mọi rợ đem chắp lại làm thiên điều tra.



3. VŨNG LỘI LÀNG NGANG


Hẳn không ai dám bảo cụ Tam nguyên Yên đổ làm hại phong hóa. Vì cụ vôn là nhà đạo đức, và cái đạo đức của cụ dù không cao lắm, nhưng nó cũng đáng ngồi lên trên đầu những người cầm cân phong hóa ngày nay. Nếu mà bảo cụ làm hại phong hóa, tất nhiên sẽ bị người ta chỉ mặt mà mắng là thằng nói láo.
Vậy mà ở ngay trong tập thơ của cụ, chúng ta đã được đọc bài sau đây:
"Đầu làng Ngang có vũng lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi,
Đàn bà đên đó vén quần lên,
Cao thì đên háng, thấp đến gối.
Ông Cuội ngồi trên mỉm miệng cười:
-Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép ngẩng lên thưa:
-Con trót hớ hênh, ông xá tội.
-Thôi Thôi! Con có tội chi con,
lại đây ông cho giống ông Cuội.
Từ đó làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ ra rặt những phường nói dối"
Bài ấy đã được in làm mẫu văn chương và được coi làm sách giáo khoa, đủ tỏ nó không làm gì hại phong hóa, dù nó mô tả một việc sỗ sàng mà bọn đạo đức giả vẫn kiêng như húy gia tiên không dám nói đến.
Cảnh tượng kỳ dị của vũng lội làng Ngang thế nào, một bài thơ ấy cũng đã tả hết rồi. Không cần vẽ thêm nét bút nào nữa. Chỗ còn thiếu, chỉ là lịch sử của cái vũng ấy.
Phải, cái vũng ấy cũng có một thiên lịch sử quan hệ. Tôi đã được nghe trong khi qua huyện N.S của tỉnh Hà nam, tiện dịp chiêm yết mạo Cuội Vương.
Thì ra ông Cuội này không phải ở trên cung trăng rơi xuống. Lúc sống, ổng cũng là cái xác thịt do người làng Ngang đẻ ra. Không biết vô tình hay hữu ý mà người đã nặn ra ổng lại đem tất cả những kiểu vụng về ở gầm trời dồn vào mặt ổng. Khiến cho bộ diện của ổng thành một chỗ chứa những cái: mày rậm, mắt sâu, mũi lõ , răng vẩu, hai môi bì bì như hai con đỉa no máu.
Thế rồi cả cặp thợ nặn ké tiếp nhau trốn xuống âm phủ bỏ ổng ở lại với người làng Ngang.
Chỉ vì ổng không biết nói thật bao giờ, cho nên các nhà nuôi ổng đều phải mời ông ra cửa và tặng cho ổng cái tên "thằng Cuội".
Lúc này đời ổng không khác gì cái đời hàn vi của ông tổ chúa Trịnh, ngày thì dong dẻo hêt đầu làng đến cuối làng; tối đến tất phải ăn trộm một hai con gà, hay là một hai con chó.
Hình như tướng tinh của ổng do sao thiên cẩu nhập vào, cho nên chó ở trần gian đều phải khiếp sợ. Bất kỳ chó dữ đến đầu, thấy bóng ổng là nem nép nằm im, không dám cựa, cũng không dám sủa. Vì vậy, đêm đêm ổng lại tự do ra vào các nhà để lấy gà chó của họ.
Chửi đã mỏi miệng, không thấy có ảnh hưởng gì, những kẻ mất gà mất chó sót ruột bảo nhau rình bắt cho được. Nhưng mà ổng trốn rất là tài, mấy lần bị hóc ở trong vòng vây, đều ra được cả.
Bây giờ ổng đã trở nên một đấng anh hùng, kẻ nào trái ý với ổng thì bị chửi ,bị đánh, có khi còn bị dọa đốt nhà là khác. Trước cái uy phong lẫm liệt ấy cả làng đêu phải đầu hàng. Họ bèn cắt nhau nộp thuế cho ổng: mỗi ngày một con gà, mỗi tháng một con chó, và một số gạo, rượu, mắm ,muối, đủ để làm ma cho những con vật ấy.
Nếu trên đời chỉ có ban ngày, thì đời ổng hồi này thật là tiên cách. Ngoài những lúc ngồi vặt lông gà hay vặt lông chó, chỉ có việc ngất ngưởng với hồ rượu.
Khổ một nỗi lại còn ban đêm. Nhất là những đêm mưa dầm gió bấc.
Ổng cũng biết đàn bà ở đời không phải là thừa. Nhưng hơn ba chục năm làm thân đàn ông, ổng chưa biết hơi đàn bà thế nào!
Nhiều lần ổng đã cậy mối hỏi vợ. Chỉ vì tướng mạo khác người của ổng, khiến cho con gái trong làng đều phải lè lưỡi lắc đầu khi thấy có người bầu họ đi làm bà Cuội. Thành ra ổng cứ phải làm trai tân mãi.
Hình ảnh đàn bà luôn luôn quanh quẩn ở trước mặt ổng.
Những đêm đông mưa sa rả rích dưới giọt tranh, gió thổi ù ù vào các khe cửa, ổng càng trằn trọc khó ngủ, và càng mơ tưởng tới các cô các chị trong làng. Cái răng, cái tóc, cái mắt, cái mũi của họ, ổng đều hình dung được cả. Cho đên cái vú ộ ệ vẫn nấp trong mấy lần yếm nâu, ổng cũng tưởng tượng ra được vì đã nhiều lần ổng thấy người ta vạch ra để cho con bú.
Người ta còn mong làm nên ông này , ông khác, áo rộng mũ cao, chứ ổng thì chỉ mong có thế. Đối với ổng, mũ cao áo rộng, không quí bằng cái mà ông thèm biết. Nếu được nhìn qua cho biết, dẫu chết cũng là đáng đời, ông vẫn tự nhủ mình như thế.
Làng ông ở giữa cánh đồng chiêm, quanh làng toàn nước, đầu làng có một con đường độc đạo chạy qua cửa lều của ổng, những người đi lại đều phải qua đó. Ông bèn xẻ cho đứt khúc đường đấy, rồi bắc luôn hai nhịp cầu bằng tre, một nhịp ở trên ngang với mặt đường, và một nhịp ở dưới cao hơn mặt nước một ít.
Mỗi ngày xong hai bữa ăn, ổng lại ra nằm duỗi dài ở nhịp cầu dưới hai mắt giương tròn để nhìn nhịp cầu trên. Người ta hỏi ổng tại sao lại nằm chỗ oái oăm như vậy, thì ổng nói là thích xem thiên văn, vì ở trên trời sắp có một ngôi đế tinh hiện ra ban ngày.
Đàn bà con gái lúc đầu còn thẹn, sau rồi quen dần, họ cứ đi lại một cách tự nhiên, ổng xem thiên văn mặc ổng.
Tuy vậy, khoa thiên văn ấy vẫn hoàn toàn ở trong đám huyền bí. Ổng đã mỏi mòn đôi con mắt với những cái bóng thấp thoáng trên cầu tre nhưng mà "trông lên thiên địa tù mù", chẳng nhận ra cái gì hết.
Nhịp cầu trên dần dần long bật cập kênh, người đi phải dò từng bước.
Sáng hôm ấy, một buổi sáng của mùa thu, ánh nắng đã hun hết những hơi sương đọng lại ban đêm, bầu trời trong như nước lọc. Trước ngọn gió thu hiu hiu thổi trên mặt nước, ổng đã thiu thiu nằm ngủ. Cợt thấy tiếng cót két, ổng phải bừng mắt trông ra. Một chị hàng cháo, đương dún dót bước ở cầu trên với bộ quang gánh kĩu kịt. Thích chí một cách rạo rực, ổng cũng khanh khách cười dưới gầm cầu.
Tiếng cuwoif bật ra thình lình, khiến chị hàng cháo giật mình đánh thót, ngã nhào từ trên cầu xuống. May được chỗ đó nước nông nên chị ấy không bị chết đối. Khi chị chàng lóp ngóp đứng lên, ông vẫn nằm khểnh trên mặt cầu dưới, cơn sướng chưa hết, tiếng cười vẫn ròn tan. Trông hai nồi cháo đổ ụp xuống nước, chị này vừa xót của vừa bực mình, sẵn chiếc đòn gánh nổi trên mặt nước, chị ta vớ lấy và giơ thẳng chánh phang luôn cho ổng mấy cái. Đòn trúng chỗ phạm, ổng giãy đành đạch rồi tắt thở.
Đồng vắng, kẻ giết người trốn thoát. Chiều đến, đàn quạ dập dìu kéo đến quanh cầu đưa những tiếng kêu quàng quạc. Người làng mới biết dưới cầu có người chết, họ bèn đem di hài ông Cuội táng vào gốc gò gần đấy.
Một tháng sau, trong làng có động, gà chết,chó chết, lợn chết, trâu chết , rồi người chết. Thày bói bảo đó là do vong hồn ông Cuội quấy nhiễu, vì ông chết được giờ linh, hiện nay được làm vị thần to lắm.
Cho được tạ tội với ổng, người ta phải lập ngôi đền vào chỗ lều cũ của ổng quanh năm hương khói phụng thờ.
Sống làm sao, thác cũng chiêm bao làm vậy,. Lúc ổng còn ở trên đời chí xem thiên văn vẫn chưa thỏa, nên khi làm đức thượng đẳng, ổng vẫn thèm xem thiên văn. Vì thế ổng đã đạp đồng bảo người làng Ngang phải phá mấy nhịp cầu tre của ổng đã bắc và không được lấp vũng lội giữa đường. Để cho đàn bà qua đó đều phải vén quần mà lội. Ông ở trong đền cứ việc tự do mà nhìn.
Nghe nói ổng đã được phong đại vương. Long sắc cũng đủ những chữ "hộ quốc tý dân, nẫm trừ linh ứng". Trải bao dâu bể, miếu mạo của ổng và cái vũng lội vẫn nghiễm nhiên trường thọ với non sông.




4. CÁC CỤ CHỈ CHUNG NHAU CÓ BÁT NƯỚC MẮM
Nhìn theo sử sách, ai cũng phải cho rằng Cổ Loa là làng văn vật. Bởi vì nó là kinh đô của vua An Dương Vương, trước mấy nghìn năm, hẳn đã từng chứa cái phồn hoa của áo xiêm cung điện. Trong nước Việt nam, làng ấy khai hóa rất sớm. Với bấy nhiêu năm tiến hóa, tự nhiên nó phải văn minh hơn những thôn xã mới lập sau này.
Có đến mới biết. Sự thật ít khi đi với trí tưởng tượng.
HÌnh như đã bị một giải thành đất giam hãm trong vành trôn ốc quanh co, con ốc cổ ấy tuy có sống lâu, nhưng vẫn không thể nhích đi bước nào.
Nó chỉ hơn người cái lớn. Tính cả nam phụ lão ấu, làng ấy có tới trên một vạn người. Riêng về số người phải đóng thuế thân, cũng đã đến gần ba nghìn.
Ba nghìn người chung nhau một cái đặc tính. Các ngài về tỉnh Phúc an, bất kỳ hàng cơm hay quán nước, hễ thấy có kẻ ăn tục nói khoác, thì cứ hỏi họ có phải là người làng Cổ Loa hay không. Nếu họ đáp không, ấy là họ nói dối.
Đào tạo cho họ cái đặc tính ấy, một phần là do ngôi chợ Xa, cái chợ rất lớn của tỉnh Phúc an. Hàng hóa nhiều nhất trong chợ là lợn. Cứ đén phiên chợ, lợn lớn lợn nhỏ đo nhau nằm một dãy dài. Vì thế trong cố đô nhà Thục, sản xuất rất nhiều lái lợn. Họ đã tổ chức thành một nhóm hội, hội viên cũng khá đông. Với một vành khăn tai chó ngất ngưởng trên bộ trán da hồng, hàng phiên, các hội viên ấy thi nhau xưng hùng xưng bá ở dẫy hàng lợn. Bất cứ kẻ mua ,người bán , nếu không qua tay họ không xong.
Nghề ấy rất có sức mạnh, nó đã làm cho cả làng ấy biến thành quân thù của văn học. Họ cũng học đấy, song mà không cần phát đạt. Trong cái thời đại hán học dằng dặc gần một nghìn năm, họ chỉ đóng góp với các xứ một ông tú tài. Từ ngày Tây sang đến giờ, chưa có người nào thi đậu Cao đẳng tiểu học.Nhưng mà người họ rất thọ.
Các làng Bắc kỳ, phần nhiều có lệ năm mươi nhăm tuổi thì được lên lão. Những ông gọi là lão nhiêu đáng lẽ phải đóng thuế thân thêm sáu năm nữa mới được miễn trừ, song vì tục dân trọng lão đã quen, cho nên dân phải vui lòng chia nhau gánh đậy cho các lão ấy. Làng này hơi khác. Hạng lão già hơn hạng lão các nơi năm tuổi, bởi vì cái tuổi lên lão của họ phải đúng sáu mươi . Vậy mà số lão ở đây mới đông làm sao. Có thể bằng một làng nhỏ.
Chợ Xa họp vào ngày sáu, ngày một. Trong những ngày ấy, khoảng chín, mười giờ, đứng ở cổng chợ phía bắc, người ta sẽ thấy những ông tóc bạc, râu dài, lộc chộc chống chiếc gậy trúc kéo vào phía trong chợ từng lũ. Rồi đến buổi chiều, cũng ở chỗ ấy trở vào cổng làng với những bộ mặt dỏ như mặt trời và những hơi thở sặc sụa mùi rượu.
Các cụ no say về lợn. Bao nhiêu con lợn đem bán ở chợ Xa đều phải đóng thuế cho các cụ cả.
Giữa chợ có một cái quán khá rộng, người ta thường gọi là chầu các cụ. Cứ đến phiên chợ các cụ ăn cơm thật sớm, rồi lại rủ nhau ra ngồi tại quán đó, để ra lệnh cho tên mõ chợ đi lùng trong dẫy hàng lợn.
Những người đi bán lợn con thường có một đồ dùng đặc biệt. Họ rốt lợn vào rọ, họ đựng dọ bằng chiếc lồng to , rồi họ dùng cây đòn tre khiêng cái lồng ấy vào chợ.
Lồng lợn của họ vừa đặt xuống, mõ chợ đã đến thu mất cây đòn để đem về quán trình với các cụ, muốn khiêng lồng về, ngưồi ta phải đến quán ấy mà chuộc lấy cây đòn ấy. Tiền chuộc tùy ý các cụ định liệu, ít nhất cũng phải hai hào. Đó là thuế một lồng lợn.
Một cái thị trường rộng lớn như ngôi chợ Xa, mỗi phiên phải có hàng trăm lồng lợn. Bời vì lợn của mấy huyện gần đấy, đều phải bán ở chợ ấy. Cho nên, riêng số thuế lợn, mỗi ngày đã có vài chục đồng. Trừ ra một phần để dành, món tiền ấy sẽ làm cho các cụ no say trong ngày hôm ấy. Vì vậy, các cụ mong đến phiên chợ chẳng khác con gái mong đến ngày cưới. Mưa bão chết cò, cũng cố dò đi, chỉ khi nào ốm nặng mới chịu ở nhà.
Trong lúc ăn uống các cụ không thèm dùng đến đầy tớ , nhà bếp. Đã có cụ dưới đi phục dịch cụ trên. Thì ra cái tuổi lục tuần, ở các làng khác là tuổi cơm bưng, nước rót, con cháu dưới gối sum vầy, nhưng ở làng này, vẫn còn là tuổi chỉ để năm ngày một lần ra chợ thái thịt, đun bếp , xách bát, dựng mâm cho các người khác.
Đấy là cái nạn hàng phiên. Cái nạn hàng năm còn khổ hơn nữa. Một làng Cổ Loa tất cả trên sáu trăm cụ. Mỗi năm một lần, cứ đến hồi cuối tháng chạp, mấy trăm cụ đó họp nhau đánh chén một bữa.
Chi phí về bữa chén đó đã có số tiền thuế lợn để dành trong hàng phiên. Các cụ chỉ cần người chứa.
Những ai đóng vai ấy?
Thì lại mấy cụ ngồi dưới.
Họ kêu là chức các cụ.
Tôi đã bị một phen sặc cười khi nghe một cụ làng ấy thuật lại chi tiết của công cuộc đó.
Cái đặc sắc của "cỗ việc làng" làng này chỉ là thịt chém mấu nứa.
Các ngài nếu chưa ăn cỗ nhà quê, chắc chưa biết thứ thịt đấy. Nó là những miếng thịt luộc chặt ra, lớn bằng nắm tay đứa trẻ lên năm trùng trục như mấu cây nứa , người ta đựng bằng lá chuối và để lù lù giữa mâm, cỗ của làng này ăn uống tại đình, phần nhiều chỉ có món đó. Nhưng đến bữa tiệc tất niên của các bô lão, thì lại không dùng kiểu ấy, các cụ ăn lối nửa chợ nửa quê.
Đã có điều lệ nhất định, mỗi mâm phải tám thứ nấu, tám thứ dò nem, chả lòng,thịt, tất cả cũng tám thứ nữa. Cộng trong một mâm, lớn nhỏ hai mươi bốn thứ.
Cứ thế cũng đủ chết người chứa rồi, vì không có hạng mâm nào đựng được hết bấy nhiêu thứ. Nhưng nào có thế thôi, nó còn gấp lên nhiều lần.
Theo tục làng ấy, mỗi cỗ đều phải đóng sáu. Sáu người ngồi chung một cỗ, tránh sao cho khỏi cái tệ ăn tham? Với hạng trai trẻ, người ta có thể dùng cách bẻ đũa để trừng phạt những kẻ gắp nhiều, nhưng các cụ là bực đạo mạo, không thể làm theo kiểu ấy. Chắc hẳn ngày xưa đã có cụ nào nghĩ đến chỗ đó, nên mới đặt ra lệ ăn riêng.
Trong một mâm, bất cứ món gì đều phải đủ con số sáu. Sáu dò, sáu nem. sáu bong bóng, sáu mắm mực. Cái gì cũng sáu tất cả.
Các ngài hãy thử tưởng tượng hình dạng một mâm ấy ra sao. Sáu lần hai bốn, thành ra một trăm bốn tư.
Một trăm bốn tư bát đĩa xếp vào một đống. Kém gì một cái gò nhỏ. Cố nhiên trong cái thế gian này, không có một thứ mâm nào bầy được nhiều đĩa bát. Người ta phải đặt nó vào chiếc chiếu. Thế rồi, khi ăn, phần của ai thì nguời ấy gắp, các cụ chỉ chung nhau có bát nước mắm.
Những cái dạ dày già nua chứa sao hết bấy nhiêu món ăn? Ăn không hết các cụ lấy phần. Mỗi phần ít ra cũng đầy rổ.
Chỉ khổ các cụ nhà chứa. Nhà nào sắm cho đủ bấy nhiêu đĩa bát. Trước ngày phải nhờ họ hàng đi mượn, sau ngày chứa lại cậy họ hàng đi trả. Bao nhiêu con lợn chết theo với cuộc chứa đó. Nhiều người làm ăn gom góp từ trẻ đến già, chỉ chứa một bữa là hết. 




5.CUỘC THI GIẾT LỢN

Ông bảng Đồng tỉnh nói đúng: chứ dâm không phải bậy cả.
Làng Th.L của tỉnh Phúc an tuy không hề "nảy ra hiền" nhưng không khác gì làng khác. Họ cũng sinh nhai bằng nghề cày cấy, cũng biểu lộ cái tính chất phác bằng những áo vải quần nâu. Họ chưa lây những mốt ăn chơi hiện đại, nhất là đàn bà con gái của họ chưa biết lợi dụng son phấn làm tiền như số đông các bà các cô thị thành.
Vậy mà họ lại bị gọi là làng Dâm.
Thì ra chữ "dâm" ở đây không có nghĩa là chửa hoang, làm đĩ.
Tôi đã thân hành tới tận làng ấy bằng cái công trình cuốc bộ năm, sáu cây số sau khi xuống ga xe lửa Xuân Kiều. Không phải cốt vì họ mà minh oan cho cái tiếng dâm. Là để coi một cuộc thi giết lợn.
Hồi ấy nhằm đầu tuần giữa tháng giêng, cái tháng mà hầu khắp thôn quê Bắc kỳ rộn rịp những tiếng chiêng trống. Danh tiếng của cuộc thi ấy tuy không lừng lẫy cho lắm, nhưng nó đủ sức lôi kéo tôi tới vùng đó từ chiều hôm trước với một người quen. Vì không tiện ngủ tại làng sở tại. Chúng tôi phải tạm trú lại một làng bên cạnh Sáng mai gà gáy một tiếng, bạn tôi đánh thức toi dậy để đi cho kịp cái giờ cuộc thi bắt đầu.
Đêm xuân trong xứ Bắc Kỳ, mấy khi không mưa. Nó còn có thêm cả gió nữa. Trước sự tàn nhẫn của gió bấc mưa phùn, trời giá như cắt, chúng tôi lần mò qua một cánh đồng không với sự hăng hái của toán lính cảm tử ra trận, để đi sang làng Th.L.
Sáng rõ, sân đình đã thấy tấp nập. Ngoài bọn hương hào quần chùng áo dài, thêm vô số con nít mắt đầy rử rạp, hình như sáng dậy, chúng vôi ra đình không kịp rửa mặt.
Tiếng trống cái và tiếng trống con ầm ầm thúc ở các ngõ. Những ông hương lý láo nháo chạy ra trước đình, con nít thi nhau hò reo: "Ỷ của quan đám đã ra"
Một toán, hai toán , ba toán, bốn toán. Hai phía đầu đình cả bấy nhiêu toán lần lượt tiến vào. Toán nào toán nấy, mở cờ giong trống, linh đình như những đám quan trẩy.
Đó là bốn con lợn lớn. Thứ lợn nuôi để cúng thần, đã được tôn làm ông Ỷ.
Giữa đám lọng xanh, lọng vàng xúm xít bốn ông lợn lớn, chõm xhoej ngồi trong bốn chiêc cũi tre, giống như hồi xưa người ta giải các tướng giặc bị bắt. Có điều cũi của tướng giặc ngày xưa chỉ có đanh chốt đóng giữ, còn cũi của mấy ông lợn này thì chằng buộc toàn bằng thừng chạc nhuộm mầu cánh sen, coi bộ cực kỳ long trọng. Hơn nữa, đằng sau mỗi cũi, lại có một đội âm nhạc đủ cả đàn sáo kèn nhị và một ông già đội mũ té áo thụng xanh, cung kính đi hầu.
Như đám hàng tổng đánh cướp, tróng cái trống con của các đoàn thi nhau thúc một hồi cuối cùng. Bốn chiếc cũi tre đồng thời được rước vào tận trước đình, và sắp thành chữ nhất. Bằng vẻ mặt rất tự nhiên, cả bốn "ông lợn" cùng chầu vào cửa đại đạo, không sợ hãi và không ụt ịt một tiếng nào hết.
Cờ quat tàn lọng cừa được dựng lên mái đình hay là cắm vào tổ giá, một đội nồi, sanh ở đâu nhất tề tiến ra với những người khỏe mạnh hung tợn chẳng khác một bọn tướng cướp. Các sanh đều có để bát muối trắng và con dao bầu sáng choang. Các nồi đều đặt vào chiếc quang dài do hai người khiêng lễ mễ. Miệng nồi tuy có đậy nắp, hơi khói vẫn bốc lên nghi ngút, tỏ rằng ở trong đó có đựng nước sôi. Trong đình nổi một hồi tùng cắc. Ông thủ từ phủ phục phía trước hương án, hai tay dơ lên che miệng và làm rầm khấn khứa, để cho một lũ ông khác sì sụp lễ theo.
Mỗi nguời vừa hết bốn lễ, ba vái thì tiếng tùng cắc vừa tan. Một ông trong bọn vừa cởi áo thụng vừa chạy ra trước cửa đình để nói một câu rất hách dịch:
-Chạ đã làm lễ tỉnh sinh xong rồi. Các quan đám truyền cho gia nhân vào việc đi chứ.
Tiếng reo đồng thời nổi lên ồn ồn với những tiếng ti-u của các hiệu sừng, hiệu ốc. Trẻ con đàn bà, những người vô sự hết thảy bạt ra ngoài tường bao lan, nhường khu đất trước đình cho các đội đồ tể. 
Có thể tưởng như đám quỉ sứ phá ngục, những ông khỏe mạnh hung tợn chực ở chung quanh các cũi hùng hổ xúm lại kẻ thì dùng dao chặt hết những sợi thừng chạc nhuộm đỏ những ông khỏe mạnh hung tợn chực ở xung quanh các cũi hùng hổ xúm lại kẻ thì dùng dao chặt hết những sợi thừng trạc nhuộm đỏ, người thì chém đanh, chém chốt, tháo hết các then cũi ra.
Mỗi cũi chừng hơn mười người xấn vào. Nhanh như cắt, họ túm ông lợn lôi ra xềnh xệch. Lúc này đối với con lợn, người ta không giữ lễ độ như trước nữa. Tựa cái sức mạnh của đông người, họ không cần trói, chỉ giữ bằng bàn tay không, thế mà ông lợn cũng chỉ há mồm mà kêu eng éc, không thể động cựa, dù mà sức lực "ông ấy " to lớn gần bằng con trâu. Cái sanh đựng muối đã được một nguời sách lấy hai quai và hứng dưới cổ con vật đáng thương. Một người khác sắn gọn hai ống tay áo, lăm lăm cầm con dao bầu đâm vào cổ nó, giữa lúc hai người béo lớn lật đật khiêng nồi nước sôi đi sau, để cho một người nhanh nhẩu cầm gáo múc nước dội vào mông nó.
Bấy giờ công việc mới càng túi bụi. Tiết ở cổ lợn cứ việc chảy ra lòng sanh, nước ở trong gáo cứ việc đổ vào mông lợn, người bưng cái sanh, ngừoi cầm cái gáo, người khiêng cái nồi nước sôi cũng như những người túm chân lợn, đều chạy như bắn. Ra khỏi đầu đình bốn tốp chia bốn ngả, tốp nào về nhà chủ lợn tốp ấy. Sao mà tài quá đi mất. Cả đám đều chạy như thế, mà không người nào dầy séo lên chân người nào, tiết lợn cũng không vung vãi ra đất một giọt.
Theo sau một đám, để coi cho biết cứu cánh của cuộc tể sát lạ đời, tôi bỗng nghĩ đến cái cáng. Người ta bảo chính vua Quang Trung đã chế ra thứ đồ vận tải ấy.
Bấy giờ quân Tôn Sỹ Nghị đã vào đóng trong thành Thăng Long. Vua Quang Trung muốn gấp đường tiến quân cho kịp đánh họ một trận vào dịp nguyên đán, vì sợ lính tráng họ đi suốt ngày suốt đêm, thì tất nhiên ai nấy nhọc mệt không đủ sức mà đánh giặc, ngài mới nghĩ ra cái cáng để các quân sĩ cắt lượt nhau hai người khiêng cho một người ngủ.
Sách Tàu có một chuyện giông giống như thế. Tôi không nhớ là viên tướng nào, chỉ nhớ trong khi gấp đường tiến quân, viên tướng đó đã bắt quân lính đổ gạo đổ nước vào các sanh lớn, rồi hai người khiêng, một người vừa đi vừa cầm đuốc mà đốt dưới sanh.
"Ừ thì việc binh mới phải thần tốc, người ta mới dùng đến cái cách vừa đi vừa ngủ hay vừa đi vừa nấu cơm.Chứ việc cúng thần cũng không lấy gì làm cấp bách, sao cái làng này cũng dùng đến cái cách vừa chạy vừa giết lợn?" Tôi đương hỏi tôi và tôi đương phân vân tìm câu trả lời, nhưng vẫn chưa tìm được
-Anh em sắp chày ra!
Một tiếng dục dã dữ dội báo cho tôi biết đã tới cổng nhà quan đám.
Không biết họ đã cạo lông lúc nào, cái mông con lợn của họ đang khiêng đã trắng phôm phốp cả rồi.
Trong sân nhà quan đám đã kê sắn một tấm phản ngựa, dao, thớt, rổ , rá, bát, đĩa, nồi, chậu la liệt bầy khắp xung quanh.
Con lợn sau khi bị khiêng qua cổng, liền được đặt trước vào phản.
Người ta làm việc đúng như nhà thương mổ xẻ người bệnh. Một người khoét miếng thịt mông đã cạo lông rồi quăng ra cái rổ. Hai ba người khác pha miếng mông ấy làm hai ba mảnh và lọc lấy nạc thái ra. Rồi lại hai ba người nữa bỏ những miếng thịt ấy vào cối mà giã. Một người cứ muc nước sôi đổ vào mình lợn. Hai ba người khác cứ việc cầm dao cạo lông. Giữa lúc người này cầm cái sỏ lợn đem luộc, thì người nữa cũng đã rạch bụng lợn moi lấy lòng gan đem rửa.
Hoạt động chưa đầy một giờ đồng hồ họ đã làm xong một mâm cỗ lớn đủ cả giò, nem, ninh mọc, lục phủ ngũ tạng con lợn và đệ ra đình cúng thần.
Mọi người hí hửng cười ran:
-Chắc là cỗ của nhà ta được giải nhất.
QUan đám vui vẻ bảo với chúng tôi:
-Làng tôi, mỗi năm có bốn đám, mỗi người phải nuôi một con ỷ, cứ đến hôm nay đem ra thờ. Của làng có năm sào ruộng treo giải, hễ ai làm xong trước, và làm được cỗ nhất nghĩa là cỗ có nhiều món thì sẽ được cấy năm sào ruộng ấy. Kể ra năm sào ruộng không đáng bao nhiêu, nhưng nếu chậm, cỗ bé, thì sẽ mang tiếng với làng nước. Vì thế chúng tôi phải cố. Ông tính một ngày như vậy, nhà tôi cũng phải tốn kém đến hơn trăm bạc, vì lát nữa còn phải mời làng ăn uống một bữa. Như thế, cấy năm sào ruộng của làng một năm đã bù lại được một phần mười hay chưa?
Từ biệt ông chủ đi ra, bạn nói cho tôi biết , làng ấy vẫn thờ một ông .....tướng cướp.
Chỉ có những ông tướng cướp mới có cái kiểu giết lợn hỏa tốc như vậy. 


( sưu tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét