NGUYỄN HOÀN ANH
LỚP ĐH5C2
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGÀNH NGỮ VĂN
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ
XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT “HỒNG LÂU MỘNG”
MỞ ĐẦU
- LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Người Trung Hoa có câu rằng “Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng, độc tận thi thư diệc uổng nhiên !” (mở miệng mà không nói chuyện Hồng lâu mộng thì đọc hết cả sách vở cũng vô ích). Ở Trung Quốc, có một chuyên ngành nghiên cứu Hồng lâu mộng - gọi là Hồng học, có lẽ trên thế giới chỉ có Shakespeare và Sholokhov là có vinh dự lớn lao như thế vì có Shakespeare học và Sholokhov học.. Điều đó cho thấy ảnh hưởng xã hội rộng lớn của Hồng lâu mộng. Và ảnh hưởng của Hồng lâu mộng không chỉ dừng lại trong biên giới Trung Hoa, tính đến nay trên thế giới đã có ít nhất 16 thứ ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Italia, Hungari, Hà Lan, Rumani, Triều Tiên, Việt Nam…dịch toàn văn hoặc trích dịch Hồng lâu mộng. Bách khoa toàn thư Pháp đánh giá Hồng lâu mộng là một tấm gương của xã hội Trung Quốc thế kỉ XVIII, là một cột mốc lớn trên văn đàn thế giới” (Tào Tuyết Cần. 1996. Tr.17). Ở Việt Nam hiện nay, Hồng lâu mộng được giảng dạy và nghiên cứu trong các trường Đại học, Cao đẳng như một nội dung quan trọng của bộ môn văn học Trung Quốc.
Tác giả chính của Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần, giống như phần lớn các nhà văn lớn Trung Hoa trong lịch sử, viết văn là để giải toả nỗi niềm cô phẫn, là để ký thác những suy tư về con người và thời đại. Vì thế có thể xem Hồng lâu mộng là sự thể hiện tư tưởng thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều truyền thống đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương, đòi giải phóng cá tính, đòi tự do bình đẳng, khát khao một cuộc sống lý tưởng… Trong Hồng lâu mộng, những khát vọng sâu xa của con người thời đại và sự biểu hiện nó ra một cách nghệ thuật đã có một cuộc hẹn hò tuyệt diệu. Nhận xét về nghệ thuật văn chương Hồng Lâu Mộng, Hồng Thu Phiên trong Hồng lâu mộng quyết vi đã viết “Hồng lâu mộng lập ý mới, bố cục khéo, từ ngữ đẹp, đầu mối rõ, khởi kết kì, đan cài diệu, miêu tả thật, sắp xếp tài, kể việc thực, nói tình thiết, đặt tên sát, dùng bút kín, cái tài tình không kể xiết…” ( Tào Tuyết Cần. 1996. Tr.12). Còn Thôi Đạo Di thì lại nhận xét “đối với tôi không có một tác phẩm văn học nào có thể so tài với Hồng lâu mộng về cách sáng tạo câu chuyện và nhân vật chân thật, sống động, bền bỉ… Có thể nói, đọc Hồng lâu mộng không chỉ khiến chúng ta hiểu lịch sử mà còn giúp chúng ta hiểu hiện thực cuộc sống”. (Phan Thanh Anh. 2006. Tr.131).
Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của Hồng lâu mộng là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều có tính cách riêng không ai giống ai. Có thể nói Hồng lâu mộng đã miêu tả hàng trăm trạng thái tâm lý của con người, không chỉ miêu tả sự suy tàn của xã hội phong kiến mà còn lột tả những tâm trạng buồn thương cho thân phận con người. Đáng chú ý ở đây là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật phụ nữ. Chính tác giả đã tỏ bày trong hồi 1 của tác phẩm “Nay tôi sống cuộc đời gió bụi, không làm nên được trò trống gì. Chợt nghĩ đến những người con gái ngày trước cùng sống với tôi, so sánh kỹ lưỡng thấy sự hiểu biết và việc làm của họ đều hơn tôi. Tôi đường đường là bậc tu mi; lại chịu kém bạn quần thoa, thực đáng hổ thẹn! Bây giờ hối cũng vô ích, biết làm thế nào! Tôi nghĩ trước kia được ơn trời, nhờ tổ, mặc đẹp ăn ngon mà phụ công nuôi dạy của mẹ cha, trái lời răn bảo của thầy bạn, đến nỗi ngày nay một nghề cũng không thành, nửa đời long đong, nên muốn đem những chuyện đó chép thành một bộ sách bày tỏ với mọi người. Tôi biết rằng tôi mang tội nhiều. Nhưng trong khuê các còn biết bao người tài giỏi, tôi không thể nhất thiết mượn cớ ngu dại muốn che giấu lỗi của mình, để cho họ bị mai một. Cho nên, đám cỏ lều tranh, giường tre bếp đất, cùng cảnh gió sớm trăng chiều, sân hoa thềm liễu, đều thúc giục thực hiện lòng mong ước dùng bút mực viết ra lời…”. Trong suốt chiều dài Hồng lâu mộng, ta luôn bắt gặp bóng dáng những người phụ nữ mà cuộc đời, số phận họ đã được dự báo, tóm tắt trong hồi thứ 5 của tác phẩm. Ẩn đằng sau hình tượng xinh đẹp ấy là sự xung đột tư tưởng giữa các nhân vật phụ nữ được miêu tả đậm nét và giàu ý nghĩa.
Thế nhưng, những vấn đề ấy không phải bao giờ cũng được đánh giá xác đáng. Xuất phát từ niềm đam mê Hồng lâu mộng, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng”, với mong muốn khám phá phần nào ý nghĩa và giá trị to lớn của tác phẩm để từ đó có một cái nhìn toàn diện hơn về thiên tiểu thuyết tuyệt diệu này. Cũng hy vọng rằng đề tài này sẽ tiếp thêm lửa trong trái tim của những ai đã từng yêu mến Hồng lâu mộng và thắp lên ngọn lửa yêu thích trong trái tim những ai chưa một lần đọc Hồng lâu mộng. Như con ong làm mật cho đời, chúng tôi mong công trình nhỏ bé này sẽ góp thêm một tiếng nói trên diễn đàn Hồng học đang tưng bừng rộn rã.
- LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng được truyền bá không lâu thì đã thu hút được sự quan tâm của độc giả và các nhà nghiên cứu, phê bình. Đến đầu thế kỉ XX, một xu hướng, trào lưu nghiên cứu, phê bình Hồng lâu mộng ra đời, gọi là Hồng học. Và cho đến nay, việc nghiên cứu Hồng lâu mộng vẫn đang tiếp diễn sôi nổi ở Trung Quốc, lan rộng ra Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Chúng tôi xin điểm qua lịch sử nghiên cứu Hồng lâu mộng ở Trung Quốc và ViệtNam .
2.1 THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU Ở TRUNG QUỐC
Có thể nói ở Trung Quốc chưa có bộ tiểu thuyết nào lại được tranh luận và gây hứng thú cho các nhà nghiên cứu nhiều như Hồng lâu mộng. Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch đầu kí các bản Giáp Tuất (1754), Kỉ Mão (1759), Canh Thìn (1760) được viết trong khi Tào Tuyết Cần còn sống; có thể xem đây là những tư liệu nghiên cứu Hồng lâu mộng sớm nhất.
Ban đầu, do quan điểm duy tâm lệch lạc, Hồng học đã đi sai đường, biến thành những nghiên cứu gán ghép, gượng gạo. Các nhà Hồng học chia làm nhiều trường phái. Phái thứ nhất cho rằng: Hồng lâu mộng hoàn toàn vì Thanh Thái Tổ và Đổng Ngạc Phi mà sáng tác, đồng thời đề cập đến các danh vương kĩ nữ đương thời, tiêu biểu cho trường phái này là Vương Mộng Nguyễn và Thẩm Bình Am. Phái thứ hai lại cho rằng: Hồng lâu mộng là tiểu thuyết chính trị của triều Khang Hy nhà Thanh, tiêu biểu cho trường phái này là Thái Khiết Dân. Phái thứ ba thì khẳng định: những tình tiết trong Hồng lâu mộng đều là việc của Nạp Lan Thành Đức con trai của tể tướng Minh Châu thời Khang Hi, tiêu biểu cho trường phái này là Trương Tường Hà…Nhìn chung các trường phái đều cho rằng Hồng lâu mộng viết về những câu chuyện có thật thời Mãn Thanh.
Sau Ngũ Tứ, các học giả như Thái Nguyên Bồi, Ngô Thế Xương, Du Bình Bá, Lí Huyền Bà, Cố Hiệt Cương, Chu Nhữ Xương, Ngô Ẩn Dụ, Phan Trọng Quỳ đặc biệt là Hồ Thích với công trình Hồng lâu mộng giản luận năm 1921 đã khai sáng phái Tân Hồng học. Từ đây, Hồng học mới trở thành một ngành học thật sự, có phương pháp khoa học hẳn hoi, xuất phát từ việc khảo sát tác giả và tác phẩm văn học. Phái Tân Hồng học cho rằng Hồng lâu mộng là ghi chép việc thực của bản thân tác giả.
Đến sau 1949, nổi dậy một phong trào đấu tranh tư tưởng mãnh liệt phê phán những quan điểm nghiên cứu trước kia. Năm 1954, bắt đầu một phong trào rộng lớn phê bình phương pháp nghiên cứu Hồng lâu mộng của Du Bình Bá. Mở đầu đợt tấn công này là hai sinh viên tốt nghiệp Đại học: Lý Hi Phàm và Lam Linh. Kể từ đây, việc nghiên cứu Hồng lâu mộng có bước chuyển biến đáng kể, nhiều phương pháp mới được áp dụng. Các bài viết dần dần đã đi đến chỗ thống nhất khẳng định giá trị tác phẩm về cả nội dung và nghệ thuật.
Về mặt nội dung tiểu thuyết, các nhà phê bình, nghiên cứu khẳng định: Hồng lâu mộng là tác phẩm phản ánh hiện thực xuất sắc, phơi bày bức tranh xã hội phong kiến suy tàn với những mối quan hệ và mâu thuẫn hết sức phức tạp. Đồng thời, qua đó tác giả còn gửi gắm ước mơ, khát vọng tự do, khát vọng tình yêu…
Đồng thời, các nhà phê bình, nghiên cứu cũng khẳng định thành công về nghệ thuật của Hồng lâu mộng ở các phương diện: xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng hệ thống các chi tiết, nghệ thuật xây dựng kết cấu tác phẩm…
Chúng tôi xin nêu vài nhận định tiêu biểu để chứng minh sự đánh giá cao của người tiếp nhận dành cho Hồng lâu mộng về phương diện xây dựng nhân vật.
Lỗ Tấn đã nhận xét: “…Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các cuốn tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy. Bởi vậy, các nhân vật được miêu tả ở đây đều là những con người thật. Nói chung sau khi Hồng lâu mộng ra đời, cách viết và cách tư duy truyền thống đã hoàn toàn bị phá vỡ…” (Phan Thanh Anh. 2006. Tr.130)
Còn tác giả quyển Lịch sử văn học Trung Quốc tập II thì khẳng định: “…Thành tựu to lớn của Hồng lâu mộng trước hết thể hiện ở tài xây dựng nhân vật, và xây dựng rất nhiều nhân vật cùng một lúc…. Những nhân vật đó sống động, có máu thịt, có cá tính rõ nét. Có một số nhân vật nhà văn chỉ phác họa sơ qua vài nét nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đáng chú ý là, trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần miêu tả nhiều nhất là phụ nữ, mà chủ yếu lại là những thiếu nữ giống nhau hoặc na ná như nhau về độ tuổi, hoàn cảnh sống, cách sống. Rõ ràng điều đó làm cho việc miêu tả gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng Tào Tuyết Cần không những có thể miêu tả được hết sức rõ ràng cá tính của từng người, mà đến cả những tính cách gần giống nhau chỉ khác ở những nét đặc trưng hết sức tinh tế, cũng được ông khắc hoạ rõ ràng tỉ mỉ…” ( Nhiều tác giả. 1997. Tr.676)
Ngày nay, ở Trung Quốc có Sở nghiên cứu Hồng lâu mộng. Chuyên đăng tải các thông tin nghiên cứu Hồng học thì có 2 tạp chí lớn là Hồng lâu mộng học san ra hàng quý do ba nhà Hồng học nổi tiếng là Vương Triều Văn, Phùng Kì Dung, Lí Hi Phàm chủ biên và Hồng lâu mộng nghiên cứu tập san do Sở Nghiên cứu Văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chủ trì. Phân hội Giang Tô đã xuất bản Bộ tư liệu tham khảo nghiên cứu Hồng lâu mộng, tháng 12 năm 1982 công bố kết quả 10 năm gian khổ hiệu đính, chỉnh lí văn bản Hồng lâu mộng của ông Phan Trọng Quỳ, đến năm 1983 lại công bố hồ sơ mới phát hiện về gia thế Tào Tuyết Cần. Sau đó, Du Bình Bá đã tập hợp các bản Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch đầu kí gồm hơn 2000 lời bình điểm thành tập tư liệu để nghiên cứu Hồng lâu mộng. Gần đây, dư luận Trung Quốc lại xôn xao về thông tin trên báo chí và mạng Internet cho rằng Hồng Thăng hoặc Ngô Mai Thôn mới chính là tác giả Hồng lâu mộng. Các cuộc nghiên cứu về Hồng lâu mộng vẫn đang diễn ra nghiêm túc và sôi nổi, kể cả giới điện ảnh Trung Quốc cũng đang tập trung làm hai bộ phim Hồng lâu mộng bản mới.
Từ Trung Quốc, Hồng học đã vươn xa ra phạm vi quốc tế.
2.2 THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU Ở VIỆTNAM
Các nhà nghiên cứu ở Việt Namcũng khá tâm đắc bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng. Nhìn chung, những nghiên cứu về Hồng lâu mộng ở ViệtNam có nhiều điểm tương đồng về nội dung cũng như phương pháp với những nghiên cứu của Trung Quốc. Nghĩa là các nhà nghiên cứu chủ yếu đi vào tìm hiểu, khẳng định những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Những thành công về mặt kết cấu, miêu tả tâm lý nhân vật, ngôn ngữ, sắp xếp chi tiết…đều được nêu lên.
Việc tổng hợp những bài nghiên cứu Hồng lâu mộng ở ViệtNam đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài nghiên cứu tiêu biểu để khẳng định giá trị tác phẩm.
Tạp chí văn học số 3 năm 1962 với bài “Giá trị bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng” của Nguyễn Đức Vân đã đánh giá cao giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Hồng lâu mộng.
Lời giới thiệu Hồng lâu mộng của Phan Văn Các trong bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng do NXB Văn học xuất bản năm 1996 đã trình bày một số vấn đề về tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc cùng với quá trình sáng tác Hồng lâu mộng, văn bản và lịch sử lưu truyền, sự ra đời và phát triển của Hồng học, khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Cuốn Bài giảng văn học Trung Quốc của Lương Duy Thứ với bài Hồng lâu mộng khái quát nội dung và nghệ thuật Hồng lâu mộng, bài viết này khẳng định Hồng lâu mộng là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực.
Cuốn Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường Tào Tuyết Cần của Nguyễn Thị Diệu Linh do NXB Đại học sư phạm Hà Nội xuất bản năm 2006, bao gồm các nội dung: phần giới thiệu về tác giả Tào Tuyết Cần và quá trình sáng tác Hồng lâu mộng; 2 bài nghiên cứu của Trần Lê Bảo về Hồng lâu mộng và Chu Dịch và Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện trong Hồng lâu mộng; 2 bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Diệu Linh về Một quan niệm nghệ thuật về con người trong Hồng lâu mộng và Thực hư với kết cấu không gian và thời gian của Hồng lâu mộng. Đáng chú ý là phần phụ lục với bài viết Tầm quan trọng của hồi thứ 5 đối với kết cấu tác phẩm Hồng lâu mộng, đây là một vấn đề trước đây ít được quan tâm.
Nhìn chung, trong các nghiên cứu ở Trung Quốc và Việt Nam, chúng tôi chưa đọc được công trình khai thác nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong Hồng lâu mộng. Mặt khác các dịch giả Hồng lâu mộng ở Việt Nam chưa chú trọng lắm đến việc dịch nghĩa các bài thơ trong Hồng lâu mộng để độc giả ViệtNam dễ dàng tiếp nhận.
Chúng tôi sẽ kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu nghiên cứu của những người đi trước bằng tinh thần khoa học, thái độ cầu thị và nghiêm túc để đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong Hồng lâu mộng”.
- ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
Qua đề này, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để người đọc có thể tiếp nhận tác phẩm Hồng lâu mộng một cách toàn diện và sâu sắc hơn nhằm góp phần vào việc nghiên cứu, dạy và học văn học Trung Quốc trong nhà trường.
Hiện nay, độc giả Việt Nam được tiếp xúc với nhiều bản dịch Hồng lâu mộng rất hay, và được đánh giá cao nhất là bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng. Thế nhưng ở các bản dịch này, người đọc chỉ được tiếp xúc với những bài thơ đã được dịch thoát nghĩa mà không được tiếp cận với phần nguyên tác chữ Hán, phần phiên âm Hán Việt và phần dịch nghĩa; do đó phần nào bị hạn chế trong cách hiểu và cảm nhận. Trong khoá luận này, chúng tôi đã cố gắng trình bày nguyên tác chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa các bài thơ dự báo số phận các nhân vật phụ nữ trong hồi thứ 5 của tác phẩm đặt bên cạnh bản dịch thơ của nhóm Vũ Bội Hoàng; hy vọng sẽ góp phần nào đó giúp người đọc cảm nhận được cả tình và ý mà tác giả đã gửi gắm vào đó.
Bên cạnh đó, tuy có nhiều bài nghiên cứu về Hồng lâu mộng nhưng chưa thấy có công trình nào đi sâu nghiên cứu nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa một cách đầy đủ cả. Vì thế, ở phạm vi nhất định, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến một cách nhìn khái quát cho người đọc và góp phần vào kho tàng nghiên cứu Hồng lâu mộng đang rất phong phú và đa dạng ngày nay.
- MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng” chúng tôi hướng tới những mục tiêu chủ yếu sau:
- Nghiên cứu nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng.
- Hiểu được ý đồ nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng hình tượng người phụ nữ với những xung đột tư tưởng gay gắt.
- Thấy được “cái tâm” và “cái tài” của tác giả trong quá trình lao động nghệ thuật chân chính.
- Thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập văn học Trung Quốc trong nhà trường.
- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu là bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần do nhóm Vũ Bội Hoàng dịch được nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1996, trong đó đi sâu vào nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong tác phẩm.
Thế giới nhân vật trong Hồng lâu mộng rất đồ sộ, trong đó có đến 213 nhân vật phụ nữ, để khảo sát hết số lượng nhân vật này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những nhân vật phụ nữ được dự báo số phận ở hồi thứ 5 của tác phẩm và đi sâu vào nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa -hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa đại diện cho tư tưởng tự do dân chủ và tư tưởng bảo thủ phong kiến.
6.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong quá trình tìm hiểu, triển khai đề tài nghiên cứu khoá luận, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp sau:
6.1 PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ, PHÂN LOẠI
Chúng tôi tiến hành thống kê, phân loại những chi tiết thể hiện sự xung đột tư tưởng giữa các nhân vật phụ nữ để tìm ra ý đồ nghệ thuật của tác giả.
6.2 PHƯƠNG PHÁP LIỆT KÊ
Chúng tôi tiến hành liệt kê các dẫn chứng cần thiết trong bản dịch và trong các tài liệu có liên quan đến đề tài để chứng minh cho các luận điểm đã nêu sao cho phù hợp với những đề mục của khoá luận.
6.3 PHƯƠNG PHÁP HỆ THỐNG
Do thể loại tiểu thuyết có dung lượng lớn, các tình tiết tản mạn…nên việc tìm hiểu nghiên cứu đòi hỏi phải đảm bảo tính hệ thống. Phương pháp hệ thống giúp chúng tôi khi nghiên cứu tìm hiểu, bao quát tác phẩm một cách dễ dàng và trình bày khoá luận theo một cách khoa học hơn.
6.4 PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH, TỔNG HỢP
Chúng tôi tiến hành phân tích các dẫn chứng nhằm làm nổi bật các luận điểm cần triển khai. Sau đó thâu tóm, khái quát chúng lại thành những đúc kết mang tính kết luận vấn đề.
- 7. CẤU TRÚC KHOÁ LUẬN
Khóa luận: Nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong Hồng lâu mộng
Phần mở đầu
- Lý do chọn đề tài
- Lịch sử vấn đề
- Đóng góp của đề tài
- Mục đích nghiên cứu
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu
- Cấu trúc khoá luận
Phần nội dung
Chương I. Cơ sở lý luận
1. Nhân vật trong tác phẩm văn học và xung đột tư tưởng của nhân vật trong tác phẩm văn học
2. Các biện pháp xây dựng nhân vật
Chương II. Vài nét về tác giả, tác phẩm
1. Các tác giả
1.1 Tào Tuyết Cần
1.2 Cao Ngạc
2. Tác phẩm
Chương III. Nghệ thuật miêu tả xung đột giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
1. Những tiền đề nảy sinh xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
1.2 Hiện thực xã hội phong phú, phức tạp thời Mãn Thanh
1.2 Sự phát triển của tư tưởng dân chủ tự do
2. Nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
2.1 Xây dựng hệ thống yếu tố làm nổi bật xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa
2.1.1 Yếu tố tương đồng
2.1.2 Yếu tố tương phản
2.2 Độc thoại nội tâm, đối thoại bộc lộ xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa
2.3 Mượn lời nhận xét của nhân vật khác để miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa
2.4 Những bài thơ bộc lộ xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
3. Kết quả của những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
4. Ý nghĩa của những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng
Kết luận.
Phụ lục
Phác thảo chân dung các nhân vật nữ chính trong Hồng lâu mộng
(Dịch nghĩa các bài thơ trong Hồi 5)
Tài liệu tham khảo.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I
CƠ SỞ LÝ LUẬN
- 1. NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
Nhân vật trong tác phẩm văn học là những con người hay những sự vật mang cốt cách con người được xây dựng bằng các phương tiện của nghệ thuật ngôn từ.
Nhân vật trong tác phẩm văn học có những đặc điểm khác với nhân vật của các loại hình nghệ thuật khác. Trước hết là do hình tượng văn học là hình tượng phi vật thể cho nên nhân vật trong tác phẩm văn học là nhân vật của liên tưởng, tưởng tượng chứ không phải hữu hình như trong điêu khắc, hội hoạ hay điện ảnh, sân khấu. Qua ngôn từ, người đọc tưởng tượng và hình dung nhân vật theo khả năng liên tưởng của mình. Khả năng và đặc điểm liên tưởng của mỗi người không giống nhau nên nhân vật trong tác phẩm văn học được cảm nhận cũng không giống nhau hoàn toàn. Mặt khác, do hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học là hình tượng thời gian cho nên nhân vật trong tác phẩm văn học là nhân vật quá trình. Do đó, muốn tiếp nhận người đọc phải hồi cố, nhớ lại những gì xảy ra cho nhân vật trước đó.
Ý nghĩa của nhân vật thể hiện ở khả năng biểu đạt của nó trong tác phẩm. Sáng tạo ra nhân vật, nhà văn nhằm thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và các quan niệm về các nhân vật đó trong mối quan hệ xã hội. Mỗi nhân vật xuất hiện sẽ mang theo tiếng nói của nhà văn về con người, cuộc đời. Qua mỗi nhân vật, ta không chỉ hiểu một số phận, một cuộc đời mà còn hiểu ý nghĩa cuộc đời đằng sau số phận đó.
Cho nên, không thể đánh giá, nhận xét nhân vật như những con người bằng xương bằng thịt ngoài đời mà phải đánh giá khái quát nghệ thuật mà nó thể hiện. Tức là phải xem xét nhân vật trong tác phẩm văn học ở góc độ thẩm mỹ chứ không phải như một hiện tượng xã hội học.
Sức sống của nhân vật ngoài tính sinh động của sự miêu tả còn chính là ý nghĩa điển hình mà nó khái quát. Cho nên, những nhân vật xây dựng thành công và có sức sống lâu bền đều là những nhân vật có giá trị điển hình sâu sắc. Hay nói khác hơn, đó là những nhân vật không chịu nằm yên trên trang sách mà đã bước ra giữa cuộc đời, đó là những nhân vật đã làm cho tên tuổi nhà văn trở thành bất tử.
Nhân vật văn học còn được thể hiện qua những mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Đặt nhân vật vào mâu thuẫn, xung đột hay sự kiện nào đó là cơ sở để bộc lộ phần sâu kín nhất của bản chất nhân vật. Trong cuộc đời có bao nhiêu biến cố, xung đột thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu biến cố, xung đột. Và mỗi một biến cố, mỗi một xung đột lại làm lộ ra từng phần tính cách của con người.
Xung đột là biểu hiện cao nhất sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tính cách trong một tác phẩm. Thông thường người ta hay đề cập đến xung đột trong tác phẩm kịch, thế nhưng trong tiểu thuyết chính những xung đột cũng sẽ làm nên kịch tính của tác phẩm. Có thể nói xung đột là một yếu tố thiết yếu của một tác phẩm văn học nói chung cũng như tiểu thuyết nói riêng.
Nhờ có xung đột câu chuyện mới phát triển, tính cách nhân vật mới được bộc lộ. Và qua sự lựa chọn, giải quyết những xung đột trong tác phẩm sẽ thấy được tư tưởng nghệ thuật mà tác giả đã gửi gắm.
Xung đột bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa thời đại. Trong tác phẩm văn học, xung đột có thể là những xung đột của cá nhân nhân vật, nhưng bản thân xung đột ấy đã mang một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ví dụ như trong tác phẩm Othello của Shakespear, Othello và Desdemona trước hết mang trong mình những xung đột có tính cá nhân, cá thể. Nhưng những xung đột bi kịch ấy đã vượt khỏi phạm vi cá nhân vì nó đã tố cáo chủ nghĩa cá nhân tư sản đang chà đạp những ước mơ, lý tưởng của con người.
Xung đột ở mỗi thời đại khác nhau thì khác nhau. Ví dụ ở thời Hy Lạp cổ đại là xung đột giữa con người với thiên nhiên, con người với số mệnh, ngay cả vị thần tối cao như Dớt cũng bị số mệnh đe dọa; trong thời Phục Hưng là xung đột giữa chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa cá nhân tư sản, các thế lực phong kiến, đồng tiền, tôn giáo; các xung đột hiện đại thường xoay quanh xung đột giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác.
Xung đột có thể có nhiều phạm vi cấp độ khác nhau: xung đột nội tâm, xung đột tư tưởng, xung đột giữa các tính cách và hoàn cảnh, xung đột giữa các lực lượng xã hội, …
Một tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng nếu không có xung đột thì sẽ trở nên rất nhạt nhẽo.
Nhân vật trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng tất nhiên cũng mang những đặc điểm như thế. Vì vậy, việc tìm hiểu nghệ thuật miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa là một thao tác cắt ngang hệ thống nhân vật phụ nữ tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng để thấy được nghệ thuật miêu tả tinh vi cũng như ý nghĩa xã hội rộng lớn mà tác giả đã gửi gắm vào đó. Công việc này phải được xem xét từ góc độ thẩm mỹ và được đúc kết từ những chi tiết, những lớp độc thoại nội tâm, đối thoại…biểu hiện xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa rồi từ đó khái quát lên thành ý nghĩa, tư tưởng của tác giả trong tác phẩm.
2. CÁC BIỆN PHÁP XÂY DỰNG NHÂN VẬT
Mỗi nhà văn có một đường hướng, cách thức riêng khi miêu tả nhân vật. Mỗi phương pháp nghệ thuật, mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những cách thức miêu tả nhân vật không giống nhau. Đối với mỗi loại hình nhân vật cũng có những biện pháp miêu tả phù hợp. Do đó ở đây chỉ xin nêu biện pháp xây dựng nhân vật chung nhất mà nhà văn có thể sử dụng.
Nhân vật trước hết được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật. Các chi tiết nghệ thuật thể hiện các phương diện khác nhau của nhân vật từ chân dung ngoại hình cho đến nội tâm, từ hành động cho tới ngôn ngữ. Qua các chi tiết nhân vật dần dần hiện lên và dần dần bộc lộ ra các nét khác nhau của tính cách. Để miêu tả ngoại hình, các chi tiết dừng lại ở việc miêu tả quần áo, mặt, mũi, chân, tay, ánh mắt, nụ cười…Mỗi nét ngoại hình này không chỉ gợi lên sự hình dung về dáng vẻ nhân vật thế nào mà còn gợi lên cả tâm tính bên trong nhân vật. Để miêu tả nội tâm, các chi tiết thường dừng lại ở những suy tư, dằn vặt những cảm xúc, xúc động của nhân vật. Có lẽ hơn đâu hết, văn học có khả năng vô tận trong việc thể hiện thế giới nội tâm của con người. Cũng có khi nội tâm nhân vật được bộc lộ một cách gián tiếp qua miêu tả cảnh vật, đồ dùng, nhà cửa.
Các chi tiết cũng góp phần khắc hoạ nhân vật qua miêu tả ngôn ngữ và hành động của nhân vật.
Nhân vật văn học còn được thể hiện qua những mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Đặt nhân vật vào trong mâu thuẫn, xung đột hay sự kiện nào đó là cơ sở để bộc lộ phần sâu kín nhất của bản chất nhân vật.
Ngoài ra, nhân vật còn có thể được miêu tả qua cái nhìn của nhân vật khác, của những con người xung quanh, qua hoàn cảnh sống…Nhân vật cũng có thể được thể hiện bằng các phương tiện khác của văn học như qua lời văn, kết cấu, loại thể. Những phương tiện này càng làm phong phú thêm các phương thức khắc hoạ nhân vật.
Như đã nói ở trên, xung đột sẽ góp phần thể hiện nhân vật. Do đó, các biện pháp xây dựng nhân vật vừa nêu trên cũng có thể được vận dụng để miêu tả xung đột hay xung đột tư tưởng của nhân vật trong tác phẩm văn học.
CHƯƠNG II
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1 TÁC GIẢ
1.1 TÀO TUYẾT CẦN
Tào Tuyết Cần tên thật là Tào Triêm (chữ Triêm 霑 có bộ “vũ” trên đầu, nghĩa là đầm đìa). Ngoài ra còn có ba lối xưng hô: Mộng Nguyễn (mơ Nguyễn), Cần Phố (vườn rau cần) và Cần Khê (suối rau cần) trong đó cái nào là tự, cái nào là hiệu, ý kiến các học giả còn chưa thống nhất.
Tư liệu về Tào Tuyết Cần rất thiếu thốn. Năm sinh và năm mất của ông vẫn còn là một câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu, có ý kiến cho rằng ông sinh trong khoảng năm 1715 đến năm 1724 và mất trong khoảng năm 1762 đến năm 1763, ngoài 40 nhưng chưa đến 50 tuổi.
Tổ tiên xa xưa của ông là người Hán, sau đó vì nhiều lý do đã nhập tịch Mãn Châu. Do vậy, trong tiểu sử của ông có ý kiến nói ông là người Hán, lại có ý kiến nói ông là người Mãn Châu. Phụ thân của ông là Tào Ngung hay Tào Thiếu cũng vẫn còn là một câu hỏi treo lơ lửng. Câu đố về thân thế Tào Tuyết Cần càng tăng thêm màu sắc bí ẩn cho Hồng lâu mộng thậm chí đã gây ra mối hoài nghi của một số người về bản quyền tác giả.
Tuy nhiên có điều chắc chắn rằng từ đầu đời Thanh cho đến thế hệ Tào Tuyết Cần, nhà họ Tào là một “bách niên vọng tộc”. Cụ cố 5 đời của Tào Tuyết Cần là Tào Chân Ngạn được bổ làm tri châu Cát Châu, phủ Bình Dương (Sơn Tây), đến thời cụ nội Tào Tuyết Cần là Tào Tỉ, nhà họ Tào đã có mối quan hệ khá mật thiết với nhà vua đương triều là Khang Hi. Tào Tỉ đảm nhận chức Giang Ninh chức tạo giám đốc suốt 22 năm, vợ Tào Tỉ là vú nuôi của vua Khang Hi. Sau Tào Tỉ, đến Tào Dần là ông nội của Tuyết Cần và bố đẻ hay chú bác Tuyết Cần đều lần lượt sung chức ấy, trước sau đến 65 năm. Ngoài ra, dòng họ Tào rất giàu truyền thống văn học, Tào Dần đã đứng ra lo việc hiệu đính và in ấn bộ Toàn Đường thi. Đời Tào Dần là thời kì cực thịnh của họ Tào. Vợ Tào Dần là con gái Lí Sĩ Trinh tuần phủ Giang Nam; hai con gái Tào Dần đều là Vương phi. Tào Dần đã có vinh hạnh 4 lần được tiếp giá khi nhà vua Khang Hi đi tuần du phương Namchọn hành cung là Tào phủ. Như vậy, đủ biết nhà vua đã tin tưởng và sủng ái họ Tào như thế nào. Và căn cứ vào những chi tiết Nguyên Phi về thăm nhà họ Giả trong Hồng lâu mộng cũng có thể hình dung được cảnh tượng tiếp giá vua phải long trọng và xa hoa đến mức nào. Nhưng vinh quang mà họ Tào có được cũng là mầm mống gây hoạ cho gia tộc lớn này. Đúng như lời Dì Triệu trong Hồng lâu mộng đã nói “Chẳng qua lấy tiền bạc của nhà vua đem đập vào bản thân nhà vua đấy thôi…”. Quả thật tiền bạc đổ vào nghênh đón nhà vua cũng chính là tiền bạc của nhà vua nghĩa là họ Tào “tham ô” của công mà có được. Mặt khác, chính mối quan hệ mật thiết với Khang Hi đã khiến các nhà vua kế nhiệm tìm cách diệt trừ họ Tào. Cho nên, khi Ung Chính lên ngôi, nội bộ hoàng thất khuynh loát nhau dữ dội thì đến năm Ung Chính thứ 5 (1729). Tào Thiếu bị tội mất chức, gia sản bị tịch thu, năm sau cả gia đình từ GiangNam dọn về Bắc Kinh. Nhà họ Tào từ đó sa sút.
Công tử Tào Tuyết Cần chào đời vào khoảng những năm 1715-1724, nghĩa là còn quá nhỏ để có thể tận hưởng vinh hoa phú quý. Đến khi trưởng thành, Tuyết Cần đã nhận ra sự suy vong của dòng họ. Vinh hoa, phú quý, tiền bạc, danh vọng trôi qua đời ông như một giấc mộng ngắn ngủi nhưng oái oăm thay vẫn đủ sức ám ảnh tâm hồn nhạy cảm của ông đến suốt cuộc đời. Lúc này, gia đình Tào Tuyết Cần sống nghèo khổ ở ngoại ô Bắc Kinh. Ông đã phải làm đủ nghề như dạy học, vẽ tranh để kiếm sống. Tương truyền Tào Tuyết Cần còn là một hoạ sĩ rất tài hoa. Tào Tuyết Cần từng kết bạn với hai anh em Đôn Mẫn và Đôn Thành, coi họ như những người bạn tri âm tri kỉ. Tuyết Cần đã uống rượu, ngâm thơ với anh em Đôn Mẫn và Đôn Thành. Đáng tiếc thơ của Tuyết Cần đều thất lạc hết. Song, qua các bài thơ anh em họ Đôn để lại ta có thể hình dung một Tào Tuyết Cần với tâm trạng “tài cao, phận thấp”, cuộc đời chìm nổi nhưng phóng khoáng. Những năm tháng “chạy ăn từng bữa” cay đắng ấy đã sản sinh ra một tài năng văn học lớn cho cuộc đời.
Tào Tuyết Cần viết Hồng lâu mộng khi cả nhà đã phải sống cảnh rau cháo qua ngày. Quá trình sáng tác Hồng lâu mộng ra sao khó lòng mà biết được. Chỉ thấy trong hồi thứ nhất của tác phẩm viết “phi duyệt thập tải, tăng san ngũ thứ” (viết trong vòng 10 năm và 5 lần thêm bớt sửa chữa), “tự tự khán lai giai thị huyết, thập niên tân khổ bất tầm thường” (mỗi chữ xem ra đều là máu, mười năm cay đắng chẳng tầm thường). Ông đã dâng tất cả tâm huyết cho đến sinh mệnh của mình cho bộ tiểu thuyết này. Chỉ tiếc rằng mới viết được 80 hồi Thạch đầu kí thì Tào Tuyết Cần đã qua đời trong bệnh tật nghèo túng chẳng bao lâu sau cái chết của đứa con trai độc nhất. Tào Tuyết Cần chết, không còn con cái, chỉ duy nhất một người vợ nghèo goá bụa, tiền nong cũng chẳng có, vài ba người bạn thương tình, tống táng qua quýt. Đó là kết cục bi thảm của một tiểu thuyết gia thiên tài vào bậc nhất của nhân loại.
1.2 CAO NGẠC
Bản thảo dở dang Tào Tuyết Cần để lại chỉ 80 hồi đặt tên là Thạch đầu kí. Người viết tiếp 40 hồi sau là Cao Ngạc, tự Lan Thự (Lan Sử), biệt hiệu Hồng lâu mộng sử, đỗ cử nhân năm Mậu Thân Càn Long 53 (1788), làm quan Nội các Trung thư rồi Thị Độc, Giang Nam ngự sử hình khoa cấp sự trung. Cao Ngạc là tác giả của các sách Lại trị tập yếu, Lan thự văn tồn, Lan thự thập nghệ.
Đều là người Hán nhập tịch Mãn Châu, đều xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng Tào Tuyết Cần sống nghèo túng cô độc và bất đắc chí còn Cao Ngạc thì đỗ đạt làm quan với con đường công danh rộng mở. Hai hoàn cảnh khác nhau đã làm cho hai phần của tác phẩm Hồng lâu mộng tuy về cơ bản không có dấu vết chắp vá nhưng khuynh hướng tư tưởng vẫn khác nhau. Cao Ngạc đã để cho nhân vật Giả Bảo Ngọc cưới vợ, sắp sinh con nối dõi tông đường, đi thi, đỗ đạt rồi mới bỏ đi tu biệt tích, tương lai họ Giả vẫn còn nhen nhóm hy vọng ở Giả Lan và đứa bé trong bụng Bảo Thoa. Trong khi ở bản dự thảo Tào Tuyết Cần lại để Giả Bảo Ngọc bỏ đi ngay sau khi Lâm Đại Ngọc chết, tức là sau đám cưới. Cao Ngạc còn để gia đình họ Giả được minh oan, được phục chức nhằm cố gắng tô điểm cho bức tranh phủ Ninh và phủ Vinh lúc xế chiều thêm màu tươi sáng.
Đó là chủ ý của Cao Ngạc muốn đẩy lùi kết thúc bi kịch đang ám ảnh những đứa con trung thành của chế độ phong kiến.
2. VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM
2.1 VĂN BẢN VÀ LỊCH SỬ LƯU TRUYỀN
Thạch đầu kí 80 hồi đầu chỉ có số ít bạn bè thân thiết của tác giả chuyền tay nhau đọc dưới dạng bản thảo viết tay.
Năm Càn Long thứ 56 (1791), Trình Vĩ Nguyên và Cao Ngạc lần đầu tiên cho in bằng chữ rời để xuất bản, tên sách đổi thành Hồng lâu mộng tăng lên đến 120 hồi (gọi là bản Trình A), năm sau sửa chữa và in lại (gọi là bản Trình B). Mãi về sau người ta mới khảo chứng ra rằng 40 hồi sau là do Cao Ngạc viết nối.
Hồng lâu mộng in ra, giá bán lên đến vài chục lạng bạc nhưng thiên hạ tranh nhau mua. Người ta thích thú vừa đọc vừa khen hay, ca ngợi là tác phẩm hay nhất không có gì hay hơn trong làng tiểu thuyết, là vì người ta đã chán ngấy Kinh học gượng gạo thời Càn Long- Gia Khánh. Mặt khác, do sự hấp dẫn của cấu tứ nghệ thuật tự nhiên, thoải mái, hình tượng nhân vật đầy đặn, tư duy thâm trầm bén nhạy, cảm thụ chân thật tế nhị và ngôn ngữ văn học đẹp đẽ của Hồng lâu mộng nên người ta ngang nhiên chế giễu Kinh học, khẳng định Hồng lâu mộng mới là văn học thật sự.
Hồng lâu mộng được yêu thích như vậy nên có ngót 40 bộ sách viết tiếp như Hậu Hồng lâu mộng, Hồng lâu mộng bổ, Hồng lâu viên mộng…và có đến hơn 20 bộ phỏng tác như Kính hoa duyên, Thuỷ Thạch duyên… Đương nhiên Hồng lâu mộng cũng vấp phải sự phỉ báng và chống đối của các thế lực bảo thủ nhân danh bảo vệ đạo đức xã hội phong kiến. Hoặc vu khống Hồng lâu mộng là sách hối dâm, hoặc nguyền rủa Tào Tuyết Cần và hậu duệ của ông chịu quả báo. Mấy triều vua từng ra lệnh cấm và huỷ Hồng lâu mộng.
Không gì ngăn được ảnh hưởng xã hội rộng lớn của Hồng lâu mộng. Tác phẩm ấy vẫn sống mãnh liệt trong lòng xã hội Trung Hoa và đến năm Càn Long thứ 58 (1793) thì được truyền sang Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á, cuối cùng vươn xa ra thế giới như ngày nay.
2.2 SỬ DỤNG HÌNH THỨC TRUYỀN KỲ, TƯ TƯỞNG ĐỊNH MỆNH DUY TÂM
Truyền kỳ là tiền thân của thể loại tiểu thuyết, được viết nhiều vào đời Đường. Nội dung truyện truyền kì chuyên miêu tả chuyện lạ lùng, kì quái, nhằm phản ánh thế giới trần tục của con người, với những chuyện sinh hoạt, thuộc số phận con người bình thường trong sự biến động khôn lường của xã hội phong kiến. Nghệ thuật truyền kỳ kết hợp tài tình giữa hiện thực và hoang đuờng, lịch sử và kì ảo…Nhiều truyền kì có kết cấu như một giấc mơ. Ví dụ như Câu chuyện trong chiếc gối của Thẩm Kí Tế, Anh đào thanh y của Nhiệm Phan, gần với Hồng lâu mộng hơn có thể kể đến Tứ mộng của Thang Hiền Tổ đời Minh (Tử tiên kí, Tử thoa kí, Nam kha kí, Hàm Đan kí).
Như vậy, tiểu thuyết Hồng lâu mộng đã sử dụng hình thức truyền kỳ và tư tưởng duy tâm, định mệnh. Vì Hồng lâu mộng có kết cấu giống như một giấc mộng lớn, ngoài ra trong tác phẩm còn đến vài chục giấc mộng lớn nhỏ khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là giấc mộng của Giả Bảo Ngọc ở hồi thứ 5 (chàng đến Thái hư cảnh ảo, được xem Thập nhị kim thoa chính sách, phó sách, hựu phó sách ghi rõ số mệnh của những người đẹp thành Kim Lăng…). Hơn nữa ta thấy mở đầu tác phẩm là câu chuyện hoang đường về hòn đá và cây Giáng Châu như một cái án phong lưu “Chỉ vì trên bờ sông Linh hà ở Tây Phương, bên cạnh hòn đá Tam sinh có một cây Giáng Châu được Thần Anh làm chức chầu chực ở cung Xích hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thu tinh hoa của trời đất lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hoá thành hình người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi Ly hận đói thì ăn quả Mật thanh khát thì uống nước bể Quán sầu. Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới cho nên trong lòng nó vẫn mắc víu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương vấn một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp đời thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp ảo duyên, nên đến trước mặt vị tiên Cảnh Ảo ghi sổ, Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại cho chàng, như thế mới trang trải xong!. Từ đó dẫn đến câu chuyện tình duyên đầy nước mắt rồi lại chấm dứt như sự trả nợ một kiếp phong trần. Gạt ra ngoài tư tưởng duy tâm định mệnh thì đây cũng chỉ là một biện pháp kết cấu được ưa chuộng ở Trung Quốc nói riêng và Phương Đông nói chung.
Thật ra, mộng ảo trong Hồng lâu mộng chỉ là sự hiện thực hoá cõi tâm linh con người. Những yếu tố hoang đường tạo nên cái khung của bức tranh xã hội Trung Quốc thế kỉ XVIII, là vật cống của tác giả cho những đòi hỏi của thời đại mình. Những chuyện hoang đường không có gì là thần bí, nó đem lại cho chúng ta bí quyết để hiểu cái vũ trụ quan vốn có của người Trung Quốc thế kỉ XVIII.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng hình thức truyền kì và tư tưởng duy tâm định mệnh trong Hồng lâu mộng chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Có nghĩa là tác giả đã sử dụng hình thức truyền kì, tư tưởng định mệnh duy tâm như một phương tiện nghệ thuật chứ không phải muốn tuyên truyền cho tư tưởng duy tâm, định mệnh thần kì ấy. Vì vậy, bản thân Hồng lâu mộng vẫn được đánh giá là một tiểu thuyết hiện thực xuất sắc và được xếp vào đỉnh cao của tiểu thuyết Minh-Thanh.
2.3 CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC NGHIÊM NHẶT TRONG HỒNG LÂU MỘNG – ĐỈNH CAO CỦA TIỂU THUYẾT MINH THANH
Nhà Hán học Xô Viết nổi tiếng, viện sĩ N.S.Kônrát đánh giá rất cao tiểu thuyết Hồng lâu mộng. Ông viết: “Tiểu thuyết Hồng lâu mộng là một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa tiêu biểu. Đó là một bức tranh vĩ đại về quy mô cũng như về ý nghĩa của cuộc sống xã hội Trung Quốc thế kỉ XVIII…” ( Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ. 1998. Tr.126)
Quả thật, có thể xem Hồng lâu mộng là tập đại thành những tiến bộ nghệ thuật của tiểu thuyết hiện thực Trung Quốc thế kỉ XIV-XVIII. Mặc dù về khuynh hướng tư tưởng tiểu thuyết Minh và Thanh có khác nhau, tiểu thuyết Minh nặng về ca ngợi anh hùng, còn tiểu thuyết Thanh chủ yếu nói về cuộc sống thường ngày của con người, nhưng xét về phương pháp sáng tác thì từ Tam quốc, Thuỷ hử đến Chuyện làng Nho, Hồng lâu mộng lại là quá trình phát triển thống nhất. Đó là quá trình ngày càng thành thục của khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Hồng lâu mộng kế thừa và phát triển đến đỉnh cao những thành tựu nghệ thuật ấy của tiểu thuyết Minh-Thanh.
So với những bộ tiểu thuyết trước đó, Hồng lâu mộng đem đến một sự đổi mới đáng kể. Tư duy nghệ thuật mới mẻ và tài năng sáng tạo của nhà văn đã phá vỡ tư tưởng và cách viết truyền thống, đưa tiểu thuyết cổ điển phát triển ngày càng gần gũi với tiểu thuyết hiện đại.
Nhà văn Lỗ Tấn đã nhận xét: “Điểm trọng yếu là ở chỗ đã dám miêu tả như thực, hoàn toàn không tô vẽ, khác hẳn tiểu thuyết trước kia, hễ tả người tốt là hoàn toàn tốt, người xấu là cực kì xấu: Bởi vậy những nhân vật trong chuyện đều là chân thật cả…” ( Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ. 1998. Tr.127). Thật vậy, con người trong Hồng lâu mộng là những con người hết sức trần thế, mang đầy đủ những mặt tốt và cả những mặt xấu của con người hiện thực. Ngay cả nhân vật “lý tưởng” như Lâm Đại Ngọc vừa xinh đẹp, tài hoa vừa đa tình đa cảm, dám yêu và sống hết mình cho tình yêu…cũng còn mang những nét chưa tốt như thích châm chọc người khác mà nhân vật Tương Vân đã phê phán “Nếu mình quả giỏi hơn, cũng không nên gặp người nào trêu chọc người ấy” (hồi 20 ) và tính cách kiêu kì, cô độc của Đại Ngọc đã làm phật lòng không ít bậc “bề trên” và tạo nên sự oán ghét cho nhiều kẻ “bề dưới”. Còn như nhân vật Phượng Thư vốn mang bản chất trục lợi, xảo quỵêt độc ác nhưng lại xinh đẹp, ăn nói khéo léo và cũng có những nét tính cách tốt như biết trắc ẩn đối với những người nghèo như Già Lưu, yêu quý và ủng hộ Đại Ngọc, xót thương Tình Văn. Một người mưu toan thâm hiểm như Phượng Thư mà cũng có lúc thốt ra câu cảm thương người khác “Cô nhắc đến Tình Văn, tôi cũng thương cho nó! Con bé ấy mặt mũi thân hình đều khá, chỉ có mồm miệng sắc sảo. Thế rồi không biết bà Hai nghe lời bịa đặt ở đâu làm cho nó phải chết” (hồi 101)… Rõ ràng, nhân vật trong Hồng lâu mộng không đơn điệu, một chiều mà hết sức đa dạng phức tạp như chính con người trong cuộc sống hiện thực vậy.
Có thể khái quát những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của Hồng lâu mộng như sau:
Thứ nhất, trong khi miêu tả, tác giả đã bám sát đời sống hàng ngày, miêu tả một cách chi tiết, cụ thể, không tô vẽ, cường điệu. Nếu trong Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Tây du,…con người và sự việc đều ít nhiều mang nét khác thường, kì lạ thậm chí phi thường thì trong Hồng lâu mộng cuộc sống diễn ra rất bình thường như nó vốn có. Nếu như trong Tam quốc, Thuỷ hử, Tây du,…các sự việc thường được rút ngắn lại thì trong Hồng lâu mộng bức tranh cuộc sống dường như được trải rộng ra với đầy đủ chi tiết vụn vặt của nó. Có thể nói sức hấp dẫn của Hồng lâu mộng không phải bắt nguồn từ những mẩu chuyện ly kỳ, những biến cố rùng rợn, những con người phi thường như trong các tiểu thuyết trước kia mà chính từ những cái bình dị, thường nhật, có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày. Đúng như tác giả đã viết ở hồi thứ nhất của tác phẩm “Xưa nay những nhân vật phong lưu chẳng qua chỉ để lại một chút gì rất ít với một số thư từ mà thôi. Còn những chuyện ăn uống trong gia đình, trong khuê các thì không bao giờ ghi chép đầy đủ: hơn nữa những chuyện gió trăng, phần nhiều chỉ là trộm hương cắp ngọc, hò hẹn riêng tây mà thôi, chưa hề nói tới chân tình của người con gái. Tưởng lũ người này xuống trần thì những bọn si tình, hám sắc, hiển ngu bất tiếu ở đây, khác hẳn những truyện trước để lại”. Vì thế, trong Hồng lâu mộng không có những cảnh chiến trường oanh liệt, không có đấu trí tranh hùng mà chỉ quanh đi quẩn lại với những cảnh tiệc tùng, ma chay, sinh nhật, thưởng hoa, ngắm trăng…hết sức đời thường. Nhưng chính trong cái cuộc sống hàng ngày đó mâu thuẫn, xung đột đang phát triển, câu chuyện đang diễn tiến, cá tính rõ nét…Tất cả được một ngòi bút kết cấu sành sỏi “khéo léo như thợ trời, không lộ đường may” thể hiện một cách xuất sắc, tài hoa. Cuộc sống đuợc tái hiện trong Hồng lâu mộng dường như trào tuôn một cách tự nhiên trên mặt giấy mà người đọc không hề cảm thấy bàn tay đẽo gọt công phu nhưng thực chất nhà văn đã phải trải qua cả một quá trình rèn luyện gian khổ mới có thể đạt được. Cái cuộc sống ấy thật sinh động, muôn màu muôn vẻ, mọi thứ đều phức tạp rối rắm mà lại hết sức trong sáng rõ ràng. Tác giả đã phản ánh tỉ mỉ, sâu sắc nhưng lại khái quát cao độ bộ mặt chân thật cuộc sống, đó là tài năng bậc thầy của một ngòi bút tả thực theo một quan điểm nghiêm nhặt, mỗi người mỗi việc đều được xử lý một cách xác đáng, đúng như tác giả dã khẳng định trong hồi 1 của tác phẩm “…những cảnh hợp tan vui buồn, thịnh suy và những cảnh ngộ thay đổi, từ đầu đến cuối đều theo sát sự thực không có thêm bớt tô vẽ chút nào, không vì chiều lòng người mà xuyên tạc sự thật…”. Chính quan niệm hiện thực đó qua ngòi bút điêu luyện của tác giả đã đưa Hồng lâu mộng lên một đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực như Lỗ Tấn đã nhận xét “là một tác phẩm hiện thực không tô vẽ”.
Bên cạnh đó nhân vật trong Hồng lâu mộng cũng được Tào Tuyết Cần dụng tâm xây dựng rất thành công. Có thể nói hệ thống nhân vật trong Hồng lâu mộng rất đông đúc nhưng mỗi người một vẻ không ai giống ai. Các nhân vật điển hình có khả năng bước ra từ trang sách và đi vào cuộc đời, và có thể đại diện cho một loại người nào đó trong xã hội, như Đại Ngọc được dùng để chỉ những cô gái đa sầu, đa cảm, kiêu kì và cô độc, Phượng Thư là loại nàng dâu kiêm quản gia xinh đẹp… Có một số nhân vật chỉ phác họa đơn sơ mà để lại ấn tượng hết sức sâu sắc cho người đọc như Chân Bảo Ngọc, Bồi Dính… Đặc biệt là phần đông các nhân vật phụ nữ tuổi tác suýt soát nhau, môi trường sống, quá trình giáo dục cũng tương tự mà tính cách lại khác xa nhau như Đại Ngọc khác Bảo Thoa, Phượng Thư khác Thám Xuân…Đồng thời tác giả cũng chú trọng việc miêu tả các nhân vật có tính cách gần giống nhau nhưng biểu hiện khác xa nhau. Ví dụ như tính kiêu kì của Đại Ngọc khác xa Diệu Ngọc – một người nhập thế còn một người xuất thế, hay tính ôn hoà của Bình Nhi lại khác với tính ôn hoà của Tập Nhân…Không chỉ nhân vật chính được tập trung miêu tả mà các nhân vật khác cũng hiện lên rõ ràng, có xương có thịt, có dáng dấp riêng, có lời ăn tiếng nói riêng không lẫn với ai. Đối với cô thiếu nữ đa sầu đa cảm như Lâm Đại Ngọc thì Tào Tuyết Cần tập trung bút lực đã đành. Nhưng dưới ngòi bút của ông, ngay cả những cô nữ tì chẳng được học hành gì cũng được thể hiện đẹp đẽ và cảm động, đó là Tử Quyên biết vì nỗi bất hạnh của người khác mà đau khổ, là Tình Văn vì sắc đẹp mà bị ngược đãi đến chết, là Uyên Ương xinh đẹp và trung thành mù quáng đến đáng thương, là cô ba Vưu xinh đẹp, phóng khoáng và khảng khái hiếm có… Phải có một sự quan sát tận tường cuộc sống và một tài năng văn chương hơn người thì mới có thể tả thực đến cao độ như vậy.
Tương truyền khi xây dựng hình tượng 12 cô gái đẹp đất Kim Lăng, Tào Tuyết Cần đã vẽ sẵn chân dung 12 cô gái treo lên tường rồi theo đó mà miêu tả. Đó có thể chỉ là một giai thoại. Nhưng ít nhiều cũng cho ta thấy tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và thái độ tôn trọng hiện thực của tác giả. Có lẽ, tất cả những điều đó đã góp phần tạo nên chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt trong Hồng lâu mộng.
Có thể thấy chủ nghĩa hiện thực trong Hồng lâu mộng có một bước tiến xa hơn so với những tiểu thuyết hiện thực cổ điển trước đây. Vì thế mà người ta nói rằng chủ nghĩa hiện thực trong Hồng lâu mộng là chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt.
Thứ hai, chú trọng miêu tả tâm lý nhân vật có chiều sâu đáng kể. Trong khi những tiểu thuyết trước Hồng lâu mộng chưa chú trọng mấy đến tâm lý nhân vật, thì trong Hồng lâu mộng tâm lý nhân vật được miêu tả đầy đủ và chi tiết hơn. Việc miêu tả tâm lý ở đây có thể thấy từ hai mặt: từ lời miêu tả của người kể và từ ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Ví dụ như Lâm Đại Ngọc, vốn là con người có tính cách kiêu kì cô độc trong sự xung đột với hoàn cảnh, cô ta luôn có diễn biến tâm lý hết sức phức tạp, đôi khi vui, buồn, giận hờn đến cùng một lúc như ở hồi thứ 26 khi Đại Ngọc đang nằm khe khẽ hát “Suốt ngày mê mẩn bồi hồi, tình riêng chán ngắt” thì Bảo Ngọc đến, cô bối rối đỏ mặt sau đó nói cười với Bảo Ngọc, rồi khi nghe Bảo Ngọc dùng lời trong truyện Tây Sương để nói với mình cô lại nổi ngay cơn giận lên và khóc… Ngoài ra, việc miêu tả tâm lý còn được triển khai bằng những thủ pháp độc đáo như mượn hàng loạt những giấc mộng để diễn tả tâm lý yêu đương không nói nên lời hoặc thông qua độc thoại nội tâm của nhân vật (giấc mộng của Đại Ngọc ở hồi 82 thấy mình bị bắt về miền Nam lấy chồng, giấc mộng của Diệu Ngọc thấy mình bị vương tôn công tử đến ép duyên…). Tóm lại, ở Hồng lâu mộng việc miêu tả tâm lý nhân vật thông qua ngôn ngữ và hành động đều sắc nét hơn những bộ tiểu thuyết trước kia. Đó là bước tiến bộ mới trên con đường phát triển của tiểu thuyết hiện thực.
Thứ ba, kết cấu đồ sộ nhưng rất tập trung. Tuy còn có hạn chế như những sự kiện ở 80 hồi đầu tản mạn rời rạc mà ở 40 hồi cuối lại quá dồn nén. Nhưng nhìn chung kết cấu Hồng lâu mộng vẫn được đánh giá là đặc sắc. Và kết cấu ấy đã thể hiện rất rõ tài năng của tác giả: có thể chỉ mô tả câu chuyện 8 năm của một gia đình mà đạt đến quy mô của những tác phẩm viết về câu chuyện kéo dài 100 năm của ba nước, hơn thế nữa kết cấu ấy còn rất tập trung. Tác giả đề cập đến mọi mặt của đời sống gia đình họ Giả từ chuyện giàu sang phú quý, ăn tiêu xa xỉ đến chuyện tranh quyền đoạt lợi, dâm ô trác táng của bọn thống trị thậm chí đến cả số phận dáng thuơng của những a hoàn, đầy tớ…nhưng bao giờ cũng xoay quanh câu chuyện tình duyên Giả Bảo Ngọc- Lâm Đại Ngọc. Câu chuyện tình ấy là cái mạch ngoài dễ nhận thấy. Nhưng tác phẩm còn được liên kết bởi những mạch ngầm ngàn dặm làm cho một dấu vết, một sự việc có khi lờ mờ cũng có đầu mối của nó. Ví dụ như cái chết của Đại Ngọc rất có thể là do mẹ con Bảo Thoa đầu độc dần dần chứ không phải đơn thuần do u uất mà chết. Mặc dù tác giả không nói rõ nhưng dựa vào một số chi tiết ta có thể suy đoán. Từ đầu Bảo Thoa vốn không ưa Đại Ngọc, thậm chí có lúc còn dùng kế “kim thiền thoát xác” để bọn a hoàn ghét Đại Ngọc (hồi 27), thế mà bỗng dưng chị ta lại ân cần khuyên bảo Đại Ngọc và tâng bốc Đại Ngọc ( hồi 42)… Tất cả những hành động đó là nhằm tạo lòng tin với Đại Ngọc để đến khi Đại Ngọc ốm Bảo Thoa lại hào phóng tặng 2 bao yến sào cho Đại Ngọc bồi bổ (hồi 45). Và kết quả là, Đại Ngọc nói với Bảo Ngọc “đêm qua cũng yên ổn, nhưng vẫn ho đến hai lần, đến canh tư mới ngủ được, sau đó lại thức đến sáng” (hồi 52). Sau đó, dì Tiết đến Đại Quan viên chăm sóc Đại Ngọc (hồi 59) và kết quả là Đại Ngọc than thở với Tương Vân “tôi vẫn ngủ không được, đại khái trong vòng một năm qua, chỉ ngủ hơn mười đêm đẫy giấc thôi” (hồi 76). Ghê gớm hơn, Bảo Thoa cho người mang tặng Đại Ngọc một bình quả vải ướp mật ong thì ngay trong đêm đó Đại Ngọc ho rũ rượi, khạc ra máu, lạnh buốt cả người (hồi 82). Như vậy, rõ ràng Đại Ngọc chết không chỉ vì u uất, không chỉ vì sức khoẻ vốn yếu từ bé mà còn do âm mưu hết sức thâm sâu, hiểm ác của mẹ con Bảo Thoa(§). Ta thấy, các sự việc rời rạc ở các hồi xa nhau, nhưng vẫn liên kết với nhau hết sức chặt chẽ mà nếu chú ý ta sẽ phát hiện ra sự thật đằng sau cái chết đáng thương của Đại Ngọc.
Cuối cùng, phải nói đến thành tựu ngôn ngữ của Hồng lâu mộng, đó là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Bắc Kinh thuần tuý. Tác giả đã bỏ nhiêu công sức lựa chọn, trau chuốt nên ngôn ngữ không mang nặng thổ âm mà là một thứ ngôn ngữ phổ thông lưu loát, uyển chuyển và đẹp đẽ. Ngoài ra, tác giả cũng rất giỏi cá tính hoá ngôn ngữ nhân vật làm cho lời nói từng người khác nhau, hợp với tính cách của họ.
Tất cả những điều đó đã góp phần đưa Hồng lâu mộng lên vị trí đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực Minh-Thanh.
2.4 VAI TRÒ DỰ BÁO CỦA HỒI THỨ NĂM ĐỐI VỚI SỐ PHẬN CÁC NHÂN VẬT PHỤ NỮ TRONG HỒNG LÂU MỘNG- MỘT CÁCH GIỚI THIỆU NHÂN VẬT
Năm hồi đầu của tiểu thuyết Hồng lâu mộng giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với toàn bộ kết cấu của tiểu thuyết, trong đó không thể không kể đến vai trò dự báo cũng như tóm tắt của hồi thứ năm đối với số phận của các nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng.
Giấc mộng “chơi cõi ảo” của Giả Bảo Ngọc trong hồi thứ năm không chỉ đơn thuần là một giấc mộng duy tâm, huyền hoặc mà thông qua giấc mộng ấy với những bài thơ ngắn ngủi trong Chính sách, Phó sách và Hựu phó sách cuộc đời của những người đẹp thành Kim Lăng đã được giới thiệu đến người đọc. Từ Hồi thứ 5, người đọc có thể dự đoán, biết được những sự kiện xảy ra với các nhân vật phụ nữ trong toàn bộ tiểu thuyết.
Hựu phó sách viết về số phận của Tình Văn và Tập Nhân – hai a hoàn thân tín của Bảo Ngọc. Hãy xem bài thơ viết về Tình Văn:
Trăng thanh khó gặp, mây đa sắc dễ tan
Tâm hồn ví như trời cao, thân phận lại thấp hèn
Phong lưu, khéo léo khiến người ghen ghét
Thọ yểu khác nhau đều bị phỉ báng
Công tử đa tình chỉ than phiền.
Bài thơ này đã dự báo toàn bộ cuộc đời, số phận và những biến cố mà cô a hoàn xinh đẹp đã trải qua, rõ ràng ở những hồi sau ta bắt gặp một hình ảnh Tình Văn xinh đẹp, khéo léo, ăn nói sắc sảo nên bị ghen ghét và cuối cùng phải chết đi vì những phỉ báng rẻ rúng của đời. Đối với a hoàn Tập Nhân cũng tương tự, bài thơ thứ hai trong Hựu phó sách đã tiên liệu số phận cô: một Tập Nhân lúc nào cũng nhũn nhặn, nhún nhường đối với nguời khác, luôn ấp ủ ước mơ được sánh duyên cùng công tử nhà họ Giả, cuối cùng tất cả cũng bằng không, cô trở thành vợ của “con hát” Tưởng Ngọc Hàm như một mối duyên đã được định trước. Người đọc có thể suy ra những a hoàn xinh đẹp khác cũng được nêu tên trong Hựu phó sách này như: Uyên Ương, Tử Quyên, Tuyết Nhạn, Kim Xuyến, Hồng Ngọc, Bình Nhi,…
Phó sách là bài thơ về thân phận của Hương Lăng, vốn xuất thân từ dòng dõi thư hoạn khá giả, nhưng sớm bị bắt cóc phải lìa cha, xa mẹ làm người hầu rồi vợ lẽ cho người ta cuối cùng phải chết trên giường đẻ một cách đau đớn. Người đọc có thể đoán được tên của những nhân vật khác trong Phó sách như Vưu Nhị Thư, Bảo Thiềm,…
Chính sách là một loạt bài thơ về số phận của “thập nhị kim thoa”, bài thơ mở đầu như đã khái quát tình thế đối đầu giữa nàng Đại Ngọc và thiên kim Bảo Thoa:
Than ôi có đức mà phải dừng khung cửi giữa chừng
Đáng tiếc cái tài ngâm thơ vịnh hoa
Đai ngọc treo giữa rừng
Trâm vàng treo trong tuyết.
Rõ ràng bài thơ ám chỉ cái chết non của Đại Ngọc, cuộc hôn nhân lạnh lùng không hạnh phúc của Bảo Thoa và sự ra đi khỏi chốn trần thế thị phi của Bảo Ngọc. Ba nhân vật chính trong bốn câu thơ, Đại Ngọc và Bảo Thoa ở thế đối xứng với hai vị trí đầu và cuối bài thơ, Bảo Ngọc ở giữa. Ở đây, như ngầm báo hiệu một cuộc xung đột giữa hai người phụ nữ ấy và kết quả tất yếu diễn ra sẽ là bi kịch cho cả ba người.
Những bài thơ tiếp theo trong Chính sách lần lượt đề cập đến việc Nguyên Xuân được là vương phi vinh hiển nhưng chết sớm trong nước mắt, Thám Xuân sáng suốt tài cao phải lấy chồng xa đau khổ một đời, Tương Vân côi cút những tưởng tìm được hạnh phúc nào ngờ chồng mất sớm, Diệu Ngọc thích trong sạch mà cuối cùng phải bước ra khỏi cửa tu hành nhuốm vào bùn nhơ của bọn bắt cóc, Nghênh Xuân lấy phải họ Tôn vũ phu mới tròn một năm đã chết trong uất ức, Tích Xuân chán đời nương nhờ cửa Phật, Phượng Thư tài ba cuối cùng cũng mất mạng, Xảo Thư bị anh và cậu ép gả cuối cùng được bà già nhà quê Lưu lão lão cưu mang, Lý Hoàn goá bụa được hưởng chút vinh hiển từ con trai…
Bên cạnh đó, Hồng lâu mộng thập nhị khúc cũng góp phần dự báo cuộc đời các nhân vật chính trong tiểu thuyết. Khúc giáo đầu nói về những kẻ si tình nói chung. Khúc thứ nhất “Chung thân ngộ”, một lần nữa Đại Ngọc và Bảo Thoa được đặt trong thế đối xứng cây-ngọc-vàng để cuối cùng là bi kịch tình yêu của Đại Ngọc và bi kịch hôn nhân của Bảo Thoa. Khúc thứ hai “Uổng ngưng mi” như lời dự báo, thở than cho mối tình đầy nước mắt của Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Khúc thứ ba “Hận vô thường” nói về tâm tính nàng Đại Ngọc nhạy cảm và kiêu kì, đồng thời báo trước cái chết non nớt của cô gái yếu đuối, cô độc này. Khúc thứ tư “Phân cốt nhục” báo trước đường đời của Thám Xuân: lấy chồng xa xôi, ra đi mà cõi lòng tan nát. Khúc thứ năm “Lạc trung bi” viết về Tương Vân mồ côi, bất hạnh nhưng phóng khoáng, tài hoa, ngỡ đâu được duyên lành ai ngờ cuối cùng phải khóc than cho người chồng bạc số. Khúc thứ sáu “Thế nan dung” tiên đoán cuộc đời trần ai của Diệu Ngọc. Khúc thứ bảy “Hỉ oan gia” dự báo cuộc hôn nhân bất hạnh dẫn đến cái chết của Nghênh Xuân. Khúc thứ tám “Hư hoa ngộ” kể về việc Tích Xuân đi tu. Khúc thứ chín “Thông minh luỵ” báo trước cái chết bi thảm của Phượng Thư tinh ranh. Khúc thứ mười “Lưu dư khánh” dự báo cuộc đời của tiểu mỹ nhân Giả Xảo Thư. Khúc thứ mười một “Vãn thiều hoa” diễn tả cuộc hôn nhân không hạnh phúc của Bảo Thoa, nàng có những thứ nàng muốn nhưng lạnh lẽo cô đơn. Khúc mười hai “Hảo sự chung” phơi bày kết cục suy tàn của hai phủ Ninh, Vinh. Khúc kết “Phi điểu các đầu lâm” bày tỏ những suy nghĩ của tác giả về nhân sinh về cuộc đời. Trong các khúc ca này, Bảo Thoa và Đại Ngọc được đề cập đến trong cùng một khúc, sau đó mỗi người đều được dành riêng một khúc. Nếu xem kĩ, độc giả sẽ nhận ra ngay từ trong hồi thứ năm tác giả đã dành sẵn một thế đối đầu cho hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa này.
Tuy các bài thơ và các ca khúc trong hồi năm được xây dựng như những lời dự báo, tiên đoán đối với số phận các nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết nhưng như vậy không có nghĩa là tác giả rơi sâu vào tư tưởng duy tâm định mệnh. Ở một góc độ nào đó có thể xem đây như một cách giới thiệu nhân vật, để người đọc có nhận thức bao quát, sơ lược về nhân vật trước khi đi vào nội dung chính của tác phẩm. Cũng có thể nói đây là một bản tóm tắt về các nhân vật nữ chính và các sự kiện chính để người đọc tiện theo dõi, nắm bắt vì Hồng lâu mộng vốn là một thiên tiểu thuyết đồ sộ.
Có một điều chắc chắn là, mỗi một nhân vật trong Hồng lâu mộng đặc biệt là các nhân vật được đề cập đến trong hồi thứ năm này đều mang những mâu thuẫn, những xung đột đầy ý nghĩa. Những xung đột ấy đã góp phần làm nên ý nghĩa tư tưởng cho Hồng lâu mộng. Vì vậy, tìm hiểu Hồng lâu mộng không thể bỏ qua hệ thống những xung đột được xây dựng trong đó. Từ trong vô số xung đột của các nhân vật trên, luận văn chỉ chọn đi sâu tìm hiểu xung đột tư tưởng giữa cặp nhân vật Đại Ngọc- Bảo Thoa mà như ở trên đã nói: họ luôn được sắp xếp trong một thế đối xứng, đối đầu với nhau để rồi dẫn tới bi kịch không lối thoát.
2.5 HỆ THỐNG XUNG ĐỘT ĐƯỢC MIÊU TẢ TRONG HỒNG LÂU MỘNG
Người Trung Quốc vẫn gọi Hồng lâu mộng là thiên hạ đệ nhất tình thư nhưng nói như thế không có nghĩa rằng Hồng lâu mộng chỉ đơn thuần là một tiểu thuyết tình yêu viết về chuyện tình tay ba ly kỳ giữa Đại Ngọc, Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Mối duyên tiền định của Giáng Châu và Thần Anh là một sợi dây xuyên suốt tác phẩm nối kết bao nhiêu sự kiện bề bộn lại với nhau. Nhưng bao trùm lên thiên tiểu thuyết ấy là một ý nghĩa xã hội rộng lớn dưới thời phong kiến Mãn Thanh đang trên đà thoái trào. Rõ ràng Hồng lâu mộng chứa đầy những xung đột và như đã nói ở trên những mâu thuẫn xung đột ấy làm nên ý nghĩa của tác phẩm để nó vượt lên trên giới hạn của sự nhạt nhẽo tầm thường trở thành đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực Trung Quốc.
Hồng lâu mộng được kết cấu theo lối tự nhiên như cuộc sống nên những xung đột được miêu tả trong tiểu thuyết cũng chằng chịt và đan xen vào nhau rất chân thực. Có cả những xung đột trong nội bộ một giai cấp, những xung đột giữa các giai cấp khác nhau, có cả xung đột về mặt tư tưởng, xung đột về mặt nhận thức hành động, có cả xung đột quyền lợi và xung đột quyền lực…Tất cả tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội rộng lớn, thông qua hình ảnh gia đình họ Giả khái quát lên hình ảnh cả một giai cấp, một chế độ xã hội thối nát, bất lực và suy tàn.
Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, xung đột giữa giai cấp thống trị và tầng lớp bị trị cũng được miêu tả hết sức rõ nét. Đại diện cho giai cấp quý tộc thống trị là gia đình họ Giả tiền muôn bạc vạn. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã đưa người đọc đến với phủ Ninh và phủ Vinh đầy bạc vàng châu báu. Bên trong bốn bức tường chiếm quá nửa thành phố Kim Lăng ấy không bao giờ ngớt tiếng đàn ca, sáo phách; hội hè, yến tiệc diễn ra hằng ngày. Cái gia đình đồ sộ ấy hết ngày này qua ngày khác chỉ bận rộn vì tiệc tùng, thăm hỏi, đưa đón, ma chay. Họ phát ngán lên vì không còn đồ ăn nào ngon miệng, không còn trò chơi nào vừa ý thích. Chỉ một bữa tiệc nhỏ của phủ Vinh cũng đủ cho gia đình nông dân chi dùng trong cả năm. Để làm đẹp với thiên hạ, Giả Trân sẵn sàng chi một vạn lạng bạc làm ma cho con dâu là Tần thị, ông ta còn bỏ ra hai trăm lạng để mua cho Giả Dung chức “Long cẩm uý” để viết lên cờ tang cho thêm phần long trọng. Để đón tiếp Nguyên Phi về thăm nhà trong một ngày họ Giả đã tất bật chuẩn bị, xây cả một Đại Quan viên đồ sộ khiến cho một vị vương phi quen sống trong cung vàng gác ngọc còn phải ba lần kêu lên “xa hoa quá”. Tất cả những thứ ấy do đâu mà có nếu không phải là dùng thủ đoạn bóc lột người nông dân đến cùng cực. Đối với nông dân, tá điền, bọn quý tộc thống trị ấy không kể gì đến thiên tai, mất mùa. Ô gia trang – một trong tám trang trại của phủ Ninh vẫn phải nạp ba trăm con hươu, dê, nai, lợn, ba vạn ba ngàn cân than, hai trăm hộc gạo quý, một ngàn gánh gạo thường, hai ngàn năm trăm lạng bạc và vô số sản vật khác như cá, tôm, gà, ngỗng, gân hươu, hải sâm…thế mà Giả Trân hậm hực kêu không đủ ăn Tết Nguyên đán. Không những thế chúng còn mở tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi để bòn rút nhân dân lao động. Sau này khi phủ Vinh bị lục soát, người ta lôi ra hàng rương chất đầy văn khế, văn tự nợ. Tất cả những điều đó đã cho thấy rõ rằng gia đình họ Giả đồ sộ kia và nói rộng ra hơn là cả cái giai cấp thống trị ấy đã sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của những người lao động bần cùng. Tầng lớp bị trị trong Hồng lâu mộng không phải là những nhân vật chính nhưng hình ảnh họ hiện lên thật đẹp và thật đáng thương. Chủ nhân giàu có là như thế còn người nông dân lao động thì nghèo nàn, quê mùa và ngơ ngác đến tội nghiệp. Đó là Già Lưu phải làm trò hề cho nhà chủ để được ban phát bố thí. Đó là những cô a hoàn những người đầy tớ được nhà quý tộc mua về hầu hạ. Họ bị khinh miệt, bị làm nhục, có khi bị vô cớ đánh đập đến chết như Kim Xuyến, Tình Văn… Họ chỉ có thể chọn một trong ba con đường tự vẫn, đi tu hoặc bị ép gả chồng. Khi xung đột giai cấp lên đến cùng cực giai cấp bị trị cũng đấu tranh nhưng đó chỉ là sự đấu tranh tự phát, yếu ớt như Tiều Đại chửi rủa nết dâm ô, hủ bại của chủ hay cuộc đấu tranh của mấy cô nữ tỳ thơ ấu, mồ côi không nơi nương tựa bị dồn đến chân tường. Nhìn chung giữa hai giai cấp thống trị và bị trị nổi bật lên xung đột về mặt lợi ích kinh tế. Dù chưa đưa ra được giải pháp giải quyết xung đột nhưng bằng việc đi sâu lý giải xung đột giai cấp trong xã hội phong kiến suy tàn Hồng lâu mộng cũng đã mang một giá trị nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh đó trong nội bộ giai cấp quý tộc thống trị cũng diễn ra những xung đột gay go và quyết liệt. Hồng lâu mộng đã xoáy sâu vào miêu tả những xung đột nội bộ này qua hình ảnh gia đình họ Giả – một hào môn vọng tộc chứa đầy các mối quan hệ và mâu thuẫn của xã hội phong kiến suy tàn. Trước hết, là những xung đột về quyền lực chốn quan trường. Bốn dòng họ lớn Giả, Sử, Tiết, Vương câu kết với nhau, lại được sự trợ lực của Bắc Tĩnh Vương và An Nam Vương, thêm vào đó Giả Nguyên Xuân tài hoa được nhà vua hết mực sủng ái phong làm Vương phi càng củng cố địa vị vững chắc của họ trên chốn quan trường. Họ Giả một tay che trời, bẻ cong cả cán cân công lý, có thể giúp một tên giết người như Tiết Bàn thoát tội, có thể giúp một viên quan bị cách chức như Giả Vũ Thôn được phục chức. Họ mưu toan cùng nhau mua quan bán tước, dưới chân nhà vua không việc xấu nào họ không dám làm và tất nhiên cũng không tránh khỏi xung đột về quyền lực, quyền lợi chính trị với các phe cánh khác trong triều. Cuộc tranh giành quyền lực giữa những quý tộc thống trị này không kém phần quyết liệt và gay go bởi lợi ích chính trị sẽ kéo theo lợi ích về kinh tế. Hãy nhìn những lần lên quan xuống chức của Giả Vũ Thôn thì sẽ rõ. Và cả ở hồi 105, khi phủ Giả bị lục soát, tài sản bị tịch thu người bị tội bị đày kẻ bị cách chức, đó có thể xem là một cuộc thanh trừng, một thủ đoạn chính trị nhằm triệt hạ lẫn nhau giữa các phe cánh mà đứng đầu chống đối họ Giả có thể kể đến Tây Bình Vương. Đối với người ngoài là như vậy, còn đối với người trong nhà cũng dùng thủ đoạn đối phó không kém gì. Giả Thám Xuân đã từng thốt lên rằng “Chúng mình là bà con ruột thịt một nhà thế mà người nào cũng như gà chọi, chỉ chực nuốt sống lẫn nhau”. Xung đột giữa nội bộ gia đình quý tộc ấy là những xung đột về quyền lợi đặt họ vào trong tình trạng đối đầu căng thẳng “nếu gió đông không thổi bạt gió tây thì gió tây cũng thổi bạt gió đông”. Họ trở nên tàn nhẫn với nhau bất chấp tình thâm, máu mủ. Dì Triệu vì muốn giành quyền thế tập cho con trai mà mướn người phù phép hại Bảo Ngọc, Giả Hoàn vu oan Bảo Ngọc để Bảo Ngọc bị cha đánh tơi bời, Vương phu Nhân và Dì Triệu xem nhau như cái gai trong mắt, Hình phu nhân ghen ghét con dâu Phượng Thư… Chỉ vì quyền lợi mà anh em, vợ cả vợ lẽ, mẹ chồng nàng dâu…trở nên xung đột hãm hại lẫn nhau.
Ở trên là những xung đột về quyền và lợi ích, ngoài ra nội bộ giai cấp thống trị còn có một mối xung đột diễn ra gay gắt không kém đó là xung đột về tư tưởng. Mà cụ thể ở đây là xung đột giữa tư tưởng tự do dân chủ mới được nhen nhóm hình thành và tư tưởng phong kiến bảo thủ đang trên đà suy thoái. Đó là xung đột về tư tưởng của những con người chán ghét những thói giả dối, nhỏ nhen, tàn nhẫn, khuôn sáo, vô vị của chế độ phong kiến với cả một lớp người khư khư trung thành với những “khuôn vàng thước ngọc” đang rệu rã, bệ rạc của xã hội suy tàn. Đại diện cho tư tưởng phong kiến bảo thủ là cả một giai cấp quý tộc, cả một gia đình họ Giả với những chủ nhân tôn thờ mù quáng trật tự lễ giáo phong kiến, đặt những giáo điều phong kiến lên hàng đầu như Giả mẫu, Giả Chính, Giả Đại Nho…và tiểu chủ nhân Bảo Thoa luôn mong muốn đạt tới những khuôn mẫu mà chế độ phong kiến ca tụng; họ làm tất cả những mong cứu vãn được cỗ xe phong kiến đang trượt dài trên con đường lịch sử. Còn đại diện cho tư tưởng tự do dân chủ là Bảo Ngọc và Đại Ngọc – hai con người chán ghét công danh, xem thường khoa cử và sách vở thánh hiền, yêu thích văn chương lãng mạn, thích tự do và sống hết mình với tình yêu tự do mà mình lựa chọn. “Song Ngọc” trở nên đơn độc trong cái xã hội ấy, những con người bảo thủ xem họ là nghịch tử, xem những tư tưởng tự do của họ là không thể chấp nhận được. Cả một tầng lớp quý tộc bảo thủ luôn gò mình một cách khổ hạnh vào khuôn phép, chôn sâu hai chữ cá nhân và đương nhiên họ cũng muốn những “nghịch tử” phải tuân theo khuôn phép, tuân theo con đường mà họ lựa chọn dù con đường ấy đang trên đà sụp đổ không gì cứu vãn nổi. Chính những xung đột tư tưởng ấy đã làm hai cha con Giả Chính và Giả Bảo Ngọc xem nhau như thù, cũng chính những xung đột tư tưởng ấy đã khiến gia đình họ Giả từ chối Đại Ngọc đẩy nàng tới cái chết đầy nước mắt và cũng chính những xung đột tư tưởng ấy đã đặt Đại Ngọc và Bảo Thoa trong thế không thể hoà hợp cùng nhau, trở thành hai kẻ đối đầu một còn một mất.
Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, Lâm Đại Ngọc đại diện cho kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa có tư tưởng tự do dân chủ như: Tần Khả Khanh, Giả Nghênh Xuân, Giả Tích Xuân, Diệu Ngọc, Vưu Nhị Thư… Mặc dù ở các nhân vật này tư tưởng tự do dân chủ không được miêu tả rõ nét như Lâm Đại Ngọc nhưng họ cũng đã có ý thức về cái tôi cá nhân của mình, họ chán ghét cuộc sống giả dối và luôn khao khát hạnh phúc… Còn Tiết Bảo Thoa đại diện cho kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc, tài hoa có tư tưởng bảo thủ phong kiến như: Giả Mẫu, Vương phu nhân, Giả Nguyên Xuân, Phượng Thư, Thám Xuân… Đó là những người phụ nữ luôn xem lễ giáo phong kiến là khuôn vàng thước ngọc, luôn khao khát quyền lực và mang đầy đủ bản chất của tầng lớp “bề trên” trong xã hội…Có thể nói xung đột tư tưởng giữa hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa Đại Ngọc và Bảo Thoa đã khái quát được xung đột giữa tư tưởng tự do dân chủ với tư tưởng bảo thủ phong kiến trong tác phẩm Hồng lâu mộng, vượt lên trên xung đột giữa hai cá nhân, hai tính cách, xung đột tư tưởng ấy mang một ý nghĩa xã hội và chứa đựng tư tưởng nghệ thuật mà Tào Tuyết Cần đã gửi gắm trong Hồng lâu mộng.
CHƯƠNG III
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
1 NHỮNG TIỀN ĐỀ NẢY SINH XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
1.1 HIỆN THỰC XÃ HỘI PHONG PHÚ, PHỨC TẠP THỜI MÃN THANH
Nhà Thanh (1644-1911) là triều đại ngoại tộc thứ hai (sau Mông Cổ) thống trị Trung Quốc. Tình hình chính trị xã hội thời Mãn Thanh hết sức phong phú và phức tạp. Mọi quyền hành về quân sự, tài chính, ngoại giao đều tập trung trong tay quý tộc người Mãn. Sự lạc hậu mang tính chất trung cổ của chế độ Mãn Thanh đã kềm hãm xã hội Trung Quốc trong vòng trì trệ trước vòng quay hối hả của lịch sử.
Mâu thuẫn xã hội do đó cũng ngày càng phức tạp và sâu sắc hơn. Ruộng đất tập trung vào tay quan lại, địa chủ. Bọn chúng được luật pháp che chở để bóc lột người nông dân một cách tàn nhẫn. Thêm vào đó nền tư bản thương nghiệp thâm nhập vào nông thôn làm cho nông dân bần cùng phá sản. Bên cạnh mâu thuẫn giai cấp còn có thêm mâu thuẫn dân tộc dẫn tới những cuộc khởi nghĩa liên miên. Nhân dân lao động phải chịu sưu cao thuế nặng, đời sống xáo trộn vì phu phen tạp dịch, sản xuất bị tàn phá. Chiến tranh đã làm cho mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp càng thêm gay gắt, phức tạp.
Để củng cố trật tự phong kiến, thủ tiêu tinh thần phản kháng, đấu tranh của nhân dân, giai cấp thống trị Mãn Thanh ra sức đề cao Tống Nho (Lý học) như một thứ quốc giáo. Lý học là Khổng giáo đã được Trình Hạo, Chu Hi đời Tống giải thích lại nhằm phục vụ cho việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền. Về thế giới quan nó đề cao tư tưởng mệnh trời, khuyên mọi người an phận thủ thường; về luân lý xã hội đề cao tam cương ngũ thường khuyên răn con người vào khuôn phép; về cách sống đề cao «chủ tĩnh», tránh suy nghĩ tự do. Tóm lại đó là một thứ lý luận đào tạo quan chức phục tòng, đào tạo thuần dân rất màu nhiệm. Trong Hồng lâu mộng có rất nhiều nhân vật mang tư tưởng bảo thủ phong kiến như Giả Chính, Giả Đại Nho, Tiết Bảo Thoa…
Song song đó, giai cấp thống trị còn đề xướng văn bát cổ dùng để thi cử. Đề thi rút ra từ các luận điểm trong Tứ thư do Chu Hi biên soạn và Ngũ Kinh do các nhà Tống Nho chú thích.Thí sinh phải mô phỏng theo ngữ khí của người xưa, không được tự do sáng tạo. Đó là thủ đoạn thâm độc nhằm hạn chế tự do tư tưởng. Cách thức đào tạo nhân tài như thế có thể sản sinh ra những con mọt sách và thực tế đã biến thành «chiếc cần câu cơm» như nhân vật Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng đã chế giễu.
Có thể nói nhà Thanh đã áp dụng một chính sách văn hoá hết sức tàn bạo mà tiêu biểu là «Văn tự ngục». Đó là một chính sách bắt giam, xử tội, thậm chí chặt đầu những nhà thơ, nhà văn dám mỉa mai châm biếm chế độ. Phàm đào kép diễn kịch, không được đóng các vai vua chúa, hoàng hậu, cung phi, trung thần tiết liệt nhưng đóng các vai thần tiên, đạo sĩ, nghĩa phu, liệt phụ, con hiền, dâu thảo thì được. Đời Thanh do giai cấp thống trị là người ngoại tộc không am hiểu văn hoá Trung Quốc nên «ngục văn tự» liên tiếp xảy ra, không ít nhà thơ nhà văn đã mất đầu vì một chữ, một câu bị coi là ám thị chính trị. Ngay tiểu thuyết Hồng lâu mộng cũng đã từng một thời bị triều đình Mãn Thanh cấm lưu hành vì mang nhiều tư tưởng tự do dân chủ.
Tóm lại, trong một hiện thực phức tạp như thế, giai cấp thống trị đã dùng mọi thủ đoạn để mong củng cố, cứu vãn một chế độ xã hội đã đến hồi mục rữa, suy tàn. Thế nhưng dù giai cấp thống trị có kềm hãm đến đâu thì tư tưởng tự do dân chủ vẫn ra đời và ngày càng ăn sâu vào con người, đe doạ làm lung lay tư tưởng bảo thủ phong kiến buổi thoái trào.
1.2 SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG TỰ DO DÂN CHỦ
Mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã có từ thời Minh sang thời Mãn Thanh thì phát triển khá mạnh. Mặt khác là do sự phát triển của công thương nghiệp trong nước. Đời Thanh đã có những mỏ lớn như mỏ Mông Tự và việc buôn bán với nước ngoài cũng rất phát đạt. Đã có một đội thương thuyền rất lớn đi các nước Đông Nam Á và đến cả Châu Phi. Mặt khác, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã xâm nhập vào Trung Quốc, những thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Hà Lan, Anh…lần lượt đến Trung Quốc. Sự phát triển đó đã làm xuất hiện những đô thị sầm uất với một tầng lớp thị dân đông đảo. Họ đòi hỏi những phương thức sinh hoạt tinh thần mới.
Sự phát triển của những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng tạo điều kiện cho việc nảy sinh một ý thức hệ mới chống lại ý thức hệ phong kiến truyền thống. Thời Thanh đã có cuộc vận động Khải Mông tuyên truyền tư tưởng tự do dân chủ chống phong kiến.
Sự nảy sinh và phát triển của tư tưởng dân chủ chống phong kiến đã tạo nên màu sắc mới mẻ của hàng loạt tác phẩm văn học dưới thời Mãn Thanh. Tây sương kí, Mẫu đơn đình, Liêu trai…là những tác phẩm tả tình yêu, những số phận, buồn vui cá nhân. Đó chính là sự thăng hoa của cuộc sống bắt đầu khác trước của người dân thành thị.
Hồng lâu mộng đã kế thừa những tư tưởng dân chủ ấy đồng thời cũng với hiện thực sống động đương thời mà tạo nên «những cuộc gặp gỡ» đầy ý nghĩa xã hội và đậm chất nghệ thuật văn chương. Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc là hai nhân vật mang tư tưởng tự do dân chủ được xây dựng rất thành công trong thiên tiểu thuyết này.
2. NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
2.1 XÂY DỰNG HỆ THỐNG TẾU TỐ LÀM NỔI BẬT XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA
2.1.1 YẾU TỐ TƯƠNG ĐỒNG
2.1.1.1 TƯƠNG ĐỒNG VỀ THÀNH PHẦN XUẤT THÂN
Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa cùng xuất thân từ giai cấp quý tộc. Tuy nhiên về căn bản thì «thân thế» của Tiết Bảo Thoa có phần cao hơn Đại Ngọc. Bảo Thoa là thiên kim tiểu thư của dòng họ Tiết – một trong bốn gia đình đại quý tộc Giả, Sử, Tiết, Vương. Bảo Thoa có một người cậu là Vương Tử Đằng làm quan to trong triều, có người dì là Vương phu nhân làm con dâu gia đình họ Giả danh giá. Hơn nữa gia đình họ Tiết lại giàu có, tiền muôn bạc vạn, họ giữ việc lĩnh tiền trong kho mua hàng cho vua, ở kinh thành họ có rất nhiều cửa hiệu cầm đồ. Họ Tiết giàu có đến nổi khi Tiết Bàn giết người họ sẵn sàng vung tiền ra để mua luôn cả luật pháp và kết quả là kẻ sát nhân vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật tiếp tục đi gây ác. Gia đình Bảo Thoa đến ở nhờ trong phủ Giả là do tình thâm với Vương phu nhân chứ thực chất không lệ thuộc về kinh tế. Họ thừa sức xây dựng những căn nhà nguy nga để ở. Thế nên đối với họ Giả, gia đình Bảo Thoa là thượng khách, trong mọi sinh hoạt cũng như tiệc tùng họ đều được ưu tiên, biệt đãi. Bảo Thoa lại có tên trong danh sách những con gái nhà gia thế được ghi tên ở Bộ để sắp sẵn làm tài nhân. Điều đó lại càng nâng cao địa vị tôn quý của cô tiểu thư nghìn vàng này.
Còn Lâm Đại Ngọc dù cũng xuất thân từ dòng dõi quý tộc nhưng xét về gia thế thì lại kém cạnh hơn Bảo Thoa rất nhiều. Cha của Đại Ngọc là Lâm Như Hải giữ chức Tuần diêm ngự sử ở Dương Châu. Họ Lâm tuy là nhà quý tộc, được tập tước hầu nhưng họ hàng đã không còn được thịnh vượng nữa. Trên thực tế, gia đình họ Lâm là một gia đình quý tộc đã sa sút. Mẹ Đại Ngọc là Giả Mẫn, thiên kim tiểu thư của nhà họ Giả nhưng lấy chồng họ Lâm, gia thế kém hơn họ Giả. Có thể thấy rằng nhà họ Giả không mấy xem trọng họ Lâm vì thực chất trong nội bộ giới quý tộc cũng phân làm nhiều tầng bậc. Mẹ Đại Ngọc mất sớm nên Đại Ngọc được cha gửi về nương nhờ bên ngoại. Đại Ngọc luôn ý thức được thân phận «ăn nhờ ở đậu» của mình nên nàng luôn tủi thân, nhất cử nhất động đều hết sức cẩn thận vì sợ người khác chê cười. Khi Bảo Thoa cho người mang hoa lụa sang tặng, Đại Ngọc chua chát nói «Tôi biết rồi, thừa người mới đến phần tôi». Đã hơn một lần Đại Ngọc phải khóc, phải tủi cho thân phận của mình, người ta «vàng ngọc» còn mình chỉ là «cây đá», bởi dù sao đi nữa thì đối với nhà họ Giả, Đại Ngọc chỉ là «nữ sanh ngoại tộc», là cây tầm gửi sống bằng lòng thương hại của Giả Mẫu và mọi người. Ở hồi 27 Đại Ngọc đã thầm nghĩ «Tuy nhà cậu cũng như nhà mình nhưng mình vẫn là khách. Bây giờ bố mẹ chết hết rồi, không có chỗ nương tựa mình phải đến ở nhờ đây, có giận cũng vô ích» … Có lẽ vì thế mà Đại Ngọc và Bảo Thoa có sự khác biệt về suy nghĩ và cách cư xử.
Nhìn chung, hai cô đại tiểu thư cùng xuất thân cao quý, là con cháu của một trong bốn dòng họ lớn và quyền lực nhất Kim Lăng, một là cháu ngoại họ Giả danh giá, một là thiên kim họ Tiết giàu có. Gia đình Đại Ngọc có thể coi là gia đình quý tộc phong kiến chính thống. Còn gia đình Bảo Thoa lại có phần thiên về khuynh hướng tư sản bởi họ sinh sống bằng nghề cầm đồ. Thế nhưng trong tâm tưởng họ lại có một sự đối lập kì lạ: Bảo Thoa luôn muốn vươn lên đẳng cấp quý tộc cầm quyền cao nhất, còn Đại Ngọc thì lại mang trong mình những tư tưởng tự do dân chủ và chán ghét cùng cực thế giới của giai cấp quý tộc giả dối, độc ác, tàn bạo kia.
2.1.1.2 TƯƠNG ĐỒNG VỀ HOÀN CẢNH SỐNG, MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC
Không chỉ tương đồng về nguồn gốc xuất thân mà Đại Ngọc và Bảo Thoa còn có cùng một hoàn cảnh sống và chịu sự tác động của môi trường giáo dục giống nhau.
Lúc nhỏ Đại Ngọc sống cùng cha ở Dương Châu, lên năm tuổi thì theo Giả Vũ Thôn vào Giả phủ sống với gia đình bên ngoại. Còn Bảo Thoa vì vụ án của Tiết Bàn, vì chờ dự tuyển vào cung vua mà cũng đến ở trong phủ họ Giả. Thành ra, cuộc đời đã đưa đẩy họ hội ngộ trong cửa hào môn của gia đình đại quý tộc này. Về sau, nhờ Nguyên phi về thăm nhà mà họ được cùng vào ở trong Đại Quan Viên xinh đẹp. Chỉ riêng tên chỗ ở cũng đã phần nào nói lên tính cách và số phận mỗi người. Đại Ngọc ở Tiêu Tương quán rất phù hợp với tính cách cô độc, hay buồn hay sầu mau nước mắt của nàng. Còn Bảo Thoa ở trong Hành Vu Uyển rất hợp với tính cách tài hoa, biết người biết ta của một vị tiểu chủ nhân như cô.
Trong bốn bức tường chiếm quá nửa thành phố Kim Lăng ấy, Đại Ngọc, Bảo Thoa và những người đẹp khác sống một cuộc sống êm đềm đầy nhung lụa. Họ không bao giờ phải lo toan, vất vả. Hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác họ chỉ có mỗi việc là tiệc tùng, hội hè, đình đám, hưởng thụ một cuộc sống an nhàn. Họ được giáo dục như những tiểu thư phong kiến chính thống khác. Có nghĩa là chỉ cần chăm lo thêu thùa, may vá sao cho công dung ngôn hạnh đủ đầy. Họ luôn được giai cấp thống trị phong kiến dạy rằng con gái chỉ cần biết một ít chữ là đủ, con gái thì không nên đọc nhiều sách, không nên làm thơ và nếu có làm thì cũng chỉ để giải khuây trong khuê phòng không được truyền ra ngoài làm trò cười cho thiên hạ.
Tóm lại, hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa sống và chịu sự giáo dục thuần tuý của giai cấp quý tộc phong kiến thống trị. Họ sống trong khuôn phép, với đủ mọi thứ lễ nghi, tập tục, quy định. Họ được dạy để trở nên ngoan ngoãn, phục tùng và gò mình vào những khuôn phép ấy một cách tuyệt đối.
Nhưng dù cùng sống và được giáo dục trong một môi trường như thế thì hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa ấy vẫn có những cách tiếp thu rất khác nhau. Bảo Thoa tuân theo một cách tuyệt đối và tôn thờ những gì chế độ phong kiến đã chỉ ra, đã ban cho mình. Còn Đại Ngọc lại chán ghét những thứ ấy. Cũng như Bảo Ngọc, Đại Ngọc luôn muốn phản kháng để cái tôi của mình được lên tiếng, được khẳng định; được sống tự do, làm những gì mình thích, mình muốn.
Rõ ràng, hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục không thể chi phối toàn diện con người. Ở một số đối tượng, như Bảo Thoa, nó làm nên tính cách. Còn ở một số đối tượng khác, như Đại Ngọc, nó lại chỉ làm con người chán ghét và muốn vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
2.1.1.3 TƯƠNG ĐỒNG VỀ SẮC VỀ TÀI: NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TÀI SẮC VẸN TOÀN
Cùng một xuất thân, cùng một hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục, Bảo Thoa và Đại Ngọc còn là những người phụ nữ quý tộc tài sắc vẹn toàn.
Tương tuyền khi miêu tả sắc đẹp của các nàng, Tào Tuyết Cần đã vẽ nên những bức chân dung thật diễm lệ rồi theo đó mà viết. Sắc đẹp của cả Đại Ngọc và Bảo Thoa đều không được tác giả miêu tả một cách trực tiếp mà thông qua cái nhìn của chàng si tình Giả Bảo Ngọc, nên rất khách quan và thuyết phục người đọc.
Trong con mắt Bảo Ngọc, Đại Ngọc hiện lên thật xinh đẹp, một vẻ đẹp mong manh và hiếm thấy. Ở hồi 3, khi Đại Ngọc mới đến phủ Giả tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của Đại Ngọc qua cái nhìn của Bảo Ngọc «Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dường như vui mà lại không vui. Má hơi lũm, có vẻ âu sầu; người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn hoa rọi mặt hồ ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một khiếu, bệnh so Tây Tử trội hơn phân ». Ngay đến Phượng Thư khi gặp Đại Ngọc cũng phải thốt lên «Trong thiên hạ lại có người đẹp đến như thế này!». Đại Ngọc dáng điệu tuyệt vời, nhan sắc hiếm có đến nỗi khi nàng khóc chim chóc đang đậu trên cành liễu khóm hoa cũng xào xạc bay ra. Quả đúng như bài thơ tác giả đã dành cho Đại Ngọc trong hồi 28 của tiểu thuyết :
«Cô Tần tài sắc tuyệt vời
một mình hiu quạnh ra ngoài buồng thêu
giọng than chưa ngớt nghẹn ngào
hoa tơi bời rụng, chim xào xạc bay»
( Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng.)
Tiết Bảo Thoa cũng xinh đẹp không kém, nhưng cô lại mang một vẻ đẹp lộng lẫy, khoáng đạt khác hẳn với Đại Ngọc. Bảo Ngọc cũng đôi lần rung động trước sắc đẹp của Bảo Thoa, gặp cô chị là quên khuấy cô em, hồi 28 của tác phẩm có đoạn «Bảo Ngọc ngắm nghía đến dáng điệu Bảo Thoa, thấy da mặt nõn nà, khoé mắt long lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thuỳ mị riêng».
Đại Ngọc và Bảo Thoa cũng như Thuý Kiều và Thuý Vân của Nguyễn Du đều mang vẻ đẹp «mười phân vẹn mười» khiến người ta say đắm. Không những đẹp mà cả hai đều là những bậc tài hoa, thạo cả cầm kì thi hoạ.
Nói về làm thơ thì cả Bảo Thoa và Đại Ngọc đều có thể được gọi là tài năng. Ở hồi 19, khi Nguyên Xuân về thăm phủ Giả đã gọi tất cả chị em trong nhà ra làm thơ và chính vị vương phi tài hoa như Nguyên Xuân cũng phải công nhận rằng «Rút cục bài của em Tiết và em Lâm hơn hẳn các bài. Chị em chúng ta không ai bằng» Trong những lần họp thi xã thì Bảo Thoa và Đại Ngọc cũng thay nhau giữ vị trí quán quân. Cả hai người con gái đều có tài thơ, có những quan niệm độc đáo về thơ và những bài thơ của họ luôn chan chứa ý và tình.
Riêng Bảo Thoa, ngoài thơ, còn tinh thông nhiều thứ như hội hoạ, kinh kịch…và thậm chí cả đạo thiền. Người đọc Hồng lâu mộng chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với những hiểu biết sành sỏi của Tiết Bảo Thoa về lĩnh vực hội hoạ. Trong khi cô tiểu thư Tích Xuân vốn rất thích vẽ đang lúng túng trước bức tranh vườn Đại Quan quá rộng lớn thì Bảo Thoa đã bình tĩnh chỉ ra cụ thể những nguyên vật liệu cần phải chuẩn bị khi vẽ tranh. Nói một hơi dài, Bảo Thoa kê ra một danh sách gồm hầu hết những thứ nguyên liệu và dụng cụ dùng trong hội hoạ mà một người không thông hiểu không thể nào nói ra được. Về phương diện này hầu như nàng đã thuộc nằm lòng, khi đọc lên khiến ta bội phục kiến văn quảng bác của cô. Đồng thời qua đó ta cũng thấy được Bảo Thoa là người rất tỉ mỉ, liệu việc chu đáo tường tận, thông hiểu sự việc một cách toàn diện, chả trách sau này cô trở thành một trợ thủ đắc lực cho Thám Xuân và Lý Hoàn điều hành việc nhà, và lo liệu đâu ra đấy, được mọi người trong phủ khen ngợi. Điều làm chúng ta bội phục hơn nữa là những kiến giải của Bảo Thoa về hội hoạ: Thứ nhất, sáng tác hội hoạ cần phải suy nghĩ sâu xa nghĩa là phải có dự liệu tính toán, có cái nhìn toàn cục; thứ hai, nói sự chân thực của cuộc sống hoàn toàn không phải trông chờ vào sự chân thực của nghệ thuật, không thể hoàn toàn dựa vào nguyên mẫu cuộc sống; thứ ba, nghệ thuật cần phải chú trọng đến sự tái tạo cuộc sống. Cùng với nội dung hội hoạ, Bảo Thoa còn có cách phối màu riêng khá đặc sắc. Ví dụ ở hồi thứ 35 có một đoạn nói về cách phối màu để tết sợi dây đeo viên ngọc cho Bảo Ngọc, Bảo Thoa nói «nên lấy chỉ kim tuyến xen lẫn với chỉ đen bóng sợi nọ xe lẫn với sợi kia, tết như thế mới đẹp». Đoạn thoại trên nói lên quan điểm thẩm mỹ của Bảo Thoa về cách phối màu đồng thời cũng lồng một chút ý tình với Bảo Ngọc…
Nếu như Bảo Thoa có năng khiếu về hội hoạ thì Đại Ngọc cũng rất nhạy bén trong lĩnh vực âm nhạc. Đại Ngọc khá nhạy cảm trước những âm điệu, lời ca thiết tha, nàng hoà mình vào những thanh âm trong trẻo ấy, tâm hồn nàng và âm nhạc đồng điệu thành một mà thôi. Ở hồi 23, khi Đại Ngọc trong lòng sầu muộn muốn trở về phòng tình cờ nàng nghe tiếng sáo du dương, lời ca uyển chuyển từ viện Lê Hương truyền ra, nàng biết mười hai cô bé đang tập diễn tuồng. Đại Ngọc bình thường không thích nghe tuồng nhưng lúc này hai câu hát của Đỗ Lệ Nương trong Mẫu đơn đình văng vẳng bên tai «Trước sao hồng tía đua chen. Giờ sao giếng lấp tường nghiêng thế này». Hai câu hát vô tình nghe được có sức hấp dẫn mạnh mẽ Đại Ngọc, nàng dừng lại lắng nghe, và khi đến vai Liễu Mộng Mai hát câu «Bởi em người đẹp như hoa tuổi trôi như nước» thế là nàng nhập hẳn vào vở tuồng, bất giác trong lòng bồi hồi xúc động. Đặc biệt khi nghe đến câu «thương mình ở chốn thâm khuê» thì lại càng như ngây như dại, đứng ngồi không vững nữa bèn ngồi trên đá ngẫm nghĩ ý vị tám chữ «người đẹp như hoa, tuổi trôi như nước» rồi tâm tư trào dâng, lát sau nhớ đến câu thơ cổ của Thôi Đồ «nước chảy hoa tàn khéo vô tình » và của Lý Dục «nước chảy hoa trôi xuân đã hết, trên đời cõi tục» đồng thời lại nhớ đến Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương kí hát câu «hoa trôi dòng nước đỏ ngòm. Muôn sầu vơ vẩn héo hon lòng này». Bao nhiêu buồn rầu, ai oán, triền miên đau khổ lúc này đều trào dâng trong tâm tưởng Đại Ngọc khiến nàng xưa nay vốn đa bệnh, lại mất người thân không nơi nương tựa, bất giác tâm thần ngẩn ngơ, lòng luống bi thương, nước mắt ràn rụa, đau khổ muôn phần. Rõ ràng lời hát đã thấm đẫm vào tận trong trái tim Đại Ngọc. Chỉ mấy câu hát đơn sơ mà nếu một người hời hợt nghe thấy thì không thể có những cảm xúc dạt dào như vậy. Và nếu Tiết Bảo Thoa nghe mấy câu hát đó thì mọi chuyện đã không diễn ra như thế bởi Bảo Thoa sẽ nghe hát bằng lý trí chứ không nghe bằng xúc cảm tâm hồn như nàng Đại Ngọc đa cảm đa sầu. Không những có năng lực cảm thụ âm nhạc rất tốt mà Đại Ngọc còn có vốn hiểu biết sâu sắc về âm nhạc, dù không được học nhiều nhưng Đại Ngọc vẫn có thể tự tìm tòi nghiên cứu để gảy đàn một cách hết sức điêu luyện khiến Bảo Ngọc phải thán phục. Nàng còn khá trẻ mà đã có nhận thức khá già dặn, cụ thể là qua lời bình luận của Đại Ngọc ở hồi 87 «Cầm có nghĩa là cấm. Người xưa làm ra đàn vốn là để sửa mình, nuôi dưỡng tính tình, dẹp lòng dâm đãng, bỏ sự xa xỉ. Nếu muốn gảy đàn thì phải ở nơi nhà cao gác vắng, hoặc ở trên lầu, trong núi, hoặc bên mõm đá, bờ sông. Họ chỉ chơi khi trời đất thuận hoà, trăng trong gió mát, đốt hương ngồi lặng, bụng không nghĩ bậy, khí huyết điều hoà, lúc đó mới cảm thông với thần thiêng, nhịp nhàng đạo lớn. Cho nên người xưa mới nói tri âm khó gặp, nếu không có người tri âm thì một mình đánh đàn trước trăng thanh gió mát, đá lạ thông xanh, hạc nội chim ngàn, để gửi gắm hứng thú của mình vào đấy mới không phụ với đàn. Lại còn một điều nữa, cần phải gảy giỏi, biết lựa tiếng hay. Nếu muốn gảy đàn trước hết phải khăn áo chỉnh tề, hoặc áo lông hoặc áo rộng, phải như bộ dạng của người xưa mới có thể xứng đáng với cách điệu của thánh nhân. Sau đó rửa tay đốt hương, ngồi lên giường đặt đàn trên bàn, nhắm mắt ngồi đúng phím thứ năm, đối với tầm bụng của mình, thong dong đưa tay lên, như vậy tâm hồn và thể xác đều ngay thẳng. Lại phải biết rõ nặng nhẹ nhặt khoan cuốn mở tự nhiên, thần thái mới trang trọng được». Đối với Đại Ngọc âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn là một điều rất thiêng liêng. Đại Ngọc còn có thể sáng tác và tự biểu diễn những bản nhạc rung động lòng người như trong hồi 45 Đại Ngọc viết bài Đại biệt ly theo điệu «Xuân giang hoa nguyệt dạ» đặt tên là «Thu song phong vũ tịch» (Cửa sổ đêm mùa thu mưa gió) :
Sang thu hoa cỏ úa vàng
Đèn thu trằn trọc đêm trường đầy thu
Song thu thu vẫn trơ trơ
Lạnh lùng giờ lại gió mưa thêm càng
Đòi cơn mưa gió phũ phàng
Song thu tan giấc mơ màng từ đây
Bận lòng nào nỡ ngủ say
Bình kia bước tới, sáp này khêu cao
Tờ mờ ngọn sáp dọi vào
Này buồn, này giận nao nao khôn cầm
Nhà nào gió chẳng tới thăm
Nơi nào mưa chẳng rì rầm bên song
Gió thu lạnh toát chăn hồng
Mưa thu như giục tiếng đồng hồ reo
Đêm đêm rả rích rì rào
Trước đèn như muốn nghẹn ngào cùng ai
Buồn tênh khói lạnh phía ngoài
Trúc thưa cửa vắng bên tai lầm rầm
Lúc nào gió tắt mưa cầm
Thì đây lệ đã ướt đầm song the».
Tiếng đàn, lời ca của Đại Ngọc đầy tâm trạng khiến người nghe phải ngẩn ngơ. Như ở hồi 87 khi Diệu Ngọc và Bảo Ngọc đi ngang Tiêu Tương quán nghe thấy tiếng lòng ai oán của nàng. Những âm điệu trong trẻo, tha thiết, nhè nhẹ :
« …Cảnh ngộ người chừ không được tự do
Cảnh ngộ ta chừ lắm mối buồn lo
Ngườii cùng ta chừ lòng những hẹn hò
Nhớ người xưa chừ đừng có đắn đo
Người ở trên đời chừ như hạt bụi thôi
Trên trời dưới trần chừ duyên định sẵn rồi
Duyên định sẵn chừ hoài công lo lắng
Sao bằng trăng giữa trời kia lòng trong trắng»
Âm điệu cao vút của bản nhạc làm Diệu Ngọc lo lắng cho số mệnh người gảy đàn và chàng si tình Bảo Ngọc thì không thôi băn khoăn, ngờ vực, ủ rũ. Hình như trong bản đàn của Đại Ngọc không chỉ mang tâm trạng mà còn mang cả số phận của nàng nữa.
Đại Ngọc và Bảo Thoa quả là mẫu người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là tài nữ hiếm có trên thế gian.
Nhà văn đã miêu tả cặn kẽ tất cả những điểm tương đồng giữa hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa là Đại Ngọc và Bảo Thoa. Lẽ ra với những sự giống nhau đó họ có thể trở thành hai người tri âm tri kỉ, cùng suy nghĩ cùng chí hướng hoặc ít ra cũng có cách sống, cách xử sự giống nhau. Thế nhưng, cả Bảo Thoa và Đại Ngọc đều có những con đường riêng cho mình trong suy nghĩ, hành động và dẫn đến kết cục hoàn toàn khác nhau. Ở hai người phụ nữ quý tộc tài hoa ấy có những xung đột tư tưởng ngấm ngầm mà cũng rất triệt để. Đó là xung đột giữa tư tưởng dân chủ tự do với tư tuởng phong kiến bảo thủ, giữa một con người luôn muốn đi theo khuôn phép với một con người muốn sống hết mình cho cái tôi của mình.
Như vậy, có thể nói, với việc xây dựng hệ thống những yếu tố tương đồng, tác giả Hồng lâu mộng đã làm nổi bật được những mâu thuẫn, xung đột trong tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa.
Song song đó, các chi tiết tương phản sẽ khắc sâu, làm rõ nét để người đọc hiểu sâu sắc hơn về xung đột tư tưởng giữa hai cô gái quý tộc tài hoa này.
2.1.2 YẾU TỐ TƯƠNG PHẢN
2.1.2.1 TRONG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI QUYỀN LỰC, CÔNG DANH-KHOA CỬ
Bảo Thoa mang tư tưởng phong kiến bảo thủ còn Đại Ngọc mang tư tưởng dân chủ tự do thế nên giữa hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa xinh đẹp này luôn ngấm ngầm xảy ra những xung đột.
Mỗi người có thái độ rất khác nhau đối với quyền lực cũng như đối với công danh khoa cử trong chế độ phong kiến.
Người đọc có thể nhận ra Tiết Bảo Thoa là một người phụ nữ say mê quyền lực. Không phải chỉ say mê thứ quyền lực bình thường mà điều Tiết Bảo Thoa muốn vươn tới là địa vị tôn quý nhất của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, có thể nói hình mẫu mà Bảo Thoa mơ ước là Giả Nguyên Xuân – Nguyên phi được nhà vua hết mực yêu chiều sủng ái – mang về biết bao vinh hiển cho dòng họ. Chính vì thế mà Bảo Thoa đã cùng mẹ và anh đến Kim Lăng chờ ngày dự tuyển vào cung vua. Là con cháu của một gia đình đại quý tộc giàu có, Bảo Thoa hoàn toàn có hy vọng biến giấc mơ của mình thành sự thật. Và quả thật với tài năng và sắc đẹp của Bảo Thoa thì không khó để đạt đến địa vị của Nguyên Xuân. Thế nhưng số phận không mỉm cười với cô, Tiết Bàn phạm tội, Bảo Thoa đành từ bỏ giấc mơ vương giả của mình. Rất thức thời, cô nắm lấy cơ hội của nhà họ Giả giàu có, quyền thế. Không thể vào cung làm vương phi, Bảo Thoa quay sang tranh chức «mợ hai Bảo» với Đại Ngọc. Cuộc hôn nhân này sẽ giúp Bảo Thoa chiếm lấy vị trí con dâu kiêm quản gia như Phượng Thư cai quản mọi việc trên dưới của nhà họ Giả và trong tương lai cô sẽ ngồi vào vị trí cao quý của Giả Mẫu ở cái phủ Vinh tiền muôn bạc vạn ấy. Có thể nói, Bảo Thoa xem Phượng Thư, Vương phu nhân, Giả Mẫu là những hình mẫu lý tưởng để vươn tới. Cô tiểu chủ nhân xinh đẹp tài hoa này luôn khao khát quyền lực và tỏ ra là một người biết sử dụng quyền lực hết sức hữu hiệu. Ở hồi 56, khi các bậc bề trên trong phủ Giả bận việc triều đình, Bảo Thoa đã giúp Thám Xuân và Lý Hoàn cai quản việc nhà đâu vào đấy. Cô biết lúc nào thì cần răn đe người dưới, lúc nào thì cần gia ơn với họ để thể hiện quyền hành của mình. Không to tiếng, bộc trực như Thám Xuân, không nhu nhược như Lý Hoàn, Bảo Thoa luôn kín đáo, mềm mỏng nhưng sắc sảo để người khác phải phục tùng theo ý mình «…Tôi cũng không muốn nhận trông nom việc này đâu, nhưng chắc các bà cũng biết, dì tôi phó thác năm bảy lần và bảo: bây giờ mợ cả thì bận, các cô hãy còn bé, nhờ tôi trông nom giúp. Tôi không nghe lời lại làm dì tôi bận lòng. Mẹ tôi hay ốm luôn, việc nhà lại bận, tôi vốn là người sốt sắng hão, ngay hàng xóm láng giềng cần tôi cũng đến giúp đỡ, huống chi là dì tôi uỷ thác? Ai oán trách tôi cũng chẳng cần. Nếu chỉ cốt lấy tiếng khen, để họ rượu chè cờ bạc, sinh chuyện lôi thôi thì tôi còn mặt mũi nào trông thấy dì tôi nữa? Khi đó các bà cũng mất thể diện có ăn năn cũng muộn. Các bà ở trong ấy, cái vườn hoa rộng ấy, đều nhờ các bà trông nom cả, vì tôi coi các bà là người hầu hạ đã ba bốn đời, xưa nay vẫn giữ được khuôn phép thì mọi người nên đồng lòng cùng nhau giữ lấy thể thống. Nếu các bà lại dung túng người khác để mặc họ uống rượu đánh bạc, dì tôi nghe thấy mắng các bà còn khá, chứ đến tai mấy người quản gia, họ không cần trình dì tôi, cứ mắng thẳng các bà, chẳng hoá ra già không trót vẫn bị bọn trẻ dạy đời. Họ là quản gia, có quyền trông nom các bà thực, nhưng nếu mình giữ thể diện thì họ khinh rẻ sao được !…Các bà nên nghĩ kĩ lời tôi nói». Quả thực lối nói vừa răn đe vừa vuốt ve của Bảo Thoa đã khiến cho mấy bà già «bất trị» trong Đại Quan Viên cúi đầu, vui vẻ tuân phục. Bảo Thoa quá khôn ngoan, cô không thể hiện tham vọng quyền lực của mình ra ngoài mặt, lúc nào cũng kín đáo tuỳ thời mà xử sự nên được lòng tất cả người trên kẻ dưới trong phủ Giả. Người trên hài lòng với cô đã đành, kẻ dưới cũng sẵn sàng vui vẻ phục thị một chủ nhân như cô. Tập Nhân yên tâm, vui sướng khi cô trở thành mợ Hai của gia đình, ngay cả dì Triệu xấu tính như thế mà còn tấm tắc khen ngợi cô «Không trách người ta nói con Bảo tốt, biết ăn ở cư xử rộng rãi… nó cũng không tỏ ra khinh ai trọng ai. Ngay cả mình thời vận hẩm hiu nó cũng nghĩ đến. Nếu là con Lâm thì bao giờ thèm nhìn đến và cho gì mẹ con mình nữa». Quả thật Bảo Thoa đã tỏ ra xứng đáng với vị trí nữ chủ nhân của đại gia đình quý tộc như họ Giả kia.
Đến đây lại nảy sinh một câu hỏi: Vì sao họ Giả không trao cho Đại Ngọc quyền quản lý gia đình như Bảo Thoa và Thám Xuân? Có phải Đại Ngọc không đủ sức đủ tài? Chắc là không phải thế, một cô gái tài hoa thông tuệ như Đại Ngọc thừa sức làm việc đó. Có người cho rằng vì họ Giả đã chấm sẵn Bảo Thoa làm con dâu nên mới cho cô cơ hội tập sự để thể hiện mình và quen dần với công việc. Có người cho rằng vì Đại Ngọc luôn đau ốm nên không đủ sức khoẻ cai quản việc nhà…Có lẽ những lý do này đủ sức thuyết phục người đọc. Nhưng còn có một lý do khác nữa là vì Đại Ngọc không quan tâm đến quyền lực trong đại gia đình quý tộc ấy và cả trong cái xã hội phong kiến nữa. Không hẳn vì Đại Ngọc không đủ sức tranh giành mà bởi trong tâm hồn nàng luôn vương vấn day dứt vì những thứ ý nghĩa hơn là tình yêu, cái tôi tự do. Sự tranh quyền đoạt lợi trong phủ Giả giữa mẹ con, anh em…chỉ càng làm Đại Ngọc thêm chán ghét. Nàng không tham gia vào việc cai quản gia đình, không cố chứng tỏ địa vị của mình, nàng chán ghét sự tàn ác của những kẻ nắm quyền thống trị. Chính vì Đại Ngọc không quan tâm đến quyền lực, không đe dọa đến địa vị cai quản của Phượng Thư nên cô Phượng Thư ấy nhiệt tình ủng hộ cuộc tình duyên Bảo Ngọc- Đại Ngọc. Khi Bảo Thoa đang chứng tỏ khả năng cai quản của mình (hồi 56) thì ở quán Tiêu Tương Đại Ngọc chỉ luôn âu lo đến tình yêu với Bảo Ngọc, để đến nỗi Tử Quyên vì thương chủ nhân mà bày ra kế thử lòng Bảo Ngọc (hồi 57). Rõ ràng Đại Ngọc không quan tâm mình có trở thành nữ chủ nhân tương lai của Giả phủ hay không mà trong tâm tư nàng chỉ quan tâm tới tình yêu với Bảo Ngọc thôi.
Bảo Thoa không những muốn nắm quyền trong gia đình mà còn muốn có được địa vị trong xã hội, trong chốn quan trường. Theo quan niệm phong kiến truyền thống, Bảo Thoa cho rằng người làm trai chỉ được xem là hiếu thảo khi chăm chỉ học hành đỗ đạt làm rỡ ràng cho dòng họ. Là con gái, cô không thể tham dự khoa cử nhưng cô muốn làm phu nhân của một người đỗ đạt. Do đó, Bảo Thoa luôn muốn Bảo Ngọc học hành, thi cử để chen chân vào chốn công danh. Bảo Thoa luôn khuyên chồng học hành, ở hồi 118 khi Bảo Thoa và Bảo Ngọc đã thành vợ chồng, Bảo Thoa đã có một cuộc tranh luận với chồng, không ngớt lời khuyên răn Bảo Ngọc chuyên tâm học tập để thi cử cho tốt và từ bỏ lối sống tự do như cũ, như vậy mới là hiếu thảo. Bảo Thoa đã trở thành trợ thủ đắc lực của chồng trong việc học hành. Cô luôn cổ vũ chồng lập thân bằng con đường khoa cử « Công danh có số, thi đậu hay hỏng cũng không phải do sớm hay muộn, chỉ mong cậu ấy một lòng đi theo con đường chính, không dính dáng đến những thứ ma tà như trước». Con đường chính mà Bảo Thoa nói là con đường công danh khoa hoạn. Còn những tư tưởng tự do và cách sống tự do của Bảo Ngọc cô lại cho là những thứ ma tà. Bảo Thoa đúng là mẫu phụ nữ phong kiến chính thống. Ngày tiễn Bảo Ngọc lên đường ứng thí Bảo Thoa có tâm trạng lo lắng chỉ ứa nước mắt không nói gì (hồi 119) là do dự cảm về sự mất mát bởi hơn ai hết cô hiểu Bảo Ngọc không hề đam mê công danh khoa cử như cô. Có lẽ chính sự khác biệt về tư tưởng ấy đã tạo nên khoảng cách giữa cô và Bảo Ngọc khiến Bảo Ngọc càng ngày càng rời xa cô.
Ngược lại, mỗi khi buồn phiền vì bị ép học hành thi cử, Bảo Ngọc lại tìm đến với Đại Ngọc. Ở hồi 17-18, sau khi bị cha thử tài học và quát mắng nửa ngày trời trong khu vườn nguy nga, Bảo Ngọc vội chạy đến tìm Đại Ngọc ngay, chính Giả Mẫu cũng nói rằng «Để anh em nó chơi với nhau. Vừa rồi bố nó giam hãm nó mất nửa ngày, nay cho nó thoả thuê một chút ». Đến hồi 33, khi bị Bảo Ngọc bị cha đánh thừa sống thiếu chết vì không chịu học hành tử tế mà đi gây họa thì ngay khi tỉnh táo anh đã cho người gửi một cái khăn lụa cho Đại Ngọc. Ở hồi 81, Bảo Ngọc nghe lời cha vào trường học, ngay khi được về nhà anh đã vội vàng chạy đến quán Tiêu Tương (đầu hồi 82). Anh tìm đến Đại Ngọc vì thấy ở nàng sự đồng cảm và chia sẻ. Bởi Đại Ngọc không hề quan tâm thậm chí xem thường công danh khoa cử. Đại Ngọc là người con gái tài giỏi, mới ít tuổi đầu đã thuộc lòng Tứ thư. Thế nhưng Đại Ngọc cũng như Bảo Ngọc đã nhận ra công danh khoa cử dưới chế độ ấy chẳng qua chỉ là « chiếc cần câu cơm » của những kẻ mọt sách sáo rỗng tầm thường. Cả hai người đều chán ngán đạo học, chán ngán những kẻ đem kinh truyện nhồi nhét vào đầu rồi lếu láo cho rằng mình học sâu hiểu rộng. Đại Ngọc luôn chia sẻ với Bảo Ngọc mỗi khi anh bị cha đánh mắng vì không chịu học hành. Thật ra việc học hành công danh khoa cử nếu xét trên một phương diện nào đó vẫn có ý nghĩa xã hội tích cực nhưng giai cấp thống trị vì muốn củng cố quyền lực cho mình đã bóp méo, xuyên tạc làm nó trở nên gượng gạo và sáo rỗng. Đại Ngọc không bao giờ khuyên anh theo đuổi con đường hữu danh vô thực đó. Tiếc rằng trong cái xã hội mà người ta yêu chuộng và chạy theo cái bả hư vinh của công danh khoa cử đến mù quáng ấy, Đại Ngọc và Bảo Ngọc quá lẻ loi, đơn độc nên yếu ớt vô cùng.
Bảo Thoa phong tư tuyệt vời, tài hoa, biết cách cư xử nhưng vẫn không chiếm được trái tim Bảo Ngọc. Trái tim Bảo Ngọc chỉ dành cho nàng Đại Ngọc. Có lẽ chính tham vọng khoa cử công danh đã đào một cái hố sâu ngăn cách giữa Bảo Thoa và Bảo Ngọc. Chỉ có Đại Ngọc là cùng tư tưởng cùng suy nghĩ với anh, cùng chán ghét lối mòn khoa cử, cùng yêu cái tôi tự do của mình. Tình yêu Bảo Ngọc dành cho Đại Ngọc có lẽ một phần là do sự chán ghét công danh khoa cử của nàng. Nếu Đại Ngọc cũng như Bảo Thoa thích công danh khoa cử thì một «nghịch tử» như Bảo Ngọc có lẽ đã rời xa và không yêu nàng sâu đậm đến như thế.
2.1.2.2 TRONG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI SÁCH VỞ THÁNH HIỀN VÀ VĂN CHƯƠNG LÃNG MẠN
Không chỉ thế, hai nhân vật phụ nữ quý tộc xinh đẹp tài hoa của chúng ta còn đối lập nhau trong thái độ đối với sách vở thánh hiền và văn chương lãng mạn.
Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, cô gái sắc sảo Tiết Bảo Thoa đã nhiều lần đưa ra những ý kiến đối với sách và vấn đề đọc sách. Tiết Bảo Thoa cho rằng con gái không nên đọc sách nên ở hồi thứ 35 Bảo Thoa đã nói với Tương Vân rằng đọc sách chẳng được việc gì, việc chính của những người phụ nữ là thêu thùa may vá. Ở hồi 42, Bảo Thoa cũng có lời bộc bạch tương tự với Đại Ngọc. Quả thật, Tiết Bảo Thoa là một người con gái có học vấn uyên bác nhất Đại Quan Viên, ngay cả Lâm Đại Ngọc cũng khó sánh nổi, nhưng cô lại đề cao cái đức của người phụ nữ và cho rằng con gái không nên đọc sách.
Chúng ta biết Bảo Thoa cũng từng đọc qua những sách vở văn chương lãng mạn nhưng qua quá trình giáo dục của gia đình Nho môn, cô đã trở lại nề nếp truyền thống của chế độ phong kiến. Bảo Thoa lên án gay gắt văn chương lãng mạn, cô đã gọi những Tây sương kí, Mẫu đơn đình là sách nhảm làm con người ta thay đổi tâm tình không sửa lại được. Trong con mắt Bảo Thoa, những tiểu thư khuê các như cô và Đại Ngọc thì tuyệt nhiên không nên xem, vì thế khi nghe những câu văn lãng mạn được phát ra từ miệng Đại Ngọc, cô đã giáo huấn cho Đại Ngọc một trận ra trò (hồi 42).
Theo Bảo Thoa, những tác phẩm văn chương lãng mạn đó không thể nào chấp nhận được. Cô cho rằng đã trót biết chữ thì nên chọn sách đứng đắn mà đọc. Sách đứng đắn ở đây là chính kinh là những sách vở «thánh hiền» mà chế độ phong kiến truyền bá rẫy đầy để đào tạo ra những con mọt sách. Còn những gì gọi là thi, từ như Tây sương, Tỳ bà», hay Nguyên nhân bách chủng đều là sách nhảm, vô bổ và đáng sợ. Bảo Thoa tôn sùng văn chương chính thống đến nỗi trong những lời nói bình thường hằng ngày với các chị em cô cũng sử dụng cách nói của sách vở thánh hiền. Ở hồi 57, khi bàn với Lý Hoàn và Thám Xuân về chuyện chia huê lợi trong vườn cho các bà già, Bảo Thoa đã nhắc tới Chu Hy và còn sử dụng cả câu nói trong Luận ngữ «trong ba năm chẳng còn ai đói khát nữa».
Bảo Thoa trọng sách vở thánh hiền như vậy nhưng ở hồi 42 cô đã nói rằng đàn ông càng đọc sách thì càng hư hỏng, tất nhiên ở đây Bảo Thoa không phủ nhận việc đọc sách đúng đắn. Cô cho rằng đọc sách là tốt nhưng vấn đề là những người đàn ông không biết đọc sách hay, không nắm được nghĩa lý sách đến nỗi bôi nhọ sách. Tiết Bảo Thoa cho rằng mục đích của việc đọc sách là phải hiểu nghĩa lý, cần phải giúp dân trị nước. Bảo Thoa phản đối Bảo Ngọc đọc loại sách «Tạp học bàng thư» vì cô sợ sự thay đổi tâm tính và còn vô dụng đối với khoa cử. Cô luôn mong muốn Bảo Ngọc lưu ý đến sách của Khổng Mạnh, dốc lòng vào chuyện kinh bang tế thế, tương lai ra làm quan giúp nước trị dân. Điểm này Bảo Thoa hoàn toàn trái ngược với Bảo Ngọc, Bảo Ngọc chán ghét nhất là thứ văn chương khoa cử, anh vốn quyết không đi theo con đường cố đọc sách để thăng quan tiến chức như những gì gia đình đã ép buộc anh. Tuy nhiên những quan niệm về sách và việc đọc sách của Bảo Thoa đã chứng tỏ Bảo Thoa là một người phụ nữ tỉnh táo và lý trí của thời đại bấy giờ.
Đại Ngọc cũng từng đọc qua sách vở thánh hiền nhưng cũng như Bảo Ngọc nàng cho rằng kho tàng Kinh học mà chế độ phong kiến tuyên truyền quá sáo rỗng. Nếu như Bảo Ngọc đã đi lục lọi khắp kho tàng Kinh học cổ kim để rồi chán ngán phủ nhận tất cả thì Đại Ngọc cũng thế. Tuy nhiên cần nhận rõ một điều, Đại Ngọc và Bảo Ngọc không phê phán tất cả sách vở thánh hiền. Ở hồi 3, Bảo Ngọc đã nói «trừ Tứ thư ra, còn phần nhiều là bịa». Còn Đại Ngọc ở hồi 82 cũng nói «không thể mạt sát hết thảy» và ngay từ khi còn rất nhỏ Đại Ngọc đã đọc Tứ thư. Như vậy, rõ ràng họ chỉ phê phán những sách vở sáo rỗng, vô vị dùng để làm cần câu cơm cho sĩ tử chứ không hoàn toàn phủ nhận toàn bộ giá trị của Nho học.
Khác với Bảo Thoa, Đại Ngọc thích đọc Phi Yến, Hợp Đức, Võ Tắc Thiên, Dương quý phi, đặc biệt là Tây sương kí, loại sách bị coi là nhảm nhí, không đứng đắn, loại sách mà tầng lớp thống trị đương thời phỉ báng, cho là dâm thư, không được phép lưu hành rộng rãi, loại sách cấm mà các công tử và tiểu thư không được xem vì nó trái với luân thường đạo lý phong kiến, nó đưa người đọc tiến đến những tình cảm bản năng của con người.
Không chỉ yêu thích mà Đại Ngọc còn say mê văn chương lãng mạn. Hồi 23, khi Bảo Ngọc lén đọc Tây sương kí trong vườn, Đại Ngọc chôn hoa và biết được, nàng đã đề nghị Bảo Ngọc đưa cho mình xem. Quyển sách có một sức cuốn hút kì lạ đối với tâm hồn nhạy cảm của nàng. «Đại Ngọc bỏ các đồ nhặt hoa xuống, cầm lấy sách, càng xem càng thích, chừng chưa xong bữa cơm đã xem hết cả mười sáu hồi. Thấy lời văn rung động, trong miệng dường có mùi thơm, Đại Ngọc chăm chú đọc xong đứng ngẩn người ra cố nhẩm cho nhớ». Chỉ với chi tiết đó đã đủ chứng tỏ sự yêu thích, say mê của Đại Ngọc đối với văn chương lãng mạn. Nàng thích nó bởi nó đưa nàng đến với những xúc cảm, tình cảm tự nhiên của con người, bởi nó chứa đựng những tình cảm tự do của những con người dám yêu, dám sống chứ không khô khan, gượng gạo và sáo rỗng như nền Kinh học lúc bấy giờ. Đại Ngọc tâm đắc văn chương lãng mạn đến nỗi nàng nghĩ đến chúng mọi lúc mọi nơi, khi nghe hát ở viện Lê hương (hồi 23) nàng cũng nghĩ đến những câu trong Tây sương kí mà khóc tủi phận mình, hay trong buổi trưa thanh vắng cô đơn nơi quán Tiêu Tương nàng lại buột miệng hát khẽ câu trong Tây sương kí «Suốt ngày mê mẩn bồi hồi, tình riêng chán ngắt», hoặc lúc trên đường đi thăm Bảo Ngọc bị cha đánh đến phát ốm về nàng cũng chạnh lòng nghĩ đến Tây Sương «Rêu xanh lấp lánh sương rơi. Lối đi vắng vẻ, nào ai ra vào?» (hồi 35). Lối văn chương lãng mạn, cổ vũ tình yêu tự do và cái tôi cá nhân ấy đã ăn sâu vào trái tim cô độc và nhạy cảm của Đại Ngọc mất rồi. Ở đó nàng tìm thấy sự đồng cảm và như được chia sẻ, ở đó nàng như được thấy chính bản thân mình và càng khao khát, càng thương mình biết bao.
Nói đến sự tương phản trong thái độ đối với sách vở của Đại Ngọc và Bảo Thoa không thể không nhắc đến chi tiết «thi hành tửu lệnh» ở hồi 40-41. Thông qua những tửu lệnh trong đoạn này, tác giả đã thể hiện phần nào tính cách của các nhân vật mà mình chú tâm tạo ra. Lối đối tửu lệnh của Tiết Bảo Thoa là thơ Đường – một khuôn vàng thước ngọc của chế độ phong kiến – tỏ ra đặc biệt tao nhã, chứng tỏ cô rất chú tâm trau dồi học tập văn chương cổ. Lời đối tửu lệnh của Bảo Thoa là :
Bên trai là quân trường tam
-Một đôi chim yến kêu ran xà nhà.
Bên phải là quân tam trường
-Gió đưa hạnh thuỷ lòng thòng rêu xanh
Giữa là tam lục chính khuyên
-Núi tam sơn ngả ngoài miền trời xanh
Thuyền neo dây sắt chơi vơi
-Nơi nào sóng gió là nơi buồn rầu.
Bảo Thoa đã lấy hai câu «song song yến tử ngữ lương gian» (một đôi chim yến kêu ran trên xà) và «Thuỷ hạnh khiên phong thuý đái trường» (Gió đưa hạnh thuỷ lòng thòng rêu xanh) để hình dung quân tam trường vừa chỉ hình tượng như thật vừa mang nét thú nhã. Câu «song song yến tử ngữ lương gian» lấy trong bài Đề Nhiên Châu tửu vụ sảnh bình của Lưu Quý Tôn, còn câu «Thuỷ hạnh khiên phong thuý đái đường» lấy trong bài Khúc Giang đối vũ của Đỗ Phủ. Còn câu «Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại» (Núi Tam Sơn ngả ngoài miền trời xanh) dùng để chỉ quân tam lục là lấy trong bài Đăng Kim Lăng Phương hoàng đài của Lý Bạch. Câu cuối cùng «nơi nào sóng gió là nơi buồn rầu» Bảo Thoa liên tưởng từ ý thơ «Yên ba xứ xứ sầu» của Tiết Huỳnh trong bài Thu nhật hồ thượng. Như vậy qua những tửu lệnh này cũng đủ biết thái độ yêu mến của Bảo Thoa đối với văn chương chính thống như thế nào!
Nhưng những tửu lệnh của Đại Ngọc lại chứa đựng đầy cá tính của một tâm hồn yêu thích tự do:
Quân thiên bên trái đây rồi
-Ngày vui cảnh đẹp tự trời biết sao.
Giữa bình gấm đẹp lạ lùng
-Song the nào thấy ả Hồng báo tin
Nhị lục tám điểm đều nhau
-Trước sân ngọc diện sắp chầu hai bên
Hợp thanh lẵng hái hoa rừng
-gánh hoa thược dược thơm lừng gậy tiên
(Bản dịch : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Ở lượt thứ 3, Đại Ngọc đã lấy ý thơ của Đỗ Phủ mà đối đáp rất sít sao, đúng chỗ. Chứng tỏ nàng cũng rất am tường Đường thi. Nhưng ở lượt thứ 1 và thứ 2 Đại Ngọc đã lấy ý từ Mẫu dơn đình và«Tây sương kí. Chi tiết này biểu hiện một nét tính cách của nàng: không bị trói buộc bởi lễ giáo phong kiến. Dưới con mắt của nhiều người thì việc Đại Ngọc lấy thi từ lãng mạn ra để đối đáp tửu lệnh là không đứng đắn. Việc này theo một cô thục nữ tôn sùng lễ giáo phong kiến như Tiết Bảo Thoa là không thể chấp nhận được vì thế khi Đại Ngọc vừa đọc câu «Ngày vui cảnh đẹp tự trời biết sao» Bảo Thoa liền quay lại nhìn Đại Ngọc. Và ngay sau chuyện này Bảo Thoa đã giáo huấn Đại Ngọc «Cô tiểu thư nghìn vàng ơi! Cô gái cung cấm ơi! Miệng cô đã nói những câu gì?»
Từ những yếu tố như vậy ta có thể nhận ra tư tưởng của Tiết Bảo Thoa và Lâm Đại Ngọc rất khác nhau.
2.1.2.3 TRONG CÁCH ĐỐI XỬ VỚI BỀ TRÊN, KẺ DƯỚI
Sự xung đột trong tư tưởng tất nhiên sẽ dẫn đến sự đối lập trong hành động. Và những chi tiết biểu hiện sự tương phản trong cách đối xử với các bề trên và kẻ dưới của hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa sẽ càng khắc sâu thêm xung đột tư tưởng đang diễn ra giữa họ.
Thông qua thái độ đối với giai cấp thống trị và giai cấp bị trị của hai nhân vật người đọc sẽ phần nào nhận ra tư tưởng của họ. Người mang tư tưởng bảo thủ phong kiến tất nhiên sẽ có ý thức giai cấp, đẳng cấp rất lớn. Còn người mang tư tưởng tự do dân chủ thì sẽ có thái độ chán ghét bản chất xấu xa của giai cấp thống trị và biết yêu thương, cảm thông với những số phận bi thảm, cơ cực của tầng lớp dưới trong xã hội đương thời.
Tiết Bảo Thoa được miêu tả như một người biết cách ăn ở, «tuỳ thời đạt biến» nên được lòng tất cả mọi người. Trong mắt người trên kẻ dưới nhà họ Giả, Bảo Thoa là một mẫu người hoàn hảo, xứng đáng với địa vị mợ hai trong gia đình.
Quả thật, Bảo Thoa quá khéo léo trong cách cư xử với mọi người. Cô luôn mềm mỏng, biết người biết ta, biết lúc nào cần nói điều gì và lúc nào cần im lặng. Đối với các bậc «bề trên» trong gia đình họ Giả, Bảo Thoa luôn chiều chuộng, tìm mọi cách để làm vừa ý, làm họ vui lòng. Vì thế, Giả Mẫu rất yêu mến Bảo Thoa. Trong hồi 22, nhân sinh nhật của cô, Giả Mẫu đã bỏ ra hai mươi lạng bạc gọi Phượng Thư đến sửa soạn tiệc rượu, bày trò chơi. Giả Mẫu hỏi Bảo Thoa thích nghe vở hát gì? Muốn ăn thức ăn gì? Bảo Thoa vốn biết Giả Mẫu tuổi già, thích nghe những vở hát vui nhộn, thích ăn những đồ ăn ngọt nhừ liền chọn ngay những cái gì Giả Mẫu thích kể ra một lượt. Tất nhiên là Giả Mẫu vô cùng vui thích và yêu mến Bảo Thoa nhiều hơn. Biết Nguyên Xuân là niềm tự hào của họ Giả nên khi Nguyên Xuân gửi câu đố đèn về cho các chị em, Bảo Thoa đã giả vờ ngốc, hạ mình xuống thấp hơn Nguyên Xuân (hồi 22) : «Bảo Thoa đến thấy một bài thơ bốn câu bảy chữ, không có gì mới lạ nhưng cũng khen ngợi kêu là khó đoán lắm. Rồi giả cách như nghĩ ngợi, nhưng thực ra cô đã đoán được». Bảo Thoa đã biết nhún nhường, tôn Nguyên Xuân lên cao hơn mình để tất cả mọi người cùng vui. Ở hồi 50, khi cả bọn anh chị em cùng Giả Mẫu đặt câu đố đèn trong Noãn Hương các, mọi người bàn đến những câu đố rất hay và rất khó, lúc đó Bảo Thoa đã đề nghị «Những câu này tuy hay đấy nhưng không hợp ý với ý cụ. Chi bằng chúng ta tìm ra những vật gần gũi dễ trông thấy để người nhã hay người tục đều thưởng thức được cả mới vui». Với trình độ của Bảo Thoa thì những câu đố đó không thành vấn đề nhưng cô sợ Giả Mẫu không đoán được bà sẽ mất vui nên mới đề nghị như thế. Chứng tỏ trong bất cứ trường hợp nào cô cũng nghĩ cách làm vui Giả mẫu. Đối với Vương phu nhân cũng không ngoại lệ, Bảo Thoa luôn biết cách làm bà cảm thấy được an ủi và vui vẻ. Hồi 32, Kim Xuyến vì bị Vương phu nhân đuổi xua mà đâm đầu xuống giếng tự vẫn, Vương phu nhân sùi sụt khóc, Bảo Thoa đã đến bên an ủi bà, thậm chí cô còn đem cho quần áo của mình để gia đình Kim Xuyến khâm liệm mà không hề kiêng dè khiến Vương phu nhân vô cùng cảm động. Ba người phụ nữ quyền lực nhất trong nhà họ Giả là Nguyên Xuân, Giả Mẫu và Vương phu nhân đều hết mực hài lòng với thái độ cư xử của cô.
Bảo Thoa lấy lòng các bề trên trong gia đình họ Giả trước hết vì sự tôn trọng. Cô nghĩ rằng họ tôn quý, mực thước xứng đáng được đối xử như thế. Hơn nữa, Bảo Thoa luôn lấy giai cấp thống trị mà cụ thể là những người phụ nữ quyền uy kể trên làm khuôn mẫu, làm mục tiêu phấn đấu. Hay nói khác hơn, cô muốn đạt đến địa vị như họ. Và chính họ sẽ giúp cô bước lên địa vị cao quý của giai cấp thống trị mà cô hằng mong muốn nên cô đã tìm mọi cách để họ được vui lòng.
Biết lấy lòng người khác không chỉ có Bảo Thoa mà Phượng Thư cũng là một tay già dặn. Tuy nhiên Phượng Thư chỉ nhún nhường, tận tuỵ với Giả Mẫu, còn với người dưới thì cậy tài, hống hách nên nhiều người không ưa. Về điểm này Bảo Thoa khéo léo hơn nhiều. Kẻ hầu người hạ trong Giả phủ đều khen ngợi cô, bọn a hoàn cũng thích gần Bảo Thoa, thậm chí bọn a hoàn còn kháo với nhau rằng «Cô Bảo nghe thấy thì chẳng sao, chứ cô Lâm miệng hay xoi bói, bụng hay khắt khe…». Bảo Thoa luôn tỏ ra quan tâm đến tất cả mọi người, rộng lượng với người ăn kẻ ở nên Tập Nhân khi nghe nói Bảo Thoa được chọn làm «mợ Hai Bảo» đã vui sướng «Thật là con mắt bề trên rất tinh, dạm hỏi như thế mới đáng. Mình thật có phúc, nếu cô ta về đây thì mình cũng đỡ được một phần gánh nặng». Sỡ dĩ mọi người yêu mến Bảo Thoa như thế là vì cô ta biết cách «ngọt nhạt», cô luôn biết làm cho người khác cảm thấy được tôn trọng. Ví dụ như ở hồi 34, Bảo Thoa và Tập Nhân trò chuyện về việc Bảo Ngọc bị cha đánh, Tập Nhân đã nói lỡ lời hàm ý chỉ nguyên nhân là tại Tiết Bàn, Bảo Thoa không những không giận mà khi thấy Tập Nhân sượng sùng Bảo Thoa còn nói đỡ lời giùm làm Tập Nhân vô cùng cảm động. Bề ngoài Bảo Thoa có vẻ quý Tập Nhân lắm, nhưng trong lòng cô, Tập Nhân vẫn chỉ là một a hoàn ở địa vị thấp hèn, nên trong hồi 35 khi Tập Nhân băn khoăn về việc mình được Vương phu nhân biệt đãi, Bảo Thoa bĩu môi cười nói «Có thế mà cũng khó nghĩ ? Sau này còn có nhiều việc làm chỉ khó nghĩ hơn thế nữa kìa». Cái bĩu môi của Bảo Thoa phải chăng mang một chút gì của sự xem thường đối với người ở địa vị thấp hơn mình?
Trông Bảo Thoa bề ngoài thơn thớt nói cười như thế nhưng trong lòng cô gái xinh đẹp này luôn ẩn chứa những suy nghĩ sắc lạnh đôi khi làm người đọc phải rợn người. Để người khác yêu thích mình, Bảo Thoa không ngần ngại dùng những thủ đoạn đáng sợ. Hồi 27, Bảo Thoa đuổi theo con bướm trắng, vô tình nghe được câu chuyện «dơ bẩn» của hai a hoàn, Bảo Thoa giật mình nghĩ bụng «Xưa nay những đứa gian dâm trộm cướp, bụng dạ đều ra trò cả! Nếu mở cửa thấy ta ở đây, lẽ nào chúng nó không hổ thẹn? Vả lại nghe tiếng hệt như con Hồng ở phòng Bảo Ngọc, nó xưa nay vẫn to gan, không coi ai ra gì cả. Nó là đứa a hoàn điêu ngoa, quỉ quái bậc nhất, người cùng làm phản, chó cùng qua tường. Nay ta biết được sự xấu xa của nó, nếu không cẩn thận, không những thêm chuyện, mà ta cũng chẳng hay ho gì. Bây giờ lánh đi một nơi thì không kịp, chi bằng dùng lối kim thiền thoát xác mới được » Bỗng nghe kẹt một tiếng, Bảo Thoa liền cố ý đi nặng bước, cười hỏi «Chị Tần, tôi xem chị trốn đi đâu nào… ». Tất nhiên hai cô a hoàn kia sẽ nghĩ Đại Ngọc trốn quanh đó và đã nghe được câu chuyện của họ. Thế là Bảo Thoa đã trút tất cả mọi sự oán ghét của hai a hoàn lên đầu Đại Ngọc. Đáng sợ hơn là sau đó, cô còn vừa nói vừa đi, trong bụng cười thầm «Thế là ta nói quanh che giấu đã trôi. Không biết chúng nó nghĩ thế nào».
Thực chất trong thâm tâm Bảo Thoa rất xem thường những con người thuộc tầng lớp bị trị thấp kém. Ý thức giai cấp trong cô gái trẻ này vô cùng mạnh mẽ. Chi tiết Hương Lăng tập làm thơ đã chứng minh được điều đó. Hương Lăng là một cô gái của bi kịch, cuộc đời gặp nhiều gian nan bất trắc và bi đát, phải làm nàng hầu cho một kẻ phàm phu tục tử như Tiết Bàn. Thế nhưng địa vị thấp kém ấy không ngăn được tình yêu thơ của Hương Lăng, Hương Lăng rất quyết tâm học làm thơ. Có thể nói chi tiết Hương Lăng học làm thơ đã khắc hoạ chân thật tính cách của Tiết Bảo Thoa. Bề ngoài, trông Bảo Thoa có vẻ cẩn trọng hoà bình, ôn nhu đôn hậu, nhưng bên trong cô vẫn có nét lạnh nhạt, cốt cách cao ngạo, người tầm thường không bao giờ được cô để mắt tới. Bảo Thoa có thể đưa Hương Lăng vào ở trong Đại Quan viên là tốt lắm rồi, sao cô còn phải dạy Hương Lăng làm thơ nữa? Hương Lăng không dám thỉnh giáo Bảo Thoa mà phải tìm đến Đại Ngọc. Điều này nói lên sự phân biệt giai cấp của Bảo Thoa. Bảo Thoa không những không hiểu việc cố công tập làm thơ của Hương Lăng là còn hay trêu chọc Hương Lăng «Sao lại phải chuốc lấy phiền não…Cô vốn đã ngớ ngẩn rồi nay thêm chuyện này lại càng thành điên mất thôi». Khi Hương Lăng làm được một bài thơ, định hỏi cô, cô lại bảo Hương Lăng sang hỏi Đại Ngọc. Rõ ràng đối với việc Hương Lăng tập làm thơ, Bảo Thoa không những không ủng hộ mà còn chê cười, trêu chọc. Đối với cô, người thấp hèn như Hương Lăng thì không xứng đáng với thú vui tao nhã của tầng lớp trên trong xã hội lúc bấy giờ.
Không những khinh thường, mà đối với tầng lớp bị trị Bảo Thoa còn lạnh lùng và tàn nhẫn nữa. Trước cái chết thương tâm của a hoàn Kim Xuyến đến một người lạnh lùng như Vương phu nhân còn phải sụt sùi khóc, vậy mà Bảo Thoa vẫn tỉnh như không «Dì là người nhân từ nên nghĩ thế. Chứ cháu đoán thì không phải nó bực tức mà đâm đầu xuống giếng đâu, có lẽ nó đứng gần hay đùa nghịch gì ở bên giếng, sểnh chân bị ngã chăng? Nó ở nhà này bị bó buộc quen rồi, bây giờ được ra ngoài tất là đi chơi đùa các nơi cho thích, chứ đến nỗi nào tức khí như thế? Nếu vì tức khí mà liều lĩnh, thì chẳng qua là hạng hồ đồ, không đáng tiếc làm gì ?» (hồi 32). Lẽ ra phải thương tâm cho Kim Xuyến thì Bảo Thoa lại « tận dụng » cái chết của Kim Xuyến để lấy lòng Vương phu nhân. Có thể nói Bảo Thoa mang đầy đủ bản chất tàn nhẫn, lạnh lùng của giai cấp thống trị. Bảo Thoa còn trẻ thế mà đã có những suy nghĩ và hành động khiến người khác nhìn vào phải cảm thấy sợ. Chắc chắn trong tương lai cô sẽ còn tàn nhẫn và lạnh lùng hơn cả Vương phu nhân nữa. Khi cô gái nhà nghèo Vưu Tam thư tự vẫn chết, kép hát Tương Liên bỏ đi tu, Bảo Thoa cũng đã lạnh lùng nói với mẹ rằng «Đó là định mệnh kiếp trước của họ. Hôm nọ vì Tương Liên cứu anh con, mẹ định thu xếp công việc hộ anh ấy, nhưng nay người chết đã chết, người đi đã đi rồi. Theo ý con mẹ cứ mặc họ. Mẹ cũng không cần phải vì họ mà thương cảm nữa».
Còn thái độ của Đại Ngọc đối bề trên và kẻ dưới thì sao? Hoàn toàn trái ngược với Bảo Thoa.
Với giai cấp thống trị, Đại Ngọc không mảy may nghĩ đến chuyện lấy lòng các bậc bề trên trong nhà. Ngày sinh nhật Đại Ngọc, Giả Mẫu cũng cho mời ban hát tới giúp vui và tất nhiên Đại Ngọc được ưu tiên chọn vở hát. Nàng đã chọn những vở hát theo ý thích của mình không chiều lòng bất cứ ai cả, này là Kim Đồng, Ngọc Nữ rồi Hằng Nga rồi Sư Đạt Ma đem đồ qua sông (hồi 85). Nàng không bao giờ tìm cách lấy lòng ai, ngay cả trước Nguyên Xuân nàng cũng không có ý nhún nhường. Khi Nguyên Xuân về thăm nhà, Đại Ngọc đã định trổ hết tài át hẳn mọi người (hồi 18). Đại Ngọc luôn có ý thức khẳng định cái tôi cá nhân của mình, không cúi đầu tuân phục «các bậc bề trên». Bởi thế, Nguyên Xuân dù khẳng định tài năng của cả Đại Ngọc và Bảo Thoa nhưng đến khi ban thưởng lại ban cho Bảo Thoa hậu hĩnh hơn. Bởi trong mắt giai cấp thống trị Đại Ngọc là một kẻ chống đối, một nghịch tử với những mầm mống tự do đe doạ làm lung lay những khuôn mẫu mà họ xây dựng bao đời.
Tự sâu trong lòng, Đại Ngọc chán ghét tất cả những sự giả dối, tàn nhẫn của giai cấp thống trị. Nàng đã phản kháng lại, dù rằng sự phản kháng đó vô cùng yếu ớt. Nàng chống đối giai cấp thống trị bằng sự kiêu kì cô độc, bằng suối nước mắt của mình. Các bề trên trong gia đình đại quý tộc ấy nhận ra sự chống đối của nàng nên đã loại nàng ra khỏi cuộc hôn nhân với Bảo Ngọc. Đại Ngọc cũng mang tư tưởng tự do như Bảo Ngọc, cũng mang những mầm mống phản kháng như Bảo Ngọc nên nếu nàng lấy Bảo Ngọc thì những nề nếp, khuôn khổ mà giai cấp thống trị phong kiến dày công vun đắp sẽ bị lung lay.
Với tầng lớp bị trị thì sao? Bề ngoài Đại Ngọc có vẻ rất kiêu kì, lạnh lùng và khó gần nên bị nhiều người ghét. A hoàn trong Giả phủ không mấy người thích nàng, họ luôn so sánh nàng với Bảo Thoa và cho rằng Bảo Thoa tốt hơn. Nhưng thực chất bên trong, Đại Ngọc là một người dào dạt tình cảm và đầy nhiệt tình. Nàng là người tự cao tự đại, mục hạ vô nhân nhưng cái lạnh nhạt của Đại Ngọc chỉ là vẻ bề ngoài. Nếu ai không xem nhẹ nàng, biết tôn trọng nàng thì nàng sẽ xem là bằng hữu, sẽ đối xử nồng hậu, nhiệt tình không hề chấp nệ điều gì. Như việc Hương Lăng học làm thơ đã nói ở trên chẳng hạn. Nếu Bảo Thoa xem thường, không giúp đỡ Hương Lăng thì Đại Ngọc lại tận tình chỉ bảo cô gái tội nghiệp này. Đại Ngọc đã vui vẻ nhận lời dạy Hương Lăng, giúp Hương Lăng xoá đi nỗi mặc cảm khiến Hương Lăng thêm can đảm, nghiêm chỉnh học làm thơ và cuối cùng đã thành công. Đại Ngọc có thể đối xử với người khác một cách chân thành như thế, lấy chuyện giúp người làm vui, ra sức chỉ bảo không giữ lại điều gì. Trước mặt Hương Lăng, Đại Ngọc không có gì là kiêu kì, không lộ vẻ gì là kẻ bề trên cả. Nàng tận tâm truyền thụ, chỉ bảo một cách vô tư, khuyến khích Hương Lăng, khiến người ta ca tụng không thôi.
Trước cái chết thương tâm của Kim Xuyến, Đại Ngọc cũng đau lòng, cũng căm ghét những kẻ thống trị tàn nhẫn. Nàng hoàn toàn đồng tình với Bảo Ngọc thương xót những số phận a hoàn nhỏ bé tội nghiệp, hồi 43 khi Bảo Ngọc lén ra ngoài đi tế Kim Xuyến trở về, Đại Ngọc đã nói «Tế chỗ nào chẳng được, lại cứ phải ra tận bờ sông? Tục ngữ nói trông vật lại nhớ đến người, nước ở khắp mặt đất đều do một nguồn mà ra, múc một bát nước ở nơi nào cũng được, rồi nhìn vào đó mà khóc, thế cũng đã hết lòng với người đã khuất rồi». Trong câu nói ấy, Đại Ngọc chỉ không đồng tình việc Bảo Ngọc trốn ra ngoài, còn việc Bảo Ngọc tưởng nhớ Kim Xuyến nàng hoàn toàn ủng hộ, bởi trong thâm tâm nàng cũng thương xót Kim Xuyến như Bảo Ngọc vậy. Không chỉ thương xót Kim Xuyến mà đối với số phận bi thảm của a hoàn Tình Văn, Đại Ngọc cũng cảm thương không nguôi. Hồi 77, Bảo Ngọc làm Văn tế hoa Phù Dung để khóc cho cái chết thảm thương, oan ức của Tình Văn, Đại Ngọc bất ngờ xuất hiện, nàng xem bài văn tế một cách trân trọng và còn góp ý để Bảo Ngọc sửa lại cho có phần thanh nhã hơn. Đại Ngọc không đồng ý cho Bảo Ngọc dùng những chữ «a hoàn», «tiểu thư» điều đó chứng tỏ nàng không hề có ý xem thường những con người bạc mệnh thuộc tầng lớp dưới. Có lẽ thông qua số phận bi đát của những con người thuộc tầng lớp bị trị, Đại Ngọc nhìn thấy bóng dáng cuộc đời mình nên nàng có một sự đồng cảm hết sức sâu sắc.
Qua những chi tiết trên người đọc nhận rõ sự tương phản trong thái độ đối với giai cấp bề trên, kể dưới của hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa này. Thông qua đó, tác giả đã góp phần miêu tả thành công những xung đột tư tưởng giữa họ.
Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến sự tương phản trong thái độ đối với tình yêu nam nữ tự do của Đại Ngọc và Bảo Thoa. Bởi tình yêu luôn là đại diện lớn nhất cho những khát vọng của con người trong bất kì thời đại xã hội nào.
2.1.2.4 CHI TIẾT BIỂU HIỆN SỰ TƯƠNG PHẢN TRONG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TÌNH YÊU NAM NỮ TỰ DO
Tình yêu của Đại Ngọc dành cho Bảo Ngọc là một thứ tình yêu được xây dựng trên cơ sở thống nhất với lý tưởng chống phong kiến cho nên mang màu sắc mới mẻ và có ý nghĩa xã hội rộng rãi.
Trước hết, có thể thấy Đại Ngọc rất ngưỡng mộ những tình yêu nam nữ tự do. Nàng đã say mê, đồng cảm đối với những mối tình nồng cháy được miêu tả trong văn chương lãng mạn như Tây sương kí hay Mẫu đơn đình. Đó là những tình yêu nam nữ không bị trói buộc bởi lễ giáo phong kiến. Đó là tình yêu cháy bỏng của những con người dám yêu, dám làm tất cả cho tình yêu của mình. Đại Ngọc xem đó là hình mẫu lý tưởng cho mình.
Thứ đến, có thể khẳng định rằng Đại Ngọc là người sống hết mình cho tình yêu. Tình yêu là tất cả những gì nàng có, là tất cả những gì nàng luôn trăn trở day dứt, là thứ quý giá mà nàng đấu tranh quyết liệt để có được.
Đại Ngọc là một cô gái yếu đuối, đa sầu đa cảm, một cánh hoa rơi, một cành liễu rủ, tiếng gió mưa trong đêm thu, cảnh nhộn nhịp phồn hoa của Đại Quan viên đều làm nàng chạnh lòng buồn tủi. Mặt khác, bản chất «kiêu kì cô độc» của cô thiếu nữ lá ngọc cành vàng cũng buộc cô phải cảnh giác, lúc nào Đại Ngọc cũng sợ người khác khinh miệt mình, lúc nào cũng ngẩng cao đầu chống chọi với hoàn cảnh. Giữa lúc đó thì tình yêu đến gõ cửa trái tim Đại Ngọc. Tình yêu của một người bạn tâm giao, tri âm tri kỉ đã mang đến cho cuộc sống cô đơn của nàng biết bao nụ cười và cũng lắm nước mắt đắng cay.
Tình yêu với Bảo Ngọc đã tiếp sức cho nàng, giúp cho nàng khỏi bị cái bất lực và buông thả đánh bại. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến đầy lễ giáo khắc nghiệt kia thì một tình yêu nam nữ tự do như thế bị xem là phi đạo đức, là không thể chấp nhận được. Nhưng một phụ nữ như Đại Ngọc không hề bị những quan niệm phong kiến đó chi phối. Dù có đôi lúc nàng ở trong trạng thái mâu thuẫn: một mặt muốn người mình yêu thổ lộ tâm sự nên luôn tìm cách thử lòng Bảo Ngọc, nhưng khi Bảo Ngọc mạnh dạn tỏ tình nàng lại giận không nói nên lời cho là Bảo Ngọc nói bậy, khinh rẻ lăng nhục mình (hồi 23). Trạng thái mâu thuẫn đó, đặt trong cảnh ăn nhờ ở đậu lại có thêm tình địch Bảo Thoa, Tương Vân càng làm cho Đại Ngọc đau khổ, chỉ còn biết khóc thầm than trộm. Cái bệnh đa sầu đa cảm lấy nước mắt rửa mặt của Đại Ngọc không đơn giản chỉ là bệnh hoạn ốm yếu mà còn là biểu hiện của sự đấu tranh cho tình yêu tha thiết của mình dù rằng sự phản kháng đó có phần tiêu cực và yếu ớt.
Tình yêu trong Đại Ngọc ngày càng lớn mạnh và sâu sắc. Hồi 57, Tử Quyên thấy Đại Ngọc âu sầu và yếu dần đi vì lo lắng cho số phận của tình yêu với Bảo Ngọc, nên đã đặt ra câu chuyện ly kỳ nhằm thử lòng Bảo Ngọc. Chàng Bảo Ngọc si tình cứ tưởng Đại Ngọc sắp về Tô Châu thật liền trở nên ngây dại. Đại Ngọc thấy người yêu như thế thì lòng đau như cắt, « mặt đỏ gay, tóc rối bù, mắt sưng húp, gân nổi lên, cứ gục đầu xuống mà thở ». Đại Ngọc mắng Tử Quyên «Chị không phải đấm nữa cứ mang thừng đến thắt cổ tôi chết đi là hơn». Trong lòng chế độ phong kiến, tình yêu của Đại Ngọc vẫn không ngừng lớn lên đến mức tưởng như hai người họ không thể sống thiếu nhau được nữa.
Càng yêu sâu đậm bao nhiêu thì Đại Ngọc lại càng trăn trở, lo sợ bấy nhiêu bởi nàng biết rõ tuy Bảo Ngọc một lòng nghĩ đến mình nhưng bà và mợ lại không tỏ ý gì. Hồi 82, Đại Ngọc nghìn sầu muôn mối chất chứa trong lòng đã mơ một giấc mơ khủng khiếp. Đại Ngọc mơ thấy Giả Vũ Thôn đến đón mình về Nam kinh để lấy chồng, mọi người trong nhà như Phượng Thư, Hình phu nhân, Vương phu nhân đều lạnh nhạt với nỗi hoảng sợ của nàng, ngay cả Giả Mẫu cũng lạnh lùng khi nàng van xin «cái đó không can gì đến ta». Đại Ngọc van xin mãi không được bèn nghĩ đến chuyện tự tử. Đại Ngọc giận mình không còn mẹ đẻ, tuy bà ngoại, các mợ, các chị em thường đối đãi với mình hết sức tử tế nhưng chẳng qua là giả dối cả. Đại Ngọc cầu cứu Bảo Ngọc nhưng anh chẳng thể làm được gì, Đại Ngọc đã nói một câu khẳng khái «Em đã nhất quyết sống chết cũng theo anh ». Sau đó Bảo Ngọc mổ bụng, moi quả tim ra cho nàng xem. Nàng hốt hoảng tỉnh dậy.
Chi tiết giấc mộng kể trên đã phản ánh được tất cả nỗi lo sợ của Đại Ngọc. Trong tiềm thức nàng nhận rõ rằng chẳng ai ủng hộ cuộc nhân duyên của mình. Đại Ngọc quả là một cô gái thông minh và nhạy cảm. Nhưng quan trọng hơn hết là qua giấc mộng ấy ta thấy được quyết tâm đối với tình yêu của Đại Ngọc. Dù sống hay chết nàng cũng nhất quyết giữ vững tình yêu của mình, không bao giờ buông xuôi, không bao giờ từ bỏ.
Khi tình yêu của Đại Ngọc chín muồi cũng là lúc nàng phát hiện sự ngăn cản kiên quyết của các bậc bề trên. Sự xung đột đó không làm nàng tuyệt vọng mà càng hun đúc thêm quyết tâm của nàng. Hồi 89, nghe bọn a hoàn đồn rằng Giả Mẫu đi dạm vợ cho Bảo Ngọc, Đại Ngọc nước mắt chảy ròng ròng, cố ý giày vò bản thân mình, chẳng nghĩ gì đến cơm nước, ngày một yếu dần, không muốn ai đến thăm cũng không chịu uống thuốc, chỉ mong cho mình mau chết. Rõ ràng Đại Ngọc đang phản kháng cho tình yêu của mình nhưng nàng chọn một cách phản kháng quá tiêu cực bởi ngoài cách đó ra Đại Ngọc chẳng còn biết phải làm gì hơn.
Đại Ngọc phấn đấu một cách quá cô độc và lẻ loi bên cạnh thế lực phong kiến hùng mạnh và cấu kết chặt chẽ với nhau. Đại Ngọc đã dùng cả mạng sống để phản kháng, vì với nàng tình yêu là tất cả là quan trọng hơn hết. Giai cấp thống trị phong kiến vẫn không chấp nhận tình yêu ấy. Đại Ngọc đơn độc đấu tranh một cách vô vọng và đơn độc mang sự thất bại về bên kia cuộc sống (hồi 97). Ngay cả khi nàng ngậm hờn mà chết đi thì nàng vẫn giữ trọn tâm hồn trong sạch và phẩm chất kiêu kỳ không khuất phục của mình. Nàng đã có một tình yêu thật đẹp và luôn tỏ ra xứng đáng với tình yêu ấy. Phải thừa nhận rằng Đại Ngọc có một thái độ hết sức đáng trân trọng đối với tình yêu nam nữ tự do. Với nàng, được yêu hoặc là chết, không thể có con đường khác hơn.
Trái với Đại Ngọc, Bảo Thoa có một quan niệm rất bảo thủ về tình yêu nam nữ tự do. Nàng cho rằng trong xã hội phong kiến chỉ có lễ giáo, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó vì thế không thể có chỗ cho tình yêu nam nữ tự do được.
Từ đầu, Bảo Thoa đã quyết tâm vào cung vua nên hết sức cẩn trọng trong mối quan hệ với Bảo Ngọc. Bảo Thoa luôn tuân thủ lễ giáo phong kiến «nam nữ thụ thụ bất thân», nên trong mắt Bảo Thoa quan hệ thân mật giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc là không đứng đắn. Bảo Thoa luôn tìm cách tránh Bảo Ngọc «Bảo Thoa nhớ lại trước kia mẹ mình nói chuyện với Vương phu nhân về việc vị sư cho cái khoá vàng, bảo chờ ngày sau ai có ngọc mới kết hôn, vì thế chỉ muốn tìm cách tránh xa Bảo Ngọc. Hôm nọ, Nguyên Xuân lại cho các thứ cũng như Bảo Ngọc, trong lòng càng thêm áy náy khó nghĩ. May sao Bảo Ngọc lại hay quấn quýt với Đại Ngọc lúc nào cũng tâm niệm đến Đại Ngọc nên Bảo Thoa cũng không để ý đến việc ấy» (hồi 28).
Tuy vậy, trong lòng Bảo Thoa vẫn có những rung động khi đứng trước Bảo Ngọc như ở hồi 28 Bảo Thoa ngượng ngùng khi Bảo Ngọc mê mẩn nhìn mình. Hoặc như ở hồi 33, khi Bảo Ngọc bị cha đánh một trận đòn nên thân, Bảo Thoa cũng đau lòng xót xa, tranh cãi với Tiết Bàn và khóc đến nỗi Đại Ngọc đã mỉa mai rằng «Chị nên giữ mình cẩn thận. Dù có khóc ra hai vò nước mắt cũng không thể chữa lành được vết đòn đâu». Hồi 95, Nguyên Xuân chết, Bảo Ngọc trở nên ngây dại, Bảo Thoa rất nghi ngờ sợ hãi nhưng «hỏi ra không tiện nên đành chỉ nghe người khác bàn tán làm như không liên quan gì đến mình cả».
Nếu Đại Ngọc bất chấp tất cả để sống với tình yêu của mình thì Bảo Thoa luôn trốn tránh. Bởi lễ giáo phong kiến không chấp nhận những tình yêu tự do nên Bảo Thoa luôn tiết chế tình cảm của mình. Bảo Thoa chẳng bao giờ dám sống với cảm xúc thật. Cô dùng lý trí để nhìn tình cảm. Cô đặt tình yêu lên bàn cân mà cân đo nặng nhẹ thiệt hơn. Bảo Thoa đã giam trái tim mình trong cái vòng lễ giáo và tự hài lòng với những khuôn phép mà mình tuân thủ.
Thục nữ phong kiến như Bảo Thoa không bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu đương và cũng không dám tự chọn đối tượng, tự quyết định hạnh phúc cho bản thân mình. Cũng ở hồi 95, khi Tiết phu nhân hỏi Bảo Thoa có bằng lòng lấy Bảo Ngọc không, cô đã nghiêm nét mặt nói: «Mẹ nói thế là không đúng. Việc của con gái là do cha mẹ làm chủ; giờ cha con mất rồi, mẹ nên làm chủ lấy, không nữa thì hỏi anh con, sao lại hỏi con ». Với Bảo Thoa, «tam tòng tứ đức» là quan trọng nhất, còn tình yêu chỉ là thứ nhảm nhí không thể chấp nhận được. Người phụ nữ không được quyền quyết định hôn nhân đại sự của cả cuộc đời mình. Chính vì những suy nghĩ đó mà giai cấp thống trị phong kiến đánh giá cao cô, mẹ cô càng thêm yêu mến cô và họ Giả thì hết sức hài lòng khi cưới được một cô dâu biết lễ nghĩa như cô.
Và cũng như giai cấp thống trị phong kiến, Bảo Thoa xem hôn nhân như một hành vi chính trị để củng cố địa vị dòng họ, củng cố gia phong. Vì thế Bảo Thoa đã quá lý trí trong tình yêu. Đối với việc yêu chồng và giữ chồng mà cô cũng phải bày kế. Hồi 109, Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc cứ mãi thơ thẩn tưởng nhớ Đại Ngọc, «Bảo Thoa cúi đầu nghĩ ngợi… nếu cứ để cậu ta ngủ ở ngoài mãi, vốn sẵn lòng tà sợ lại vương chuyện yêu ma. Vả lại, bệnh cũ của cậu ta, vốn là vì nặng tình với chị em. Vậy phải có cách làm cho cậu ta xoay lòng chuyển dạ, thì sau này mới khỏi sinh chuyện». Và Bảo Thoa đã tỏ ra tình âu yếm cho Bảo Ngọc gần gũi để làm cái kế «dời hoa nọ chắp cành kia» hầu níu kéo trái tim Bảo Ngọc trở về với mình. Kết quả, Bảo Thoa đã mang thai – mang giọt máu kế nghiệp dòng họ Giả. Tội cho Bảo Thoa một đời thông minh, ngay cả trong tình yêu cũng phải tính kế. Cuối cùng, dù hết lòng với chồng như người ta vẫn nói «án đặt ngang mày» thì trái tim Bảo Ngọc cũng vẫn chỉ có một mình em Lâm mà thôi. Trái tim tự do của Bảo Ngọc không thể nào đập cùng nhịp với trái tim lễ giáo của Bảo Thoa mà chỉ luôn hướng về trái tim dám sống chết cho tình yêu của Đại Ngọc. Giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa có lẽ khó phân định sự được mất nhưng có thể thấy rõ một điều họ có quan niệm về tình yêu và có cách yêu hoàn toàn đối lập nhau.
Tóm lại, thông qua việc miêu tả những yếu tố tương đồng cùng với việc xây dựng hệ thống những yếu tố biểu hiện sự tương phản như trên, tác giả đã khắc hoạ rõ nét làm người đọc nhận thức được những xung đột tư tưởng âm thầm mà quyết liệt, triệt để giữa hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa này. Xâu chuỗi các yếu tố này lại người đọc sẽ nhận ra giữa họ có rất nhiều điểm tương đồng mà tư tưởng lại quá khác biệt nhau. Từ sự khác nhau thậm chí trái ngược nhau đã dẫn đến xung đột. Và những xung đột tư tưởng không chỉ được miêu tả khéo léo bằng hệ thống các chi tiết mà còn được biểu hiện một cách trực tiếp, khách quan, chân thật thông qua các phương tiện khác như độc thoại nội tâm và đối thoại chẳng hạn. Tất cả thể hiện ngòi bút sắc sảo tài hoa và đậm ý vị xã hội nhân sinh của tác giả Hồng lâu mộng.
2.2 ĐỘC THOẠI NỘI TÂM VÀ ĐỐI THOẠI BỘC LỘ XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA
Như đã nói ở trên, song song với việc sắp xếp hệ thống chi tiết tương đồng và tương phản, tác giả Hồng lâu mộng còn xây dựng các lớp độc thoại nội tâm và đối thoại đặc sắc để làm nổi bật xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết này.
Người Việt Nam có câu «Vàng thì thử lửa thử than, chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời». Quả thật, lời nói là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một con người. Và trong văn học các nhà văn cũng đã dày công xây dựng những lớp hội thoại đặc trưng để miêu tả bản chất nhân vật của mình. Tác giả Hồng lâu mộng cũng vận dụng biện pháp này một cách có hiệu quả trong việc miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa, từ đó cho người đọc thấy rõ tư tưởng cơ bản của mỗi người.
Rõ ràng tư tưởng không chỉ chi phối hành động mà còn chi phối việc nói năng của con người bởi ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là công cụ để con người tư duy. Thông qua các lớp độc thoại nội tâm và đối thoại của hai kiểu nhân vật, cụ thể là Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa, người đọc sẽ hiểu được những cơn sóng lòng đang chảy tràn trong tâm trí họ.
Trước hết, phải công nhận rằng tác giả Hồng lâu mộng là bậc thầy trong việc miêu tả nhân vật bằng những lớp độc thoại nội tâm. Người đọc như hoà theo dòng suy tư của nhân vật để từ đó hiểu và cảm nhận sâu sắc diễn biến nội tâm, tình cảm cũng như những khuynh hướng tư tưởng mà họ ấp ủ, đeo đuổi. Khá ấn tượng với người đọc có lẽ phải kể đến lớp độc thoại nội tâm của Lâm Đại Ngọc ở hồi 29, «vẫn biết bụng anh bao giờ cũng để ý đến tôi, tuy có câu vàng ngọc sánh đôi, nhưng khi nào anh lại tin lời nhảm nhí ấy mà không yêu quý tôi? Tôi dù có nhắc đến chuyện vàng ngọc anh cũng lờ đi như không nghe không thấy, thế mới thực là anh yêu quý tôi, không có mảy may gì giả dối cả. Nhưng mỗi khi tôi gợi đến chuyện vàng và ngọc anh lại cứ cuống cuồng lên, đủ biết bụng anh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện vàng và ngọc. Anh sợ tôi ngờ vực, cố ý làm ra sửng sốt để đánh lừa tôi». Tác giả đã vẽ nên chân dung một Đại Ngọc đa sầu đa cảm với nhiều cung bậc cảm xúc đến cùng một lúc, nàng lo âu, nàng vẫn chưa đủ tự tin. Và người đọc cảm nhận được rằng cô gái yếu đuối ấy quan niệm tình yêu là phải tuyệt đối, không thể nào chấp nhận sự sẻ chia hay thay đổi dù chỉ là chút ít. Tương tự ở hồi 32, Đại Ngọc nghe Bảo Ngọc khen ngợi mình trước Tương Vân, nàng đã trải qua cùng một lúc thật nhiều cảm xúc đan xen vào nhau «mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương. Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là người tri kỉ, giờ quả thực như vậy. Sợ là: trước mặt người khác anh ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn không hề e ngại tý gì; tủi là: anh đã là tri kỉ của tôi, thì tất nhiên tôi cũng là tri kỉ của anh. Anh và tôi đã là một đôi tri kỉ, thì tại sao còn có chuyện vàng với ngọc. Mặc dù có chuyện vàng ngọc thì vàng ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi, chứ tại sao còn có cô Bảo Thoa nữa? Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có những lời ghi lòng tạc dạ, nhưng không có ai tác thành cho ta. Vả chăng, gần đây đã chớm có bệnh, tinh thần hoảng hốt. Thầy thuốc bảo khí huyết suy kém, sợ rồi sinh chứng lao. Tôi dù là tri kỉ của anh nhưng sợ không thể chờ lâu được. Anh dù là tri kỉ của tôi nhưng tôi bạc mệnh thì làm thế nào». Một lần nữa qua màn độc thoại nội tâm của Đại Ngọc, tác giả đã khẳng định rằng với người con gái này thì tình yêu là tuyệt đối. Đồng thời, chính bản thân nàng cũng hiểu được xung đột quyết liệt giữa nàng và Bảo Thoa, có lẽ giữa hai người chỉ có một là có thể tồn tại mà thôi, có người này thì tốt nhất đừng nên có người kia nữa. Đại Ngọc với những suy nghĩ về tình yêu quyết liệt như thế phần nào đã thể hiện tư tưởng tự do dân chủ nơi nàng dù nó chưa đủ làm thành sức mạnh để nàng đấu tranh nhưng cũng đủ khiến nàng trở thành «nghịch tử» đối đầu với các thế lực phong kiến bảo thủ mà trước hết là thiên kim Tiết Bảo Thoa danh giá.
Tư tưởng bảo thủ phong kiến của Bảo Thoa cũng đã được tác giả xây dựng qua một số lớp độc thoại nội tâm mà cụ thể là ở hồi 27, «Bảo Ngọc và Đại Ngọc từ bé cùng ở một nơi, anh em họ nhiều lúc không biết tránh sự hiềm nghi, cười đùa không giữ ý, vui giận bất thường, Đại Ngọc tính nết nhỏ nhen, lại hay ghen ghét, bây giờ mình đến đây, một là không tiện cho Bảo Ngọc, hai là Đại Ngọc sinh ngờ, chi bằng ta trở về là hơn». Bảo Thoa phê phán cách sống của Đại Ngọc là buông tuồng, tự do không biết giữ lễ nghi. Đối với Bảo Thoa thì chuyện Đại Ngọc và Bảo Ngọc gần gũi nhau như thế là không thể chấp nhận được và cô càng không thể chấp nhận «cái tôi cá nhân» quá lớn của Lâm Đại Ngọc, cô gọi đó là sự nhỏ nhen, ghen ghét. Bảo Thoa chuyên khắc kỉ phục lễ nên đối với cô việc làm của Lâm Đại Ngọc đương nhiên là ma tà, không chính đáng và tuyệt nhiên không thể tồn tại trong xã hội phong kiến được.
Đoạn đối thoại ở hồi 42, Bảo Thoa đã giáo huấn Đại Ngọc, cố nhồi nhét vào đầu óc cô thiếu nữ tự do này những lễ giáo mà Bảo Thoa cho là khuôn phép đúng đắn buộc mỗi người đều phải tuân theo, ai làm trái lại đều là hư hỏng cả.
Khi về vườn, đến chỗ rẽ, Bảo Thoa gọi Đại Ngọc: «Cô Tần, theo ta vào đây, có câu chuyện muốn hỏi»
Đại Ngọc cười, theo Bảo Thoa đến Hành Vu Uyển. Vào phòng, Bảo Thoa ngồi xuống cười bảo: «sao mày không quỳ xuống? Ta định tra xét một việc»
Đại Ngọc không hiểu tại sao, cười nói: «Xem kìa, con Bảo này điên rồi! Ta có việc gì mà mày tra xét?»
«Gớm thật, cô tiểu thư nghìn vàng ơi! Cô gái cung cấm ơi! Miệng cô đã nói những câu gì? Thôi hãy nói thực ra đi».
Đại Ngọc không hiểu, chỉ cười nhưng trong bụng cũng có ý ngờ ngợ và nói «Nào tôi có nói gì đâu? Chẳng qua chị bắt nọn tôi đấy thôi. Có điều gì sai chị hãy nói tôi nghe nào».
«Cô lại còn giả vờ à? Trong cuộc tửu lệnh hôm nọ, cô nói gì thế? Tôi không biết những câu ấy ở đâu ra à?»
Đại Ngọc nghĩ mãi mới nhớ hôm nọ mình không giữ gìn có đọc hai câu chuyện Mẫu đơn đình và Tây sương kí, tự nhiên mặt đỏ lên, liền chạy lại ôm lấy Bảo Thoa cười nói: «Chị ơi! Vì em quên đi, buột miệng đọc ra, chị Bảo mới rõ. Từ giờ trở đi em không dám đọc những câu ấy nữa!»
«Tôi cũng không hiểu, nghe thấy cô đọc hay quá, nên bây giờ hỏi lại cô»
«Chị ơi! Xin chị đừng nói với người khác, từ nay em không dám đọc những câu ấy nữa!»
Bảo Thoa thấy Đại Ngọc thẹn đỏ mặt, cứ van xin mãi, nên cũng không vặn hỏi nữa. Liền kéo Đại Ngọc ngồi xuống uống nước trà và ân cần khuyên bảo: «Cô cho tôi là người như thế nào? Xưa nay tôi vốn bướng bỉnh. Từ khi bảy, tám tuổi tôi đã làm rầy rà người ta. Nhà tôi vốn là nhà nho, ông cha cũng rất thích chứa sách. Khi trước, nhà tôi đông người, anh chị em tôi cùng ở một nơi, không ai thích xem sách đứng đắn cả. Có người thích thơ, có người thích từ, như «Tây sương», «Tỳ bà», «Nguyên nhân bách chủng», bộ gì cũng có. Họ cứ xem giấu chúng tôi, chúng tôi xem giấu họ. Sau thầy tôi biết, đứa bị đánh, đứa bị mắng, sách lại bị đốt, bị xé mất hết. Vì thế bọn con gái chúng ta không biết chữ càng tốt. Đám con trai học không hiểu nghĩa lý thì thà không học còn hơn; huống chi là tôi với cô? Ngay đến việc làm thơ viết chữ, đã không phải phận sự chị em mình, mà cũng không phải phận sự của bọn con trai nữa. Người con trai đọc sách phải hiểu nghĩa để ra giúp nước trị dân mới đúng. Bây giờ không thấy những người như thế nữa, càng đọc sách bao nhiêu họ càng hư hỏng bấy nhiêu. Đó không phải là sách làm hư hỏng họ, tiếc rằng chính họ đã bôi nhọ sách. Bởi thế không bằng đi cày, đi buôn còn hơn. Còn bọn chúng ta, chỉ nên biết việc thêu thùa may vá mới phải, thế mà còn học đòi mấy chữ. Đã trót biết chữ thì nên chọn sách đứng đắn mà xem, chứ xem loại sách nhảm, sẽ đổi hẳn tâm tình đi, không thể sửa lại được».
Bảo Thoa phê phán thái độ say mê của Đại Ngọc đối với văn chương lãng mạn. Cô là cái loa tuyên truyền giáo lý của chế độ phong kiến. Đoạn đối thoại trên cũng đã gián tiếp cho thấy thái độ của Bảo Thoa với việc đọc sách lập thân khác hoàn toàn với Đại Ngọc. Tất cả những điều này là do tư tưởng của hai cô thiếu nữ đối lập với nhau. Tư tưởng đối lập nhau nên bất đồng quan điểm, luôn không bằng lòng và phê phán đối phương. Hồi 51, Bảo Cầm làm mười bài thơ hoài cổ, mọi người xem xong đều khen chỉ có Bảo Thoa là phản đối: «Sự tích tám bài đều có chép ở trong sử, còn hai bài cuối không có sách nào chép, chúng tôi không hiểu rõ, chi bằng làm lại hai bài khác thì hơn». Đại Ngọc vội ngăn lại: «Chị Bảo thật là gắn phím gảy đàn, câu nệ vẽ vời quá. Dù trong sử sách không chép, các truyện ngoài cũng không nói đến, nên không biết đầu đuôi ra sao, nhưng chúng ta chẳng đã xem thấy ở hai vở hát là gì? Đứa trẻ lên ba cũng biết nữa là». Đoạn đối thoại trên đã cho thấy rõ Bảo Thoa là người rất tôn sùng khuôn mẫu, với cô những gì được ghi chép trong sách sử- những gì được người xưa công nhận mới là mực thước. Còn Đại Ngọc thì tự do phóng khoáng nên nàng đã gạt ý kiến của Bảo Thoa sang một bên. Dù chỉ là đoạn đối thoại ngắn nhưng đã lột tả được xung đột tư tưởng giữa hai người phụ nữ này một cách tự nhiên và khéo léo.
Và qua những đoạn đối thoại giữa các nhân vật, Bảo Thoa còn thể hiện mình là một «cái loa tuyên truyền cho đạo đức phong kiến». Ở hồi 64, Đại Ngọc làm mấy bài thơ gửi gắm tâm sự của mình, Bảo Ngọc lấy xem và định mang về thì bị Bảo Thoa giáo huấn cho hai người một trận «…Cậu viết vào quạt, lỡ quên đi, mang để ở ngoài thư phòng, các ông nhà nho trông thấy, lẽ nào họ không hỏi ai làm? Lỡ họ đồn đại ra ngoài lại càng không hay. Người xưa nói con gái không có tài ấy là đức đấy! Con gái cần phải lấy trinh tĩnh làm chủ, nữ công gia chính cũng chỉ là việc thứ hai. Còn như thi từ, chẳng qua là để chơi đùa trong khuê các mà chẳng biết cũng được. Chúng tôi là con gái trong những nhà thế này, không cần đến tiếng khen ngợi tài hoa ấy». Bảo Thoa đã thể hiện rõ tư tưởng bảo thủ phong kiến của mình, cô không đồng tình với việc Đại Ngọc hay suy tư hay làm thơ, cô luôn tuyên tuyền cho giáo lý phong kiến. Quả thật những tư tưởng, lời nói và việc làm của cô đã phục vụ đắc lực cho trật tự xã hội phong kiến mà giai cấp thống trị đặt ra để đào tạo những «đứa con trung thành tận tuỵ».
Lời nói của Bảo Thoa còn chứng tỏ cô là một «môn đồ ngoan đạo» của đạo đức phong kiến, cô luôn khắc ghi và làm theo những giáo lý ấy. Bảo Thoa luôn ghi nhớ câu «nam nữ thụ thụ bất thân», vì thế có lần cô đã phê phán lối sống của Đại Ngọc, và ở hồi 78 điều này một lần nữa lại được thể hiện qua lời Bảo Thoa nói với Vương phu nhân «Vì mấy năm trước cháu còn bé trong nhà không có việc gì, nên vào ở trong đó cùng chị em họp mặt vui đùa, khâu vá, hơn là một mình ngồi buồn rũ ở ngoài. Bây giờ bọn chúng cháu đều lớn cả rồi. Mấy năm nay dì ở bên này gặp nhiều việc không được vừa lòng. Thế mà cứ ở mãi trong vườn lỡ ra cháu trông nom không xuể, sợ lại sinh chuyện. Chỉ bớt người đi sẽ đỡ phải bận tâm». Bảo Thoa đã chọn lấy một lối sống, một con đường khác với Lâm Đại Ngọc.
Có thể nói những đoạn độc thoại nội tâm và đối thoại đầy dụng tâm của tác giả đã khắc hoạ sâu sắc xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ này. Không chỉ xung đột trực diện với nhau, mà thậm chí khi Đại Ngọc chết rồi thì những tư tưởng của nàng còn bị Bảo Thoa phê phán. Ở hồi 115, Bảo Thoa khuyên răn Bảo Ngọc «Làm con trai phải lo lập thân, làm cho rạng rỡ tiếng tăm chứ? Ai lại như cậu chỉ toàn là những tâm tình yếu đuối và ý nghĩ riêng tây. Cậu không thấy là mình không có chí khí cứng rắn gì hết, lại bảo người ta là con mọt ăn lộc à?». Quan niệm về công danh của Bảo Thoa hoàn toàn khác với Đại Ngọc – một người vốn không quan tâm tới công danh khoa cử. Bảo Thoa phê phán lối sống tình cảm tự do của Bảo Ngọc nhưng câu nói của cô làm người đọc liên tưởng đến Đại Ngọc vì trên thực tế Đại Ngọc vốn yếu đuối, vốn hay suy tư về những chuyện tình cảm riêng tây, phê phán Bảo Ngọc cũng là phê phán Đại Ngọc bởi hai người họ đều là «nghịch tử» của những lễ giáo phong kiến vốn đã kiệt quệ, lỗi thời.
Nếu như hệ thống các chi tiết mà tác giả xây dựng đã tạo nên những xung đột tư tưởng giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa thì những lớp độc thoại nội tâm và đối thoại góp phần khắc sâu và làm nổi bật những xung đột quyết liệt ấy. Nhưng những xung đột đó, không chỉ được thể hiện trực tiếp qua lời « hai người trong cuộc» mà tác giả còn mượn lời nhận xét của nhân vật khác để việc miêu tả được khách quan và thuyết phục hơn nhiều.
2.3 MƯỢN LỜI NHẬN XÉT CỦA NHÂN VẬT KHÁC ĐỂ MIÊU TẢ XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA
Đại Ngọc và Bảo Thoa, mỗi người mang một tư tưởng khác nhau nên việc dẫn đến xung đột là điều tất yếu. Bản thân mỗi người đều ý thức sâu sắc lập trường tư tưởng của mình, họ cũng hiểu rõ những xung đột tư tưởng dẫn đến sự đối đầu và khác biệt giữa họ. Không chỉ bản thân Bảo Thoa và Đại Ngọc mà cả những người xung quanh cũng nhận rõ điều đó.
Chính vì thế, tác giả Hồng lâu mộng đã mượn lời nhận xét của các nhân vật khác để miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết. Người ta vẫn nói «người ngoài cuộc sẽ có cách nhìn và sự đánh giá sáng suốt hơn». Quả thật, tác giả đã khéo léo khi mượn lời các nhân vật khác đánh giá xung đột tư tưởng giữa Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Làm như thế sẽ mang đến một sự cảm nhận khách quan và công tâm hơn đồng thời cũng cho thấy được xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật này không còn âm ỉ mà đã bộc lộ ra một cách quyết liệt khiến người khác có thể nhận thấy được.
Xung đột tư tưởng giữa hai nhân vật, trước hết có thể hiểu là những sự đối lập trong lối suy nghĩ cũng như cách sống và hành động, sự đối lập trong nhân sinh quan và thế giới quan của mỗi người. Sự khác biệt này của hai nhân vật Đại Ngọc và Bảo Thoa đã được miêu tả một cách gián tiếp qua lời nhận xét của các nhân vật khác trong tiểu thuyết. Có thể nói, tác giả đã rất khéo léo khi xây dựng lời nhận xét từ cả hai phe bảo thủ và tự do. Đứng về phe bảo thủ ủng hộ Bảo Thoa là cả gia đình quý tộc thống trị mà tiêu biểu là Giả Mẫu. Đứng về phe tự do sát cánh cùng Đại Ngọc là Giả Bảo Ngọc. Tác giả đã để cho Giả Mẫu và Giả Bảo Ngọc đứng trên lập trường, quan điểm của mình mà gián tiếp nói lên xung đột tư tưởng giữa hai nàng Đại Ngọc và Bảo Thoa.
Trước tiên, là những lời nhận xét của Giả Bảo Ngọc. Ai cũng nhận rõ rằng anh chàng này vốn là một người có tư tưởng tự do, anh luôn muốn đi ngược lại những gì giáo điều phong kiến đã đặt ra như quan niệm công danh khoa cử, quan niệm trọng nam khinh nữ, quan niệm phân biệt giai cấp… Trong Hồng lâu mộng, Bảo Ngọc và Đại Ngọc cùng là những «nghịch tử» của chế độ phong kiến. Họ đồng cảm với nhau ở cách nhận thức và cách sống nên đương nhiên Bảo Ngọc là người đứng về phe Đại Ngọc trong cuộc xung đột này.
Hồi 32 Tương Vân khuyên Bảo Ngọc chăm chỉ học hành để thành đạt trong khoa cử, Bảo Ngọc nghe thấy những câu ấy trái tai lắm liền đuổi Tương Vân về, Bảo Ngọc đã nói: «Cô Lâm có bao giờ nói những câu nhảm nhí ấy, nếu nói đến tôi đã xa cô ấy từ lâu». Qua câu nói của Bảo Ngọc ta nhận ra rằng Đại Ngọc không như bọn Bảo Thoa, Tương Vân và những người khác đam mê công danh khoa cử. Đại Ngọc cùng như Bảo Ngọc rất chán ghét cái bọn «xú nam nhân», cái bọn «mọt ăn lộc» và những «chiếc cần câu cơm». Vì thế Bảo Ngọc mới đánh giá cao Đại Ngọc và xem nàng là tri âm tri kỉ.
Còn với Bảo Thoa thì sao? Trong hồi 32, cũng nhắc đến việc Bảo Thoa khuyên Bảo Ngọc học hành để «kinh bang tế thế», Bảo Ngọc đã đằng hắng một tiếng rồi xỏ giày đi luôn. Với Bảo Ngọc, người con gái xinh đẹp tài hoa như Bảo Thoa chẳng qua cũng chỉ là «con mọt ăn lộc», những lời cô ấy nói cũng đều là lời nhảm nhí. Vì Bảo Ngọc là người có tư tưởng tự do dân chủ nên không thể chấp nhận lời khuyên của một người mang tư tưởng bảo thủ phong kiến như Bảo Thoa được.
Chính vì tư tưởng của Đại Ngọc và Bảo Thoa đối lập nhau nên một người thì phê phán Bảo Ngọc còn một người thì ủng hộ những hành động «gàn dở» của anh. Bảo Ngọc nhận thức rất rõ tư tưởng của hai người phụ nữ ấy vì thế có lần anh đã nói «Nếu đi hỏi Bảo Thoa chắc cô ấy lại trách mình là gàn dở, chi bằng đi hỏi Đại Ngọc thì hơn» (hồi 62). Rõ ràng, với Bảo Thoa những hành vi tự do của Bảo Ngọc là không thể chấp nhận được, còn với Đại Ngọc nàng luôn ủng hộ và đồng cảm cùng anh. Giữa Bảo Thoa và Đại Ngọc quả thật có một sự đối lập rất sâu sắc và triệt để mà qua nhiều chi tiết, nhiều câu thoại và nhiều lời nhận xét người đọc có thể thấy được.
Ngoài Bảo Ngọc, còn có một nhân vật khác cũng thường đưa ra nhận xét về Bảo Thoa và Đại Ngọc, đó là Giả Mẫu. Giả Mẫu là người nhiều tuổi đã trải nghiệm chuyện đời, bà là người có quyền lực tối cao trong nhà họ Giả. Bà thương yêu Đại Ngọc vì nàng côi cút, bé nhỏ nhưng bà không đồng tình với nàng. Trong mắt bà Bảo Thoa mới là người con gái tốt nhất, người con gái có đầy đủ phẩm chất mà giai cấp thống trị phong kiến cần. Hồi 35, khi Giả Bảo Ngọc gợi chuyện để Giả Mẫu khen tài ăn nói của Đại Ngọc, Giả Mẫu đã thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình: «Người nói không khéo cũng có chỗ đáng thương; người giọng lưỡi khéo léo mà có chỗ đáng ghét, thì không bằng người không nói khéo còn hơn». Bảo Ngọc cười nói: «Thế thì chị cả không hay nói mà cũng thương như chị Phượng. Nếu chỉ bảo những người nói khéo mới đáng thương, thì đám chị em ở đây chỉ đáng thương được chị Phượng và cô Lâm mà thôi».
Giả Mẫu nói: «Nói đến đám chị em, thì không phải trước mặt dì đây ta nói lấy lòng đâu: cứ thực mà nói, trong bốn đứa cháu gái nhà này, không ai bằng cháu Bảo cả».
Câu nói của Giả Mẫu cho thấy rằng bà không hài lòng với sự sắc sảo của Đại Ngọc, sự sắc sảo của một cái tôi đầy ý thức cá nhân. Một bề trên như Giả Mẫu, một người có trách nhiệm duy trì nề nếp phong kiến như Giả Mẫu tuyệt nhiên không thể bằng lòng với những tư tưởng tự do của Đại Ngọc, nàng mà hợp cùng Bảo Ngọc thì cái trật tự phong kiến trong gia đình ấy sẽ bị đe doạ lung lay. Ngược lại, người ôn nhu, biết người biết ta như Bảo Thoa mới thích hợp làm dâu họ Giả, mới có thể tiếp tục duy trì gia phong dòng họ cũng như tiếp tục duy trì và phát triển những gì chế độ phong kiến đặt ra để củng cố và bảo vệ quyền lợi giai cấp. Giả Mẫu đánh giá Bảo Thoa cao hơn đám chị em trong nhà là bởi tư tưởng phong kiến bảo thủ mạnh mẽ của cô ta, điểm này Đại Ngọc không thể có được. Bảo Ngọc muốn bà khen Đại Ngọc nhưng kết quả là câu trước bà không đồng tình với Đại Ngọc, câu sau bà khen Bảo Thoa. Sự khen chê khác nhau đó đã gián tiếp nói lên sự đối lập tư tưởng giữa hai người.
Và đã hơn một lần Giả Mẫu thể hiện thái độ của mình đối với Bảo Thoa và Đại Ngọc. Một người mang tư tưởng bảo thủ phong kiến và một người mang tư tưởng tự do dân chủ nên tất nhiên Giả Mẫu sẽ có sự nhìn nhận và đánh giá khác nhau.
Hồi 83, Đại Ngọc trong lòng sầu trăm mối nên sinh ra ốm yếu, Giả Mẫu rất không hài lòng về điều này. Thật ra nước mắt và sự đau ốm của Đại Ngọc không chỉ đơn giản là biểu hiện của bệnh lý mà ở một góc độ nào đó có thể xem là sự phản kháng của nàng đối với giai cấp thống trị và những khuôn phép phong kiến. Đại Ngọc luôn mang trong lòng một cái tôi cá nhân rất lớn, nàng đa sầu đa cảm và kiêu hãnh. Đại Ngọc đã làm Giả Mẫu phật ý «Con Lâm giờ đã lớn rồi, phải giữ gìn thân thể. Ta thấy nó hay để ý từng ly từng tý quá». Đại Ngọc nhận ra sự giả dối của giai cấp thống trị đối với nàng vì thế nàng ngày càng cô độc. Nàng muốn phản kháng, muốn chống đối, dù chỉ là sự chống đối yếu ớt nhưng một người tinh ý như Giả Mẫu cũng nhìn thấy và không chấp nhận được vì sẽ rất nguy hiểm nếu để sự chống đối của nàng gặp gỡ sự chống đối của Bảo Ngọc. Hơn nữa là một người thục nữ phong kiến thì nàng phải biết giữ gìn lễ giáo, không thể có những biểu hiện «nổi loạn» như thế.
Càng không hài lòng với Đại Ngọc bao nhiêu thì Giả Mẫu càng yêu quý Bảo Thoa bấy nhiêu. Hồi 84, Giả Mẫu nói: «Tôi xem con Bảo tính cách dịu dàng, hoà nhã, tuy tuổi còn trẻ nhưng so với người khác thì hơn nhiều… Thật là trăm người không có một người bụng dạ tính khí như nó! Không phải tôi nói quá khen chứ nó mà về làm dâu nhà người ta thì bố mẹ chồng nào chẳng thương yêu, người trong nhà ai chẳng kính phục». Bà đã chọn Bảo Thoa vì cô là người biết khắc kỉ phục lễ sẽ có lợi cho gia đình bà và giai cấp của bà về sau. Còn Đại Ngọc thì ngược lại, Giả Mẫu nhận xét rằng: «Con Lâm tính tình tinh ranh, đó cũng là điều tốt cho của nó, nhưng ta không muốn dạm nó cho Bảo Ngọc cũng chỉ vì điều đó. Vả lại nó yếu đuối như thế, sợ không thọ. Chỉ có con Bảo là tốt hơn hết» (hồi 90). Tính tình tinh ranh, hay nói khác hơn là tư tưởng quá tự do đã làm Đại Ngọc bị Giả Mẫu và các bề trên trong phủ Giả loại ra khỏi vị trí «mợ Hai Bảo». Đại Ngọc không được nhưng Bảo Thoa thì được giai cấp thống trị lựa chọn vì tư tưởng của cô hoàn toàn đối lập với Đại Ngọc. Chẳng những Giả Mẫu mà tất cả «các bậc bề trên» trong họ Giả đều đồng tình với bà, Vương phu nhân đã nói: «Chẳng những cụ nghĩ như thế mà chúng con cũng đều nghĩ như thế cả» (hồi 90).
Giả Mẫu hài lòng khi chọn Bảo Thoa «Con Bảo là đứa thông minh sáng suốt không cần phải lo» (hồi 96). Câu nói đó phát ra từ một người có địa vị cao như Giả Mẫu thì chứng tỏ lập trường tư tưởng phong kiến đã thấm nhuần, ăn sâu trong tâm khảm Bảo Thoa. Còn cái tư tưởng tự do nơi Đại Ngọc, cố nhiên giai cấp thống trị phong kiến không thể nào chấp nhận được. Hồi 97, Đại Ngọc uất nghẹn đến nỗi sắp lìa đời, Giả Mẫu không những không cảm thương mà còn đứng trên lập trường phong kiến phê phán tư tưởng tự do của nàng «Trẻ con từ khi nhỏ ở với nhau một chỗ, thân thiết nhau là lẽ thường, nhưng bây giờ khôn lớn, đã hiểu việc đời, cũng nên phân biệt mới đúng là thân phận người con gái, mới xứng với lòng yêu thương của ta. Nếu bụng nó có ý nghĩ gì khác thì còn ra người thế nào nữa? Có phải là ta đã hoài công thương nó không?»… «Nhà chúng ta đây, việc khác cố nhiên không có, còn cái thứ tâm bệnh ấy lại càng không thể có. Con Lâm nếu mắc bệnh khác thì mất bao nhiêu tiền ta cũng bằng lòng, nhưng nếu là bệnh ấy thì chẳng những không chữa được mà ta cũng chẳng thương».
Căn bệnh của Đại Ngọc là căn bệnh của những nghịch tử mà giai cấp thống trị phong kiến cần phải tiêu diệt để tránh mầm mống hậu hoạ về sau. Một gia đình đại quý tộc thống trị như nhà họ Giả không thế chấp nhận dung dưỡng trong lòng mình một tâm hồn tự do «nhiều sầu nhiều bệnh» như Lâm Đại Ngọc được. Giả Mẫu từng rất yêu thương Đại Ngọc nhưng tình máu mủ cũng không làm bà cảm thông cho tư tưởng tự do của cô cháu ngoại nhỏ bé tội nghiệp, nên trong cuộc xung đột ấy bà đã đứng hẳn về phía Tiết Bảo Thoa vì quyền lợi và tương lai của giai cấp, của gia đình mình.
Thậm chí, đến khi Đại Ngọc không còn trên cõi đời, Giả Mẫu vẫn không thôi nói về sự khác biệt tư tưởng giữa nàng và Tiết Bảo Thoa «Nhưng tôi xem con Bảo không phải là đứa hay nghĩ ngợi, chứ tính khí như con cháu ngoại nhà tôi thì khác hẳn, nên nó không thọ» (hồi 98).
Giả Mẫu và Bảo Ngọc, hai thế hệ, hai tâm hồn với tư tưởng khác nhau nên có những nhận xét khác nhau về cùng một con người và cùng một sự việc. Mỗi người đứng về một phe khác nhau. Nhưng tựu trung qua những lời nhận xét của họ mà người đọc nhận thấy rõ lập trường tư tưởng của Đại Ngọc và Bảo Thoa một cách khách quan và chân thật. Từ đó làm nổi bật lên những xung đột tư tưởng giữa hai người con gái quý tộc tài hoa này.
Qua lời nhận xét của một số nhân vật khác, tác giả đã miêu tả rõ nét những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa. Đó là cách miêu tả gián tiếp nên đem đến cho người đọc một sự cảm nhận tự nhiên không gò ép. Đây cũng là biện pháp mà tác giả thường sử dụng trong Hồng lâu mộng, miêu tả một nhân vật qua lời một nhân vật khác.
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng một biện pháp cổ điển nhưng cũng khá độc đáo khác là dùng thơ để thể hiện cái chí hướng, tâm tư, tình cảm, ước vọng của mỗi người rồi từ đó gợi ra những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa này.
2.4 NHỮNG BÀI THƠ BỘC LỘ XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa đều có tài thơ, họ thường làm thơ và luôn có những bài thơ chan chứa ý tình hơn hẳn mọi người. Tuy nhiên do tư tưởng khác nhau nên Đại Ngọc và Bảo Thoa cũng có quan niệm về thơ rất khác nhau. Cổ nhân vẫn thường nói «thi dĩ ngôn chí», thơ văn bao giờ cũng mang cái tư tưởng của con người, thế nên qua những bài thơ họ làm ta sẽ nhận ra được sự khác biệt, thậm chí đối lập về tư tưởng giữa họ.
Đại Ngọc, người thiếu nữ ấp ủ trong lòng tư tưởng tự do dân chủ, nên có những quan niệm hết sức phóng khoáng về thơ. Đại Ngọc rất yêu thích thơ của Đỗ Phủ, nàng đã từng nói với Hương Lăng rằng muốn học làm thơ thì trước hết phải đọc thơ Đỗ Phủ. Đỗ Phủ là một cây đại thụ của Đường thi, bên cạnh đó Đỗ Phủ còn là một nhà thơ mang đậm tư tưởng tự do dân chủ. Thơ Đỗ Phủ bàng bạc một cái tôi tự do phóng khoáng nên giai cấp thống trị rất «kiêng dè» trước một số bài thơ của ông. Thế mà, một nữ quý tộc đài các như Đại Ngọc lại ái mộ thơ Đỗ Phủ. Điều đó phải chăng là «đồng bệnh tương liên»? Bởi Đại Ngọc cũng chán ghét cái xã hội bức bách tù túng và muốn thoát ra, muốn bay cao lên cùng lý tưởng của mình. Thơ của Đại Ngọc luôn chú trọng tái hiện cuộc sống một cách có nghệ thuật và đặc biệt là luôn có những sáng tạo, phá cách tạo nên những «trúc trắc» đầy bất ngờ.
Bảo Thoa cũng có những quan niệm riêng trong việc sáng tác thơ. Bảo Thoa luôn chú trọng biện pháp nghệ thuật mà các nhà thơ xưa đã sử dụng tiêu biểu là «mượn vật ngụ tình», nàng cho rằng thơ không phải cứ đi theo cuộc sống là được mà quan trọng là phải biết thông qua «vịnh vật» để «tả tình», phong cách thơ của Bảo Thoa rất gần với thi ca cổ điển.
Người ta vẫn nói qua những bài thơ, người đọc có thể đánh giá được tư tưởng, tình cảm cũng như tài năng của người làm bài thơ đó. Và tất nhiên, đối với Đại Ngọc và Bảo Thoa vẫn không ngoại lệ. Hồi 18, Nguyên Phi về thăm nhà, tại Đại Quan viên lộng lẫy xa hoa, Đại Ngọc và Bảo Thoa đã có cơ hội múa bút. Bảo Thoa đã viết:
Biển đề NGƯNG HUY CHUNG THỤY
Vườn hoa xây cạnh đế thành
Một vùng trời đẹp mây lành lạ sao
Rời hang oanh đã đậu cao
Trúc kia đợi phượng múa chào cũng vui
Gió văn thổi lúc ra chơi,
Thăm nhà trọn hiếu dạy người noi theo
Tài tiên cao diệu tuyệt vời,
Thẹn mình còn dám thêm lời nữa sao?
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Tựa đề bài thơ mang một vẻ lộng lẫy «Họp mọi màu sáng và chung đúc điềm tốt lành», tất nhiên rất hợp để tôn vinh địa vị tôn quý của Nguyên phi. Trong thơ của Bảo Thoa có «đế thành», có «oanh đậu cành cao», có «chim phượng đậu cành trúc» đều là những hình ảnh ước lệ quen thuộc của thơ cổ. Hơn thế nữa, Bảo Thoa còn khéo léo ca ngợi sự hiếu thảo và «tài tiên» của Nguyên Xuân. Cô tự nhận phần thua kém về mình «thẹn mình còn dám thêm lời nữa sao», đây là một cách nói hay gặp trong thơ cổ. Bài thơ của Bảo Thoa xét về mặt nghệ thuật thì hay đã đành mà về mặt nội dung cũng rất «trọn vẹn» bởi nó không chỉ ca tụng «bề trên» mà còn thể hiện sự khiêm nhường của tác giả. Chứng tỏ Bảo Thoa là một người rất tôn trọng chuẩn mực, tuân thủ lễ giáo phong kiến và luôn biết người biết ta.
Bài thơ của Đại Ngọc thì khác hẳn. Từ đầu, Đại Ngọc «đã có ý định trổ hết tài thơ để lấn át mọi người». Và khi làm thơ, Đại Ngọc đã thể hiện cái tôi đầy cá tình của mình:
Biển đề THẾ NGOẠI TIÊN NGUYÊN
Dạo chơi người lại thêm vui
Cõi tiên nào phải là nơi bụi hồng!
Đẹp thay mượn cảnh non sông,
Điểm tô cảnh lại lạ lùng đẹp hơn.
Rượu kim cúc ngát mùi hương,
Chào mừng người ngọc ngỡ ngàng hoa tươi.
Mong sao trên đội ơn trời,
Vườn này thường được đón mời xe loan.
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Ngay ở tựa đề cũng đã thể hiện một tư tưởng phóng khoáng, lãng mạn: «Suối cõi tiên ở ngoài cõi trần». Đại Ngọc xem khu vườn Đại Quan xinh đẹp là một chốn đào nguyên xa xăm và hư vô, trong tâm tư nàng dường như mang một ước muốn lánh thế, thoát tục của chủ nghĩa lãng mạn thoát li. Trong thơ nàng cũng sử dụng lặp đi lặp lại hình ảnh của «cõi tiên», «bụi hồng», vẻ đẹp của non sông hoa lá. Đại Ngọc nhắc tới những thú vui rất tài tử như «dạo chơi», «uống rượu», «thưởng hoa». Và đặc biệt nếu Bảo Thoa ca ngợi tính cách hiếu thảo của Nguyên Xuân thì Đại Ngọc lại nhắc đến vẻ đẹp hình thể hoa nhường nguyệt thẹn của «người ngọc» này.Chúng ta đều biết, chữ hiếu là một trong những phẩm chất hàng đầu của con người được đạo đức phong kiến ca ngợi còn sắc đẹp của người phụ nữ là thứ «tai hoạ» mà các nhà Nho bảo thủ phong kiến nghi ngờ, e ngại.
Xem xong hai bài thơ, Nguyên Xuân đã chấm ngay Tiết Bảo Thoa dù thừa nhận Bảo Thoa và Đại Ngọc đều có tài cả. Nguyên Xuân đã tinh ý nhận ra rằng cái tài của Bảo Thoa là cái tài của một đứa con trung thành với chế độ phong kiến; còn cái tài của Đại Ngọc là tài năng của một «con ngựa bất kham». Chế độ phong kiến và giai cấp thống trị không thể dung dưỡng một con người có tư tưởng tự do như Đại Ngọc được mà họ cần một người như Bảo Thoa. Cho nên, Nguyên Xuân đã ngấm ngầm bày tỏ sự chọn lựa của mình qua việc tặng quà cho mọi người: Bảo Ngọc và Bảo Thoa được quà như nhau là một đôi quạt hạng nhất, hai chuỗi hạt châu xạ hương, hai tấm là, một bức mành phù dung. Đại Ngọc thì như Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân một cái quạt và vài hạt châu ( hồi 28).
Hồi 37, Thám Xuân mở Hải Đường thi xã, mọi người làm thơ vịnh hoa hải đường dưới sự chủ trì của Lý Hoàn. Lần này, bài thơ của Bảo Thoa cũng lại đứng ở vị trí cao nhất:
Cửa khép vì hoa khép suốt ngày
Tưới hoa bình nước sẵn cầm tay
Phấn son rửa sạch thềm thu nọ
Băng tuyết vời về mực móc đây
Lạt thếch hoa càng thêm đượm vẻ
Buồn tênh ngọc cũng phải chau mày
Muốn dâng Bạch đế mầu trong trắng
Lẳng lặng chờ đây lúc xế tây.
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Lời thơ hàm súc hồn hậu, và từ bài thơ này người ta dễ dàng tưởng tượng ra phẩm chất đoan trang, cẩn trọng, đôn hậu nhu mì vốn có của Bảo Thoa. Đồng thời bài thơ còn toát lên tư tưởng xử thế với khí chất tiềm tàng, trong ngoài chân chất, lấy thối để tiến của cô. Quả đúng là một bài thơ đậm chất cổ điển.
Còn bài thơ Vịnh hoa hải đường của Đại Ngọc lại tình tứ phong lưu hơn nhiều: Lơ lửng rèm Tương cửa khép hờ
Đất băng chậu ngọc khéo xinh chưa
Lê đầy nhị trắng đành vay ngọt
Mai sẵn hồn thơm cứ mượn bừa
Cõi nguyệt tiên may tay áo trắng
Buồn thu khách gạt hạt châu sa
Ngượng ngùng biết ngỏ cùng ai nhỉ?
Giá lạnh đêm mờ đứng ngẩn ngơ.
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Đại Ngọc đã thổi cả hồn mình vào trong hoa, nên hoa cũng mang đầy tâm sự của nàng. Không chỉ tả hoa mà bài thơ của Đại Ngọc còn ẩn chứa hình ảnh một con người cô độc, âu sầu, ngẩn ngơ đủ mọi xúc cảm vui buồn. Và trong bài thơ này một lần nữa Đại Ngọc nhắc đến cõi tiên. Các nhà thơ lãng mạn khi buồn chán và bế tắc trước cuộc đời thực tại thường mơ về một cõi tiên xa xăm. Nàng Giáng Châu «lấy nước mắt rửa mặt hàng ngày» có lẽ cũng mang một tư tưởng thoát li như thế.
Hồi 38, mọi người trong vườn Đại Quan cùng nhau làm thơ Vịnh Cúc. Một lần nữa Đại Ngọc và Bảo Thoa được dịp trổ tài.
ỨC CÚC (Nhớ cúc)
Ngóng gió tây về luống ngẩn ngơ
Nhìn lau liễu tốt ruột vò tơ
Vườn hoang, giậu vắng thu đâu nhỉ
Trăng lạnh, sương trong mộng thấy chưa ?
Lòng vương vít theo đàn nhạn khuất,
Tai văng vẳng lọt tiếng chày thưa
Thương mình gầy cũng vì hoa đấy
Này tiết tùng dương hãy đợi chờ.
(Bảo Thoa)
( Dịch thơ : nhóm Vũ Bội Hoàng)
HOẠ CÚC (Vẽ cúc)
Thơ rồi lại vẽ thực ngông cuồng
Xanh đỏ lòng sao khéo vấn vương ?
Chụm lá vẩy ra nghìn giọt mực
Trổ hoa nhuộm hẳn mấy hằn sương.
Nhạt nồng vẻ trội hoa vờn gió.
Gân guốc tay đưa thu đượm hương.
Đừng tưởng vườn đông mà hái bậy,
Dáng bình ta thưởng tiết trùng dương.
(Bảo Thoa)
( Dịch thơ : nhóm Vũ Bội Hoàng)
Bảo Thoa vẫn dùng lối «mượn vật ngụ tình» kín đáo. Cô sử dụng những thi liệu quen thuộc của các nhà thơ xưa khi viết về mùa thu như liễu, trăng, sương. Và hình như người đọc bắt gặp một Bảo Thoa sống rất nguyên tắc «thưởng hoa thì phải đợi đến tiết Trùng dương», Bảo Thoa không chỉ là một cô gái trẻ tài hoa mà Bảo Thoa còn hiện lên trong thơ như một nhà Nho phong kiến thực thụ và tài tình.
Đại Ngọc làm thơ cũng khác với mọi người, nàng có phong thái của một nghệ sĩ phóng khoáng, khi mọi người làm thơ thì nàng thản nhiên uống rượu và câu cá để tìm cảm xúc. Thơ Đại Ngọc luôn chú trọng đến cảm xúc và luôn dào dạt ý tình:
VẤN CÚC (Hỏi cúc)
Chẳng biết thu đâu để hỏi chào
Vườn đông lẩm nhẩm chắp tay vào
Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy?
Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?
Vườn móc sân sương buồn kể mấy?
Nhạn về sầu ốm nhớ chăng nào?
Đừng cho không đáng cùng đời truyện,
Biết nói thì đây truyện chút nao.
(Đại Ngọc)
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
CÚC MỘNG (Cúc mơ)
Bên rào say giấc tiết thu trong
Trăng đấy hay mây hãy đợi cùng,
Hoa bướm tiên nào màng Tất lại
Nặng thề bạn nhữ nhớ Đào công.
Mơ màng theo nhạn đàn xao xác
Sửng sốt thương sâu tiếng não nùng,
Tỉnh giấc, nỗi niềm ai đã tỏ?
Cỏ khô khói lạnh ngổn ngang lòng!
(Đại Ngọc)
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Đại Ngọc sử dụng cách nói mới rất khác người, nàng cho rằng không phải những gì người xưa đã từng đề cập đến thì mới đáng được đưa vào thơ, mọi thứ đều có thể là thơ, quan trọng là nhà thơ sử dụng cách nói như thế nào! Hai bài thơ mang sự «ngất ngưởng» của một cái tôi đầy ý thức cá nhân lại manh chút gì của sự bất đắc chí muốn thoát li vào cõi tiên, cõi mộng. Đặc sắc hơn cả là bài Vịnh Cúc:
VỊNH CÚC
Sớm tối ma thơ lẩn quất hoài
Quang rào tựa đá khẽ ngâm chơi
Sương kề ngọn bút thơ giàu tứ,
Trăng rọi trên môi giọng ngát mùi
Mối hận ngấm ngầm để chật giấy,
Lòng thu giải toả biết chăng ai?
Phẩm bình từ lúc nhờ Đào lệnh
Cao tiết nghìn thu rộn khắp nơi.
(Đại Ngọc)
(Dịch thơ : Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Thơ làm mới, tứ lại mới, lắt léo mà không ra vẻ rườm rà. Không chỉ sử dụng thi liệu cũ như trăng, nhạn mà trong thơ Đại Ngọc còn có cả tiên và ma, có nước mắt và nỗi buồn, có sự bâng khuâng và thậm chí là lòng oán hận. Thơ Đại Ngọc không tuân theo khuôn sáo, không bắt chước người xưa mà luôn vùng vẫy sáng tạo với lối nói riêng của mình.
Qua một số bài thơ của Đại Ngọc và Bảo Thoa người đọc có thể nhận rõ tư tưởng khác biệt giữa hai người. Trước đó, các nhà văn nhà thơ vẫn thường mượn thơ để nói lên phẩm chất của con người. Đây là một biện pháp nghệ thuật không mới. Nhưng tác giả Hồng lâu mộng đã vận dụng hết sức sáng tạo và nhuần nhuyễn.
Nếu không là một người tài hoa thì không thể viết được như thế. Bởi làm thơ nói lên tư tưởng của mình thì dễ, còn làm thơ nói lên tư tưởng của người khác rất khó. Tác giả vừa phải làm thơ thể hiện tư tưởng tự do dân chủ của Đại Ngọc, vừa phải làm thơ thể hiện tư tưởng bảo thủ phong kiến của Bảo Thoa; trong cùng một đề tài cùng một hoàn cảnh mà phải phân biệt rạch ròi, không cho phép lẫn lộn.
Cách viết tài hoa ấy đã đem đến cho người đọc một cảm nhận đầy thi vị. Đằng sau những vần thơ mềm mại kia ẩn chứa hai luồng tư tưởng đối lập nhau của hai con người thuộc cùng một giai cấp. Từ đó toát lên những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa một cách gián tiếp, kín đáo nhưng sâu sắc và triệt để.
3. KẾT QUẢ, Ý NGHĨA CỦA NHỮNG XUNG ĐỘT TƯ TƯỞNG GIỮA HAI KIỂU NHÂN VẬT PHỤ NỮ QUÝ TỘC TÀI HOA TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
Có thể nói xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng là những xung đột triệt để và quyết liệt. Từ chỗ tư tưởng đối lập nhau họ đi đến chỗ phủ định nhau và cuối cùng chỉ có một trong hai người tồn tại, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ có một tư tưởng được thừa nhận trong xã hội ấy. Tuy nhiên, xét đến cùng thì sự thắng bại ở đây rất khó phân định, dù nhìn bề ngoài thì có vẻ như tư tưởng bảo thủ phong kiến của Tiết Bảo Thoa đã giành thắng lợi.
Đại Ngọc ấp ôm tư tưởng tự do dân chủ, lúc nào cũng muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình, lúc nào cũng sống hết lòng vì tình yêu tự do. Đại Ngọc dám thẳng thắn phản kháng những lề thói phong kiến đã lỗi thời và lạc hậu bằng một cái tôi tự do dân chủ. Nàng dám nghĩ, dám làm, tính cách quyết liệt, kiêu kì, cô độc chẳng bao giờ chịu hoà nhập vào những thói giả dối xấu xa của những kẻ thống trị. Thế nhưng cuối cùng, Đại Ngọc vẫn không thoát khỏi một kết cục bi thương. Xã hội phong kiến hàng ngàn năm vững bền ấy đã giày vò, đày đoạ nàng không thôi, Đại Ngọc với tư tưởng tự do dân chủ của mình đã phải sống một cuộc sống đầy nước mắt và chết một cái chết thật thương tâm. Đại Ngọc suốt cuộc đời thanh khiết và cao ngạo, không bao giờ chấp nhận ai coi thường mình. Đại Ngọc đã đấu tranh cho tình yêu của mình được sống. Cuối cùng nàng lìa đời trong sự giằng xé thảm thương của tâm hồn nơi quán Tiêu Tương buồn u ám. Đại Ngọc đã ôm mối hận tình một mình và chết đi âm thầm trong khi các bậc bề trên của gia đình họ Giả đang náo nức chuẩn bị lễ cưới cho Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Giai cấp thống trị phong kiến không chấp nhận một người mang tư tưởng tự do như nàng, họ càng không để tâm đến mối tình si tha thiết trong tim nàng. Lúc Đại Ngọc tắt thở là giờ ăn cưới của Bảo Thoa, quán Tiêu Tương cách quá xa phòng tân hôn nên chẳng ai nghe thấy tiếng khóc thê lương đưa tiễn một linh hồn nhỏ bé, tội nghiệp. Ngoài trời chỉ có gió lay cành trúc, trăng xế đầu tường, cảnh tượng thê lương ảm đạm.
Màu đỏ của hỉ phục mà Bảo Thoa đang mặc tưởng như đã đánh dấu thắng lợi huy hoàng của cô trên màu trắng tang tóc mà cuộc đời dành cho Đại Ngọc. Bảo Thoa có được tất cả những gì mình muốn nhưng thật sự cô không hề thắng lợi. Cô được làm mợ Hai nhà họ Giả, nhưng họ Giả đã lâm vào bước đường suy kiệt không gì cứu vãn nổi. Cô lấy được Bảo Ngọc nhưng đêm tân hôn chồng cô lại gọi tên một người con gái khác, cô sống triền miên trong sự bất an của một cuộc hôn nhân không tình yêu thương. Chồng cô thi cử đỗ đạt đúng như cô mong muốn nhưng cuối cùng anh ta cũng bỏ đi vào chốn đại hoang. Tất cả những gì cô có chỉ là phù phiếm. Bảo Thoa chỉ còn một niềm an ủi duy nhất là đứa con trong bụng, đó là cái hy vọng nhỏ nhoi, le lói để khôi phục gia đình họ Giả và duy trì bức tranh phong kiến trong buổi xế tàn.
Cái chết của Đại Ngọc chỉ là sự thất bại tạm thời của tư tưởng tự do dân chủ. Cuộc hôn nhân của Bảo Thoa cũng chỉ là thắng lợi tạm thời của tư tưởng bảo thủ phong kiến mà thôi. Bảo Thoa thắng thế vì sau lưng cô có sự yểm trợ hùng hậu của thế lực thống trị phong kiến. Họ ủng hộ cô vì cô sẽ phục vụ tận tuỵ cho chế độ phong kiến, sẽ phát huy những «khuôn vàng thước ngọc» và nhờ có những người bảo thủ như cô mà luân lý phong kiến mới tiếp tục được duy trì.
Xung đột tư tưởng vẫn chưa kết thúc bởi tư tưởng tự do dân chủ mà Đại Ngọc ấp ủ vẫn còn tiếp tục âm ỉ, nhen nhóm trong lòng xã hội phong kiến suy tàn. Và khi đó giai cấp thống trị bảo thủ phong kiến như Bảo Thoa vẫn còn phải đấu tranh và tìm mọi cách triệt tiêu nó. Nhưng làm sao có thể ngăn lại vòng quay của bánh xe lịch sử khi mà chế độ phong kiến đang đi vào buổi thoái trào. Mặc cho những đứa con trung thành ra sức cứu vãn, tư tưởng bảo thủ phong kiến vẫn không thể mang lại cho chế độ suy tàn một gam màu tươi sáng hơn.
Như vậy có thể thấy xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ xung đột giữa hai cá nhân, hai con người cá biệt mà còn mang một ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Hai kiểu nhân vật đại diện cho hai kiểu người trong cùng một giai cấp nhưng không cùng tư tưởng. Một bên mang tư tưởng tự do dân chủ đang nhen nhóm hình thành còn quá lẻ loi, yếu thế. Một bên mang tư tưởng bảo thủ phong kiến đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm giờ đến lúc rệu rã, lụi tàn. Đứng về phe Đại Ngọc có Bảo Ngọc. Đứng về phe Bảo Thoa có Giả Mẫu, Nguyên Xuân, Vương phu nhân, Phượng Thư, Giả Chính và cả một giai cấp thống trị hùng hậu. Xung đột tư tưởng của hai kiểu nhân vật này không diễn ra đơn độc mà gắn liền với cả một lớp người trong xã hội đương thời. Và tất nhiên trong xã hội ấy không thiếu những xung đột tư tưởng kiểu như thế.
Có thể nói, xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng là xung đột giữa cái mới chưa đủ sức lớn mạnh và cái cũ đang suy tàn nhưng chưa sụp đổ. Điều đó cho thấy rằng, trong buổi thoái trào, xã hội phong kiến không chỉ đầy rẫy những xung đột giữa giai cấp thống trị với giai cấp bị trị mà còn có những xung đột mang tính phân hoá giữa nội bộ giai cấp thống trị với nhau. Giai cấp thống trị đã có những con người tiến bộ và bước đầu đã biết lên tiếng cho quyền tự do, dân chủ của con người sau hàng ngàn năm «khắc kỉ phục lễ» như một cỗ máy.
Tư tưởng tự do dân chủ thất bại là do nó chưa đủ sức lớn mạnh để lay chuyển tư tưởng bảo thủ phong kiến và do chưa có đủ tiền đề xã hội hậu thuẫn. Nhưng nhìn vào bức tranh thảm đạm mà tác giả vẽ ra trong tác phẩm, người đọc có thể dự đoán một ngày tàn không xa của chế độ phong kiến già nua và lạc hậu.
Tóm lại, việc miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa đã góp phần đưa Hồng lâu mộng vượt lên khỏi tầm của một tiểu thuyết tình yêu thông thường, chuyển tải những vấn đề nhức nhối của thời đại. Đó là một tiến bộ mà không phải quyển tiểu thuyết nào cũng có được. Và phần nào cũng nhờ mang «nỗi đau đời» ấy mà Hồng lâu mộng sống mãi cùng thời gian vượt qua mọi biên giới và ngôn ngữ trên quả đất này.
KẾT LUẬN
Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu chúng tôi nhận thấy Hồng lâu mộng đúng là một bức tranh nghệ thuật đặc sắc và đậm tính nhân văn được vẽ nên bởi ngòi bút tài hoa, tinh tế, khéo léo và đầy tâm huyết của tác giả.
Hồng lâu mộng, trước hết là một câu chuyện tình yêu nam nữ. Nhưng đằng sau cái ái tình riêng tư ấy là cả một bức tranh hiện thực vô cùng phong phú với đầy những xung đột và mâu thuẫn. Và một trong những xung đột chính được miêu tả một cách đặc sắc trong tác phẩm là «xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa». Xung đột này đan kết với xung đột của Giả Bảo Ngọc – chàng trai đơn độc chống lại xã hội phong kiến. Xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa không chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân mà còn mang tầm vóc xã hội bởi hai nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa đại diện cho hai kiểu người mang hai kiểu tư tưởng khác nhau trong nội bộ giai cấp quý tộc phong kiến. Và thực tế trong xã hội ấy có khá nhiều con người mang những xung đột tư tưởng như thế – xung đột giữa tư tưởng tự do dân chủ và tư tưởng bảo thủ phong kiến. Vào buổi thoái trào, giai cấp thống trị phong kiến càng siết chặt vòng kềm toả để củng cố địa vị đang lung lay của mình thì những xung đột tư tưởng càng diễn ra quyết liệt hơn.
Để miêu tả những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa, tác giả Hồng lâu mộng đã kết hợp sử dụng một cách khéo léo và nhuần nhuyễn nhiều biện pháp nghệ thuật.
Trong đó đáng chú ý nhất là việc xây dựng hệ thống chi tiết. Tác giả đã cùng một lúc xây dựng các chi tiết tương đồng và tương phản. Các chi tiết tương đồng về thành phần xuất thân, hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, phẩm chất tài hoa hơn người… tạo một cái nền chung cho hai kiểu nhân vật. Và trên cái nền chung đó tác giả lại tiếp tục triển khai các chi tiết tương phản: tương phản trong thái độ đối với công danh khoa cử, sách vở thánh hiền, văn chương lãng mạn, và tình yêu nam nữ tự do, tương phản trong cách đối xử với giai cấp thống trị và tầng lớp bị trị. Thông qua những chi tiết đó người đọc sẽ dần dần nhận rõ xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ này.
Một biện pháp nữa được tác giả sử dụng rất thành công là xây dựng các lớp độc thoại nội tâm và đối thoại của hai nhân vật để làm bộc lộ xung đột tư tưởng giữa họ, bởi vì lời nói là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một con người và thông thường những suy nghĩ cùng với những lời nói sẽ bộc lộ tính phần nào tính cách và tư tưởng của con người ấy.
Để khách quan và thuyết phục hơn, tác giả còn mượn lời nhận xét của các nhận vật khác để miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ. Các nhân vật xung quanh cũng tự chia làm hai phe, mỗi phe ủng hộ tư tưởng của một người. Và thông qua những lời nhận xét của họ mà người đọc nhận ra những xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ quý tộc tài hoa này.
Cuối cùng, không thể không kể đến một biện pháp cổ điển được tác giả vận dụng tài tình là: xây dựng những bài thơ bộc lộ xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa.Vì mỗi bài thơ đều mang tư tưởng của người đã tạo ra chúng. Hai kiểu nhân vật phụ có tài ngâm vịnh nên tác giả đã mượn ngay những bài thơ họ làm để người đọc gián tiếp thấy được những xung đột tư tưởng ngấm ngầm mà quyết liệt giữa họ.
Tất nhiên là vẫn còn một số biện pháp khác được tác giả sử dụng để miêu tả xung đột tư tưởng giữa hai kiểu nhân vật phụ nữ tài hoa trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng. Khám phá hết cái hay cái đẹp của Hồng lâu mộng là ước muốn muôn thuở của những người nghiên cứu chúng tôi. Nhưng do biển học là vô bờ và thời gian thì có hạn nên chúng tôi chỉ tìm được một số nét đặc sắc như thế. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu một cách toàn diện hơn nữa.
Tuy nhiên, qua những vấn đề đã khám phá nghiên cứu chúng tôi vẫn có thể khẳng định rằng tác giả Hồng lâu mộng là một bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả. Và trong bối cảnh xã hội suy tàn thời Mãn Thanh thì những xung đột tư tưởng được miêu tả trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng đã trở thành những bức tranh hiện thực sinh động và đầy chất người, phần nào giúp người đọc cảm nhận được tình hình đất nước và con người Trung Hoa thời ấy.
Tinh hoa nối với tinh hoa đã đưa Hồng lâu mộng vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, tình người nối với tình người đã đưa Hồng lâu mộng đến với mọi trái tim. Hồng lâu mộng hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn mãi là bông hoa thơm ngát, là tia sáng lung linh cuốn hút mọi người khám phá và tìm hiểu vẻ đẹp bất tận của mình.
“
PHỤ LỤC Phác thảo chân dung các nữ nhân vật chính trong Hồng lâu mộng (Hồi 5: có 14 bài thơ đề vịnh và 14 hí khúc miêu tả và dự báo số phận nhân vật nữ chính trong Hồng lâu mộng) 14 BÀI ĐỀ VỊNH NHÂN VẬT CHÍNH Bài 1 đề vịnh Hựu phó sách (Hựu phó sách đề vịnh chi nhất)
Nguyên tác
霁月难逢,彩云易散。
心比天高,身为下贱。
风流灵巧 招人怨。
寿夭多因毁谤生, 多情公子空牵念。 | Phiên âm Hán Việt Tế nguyệt nan phùng, thái vân dị tán. Tâm tỉ thiên cao, thân vi hạ tiện. Phong lưu linh xảo chiêu nhân oán. Thọ yểu đa nhân phỉ báng sinh. Đa tình công tử không khiên niệm. |
Dịch nghĩa Trăng thanh khó gặp, mây rực rỡ dễ tan. Tâm hồn ví trời cao, thân phận thấp hèn. Phong lưu, khéo léo khiến người ghét. Thọ yểu khác nhau đều bị phỉ báng Công tử đa tình chỉ than phiền | Dịch thơ Trăng trong khó gặp, mây đẹp dễ tan Lòng sao cao quý, phận lại đê hèn Tinh khôn, đài các tất người ghen Chịu tiếng ong ve đành tổn thọ Đa tình công tử luống than phiền |
Bài 2 đề vịnh Hựu phó sách (Hựu phó sách đề vịnh chi nhị)
枉自温柔和顺, 空云似桂如兰, 堪羡优伶有福,谁知公子无缘 | Uổng tự ôn nhu hoà thuận. Không vân tự quế như lan. Kham tiện ưu linh hữu phúc Thuỳ tri công tử vô duyên. |
Bản tính dịu dàng, hoà thuận cũng vô ích, Nói rằng như hoa quế, hoa lan cũng như không, Khá khen cho con hát có phúc, Ai biết công tử vô duyên nợ ! | Nhũn nhặn, ôn hoà đều uổng cả, Lan thơm, quế ngát, thừa thôi. Khen cho ưu linh tốt phúc, Ngờ đâu công tử vô duyên |
Bài 1 đề vịnh phó sách (Phó sách đề vịnh chi nhất)
根并荷花一茎香, 平生遭际实堪伤。 自从两地生孤木,致使香魂返故乡。 | Căn tịnh hà hoa nhất hành hương, Bình sinh tao tế thực kham thương, Tự tòng lưỡng địa sinh cô mộc, Trí sử hương hồn phản cố hương. |
Chùm rễ sen gộp sức mọc một nhánh cỏ thơm Đường đời gặp gỡ chịu đau thương Từ lúc cây đơn trồng hai xứ muốn hương hồn trở lại cố hương . | Sen thơm liền gốc nở chùm hoa, Gặp gỡ đường đời thật xót xa, Từ lúc cây trồng hai chỗ đất, Hương hồn trở lại chốn quê nhà. |
Bài 1 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi nhất)
可叹停机德, 堪怜咏絮才。 玉带林中挂,金簪雪里埋 | Khả thán đình cơ đức, Kham liên vịnh nhứ tài. Ngọc đới lâm trung quải, Kim trâm tuyết lý mai. |
Than ôi có đức mà phải dừng khung cửi giữa chừng, Đáng tiếc cái tài ngâm thơ vịnh hoa. Đai ngọc treo giữa rừng, Trâm vàng vùi trong tuyết. | Than ôi có đức dừng thoi, Thương ôi cô gái có tài vịnh bông. Ai treo đai ngọc giữa rừng, Trâm vàng ai đã vùi trong tuyết này. |
Bài 2 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi nhị)
十年来辨是非, 榴花开处照宫闱。 三春争及初春景, 虎兕相逢大梦归。 | Nhị thập niên lai biện thị phi, lựu hoa khai xứ chiếu cung vi. Tam xuân tranh cập sơ xuân cảnh, hổ thố tương phùng đại mộng quy |
Sau hai mươi tuổi đã biết suy xét đúng sai, hoa thạch lựu nở soi nơi cung điện Ba xuân khó tranh cảnh đầu xuân, hùm thỏ gặp nhau giấc mộng lớn kết thúc. | Sau hai mươi tuổi đã trải đời, kìa hoa lựu nở cửa cung soi. Ba xuân nào được bằng xuân mới, thở gặp hùm kia giấc mộng xuôi. |
Bài 3 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi tam)
才自精明志自高, 生于末世运偏消。 清明涕送江边望, 千里东风一梦遥。 | Tài tự tinh minh, chí tự cao, Sinh vu mạt thế vận thiên tiêu. Thanh minh di tống giang biên vọng, Thiên lý đông phong nhất mộng dao. |
Tài thì sáng suốt, chí thì cao, Sinh nhằm lúc thời hết, vận tan. Trời đẹp đi ra bến sông trông ngóng Gió đông ngàn dặm (thổi) giấc mộng đi xa. | Chí cao tài giỏi có ai bì, Gặp lúc nhà suy, vận cũng suy. Nhớ tiếc thanh xuân ra bến khóc, Gió đông nghìn dặm mộng xa đi. |
(Bài 4 đề vịnh Chính sách) Chính sách đề vịnh chi tứ
富贵又何为, 襁褓之间父母违。 展眼吊斜晖, 湘江水逝楚云飞。 | Phú quý hựu hà vi, cưỡng bảo chi gian phụ mẫu vi. Chuyển nhãn điếu tà huy, Tương Giang thuỷ thệ, Sở vân phi. |
Giàu sang thì đã sao, lúc còn trong nôi đã cách biệt cha mẹ. Quay lại nhìn bóng mặt trời chiều mà thương xót, nước sông Tương chảy không trở lại, mây Sở bay đi không về. | Giàu sang cũng thế thôi, từ bé mẹ cha bỏ đi rồi. Nhìn bóng chiều ngậm ngùi, sông Tương nước chảy, mây Sở bay. |
Bài thứ 5 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi ngũ)
欲洁何曾洁, 云空未必空。可怜金玉质, 终陷淖泥中. | Dục khiết hà tằng khiết, Vân không vị tất không. Khả liên kim ngọc chất, chung hãm náo nê trung. |
Muốn giữ mình trong sạch mà chưa trong sạch, nói rằng không chưa hẳn là không. Đáng thương cho tấm thân vàng ngọc, cuối cùng bị vùi lấp trong bùn nhơ. | Muốn sạch mà không sạch, rằng không chửa hẳn không. Thương thay mình vàng ngọc, bùn lầy sa vào trong. |
Bài 6 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi lục)
子系中山狼, 得志便猖狂。 金闺花柳质, 一载赴黄粱。 | Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng. Kim khuê hoa liễu chất, nhất tái phó hoàng lương. |
Giống chó sói núi Trung Sơn, tiện lúc đắc chí càn rỡ ngông cuồng. Tấm thân hoa liễu phòng khuê, Một chuyến đi vào giấc mộng hoàng lương. | Rõ ràng giống sói Trung Sơn, gặp khi đắc ý ngông cuồng lắm thay. Làm cho thân hoa liễu này, hoàng lương giấc mộng mới đầy một năm |
Bài 7 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi thất)
勘破三春景不长, 缁衣顿改昔年妆。 可怜绣户侯门女, 独卧青灯古佛旁。 | Khám phá tam xuân cảnh bất trường, Truy y đốn cải tích niên trang. Khả liên tú hộ hầu môn nữ, Độc ngoạ thanh đăng cổ Phật bà. |
Biết được mùa xuân không thể kéo dài, Áo tu thay thế quần áo năm xưa Đáng thương người con gái quí tộc thêu thùa. Một ngọn đèn xanh ngồi bên cạnh tượng Phật cổ. | Biết rõ ba xuân cảnh chóng già. Thời trang đổi lấy áo cà sa. Thương thay con gái nhà khuê các. Một ngọn đèn xanh cạnh Phật bà. |
Bài 8 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi bát)
凡鸟偏从末世来, 都知爱慕此生才。 一从二令三人木, 哭向金陵事更哀。 | D Phàm điểu thiên tòng mạt thế lai, đô tri ái mộ thử sinh tài. Nhất tòng, nhị lệnh, tam nhân mộc; khốc hướng Kim Lăng sự cánh ai. |
Loài chim bình thường tới lúc hết thời, (ai nấy) đều biết yêu mến cái tài này. Lúc đầu nói gì ai cũng nghe, sau sai khiến được người, cuối cùng bị người bỏ; ngoảnh về Kim Lăng khóc càng buồn thương | Chim phượng kìa sau đến lỗi thời; người người đều yêu mến bậc tài cao. Một theo, hai lệnh, ba thôi cả; nhìn lại Kim Lăng luống ngậm ngùi. |
Bài 9 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi cửu)
势败休云贵, 家亡莫论亲。偶因济刘氏, 巧得遇恩人。 | Thế bại hưu vân quý, gia vong mạc luận thân. Ngẫu nhân tế thôn phụ, xảo đắc ngộ ân nhân. |
Tình thế thất bại đừng nói cao sang, nhà mất đừng nghĩ đến họ hàng thân thuộc. Người đàn bà quê mùa tình cờ cứu giúp, khéo gặp được ân nhân. | Vận suy đừng kể rằng sang, nhà suy chớ kể họ hàng gần xa. Tình cờ cứu giúp người ta, khéo sao Lưu thị lại là ân nhân. |
Bài 10 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi thập)
桃李春风结子完, 到头谁似一盆兰。 冰水好空相妒, 枉与他人作笑谈。 | Đào lý xuân phong kết tử hoàn, đáo đầu thuỳ tự nhất bồn lan. Như băng thuỷ hảo không tương đố, uổng dữ tha nhân tác tiếu đàm. |
Gió xuân hoa đào hoa lê đã kết quả, Rốt cuộc ai như một chậu hoa lan,. Như băng, nước sạch, không ghen ghét; Mặc kệ người đời cứ chê khen . | Gặp xuân đào lý quả muôn vàn, rốt cuộc sao bằng một chậu lan. Nước sạch, băng trong ghen ghét hão, tiếng tăm còn để lại nhân gian. |
Bài 11 đề vịnh Chính sách (Chính sách đề vịnh chi thập nhất)
情天情海幻情身, 情既相逢必主淫。漫言不肖皆荣出, 造衅开端实在宁 | Tình thiên tình hải ảo tình thân, tình ký tương phùng tất chủ dâm. Mạn ngôn bất tiêu giai Vinh xuất, tạo hấn khai đoan thực tại Ninh. |
Trời tình, biển tình, tình thân cũng ảo, Tình gặp nhau ắt sẽ (làm) cho người dâm dục. Lời nói buông tuồng không hẳn phát ra từ phủ Vinh gây hiềm khích, bày đặt chuyện thực tại phủ Ninh . | Trời tình, bể tình là mộng ảo mà tội dâm kia cũng bởi tình. Đầu têu nào phải Vinh hư hỏng, mở lối khơi nguồn thực tại Ninh |
ª
14 bài hí khúc
(Khúc giáo đầu, khúc kết +
Hồng lâu mộng thập nhị khúc
红 楼 梦 十 二 曲
Khúc giáo đầu
Nguyên tác 红楼梦引子 开辟鸿蒙,谁为情种? 都只为风月情浓. 趁着这奈何天, 伤怀日,寂寥时,试遣愚衷。因此上, 演出这怀金悼玉的 “红楼梦” | Phiên âm Hán Việt Hồng lâu mộng dẫn tử Khai tịch hồng mông, thuỳ vi tình chủng? Đô chỉ vị phong nguyệt tình nùng. Sấn khán giá nại hà thiên, thương hoài nhật, tịch liêu thì, thí khiển ngu trung. Nhân thử thượng, diễn xuất giá bi kim điệu ngọc “Hồng lâu mộng” | |
Dịch nghĩa Lời mở đầu Hồng lâu mộng hí khúc Thuở trời đất mịt mùng, ai gieo trồng giống tình ? Đều chỉ vì gió trăng thương yêu nồng nàn. Đuổi theo cõi trời nào, ngày thương nhớ, lúc lặng lẽ, Thử giãi bày tấm lòng si khờ thành thật của tôi. Nhân đây, diễn xuất vở “Hồng lâu mộng” để thương vàng tiếc ngọc. | Dịch thơ Giáo đầu Hồng lâu mộng Mịt mùng khi mới mở toang, giống tình ai đã chịu mang vào mình? Chỉ vì tình lại gặp tình, gió trăng nồng đượm không đành xa nhau. Khi vắng vẻ, lúc buồn rầu, thua trời nên giãi mối sầu thơ ngây. “Mộng hồng lâu” diễn khúc này, Thương vàng tiếc ngọc tỏ bày nỗi riêng. |
Khúc 1
终身误 都道是金玉良姻,俺只念木石前盟。 空对着,山中高士晶莹雪,终不忘, 世外仙姝寂寞林。叹人间,美 中不足今方信。 纵然是齐眉举案,到底意难平 | Chung thân ngộ Đô đạo thị kim ngọc lương nhân,yêm chỉ niệm mộc thạch tiền minh. Không đối trước, sơn trung cao sĩ tinh oánh tuyết, chung thân bất vong, thế ngoại tiên xu, tịch mịch lâm. Thán nhân gian, mỹ trung bất túc kim phương tín. Túng nhiên thị tề mi cử án, đáo để ý nan bình. |
Suốt đời lầm lẫn Người ta đều nói vàng-ngọc là cuộc hôn nhân tốt; ta đây chỉ nhớ lời thề cây-đá lúc xưa. Khoảng không trước mặt; người cao sĩ trong núi tuyết, ngọc sáng trong; cả đời không quên, nàng tiên xinh đẹp ngoài cõi đời, trong rừng tịch mịch. Than thở (với) cuộc đời, đến nay mới tin trong cái đẹp không hề đủ. Mặc cho như án đặt ngang mày, tận đáy lòng ý nghĩ (vẫn) khó bình lặng. | Lầm lỡ suốt đời Ai rằng vàng ngọc duyên ưa, Ta quên cây đá thề xưa được nào. Trơ trơ rừng tuyết trên cao, Ngoài đời rừng vắng khuây sao được nàng. Cuộc đời ngán nỗi tang thương. Đẹp không hoàn đẹp lời càng đúng thay. Dù cho án đặt ngang mày, Cuối cùng vẫn thấy lòng này băn khoăn. |
Khúc 2
枉凝眉 一个是阆苑仙葩,一个是美玉无瑕 若说没奇缘,今生偏又遇着他, 若说有奇缘,如何心事终虚化 ? 一个枉自嗟呀,一个空劳牵挂。 一个是水中月,一个是镜中花。想眼中能有多少泪珠儿, 怎经得秋流到冬尽,春流到 夏! | Uổng ngưng mi Nhân cá thị lãng uyển tiên ba, nhất cá thị mỹ ngọc vô hà. Nhược thuyết một kỳ duyên, kim sinh thiên hựu ngộ khán tha. Nhược thuyết một kỳ duyên, như hà tâm sự chung hư hoá ? Nhất cá uổng tự ta nha, nhất cá không lao khiên quải. Nhất cá thị thuỷ trung nguyệt, nhất cá thị kính trung hoa, tương nhãn trung năng hữu đa thiểu lệ châu nhi. Chẩm cẩm đắc thu lưu đáo đông tận, xuân lưu đáo hạ. |
Chau mày oan ức Một bên là hoa trong vườn thần tiên, một bên là ngọc quý không tì vết. Bảo rằng không có mối duyên lạ, sao kiếp này tình cờ gặp gỡ người ấy ? Bảo rằng có mối duyên lạ, sao cuối cùng lại nói lời thay đổi, giả dối ? Một bên uổng công than thở một mình, một bên làm những việc rắc rối hư không. Một bên là trăng trong nước, một bên là hoa trong gương. Trong mắt có được bao nhiêu giọt lệ (Làm) sao chảy được từ mùa thu đến hết mùa đông, từ mùa xuân đến mùa hạ ? | Hoài công biết nhau Một bên hoa nở vườn tiên, một bên ngọc đẹp không hoen ố màu. Bảo rằng chẳng có duyên đâu, thì sao lại đuợc gặp nhau kiếp này. Bảo rằng sẵn có duyên may, thì sao lại đổi lại thay lời nguyền. Một bên ngầm ngấm than phiền, một bên đeo đuổi hão huyền uổng công. Một bên trăng rọi bên sông, một bên hoa nở bóng lồng trong gương. Mắt này có mấy giọt sương, mà dòng chảy suốt năm trường được chăng ? |
Khúc 3
恨无常 喜荣华正好,恨无常又到。 眼睁睁,把万事全抛。 荡悠悠,把芳魂消耗。 望家乡,路远山高。 故向爹娘 梦里相寻告: 儿命已入黄泉,天伦呵, 须要退步抽身早! | Hận vô thường Hỉ vinh hoa chính hảo, hận vô thường hựu đáo Nhãn tĩnh tĩnh, bả vạn sự toàn phao. Đãng du du, bả phương hồn tiêu hao. Vọng gia hương, lộ viễn sơn cao Cố hương ta nương mộng lý tương tầm cáo: Nhi mệnh dĩ nhập hoàng tuyền, thiên luân a, Tu yếu thoái bộ trừu thân cảo. |
Oán hận sự đời đổi thay Đang giữa lúc vui vẻ tốt đẹp,nỗi oán giận sự đổi thay lại đến. Mắt trợn trừng, mọi việc đã xong. Hồn thơm tan không hết dằng dặc đu đưa. Trông ngóng quê nhà, đường xa núi cao. Tìm về cha mẹ, trong giấc mộng tìm bảo rằng: Mạng con đã nhập vào suối vàng, chết non, Nên lùi bước, rút lui sớm. | Bực tức cuộc đổi thay Đương vui đã chợt buồn ngay, Chợt nhìn mọi việc thôi rày bỏ qua. Hồn thơm dằng dặc bay xa, Non cao trời rộng đây là quê hương, Tìm nơi báo mộng gia nương Suối vàng con đã lỡ đường thần hôn, Mau mau lùi bước là hơn. |
Khúc 4
分骨肉 一 帆 风 雨路三千, 把骨肉家园齐来抛闪。 恐哭损 年,告爹娘,休把儿悬念。 自古穷通皆有定,离合岂无缘 ? 从今分两地,各自保平安。奴去也,莫牵 连。 | Phân cốt nhục Nhất phàm phong vũ lộ tam thiên, bả cốt nhục gia viên tề lai phao thiểm. Khủng khốc tổn tàn niên, cáo ta nương hưu bả nhi huyền niệm. Tự cổ cùng thông giai hữu định, ly hợp khởi vô duyên Tòng kim phân lưỡng địa, các tự bảo bình an. Nô khứ dã, mạc khiên liên. | ||
Thân thích phân ly Một cánh buồm trên đường mưa gió ba ngàn (dặm) đem người thân vườn nhà đều bỏ lại. Sợ hãi khóc cả năm, xin cha mẹ đừng thương nhớ Từ xưa khốn quẫn hay may mắn đã sắp đặt sẵn rồi, chia ly, sum họp lẽ nào không có duyên cớ ? Từ nay chia cách hai nơi, tự mình giữ lấy bình yên. Vậy con đi, (xin) chớ lo phiền . | Cốt nhục phân ly Đường xa mưa gió một chèo, Cửa nhà, ruột thịt thôi đều bỏ qua. Con đành lỗi với mẹ cha, Khóc thương chỉ thiệt thân già đấy thôi, Cùng thông số đã định rồi, Hợp tan âu cũng duyên trời chi đây? Phân làm hai ngả từ đây, Dám mong giữ được những ngày bình yên. Con đi, xin chớ lo phiền | ||
Khúc 5
乐中悲 襁褓中,父母叹双亡。 纵居那绮罗丛,谁知娇 养? 幸生来,英豪阔大宽宏量, 从未将儿女私情,略萦心上。 好一似,霁月光风耀玉堂。 厮配得才貌仙郎,博得个地久天长, 准折得幼年时坎坷形状。 终久是云散高唐,水涸湘江。 这是尘寰中消长数应当,何必枉悲伤! | Lạc trung bi Cưỡng bảo trung, phụ mẫu thán song vong. Tung cư na ỷ la tùng, thuỳ tri kiều dưỡng? Hạnh sinh lai, anh hào khoát đại khoan hoành lượng. Tòng vị thương nhi nữ tư tình, lược oanh tâm thượng. Hảo nhất tự, tế nguyệt quang phong diệu ngọc đường. Tư phối đắc tài mạo tiên lang, bác đắc cá địa cửu thiên trường. Chuẩn chiết đắc ấu niên thời khảm khá hình trạng.. Chung cửu thị vân tán cao đường, thuỷ hạc Tương Giang. Giá thị trần hoàn trung tiêu trường sổ ưng đương, hà tất uổng bi thương ? | ||
Buồn trong cảnh vui Cha mẹ đều đã chết từ lúc (con) còn trong nôi. Dù rằng ở nơi lụa là, ai người yêu thương nuôi nấng ? May được sinh thành, anh hào mang tính phóng khoáng đaị lượng, Từ đó, tình riêng chưa vướng bận trong tâm Con một được cưng chiều, trăng trong nắng gió soi nhà ngọc. Chàng tiên mong được (sống cùng) với trời đất lâu dài. Đã chịu thời niên thiếu gian nan, Cuối cùng thì mây tan quê cũ, nước cạn dòng Tương Cõi trần số phận cũng phôi pha, cớ gì mà phải bi thương ?! | Buồn trong cảnh vui Mồ côi từ lúc lọt lòng, Dù nơi khuê các, chớ hòng ai thương. Anh hào được tính hiên ngang, Tình riêng nhi nữ chưa vương vít lòng. Thân này trăng sáng gió trong, Chàng tiên mong được sánh cùng lứa đôi.Những mong trời đất lâu dài, Bõ khi trẻ lại gặp thời gian nan. Ngờ đâu nước cạn mây tan, Tương Giang lạnh ngắt, cao đường vắng tanh.Trần hoàn may rủi đã đành, Việc gì khóc quẩn lo quanh một mình ?!. | ||
Khúc 6
世难容 气质美如兰, 才华阜比仙。 天生成孤癖人皆罕。 你道是啖肉食腥膻, 视绮罗俗厌, 却不知太高人愈妒,过洁世同嫌。 可叹这,青灯古殿人将老,辜负了, 红粉朱楼春色阑。 到头来,依旧是风尘肮脏违心愿 好一似,无瑕白玉遭泥陷,又何须,王孙公子叹无缘。 | Thế nan dung Khí chất mỹ như lan, tài hoa phụ bỉ tiên. Thiên sinh thành cô tích nhân giai hãn. Nhĩ đạo thị đạm nhục thực tinh thiên, Thị ỷ la tục yếm, khước bất tri thái cao nhân dũ đố, quá khiết thế đồng hiềm. Khả thán giá, thanh đăng cổ điện nhân thương lão, cô phụ liễu, hồng phấn chu lâu xuân sắc lan. Đáo đầu lai, y cựu thị phong trần khảng tảng vi tâm nguyện. Hảo nhất tự, vô hà bạch ngọc tao nê hãm, hựu hà tu, vương tôn công tử thán vô duyên. |
O
Đời không ưa Phẩm chất đẹp như hoa lan, tài hoa lớn như tiên Người cô độc bẩm sinh thật hiếm. Anh nói rằng ăn thịt sống hôi tanh. Xem lụa gấm là thô tục, chối từ (mà) không biết rằng cao nhân bị người ghét, trong sáng bị người xung quanh bực mình. Đáng thương, đèn xanh điện cổ, người càng già, phụ lòng rồi, phấn hồng lầu đỏ nhan sắc đều tàn. Đã đến rồi, vẫn là dơ dáy phong trần trái với tâm nguyện. Com một cưng, ngọc trắng không vết rớt xuống bùn, làm sao chùi ? Thật buồn cho vương tôn công tử vô duyên . | Đời không ưa Lan ví chất, tiên ví tài Chỉ hiềm cô tịch, tính trời bẩm sinh. Cho là ăn thịt hôi tanh Lụa the, là lượt coi khinh không thèm. Biết đâu cao quá đời ghen, Biết đâu sạch quá đời khen da mà. Đèn xanh, đền cổ, người già Uổng công trang điểm, xuân đà kém xuân. Ngán cho cái kiếp phong trần , Sau này cũng lại xấu dần mãi đi Ngọc kia bùn trét đen sì, Vương tôn công tử còn gì là duyên. |
Khúc 7
喜冤家 中山狼,无情兽,全不念当日根由。 一味的 骄奢淫荡贪还构。 觑着那,侯门艳质同蒲柳,作践的,公府千金似下流。 叹芳魂艳魄,一载荡悠悠。 | Hỉ oan gia Trung sơn lang, vô tính thú, toàn bất niệm đương nhật căn do. Nhất vị đích kiều xa dâm đãng tham hoan cấu. Thứ trước na, hầu môn diễm chất đồng bồ liễu, tác tiện đích, công phủ thiên kim tự hạ lưu. Thán phương hồn diễm phách, nhất tái đãng du du. |
Mừng lầm oan gia Giống sói Trung Sơn, loài thú vô tình, ngày ấy chẳng ai nghĩ đến nguồn cội. Chỉ một thích xa xỉ, dâm đãng tham lam gây nên. Hãy nhìn xem, nhà công hầu toàn thân gái đẹp thơ ngây, chà đạp lên, ngàn vàng quí tộc như hạ lưu. Hỡi vía đẹp hồn thơm, hãy đi du ngoạn một phen. | Gặp oan gia không đáng lại mừng Người đâu hung ác lạ lùng, Khác gì giống sói ở vùng Trung San. Bấy lâu tình ái quên tràn, Kiêu dâm chỉ việc mê man tháng ngày. Cửa hầu bồ liễu thơ ngây, Thân ngàn vàng nỡ đọa đày cho đang. Một năm duyên đã bẻ bàng, Hồn thơm phách đẹp suối vàng rong chơi. |
Khúc 8
虚花悟 将那三春看破,桃红柳绿待如何? 把这韶 华打灭,觅那清淡天和。 说什么,天上夭桃盛,云中杏蕊多。 到头来,谁把秋捱过 ? 则看那,白杨村里人呜咽,青枫林下吟哦 更兼着,连天衰草遮坟墓。 这的是,昨贫今富人劳碌, 春荣秋谢花折磨。 似这 般, 生关死劫谁能躲 ?闻说 道,西方宝树唤婆娑,上结着长生果 | Hư hoa ngộ Tương na tam xuân khán phá, đào hồng liễu lục đãi như hà ? Bả giá thiều hoa đả diệt, mịch na thanh đạm thiên hoà. Thuyết thậm ma thiên thượng yêu đào thịnh, vân trung hạnh nhị đa. Đáo đầu lai, thuỳ bả thu nhai quá ? Tắc khán na, bạch dương thôn lý nhân minh yết, thanh phong lâm hạ ngâm nga. Canh kiêm khán, liên thiên suy thảo già phần mộ. Giá đích thị, tác bần kim phú nhân lao lụu. Xuân vinh thu tạ hoa chiết ma. Tự giá bàn, sinh quan tử kiếp, thuỳ năng đoá ? Văn thuyết đạo, tây phương bảo thụ hoán sa bà, thượng kết trường sinh quả. | ||
Biết tuổi hoa là không đúng Sắp thấy rõ mùa xuân rồi, đào hồng liễu xanh hãy đợi chờ. Vứt bỏ hết cảnh hoa đẹp, tìm nơi trời đất thanh đạm. Kể chi đào non nở rộ trên trời, trong mây nhị hoa hạnh nở nhiều. Rốt cùng, ai đã kéo mùa thu đến mau. Thử coi xem, trong xóm bạch dương có người kêu khóc . Rừng phong xanh xuống ngâm nga Đêm thấy cảnh cỏ gai ngút trời che phầm mộ. Đây chính là, đã nghèo nay người chịu lao lực. Xuân tốt tươi, thu đến hoa héo dập vùi. Như sự quẩn quanh, sống hết chết cướp đi, ai trốn được ? Nghe nói rằng, cõi Tây phương có nơi gọi là Bà sa, có cây quí sau kết quả tên là “trường sinh”. | Biết tuổi hoa là không thật Cảnh xuân nhìn đã rõ rồi, Liễu xanh, đào thắm hãy ngồi xem sao. Thiều hoa đuổi sạch đi nào, Tìm nơi nhã đạm thanh cao khác đời. Kể chi nhị đào nở trên trời, Kể chi nhị hạnh lựng mùi trong mây ? Rốt cùng nào có ai hay Tiết thu đâu đã kéo ngay đến rồi. Xóm dương than khóc tiếng người Rừng phong vẳng tiếng ma ngồi ngâm nga. Lại còn cảnh khác bày ra, Ngút trời cỏ héo che qua nấm mồ. Đó là biến đổi lắm trò, Trước nghèo sau có chăm lo suốt đời. Dày vò hoa cũng thế thôi, Xuân mời hoa đến thu mời hoa đi. Tử sinh lẽ ấy đem suy, Dù ai muốn trốn, trốn chi được mà. Phương Tây có cõi Bà Sa, Nghe đồn có quả tên là Trường Sinh. | ||
Khúc 9
聪明累 机关算尽太聪明, 反算了卿卿性命。 生前心已碎, 死后性空灵。 家富宁,终有个家亡人散 各奔腾。 枉费了, 意悬悬半世心, 好一似,荡悠悠三更梦。 忽喇喇似大厦倾,昏惨惨似灯将尽 呀!一场欢喜忽悲辛。叹 人世,终难定! | Thông minh luỵ Cơ quan toán tận thái thông minh, phản toán liễu khanh khanh tính mệnh. Sinh tiền tâm dĩ toái, tử hậu tính không linh. Gia phú nhân ninh, chung hữu cá gia vong nhân tản, các bôn đằng. Uổng phí liễu ý huyền huyền bán thế tâm. Hảo nhất tự, đãng du du tam canh mộng. Hốt lạt lạt tự đại hạ khuynh, hôn thảm thảm tự đăng tương tận. Nha! Nhất trường hoan hỉ hốt bi hạnh Thán nhân thế, chung nan định! |
O
Nỗi khổ nhọc bởi thông minh Tính toán hết rồi, thông minh quá thì bị phản lại. Cuộc sống đã nghĩ nát ruột, chết rồi tiếng khôn rỗng tuếch. Nhà giàu người an khang, cuối cùng một nhà tan, người mất, kẻ bỏ chạy nhanh. Uổng phí tâm trí nửa đời hồ đồ, Đúng là giấc mộng suốt ba canh lo lắng. Bỗng kèn thổi như ngôi nhà lớn nghiêng đổ, Tối thảm đạm như đèn cạn dầu. A ha, một cảnh sân khấu đời hoan hỉ bỗng buồn vui Ôi đời người, khó biết biết hồi kết cục ra sao ! | Mắc lụy bởi thông minh Việc đời tính rất thông minh, Còn mình,mình tính phận mình vẫn sai. Sống lần ruột đã nát rồi Chết mang tiếng hão là người tinh ranh. Trước kia giàu có khang ninh, Bây giờ cơ nghiệp tan tành khắp nơi. Uổng công áy náy nửa đời, Khác gì một giấc mộng dài thâu canh. Ầm ầm như sấm đổ đình Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu. Vừa vui vẻ, đã âu sầu, Đời người biến đổi biết đâu mà lường. |
Khúc 10
留余庆 留余庆,留余庆,忽遇恩人, 幸娘亲,幸娘亲,积得阴功。 劝人生,济困扶穷, 休似俺那爱银钱忘骨肉的狠舅奸兄!正是乘除加减,上有苍穹。 | Lưu dư khánh Lưu dư khánh, lưu dư khánh, hốt ngộ ân nhân. Hạnh nương thân, tích đắc âm công. Khuyến nhân sinh, tế khốn phù cùng. Hưu tự yêm na ái ngân tiền vong cốt nhục đích ngoan cữu gian huynh! Chính thị thừa trừ gia giảm, thượng hữu thương khung. |
O
Phúc thừa sót lại Phúc thừa còn sót, bỗng gặp ân nhân May có chỗ nương thân, giữ được phúc sau khi chết. Khuyên người đời giúp kẻ khốn, đỡ người cùng Đừng như ta đây yêu tiền, anh gian cậu ác bán người thân ! Chính là luật bù trừ, trên đầu còn có trời xanh. | Phúc thừa sót May sao gặp được ân nhân Là nhờ dư phúc nương thân đó mà. Âm công vun lấy phúc nhà Hết lòng cứu giúp người ta khi nghèo. Anh gian, cậu ác chớ theo Nhãng tình máu mủ chỉ yêu bạc tiền. Có trời báo ứng ở trên. |
Khúc 11
晚韶华 镜里恩情,更那堪梦里功名! 那美韶华去之何迅! 再休提锈帐鸳衾。 只这带珠冠,披凤袄,也抵不了无常性命。 虽说是,人生莫受老来贫,也须要阴骘积儿孙。 气昂昂头戴簪缨,气昂昂头戴簪缨,光灿灿胸悬金印 威赫赫爵禄高登,威赫赫爵禄高登,昏惨惨黄泉路近问古来将 相可还存 ? 也只是虚名儿与后人钦敬 | Vãn thiều hoa Cảnh lý ân tình, canh na kham mộng lý công danh! Na mỹ thiều hoa khứ chi hà tấn ! Tái hưu đề tú trướng uyên khâm. Chỉ giá đới châu quan, phi phụng áo, dã để bất liễu vô thường tính mệnh. Tuy thuyết thị, nhân sinh mạc thụ lão lai bần, dã tu yêu âm chất tích nhi tôn. Khí ngang ngang, đầu đới trâm anh quang xán xán, hung huyền kim ấn. Uy hách hách, tước lộc cao đăng, hôn thảm thảm, hoàng tuyền lộ cận. Vấn cổ lai tương tướng khả hoàn tồn ? Dã chỉ thị hư danh nhi hậu nhân khâm kính. | |
Cảnh xuân về cuối Ân tình trong gương, trải qua sao được công danh trong mộng ! Cảnh hoa đẹp sao trôi đi nhanh thế ! Lại bỏ qua thêu chăn uyên màn gấm. chỉ mũ châu, áo phượng sao chống lại tính mệnh vô thường. Tuy nói rằng, người ta không chịu già vẫn nghèo, cũng nên tu lấy âm đức cho con cháu về sau. Tính ngang tàng đầu đội trâm ngọc sáng lấp lánh, ngực đeo ấn vàng. Uy quyền hống hách, tước lộc cao sang, trời tối sầm đường xuống suối vàng kề bên Hỏi xưa nay khanh tướng có còn ai ? Cũng chỉ là cái hư danh vậy đời sau kính trọng. | Cảnh xuân về cuối Còn gì ân ái trong gương Còn gì giấc mộng trên đường công danh. Cảnh thiều hoa đi sao nhanh, Chăn uyên màn gấm thôi đành bỏ qua. Mũ châu áo phượng thướt tha, Chống làm sao nổi vận nhà bấp bênh. Già, nghèo khó chịu đã đành, Cũng nên tích đức để dành về sau. Ngông nghênh trâm ngọc trên đầu Ấn vàng trước ngực muôn màu sáng trưng. Uy quyền lộc vị lẫy lừng, Suối vàng buồn thảm đường chừng gần thôi. Xưa nay khanh tướng còn ai, Hoạ còn tiếng hão cho đời ngợi khen. |
Khúc 12
好事终 画梁春尽,落香尘。 擅风情,秉月貌,便是败家的根本。 箕裘颓堕皆从敬,家事消亡首罪宁。 宿孽总因 情。 | Hảo sự chung Hoạ lương xuân tận lạc hương trần. Thiện phong tình, bỉnh nguyệt mạo, tiện thị bại gia đích căn bản. Cơ cừu đồi đoạ giai tòng Kính, gia sự tiêu vong thủ tội Ninh. Túc nghiệt tổng nhân tình. |
Việc hay chấm dứt Hoa văn mùa xuân tàn, rụng bụi hương Gây việc trai gái, giữ vẻ trăng, muốn yên là nguyên nhân căn bản khiến bại gia. Áo cừu rách mướp đều do Kính, việc nhà tiêu vong là tội Ninh. Gây nghiệt đều vì tình | Việc hay chấm dứt Xuân đi hương vẫn còn tươi, Nguyệt hoa gây vạ suy đồi vì ai? Nhà suy bởi tại Kính rồi Nhà tan truớc hết tội thời tại Ninh. Gây nên oan trái vì tình. |
Khúc kết
收尾。飞鸟各投林 为官的,家业凋零,富贵的,金银散尽, 有恩的,死里逃生,无情的,分明报应。 欠命的,命已还,欠泪的, 泪已尽。 冤冤相报实非轻,分离聚合皆前定。 知命短问前生,老来富贵也真侥幸。 看破的,遁入空门,痴迷的,枉送了性命。 好一似食尽鸟投林,落了片白茫茫大地真干净 | Thu vĩ. Phi điểu các đầu lâm Vi quan đích, gia nghiệp điêu linh, phú quý đích, kim ngân táng tận, hữu ân đích, tử lý đào sinh, vô tình đích, phân minh báo ứng. Khiếm mệnh đích, mệnh dĩ hoàn, khiếm lệ đích, lệ dĩ tận. Oan oan tương báo thực phi khinh, phân ly tụ hợp giai tiền định. Tri mệnh đoản vấn tiền sinh, lão lai phú quý dã chân nghiêu hạnh. Khán phá đích, độn nhập không môn, si mê đích, uổng tống liễu tính mệnh. Hảo nhất tự, thực tận điểu đầu lâm, lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân can tịnh. |
O
Gác bút. Chim bay tất cả về rừng Làm quan thì gia nghiệp điêu tàn, giàu có thì tiền bạc cạn hết; Có ơn thì trong cái chết sinh ra sự sống, vô tình thì báo ứng phân minh. Nợ số mệnh thì vận mệnh trở lại, nợ nước mắt thì lệ chảy cạn. Oán lại báo oán thực không nhẹ, chia ly gặp gỡ đều định trước. Biết mệnh ngắn hỏi kiếp trước, tuổi già giàu có thật là may mắn. Nhìn rõ thì vào được nơi cửa Phật, si mê thì uổng phí cả tính mệnh. Có thể nói rằng, hết lộc chim bay về rừng, nơi đất rộng man mác một màu yên tĩnh. | Chim bay về rừng Quan thì cơ nghiệp suy tàn, Giàu thì vàng bạc cũng ta hết rồi. Có ơn, chết để trốn đời Rành rành báo ứng những ai phụ lòng. Mạng đền mạng đã trả xong. Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi. Oan oan đừng lấy làm chơi Hợp tan đã trốn được trời hay chưa? Gian nan là bởi kiếp xưa Già mà phú quý là nhờ vận may. Khôn thì vào cửa không này Dại thì tính mệnh có ngày mất toi. Như chim khi đã mệt rồi. Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành |
終
Chép nguyên tác Hán văn, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa:
Phùng Hoài Ngọc, Nguyễn Hoàn Anh
Phần dịch thơ: Rút trong bản Hồng lâu mộng,
nhóm ba dịch giả Nxb Văn học, Hà Nội, 1996
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lâm Ngữ Đường. Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa. 1994. Hà Nội. NXB Văn Hóa.
Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Thị Diệu Linh. 2006. Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường – Tào Tuyết Cần. Hà Nội. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
Lê Tiến Dũng. 1998. Giáo trình lý luận văn học phần tác phẩm văn học. Hà Nội. NXB Giáo dục.
Lỗ Tấn. 1996. Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Hà Nội. NXB Văn hóa.
Lương Duy Thứ. 2002. Bài giảng văn học Trung Quốc.Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
Phan Thanh Anh. 2006. 60 cuốn sách nên đọc. Hà Nội. NXB Hà Nội.
Phùng Hoài Ngọc. 2005. Đề cương Văn học Trung Quốc. Đại Học An Giang,
Phùng Hoài Ngọc. 2008. Thi ca từ Trung Hoa. Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý. 2001. Lịch sử Trung Quốc. Hà Nội. NXB Giáo dục.
Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ. 1998. Văn học Trung Quốc (tập 2). Hà Nội. NXB Giáo dục.
Nguyễn Khắc Phi, Lưu Đức Trung, Trần Lê Bảo. 2002. Lịch sử văn học Trung Quốc (tập 2). Hà Nội. NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
Nguyễn Thị Thu Giang. 2007. Hình tượng nhân vật nho sinh và hình tượng nhân vật phụ nữ trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Luận văn tốt nghiệp đại học Sư phạm Ngữ văn. GV hướng dẫn: Phùng Hoài Ngọc, Đại học An Giang.
Nguyễn Thị Thu Thủy. 2000. Một vài phương diện nghệ thuật của kết cấu Hồng lâu mộng. Luận văn tốt nghiệp đại học sư phạm Ngữ Văn. Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhật Chiêu. 2003. Câu chuyện văn chương phương Đông. Hà Nội. NXB Giáo dục.
Nhiều tác giả. 1997. Lịch sử văn học Trung Quốc (tập 2). Hà Nội. NXB Giáo dục.
Nhiều tác giả. 2004. Từ điển văn học bộ mới. Hà Nội. NXB Thế giới.
Tào Tuyết Cần (người dịch: nhóm Vũ Bội Hoàng). 1996. Hồng lâu mộng,. Hà Nội. NXB Văn học.
Trần Thị Thu Hiền.2001. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng . Luận văn tốt nghiệp đại học sư phạm Ngữ Văn. Đại học Sư phạm Hà Nội
Trần Xuân Đề. 2002. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Hà Nội. NXB Giáo dục
Trịnh Ân Ba, Trịnh Thu Lôi. 2002 Văn học Trung Quốc. Hà Nội. NXB Thế giới.
Trương Khánh Thiện, Lưu Vĩnh Lương. 2001. Mạn Đàm Hồng lâu mộng. Thừa Thiên- Huế. NXB Thuận Hóa.
Trương Quốc Phong. Tiểu thuyết sử thoại các thời đại Trung Quốc. Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Văn nghệ TPHCM
Hết
nguồn : giangnamlangtu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét