Tiểu sử:
Pierre de Ronsard sinh ở Manoir de la Possonnière. Học ở Collège de Navarre, Paris, trở thành thị đồng của các con trai rồi các con gái của vua Francis I. Sau đó ông làm thư kí cho Lazare de Baïf, được sang Scotland và Anh. Trong lần đi sang Anh, ông làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhưng cũng trong thời gian này ông bị bệnh nặng, tai bị điếc. Kể từ đây ông tập trung sức lực cho thơ ca.
Ronsard làm thơ nhiều thể loại nhưng nổi tiếng nhất là những bài thơ tình viết về những người đẹp. Chính những tập thơ tình này mang lại vinh quang cho ông thời đó và vẫn rất nổi tiếng đến ngày nay. Trong thơ của Ronsard có rất nhiều phụ nữ nhưng có ba người nổi tiếng nhất: Cassandre, Marie, Helene. Đấy là những người phụ nữ trong đời thực chứ không phải là những nhân vật tưởng tượng. Năm 20 tuổi Ronsard gặp người đẹp Cassandre, rồi sau đấy chỉ gặp lại có một lần, vậy mà nhà thơ đã viết tặng người đẹp này Le Premier Livre des Odes (Quyển thơ tình thứ nhất) gồm hơn 400 bài thơ. Le deuxième Livre des Odes (Quyển thơ tình thứ hai), nhà thơ viết về người con gái có tên là Marie. Marie là một thôn nữ. Hình tượng Marie không còn cái vẻ đài các quí tộc như Cassandre mà giản dị, gần gũi hơn. Những năm tháng ở tuổi trung niên nhà thơ lại choáng váng vì một mối tình với người đẹp Helene, một cô gái quí tộc trẻ hơn nhà thơ 30 tuổi. Ngoài đời thực Helene là một cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ và đỏng đảnh. Pierre Ronsard đã dành tặng người đẹp này, như ông viết, “một Odyssey bằng thơ sonnet”.
Ronsard là người thổi một luồng gió mới vào thơ ca Pháp. Ông là người đầu tiên đưa thiên nhiên và tình yêu vào thơ ca, đồng thời là người đổi mới hình thức lẫn ngôn ngữ thơ. Các nhà phê bình gọi Ronsard là ông tổ của thơ trữ tình Pháp. Thơ tình của Pierre Ronsard được dịch nhiều ra tiếng Việt trong thời gian gần đây.
Tác phẩm:
*Odes, 1550-1553
*Amours (Thơ tình, 1552)
*Continuations des Amours (Tiếp tục vẫn thơ tình, 1555)
*La Franciade, 1572, trường ca sử thi
*Sonnets pour Helene (Những bài sonnet gửi Helene, 1578)
Các tuyển tập tác phẩm:
*Oeuvres, 1560
*Œuvres complétes, t. 1-18, P., 1914-67
*Œuvres complètes, [v. 1-2, P., 1958
*Ronsard poéte lyrique, 3 éd., P., 1932
*Ronsard fra ali astri delle Pleiade, Torino
TÌNH YÊU VÀ CHIẾN TRANH
Thần tình yêu cũng giống thần chiến tranh
Cả hai thần đều sống nhờ trận mạc.
Một can đảm giữa thanh thiên bạch nhật
Một thần kia đi bí mật đường mình.
Một thần hiên ngang đánh chiếm tung hoành
Còn thần kia chỉ chui vào lặng lẽ
Cả hai thần không sợ gì xấu hổ
Đã thế còn vật chiếm được coi khinh.
Một thần giương cung để bắn người tình
Thần giương cung bắn kẻ địch của mình
Thần yêu nước, thần kia yêu nước mắt
Cả người lính, người tình đều khao khát
Đều nóng lòng muốn được lập chiến công
Muốn đánh nhau đến hơi thở cuối cùng.
KHỔ SỞ VÌ YÊU
Một buổi chiều khi còn lại mình em
Ngồi lặng lẽ trầm ngâm em mơ ước
Em nghĩ gì chỉ có trời biết được
Có vẻ như trong giấc mộng êm đềm.
Trong lặng yên anh đáp lại tình em
Muốn xua đi nỗi buồn em yêu mến
Dù sợ hãi vẫn nhà em anh đến
Nhưng giọng run run đã phản bội anh.
ánh mắt của em anh chẳng dám nhìn
Trước mặt em anh chỉ biết lặng im
Nhưng tay chân lại vô cùng lóng ngóng
Và hơi thở tưởng chừng như đứt quãng
Chỉ nỗi buồn và gương mặt xanh xao
Muốn nói rằng anh khổ sở biết bao.
TÌNH KỲ DIỆU
Ôi tình yêu, tình kỳ diệu biết bao
Bên người yêu chẳng lúc nào im bặt
Tôi nói hết chuyện trên trời, dưới đất
Dẫu suốt đêm cũng không chán tý nào
Nhưng bỗng nhiên có ai đấy ghé vào
Thì lời nói, nghĩ suy liền đổi khác
Câu lẫn lộn, ý tứ bay đâu mất
Lưỡi cứng đờ, lời ấp úng, nghẹn ngào.
Khách ra đi tôi trở lại lúc đầu
Dễ đùa vui, nói năng nghe hoạt bát
Dễ tìm ra những lời âu yếm nhất
Tôi vội vàng đi kể chuyện cho em
Chỉ hai người dù ngồi đế trăm năm
Và thấy tiếc dù rời nhau chốc lát.
SAO EM XUA ĐUỔI TÌNH YÊU
Chẳng lẽ em lại tàn nhẫn thế sao?
Xua đuổi tình, em không hề vui vẻ
Em hãy nhìn – dù sang bầy chim sẻ
Chim ác là hay sáo đá, bồ câu.
ánh bình minh lo thức dậy cho mau
Để vuốt ve ngày dài thêm một chút
Cây tơ hồng bám chặt vào cây cột
Sông, biển, rừng đều nhắc đến tình yêu.
Chú bé chăn trâu từ sáng đến chiều
Chỉ hát hoài một bài hát tình yêu.
Ai cũng yêu, tất cả đều vui vẻ
Ai cũng muốn nhận về và mong chia sẻ
Vậy thì sao em một mực khăng khăng
Xua đuổi tình yêu, em không chịu đầu hàng?
NẾU ANH LÀ THẦN
Nếu anh là thần thì em sẽ là tiên
Trước cung điện gọi về con sóng dữ
Anh gọi em là nàng tiên bất tử
Khoác lên đầu vương miện của đại dương.
Nếu anh là vua thì em sẽ bà hoàng
Trên kiệu vua nghe những lời khen ngợi
Ngựa phóng nhanh từ đâu cơn gió nổi
Mái tóc vàng để ngọn gió mơn man.
Nhưng anh không là vua, không phải thánh thần
Anh sinh ra là để phụng thờ em
Mọi lời em với anh đều đúng cả
Em là nỗi đau, là cuộc đời anh đó
Hãy yêu anh cho anh trở thành thần
Trở thành ông vua hạnh phúc, giàu sang.
TÌNH LÀ CUỘC CHIẾN TRANH
Biết bao lần ta đã giận hờn nhau
Rồi làm lành nhưng rồi ta lại vẫn
Thương rồi giận, kẻ chủ trò nghịch ngợm
Thần tình yêu công và tội như nhau.
Và cứ lặp đi, lặp lại thật nhiều
Gần rồi xa, bằng lòng rồi từ chối
Rồi cam kết chỉ trong giờ ngắn ngủi
Tất cả là triệu chứng bệnh tình yêu.
Ông trời đan xen từ thuở xa xưa
Mâu thuẫn tình yêu không thiếu, không thừa
Giận và thương tất cả đều bình đẳng
Cùng hoà quyện hy vọng và thất vọng
Tình yêu qủa là một cuộc chiến tranh
Khốc liệt, dài lâu rồi lại hoà bình.
GIỌNG TÌNH YÊU
Ngày hôm qua em bảo với tôi rằng
Em không thích những bài thơ bóng bẩy
Những bài thơ lạnh lẽo mà trong đấy
Không có van nài, tuyệt vọng, đau thương.
Lúc rảnh rang thường em vẫn thích hơn
Những câu thơ của tôi đầy ai oán
Bởi giọng tình yêu đớn đau, sầu thảm
Gợi cho em những cao thượng trong hồn.
Như cạm bẫy những lời em lôi cuốn
Quên giận hờn tôi đi tìm đồng cảm
Nhưng mà tôi trả giá cuộc đời mình
Để trên thơ từ đôi mắt gượng gạo
Sẻ rỏ xuống giọt nước mắt cá sấu
Trước khi lấy đời của kẻ cả tin.
VỘI HÁI NỤ HOA ĐỜI
Khi mà em đã về gặp tuổi già
Ngồi một mình buổi chiều bên lò sưởi
Em đọc những dòng thơ và nhớ lại:
“Những ngày xưa thơ đã viết Ronsard”.
Và tôi như nhà thi sĩ tài hoa
Cho nữ tỳ đem tên tôi khen ngợi
Em không ngủ và em quên mệt mỏi
Nghe những lời ca tụng của người ta.
Còn tôi ngủ yên giấc ngủ muôn đời
Tình chỉ là sự quên lãng mà thôi
Nhưng còn em những đêm dài không ngủ
Em buồn rầu nhớ lại những lời tôi.
Chớ miệt thị tình yêu mà hãy nhớ
Giữa mùa xuân vội hái nụ hoa đời.
NÀNG THƠ
Chia tay em tôi ngơ ngẩn làm sao
Trên cổ tôi ai đặt vào gánh nặng
Dù tôi cố hết sức ra tôi quẳng
Nhưng thiên nhiên người lại lấy đặt vào.
Thiếu tình yêu – tôi tấm vải nát nhàu
Chỉ yêu vào tôi thấy người khoẻ mạnh
Lòng rộn ràng và nàng thơ lại đến
Lại xôn xao những ý nghĩ trong đầu.
Nguồn cảm hứng cho Ronsard sáng tạo
Sẽ còn mãi đến muôn đời con cháu
Thề có trời, tôi chỉ hát về em!
Gương từ xưa người đời mãi không quên
Sắc đẹp và phẩm hạnh của Helène(1)
Từng cảm hứng cho Hôme sáng tạo.
----------------------
(1)Người con gái từng là nguồn cảm hứng cho Ronsard viết hàng trăm bài Sonnê có tên là Helène. Thời cổ đại Helen of Troja được thừa nhận là người có sắc đẹp thiên thần mà sự bắt cóc nàng đã trở thành nguyên nhân của cuộc chiến Tơ-roa được Hôme mô tả trong Ôđixê và Iliát.
GỬI AMADIS JAMYN(1)
Ba thời gian từ lúc ta sinh ra
Có hiện tại, tương lai và quá khứ
Ngày mai, than ôi! - biết gì đâu chứ
Tốt nhất đừng thiên kiến, chớ đoán mò.
Hôm qua đã đi như một giấc mơ
Và mãi mãi không còn quay về nữa
Chưa đến tương lai, không còn quá khứ
Chỉ mình ta làm chủ phút giây này.
Hãy nắm bắt, hãy biết sống hôm nay
Bởi thời gian vút qua như chiếc bóng
Bên chén rượu, quây quần quanh bè bạn
Một lần thôi hãy quý phút giây này
Hãy hát tình yêu, uống rượu và vui
Xua chiến tranh, nỗi buồn và cay đắng.
___________
(1)Amadis Jamyn (1538-1592) – nhà thơ Pháp.
EM ĐỪNG GIẢ TẢNG
Để người ta kiên nhẫn phụng thờ em
Em hãy yêu chứ em đừng giả tảng
Cho ngọn lửa tình yêu bừng toả sáng
Và lời yêu sẽ thành thật cất lên.
Em hãy vui tươi, ngoan ngoãn, dịu hiền
Trả lời thư và hỏi thăm tình cảm
Còn ở nơi thư và lời bị cấm
Thì mắt nói thay tình cảm của em.
Ngày một trăm lần xem trộm tấm hình
Rồi hôn lên, rồi ép vào trong ngực
Hồn và xác hai người hoà làm một
Biết dõi theo từng nhịp đập con tim
Để tình yêu thực sự sẽ nảy mầm
Chứ không phải chỉ yêu trong tưởng tượng.
THỨ ĐỒ KHÔNG BỀN VỮNG
Một bó hoa tươi tôi gửi cho nàng
Những bông hoa đã qua giờ đẹp nhất
Giá mà tôi ngày hôm nay không ngắt
Thì ngày mai hoa cũng sẽ héo tàn.
Nhắc cho nàng nghĩ đến cách hoa tươi
Rằng sắc đẹp thứ đồ không bền vững
Ngày hôm nay dù lung linh toả sáng
Vẫn qua mau như mọi thứ trên đời.
Cuộc đời trôi, cuộc đời trôi, ma Dame
Không phải đời! Ta trôi qua thời gian
Lòng âu yếm ở đời không khỏi chết.
Ta đem cản lại thời gian khắc nghiệt
Những đêm thanh ta dâng hết cho tình
Hãy yêu nhau ta đang có ngày xanh.
CÁI ĐẸP
Vũ khí mỗi loài được trời ban tặng:
Chim đại bàng – mỏ cong, đôi cánh mạnh
Trâu có sừng, ngựa có móng guốc kêu
Thỏ chạy nhanh, rắn lục có nọc nhiều
Loài cá bơi trời cho vây, cho vảy
Loài sư tử cho nanh to, vuốt khoẻ
Còn đàn ông trời cho sự khôn ngoan
Nhưng sự khôn ngoan phụ nữ không cần
Mà chiếm ta bằng đội quân hùng hậu
Cho sắc đẹp – mạnh hơn gươm, hơn giáo.
Thảy chúng ta trước cái đẹp nghiêng mình
Mạnh hơn con người, lửa, thép, thần tiên.
CÁI CHẾT
Giá mà ta có thể mua cái chết
Giá thời gian gia hạn được bằng vàng
Thì ý nghĩa cuộc đời ta đem giết
Ta chỉ cần quyền lực với giàu sang.
Để số phận với đời không trục trặc
Kéo thời gian theo ý muốn như là
Để cái chết ta đem tiền mua chuộc
Không mang hồn ta ra khỏi xác ta.
Nhưng tiền bạc không làm điều này được
Để kéo dài thêm dù chỉ một giờ
Thì ý nghĩa cả đời lo cóp nhặt
Rồi chất vào một đống để cho ma?
Nên bởi thế kiến thức và sách vở
Còn hơn những đồng tiền rỗng lanh canh
Sách sẽ vượt qua thời gian nghiệt ngã
Cuộc đời nhà thơ từ đó hồi sinh.
12. Fredéric Mistral
Fredéric Mistral (1830-1914) – nhà thơ Provence (Pháp), giải Nobel Văn học 1904. F. Mistral sinh ngày 8 tháng 9 năm 1830 tại làng Maillane, Pháp, giữa Avignon và Arles của thung lũng sông Rhône. Ông lớn lên giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ diệu của quê hương, giữa những người dân quê và ông sớm quen với công việc của họ. Bố ông là một trại chủ giàu có, người toàn tâm toàn ý với những phong tục của đức tin và tổ tiên. Mẹ ông nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của ông qua những bài hát và truyền thống quê hương. Trong suốt thời gian theo học ở Avignon, cậu bé đã đọc những tác phẩm của Homer và Virgil, những tác phẩm đã tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn ông. Một trong các giáo sư, nhà thơ Joseph Roumanille, đã thổi vào ông tình yêu tha thiết đối với tiếng mẹ đẻ, tiếng Provence. Năm 1851 ông tốt nghiệp Đại học rồi dành toàn bộ thời gian của mình cho sự nghiệp văn học. Năm 1854 ông cùng với sáu nhà thơ khác đã sáng lập Félibrige - Hiệp hội Hỗ trợ Phát triển Ngôn ngữ và Văn học Provence, xuất bản tạp chí Almanach Provence cùng Joseph Roumanille. Suốt đời F. Mistral hoạt động không mệt mỏi cho Félibrige và mơ ước phục hồi nền văn học và ngôn ngữ Provence.
Năm 1859 ông xuất bản thiên trường ca Miréio, viết về một cô gái thôn quê ngoan ngoãn và xinh đẹp không thể lấy được người mình yêu vì bố cô không đồng ý. Tuyệt vọng, cô trốn nhà đến nương nhờ tại một nhà thờ nơi hành hương của những người theo đạo Three Saint Marys trên đảo Camargue, vùng châu thổ sông Rhône. Tác giả đã kể lại một cách quyến rũ tình yêu trẻ trung của cô gái và mô tả bằng nghệ thuật bậc thầy cuộc chạy trốn của cô qua cao nguyên Crau lởm chởm đá. Kiệt sức vì cái nắng như thiêu như đốt của vùng Camargue, cô gái trẻ bất hạnh cuối cùng cũng đến được nhà thờ để chết. Nơi đó, trong ảo ảnh, ba vị thánh Mary đã hiện lên trước mắt cô đúng lúc cô trút hơi thở cuối cùng. Bi kịch tình yêu này được nhiều nhà thơ lớn của nước Pháp đánh giá cao. A. Lamartine vốn là một người luôn cẩn trọng vẫn bị quyến rũ bởi những tác phẩm hay, đã viết: “Một nhà thơ vĩ đại đã ra đời". Ông so sánh thơ của F. Mistral với một hòn đảo trong quần đảo, một Delos trôi nổi đã phải tự tách mình ra khỏi quần thể để âm thầm đến với Provence ngát hương. Năm 1875 F. Mistral xuất bản tập thơ Những hòn đảo vàng, gồm những bài thơ trữ tình bất hủ. Cuốn từ điển Provence - Pháp Kho báu Félibrige là tác phẩm độc đáo của ông, mang tính bách khoa thư, chứa đựng những kiến thức phong phú về phương ngữ, văn học dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng của một nền văn hóa. Năm 1890 ông hoàn thành vở kịch duy nhất của mình là Nữ hoàng Jano.
Năm 1904, năm thứ 50 của phong trào Félibrige, F. Mistral nhận giải Nobel (cùng với nhà viết kịch Tây Ban Nha J. Echegaray) vì lí tưởng cao cả và những cống hiến lớn lao cho sự phục hồi tinh thần dân tộc. Ông đã dùng tiền của giải thưởng Nobel lập Bảo tàng Văn hóa Dân gian Provence.
F. Mistral mất ngày 25-3-1914 do bị cảm lạnh khi đang nghiên cứu văn khắc trên quả chuông nhà thờ Mainllane, để lại những câu thơ khiến người ta nghĩ rằng: các nền văn minh có thể chết nhưng không bao giờ biến mất. Thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Tác phẩm:
*Miréio (1859), trường ca
*Calendau (1867), trường ca
*Những hòn đảo vàng (Lis isclo d'or, 1876), tập thơ
*Nerto(1884), thơ.
*Kho báu Felibrige (Lou tresor dóu Félibrige, 1878-1886), từ điển
*Nữ hoàng Jano (La Rèino Jano, 1890), kịch
*Trường ca sông Rhone (Lou Pouèmo dóu Rhone, 1897), trường ca
*Hồi kí Mistral (Moun espelido: memori è raconte, 1906), hồi kí
* Mùa thu hoạch oliu (Les oulivado,1912), tập thơ
MAGALI
- Ôi Magali, ôi thiên thần của anh
Hãy thức dậy và nhìn ra cửa sổ
Tiếng lục lạc của anh đang kêu đó
Cùng với tiếng vĩ cầm.
Trời đầy sao và đợi ánh bình minh
Nhưng mà em hãy hiện
Những vì sao sẽ trở thành màu xám
Khi đứng trước em.
“Hãy để tôi yên cùng với cây đàn
Tôi không yêu những lời dại dột
Còn nếu không, tôi như con cá chạch
Sẽ lặn vào giữa sâu thẳm màu xanh”.
- Ôi Magali, Magali của anh
Nếu mà em trở thành con cá chạch
Thì anh sẽ làm người đi câu bắt
Và em sẽ là của anh.
“Nhưng một khi vằng lưới anh chưa buông
Thì tôi đã thành con chim bay vào bụi
Và sẽ mỉm cười anh đau khổ với
Đống vằng lưới của anh”.
- Ôi Magali, nếu như em trở thành
Con chim bay vào bụi
Thì anh làm người săn chim cùng với lưới
Và em sẽ là của anh.
“Thì khi đó tôi cất cánh bay cao
Và sẽ hoá thành đám mây, xa thẳm
Tôi sẽ bay về nơi cuối tận
Theo gió, đuổi những con tàu”.
- Ôi Magali, nếu em theo ngọn gió
Bay về chốn xa xăm
Thì anh sẽ hoá thành bão tố
Và em sẽ là của anh.
“Trước bão tố tôi sẽ không đầu hàng
Đã có mặt trời che chở
Nơi đó tôi cháy như ngọn lửa
Và toả ánh hào quang!”
- Nếu em thành ánh sáng, Magali của anh
Thì anh sẽ hoá thành con rắn biển
Dưới ánh mặt trời anh sưởi ấm
Và em sẽ là của anh.
“Không ánh sáng, chẳng lửa hồng
Sẽ không trao cho con rắn
Tôi sẽ hoá thành trăng lạnh
Sẽ bơi trên mặt đất ngủ mơ màng…”
- Ôi Magali, nếu em hoá thành trăng
ánh trăng trong đêm vắng
Thì anh sẽ hoá thành làn sương mỏng
Và em sẽ là của anh.
“Lời gian dối không thể chiếm được tôi
Tôi sẽ tìm ra lối thoát
Sẽ hoá thành một rừng cây
Và sẽ đeo vỏ cây bì lên mặt…”
- Ôi Magali, Magali, em cứ việc
Cứ là một rừng xanh
Còn anh sẽ là dây trường xuân quấn chặt
Và em sẽ là của anh.
“Tôi sẽ vào tu viện, theo con đường
Thoát cõi đời lăng xăng, bận rộn
Để sống trong nghiêm khắc, lặng yên, màu trắng
Giữa lời nguyện cầu và sự trắng trong…”
- Ôi Magali, nơi đó em trở thành
Một Nàng dâu của Chúa
Còn anh sẽ thành cái bàn hầu hạ
Và em sẽ là của anh.
“Không! Nếu bằng sức mạnh hoặc láu lỉnh, tinh ranh
Mà người ta cho anh vào tu viện
Thì sẽ thấy một nấm mồ khói hương bay quyện
Và cây thập ác, mô đất mới đắp lên!”
- Ôi Magali, nếu em cứ giấu mình
Trong ngôi mồ bí ẩn
Thì anh đây sẽ đi về đất lạnh
Để em sẽ là của anh.
“Khoan, đừng vội đi đâu… em sẽ ra ngoài hiên
Để cho, không một ai nghe thấy
Chiếc nhẫn pha lê này, anh cầm lấy
Và hãy đừng quên, đừng phụ tình em…”
- Ôi Magali của anh!...
Bây giờ em hãy nhìn
Con tim này này mở rộng
Những vì sao sẽ trở thành màu xám
Khi đứng trước em!
13. Sully Prudhomme tên thật là René Francois Armand Prudhomme, sinh ngày 16/3/1839. Bố mất lúc S. Prudhomme lên hai tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú. Năm lên 8 tuổi vào học trường Lycee Bonapart. Cậu bé học giỏi toán, say mê ngôn ngữ và thơ Pháp. Từ năm 1860, đã phải tự đi làm nhiều nghề kiếm sống, buổi tối về nghiên cứu triết học và làm thơ. Năm 1865 in tập thơ đầu tay ký bút danh Sully Prudhomme (tên bố) được đánh giá cao. Năm sau, một nhà xuất bản in thơ của ông vào tập Parnasse ngày nay (Le Parnasse contemporain) - một thứ tuyên ngôn của các nhà thơ nhóm Parnasse phản đối lại trường phái lãng mạn. Năm 1870, nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ, ông tự nguyện gia nhập dân quân. Những túng thiếu, vất vả trong thời kỳ quân Phổ phong tỏa Paris khiến sức khỏe đã yếu của ông càng thêm trầm trọng, ông bị liệt và phải cắt hai chân sau khi cuộc phong tỏa chấm dứt. Trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc (ấn tượng chiến tranh, 1870), cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi (Di chúc thơ, 1900). Năm 1888 ông xuất bản trường ca Hạnh phúc, gồm 4000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ lòng thiện và sự hy sinh. Năm 1901 S. Prudhomme trở thành người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel “vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lí tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp tuyệt vời giữa tình cảm và tài năng”.
Sully Prudhomme mất tại nhà riêng ở ngoại ô Paris ngày 7/9/1907. Tên tuổi Sully Prudhomme còn nổi tiếng là người dùng tiền của giải thưởng Nobel lập ra một giải thưởng dành cho các nhà thơ trẻ nước Pháp.
Tác phẩm:
- Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes, 1865), thơ.
- Thử thách (Les épreuves, 1866), thơ.
- Những phác thảo về Italia (Croquis Italiens, 1866-1868), thơ.
- Nỗi cô đơn (Les solitudes, 1869), thơ.
- ấn tượng chiến tranh (Impression de la guerre, 1870), thơ.
- Nước Pháp (Le France, 1870), thơ.
- Định mệnh (Les destins, 1872), thơ.
- Loài hoa nổi loạn (La révolte des fleurs), thơ.
- Lòng dịu dàng hoài phí (Les vaines tendresses, 1875), thơ.
- Hạnh phúc (Le bonheur, 1888), trường ca.
- Công lí (La justice, 1888), thơ.
- Di chúc thơ (Le testament poétique, 1900), tiểu luận.
- Tôn giáo đích thực theo Pascal (La vraie religion selon Pascal, 1905), khảo luận.
- Vấn đề mục đích cuối cùng (Le problème des causes finale, 1906), khảo luận.
- Tâm lí của sự tự do lựa chọn (Psychologie du libre arbitre, 1906), khảo luận.
- Phiêu bạt (Les epaves, xuất bản năm 1908), thơ.
BÌNH VỠ
Trong chiếc bình này bông hoa đã héo
Quạt nan của ai chạm đến vô tình
Trong khoảnh khắc, chỉ chạm vào rất khẽ
Và không ai còn nhớ đến quạt nan.
Nhưng vết rạn không thể nhìn bằng mắt
Trên lớp kết tinh đọng lại quanh bình
Và có vẻ dài theo từng giờ khắc
Trên chiếc bình vết rạn cứ dần loang.
Còn nước, giống như nước mắt bất lực
Nước theo nhau, từng giọt nhỏ trên sàn
Những cánh hoa đã vỡ ra tan tác
Treo lòng thòng, nhìn chúng thấy buồn hơn.
Tôi ngắm nhìn chiếc bình mà không thể
Không nhận ra bất hạnh giấu trong bình
Sao không ai kêu với tôi đau khổ:
Đừng động vào – bình đã vỡ rồi em!
Rất thường khi những bàn tay âu yếm
Chạm vào tim mà không để ý nhìn
Do không biết hay là do buồn chán
Nhưng không điều gì có thể bỏ quên:
Con tim nhớ, gom những gì tim sợ
Và xót xa đem chia sẻ từng phần
Như bông hoa từ chiếc bình đã vỡ
Nỗi đam mê như hoa đã héo hon.
Em không thể thấm sâu bằng con mắt
Xuyên vào tim, nơi vết rạn trùm lên
Rằng tim khóc bằng máu và nước mắt
Đừng động vào bởi đã vỡ con tim.
GIỐNG NHAU
Nếu em muốn biết được vì sao anh
Lại yêu em chân thành, tha thiết vậy?
Em yêu ạ, anh yêu em là bởi
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
ánh mắt em đầy hy vọng nhưng buồn
Tỏa ánh sáng chói ngời như tia chớp
Trong lòng em ngập tràn bao mơ ước
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Thân hình em kì diệu và mong manh
Như người đẹp thành Tơ-roa thuở trước
Vẻ lộng lẫy trên mái tóc, trên ngực
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
Tình yêu chân thành, tha thiết cháy lên
Mỗi giây phút lời “yêu em” anh nói
Nhưng em bước đi, không thèm ngoái lại
Em giống như thời tuổi trẻ của anh.
GIỌT SƯƠNG
Ta nhìn thấy, rất buồn bã trong mơ
Những giọt sương lấp lánh trên đồng cỏ
Bàn tay lạnh của đêm đen đã thả
Những giọt sương lên những cánh hoa.
Những giọt sương rơi xuống từ đâu vậy?
Không mây mù, nơi ấy chẳng hề mưa.
Thì ra trước khi lấp lánh trên hoa
Trong không khí sương đã từng run rẩy.
Những giọt lệ từ đâu trong đôi mắt?
Giữa trời xanh không một dấu vết buồn.
Thì ra trước khi ánh lên trong mắt
Dòng lệ đã từng ấp ủ trong tim.
Đời vẫn thế, bóng giấu mình trong ngực
Nước mắt mơ màng, run rẩy trong tim
Và ngay cả những ngày vui, hạnh phúc
Những giọt lệ buồn vẫn cứ trào dâng.
14. Saint-John Perse tên thật là Marie René Alexis Saint-Leger, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1887 tại Saint-Léger-les-Feuilles, Guadeloupe (một hòn đảo nhỏ gần Guadelupa thuộc Pháp ở biển Caribe, Đông Ấn. Năm 1899, cả gia đình ông chuyển về Pháp. Ông học luật ở Bordeaux và tự học môn kinh tế chính trị. Ra trường (1914), ông phục vụ trong ngành ngoại giao, có một sự nghiệp đầy hứa hẹn: làm đại sứ Pháp ở Bắc Kinh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ ngoại giao Pháp.
Năm 1940, do phê phán chính sách thân Hitler của giới cầm quyền Pháp, ông bị cách chức. Ngay trước khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông đã kịp thời chạy trốn sang Mỹ; ông bị chính quyền Vichy tước quyền công dân, chức tước, phần thưởng và tịch thu tài sản. Từ năm 1941 tới 1945, Saint - John Perse là cố vấn văn học cho Thư viện Quốc hội Mỹ. Sau Thế chiến II, ông được phục hồi tư cách công dân và chức tước nhưng không quay trở lại nghề ngoại giao. Năm 1950, ông chính thức về hưu với danh hiệu Đại sứ của nước Pháp, sinh sống thường xuyên ở Mỹ.
Các tác phẩm văn học của ông, trong đó có tập thơ đầu tiên Tụng ca (một thể loại thơ điền viên, viết năm 1910) được xuất bản một phần dưới tên thật của ông nhưng chủ yếu dưới tên Saint-John Perse. Sau nhiều bài thơ phản ánh ấn tượng về thời niên thiếu, ông viết trường ca Anabase (tiếng Hi Lạp có nghĩa là "Đi vào nội tâm") vào năm 1924 khi ông ở Trung Quốc. Đó là một tác phẩm gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phê bình và đã có người cho rằng người Châu Á hiểu tập thơ này hơn người Phương Tây; tập trường ca đã được T.S. Eliot chuyển ngữ sang tiếng Anh năm 1930. Nhiều tác phẩm của Saint-John Perse được viết sau khi ông định cư ở Mỹ như Lưu đày (1942), Bài thơ tặng người phụ nữ nước ngoài (1943), Mưa Rào (1943)... Các tác phẩm Saint-John Perse viết trong thời kỳ làm công việc ngoại giao phần lớn chưa được in, nên toàn bộ sự nghiệp văn học của ông chỉ thu lại trong bảy tập sách.
Năm 1957, Saint-John Perse quay về Pháp; mặc dù chủ yếu vẫn ở Mỹ như trước, nay ông dành một phần thời gian cùng với người vợ Mỹ cưới năm 1958 về sống tại quê nhà. Năm 1960, ông được tặng giải thưởng Nobel. Trong bài Diễn từ, ông nói về chức năng của thơ ca: "Thơ không chỉ là nhận thức, mà còn là chính cuộc sống trong sự đủ đầy trọn vẹn của nó. Nhà thơ đã sống trong lòng người ăn lông ở lỗ và sẽ sống trong lòng người thời đại nguyên tử, bởi vì thơ ca là một đặc tính không thể tách rời của nhân loại".
Saint-John Perse mất năm 1975 tại Presquile-de-Giens (Pháp).
* * *
Sait-John Perse là bút danh của nhà ngoại giao Alexis Saint Leger. Phần đầu của bút danh này: Sait-John - là cách viết bằng tiếng Anh của Thánh Giăng (Thánh tông đồ) – người được coi là tác giả của Kinh Phúc âm IV, sách Khải Huyền và ba lá thư trong Tân Ước. Phần sau: “Perse” - đấy là họ của nhà thơ trào phúng La Mã Aulus Persius Flaccus (34-62), người cùng thời với Hoàng đế Neron. Cách chọn bút danh này cho thấy thái độ của nhà thơ đối với văn minh đương thời đi cùng với di sản văn hoá của qúa khứ trong mục đích và sáng tạo của mình.
Phần thơ Sait-John Perse in trong tập này trích dịch từ 3 trường ca “Anabase”, “Mưa rào” và “Những mốc ngoài khơi” – phản ánh những giai đoạn khác nhau trong sáng tác của Sait-John Perse, đồng thời cho thấy sự thống nhất trong nguyên tắc nghệ thuật của ông.
Anabase(1924) trích đoạn đầu, chương 7 và đoạn kết. “Anabase” là tên một tác phẩm của nhà văn, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Xenophon (434-359 tr. CN) về cuộc hành trình của người Hy Lạp đi vào tổ quốc mình (Upcountry March)… Anabase của Sait-John Perse là hành trình đi sâu vào tâm hồn – một cuộc hành trình khó nhọc của nhận thức chân lý, con đường dài của sự tìm tòi từ những giá trị của văn minh phương Tây (theo cách hiểu của Sait-John Perse là giả dối và trống rỗng) đến những đỉnh cao của ý nghĩ và tâm hồn mà những nền văn minh trong quá khứ – trước hết là những nền văn minh phương Đông, để lại cho nhân loại.
Tiếp đến là một số trích đoạn của Mưa Rào. Trường ca này Sait-John Perse cho vào tập Lưu Đày, bao gồm các trường ca: “Lưu Đày” (1941); “Mưa Rào” (1944); “Tuyết” (1944); “Trường ca cho người đàn bà ngoại quốc” (1943) (trật tự sắp xếp này là của Sait-John Perse). Tất cả các trường ca trong tập này được viết trong thời kì chiến tranh thế giới thứ II, thời nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Nhà ngoại giao Alexis Saint Léger nổi tiếng với những quan điểm chống phát xít bị chính phủ Pétain cách chức và tước quốc tịch Pháp. Bắt đầu một thời kì lưu đày của ông. Trường ca “Mưa rào” là nỗi niềm cay đắng về sự thất sủng, tuy vậy cốt lõi của nó là sự miệt thị đối với thói đểu giả, sự phản bội, là lòng tin vào thắng lợi của chính nghĩa. “Mưa rào” là bài ca về một hiện tượng tự nhiên với lời kêu gọi hãy rửa sạch mối đe dọa, rửa sạch gương mặt hành tinh và những tâm hồn người u ám.
Cuối cùng là trích Những mốc trên biển (1957) gồm 5 chương của phần đầu. “Những mốc trên biển” mở ra trước mắt người đọc một thế giới bao la của biển, ca ngợi sự hòa nhập của thiên nhiên, con người và sáng tạo. Sait-John Perse sinh ra ở Guadeloupe – một hòn đảo thuộc Pháp ở vùng biển Caribê, bốn bề mênh mông sóng nước, ông lớn lên giữa những vẻ đẹp tuyệt vời của miền nhiệt đới. Sau đó lại băng qua đại dương về Pháp học tập và làm việc. Nghề ngoại giao cho phép ông đi đến nhiều nơi, nhiều xứ lạ. Ông từng đi qua cao nguyên Gôbi của Mông Cổ và bơi suốt Ấn Độ dương…
Tác phẩm của Sait-John Perse mở ra trước mắt ta một thế giới kỳ lạ - thế giới của đại dương bao la, thế giới của những nền văn minh cổ đại, thế giới của những người du mục, những người đi chinh phục, những nhà thơ, những nhà tiên tri… với những lời kêu gọi hướng tới những hành động cao cả của con người. Những lời kêu gọi này luôn cao thượng và mang đầy chất nhân văn nhưng cũng rất bí ẩn.
Trong thơ của Sait-John Perse có một điều gì đó rất đặc biệt, có một sự bí ẩn huyền diệu nào đấy mà hình như chỉ ánh lên ở chốn xa xôi, đồng thời lại luôn gần gũi. Không chỉ đặc biệt ở vẻ mới lạ của hình tượng, lối ẩn dụ, không chỉ ở ý nghĩa triết học sâu xa mà còn ở cấu trúc thơ, nhạc trong thơ và nhịp điệu của nó… Tuy nhiên, qua bản dịch để hiểu hết những điều này thật khó.
Trong khi chưa có điều kiện dịch đầy đủ hơn hay nghiên cứu sâu hơn về Sait-John Perse chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà văn, nhà triết học Pháp Roger Garaudy (1913-?) – người trong một thời gian dài từng là cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản Pháp. Bài này để sau phần tác phẩm của Sait-John Perse. Đây là một chương trong quyển Về chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến (D’un Realisme sans Rivages. P., Plon, 1963), viết về Picasso, Sait-John Perse và Kafka. Thiết nghĩ, dù phần dịch tiếng Việt tác phẩm của Sait-John Perse còn khiêm tốn nhưng đã có thể cho phép bạn đọc thưởng thức bài viết của Roger Garaudy với kiến thức uyên bác và những nhận xét sắc sảo của ông.
MƯA RÀO
(Trích)
I
Mưa rừng ngập mặn trải vòm lá của rễ cây trên Thành phố
San hô sữa nhân lên trong sương nòi giống của mình
Một ý nghĩ trần truồng, giống như đấu sĩ của thành Rôm(1), dưới nước mưa tuôn, mái tóc đuôi sam dập dờn, dương dương tự đắc.
Trường ca hãy hát lên dưới tiếng kêu quang quác và tiếng thanh la não bạt của đề tài
Trường ca hãy hát lên sau tiếng bước chân rầm rập, dưới dây cương co giật của đề tài
Quyền của ngươi – là quyền đêm tân hôn của những Người phụ nữ Tiên tri trinh bạch.
Kén vàng vỡ ra và chìm vào tổng trấn đen mờ mịt, trong màu xanh của vũng nước đêm
Còn trên chiếc gối êm, trong khoảnh khắc của mắt nhìn, trên ấm áp của bìa rừng, đôi mắt ai mơ màng, thiu thiu ngủ
Đã tung ra bốn phía, đã vần xoay quay trở, đã lột truồng không hề xấu hổ hoa hồng của trường ca.
Chúa Trời vĩ đại, tiếng cười chúa tể, mặt đất bốc khói trên ổ gian phi của gió, tựa hồ như thịt mỡ của heo rừng
Còn đất sét cô đơn dưới ve vuốt dịu dàng của những cơn mưa vô tội, và đồng nội dưới những đôi chân trần không ngủ suốt đêm
Bọt của sương, nước ngầm như rượu vang, những linh hồn đất cát và rượu thuốc trường sinh của sự lãng quên.
Thần thánh thiêng liêng, Chúa Trời vĩ đại, tiếng cười chúa tể, và đây là đất đai để cày cấy gieo trồng
Và ở đây tiếng vọng cả một đoàn đi vào buổi xấu trời trong năm, đi khỏi cơn giận của biển cả, đại dương
Ở đây bầy chết của đất đai trong đổ nát hoang tàn, giờ mới sinh nằm trong tã lót và trong con tim của niêm luật thơ ca mà chưa ai biết được.
II
Giống nòi Tabor(2) không tổ quốc! Cha ông du mục! Những mẹ Digan! Những cơn Mưa Rào Sibyl!
Ôi, những cơn Mưa Rào nghe theo đẳng cấp của con người, bây giờ ta còn biết chia sẻ cùng ai danh dự của những đêm thức trắng?
Trên gối giường của ta ai sẽ đốt lửa lên và ai sẽ làm cho ấm buổi chiều sau tiếng rì rào của nến?
Dãy Andes(3) đang im lặng trên mái nhà ta, cây chuông nhỏ vui mừng trong máu của ta, cây chuông đang gióng lên để ngợi ca vinh quang của Mưa Rào vĩ đại!
Ta cùng với Mưa Rào, hãy đứng lại: những mỏ kim cương của ta trên mũi giáo phiên bản của mưa!
Bọt nước sôi âm ỉ trên những bờ môi của trường ca, giống như dòng sữa của san hô!
Trong phần mở đầu đang nhảy múa những câu thơ, tựa hồ như một lời van xin con rắn
Một ý nghĩ trần truồng, giống như con dao đang rì rào nổi loạn
Và nhịp điệu xưa cũ, mô-típ cổ xưa đang làm lành với cô nàng thích cô độc – trường ca.
Chúa Trời vĩ đại, tiếng cười chúa tể, xin hãy giữ gìn ta khỏi sự ngợi ca, khỏi những bản tụng ca, và những tấm lòng đại lượng.
Chúa Trời vĩ đại, tiếng cười chúa tể, ôi có biết bao nhiêu hờn giận trên môi của Mưa Rào!
Và những khói sương nào, những cồn cát lưỡi liềm của dối gian thay đổi cho nhau, những vũng nước dối gian nào đang bơi dưới mưa sau tiếng kêu đàn sếu!
Trong đêm sáng của giờ chính ngọ ta lặng im, giữ lại một nửa lời chưa nói
Và ta đi tìm từng hạt nhỏ của sự nghĩ suy về tồn tại… Làn khói trên những viên đá của bếp lò giờ lại bay lên
Và Mưa Rào trên mái nhà thổn thức mơ màng, hầm đôi chân của mình trong những bàn tay ta bé bỏng.
III
Những chị Assur(4) dẫn những đứa em phóng đãng, những đội quân của Mưa Rào đổ bộ xuống đất đai
Những áo giáp pha lê, vàng và sắt tây, những cành cọ của những ông hoàng trên những vành mũ giáp
Giống như bà hoàng Dido(5), mà dấu vết còn tươi như ngọc trên những bức tường của Vương quốc Carthage.
Tựa như phu nhân của ngài Cortez(6) đang nhìn vào bức chân dung, khói sương như mơ màng trong những bài Kinh bị lãng quên trong bóng đêm rừng rậm…
Màu thanh thiên Amazon của kiếm đánh dấu cho ta bằng ánh trăng thanh, bằng màu của kim cương và màu của ngọc
Màu xanh của Tháng Tư đang gieo hạt và tụ tập vào gương của hợp kim sắt thép với thủy ngân!
Rầm rập tiếng bước chân của đội ngũ kiêu hùng sau cửa sổ khuê phòng, tiếng giậm chân của những dòng nước trong sương nhà tắm
Màu thanh thiên Amazon, ôi những dòng nước lao như tên bắn, những bộ dây thắng của sao, và tia sáng từ những chiếc cung bay vào trong gió!
Màu thanh thiên của người vũ nữ, ôi những dòng nước đang nhảy múa, dàn đồng ca của nước đổ xuống trần gian!
Ôi hằng hà vô số của màu xanh, mưa lấm tấm, mưa phùn, những nàng Vestal(7) với những bánh xe của đại bàng đang trải đều khắp mọi phía
Những ngọn giáo bao bọc quanh thành phố, những lưỡi dao sắt của những cọng cây khô, những gươm giáo của dương liễu, của nho – mưa làm cho xổ tung ra bím tóc
Ôi cả một luồng Toledo(8) của thép! Ôi trường kiếm của thân cây, ngũ cốc tuôn đầy eo biển của mùa cắt cỏ!
… Và thành phố pha lê đang nhân đôi trong cây hương đàn ấp ủ, những chuỗi hạt cườm bằng kính của đường phố thênh thang, sự khôn ngoan của những đài phun có những cửa miệng bằng đồng
Người ngoại quốc đang đọc, ngọn gió đang lật những tờ áp phích của ta
Ngọn gió đang bay lượn trên những mái nhà, người đàn bà Indian cho kẻ đi thuê nhà cùng ngủ lại.
V
Ta nhận thức ra sự vĩ đại của Mưa Rào trong cuộc sống ồn ào nơi đô hội, trong những lo toan vặt vãnh của đời thường.
Nhưng bỗng nghe thấy mùi của ozôn, mùi nhựa của cây xanh trong tiếng rì rào của gió.
Mưa trả về cho ta hình người, Mưa nhào nặn ta lần nữa, và đằng sau cái mặt nạ nghe ra mùi tươi mát của đất đai.
Nhưng trên tầm cao của đại bàng chẳng lẽ ký ức không còn trang điểm cho ai? Hay là ta hát lên bài Thánh ca đã từ lâu quên lãng, trên những con đường rợp bóng của khu vườn khi giẫm lên những chiếc lá vàng trong Kinh của mùa lá rụng?
Những lối mòn trên những cánh đồng hoa tuy líp trong giấc mộng, đang dần cạn nước hồ, xương của đá trong giếng chẳng lẽ không xứng với những vần thơ, những vần thơ được viết bằng ngòi bút của nhà thi sĩ?
Những bông hoa hồng xưa cũ trong bàn tay của kẻ tật nguyền, những đứa bé con trong bộng cây ô-liu trăm tuổi, trên chùm nho những con ong buồn rượi, những con ong trên cành thuỷ dương mai và chiếc cầu thang hẹp trong phòng kín của người goá phụ chẳng lẽ lại không xứng với một lời?
Vẻ dịu dàng của thủy dương mai, của cây lô hội, đam mê của mộc lan, sự vô sinh của những kẻ lỗi lầm, mặt đất làm khô vẻ oi nồng của điều nhận thức.
Những cơn giông có màu xanh mái tóc bện vào mái tóc của ngọc và ngó nhìn vào gương của những ông chủ nhà băng. Gương mặt của nữ thần chìm xuống rong rêu và chìm sâu vào bùn đất.
Những ý nghĩ trẻ trung xếp thành rường cột và ngồi xuống quanh bàn chính khách. Bầy im lặng đứng trên những cánh đồng màu trắng của trường ca.
Trên những vách đá Mưa Rào hãy rót ra, hãy rót ra trên những cây Thánh giá và hãy rót lên bia mộ của dòng họ Habsburger(9), lên những chiếc linh xa của biết bao nguyên soái, lên những lăng mộ như dầu ô-liu trong ngày rửa tội.
Mưa Rào hãy dỡ ra từ vách núi tro tàn của những cuộc chiến chưa xa, hãy dỡ ra trên biển tro tàn màu trắng của những ai từng bơi đến trên những chiếc thuyền Caravella(10).
Và hãy cứ để cho muôn thuở người ta ngồi trên ngai sắt, như trên kiềng ba chân vững chắc, trên vách đá trần truồng, trên bốn ngọn gió dưới bầu trời hồng với những cơn mê sảng của mình, những cơn mê sảng chất đầy phẫn nộ của nhân dân.
Và trên biển muôn đời còn bay lượn khói sương của Cái Thiện và Cái Ác, còn bay lượn tro tàn của những câu cổ tích, những truyền thuyết – những câu chuyện muôn đời còn âm ỉ, không phai…
“Ta mong muốn đoàn tụ, chung sống với con người nhưng mặt đất với tâm hồn lạ lẫm xa xôi lại khát khao ly biệt…”
VI
…………………………………………� �…………………………..
Hãy để cho lời đi trước! Ta viết lên những bài ca thời đại cho những kẻ du hành và những khúc hát lên đường dành cho những kẻ lưu đày không ngủ.
VII
Hãy mang con số, cho những con đường của ta và chúng ta là những kẻ không nhà. Hơi nước thánh thần của những người đã chết ta áp vào bằng những đôi môi khô rát. Còn ngươi vây quanh xác chết trong dòng nước bình minh – mặt đất lúc này ở trong xiềng xích của chiến tranh – hãy rửa lên gương mặt của người đang sống, hãy rửa sạch, Mưa Rào! Hãy rửa lên những gương mặt giận dữ thương đau, hãy rửa lên những gương mặt dịu dàng đằm thắm… bởi vì con đường của họ chật hẹp và bé bỏng, và họ là những kẻ không nhà, không nơi trú ẩn.
Hãy rửa lên ngai vàng cho những kẻ đầy sức mạnh. Trong hào quang của sức mạnh họ ngồi vào bàn ăn uống, tất cả những ai không say bởi rượu của con người, những ai thích tận hưởng, thích uống say những giọt nước mắt rơi, con tim của ai không bao giờ xúc phạm, tên của ai không còn vang vọng trong những giọng oang oang(11)…
Hãy rửa lên sự chậm chạp và sự rình rang, những phép tắc của con đường nhận thức. Hãy rửa sạch, Mưa Rào! Hãy rửa như gai nước mắt lên những kẻ thanh cao, lên những người may mắn, hãy rửa lên mắt những kẻ khôn ngoan chín chắn, những kẻ trung quân, những người cao thượng, những tài năng, hãy rửa lên phông màn và lên đôi mắt của nhà thi sĩ, hãy rửa lên mắt những ông bầu, ông chủ, những người mộ đạo, những kẻ quyền hành… lên đôi mắt của những kẻ rình rang theo phép tắc của thánh thần giữ đúng.
Hãy rửa sạch, Mưa Rào, hãy tránh xa việc thiện, những ân nhân, những người hành động và rác rưởi của những nhà hùng biện với bờ môi đại chúng chớ động vào. Hãy rửa sạch, Mưa Rào, hãy rửa bàn tay những quan toà, những người đi xét xử, bàn tay những bà đỡ, bàn tay những kẻ may áo liệm cho người đã yên giấc nghìn thu, hãy rửa bàn tay cho kẻ sáng mắt như mù, hãy rửa bàn tay cho những người tàn phế mà vạm vỡ, những bàn tay bẩn xin hãy rửa, những bàn tay trên vầng trán của nhân loại đang cày, mà xưa nay chỉ dùng roi vọt, mặc cho việc làm tốt đẹp của những người hành động thanh cao.
Hãy rửa sạch, Mưa Rào, hãy rửa lịch sử của giống nòi, bộ tộc, những ký ức thành văn, những bộ sử nghìn năm, những truyền thuyết, những phát minh… Hãy rửa sạch những bản hiến chương, những sắc lệnh của vua chúa, giáo hoàng, những hiệp ước liên minh, những bài tranh luận.
Hãy rửa sạch, Mưa Rào! Những lời vĩ đại trong trái tim người, hãy rửa sạch những lời nói muôn đời, những lời tiên tri, những lời cầu nguyện, hãy rửa sạch trong tim những lời vui sướng, những điệu ngân nga, những khúc bi ca, những rông-đô, những nghịch lý, những lời trái ngược, hãy rửa sạch những đêm dài mơ ước, những đêm không ngủ vì nhận thức, hãy rửa sạch ngày khánh tiết của trí khôn, hãy rửa sạch những tài năng, những tâm hồn chứa đầy khát vọng… và những sự nghiệp lớn lao trong trái tim người.
VIII
Mưa rừng ngập mặn mang vòm lá của rễ cây từ Thành phố, ngọn gió trời mang ý nghĩ của người phiêu lãng đến cùng ta
Và ý nghĩ này sẽ không giã từ ta! Nhưng sẽ không chối từ sự thật đắng cay như một nắm tro tàn cát bụi
Và trên mái nhà của ta sẽ còn lại mãi, những ai biết nghe theo sự xuất hiện của Mưa, hành cước của đất đai trong những cây gia to nhỏ thầm thì, là biểu tượng và là dấu hiệu của sự diễu hành sột soạt.
Những hứa hẹn suông! Mùa gieo hạt đổ dồn ra uổng phí! Làn khói đang trải lên con đường của người trần thế!
Tia chớp bên ngưỡng cửa! Còn ta đứng ở ngoại ô thành phố với đôi mắt buồn bã nhìn về
Vĩ đại những cơn mưa – dưới cái roi quất của tháng Tư, những bộ lưng lấm đầy đất bụi – những cơn Mưa Rào vĩ đại, giống như những kẻ cuồng tín Flagellants(12), roi da vút lên, dằng dặc cả một đoàn trong cơn mê sảng.
Còn ta chỉ một mình trần truồng với đất đai trần như nhộng, với cơn u mê đã chín, với mùn đất đang thức dậy trong hơi nước bốc hơi
Những ốc đảo của đất đai xếp thành những cặp song đôi trong những mầm cây dương xỉ, trong mảnh vỡ của đá hoa cẩm thạch, trong hài cốt của ma-môn(13)
Và thân xác của hoa hồng bị cơn gió làm mòn, mùi đất đai bốc lên, giống như người phụ nữ đã trở thành phụ nữ.
Và thành phố như lóa mắt vì ánh chớp của một trăm nghìn lưỡi dao mờ tỏ, chuyến bay của đại bàng sáng lên trên biển Labrador(14), còn bầu trời trong chiếc chén của những đài phun có hình thù đập vỡ
Con heo vàng trong cây cột của mặt trời đang tan rã trên quãng trường ngái ngủ, chất khoáng hồng đơn đang hoan hỉ trên cửa chính môn, và trong bờ giậu của khu vườn một chiếc bóng màu đen đã đứng dậy trong những bàn chân màu bạc
Những góa phụ trẻ trung đang ấp ủ một niềm khao khát, trong băng tang màu đen, như trong mộ phần, những bình đựng di hài có màu tái nhợt.
Và ngọn gió đang lượn trên chiếc lược của ngôn từ, trên những bờ môi của trường ca bọt mép đang sôi lên âm ỉ
Đang lấp lóe những ý nghĩ vô cùng mới mẻ và lùi lại trước nhịp bước của nghĩ suy:
“Ôi bài hát diệu kỳ, ôi bài hát diệu kỳ, ôi diệu kỳ biết bao bài hát của những cơn Mưa Rào đã chết”, nhưng, Mưa Rào! Còn câm nín biết bao bản trường ca của ta hãy còn chưa viết hết!
IX
Đêm đã đến đây, và những cánh cổng bây giờ đóng chặt, ôi thật nặng nề biết bao những giọt nước trời trên những vòng nguyệt quế ẩm ướt của Latinh!
Trên mũi giáo phiên bản của ý nghĩ các người có chất khoáng kim cương! Hãy đập vỡ những gông xiềng, hãy đánh gục những linh hồn của những con rồng có cả trăm con mắt kinh hãi
Ôi Chúa Trời vĩ đại, tiếng cười của chúa tể, xin hãy phá cho tan tành những náo loạn hôm nay ở chốn trần gian.
*
Và nhất định sẽ có niềm vui sướng hân hoan, ôi Chúa Trời vĩ đại, trên ngưỡng cửa hao gầy của cuốn sách mòn mỏi, nơi tiếng cười của ta sẽ làm cho kinh hãi những con công màu xanh của sự vinh quang.
1943
___________________
(1)Đấu sĩ của thành Rôm (Gladiatores) – những người đấu kiếm với nhau hoặc với thú dữ trên khán đài. Thời Đế chế La Mã, những kẻ trước khi bước vào cuộc đấu hô to: “Ave Caesar, moritori te salutant” (Hoàng đế tối cao, những kẻ đi vào cái chết xin kính chào). Trò đấu này xuất hiện từ thế kỉ 3 tr. CN và đến đầu thế kỉ 5 thì bị cấm.
(2)Tabor – tên gọi một nhóm người Digan du mục. Sibyl (Sibylla) – xem chú thích ở bài Những mốc trên biển.
(3)Andes – dãy núi ở Nam Mỹ.
(4)Assur (Ashur) – người sáng lập ra vương quốc Assyria và Nineveh cổ đại. Đây cũng là một tích trong Kinh Thánh (Cựu Ước_E-xê-chi-ên, chương 23).
(5)Dido – theo thần thoại Hy Lạp, là con gái vua Tyre, nữ hoàng của vương quốc Carthage cổ đại.
(6)Cortez (Cortes), Hernando (1485 – 1547) – nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, người chinh phục vương quốc Aztec ở Mêhicô.
(7)Vestal (Vestale) – xem chú thích ở bài Những mốc trên biển.
(8)Toledo – thành phố ở Tây Ban Nha, nổi tiếng với nghề luyện kim và đúc gươm giáo.
(9) Habsburger – dòng họ cai trị ở nước Áo từ năm 1282 – 1918; ở Tiệp và Hungari từ năm 1526 – 1918; ở Tây Ban Nha từ năm 1516 – 1700; ở Hà Lan từ năm 1477 – 1794.
(10)Caravella (tiếng Italia) – thuyền buồm đi biển có mạn tàu cao, phổ biến ở các nước vùng Địa trung hải từ thế kỉ 13 – 17. Colombo (1451-1506) vượt Đại Tây Dương bằng thuyền này và Vasco da Gama (1469-1524) - người đầu tiên đi từ Lisbon đến Ấn Độ cũng bằng thuyền này.
(11)Theo Kinh Thánh, những giọng oang oang của lính Israel đã làm cho đổ những bức tường kiên cố của thành phố Jericho.
(12)Flagellants – những người theo một giáo phái cuồng tín thời Trung cổ ở châu Âu, hành đạo bằng cách dùng roi da đánh vào mình để chuộc lỗi lầm.
(13)Ma-môn – theo Kinh Thánh là thần giàu có (Tân Ước_Ma-thi-ơ 6:24; Luca 16:13).
(14)Labrador – tên một bán đảo, tên một biển ở Canada.
NHỮNG MỐC TRÊN BIỂN
(Trích)
Tiếng hoan ca
1
Ôi Biển, Biển xướng lên những giấc mơ đồ sộ, chẳng lẽ có một lần trong một buổi hoàng hôn nào đó ngươi bỏ lại ta nơi thành phố, trên tảng đá, quanh bờ dương liễu có hình hoạ tiết sắc đồng?
Rộng hơn đám đông, cái vòng này quyến rũ ta trên bờ dốc của thế kỉ hoàng hôn không tắt - ôi Biển lớn, Biển màu xanh, tựa như bình minh ở Phương Đông của người trần.
Biển khoan khoái, tưng bừng, Biển trong thang bậc của mình, cao hơn bài tụng ca khắc trên đá, Biển trong ngày lễ và ngày lễ này trong buổi giao thời, ngày lễ và tiếng rì rào với con người như nhau – Biển không hề ngủ mà như kẻ canh giấc ngủ cho người…
Hoa hồng trên mộ đã không còn toả mùi hương và linh hồn lạ lùng của mình giờ sống động đã không còn mở ra giữa những cành lá cọ… Và có phải ta đã từng đắng cay một lúc nào đó, hở những con người, những con người đang sống, trên môi?
Ta nhìn thấy trong vũng tàu như ngọn lửa xa xôi một hình thù đồ sộ đang mỉm cười, đang nghỉ – Biển giờ đang hoan hỉ tựa như ngày Thánh lễ, trong hoa cỏ màu xanh, tựa như ngày lễ mà ta kỉ niệm cho mình.
Biển khắp mọi nơi đang vui mừng dưới đôi cánh chim ưng của những đám mây màu bạc – như vị thái ấp quí tộc, thuế má không phải nộp hay như vị chúa đất với những cánh đồng rộng lớn mênh mông…
Ngày ta sinh ra ngọn gió hãy mang hơi nước! Sự hào phóng của ta chinh phục cả khán đài nhà hát!.. Những ngọn giáo phương Nam run rẩy, háo hức trước miền khoái lạc. Tiếng trống của cõi hư vô nhường chỗ cho tiếng sáo trần gian. Và từ bốn phía Đại dương đã tàn héo những bông hồng.
Trên gác sân màu trắng đặt hình nghiêng của Ngài Tetrarch!(1)
2
“Ta bắt các người phải khóc – vì chúng ta tỏ lòng biết ơn.
Khóc vì biết ơn, không phải vì đau khổ.
Vì sự bối rối trong tim, ngọn nguồn ta không rõ
Như phút giây trên Biển trước khi ngọn gió ra đời..”
Người của Biển đã thay mặt Biển nói những lời
Ca ngợi Biển, ca ngợi tình yêu và khát khao có Biển
Từ bốn phía chân trời ngọn nguồn khoái lạc về Biển kia hướng đến…
“Ta kể cho các người nghe câu chuyện cổ, các người hãy nghe ta
Bằng từ ngữ giản đơn như câu chuyện cổ ngày xưa
Những lời nghiêm khắc nhưng trang nhã, giản đơn, câu chuyện của ta sẽ làm cho các người mừng vui khôn xiết.
Dù câu chuyện này con người muốn được nghe mà không biết gì về cái chết
Câu chuyện với vẻ tươi mát của mình sẽ đi đến với những con tim
Dù câu chuyện là lòng thương, là ngọn gió dịu dàng từ Biển thổi lên bờ trong buổi chiều lấp loá.
Và trong số các người có kẻ ngồi trên cây lắng nghe câu chuyện của ta buồn bã
Liệu còn có ai mà không đứng dậy và không bước theo ta với một nụ cười
Rồi đi vào tổ rồng của tuổi ấu thơ và đi vào tiếng bánh xe đưa đám vang lên ở chốn xa xôi”.
3
Thơ ca, là để hòa theo tiếng thét gào của Biển.
Thơ ca, là để phụ họa cho bài hát diễu hành xung quanh Biển.
Như sự chuyển động của bàn thờ, như sức hút của dàn đồng ca, đổ xuống những dòng thơ.
Đó là bài ca vĩ đại mà trước đây chưa từng hát bao giờ, và Biển ở trong ta, Biển sẽ hát bài ca
Ta mang Biển trong mình, Biển sẽ hát lên cho đến chừng nào ta còn thở
Biển ở trong ta, Biển sẽ hát ca, mang vẻ tươi mát của mình và tiếng động dịu êm truyền đi khắp vũ trụ.
Thơ ca là để kìm nén cơn xúc động của đêm trên Biển. Thơ ca, là để ta tận hưởng cuộc đời ta với Biển.
Và đó là giấc mộng từ Biển sinh ra mà trước đây chưa mơ thấy bao giờ, và Biển sống trong ta, Biển sẽ bơi trong giấc mộng.
Biển giăng lưới trong ta, Biển sẽ bơi đến tận cùng vực thẳm, Biển giăng thời gian và những con đường vĩ đại của bóng đêm.
Biển liều lĩnh, vô tâm, Biển hân hoan chào đón, Biển rì rào hối hận, ôi Biển trong con nước triều dâng.
Biển réo ầm ầm trong màu nước thanh thiên, trong trí tuệ bẩm sinh, trong tiếng kêu thần thánh của mình - ôi những nàng trinh nữ!
Như thầy bói Sibylla(2) trong vòng hoa ngồi trên chiếc ghế sắt của mình, Biển sôi ầm ầm trắng xoá…
4
Ô Biển, ta ca tụng Biển, Biển còn đến muôn năm, Biển không biết giận hờn và luôn luôn xứng với lời ca tụng.
Ta mời Biển đến, Biển là khách quí của ta, còn nói về công lao thì ta im lặng
Và không nói một lời về Biển mà ta chỉ nói về sự trị vì của Biển ở trong tim
Như khi ta dâng cống vật bằng xương voi, bằng đá hoa cương
Và lời ca tụng của mình lên chúa đất Suzerain.
Ta chào Biển, trước Biển ta phủ phục, cúi mình mà không thấy thấp hèn
Ta trao cho Biển ân huệ của mình và trước Biển thân thể rung lên
Và khói của sự hài lòng bao phủ lên trí thông minh của người hâm mộ
Và niềm vui từ đó, rằng đã có những lời để với một nụ cười ta nói lời cảm tạ
Và ta kính cẩn trước Người, ôi Biển, ta chào đón Biển quang vinh, rằng sẽ còn lâu trong kí ức của Biển giữ gìn, tựa hồ như ngày lễ của con tim…
5
Mà bởi vì đã từ lâu ta mong ước kín thầm về một trường ca như thế, ta thêm vào những lời thường nhật của mình bức tranh có màu sặc sỡ, vẻ huy hoàng của bao la biển cả – nơi mép rừng giữa màu đen của lá hiện ra mạch máu của thanh thiên và trong những mắt lưới sống động rung rinh có chiếc vảy của con cá vô cùng to lớn!
Và liệu ai có thể chộp được ta bất thình lình cùng với những lời nói kín thầm đằng sau sự bảo vệ đáng tin của nụ cười nhã nhặn? Nhưng giữa những người thân và bè bạn từ lưỡi của ta bỗng tuôn ra những thứ quí hiếm kia – có thể là ở trong góc Vườn thành phố, hay ở trong những hàng rào chạm trổ của Cơ quan Hành chính Quốc gia, hoặc có thể là, có ai đó nhìn ra, giữa những câu nói hững hờ ta đột ngột quay lưng và nhìn về trên ngôi nhà Cơ quan quản lý tàu bè có một con chim đang nhẹ nhàng bay lướt.
Bởi vì trường ca này đã từ lâu ta mơ ước và ta mỉm cười hạnh phúc, bởi vì ta giữ gìn sự chung thủy với trường ca – ta nắm bắt, ta sửng sốt, ta say sưa giống hệt như chú san hô và lắng nghe theo nhịp của thủy triều lên xuống – giống như giờ nửa đêm lang thang trong giấc mộng, giống như sự dâng lên chầm chậm của dòng nước chiêm bao, khi từ chốn xa xôi dòng nước thủy triều vuốt ve lên những dây thừng rất cẩn trọng.
Và từ đâu mà trường ca như thế hiện ra trong đầu – thì đấy là điều đáng để cho ta suy ngẫm. Nhưng mà những trường ca mang lại cho ta niềm vui sướng hân hoan, chẳng lẽ điều này lại còn ít ỏi chăng? Nhưng mà thôi, lạy Chúa! Có lẽ ta phải giữ mình, phòng bị một khi cuộc chuyện trò chưa rẽ quá xa xôi… Hãy nhìn kìa các người, hãy nhìn ra đường phố, hãy nhìn vào chỗ rẽ, những cô con gái đẹp tuyệt vời của Sao chổi Halley, những vị khách của bầu trời trong trang phục của những nàng Vestale(3) bị bầu trời đêm quyến rũ, trong khoảnh khắc họ biết giữ mình giữa bàn tay, trên vòng xoay của hình elíp ấy.
Phu nhân của cuộc hôn nhân không hề môn đăng hộ đối vẫn giấu mình trước người đời ở một nơi xa xôi nào đấy. Ô Biển, bài hát đăng quang cho Biển sẽ là như vậy: “Bài hát cuối cùng của ta! Bài hát cuối cùng của ta!… và người của Biển bài ca này sẽ hát…” Và ta đề nghị những ai không phải bài ca thì sẽ là người chứng kiến cho sự tốt lành của Biển – Biển không có những bức tường, Biển không có hành lang, không khúc hát Aliscans(4), không cổng chính trang nghiêm, Biển không có những đại thần trên những sân gác hình tròn và không có trên những con đường những con thú dữ dằn có cánh.
Ta nhận về những trường ca và nhận về cho mình trách nhiệm. Giống như người hiểu ra sự bắt đầu của sự nghiệp lớn lao theo lời hứa hẹn đã viết ra và giải thích những lời, và điều này Hội những người trao tặng sẽ thỉnh cầu thôi, vì rằng công việc này chính là sứ mệnh. Và sẽ không một ai biết khi nào và ở đâu người này đã viết; thiên hạ sẽ nói với các người rằng đấy là ở khu phố có những kẻ nhẫn tâm và khắc nghiệt, mà có thể là ở khu phố của những người đúc thép – trong giờ nổi dậy của nhân dân – giữa những hồi chuông gọi người ta dập lửa, và tiếng trống báo thức giờ sớm sủa của đồn binh…
Và sáng ra Biển Mới trên vách đá cười lên. Và trên trang sách của người này, giống như một chiếc gương, đang ngắm nhìn một Người Đàn Bà Xa Lạ… Bởi vì đã từ lâu người này mơ ước kín thầm một trường ca như thế, người ấy nhìn ra sứ mệnh của mình trong bản trường ca… Thế rồi trong một buổi chiều vẻ dịu dàng không thể chịu nổi kia làm cho người này chìm nghỉm, thế là người này dám cả gan thú nhận và cảm thấy sốt ruột vô cùng. Người ấy bỗng cười lên và đưa ra lời đề nghị… “Bài hát cuối cùng của ta! Bài hát cuối cùng của ta!… và người của Biển bài ca này sẽ hát!…”
______________
(1)Lãnh chúa Hi Lạp cổ.
(2)Sibylla (Sibyllae) – những người phụ nữ có tài tiên tri. Nổi tiếng nhất là Sibylla ở Cumai (Cumis), người đã xem bói cho Aineas.
(3)Vestale (Vestal Virgins) – theo truyền thuyết La Mã, là những nàng tư tế của nữ thần Vesta, những người giữ gìn ngọn lửa thánh. Những trinh nữ xinh đẹp được chọn từ những gia đình quí tộc Roma và họ phải phụng sự cho nữ thần 30 năm, ai vi phạm lời nguyền sẽ bị chôn sống.
(4)Khúc hát Aliscans – bản anh hùng ca của Pháp do tác giả vô danh sáng tác vào khoảng năm 1165.
15. SAINT JOHN PERSE
(Bài viết của Roger Garaudy)
Một nhân vật của Claudel(1) đã đưa ra định nghĩa về thơ ca như sau:
Con trai ơi! Khi giữa mọi người cha là thi sĩ
Cha sẽ viết bài thơ không kích cỡ, không vần
Và sẽ nhận thức ra trong sâu thẳm tâm hồn
Cả năng khiếu, thiên chức từ hai phía
Thu nhận về mình cả cuộc đời trần thế –
Rồi tạo nên những lời ai cũng hiểu ra.Trong định nghĩa này bao hàm vấn đề mà thơ của Saint John Perse đặt ra, nói đúng hơn là sự thách thức: mối liên hệ nào giữa thế giới bên ngoài, giữa cuộc đời mà nhà thơ thu nhận vào mình với những lời mà nhà thơ tái tạo trong tác phẩm của mình?
Đi tìm hiểu thơ Saint John Perse – trước hết là tìm hiểu qui luật của sự biến hoá, sự thể hiện này.
***
Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, vì chúng ta đi nói về nhà thơ vẫn khăng khăng phủ nhận mối liên hệ giữa địa vị xã hội và sáng tạo của mình. Và nếu chúng ta tin vào lời ông thì không thể xác định được mối liên hệ nào giữa cuộc đời của Alexis Leger, người mà trong một thời gian dài, dưới nhiều chính phủ khác nhau, thực tế là người sáng tạo chính sách ngoại giao của nước Pháp và những trường ca của Saint John Perse.
“Điều quan trọng, xin đừng trích dẫn xuất xứ về hoạt động ngoại giao của tôi - ông viết cho M. P. Fouche năm 1948 – không phải vô tình mà tôi dùng bút danh và luôn luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân. Thực chất, đi xác lập một sự liên hệ nào đấy giữa Saint John Perse và Alexis Leger nhất định sẽ làm sai lệch cái nhìn của bạn đọc và rất có hại cho bạn đọc trong việc cảm nhận thơ tôi”.
Chúng ta buộc lòng phải từ chối những đòi hỏi này, vi phạm điều cấm chỉ này để cố gắng mở ra ý nghĩa tác phẩm của một trong những nhà thơ lớn nhất thời đại chúng ta.
Vì rằng, những gì mà tác phẩm xác nhận quan trọng hơn ý muốn của tác giả. Mà trước hết, rõ ràng là toàn bộ chất liệu tạo nên thế giới thơ Saint John Perse (tôi nói chất liệu chứ không phải qui tắc xây dựng của ông), được lấy từ kinh nghiệm sống của Alexis Leger. Sự lựa chọn hình tượng, từ ngữ để thể hiện nó, nguyên tắc chọn lựa và phong cách thể hiện của toàn bộ những ấn tượng giàu có, kỳ lạ, của những hoài niệm, những khát khao để tạo thành trường ca – tất cả những điều này cũng được khai thác từ cuộc đời ông.
Đó là tuổi thơ của hoàng tử trên một hòn đảo của quần đảo Antilles(2), một hòn đảo nhỏ mất hút trong biển Caribê, “ở đó nước xanh lên dưới ánh mặt trời”. Ở đây, trên hòn đảo thần tiên này, tuổi thơ của ông trôi đi giữa những vẻ đẹp được tạo nên bởi thiên nhiên và bàn tay con người, những vẻ đẹp lạ kỳ và huyền diệu. Như chiếc thuyền buồm bị cơn bão ném lên giữa hòn đảo, cậu bé sống giữa miền cây cối sum suê của vùng nhiệt đới và chính nó đã tạo nên cái thế giới cầu kỳ của tuổi thơ ông…
Không chỉ tuổi thơ hoàng tử của ông mà cả nghề nghiệp hoàng tử của ông đã cho phép ông làm nên những cuộc du hành đi qua sa mạc Gô-bi hay bơi trên biển Ấn độ dương, và chuyến lưu đày sang nước Mỹ (khi Petain(3) buộc ông từ chức), đã mở rộng thêm phạm vi của những ấn tượng và sự hiểu biết về hành tinh của chúng ta. Nghề nghiệp hoàng tử, hoàng tử - khách viễn du trên biển, đi qua nhiều xứ sở, thu thập được nhiều dấu tích và chứng kiến tầm vóc những con người của các nền văn hoá cổ xưa, các nền văn minh đã mất, và từ đó mà suy ngẫm về sức mạnh của quyền lực, về sự lưu đày, về biển, về sa mạc, về nỗi giận dữ, về niềm hy vọng, về bài ca được cất lên từ lòng người.
Ngôn ngữ của nhà thơ mang trong mình dấu vết cuộc đời ông: từ việc lựa chọn màu sắc và cây cối của tuổi thơ đến những hình tượng và từ vựng dùng trong công sở, cả những dòng chữ đề, những khẩu hiệu treo trên tường.
Điều này giúp chúng ta hiểu rằng tại vì sao Saint John Perse đòi hỏi sự phân biệt rạch ròi giữa thế giới mà ông sống với thế giới mà ông tái tạo trong thơ - mặc dù chất liệu trong cả hai trường hợp kia chỉ là một, còn qui luật chi phối cuộc đời thì không chỉ khác mà còn trái ngược với nhau: con người này là một và chia đôi. Cuộc đời ông là một tổng thể thống nhất nhưng qui luật cuộc đời thì mâu thuẫn.
***
“Tôi luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân”. – Saint John Perse đã viết vậy. Con người chia làm hai nửa này thuộc về thời đại của mình, thời phân chia con người…
Ông lãnh đạo nền ngoại giao Pháp trước chiến tranh thế giới thứ II – những năm này nước Pháp đã mất đi vai trò một cường quốc. Ông sống qua cơn hấp hối này, sự suy tàn này. Chúng tôi không có ý định phân tích ở đây vai trò cá nhân hay trách nhiệm của ông về việc này. Chỉ lưu ý rằng trên cơ sở hiểu biết trong tác phẩm của ông có một sự nhận thức về sự phá sản này. Chia sẻ quan điểm của Briand(4), người mà ông là một cộng tác viên gần gũi, Leger từ năm 1933 luôn theo dõi “sự lộng hành của chủ nghĩa Hitler”.
Những thế lực giai cấp và mối quan hệ lẫn nhau của nó đã dẫn đến việc phản bội quyền lợi dân tộc và sự thất bại năm 1940 chưa từng có mặt trong dự đoán của nhà ngoại giao nhưng nhà thơ đứng lên chống lại bộ máy này, cái bộ máy mà ngài tổng thư ký của Quai d’Orsay(5) là một mắt xích quan trọng. Ông cảm nhận hết tất cả áp lực của thói ghẻ lạnh đã thành một trò chơi của những thế lực thù ghét ông, đe dọa tiêu diệt ông. Ông bắt đầu nghi ngờ cả thể kỷ lịch sử của con người. Thất bại năm 1940 thô bạo mở ra trước mắt ông sự bất hoà sâu sắc và thói ghẻ lạnh này. Và thế là sinh ra những trường ca tuyệt vời nhất của Saint John Perse. Phản ứng đầu tiên của ông là sự đoạn tuyệt, là sự từ chối. “Và sẽ không bao giờ còn nữa cùng ta những gì ưng thuận, bằng lòng xưa đã có” - ông viết trong “Những ngọn gió”.
“Ô, những niềm hy vọng quá lớn lao ta đã đặt vào bước chân của người trên đá! Ô, ta đã tin một cách ngây thơ quá độ, rằng đằng sau cái mặt nạ ẩn giấu gương mặt con người!”
“Cả trăm năm mờ mịt khói sương vì đã tắt lịch sử”.
“Và không lẽ các người chẳng nhìn ra, rằng tất cả bỗng nhiên sụp đổ, rằng cả trục, cột buồm và dây rợ, rằng cả cánh buồm trùm lên gương mặt của lòng tin, rằng cả tấm vải cánh buồm của sự hư không và cái vẻ bên ngoài giả dối? Và rằng đã đến thời gian cuối, đành mang rìu búa chạy lên boong?”
“Tất cả đành làm lại từ đầu. Tất cả đều nói lại. Và ánh mắt sắc như lưỡi hái trên tài sản sẽ đưa qua đưa lại”.
Ý cuối cùng rất đặc trưng và hoàn toàn chẳng vô tình; tài sản mâu thuẫn với sự tồn tại. Trong trường ca “ Những mốc ngoài khơi” ông viết: “Nhưng tự hào về cuộc đời mình hãy còn chưa thành tập quán, niềm kiêu hãnh hãy còn đi đó đi đây, và ta hãy còn chưa có nó trong tay”.
Đấy là đề tài trung tâm, đề tài về sự ghẻ lạnh, qui luật chính mà K. Marx(6) đã rút ra như vậy: “Tồn tại của anh càng bé… thì tài sản của anh càng lớn…”. Thế giới của tài sản, của sở hữu, thế giới của sự ghẻ lạnh, nơi mà những quan hệ con người nhìn theo bề ngoài là khó hiểu, là thù địch với ông và chúng thống trị ông. Thế giới “vật chất hoá” này đặt toàn bộ gánh nặng của mình lên con người và cản trở sự phát triển của tồn tại.
Mâu thuẫn này xuyên suốt toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản, từ Goethe(7) đến Saint John Perse.
Bi kịch của Saint John Perse là bi kịch của sự chia đôi một cá nhân đã thành lẽ tất nhiên của cái thế giới nơi mà ông sống và giai cấp của ông: hoạt động xã hội của mình ông không thể làm thành đối tượng của thơ ca, còn thơ ca của mình không thể biến thành hành động. Cuộc đời của ông không thể thi vị hoá hoạt động, không trở thành hiện thực của thơ ca.
Sự phân đôi này thể hiện sự phân đôi của cả một thời đại, tính chất hai mặt của toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản mà kết quả cuối cùng là sáng tạo thơ ca của Saint John Perse. Thơ ông - đấy là mặt trái của hoạt động, là mặt đối lập, mâu thuẫn, đồng thời là sự giống nhau. Bài học cay đắng của “Anabase” là không thể trở thành người chinh phục thế giới này, tuy nhiên “…về người anh em, nhà thi sĩ, người ta sẽ nhận được tin”. Ở nơi kết thúc hành động thì bài ca được bắt đầu: “ và người kể chuyện ngồi dưới gốc cây già”.
***
Sáng tạo của Saint John Perse là bậc cuối của sự tiến hoá thơ được bắt đầu từ thế kỷ XIX. Trước đó người nghệ sĩ không nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới bên ngoài hay bên trong thiên nhiên để làm hình mẫu cái hiện thực mà nghệ thuật phải tái tạo bằng những phương tiện của mình.
Chủ nghĩa lãng mạn nghi ngờ tiền đề này.
Người nghệ sĩ trở nên bàng quan với đối tượng khi mà những thứ như truyền thống, xã hội, ngôn ngữ ấn định, hoặc làm cho anh ta bất động. Hậu quả bất di bất dịch của sự hờ hững với đối tượng là ý nghĩa lớn hơn cả chủ thể. Nhiệm vụ của sáng tạo là không chỉ kể về thế giới mà còn tạo nên một thế giới khác. Thơ ca, theo ngữ nguyên của từ này, trở thành sự sáng tạo chân chính. Sự hình dung thơ ca học được ở Đức Chúa Trời tiếp tục sự nghiệp sáng tạo.
Thiên nhiên, đã đành, mang lại sắc màu, hình thái, vẻ bề ngoài của sự vật, nhưng chỉ là nguyên liệu. Phủ nhận trách nhiệm tái tạo, sao chép vật thể, người nghệ sĩ tách những yếu tố hiện thực khỏi thói quen, khỏi ý nghĩa chung và từ đó tạo nên một thế giới khác.
Quả thực, quay mặt khỏi cái hiện thực mà họ chối bỏ, người nghệ sĩ và nhà thơ mù quáng tuân theo qui luật lịch sử của sự phát triển và những mâu thuẫn bên trong của nó.
Lautreamont(8) khát khao “chống lại trời” hay Rimbaud đả phá “thời giết chóc” đã đi tìm lối thoát từ những mâu thuẫn giữa cuộc đời và thơ ca. Rimbaud không có khả năng sống cuộc đời của một con người và một nhà thơ ở nước Pháp, nơi những người công xã ca khúc khải hoàn đã chấp nhận im lặng và sống cuộc đời vất vưởng của kẻ phiêu lưu ở Harare. Nerval trở nên điên cuồng và tự tử. Baudelaire đi tìm những thế giới khác vì không đủ sức để sống trong thế giới này, giống như albatros của mình hay thiên nga buồn Mallarme. Jarry tạo nên hình tượng “Ubu roi” với tiếng cười trầm, đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu “qui luật điều hành những ngoại lệ và sự giải thích vũ trụ xung quanh thế giới này”.
Họ mỗi người mỗi vẻ, những tài năng khác nhau, và tất cả họ, từ những người lãng mạn đến những người siêu thực đều thuộc về một thế hệ, một giống người, mà đối với giống người này tất cả những gì tồn tại đều là thường lệ. Họ nhìn thấy vẻ hùng tráng trong sự từ chối mọi thực dụng về quan niệm xã hội (không nhận thức được rằng trong nền tảng của nó là xã hội tư bản chủ nghĩa) và trong sự tạo dựng vũ trụ của con người. Saint John Perse thuộc về thế hệ này, giống người này.
Đạt đến định đề cuối cùng, làm thành hình thức về sự có mặt của con người trong cuộc đời, thơ ca thay thế cho ông triết học.
***
Tất cả được bắt đầu từ sự phủ nhận và nổi loạn, từ sự nhận thức rằng thế giới này xa lạ với con người: “Ta mong muốn đoàn tụ, chung sống với con người nhưng mặt đất với tâm hồn lạ lẫm, xa xôi lại khát khao ly biệt”, từ sự nhận thức rằng “cuộc đời này điên rồ, mù quáng”. Thế giới này của những gã con buôn, nơi mà “những quốc gia được đem ra bán mua dưới mặt trời lạm phát, những cao nguyên thuần phục, những miền đất được đẩy giá lên cao sau hương thơm ngát của hoa hồng”. “Còn sau đấy hiện ra những kẻ bán buôn và đổi chác. Những người từ xa xôi đến với chủ tâm lừa lọc. Và đi sau họ là những cảnh sát lành nghề và những nhà luật pháp…
Và đi theo sau họ – những sứ giả của giáo hoàng đi kiếm tìm những doanh thu béo bở…
Còn ta mơ màng giữa những kẻ huyên hoang như Thượng Đế!”
“Những cuốn sách đọc xong vẫn kín mít như bưng trong giấc ngủ – lẽ nào lại thế? Hy vọng ở đâu, lối thoát ở nơi nào?… Sự cao thượng, thanh cao – chỉ là giả dối!… Chức vô địch, đứng đầu – là sự phản bội!…
Và danh dự giã từ những đầu óc nổi tiếng nhất trần gian…”
Trong con mắt của Saint John Perse cả thế giới này lang thang và đang sụp đổ. Và đó là thế giới của ông.
Perse không tìm cách trốn chạy hay ẩn náu trong một tháp ngà nào đấy.
Con người này không tin vào Thượng đế nên không thể, khác với Claudel, đi tìm ý nghĩa cuộc đời ngoài bản thân mình.
Tuy nhiên, không một phút giây ông để mất lòng tin vào cuộc đời, vào con người, vào tương lai. Trên đỉnh điểm của tai họa ông giữ một sự lạc quan vô bờ bến, một lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của con người, của những nền văn minh và thành quả của nó. Ta gặp ở ông một sự nhiệt tình có tính chất dự báo, khác với với những người lãng mạn trước năm 1848, lòng tin nhân hậu của Edgar Quinet(9) trong “Assuerus” – thì đã gần gũi với ta – và cảm xúc sử thi cao cả của con người đã cổ vũ cho Walt Whitman và Emile Verhaeren.
Lòng tin này có nguồn gốc từ xa xưa, khi con người sống trong hoà hợp với thế giới sự vật, khi còn sự thống nhất với vật chất có trong danh dự của con người, điều mà Perse có được từ thiên đường của tuổi thơ… “Quê hương tuyệt vời lại một lần nữa cần chinh phục, quê hương tuyệt vời của Vua từ xưa ta không nhìn thấy và vật bảo bối kiêu kỳ ở trong bài hát của ta”.
Thơ của Saint John Perse bắt đầu từ tiếng reo vui, từ tình yêu cuộc sống mà giá như ông là một tín đồ thì sẽ thành lời cầu nguyện và mãi mãi sẽ là “Tụng ca”, như tên ông đặt cho tập thơ đầu tay của mình. “Đấy là cái tên gọi tuyệt vời - ông viết cho Andre Gide(10) – mà tôi sẽ in một hoặc nhiều tập, không bao giờ tôi muốn một cái tên khác”.
Phẩm chất cao cả nhất - đó là sự gắn bó say mê với cuộc sống trong những thay đổi của nó: từ sự lên men của sinh lực trong cơ thể ta đến cảm giác vũ trụ của năng lượng con người, những thứ kích thích lịch sử, mang lại cho con người lòng tin vào tương lai.
Quả vậy, sáng tạo thơ ca của Saint John Perse có vẻ như một trường ca lớn, một bộ sử thi thống nhất về con người, thu nhận trong đó tất cả kinh nghiệm của mình, tất cả các nền văn minh, “huyền thoại bao thế kỉ” theo thước đo của thời đại chúng ta, cho phép ta cảm nhận, cho ta sống bằng ngọn gió trên biển lịch sử và với cảm giác tự hào ta tham dự vào những chuyển động này…
Yếu tố trung tâm trong thế giới quan của Saint John Perse là ý tưởng hình thành của Heraclitus(11) – liên tục huỷ diệt và liên tục sinh ra. Qui mô hoàn vũ, hình thức sấm ngôn, trường ca của nhà tiên tri Heraclitus gần gũi nhất với sáng tạo của Saint John Perse.
“Thế giới là một thực thể thống nhất – Heraclitus viết – không do một ai trong số các thánh thần hay con người tạo nên mà đã, đang và sẽ mãi mãi là ngọn lửa sống, theo qui luật cháy lên và theo qui luật lụi tàn… Dù anh có đi theo con đường nào đi nữa thì giới hạn của tâm linh anh không thể tìm ra… Đối với người sảng khoái tồn tại một thế giới thống nhất chung, còn người đờ đẫn sẽ rơi vào trong thế giới của riêng mình…”
Những câu trích từ tác phẩm của Heraclitus Ephesus gợi nhớ lối tư duy và phong cách của những câu châm ngôn trên những bức tường cổ – những tượng đài của những nền văn minh đã mất. Những trích đoạn mà Saint John Perse có vẻ đã giải mã và tái tạo lại trong thơ mình, truyền vào trong đó hơi thở của cuộc sống mới và tuổi trẻ. Trong con người có sự hồi hộp của biển và của gió. Tên gọi những tác phẩm lớn nhất của Saint John Perse là những trường ca về biển và về gió - đó là những lời bóng gió của con người không biết đến giới hạn. “Và không nói gì về biển mà ta chỉ nói về sự trị vì của biển ở trong tim”. “Những kẻ du hành vĩ đại của công việc, của ước mơ, những kẻ chuyện trò luôn khát khao những miền xa thẳm”. “Những kẻ phiêu lưu, mạo hiểm của tâm linh”. “Những kẻ đi kiếm tìm những con đường tự do và nước”.
Biển là chủ đề chính trong tác phẩm của Saint John Perse, cũng giống như tác giả của Odyssey vậy. Biển là nhu cầu, là khát vọng, biển là vô tận, vô cùng…
Biển - đó là lời kêu gọi mở ra những vùng đất mới cho những người đi chinh phục: “Ô biển Balboa(12)!... Biển rực sáng, chói lòa, biển của bài ca sức mạnh, biển xa hoa, sang trọng, nơi mỗi buổi chiều có một người thả con ngựa xốn xang… Nhưng giá như tất cả ta đều biết được rằng cả cuộc đời ta – chỉ là một chuỗi luân phiên quay về những gì đã biết?
Ô ký ức, ngươi luôn vượt quá ta, ngươi đầu tiên đặt chân đến bến bờ chưa một ai nhận ra, nơi mà ta chưa bao giờ có mặt”.
Biển là khát vọng của con người không biết đến giới hạn. Con người không có Thượng Đế, chỉ là con người nhưng không biết đến giới hạn: “Nào, hãy đi tiếp nữa, đi tiếp nữa – thử còn có điều gì ngoài mình ta đang có, thử còn có điều gì ngoài một con người?… Nửa đêm trên biển sau Giữa trưa… Và con người, một mình, giống như chiếc đồng hồ, chiếc bàn mỏng manh trên làn khăn nước…”
Cả trường ca – mà có thể là điều này quan trọng nhất – “trái ngược với những nghi ngờ thầm thĩ” ca ngợi nỗi ao ước, nỗi khát khao đủ đầy, vô tận…
Biển là vô bờ bến, biển giống như tình yêu. Cũng như các nhà thơ siêu thực, cũng giống như Aragon(13) đã viết: “Yêu – nghĩa là trước hết vượt ra khỏi giới hạn của bản thân mình”, Saint John Perse nhìn thấy trong tình yêu một sự trung gian giữa con người của thế giới vật chất và lịch sử: “Ô những cái mang giữa biển và tôi!…”
Trong thơ của Perse hình tượng biển và tình yêu gắn chặt với nhau, như những người đưa tin của những miền vô tận.
“Nỗi cô đơn trong tim của người đàn ông. Người đàn ông lạ lùng, người đàn ông vô biên bên người đàn bà - bên bờ biển”.
“Và con người đuổi theo trên đá cho đến khi gặp phiến đá cuối cùng, rồi cúi mình trước biển nghìn năm và nhìn thấy trong diệp thạch ánh lên một thân hình phụ nữ trong những cơn co giật không ngừng, trong triệu con sóng dâng lên – tựa như bụng những nàng tiên trong khoảnh khắc đang khoe vẻ đẹp trần truồng”.
Tình yêu với phụ nữ và tình yêu với biển đều vô tận như nhau, là bản chất của biểu tượng và là vật bảo đảm cho sự phì nhiêu của sáng tạo.
“Và đây. Ngọn gió vút lên cao. Và chiếc bàn chải của nhà thể thao đang bơi theo dòng nước chảy. Nếu biển đã cầm lên khí giới thì đừng một ai cãi lại!… Ta có nên gọi là tình yêu vĩ đại, tình yêu có hành động biếng lười?”
“Tình yêu – cũng là hành động mà thôi! Ta kêu gọi cái chết về chứng kiến, vì rằng chỉ có tình yêu dám cùng cái chết so đo sức mạnh… Không quyền lực, chẳng vinh quang không biết được đối phương, những thứ có sức mạnh như nhau trong trái tim của người trần”.
Nhà thơ biết thức dậy trong ta nỗi khát khao đặc biệt, làm say mê ta, mở ra trong ta một nghị lực mới để vượt qua những giới hạn, để làm việc không ngừng.
Ông khao khát sự đầy đủ mà không mong muốn chạy trốn. Nhu cầu trong tất cả những gì mà con người còn thiếu thốn. Và đi theo điều này là lòng tin tuyệt đối vào con người, vào tương lai không một chút lo sợ nhìn vào “mặt đất lại được sinh ra dưới biểu tượng màu hồng, mở ra từ cao điểm”.
Trái ngược với tất cả những nhà tiên tri giả hiệu của sự nghi ngờ, của điều vô nghĩa hay sự tuyệt vọng mà hiện nay người ta vẫn đưa ra mời gọi tuổi trẻ như những người thầy, Saint John Perse dựa trên sự vận động của con người hàng thế kỷ nay và nhìn thấy trong triết học của Heraclitus về con người và hoạt động sáng tạo của họ, đòi hỏi nghệ thuật phải nói về sự cao cả và hân hoan, để nghệ thuật cổ vũ sự hành động:
“Hãy cứ để cho trước dáng hình của biển người ta sẽ hứa hẹn cùng ta những đợt sóng – những tác phẩm tuyệt đẹp, muôn đời, những tác phẩm sống động, tuyệt vời – những tác phẩm vĩ đại và mãnh liệt không nguôi… để trả về cho ta phong cách của tồn tại, xứng đáng với con người…
Ai sẽ hồi sinh cho ta trong dòng nước chuyển động không ngừng những lời vĩ đại của nhân dân?”
Nhưng sự ca tụng con người và hành động của họ ở Perse không phải là sự ca tụng của một người lẻ loi và mỗi ngày một ít - điều này có thế thấy từ “Anabase” đến “Những ngọn gió” và “Những mốc ngoài khơi” – nó trở thành sự ca tụng những người đi chinh phục. Tất nhiên, Perse khác với Eluard(14), không chuyển đổi “từ chân trời một người sang chân trời tất cả mọi người”. Con đường đấu tranh của quần chúng chưa bao giờ là con đường của ông.
Nhưng, mặc dù với quan điểm quí tộc về cuộc sống cũng như sáng tạo của ông, Saint John Perse – trước hết là nhà thơ sử thi. Mà những thiên sử thi – từ những huyền thoại của ấn Độ đến những khúc saga của vùng Scandinavia, từ Kinh Thánh đến “Iliát” và “Bài ca Roland”(La Chanson de Roland) – không bao giờ là sáng tác của một người mà là sáng tạo của nhân dân, là những gì mà nhà thơ có thể thu nhận.
Chỉ có tâm hồn của quần chúng nhân dân có thể dâng lên đến tầm những chuyển động vĩ đại của thiên nhiên và lịch sử, mở ra ý nghĩa của nó và mang tiếng vọng tới ngàn sau.
Con người có ý định tạo nên trường ca như vậy, không thể đứng một mình, mà người đó phải cùng với quần chúng nhân dân. “Và Thi sĩ – cùng với chúng ta, với mọi người, trên con đường lớn của thời gian.
Vun vút con tàu của thời gian, vun vút con tàu của gió.
Giải thích những thông điệp là mối quan tâm của nhà thi sĩ”.
“Tiếng reo vui! Tiếng hò reo Thượng Đế! Hãy cứ để cho Ngài gặp ta giữa đám đông ầm ĩ mà không ở trong phòng.
Và nhắc lại đám đông, Ngài gọi ta, lăn ta đi đến tận cùng bến bờ xa thính giác…”
Những trường ca này đầy ắp lòng tin, vang lên bài ca của thời đại chúng ta và mang xa đến những thời đại mới của lịch sử, rằng Saint John Perse biết “nghe tiếng vọng xa xôi của những người bất tử và biết nghe ngôn ngữ của nhân dân”, và giữ gìn trong ký ức dấu tích của những nền văn minh cổ đại, giữ gìn tất cả những gì chứng kiến sự chuyển động của con người trong mỗi thời đại và biết giành lấy “tiếng reo của loài người, mà lúc này không một ai nghe rõ”…
Đấy là tất cả lịch sử, tựa như một con sóng hùng vĩ mang ta đi tới tương lai. Không phải một người mà cùng với tất cả. Ta hãy lắng nghe:
“…Giương cánh cung của đám đông, giữ ta bằng dây cung của mình. Và ngươi, đang nhảy múa giữa đám đông, ngươi, những lời cha cao cả, - trên bãi cát dài, ô Biển cả - liệu ngươi có trở thành biển của bí ẩn lặng câm, bằng giấc mộng xa xăm, còn xa hơn giấc mơ của giống nòi Sarmat?”(15)
Cuốn hút theo cảm hứng này, dâng lên từ vực sâu thế kỷ, từ lao động, đấu tranh của loài người, dựa trên sử thi xa xôi, Saint John Perse kêu gọi và đón chào một thế giới mới. Ta hãy lắng nghe ông:
“Và nhà thơ luôn luôn cùng các bạn. Cùng các bạn ý nghĩ của nhà thơ, như sự im lặng canh chờ. Thì hãy cứ để cho đến khi trời tối, hãy cứ để mặc nhà thơ bằng cái nhìn hờn dỗi sẽ nắm bắt niềm hạnh phúc sắp tới của con người!
Tôi vì các bạn mà đưa đến trong đôi mắt nhà thơ vực thẳm. Còn những giấc mơ của nhà thơ thì các bạn sẽ biến thành hành động”.
Vì rằng “công việc liên quan đến con người”, và chính công việc “là sự chứng kiến về con người”, tôi muốn lưu ý điều này trong tác phẩm của Saint John Perse…
“Đấy là niềm hy vọng, những hạt giống của hy vọng bằng những đôi mắt trên đất hãy ném – niềm hy vọng thế kia chưa từng có ai ban tặng cho người.
Và đây – sự trưởng thành đột ngột của một thế giới khác trong con tim chính ngọ của đêm…
Tất cả vàng bạc của nhà băng và của những tầng hầm của Quốc gia các bạn vẫn hãy còn thiếu thốn để mà mua những cổ phiếu vô giá này.
… Ta hãy nhớ về một bờ bến khác! Và ta hãy cúi mình trước Mặt trời đen đang bơi xuống thấp!”
Tôi không biết được tương lai nào mà Saint John Perse tin tưởng và hân hoan chào mừng đến vậy, tôi cũng không biết được những vàng bạc trong nhà băng hay tầng hầm của những quốc gia nào mà ông nhắc đến một cách giận dữ và mặt trời đen nào mà ông chờ đợi hiện ra. Nhưng trong những trường ca của ông ca ngợi vẻ cao cả, hùng tráng của con người và kêu gọi họ ở giữa đám đông, giữa mọi người, đề cao lòng tin vào tương lai của nhân loại, bản thân tôi là người đấu tranh cho sự thể hiện những hy vọng cụ thể của những người ở các quốc gia châu á, Phi, Mỹ Latinh, những người đã vùng dậy và không còn bao giờ chịu cúi đầu, những người đã dứt khoát từ bỏ quá khứ để xây dựng cho mình tương lai xã hội chủ nghĩa.
Đối với tôi không quan trọng, nếu như Saint John Perse có ý định thức dậy trong con người những ước mơ khác, những viễn cảnh khác, mà quan trọng là ông thức dậy trong tôi những ước mơ này, vẽ ra chính những viễn cảnh này, ca tụng và tạo ra tình hữu ái của những ai tin tưởng vào tương lai, bất kể những gì chia cách chúng ta, trái ngược với sự nghi ngờ, điều phi lý và sự tuyệt vọng.
Tôi yêu nhà thơ hoài niệm về quá khứ như vầy:
“Khi con người trong ngọn gió tự do hãy còn chưa biết dửng dưng và hãy còn chưa biết trèo lên đồi núi”.
Tôi yêu nhà thơ chào đón tương lai như thế này:
“Mặt trời hãy sinh ra! Tiếng hò reo của nhà Vua! Những Thủ lĩnh, Toàn quyền của những giới hạn hãy còn phía trước!
Ta giữa những người đón chào sự xâm nhập của thần thánh mới…”
Saint John Perse muốn cho những trường ca của ông tạo nên hình tượng của một nền văn minh mới lý tưởng, trên cơ sở đỉnh cao của những thời đại lịch sử – một nền văn minh thể hiện được toàn bộ lịch sử của con người, của những chinh phục, những chiến công, tất cả vẻ hào hùng của loài người trong mọi biểu hiện của nó.
Đấy không chỉ là ca ngợi một lối sống tích cực, mà còn là ý chí của Hegel(16) tạo nên một cá nhân phát triển toàn diện, làm giàu cho mình toàn bộ lịch sử của nhân loại, của những cá nhân trong quá khứ. Phong cách của loại thơ này là phong cách của cuộc sống. Tại sao những tình cảm của loại thơ này không có trong tôi, người chiến sỹ, mà lại khác với những tình cảm đã cổ vũ cho tác giả của nó?
Chẳng can hệ gì đến tôi, rằng tác giả, có thể, quay lưng lại với tương lai, tạo nên những cái là ý nghĩa của cuộc đời tôi – nếu như những bài ca do ông viết ra đi cùng với tôi trên con đường của mình: con mắt ông hướng về mặt trời, còn ta – ta làm những việc vặt vãnh chỉ để cho qua ngày, mà khả năng nhìn thấy trước, cả nhà thơ lẫn nhà tiên tri đều không có được.
Tôi cũng chẳng hề lôi kéo về phía mình, những người Mác-xít, một nhà thơ mà xa cách với chúng tôi không chỉ như một nhà ngoại giao của Quai d’Orsay mà còn tác phẩm của ông. Tuy nhiên trong bản hợp xướng anh hùng về sự chuyển động của nhân loại như thơ của Saint John Perse, ta cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt với con người. Cái niềm lạc quan ấy, sự hiểu biết cuộc đời ấy và sự ca tụng con người cao cả là những gì gần gũi, là những gì mà ta quí trọng, vang lên trong ý nghĩa của ta và trong cuộc đấu tranh hàng ngày.
Và đây là những cái rất chung:
“Những chiếc bóng to lớn màu xanh đang chuyển động trên đồng bằng, trong im lặng xua bầu trời đi xuống đất… Vì rằng ta là những mục phu của tương lai..”
“Ta đưa lên trong tay, trong những bàn tay của mình nóng bỏng – tựa như một dàn những đôi cánh – một trái tim buồn bã của người trần, trong trái tim này có một tình yêu kín thầm, có lửa và có khao khát, ước mong…
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe này đêm – trong sân những tu viện bỏ hoang, dưới những mái vòm ầm vang, giữa những đống tro tàn linh thiêng, những thành phố, những mô đất cổ – hãy lắng nghe tiếng bước chân của những linh hồn không nơi ở.
Có vẻ như đang giấu mình một thú dữ của rừng hoang.
Và đây là ta, thế kỷ vinh quang! Hãy đem trái tim người đo đếm”.
Vâng, tôi tâm đắc chủ nghĩa nhân đạo của người ngợi ca hạnh phúc và sự cao cả. Ông mang trong mình tất cả quá khứ của con người và không thể bằng lòng với hiện tại. Với ông – thơ ca là những gì thể hiện bản chất con người và cuộc đời trong quá trình hình thành.
Tất cả thơ ông bắt nguồn từ điều đòi hỏi này.
***
Nhiệm vụ của từ ngữ - không phải sao chép sự vật, không lấy khuôn mẫu cho mình, mà ngược lại, đào bới lên định nghĩa của chúng, nắm bắt giới hạn vị lợi, ý nghĩa của chúng, lấy ra như tia lửa từ đá, những khả năng không nhìn thấy trước, những ý nghĩ còn ẩn giấu mà từ ngữ mang trong mình và sẽ biến hiện thực thông thường nhất thành chất liệu.
Hiện thực có trong mình nhiều hơn so với sự hoạt động thường ngày, nhiều hơn những con đường mà hoạt động này đã đi qua, nhiều hơn những mối liên hệ theo thói quen.
Sự vật – chỉ là một phần của cái mà chúng định nghĩa. Đối với Baudelaire cả vũ trụ nhạy cảm là kho chứa hình tượng, ký hiệu, là cuốn từ điển của hình thức mà từ đó trò chơi sự tương xứng cho phép lấy ra những ngân vang bất ngờ.
Sự tương xứng giữa những cảm xúc khác nhau xuất hiện khi Saint John Perse hồi tưởng: “những con cá đang bơi tựa như chủ đề theo sự phát triển của bài ca”. Sự tương xứng giữa sự vật và sự mong muốn của ta: “Trí khôn của ngày có hình dáng một cây gỗ đẹp”. Sự tương xứng giữa sự vật và ý nghĩa trong giới hạn của vũ trụ…
Đây là đề tài chủ đạo trong thơ của Saint John Perse, cũng như trong thơ của Paul Claudel. Tuy nhiên, với một sự khác biệt cơ bản, đối với Claudel theo đạo Thiên Chúa thì ý nghĩa này đã đặt vào trong vũ trụ và con người chỉ việc giải mã nó trong sách thánh, trong khi đối với nhà nhân văn và vô thần Saint John Perse thì trong thế giới không có những giá trị nào khác ngoài hoạt động và sáng tạo của con người…
Con người tìm thấy nguồn cảm hứng chỉ ở trong những chiến công hiện tại của mình, chỉ ở trong những hoạt động đã qua của mình.
Mục đích của thơ ca là để nhận thức ý nghĩa này, là để chuyển tải trong đó thông điệp hay khải huyền, và không thể biến thành những hình thức thơ cổ điển có vần điệu. Lời của những nhà tiên tri đều thu nhận hình thức thơ của các loại kinh: từ thơ của Kinh Thánh đến thơ của Zarathustra(17), từ thơ của Claudel đến thơ của Saint John Perse.
Phong cách của tượng đài về sự vĩ đại, cao cả của con người thu nhận trong mình trí tuệ và lòng tin của mọi dân tộc, mọi thời đại, tất cả những huyền thoại, truyền thuyết, tất cả những gì do bàn tay con người tạo nên, tái tạo nó như một bộ sử thi bằng cách giải mã những dấu vết, những ký ức của quá khứ. Phong cách như vậy đối với Saint John Perse không quá cầu kỳ, không quá trang trọng. Những câu chú này chúng ta đôi khi ngỡ rằng quá bóng bẩy và trang trọng, “lời của những nhà tiên tri mang lại”. Nhưng chẳng lẽ có thể biểu hiện sự sinh ra của một thực tại mới bằng một phong cách nào khác, ngoài phong cách trang trọng, oai nghiêm này?
“Vinh quang của ta trên cát! Vinh quang của ta trên cát!… Và điều này không có gì sai lầm, sơ suất, ô những kẻ hành hương…
Trên cuộc đời xin hãy huýt gió lên, những vỏ sò xin hãy hát lên trên dòng nước!
Ta đứng trên bờ vực và trên bọt nước, trên cát nóng bừng lên. Ta sẽ ngủ hằng đêm trong bể nước và trong những con thuyền, trong những nơi thâm cốc cùng sơn, nơi trú ngụ những gì là vĩ đại”.
Nhà thơ ghi nhận về giới hạn của con người tựa hồ như là chính giọng nói của tồn tại… Trong “Những mốc ngoài khơi” thể hiện bản chất thơ ca Saint John Perse:
“Ái chà, ta biết những lời để dành cho ngươi và ta không biết được những lời đầy đủ
Và tình yêu cản trở ta với đám đông từ ngữ
Và lời của ta không còn nữa, không còn là những dấu hiệu nữa bây giờ
Chúng là sự vật được gọi tên bây giờ, chúng tự thân là sự vật
Hoặc là nói cho chính xác: ta trở thành những câu chuyện của ta, ta trở thành lời
Ta trở thành ngươi, bởi vì trước đây ta và ngươi không hoà hợp, ta trở thành thơ và bút pháp của thơ, và sự chuyển động biển khơi của nó
Và ta khoác vào áo choàng của nhịp điệu bao la…”
Đấy là những lời có hình bầu dục, là ngôn ngữ ám chỉ, khó hiểu, ngôn ngữ của giới luật, của lễ nghi với đặc trưng của những lời cầu nguyện, những câu thần chú, là ngôn ngữ mà trong đó hình ảnh và nhịp điệu, ý nghĩ và âm thanh tạo thành một khối thống nhất.
Đấy là những thuộc tính của thơ Saint John Perse, sự hoà hợp lạ lùng của ý nghĩ và âm nhạc đòi hỏi sự có mặt và chuyển động của chúng ta. Và không nghi ngờ, đấy là tiêu chuẩn quan trọng nhất của thơ ca. Sự chuyển động của trường ca cho ta thấy sơ đồ của vần điệu và âm nhạc cuốn hút ta. Có nên ngắt quãng nó hay chỉ đơn giản là kéo lệch chúng đi – và nói như Paul Valery(18), “có cái gì đó vỡ ra như cốc chén hay là pha lê”. Ta hãy nghe trường ca về biển này một lần nữa:
“…Biển Vaal(19), biển Mammon, biển của tên gọi bất kỳ và thế kỷ!
Biển một lòng chung thủy và chung những mơ ước của ta, vì rằng thiếu biển thì giấc mơ không thể sống qua –
Biển là vết thương bên sườn và là dàn đồng ca cổ xưa bên cánh cổng
Và là điều xúc phạm, là ánh huy hoàng, là vẻ hân hoan, là cơn mê sảng…”
***
(…) Có thể, Saint John Perse trở nên quí giá đối với chúng ta trước hết là bởi (và ở đây chúng ta lại trích dẫn ông, để dành cho ông lời cuối):
“… Ai nhìn thấy trong giấc mộng của mình những qui luật khác về những cuộc du hành trên mặt đất và ai kiên nhẫn đi tìm đất đỏ trong sâu thẳm mờ xa, để tạo nên hình bóng của ước mơ”
“… Ai tìm ra trong hơi mát âu lo rồi đứng lên từ bờ vực thẳm để ngọn gió thổi lên ý tưởng và ai can trường thổi tù và trước cổng lớn của ngày mai”.
_________________
(1)Claudel, Paul Louis Charles Marie (1868-1955) – nhà thơ, nhà ngoại giao Pháp.
(2)Antilles – quần đảo ở Đông Ấn gồm những đảo lớn như: Cuba, Jamaica, Haiti, Puerto Rico… những đảo nhỏ như: Trinadad, Tobago, Barbados…
(3)Petain, Henri Philippe (1856-1951) – chính khách. Từ 1940-1944 là thủ tướng và là người đứng đầu nước Pháp.
(4)Briand, Aristide (1862-1932) – chính khách. Bộ trưởng ngoại giao, thủ tướng Pháp những năm 1909-1931. Giải Nobel Hoà bình năm 1926.
(5)Quai d’Orsay - đường phố bên bờ sông Seine, nơi có toà nhà Bộ Ngoại giao Pháp. Cụm từ “Quai d’Orsay” thường được dùng đồng nghĩa với Bộ Ngoại giao Pháp.
(6)Marx, Karl (1818-1883) – nhà tư tưởng, người sáng lập chủ nghĩa Mác.
(7)Goethe, Johann Wolfgang von (1749-1832) – nhà tư tưởng, nhà thơ Đức.
(8)Lautreamont, Comte de tên thật là Isidore Lucien Ducasse (1846-1870) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Rimbaud, (Jean Nicolas) Arthur (1854-1891) – nhà thơ Pháp.
- Harare – thủ đô của Zimbabwe (châu Phi).
- Nerval, Gerard de tên thật là Gerard Labrunie (1808-1855) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Baudelaire, Charles Pierre (1821-1867) – nhà thơ Pháp, chủ soái phái hình tượng.
- Mallarme, Stephane (1842-1898) – nhà thơ Pháp.
- Jarry, Alfred (1873-1906) – nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Pháp.
(9)Quinet, Edgar (1803-1875) – chính khách, nhà sử học Pháp.
- Whitman, Walt (1819-1892) – nhà thơ Mỹ.
- Verhaeren, Emile (1855-1916) – nhà thơ Bỉ.
(10)Gide, Andre (1869-1951) – nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học năm 1947.
(11)Heraclitus (540-480 tr. CN) – nhà triết học Hy Lạp cổ đại.
(12)Balboa, Vasco Nunez de (1475-1591) – nhà chinh phục Trung–Nam Mỹ (conquistator). Năm 1513 là người đầu tiên đi qua eo Panama để sang bờ Thái Bình Dương.
(13)Aragon, Louis (1897-1982) – nhà thơ, nhà văn Pháp.
(14)Eluard, Paul (1895-1952) – nhà thơ Pháp.
(15)Sarmat (Sarmatian, Sarmatai, Sauromatai) – tên gọi một bộ tộc người sống ở châu Âu khoảng thế kỉ 6-4 tr. CN (nay vùng đất này là lãnh thổ Nga, một phần Đức, Áo).
(16)Hegel, Georg Wilhelm Friedrich (1770-1831) – nhà triết học Đức.
(17)Zarathustra (sống khoảng trên 1000 năm tr. CN) – nhà tiên tri Ba Tư, nhà thơ, người sáng lập đạo Thờ Lửa.
(18)Valery, Paul Ambroise (1871-1945) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
(19)Vaal – thần nước, thần chiến tranh của người Do Thái cổ.
- Mammon – theo Kinh Thánh là thần giàu có (Tân Ước_Ma-thi-ơ 6:24; Luca 16:13).
16. François Villon (tên thật là François de Montcorbier hoặc François des Loges – sinh khoảng năm 1431 hoặc 1432, mất khoảng sau năm 1463, trước năm 1491) là nhà thơ lớn cuối cùng của thơ ca Trung cổ Pháp. François Villon còn nổi tiếng là một tên đạo chích, một kẻ lãng du, là nhà thơ thiên tài của nhiều bài thơ nổi tiếng. Câu hỏi "Mais où sont les neiges d'antan?" (But where are the snows of yesteryear? - Nhưng đâu rồi những bông tuyết ngày xưa?) từ bài Ballade des dames du temps jadis (The Ballad of Yesterday's Belles – Bài thơ về những người đẹp ngày xa) do Dante Gabriel Rossetti dịch sang tiếng Anh đã trở thành một câu truyền miệng yêu thích nhất xưa nay trong thế giới Anh ngữ.
Tiểu sử
Về cuộc đời của François Villon – chủ yếu là qua những phỏng đoán và truyền thuyết. Ta biết rằng François Villon sinh ở Paris. Mồ côi năm lên 8 tuổi, được linh mục Guillaume de Villon – người mà nhà thơ coi là “còn hơn cả bố” (plus que père) – nhận làm con nuôi. Năm lên 12 tuổi vào học khoa dự bị Đại học Paris và đến năm 1449 nhận bằng cử nhân, năm 1452 nhận bằng thạc sĩ. Cuộc sống sinh viên khốn khó của nước Pháp thời Chiến tranh trăm năm ( tiếng Anh: Hundred Years' War, tiếng Pháp: Guerre de Cent Ans) khiến Villon dễ bị lôi kéo tham gia vào thế giới tội phạm.
Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1455 trong một vụ đánh nhau vì phụ nữ, Villon đã đâm linh mục Philippe Chermoye bị thương nặng sau đó dẫn đến cái chết của vị linh mục này. Villon phải bỏ trốn khỏi Paris, mặc dù tòa án sau đấy không kết tội Villon vì cho rằng đấy là hành động để tự vệ và chính nạn nhân cũng thừa nhận mình là người có lỗi. Bảy tháng lang thang trong cảnh không tiền, Villon tiếp xúc với nhiều nhóm tội phạm và tham gia vào 2 vụ trộm. Trở về Paris, Villon cùng 3 tên trộm khác trộm của trường Collège de Navarre trong đêm trước Giáng sinh 500 đồng tiền vàng và ngay sau đấy liền bỏ trốn khỏi Paris. Ngay sau vụ trộm trong đêm trước Giáng sinh này Villon đã sáng tác "Le petit testament" (Chúc thư nhỏ). Vụ trộm này sau đó được tìm ra nên Villon không thể quay lại Paris. Từ đây bắt đầu một thời kỳ phiêu bạt của ông từ la Manche ở phía bắc nước Pháp cho đến Roussillon ở Địa trung hải. Một thời gian Villon ở lại dinh cơ của nhà thơ, bá tước Charles d'Orléans. Nhà thơ, bá tước tổ chức một cuộc thi thơ về đề tài "Chết khát bên bờ suối". François Villon viết bài thơ "Ballade du concours de Blois" (Bài ballade về cuộc thi thơ ở Blois) sau này nổi tiếng cả với tên "Ballade des Contradictions" (Bài ballade của những mâu thuẫn). Theo thể lệ cuộc thi các nhà thơ cần viết một bài thơ có tính chất khôi hài, vui nhộn nhưng bài thơ của Francois Villon thì lại đầy chất triết lý và bi kịch:
Tôi khổ sở chết khát bên bờ suối
Tôi cười qua nước mắt, làm việc khi chơi
Dù đi đâu – khắp chốn đều nhà tôi
Quê hương tôi – là vương quốc xa lạ
Tôi không biết gì, và tôi biết cả.
Tôi dễ gần, tôi rất hiểu những ai
Gọi thiên nga là quạ đen giữa trời.
Tôi nghi cái thực, tin điều kỳ lạ
Trần như nhộng, áo quần như vua chúa.
Được đón chào và bị đuổi khắp nơi.
Tôi keo kiệt, tiêu hoang trong mọi thứ
Tôi đợi chờ mà chẳng đợi điều chi
Thiên đường không vui bằng nước mắt kia
Tôi nghèo xơ và tôi khoe của nả
Thấy hoa hồng khi run vì băng giá
Tôi nhóm lửa mà run rẩy trong người
Chỉ giá băng sưởi ấm được lòng tôi.
Nhớ câu đùa và bỗng nhiên quên hết
Ai đáng trọng và ai cần khinh miệt.
Được đón chào và bị đuổi khắp nơi.
Tôi nhìn rõ những ngôi sao giữa trời
Nhưng không thấy ai đi ngoài cửa sổ
Tôi thức ban đêm, chỉ ngày tôi ngủ.
Tôi bước đi trên mặt đất dè chừng
Không tin cột mốc, chỉ tin màn sương.
Người điếc nghe ra lời tôi và hiểu
Tôi biết rằng mật đắng hơn ngải cứu
Đâu dối gian, đâu sự thật ở đời
Không nhớ gì và nhớ tất mọi thứ
Được đón chào và bị đuổi khắp nơi
Không biết giờ dài hơn - hay năm tháng
Lội qua sông hay bơi qua biển lớn?
Tôi đi về địa ngục từ bầu trời.
Tuyện vọng đem về cho tôi hy vọng.
Được đón chào và bị đuổi khắp nơi.
Mùa hè năm 1460 Villon đang ở trong tù và chờ ngày bị tử hình thì được thả nhờ một chuyến viếng thăm Orleans của gia đình bá tước trong một dịp lễ. Tháng 10 năm 1462 Villon bị giam ở nhà tù Maine-et-Loire cũng được phóng thích nhờ vào dịp nhà vua Louis XI đi qua đây. Cuối năm này ông quay trở về Paris vì đã cảm thấy yếu sức. Thời gian cuối của cuộc đời ông đã viết những tác phẩm có giá trị nhất như Epitaphe, Le grand testament…
Tháng 11 năm 1463 Villon lại bị bắt vì bị nghi ăn trộm nhưng sau đó mấy ngày được thả vì không có chứng cứ. Cũng trong thời gian này xảy ra một vụ ẩu đả và một viên chưởng khế bị thương nặng, mặc dù không trực tiếp tham gia nhưng Villon vẫn bị bắt vào tù và bị kết án treo cổ (trong tù Villon viết bài ballade về người bị treo cổ và một số bài thơ tứ tuyệt). Ba ngày sau đó Villon trốn được khỏi tù và tiếp tục phiêu du nhưng từ đây dấu tích không một ai rõ. Biên bản của tòa thị chính thành phố Paris ngày 5 tháng 1 năm 1463 là văn bản cuối cùng về François Villon.
Ảnh hưởng của François Villon
* Cuốn thơ trữ tình đầu tiên ở nước Pháp in bằng máy in là cuốn thơ của François Villon.
* François Villon có sự ảnh hưởng đến các nhà thơ nhà văn hậu Trung cổ, đầu Phục hưng và về sau như Clément Marot, François Rabelais rồi đến Jean de La Fontaine, Moliere, Paul Verlaine, Tristan Corbière, Robert Louis Stevenson, Ezra Pound…
* François Rabelais trong tiểu thuyết "La vie très horrifique du grand Gargantua, père de Pantagruel" (Chuyện về cuộc đời kinh hoàng của Gargantua vĩ đại, bố của Pantagruel) dẫn hai chi tiết trong cuộc đời của Villon – anh hề ở cung điện của nhà vua Anh và người dựng kịch ở Poitou-Charentes. Khi người ta hỏi nhân vật Panurge rằng gia tài đồ sộ xưa của ông giờ ở đâu thì Panurge trả lời: “Nhưng đâu rồi những bông tuyết ngày xưa? – đấy là vấn đề cốt lõi đã từng hành hạ nhà thơ Villon suốt đời”.
* Robert Louis Stevenson viết tác phẩm "A Lodging for the Night: A Story of Francis Villon".
* Nhà văn Edschmid viết tác phẩm "Herzogin" về Francois Villon.
* Nhà văn F. Karko viết "Le Roman de François Villon" – Câu chuyện cay đắng của cuộc đời Francois Villon.
* Nhạc sĩ ca sĩ Georges Brassens phổ nhạc một số bài thơ của François Villon, trong đó có “Ballade des dames du temps jadis” (Bài thơ về những người đẹp ngày xa).
* Nhạc sĩ, ca sĩ Bulat Okudzhava sáng tác bài hát "Молитва Франсуа Вийона" (The Prayer of Francois Villon – Lời cầu nguyện của François Villon).
* Nhạc sĩ, ca sĩ Karl Wolf Biermann viết bài ballade về Villon: "Ballade auf den Dichter Francois Villon".
Thư mục
* Cons L., Etat présent des études sur Villon, P., 1936.
* Lewis D. В. W., François Villon. A documented survey, L., 1945.
* Chaney Е. F., François Villon in his environment, Oxf., 1946.
* Burger A., Lexique de la langue de Villon, Gen. — P., 1957.
* Seaton Е., Studies in Villon, Vaillant and Charles d’Orléans, Oxf., 1957.
* Charpier J., François Villon, [P., 1958]; Robert A., F. Villon, N. Y., [1968].
* Gautier Th. Grotesques. — P. 1844.
* Stevenson R. L. F. Villon. — L. 1891
* Gaston Paris. F. Villon. — P. 1901.
* Champion P. Villon. — P. 1913.
* Champion P. Histoire poétique du XV-е siècle. t. II. — P. 1924.
sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét