Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Các nhà thơ Pháp nổi tiếng ( phần 1 )



1. Guillaume Apollinaire (tên thật bằng tiếng Ba Lan: Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris de Wąż-Kostrowitcki, 26 tháng 8 năm 1880 – 9 tháng 11 năm 1918) – nhà thơ Pháp gốc Ba Lan, một trong những nhà thơ lớn của Pháp đầu thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris Kostrowitzky sinh ở Roma, Ý. Mẹ là Angelica Kostrowicka, một phụ nữ quí tộc đã sa sút chạy sang Ý sau cuộc bạo loạn 1863 – 1864 ở Ba Lan, bố không rõ. Năm 1887 Wilhelm Kostrowitzky cùng mẹ và em trai chuyển về Monaco. Học ở Monaco, Cannes. Từ năm 1899 chuyển về sống ở Paris, làm thơ, viết báo và trở thành nhà thơ nổi tiếng với bút danh Guillaume Apollinaire – là cách gọi bằng tiếng Pháp của hai tên Ba Lan Wilhelm và Apollinaris. Tháng 9 năm 1911 Guillaume Apollinaire bị bắt vào tù vì ông bị nghi tham gia vào vụ ăn cắp bức họa Mona Lisa nổi tiếng ở bảo tàng Luvre, một năm sau được trả tự do vì không tìm ra chứng cứ. Năm 1912 ông cùng bạn bè thành lập tạp chí “Chiều Paris” và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này in bài thơ nổi tiếng nhất của ông: Cầu Mirabeau (Le Pont Mirabeau) và trường ca Zone, đưa Guillaume Apollinaire lên vị trí số một trong các nhà thơ đương thời. Năm 1913 in tập thơ Rượu (Alcools), năm 1914 in một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình (Calligrammes). Khi chiến tranh thế giới I nổ ra, Guillaume Apollinaire tình nguyện ra trận với mong muốn được giải phóng Ba Lan nhưng bị thương nặng, trong thời gian này ông viết nhiều bài thơ về chiến tranh. Tháng 3 năm 1916 Guillaume Apollinaire được nhập quốc tịch Pháp và trở lại Paris tiếp tục sáng tác. Guillaume Apollinaire mất ở Paris vào năm ông 38 tuổi.

Tác phẩm:
*Les exploits d’un jeune Don Juan, 1907
*Les onze mille verges, 1907
*L'enchanteur pourrissant, 1909
*L'Hérèsiarque et Cie, 1910
*Le Théâtre Italien, 1910
*Le bestiaire ou le cortège d’Orphée, 1911
*Alcools, 1913
*Les peintres cubistes, 1913
*La Fin de Babylone, 1914
*Case d'Armons, 1915
*Le poète assassiné, 1916
*Les mamelles de Tirésias, 1917
*L'esprit nouveau et les poètes, 1918
*Calligrammes, 1918
*Le Flâneur des Deux Rives, 1918
*La femme assise, 1920
*Le guetteur mélancolique

Các tuyển tập:
*Oeuvres роétiques. P., 1956
*Oeuvres completes, t. 1-4, P., 1965—1966
*Oeuvres en prose complètes. Vol.1-2. Paris: Gallimard, 1991 (Bibliothèque de la Pléiade)




CẦU MIRABEAU

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui sẽ đến theo sau nỗi ưu phiền.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Mặt đối mặt và tay trong tay nhau
Vòng tay ta như cầu
Dưới cầu dòng nước chảy
ánh mắt rã rời vì li biệt dài lâu.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Tình ra đi như dòng nước trôi nhanh
Tình yêu của em và anh
Cuộc đời ơi, sao mà chậm rãi
Hy vọng sao mà dữ dội cuồng điên.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Vẫn trôi đều ngày tuần, tháng năm
Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn
Chỉ một điều không bao giờ thay đổi
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.


BÀI THƠ TẶNG LINDA

Cái tên nghe rất tôn giáo của em
Hơi kiêu kì - và đó là bản chất
Cái tên em bí ẩn không giấu được
Tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “xinh”.

Còn tiếng Đức có nghĩa là “dịu hiền”
Như tháng Tư giữa trời đêm trong gió
Cây gia thần tiên hát ca, nghiêng ngả
Trong tiếng xạc xào hương toả mùi đêm.

Tên của em đẹp hơn mọi cái tên!
Thời Hy Lạp cổ, đó là “thành phố”
Rất phồn thịnh, như thiên đàng, một thuở
Giữa những hoa hồng trên đảo Rhodes hát lên.



2. Louis Aragon (3 tháng 10 năm 1897 – 24 tháng 12 năm 1982) – nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị Pháp, thành viên của Viện hàn lâm Goncourt.

Tiểu sử:
Louis Aragon sinh ở Paris, là con ngoài giá thú của Marguerite và Andrieux. Học Đại học Y ở Paris. Sau này, Aragon chọn bút danh cho mình lấy tên của một vùng đất lịch sử ở Tây Ban Nha. Thời trẻ Aragon gần gũi với các nhóm Dada và Surrealism. Năm 1927 gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tích cực tham gia các hoạt động báo chí. Năm 1932 cùng đoàn các nhà văn Quốc tế đến thăm vùng Ural của Liên Xô. Ấn tượng của chuyến đi này được Aragon thể hiện trong tập thơ Hourra l'Oural, (Hoan hô Ural, 1934). Vợ của Aragon là Elsa Triolet, một cô gái Liên Xô gốc Do Thái. Elsa Triolet là chị gái của Lilya Brich, vợ của nhà thơ Nga nổi tiếng Vladimir Mayakovsky, bản thân Elsa Triolet cũng là một nhà văn nổi tiếng.
Thời kỳ Thế chiến II, Aragon tham gia phong trào Kháng chiến, là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào này. Các tập thơ Le Crève-Cœur, (Dao trong tim, 1941); Les Yeux d'Elsa, (Đôi mắt Elsa, 1942); thể hiện lòng yêu nước và sự quay về với những đề tài tình yêu cổ điển. Ngoài thơ ca, Aragon còn là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị về những vấn đề của văn học hiện đại. Louis Aragon mất ở Paris năm 1982.

Tác phẩm:
Văn xuôi:
*Anicet ou le Panorama, 1921
*Les Aventures de Télémaque, 1922
*Le Libertinage, 1924
*Le Paysan de Paris, 1926
*Le Con d’Irène, 1927 (sous le nom d’Albert de Routisie)
*Les Cloches de Bâle, 1934 («Le Monde réel»)
*Les Beaux Quartiers, 1936 («Le Monde réel»), Prix Renaudot
*Les Voyageurs de l’Impériale, 1942 («Le Monde réel»)
*Aurélien, 1944 («Le Monde réel»)
*Servitude et Grandeur des Français. Scènes des années terribles, 1945
*Les Communistes (6 volumes), 1949—1951 et 1966—1967 («Le Monde réel»)
*La Semaine Sainte, 1958
*La Mise à mort, 1965
*Blanche ou l’oubli, 1967
*Henri Matisse, roman, 1971
*Théâtre/Roman, 1974
*Le Mentir-vrai, 1980
*La Défense de l’infini, 1986
*Les Aventures de Jean-Foutre La Bite, 1986

Thơ:
*Le Musée Grévin, publié sous le pseudonyme de François la Colère
*La rose et le réséda
*Feu de joie, 1919
*Le Mouvement perpétuel, 1926
*La Grande Gaîté, 1929
*Persécuté persécuteur, 1930—1931
*Hourra l’Oural, 1934
*Le Crève-Cœur, 1941
*Cantique à Elsa, 1942
*Les Yeux d’Elsa, 1942
*Brocéliande, 1942
*Le Musée Grevin, 1943
*La Diane Française, 1945
*En étrange pays dans mon pays lui-même, 1945
*Le Nouveau Crève-Cœur, 1948
*Le Roman inachevé, 1956
*Elsa, 1959
*Les Poètes, 1960
*Le Fou d’Elsa, 1963
*Il ne m’est Paris que d’Elsa, 1964
*Les Chambres, poème du temps qui ne passe pas, 1969



TÌNH HẠNH PHÚC KHÔNG HỀ CÓ

Con người chẳng có quyền gì. Không ở trong sức mạnh
Không ở trong tim, trong sự yếu đuối của mình
Khi giang rộng vòng tay – thì tai họa đứng sau lưng
Xiết chặt vào lòng – là giết mình mãi mãi
Sự hành hạ con người đôi cánh rộng mở ra
Tình hạnh phúc không hề có.

Bị tước mất vũ khí, đời người lính còn gì
Khi người ta đem đặt thứ khác vào số phận
Mỗi buổi sáng thức giấc thấy đời trống vắng
Rồi chờ đợi buổi chiều với một nỗi buồn thương
Không cần nước mắt đâu. Đó là cuộc đời anh
Tình hạnh phúc không hề có.

Tình của anh và nỗi đau, nỗi đau đớn của anh
Như con chim bị thương, em trong tim anh đó
Anh và em bước đi dưới ánh mắt thiên hạ.
Anh bện vào những lời rồi nhắc lại những lời anh
Vì đôi mắt của em mà người ta xin chết sẵn sàng
Tình hạnh phúc không hề có.

Không, ta đã muộn màng để học cách sống từ đầu
Cứ để cho hai con tim trong buổi chiều cùng đau khổ
Cần đau đớn để cho bài ca sinh hạ
Và lòng thương, khi đám cháy đã không còn
Cần thổn thức để cùng cây đàn ghi ta hát lên
Tình hạnh phúc không hề có.

Không có trên đời tình yêu mà không biết đến đau thương
Không có trên đời tình yêu mà khổ đau không mang đến
Không có trên đời tình yêu mà không sống bằng đau đớn
Và anh cũng như em, vẫn yêu đất nước quê hương
Không có tình yêu mà không có nước mắt, đau buồn
Tình hạnh phúc không có nhưng tình vẫn sống
Và đâu phải vì điều này mà anh hết yêu em.





 







3. Joachim du Bellay (1522 – 1 tháng 1 năm 1560) – nhà thơ Pháp, thành viên nhóm Pléiade, được coi là một trong những nhà cải cách ngôn ngữ thơ ca Pháp thế kỷ XVI.

Tiểu sử
Joachim du Bellay sinh ở Lire, gần Angers (Pháp). Năm 1547 gặp Pierre de Ronsard, chủ soái nhóm Pléiade, đã từ chối chức vụ cao trong giáo hội để theo nghiệp thơ ca. Ông là tác giả của tác phẩm nổi tiếng: "La défense et l’illustration de la langue française" (Bảo vệ và phát triển tiếng Pháp), được coi là tuyên ngôn của nhóm Pléiade. Tác phẩm này đề ra phương hướng phát triển của thơ ca mới, phê phán thứ thơ bắt chước phong cách các nhà thơ cổ và sử dụng ngôn ngữ Latin. Joachim du Bellay là nhà thơ có công lớn trong việc làm giàu ngôn ngữ thơ ca Pháp, trong việc sáng tạo ra những thể loại thơ mới như ode, bi ca, sử thi… Ông cũng là tác giả của tác phẩm thơ châm biếm đầu tiên trong thơ Pháp: "Le poète courtisan".
Tuy vậy, nhiều tác phẩm của Joachim du Bellay vẫn ngược lại với lý thuyết mà ông đề cao. Người ta vẫn chỉ ra nhiều chỗ ông mô phỏng thơ cổ và sử dụng ngôn ngữ thơ Latin trong những tác phẩm đáng kể nhất. Đây cũng là đặc điểm của cả nhóm Pléiade.
Joachim du Bellay mất ở Paris năm 38 tuổi.

Thư mục
*L’Olive, Recueil de poésies
*Divers poèmes
*Les amours
*Antiquités de Rome
*Les Regrets; Jeux rustiques
*La défense et l’illustration de la langue françoise, choix, notice biographique et bibliographique par A. Séché, 1908
*Divers jeux rustiques et autres œuvres politiques, publ. sur l’éd. originale de 1558 et augm. des lettres de l’auteur avec notice de G. Colletet, bibliographie et notes par A. van Bever, 1912
*Œuvres poétiques, 5 vv., publ. par H. Chamard, 1919-1923 (Société des Textes Français Modernes)
*Divers jeux rustiques, éd. crit., publ. par H. Chamard, 1923.


Sonnê XXXV

Ông thầy thuốc chữa cơn sốt run
Bằng cách đắp lên người khăn ấm
Còn cơn sốt tình yêu khô và nóng
Chỉ dịu đi khi thỏ thẻ với tình.

Bếp lửa cháy em thổi nước vào trong
Thì ngọn lửa càng bốc lên vùn vụt
Ngọn lửa kia nếu em muốn dập
Cần phải đem dội nước bằng thùng.

Trong tình yêu bằng cách ấy được chăng?
Anh đã từng thử bằng cách như vậy
Tại vì sao không được hở ma Dame.

Càng cố sức dập ngọn lửa tình
Thì anh càng yêu em say đắm
Và không muốn ai dập lửa giùm anh!



XCI

Hãy trả lại cho vàng màu sắc
Màu sắc từng say đắm lòng tôi
Hãy trả về cho phương Đông châu ngọc
Tia sáng của mắt trả lại mặt trời.

Trả cho hoạ sĩ – nét mặt đầy bí ẩn
Cho Diana – bộ ngực, đôi má - thần bình minh
Trả cho thần chiến tranh – vầng trán rộng
Trả lại Eva – lời di huấn tinh ranh.

Ngọn lửa tình yêu hãy trả lại cho tình
Cho thần sắc đẹp – vẻ tuyệt vời hình thể
Trả cho những bầu trời – vẻ hoàn mỹ.

Trả cho san hô cái miệng màu xanh
Trả về cho đá - như đá những con tim
Vẻ quỉ quyệt màu đen – trả về cho sư tử.

XCVII

Trong nắng hè tuyệt đẹp hoa hồng
Khi hoa trắng trong như tuyết
Và nhẹ nhàng toả ra hơi mát
Trên cành, từ vết cắt màu xanh.

Màu trắng này tất cả đều thở bằng
Tất cả cúi đầu trước hoa cảm tạ
Khẽ chạm vào cành hoa con thú sợ
Thế là con thú chạy vòng quanh.

Nhưng người ta đem bẻ cành hoa
Thì hoa buồn bã, não nề
Rồi hoa trở về cát bụi…

Bông hoa của tôi người ta đoạt lấy
Còn tôi bay trong mộng, trong mơ
Chốn xa xôi, rồi kết thúc trong thơ.
 
 
4. Jacques Brel


Jacques Romain Georges Brel (8 tháng 4 năm 1929 – 9 tháng 10 năm 1978) là nghệ sĩ, nhà thơ Bỉ sáng tác bằng tiếng Pháp.

Tiểu sử:
Jacques Brel sinh ở Schaarbeek, Bỉ. Từ những ngày học ở trường phổ thông đã rất mê diễn kịch. Năm 1951 Jacques Brel cưới vợ và có một con gái. Từ năm 1952 bắt đầu sáng tác những bài hát cho những buổi dạ hội. Năm 1953 ra đĩa hát dầu tiên. Năm 1953 Jacques Brel sang Paris theo lời mời của Jacques Canneti, người đáng giá cao tài năng của Brel qua những bài hát do ông sáng tác. Năm 1955, cả vợ và con gái cùng chuyển sang sống cùng Brel ở Paris. Năm 1956 Jacques Brel bắt đầu cộng tác với các nghệ sĩ Gérard Jouannest và Francois Rauber, biểu diễn trong các buổi hòa nhạc. Từ năm 1958 thường xuyên biểu diễn ở các nhà hát uy tín nhất của Paris. Năm 1966 Jacques Brel quyết định rời sân khấu. Ngày 16 tháng 5 năm 1967 ông tổ chức buổi hoà nhạc chia tay.

Từ năm 1967 Jacques Brel chuyển sang đóng phim và đạo diễn phim. Với điện ảnh, Jacques Brel cũng đạt đến đỉnh cao với nhiều bộ phim nổi tiếng do ông đóng vai chính. Nhiều bộ phim do ông đạo diễn cũng được đánh giá cao. Ngoài âm nhạc (chủ yếu nổi tiếng là một người viết phần lời xuất sắc) và điện ảnh, Jacques Brel còn là một nhà thơ nổi tiếng của Bỉ và Pháp. Ông mất ở Bobigny, ngoại ô Paris sau một thời gian bị bệnh kéo dài và mai táng tại đảo Marquesas.
Tác phẩm:
Đĩa hát:
*1953: Đĩa hát đầu tiên: La Foire/Il y a
*1954: Anbom đầu tiên : Jacques Brel et ses chansons
*1957: Quand on n’a que l’amour, Heureux Pardons,…
*1958: Je ne sais pas, Au printemps,…
*1958: Đĩa cho tạp chí Marie-Claire, Gồm các bài L’introduction à la Nativité và L'Évangile selon saint Luc
*1959: La valse à mille temps, Ne me quitte pas, Je t’aime, Isabelle, La mort, …
*1961: Marieke, Le moribond,…
*1962: Hoà nhạc tháng 10-1961
*1963: Les Bigotes, Les vieux, La Fanette,…
*1964: Jef, Les bonbons, Mathilde,…
*1965: Ces gens-là, Fernand,…
*1967: 67 comprenant Mon enfance, À jeun,…
*1968: Vesoul, L'éclusier,…
*1970: L’Homme de la Mancha
*1972: Ghi âm mới những bài hát cũ
*1977: Les Marquises
*1988: Jacques Brel — l’intégrale (10 CD)
*2003: Jacques Brel — l’intégrale (15 CD)

Phim:
*1968: Les risques du métier d'André Cayatte
*1968: La bande à Bonnot de Philippe Fourastié
*1969: Mon oncle Benjamin d'Édouard Molinaro
*1970: Mont-Dragon de Jean Valère
*1971: Les assassins de l’ordre de Marcel Carné
*1971: Franz
*1972: L’aventure c’est l’aventure de Claude Lelouch
*1972: Le bar de la Fourche d'Alain Levent
*1972: Le Far-West
*1973: L’emmerdeur d'Édouard Molinaro


NẾU BẠN CẦN

Bạn không hiểu gì.

Nếu bạn cần những con tàu để đi xa đâu đấy vì may mắn
Và nếu bạn cần con tàu trắng để bay về những xứ sở xa xăm
Để đi tìm bầu trời xanh mà hồn bạn đang khóc và than vãn
Hay tìm những bài ca hạnh phúc mà bạn có thể hát lên
Thì…

Nếu bạn cần ban mai để ngày mai bạn sẽ lại tin
Và ngày mai, để ngày mai mang về cho sức mạnh
Và trả về cho bạn niềm hy vọng đã mất rất lạ lùng
Và trả cho bạn bàn tay thủy chung mà bạn từng thả lỏng
Thì…

Nếu bạn cần những lời từng chép trong sách cổ
Để tìm sự thanh minh cho lời nói của mình
Và để thơ ca đối với bạn là một trò chơi chữ
Và tất cả cuộc đời bạn từ nay sẽ già hom
Thì…

Nếu bạn cần nỗi buồn để làm một quả mìn thông minh
Và cần tiếng ồn đường phố để giọng nói của lương tâm lấn át
Và cần những yếu đuối nhỏ nhặt để ra vẻ dịu dàng
Và cả những cơn giận dữ để cho mạnh mẽ và rắn chắc
Thì…

Thì bạn không hiểu gì.



LỜI CẦU KHẨN

Em là ngọn cờ, là hy vọng, là ánh sáng
Là lòng tin, là cơn nóng của tim
Em là bếp lửa trong đêm giá lạnh
Em – là chiếc chén Thánh của anh.

Em là đam mê, là khao khát, là đêm
Em là quyền lực, em là luật pháp
Em là hoa, là bánh mỳ, mật ngọt
Em là đất cày, là cày cuốc của anh.

Em là mặt trời, là sóng trắng, cánh buồm
Em là tiếng đàn, là bài ca dịu ngọt
Em là rượu, là tiếng cười, nước mắt
Em là con đường trong cuộc sống của anh.

Em là ngọn cờ, là ánh sáng của anh
Cơn nóng của tim, em là ngọn lửa
Em là máu, là thịt xương anh đó
Hãy quay về, anh vẫn đợi chờ em!..
 
 
5. Jean Nicolas Arthur Rimbaud (20 tháng 10 năm 1854 – 10 tháng 11 năm 1891) – nhà thơ Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng, là nhà thơ có ảnh hưởng lớn tới văn học và nghệ thuật hiện đại.

Tiểu sử:
Arthur Rimbaud sinh ở Charleville (nay là Charleville-Mézières), miền đông bắc nước Pháp. Bố là Frédéric Rimbaud, một sĩ quan phục vụ ở Algeria, mẹ là Vitalie Cuif, xuất thân từ một gia đình nông dân. Bố mẹ chia tay nhau khi Arthur Rimbaud mới 4 tuổi nên sự giáo dục chủ yếu là từ mẹ. Thời kỳ học ở trường tiểu học đã nổi tiếng học giỏi tiếng Hy Lạp, tiếng Latin và các môn: lịch sử, địa lý. Năm 1865 vào học trường Colege Charleville là một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường. Năm 1869 lần đầu tiên in ba bài thơ viết bằng tiếng Latin Xuân đã về (Ver erat), Thiên thần và đứa bé (L’Ange et l’enfant), Jugurtha (Jugurtha). Bài thơ Jugurtha được tặng giải nhất trong một cuộc thi thơ. Năm 1870, lên 16 tuổi Rimbaud in những bài thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp, sau đó đi du lịch lên miền bắc nước Pháp và Bỉ. Ở Paris, Arthur Rimbaud làm quen và trở thành người yêu của Paul Verlaine, làm xôn xao dư luận Paris. Rimbaud tham gia Công xã Paris. Năm 1872, Verlaine bỏ gia đình cùng Rimbaud đi sang London. Khi trở về Bỉ, hai người cãi nhau, Verlaine dùng súng lục bắn Rimbaud bị thương phải vào tù 2 năm, còn Rimbaud trở về quê Charleville.

Kể từ đây cuộc đời của Rimbaud sang một trang mới, ông bỏ làm thơ hẳn và đi chu du hầu như khắp thế giới. Năm 1875 sang Đức, hết tiền phải đi bộ sang Milan, (Ý), sau đó ốm nặng phải quay về Pháp. Năm 1876 sang Áo, bị trục xuất, ông quay sang Hà Lan tham gia đội quân lê dương đi sang Indonesia. Ba tuần sau theo tàu chiến Anh trở về quê, sau đó sang Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ… Từ năm 1880 ông sang các nước châu Phi (Ai Cập, Ethiopia, Yemen) buôn súng, buôn cà phê và da thú. Tháng 2 năm 1891 bị bệnh phải quay trở về Pháp, đến tháng 10 ông qua đời ở Marseille vào tuổi 37.
Mặc dù sống một cuộc đời ngắn ngủi (thời gian sáng tác lại càng ngắn) nhưng Arthur Rimbaud đã đánh dấu một mốc mới trong sự phát triển của thơ ca Pháp. Ông là người có công trong việc làm giàu ngôn ngữ, hình tượng cũng như thể loại thơ ca… Nửa cuối thế kỷ XX Arthur Rimbaud trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng. Hình tượng Rimbaud được thể hiện qua rất nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới.

Tác phẩm:
*Poésies (Thơ)
*Le bateau ivre (Con tàu say, 1871)
*Une Saison en Enfer (Một mùa hè ở địa ngục, 1873)
*Illuminations (Linh cảm, 1874)
*Lettres (Thư từ)

Thư mục:
*Œuvres, [2 éd.], P., [1964]
*Œuvres, P., [1966]
*Е tiemble R. et GaucIere Y., Rimbaud, P., 1950
*Fowlie W., Rimbaud. [A critical study], Ch. - L., [1967]
*Gascar P., Rimbaud et la Commune, [P., 1971]; "Europe", 1973, № 529-30




CẢM TƯỞNG

Buổi chiều xanh, trên những con đường nhỏ
Rảo bước chân trên hoa cỏ nhẹ nhàng
Mơ ước trong đầu, trên tóc ngọn gió
Tôi nhận ra hơi mát dưới bàn chân.

Không nghĩ suy, không lời trên môi lặng
Nhưng con tim yêu hết thảy trên đời
Và ngọt ngào trong hoàng hôn thơ thẩn
Thiên nhiên tựa hồ như người đẹp cùng tôi.  
 
 
6. Paul-Marie Verlaine (30 tháng 3 năm 1844 – 8 tháng 1 năm 1896) – nhà thơ Pháp, một trong những nhà thơ lớn của Pháp thế kỷ XIX.

Tiểu sử:
Paul-Marie Verlaine sinh ở Metz. Bố là kỹ sư xây dựng trong quân đội, mẹ xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả. Năm 1851 gia đình chuyển về Paris. Năm 1855 Verlaine vào học trường lycee Bonapart ở Paris và đã bộc lộ sự say mê thơ ca. Năm 1858 gửi cho Victor Hugo trường ca La Mort (Cái chết). Năm 1862 nhận bằng cử nhân hùng biện, cũng trong năm này vào học luật tại Đại học Sorbonne nhưng một thời gian sau bỏ học. Từ tháng 10 năm 1863 làm ở công ty bảo hiểm, sau đó vào làm ở tòa thị chính Paris, tham gia nhóm thơ Parnasse. Năm 1866 in cuốn sách đầu tiên Poиmes saturniens chịu sự ảnh hưởng của nhóm Parnasse. Năm 1867 sang Brussele gặp Victor Hugo. Năm 1870 in tập thơ La bonne chanson (Bài ca tốt lành) tặng người yêu Mathilde Mauté. Sau khi chiến tranh Pháp – Phổ xảy ra, Verlaine phải vào lính nhưng thường xuyên lẩn tránh nghĩa vụ phải vào trại giam một tuần. Thời gian sau đó là những năm tháng tình ái với nhà thơ trẻ Arthur Rimbaud. Hai người đi sang Bỉ và Anh. Đây là quãng thời gian Verlaine viết những bài thơ hay nhất của mình. Năm 1874 in tập thơ Romances sans paroles (Những khúc lãng mạn không lời). Tháng 10 năm 1873 Verlaine cãi nhau với Rimbaud, dùng súng lục bắn vào tay Rimbaud bị vào tù hai năm và bị phạt 200 frans. Sau khi mãn hạn tù bị vợ và gia đình từ chối, Verlaine sang Anh dạy tiếng Pháp, dạy vẽ, làm gia sư. Năm 1882 trở về Pháp, sống và làm việc ở nhiều nơi. Năm 1894 được bầu là “Ông hoàng của các nhà thơ”. Năm 1895 viết bài giới thiệu cho “Tuyển tập tác phẩm Arthur Rimbaud”. Năm 1896 in cuốn sách cuối cùng La Mort (Cái chết). Ông mất ở Paris, mai táng tại nghĩa trang Cimetière de Batignolles, có ba ngàn người đến dự lễ tang.

Các nhà thơ phái ấn tượng gọi Verlaine là ông tổ của mình, còn nghệ thuật thi ca gọi Romances sans paroles của Verlaine là tuyên ngôn. Tuy vậy sự ảnh hưởng của Verlaine không chỉ giới hạn trong phạm vi một trường phái thơ. Verlaine là người sáng tạo một nghệ thuật thơ mới, phục hồi mối liên hệ với thơ ca dân gian, giữ gìn truyền thống nghệ thuật của thơ ca Pháp mà sau đấy được các nhà thơ lớn của Pháp trong thế kỷ XX tiếp tục.

Tác phẩm:
Thơ:
*Poèmes saturniens (1866)
*Les Amies (1867)
*Fêtes galantes (1869)
*La Bonne chanson (1870)
*Romances sans paroles (1874)
*Sagesse (1880)
*Jadis et naguère (1884)
*Amour (1888)
*Parallèlement (1889)
*Dédicaces (1890)
*Femmes (1890)
*Hombres (1891)
*Bonheur (1891)
*Chansons pour elle (1891)
*Liturgies intimes (1892)
*Élégies (1893)
*Odes en son honneur (1893)
*Dans les limbes (1894)
*Épigrammes (1894)
*Chair (1896)
*Invectives (1896)
*Biblio-sonnets (1913)
*Oeuvres oubliées (1926—1929)

Văn xuôi:
*Les Poètes maudits (1884)
*Louise Leclercq (1886)
*Les mémoires d’un veuf (1886)
*Mes hôpitaux (1891)
*Mes prisons (1893)
*Quinze jours en Hollande (1893)
*Vingt-sept biographies de poètes et littérateurs (parues dans «Les Hommes d’aujourd’hui»)
*Confessions (1895)



La Chanson des Ingénues

Những mắt xanh thơ ngây
Từ trong câu chuyện cổ
Khăn xếp quấn trên đầu
Người đời không còn nhớ.

Ta thân thiết vô vàn
Ánh sáng ngày tinh khiết
Như bí ẩn kín thầm
Như màu xanh mơ ước.

Ta chạy ra đồi cây
Chỉ bóng đêm rơi xuống
Cùng chuyện trò, bắt bướm
Cười vui suốt cả ngày.

Đội trên đầu mũ rơm
Che cho ta ánh nắng
Vải áo quần nhẹ mỏng
Còn màu nào trắng hơn!

Caussades hay Richelieux
Hay chàng Faublas
Ta nghe tiếng thầm thì
Và những mắt mỏi mệt.

Nhưng thở than vô ích
Các chàng chỉ đứng nhìn
Những chiếc váy thì thầm
Lời mỉa mai chua chát.

Trêu tức vẻ hình dung
Những chàng trai tinh nghịch
Vẻ kiêu kỳ trinh bạch
Tránh lời nói dịu dàng.

Nhưng dù sao trong tim
Những ý nghĩ kín thầm
Ngày mai rồi yêu mến
Điều hú họa gì chăng.




Xuân Diệu viết về tình yêu của Rimbaud và Verlaine

TÌNH TRAI

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên

Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương

Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau...
 
 
 
 
7. René Char (14 tháng 6 năm 1907 – 19 tháng 2 năm 1988) là một trong những nhà thơ trữ tình lớn nhất của Pháp thế kỷ XX.

Tiểu sử:
René Char sinh ở L'Isle-sur-la-Sorgue, Vaucluse. Năm 1929 làm quen với André Breton, Paul Éluard và một số nhà thơ phái Siêu thực khác, in thơ ở tạp chí “Chủ nghĩa Siêu thực phục vụ cách mạng”, trở thành một nhà thơ nổi tiếng từ thời kỳ này. Từ năm 1935 không tham gia những hoạt động của phái nhưng vẫn giữ quan hệ với những người bạn cũ.

Những năm 1941 – 1945 René Char tham gia chiến đấu chống phát xít. Ký ức về những năm tháng chiến đấu được thể hiện trong nhiều tập thơ và văn xuôi. Tập thơ “Giận dữ và bí mật” xuất bản năm 1948 được Albert Camus gọi là “một hiện tượng dị thường của thơ ca Pháp sau “Cảm giác” của Arthur Rimbaud và “Rượu” của Guillaume Apollinaire.

Những năm cuối cuộc đời René Char về sống trong trang trại của mình ở Provence. Năm 1955 gặp nhà triết học Martin Heidegger ở Paris. Trở về Provence, Char tổ chức các cuộc hội thảo về triết học của Martin Heidegger ở Provence. Martin Heidegger viết tặng René Char một tập thơ và thường xuyên nhắc đến thơ của René Char trong các tác phẩm của mình.

Ngoài thơ, René Char còn là tác giả của nhiều tập sách danh ngôn nổi tiếng. Ông được tặng thưởng nhiều huân chương của nước Pháp. Một giải thưởng dành cho các nhà thơ trẻ nước Pháp mang tên ông. Ở L'Isle-sur-la-Sorgue có bảo tàng René Char.

Tác phẩm:
*Arsenal (1929).
*Ralentir Travaux (1930 - in cùng André Breton và Paul Eluard).
*Artine (1930).
*Le marteau sans maître (1934).
*Seuls demeurent (1943).
*le Poème pulvérisé (1945).
*Feuillets d'Hypnos (1946).
*Fureur et mystère (1948).
*Les Matinaux (1950).
*A une sérénité crispée (1951).
*Recherche de la base et du sommet (1955).
*La Parole en archipel (1962).
*Dans la pluie giboyeuse (1968).
*Le Nu perdu (1971).
*Aromates chasseurs (1976).
*Chants de la Balandrane (1977).
*Fenêtres dormantes et porte sur le toit (1979).
*Les voisinages de Van Gogh (1985).
*Éloge d'une soupçonnée (1988).
*Œuvres complètes (Tuyển tập tác phẩm in năm 1983, Jean Roudaut viết lời giới thiệu)



SỰ AN ỦI

Tình yêu của tôi thơ thẩn trên đường phố. Chẳng lẽ còn ý nghĩa đi về đâu trong sự lựa chọn con đường? Đã lìa đứt sợi chỉ của thời gian. Giờ đã không còn là tình yêu tôi nữa mà mỗi người đều có thể chuyện trò. Tình đã quên tất cả, tình đã chẳng nhớ ra, ai đã trao cho tình linh hồn ngày đó.

Tình bây giờ đi tìm người như thế trong sự hứa hẹn của những ánh mắt nhìn. Tình xuyên qua không gian mà sự thủy chung của tôi vẫn giữ gìn. Tình vẽ ra hy vọng rồi xóa đi niềm hy vọng thật vô tâm. Tình trăm trận trăm thắng không tham dự vào những chiến công.

Tôi vẫn sống trong sâu thẳm của tình, giống như mảnh vỡ hạnh phúc của con tàu bị chìm. Tình không biết rằng sự cô đơn của tôi trở thành sự giàu có của tình. Trên đường kinh tuyến mênh mông, nơi đánh dấu sự thăng hoa của tình, tự do của tôi làm cho tình đổ vỡ.

Tình yêu của tôi thơ thẩn trên đường phố. Chẳng lẽ còn ý nghĩa đi về đâu trong sự lựa chọn con đường? Đã lìa đứt sợi chỉ của thời gian. Giờ đã không còn là tình yêu tôi nữa mà mỗi người đều có thể chuyện trò. Tình đã quên tất cả, tình đã chẳng nhớ ra, ai đã trao cho tình linh hồn ngày đó, ai đã chiếu sáng cho tình từ xa, để cho tình khỏi ngã.
 
 
 
 
8. Paul Claudel (tên đầy đủ: Paul-Louis-Charles-Marie Claudel) (5 tháng 8 năm 1868 – 23 tháng 2 năm 1955) là nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ Pháp.

Tiểu sử:
Paul Claudel sinh ở Villeneuve-sur-Fère trong gia đình một công chức tỉnh lẻ. Bố là Louis-Prosper, mẹ là Louise Cerveaux. Hồi nhỏ học ở Lycee Bar-le-Duc, tỉnh Champagne, sau gia đình chuyển lên Paris học ở Lycée Louis-le-Grand. Từ năm 1893 làm ở Bộ ngoại giao Pháp. Từng làm lãnh sự và Đại sứ ở nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Paul Claudel được tặng thưởng huân chương Đại thập tự, năm 1946 được bầu làm thành viên của Viện hàn lâm Pháp.

Paul Claudel được coi là nhà thơ cuối cùng của phái ấn tượng, là nhà thơ có khuynh hướng hoài cổ và tôn giáo. Theo lời của chính Paul Claudel, thì cuốn sách gối giường của ông là Kinh Thánh và tất cả sáng tác của ông làm thành một cuốn Kinh Thánh mới. Paul Claudel không quan tâm đề tài về “những người nào” mà “họ phải trở thành những người nào”. Với vai trò của một nhà thuyết giáo, ông làm thơ theo thể tự do (chịu ảnh hưởng của Walt Whitman) và những bài văn xuôi theo phong cách Kinh Thánh, mà theo lời ông, thể hiện nhịp điệu tự nhiên của trái tim và hơi thở con người. Những tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến Cinq grands odes (Năm bài ode lớn, 1910), La cantate а trois voix (Bản đại hợp xướng dành cho ba giọng, 1931). Ngoài ra, rất nhiều vở kịch của ông được dựng thành những bộ phim nổi tiếng. Ông mất ở Paris năm 1955.

Tác phẩm:
Kịch:
*Tête d'or (1890)
*La Jeune Fille Violaine (1892)
*La Ville (1893)
*L'Échange; Tête d'Or (1894)
*La Jeune Fille Violaine (1901)
*Le Repos du septième jour (1901)
*L'Otage (1911)
*L'Annonce faite à Marie (1912)
*L'Ours et la Lune (1917)
*Le Pain dur (1918)
*Les Choéphores d'Eschyle (1919)
*Le Père humilié (1920)
*Les Euménides d'Eschyle (1920)
*Protée (1920, первый вариант)
*Le Soulier de satin (1929)
*Le Livre de Christophe Colomb (1933)
*Jeanne d'Arc au bûcher (1939)
*La Sagesse ou la Parabole du destin (1939)
*L'Histoire de Tobie et de Sara (1942)
*Le Partage de midi (1948)
*Protée (1949)

Thơ:
*Connaissance de l'Est (1896)
*Poèmes de la Sexagésime (1905)
*Processionnal pour saluer le siècle nouveau (1907)
*Corona benignitatis anni dei (1915)
*La Messe là-bas (1919)
*Poèmes de guerre (1914-1916) (1922)
*Feuilles de saints (1925)
*Cent phrases pour éventails (1942)
*Visages radieux (1945)
*Accompagnements (1949)

Văn xuôi:
*Positions et propositions, tome I-II (1928, 1934)
*L'Oiseau noir dans le soleil levant (1929)
*Conversations dans le Loir-et-Cher (1935)
*Figures et paraboles (1936)
*Contacts et circonstances (1940)
*Seigneur, apprenez-nous à prier (1942)
*L'Œoeil écoute (1946)
*Emmaüs (1949)
*Une voix sur Israël (1950)
*L'Évangile d'Isaïe (1951)
*Paul Claudel interroge l'Apocalypse (1952)
*Paul Claudel interroge le Cantique des Cantiques (1954)
*Conversation sur Jean Racine (1956)
*Sous le signe du dragon (1957)
*Qui ne souffre pas... Réflexions sur le problème social (1958)
*Présence et prophétie (1958)
*La Rose et le rosaire (1959)
*Trois figures saintes pour le temps actuel (1959)

Nhật ký:
*Mémoires improvisés. Quarante et un entretiens avec Jean Amrouche (1954)
*Journal. Tome I : 1904-1932 (1968)
*Journal. Tome II : 1933-1955 (1969)

Thư từ:
*Correspondance de Paul Claudel et André Gide (1899-1926) (1949)
*Correspondance de Paul Claudel et André Suarès (1904-1938) (1951)
*Correspondance de Paul Claudel avec Gabriel Frizeau et Francis Jammes (1897-1938) (1952)
*Correspondance Paul Claudel et Darius Milhaud (1912-1953) (1961)
*Correspondance de Paul Claudel et Aurélien Lugné-Poë (1910-1928) (1964)
*Correspondances avec Copeau, Dullin, Jouvet (1966)
*Correspondance de Jean-Louis Barrault et Paul Claudel (1974)
*Correspondance de Paul Claudel et Jacques Rivière (1907-1924) (1984)
*Lettres de Paul Claudel à Élisabeth Sainte-Marie Perrin et à Audrey Parr (1990)
*Correspondance diplomatique. Tokyo (1921-1927) (1995)
*Correspondance de Paul Claudel et Gaston Gallimard (1911-1954) (1995)
*Le Poète et la Bible, volume 1, 1910-1946 (1998)
*Le Poète et la Bible, volume 2, 1945-1955 (2002)
*Correspondance de Paul Claudel avec les ecclésiastiques de son temps. Volume I, Le sacrement du monde et l'intention de gloire (2005)
*Une amitié perdue et retrouvée: correspondance de Paul Claudel et Romain Rolland (2005



BALLADE

Ta đã từng ra đi biết bao lần, nhưng lần này – lần cuối.
Những người thân yêu ta bỏ lại. Con tàu không đợi, ta giã biệt trên đường.
Cảnh như thế này lặp lại đã nhiều lần, nhưng lần này – lần cuối.
Còn các bạn nghĩ rằng: ta biết đi đâu? Ta đang đi – hãy nhìn xem.
Vĩnh biệt mẹ! Sao mẹ khóc như người đang còn hy vọng hay ngờ vực?
Cái điều không thể khác, không đáng khóc, không đáng để nước mắt rơi từ đôi mắt của ta.
Hay các bạn quên rằng ta là bóng và đi, như bóng, các bạn cũng là bóng, bóng ma?
Ta đã không còn bao giờ gặp mặt.

Ta chia tay những người phụ nữ: những người vợ chung thủy, những bạn gái, những người đáng trách.
Đã đành với tiếng thì thầm của phụ nữ: ta cô đơn, ta nhẹ nhàng như đứng trước tận cùng.
Nhưng trong giây phút cuối, trong giờ này ủ rũ và trang nghiêm
Cho phép ta nhìn vào gương mặt của em, một khi ta chưa trở thành người khác
Một khi ta chưa biến mất. Hãy cho ta nhìn vào gương mặt của em! Còn sau đấy thì em sẽ nhìn kẻ khác
Nhưng em hãy nói với ta dù chỉ một lời, rằng em sẽ yêu đứa con
Đứa con trai, linh hồn và máu của ta: cái tên “cha” sẽ trao cho người khác.
Ta đã không còn bao giờ gặp mặt.

Vĩnh biệt nhé, bạn bè! Ta ở quá xa để có thể làm cho bạn bè tin tưởng
Chỉ sự tò mò và mạnh dạn. Mặt đất mà các bạn chưa từ giã một lần, gọi là bền vững cho mình.
Hãy để lại những thứ gì ta đã nhận, như một món quà, như mạch nguồn của sự vui vẻ bất thình lình:
Hiểu biết về sự uổng công và cái chết của con người, chỉ có ở những ai cho rằng mình đang sống.
Tất cả vẫn còn đây: khôn ngoan và đần độn, trống rỗng và dày đặc.
“Cuộc sống tự do, khoa học và nghệ thuật…” Ô, những anh em này có còn ở trong ta?
Có cho phép ra đi, nếu tĩnh lặng các người không thể đem cho?
Ta đã không còn bao giờ gặp mặt.

Tiền đề

Các bạn ở lại, chúng tôi đã lên tàu, những cánh cửa lúc này đóng chặt.
Không còn gì ngoài khói trên trời. Đừng đợi rằng chúng tôi sẽ còn quay lại trần gian.
Không còn gì ngoài mặt trời và nước của Chúa Trời, như trong buổi đầu tiên.
Ta đã không còn bao giờ gặp mặt.
 
 
 
 
9. Mooris Maeterlinck (1862-1949) - nhà viết kịch, nhà thơ, nhà triết học người Bỉ viết bằng tiếng Pháp (tên đầy đủ là Count Maurice (Mooris) Polidore Marie Bernhard Maeterlinck).

Sinh ngày 29-8-1962 tại Ghent trong một gia đình khá giả, bố làm công chứng, mẹ là con gái một luật sư giàu có. Sau khi tốt nghiệp trung học và Đại học Luật Mooris Maeterlinck lên tu nghiệp về luật tại Paris. Năm 1886, ông gia nhập Đoàn Luật sư Ghent, viết thơ, kí, phê bình cho các báo và tạp chí như Nước Bỉ trẻ (La Jeune Belgique), La Wallonie. Năm 1886 ông in truyện ngắn đầu tiên Cuộc tàn sát những kẻ vô tội; năm 1889 xuất bản tập thơ đầu tiên và vở kịch đầu tiên, được một nhà phê bình Pháp rất có thế lực là O. Mirbau hết lời khen ngợi. Từ đó ông bỏ nghề luật sư. Trong những năm tiếp theo, ông viết hàng loạt vở kịch cổ tích, tượng trưng, kịch rối... Năm 1895 M. Maeterlinck cưới vợ là Leblan - diễn viên tham gia đóng các vở kịch của ông và năm 1896 sang Paris sinh sống. M. Maeterlinck ủng hộ nghệ thuật thuần túy, là một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái tượng trưng cả trong thơ ca lẫn sân khấu, trong các tác phẩm của mình mở ra một thế giới đầy màu sắc, mộng ảo chống lại số phận khắc nghiệt. Năm 1909 ông viết xong vở kịch Con chim xanh là một kiệt tác sân khấu của kể về những cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc qua hình tượng con chim xanh, trở thành một điển cố văn học biểu tượng cho hạnh phúc tình yêu.
Mooris Maeterlinck được trao giải Nobel Văn học nhờ những tác phẩm kịch mang nội dung phong phú, giàu tưởng tượng đầy thi vị. Ông thường sử dụng thể loại cổ tích bởi vì cổ tích là biểu hiện sâu nhất và giản dị nhất của nhận thức tập thể, khơi dậy những cảm xúc con người. Kịch của ông thể hiện những hệ thống triết lý hình thành một cách trực giác. Mô típ cái chết thường xuyên hiện diện trong tác phẩm của ông ở giai đoạn cuối mang thêm màu sắc của chủ nghĩa thần bí. M. Maeterlinck được coi là một trong những người khởi đầu của sân khấu kịch phi lí; các vở kịch của ông đến ngày nay vẫn được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới.
Trong Thế chiến I, ông xin vào dân quân nhưng không được chấp nhận vì quá tuổi và nhà văn đã thể hiện lòng yêu nước bằng hàng loạt cuộc nói chuyện tuyên truyền ở Châu Âu và Mỹ. Năm 1939 Đức quốc xã đe dọa chiếm cả châu Âu Mooris Maeterlinck chạy sang Bồ Đào Nha, khi cảm thấy rằng Bồ Đào Nha cũng sẽ bị Đức chiếm, ông cùng với vợ sang Mỹ. Năm 1947 ông trở về Nice, Pháp.
Ngoài giải Nobel Mooris Maeterlinck được tặng huân chương Đại thập tự của vua Leopold (1920), huân chương Thanh kiếm của Bồ Đào Nha (1939) và được vua Bỉ phong tước hiệu Bá tước (1932). Ông mất ngày 6-5-1949 tại Nice, Pháp.

Tác phẩm:
*Cuộc tàn sát những kẻ vô tội (Le massacre des innocénts, 1886), truyện.
* Vườn kính (Serres chaudes, 1889), tập thơ.
*Công chúa Maleine (La princesse Maleine, 1889), kịch.
*Người đàn bà đột nhập (L'intruse, 1890), kịch
*Những người mù (Les aveugles, 1890), kịch
*Bảy nàng công chúa (Les sept princesses, 1891), kịch
*Pelleas và Mélisande (Pelléas et Mélisande, 1892), kịch
*Alladine và Palomides (Alladine et Palomides, 1894), kịch
*Cái chết của Tintagiles (La mort de Tintagiles, 1894), kịch
*Kho báu của những kẻ nhẫn nhục (Le trésor des humbles, 1896), luận văn mĩ học.
*Mười hai bài hát (Douze chansons, 1896), thơ
*Aglavaine và Selysette (Aglavaine et Selysette, 1896), kịch cổ tích
*Khôn ngoan và định mệnh (Le sagesse et la destinée, 1898), khảo luận triết học
*Đời sống loài ong (La vie des abeilles, 1900), khảo luận.
*Ariane và gã Râu Xanh (Ariane et Barbe-Bleue, 1901), kịch
*Monna Vanna (1902), kịch
*Ngôi đền vùi lấp (Le temple enseveli, 1902)
*Joyselle (1903), kịch
*Điều kì diệu của thánh Antoine (Le miracle de Saint-Antoine, 1903), kịch
*Trí tuệ của hoa (L'intelligence des fleurs, 1907)
*Con chim xanh (L'oiseau bleu, 1909), kịch
*Thị trưởng Stilemonde (Bourgmestre de Stilemonde, 1919)
*Miền tiên cảnh lớn (La grande féerie, 1924), tiểu luận
*Tai họa đã qua (Le malheur passe, 1925), kịch
*Đời sống của mối (La vie des termites, 1926), tiểu luận
¬*Đời sống không gian vũ trụ (La vie de l'espase, 1928), tiểu luận
*Đời sống loài kiến (La vie des fourmis, 1930), tiểu luận
*Quy luật vĩ đại (La grande loi, 1933), tiểu luận
*Trước mặt Chúa (Devant Dieu, 1937), tiểu luận
*Thế giới khác, hay khớp vũ trụ (L'autre monde ou le cardan stellaire, 1942), tiểu luận


NẾU MỘT NGÀY

Nếu một ngày người ấy quay trở lại
Thì em biết nói gì với người ta?
- Hãy nói rằng chị đã chờ mòn mỏi
Đến một hôm, đã kiệt sức trông chờ…

Thế nếu như người ấy không nhận ra
Nếu như em bị người ta gặng hỏi?
- Em cứ lựa lời nói với người ta
Có thể người ta cũng đau buồn đấy…

Nếu người hỏi biết tìm chị nơi đâu
Thì biết nói sao cho người yên dạ?
- Chiếc nhẫn vàng của chị em hãy trao
Cho người ta, đừng nói thêm gì cả…

Nhưng nếu như người ấy hỏi em rằng
Sao không có lửa, sao nhà vắng vậy?
- Em hãy chỉ vào cánh cửa mở toang
Và ngọn đèn đã tắt cho người ấy…

Thế nếu như người ấy hỏi em rằng
Chị có buồn, chị có từng than thở
- Em hãy nói rằng chị đã cười lên
Để người ta vì chị mà đau khổ…


CHÀNG TRAI ĐÃ RA ĐI

Chàng trai đã ra đi
(Cửa rung lên – tôi biết)
Chàng trai đã ra đi
Nàng mỉm cười vĩnh biệt…

Chàng trai quay trở lại
(Đèn nói – tôi biết mà)
Chàng trai quay trở lại
Nhưng nàng đã đi xa…

Tôi nhìn ra cái chết
(Tôi biết tâm hồn chàng)
Tôi nhìn ra cái chết
Tôi đã lấy hồn anh…  
 
 
 
10. Molière (tên thật là Jean-Baptiste Poquelin; 15 tháng 1 năm 1622 – 17 tháng 2 năm 1673) là nhà thơ, nhà viết kịch, nghệ sĩ người Pháp, người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển, một bậc thầy của kịch nghệ châu Âu. Molière là tác giả của những kiệt tác Le Misanthrope, L'École des femmes, Tartuffe ou l'Imposteur, L'Avare ou l'École du mensonge và Le Bourgeois gentilhomme.

Tiểu sử:
Molière sinh ở Paris, trong một gia đình làm thợ của triều đình rất lâu đời. Lên 10 mồ côi mẹ. Molière học ở Jesuit Clermont College (nay là Lycée Louis-le-Grand), là nơi học sinh phần nhiều học bằng tiếng Latin. Molière thông thạo Latin và đã dịch tác phẩm “Về bản chất sự vật” của Lucretius sang tiếng Pháp (bản dịch bị thất lạc). Năm 1639 học xong Jesuit Clermont College, năm 1639 – 1640 học luật tại Đại học Orleans. Molière không theo con đường của bố mà chọn nghề diễn viên. Năm 1643 thành lập nhà hát Illustre Théâtre và lấy bút danh Molière từ đây. Sau một số thất bại, nhà hát phải giải thể, Molière cùng với một số người còn lại đi về biểu diễn ở tỉnh lẻ. Để cạnh tranh với những đoàn kịch của Ý, Molière bắt đầu sáng tác những vở kịch cho đoàn của mình. Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên L’étourdi (Gàn dở) và năm sau, 1656 viết vở Le dépit amoureux (Bất hòa của tình yêu). Đến năm 1658 đoàn kịch của Molière trở thành đoàn kịch nổi tiếng nhất ở các tỉnh. Được sự ủng hộ của nhiều bá tước, trong số này có cả anh trai của vua Louis XIV, đoàn kịch của ông được mời biểu diễn ở Louvre và đã gây được tiếng vang. Sau đó đoàn kịch của ông thường xuyên được biễu diễn ở nhà hát Bourbon. Từ đây, Molière đoạn tuyệt với bi kịch và chỉ đóng hài kịch.
Năm 1672 ông bị ốm nặng, nhiều bạn bè của ông đã qua đời, quan hệ với nhà vua cũng có phần lạnh nhạt hơn trước. Năm 1672-1673 ông viết vở kịch cuối cùng Le Malade imaginaire (Bệnh giả tưởng), trở lại với đề tài thầy thuốc bịp bợm và những bệnh nhân cả tin. Ngày 17 tháng 2 năm 1673, trong một buổi tập vở kịch này ông bị ngã và sau đó mấy giờ đồng hồ ông qua đời. Nhờ sự can thiệp của nhà vua, ông mới được an táng theo nghi lễ của nhà thờ, vì lúc đầu bị giáo chủ từ chối.

Molière để lại một di sản vô cùng đồ sộ với hơn 30 vở kịch nhiều thể loại. Ông thường xuyên thể nghiệm, chuyển thể và sáng tạo ra những hình thức mới cho kịch. Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống đương thời cũng như hiện tại: quan hệ của cha mẹ và con cái, hôn nhân và gia đình, giáo dục, đạo đức xã hội (thói hiếu danh, kiêu ngạo, thói giả nhân giả nghĩa…), những vấn đề về tôn giáo, văn hóa, khoa học vv… Molière sử dụng thực tế không chỉ của đời sống đương thời mà còn dùng nhiều tích từ thời cổ đại và của nhiều nhà viết kịch thời Phục Hưng. Ông có sự ảnh hưởng rất lớn đến kịch nghệ không chỉ của Pháp mà của cả thế giới.

Tác phẩm:
*Le Médecin volant (1645)
*La Jalousie du barbouillé (1650)
*L'Étourdi ou les Contretemps (1655)
*Le Dépit amoureux (December 16th 1656)
*Le Docteur amoureux (1658)
*Les Précieuses ridicules (1659)
*Sganarelle ou le Cocu imaginaire (1660)
*Dom Garcie de Navarre ou le Prince jaloux (1661)
*L'École des maris (1661)
*Les Fâcheux (1661)
*L'École des femmes (1662)
*La Jalousie du Gros-René (1663)
*La Critique de l'école des femmes (1663)
*L'Impromptu de Versailles (1663)
*Le Mariage forcé (1664)
*Gros-René, petit enfant (1664)
*La Princesse d'Élide (1664)
*Tartuffe ou l'Imposteur (1664)
*Dom Juan ou le Festin de pierre (1665)
*L'Amour médecin (1665)
*Le Misanthrope ou l'Atrabilaire amoureux (1666)
*Le Médecin malgré lui (1666)
*Mélicerte (1666)
*Pastorale comique (1667)
*Le Sicilien ou l'Amour peintre (1667)
*Amphitryon (1668)
*George Dandin ou le Mari confondu (1668)
*L'Avare ou l'École du mensonge (1668)
*Monsieur de Pourceaugnac (1669)
*Les Amants magnifiques (1670)
*Le Bourgeois gentilhomme (1670)
*Psyché (1671)
*Les Fourberies de Scapin (1671)
*La Comtesse d'Escarbagnas (1671)
*Les Femmes Savantes (1672)
*Le Malade imaginaire (1673)



STANZAS

Anh muốn cắt ngang giấc ngủ của em
Hơi thở của anh bắt em rực lửa
Vì em ngủ quá nhiều, em yêu ạ
Khi không yêu người ta ngủ nhiều chăng?

Em đừng sợ: không đến nỗi cực hình
Chuyện yêu đương, bệnh tình không đáng sợ
Khi yêu nhau thì trong từng hơi thở
Ta tìm ra phương thuốc chữa bệnh tim.

Tình là bệnh, một khi đem giấu tình
Hãy thừa nhận: sẽ thấy đời bỗng nhẹ
Đừng bí ẩn, tình không cần như thế
Nhưng mà em lo ngại, sợ thần linh!

Đâu nhẹ hơn em tìm thấy cho mình?
Vòng tù hãm lẽ nào em nguyền rủa
Hay tại vì em từng yêu nhiều quá
Không còn sức để thừa nhận cùng anh?

Anh van em, xin em hãy buông tha
Tranh cãi với tình chẳng còn dấu vết!
Em hãy yêu khi xuân còn khoe sắc
Năm tháng trôi đi không trở lại bao giờ.
 
 
sưu tầm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét