Giống như Nguyễn Du có vai trò to lớn phi thường đối với tiếng Việt, Puskin góp công đầu trong việc hoàn thiện ngôn ngữ văn học Nga, ngôn ngữ toàn dân Nga. Tiếng Nga hiện đại khởi nguồn từ Puskin. Tiếng Nga trong sáng tác Puskin giản dị, trong sáng, biểu cảm, phong phú.
Chỉ hưởng thọ 38 tuổi, cầm bút trên 20 năm, Puskin đã trải qua nhiều chặng đường gian nan, bi đát và bộc lộ một khí phách kiên cường:
Tôi trưởng thành giữa bão giông sầu thảm(1)
Nhà văn Nga lỗi lạc N. Gôgôn, người bạn vong niên, là người đầu tiên thấu hiểu tầm vóc vĩ đại của Alêchxan Xerghêêvích Puskin (1799-1837). Ngay từ năm 1834 Gôgôn đã viết: “Puskin là một hiện tượng phi thường và có lẽ là hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga: đó là con người Nga trong sự phát triển của nó mà có lẽ sau hơn hai trăm năm nữa mới xuất hiện. Trong ông toàn bộ thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga được phản ánh một cách thuần khiết, đẹp đẽ...”. Trong diễn văn tại buổi lễ khánh thành việc dựng tượng toàn thân Puskin đặt tại Mátxcơva năm 1880, Đôxtôiepxki đã phát triển ý của Gôgôn: “Puskin là một hiện tượng chưa từng thấy, chưa từng có và theo ý chúng tôi, là hiện tượng tiên tri bởi vì... bởi vì ở đây bộc lộ rõ nhất sức mạnh Nga của ông, bộc lộ tinh thần nhân dân của thơ ông”. Bêlinxki ca ngợi Puskin như nghệ sĩ hàng đầu của nước Nga: “Ông đã cho chúng ta thơ ca như là nghệ thuật. Và bởi vậy ông mãi mãi là bậc thầy mẫu mực của thi ca, bậc thầy nghệ thuật”.
Giống như Nguyễn Du có vai trò to lớn phi thường đối với tiếng Việt, Puskin góp công đầu trong việc hoàn thiện ngôn ngữ văn học Nga, ngôn ngữ toàn dân Nga. Tiếng Nga hiện đại khởi nguồn từ Puskin. Tiếng Nga trong sáng tác Puskin giản dị, trong sáng, biểu cảm, phong phú.
Kế thừa truyền thống các bậc tiền bối, Puskin là người khởi đầu xây dựng nền văn học Nga đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa văn học Nga từ vị trí học trò văn học phương Tây dần trở thành bậc thầy văn học thế giới.
Puskin có ảnh hưởng sâu đậm, rộng rãi, tới toàn bộ nền văn hóa và văn học Nga trong suốt hơn hai thế kỷ qua.
Theo Gôgôn, lẽ ra phải tới đầu thế kỷ XXI nước Nga mới có thể có được thiên tài văn học như Puskin. Tiếp nối lời tiên tri của Gôgôn, giờ đây bạn đọc của thế kỷ XXI chỉ có thể nói rằng Puskin là người chiến thắng không gian và thời gian. Ông vẫn là người cùng thời và sáng tác của Ông vẫn là bạn đường của chúng ta. Bởi như chính Puskin đã nói, tác phẩm văn học đích thực mãi mãi trẻ trung và tươi tắn.
Puskin là một thiên tài đa dạng: nhà thơ, nhà viết kịch, người viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà báo, nhà chính luận, nhà lý luận văn học... vì thế việc tìm hiểu quan điểm văn học nghệ thuật của ông là việc làm rất bổ ích nhưng đòi hỏi nhiều công sức. Trong bài viết này chúng tôi chỉ giới hạn trong một số ý kiến Puskin bàn về thơ và nhà thơ. Thiết nghĩ đây cũng là những vấn đề trung tâm trong quan điểm thẩm mỹ của Puskin.
1- Sứ mạng của thi ca
Gửi người bạn làm thơ dài 98 câu là bài thơ đầu tiên của Puskin được in trên tạp chí Người đưa tin châu Âu năm 1814. Có thể xem đây là tuyên ngôn đầu tiên của nhà thơ trẻ.
Puskin thấu hiểu con đường gian nan mình đã chọn:
Làm được thơ hay đâu có dễ
Điều lạ lùng là nhà thơ trẻ Puskin biết rõ cuộc đời nghệ sĩ rất nghèo túng. Puskin coi nghệ thuật là “sự hy sinh thiêng liêng” mà thần Apôlông đòi hỏi “cây đàn thần” của nhà thơ dâng hiến (Nhà thơ). Ông trân trọng “bàn thờ rực sáng” của nghệ thuật và xem tác phẩm nghệ thuật như “chiến công cao thượng” (Gửi nhà thơ). Trong bài Lao động (1832), Puskin coi việc hoàn thành tiểu thuyết bằng thơ Epghêni Ônêghin, tác phẩm tâm huyết của mình như “công sức nhiều năm”, như “một chiến công”. Ông ví nhà thơ với nhà tiên tri vâng theo lệnh thần thánh:
Hãy đi khắp năm châu bốn biển
Đem lời lẽ hun đốt lòng người
(Nhà tiên tri)
Puskin trân trọng nghệ thuật như sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, cao quý:
Thi ca như vị thần – người an ủi
Đã cứu thoát tôi, hồn tôi đã phục sinh
Đối với Puskin, thi ca là niềm vui, lẽ sống:
Diễm phúc thay kẻ nếm mùi khoái cảm
Của những tư tưởng cao xa và những vần thơ!
(Gửi Giucôpxki, 1818)
Puskin gọi nhà thơ bằng nhiều danh hiệu: “ca sỹ kiêu hãnh của tự do”, “chiến sỹ trung thành của tự do”, “người gieo giống tự do”, “người bạn của nhân loại”. Dường như Puskin nhớ lời khuyên của người bạn, nhà thơ chiến sỹ K.Rưlêep: “Hãy là nhà thơ và người công dân” khi ông kết thúc bài thơ Gửi I.Ya.Pliuxcôva (1818) bằng hai câu:
Tiếng nói tôi liêm khiết
Tiếng vọng nhân dân Nga
Puskin tỏ rõ thái độ của Ông với kinh tế thị trường trong bài thơ Cuộc trò truyện của người bán sách với nhà thơ (để ở sau lời nói đầu cho chương I Epghêni Ônêghin in thành sách riêng năm 1825).
Puskin thuộc vào lớp văn nghệ sỹ chuyên nghiệp đầu tiên kiếm sống bằng tiền nhuận bút.
Bốn năm sau khi Puskin mất, năm 1841, bài thơ Đài kỷ niệm (viết từ 1836) mới được in. Đây được coi là di chúc của Puskin gửi hậu thế. Lịch sử văn bản và tiếp nhận bài thơ này khá phức tạp. Nối tiếp truyền thống của nhà thơ La Mã cổ đại là Hôraxơ và một số nhà thơ, Puskin viết bài Đài kỷ niệm phỏng theo bố cục bài Đài kỷ niệm của Đergiavin (5 khổ, mỗi khổ 4 câu) nhưng ý tứ khác hẳn. Cả ba nhà thơ đều quả quyết sẽ lưu danh đời sau. Vì sao? Hôraxơ nói vì ông có công đưa thành tựu thi ca cổ Hy Lạp vào thi ca La Mã. Đergiavin nói vì ông sáng tạo loại tụng ca hài hước, viết bài thơ hay về Chúa và vui vẻ nói sự thật với các nhà Vua. Puskin cũng nêu ba lý do:
Ta mãi mãi được nhân dân yêu chuộng
Vì thơ ta gợi những tình cảm cao thượng
Vì trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do
Và gợi từ tâm với kẻ sa cơ.
Trong bản in năm 1841nhà thơ Giucôpxki đã sửa lại câu thứ ba trong khổ thơ trên nhằm gạt bỏ sĩ khí quyết liệt của nó:
Vì vẻ đẹp tươi hữu ích của những vần thơ
Bạn đọc được biết nguyên tác của Puskin từ năm 1880, nhưng khổ thơ theo dị bản của Giucôpxki vẫn được khắc vào chân tượng Puskin ở Matxcơva khánh thành vào năm 1880 và chỉ được sửa lại cho đúng nguyên tác vào năm 1937.
Câu thơ thứ hai trong khổ thơ trên có cụm từ Trupxtva đôbrưê được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhà nghiên cứu Xô Viết X.Bônđi (có bài viết công phu, bổ ích về Đài kỷ niệm in năm 1976) cho biết: theo Từ điển ngôn ngữ của Puskin thì từ đôbrưi có 7 nghĩa cơ bản. Và Bônđi cho rằng cụm từ này của Puskin chỉ có thể hiểu theo hai trong bảy nghĩa đó. Điều thú vị là các dịch giả Việt Nam đã hiểu cụm từ này theo hai nghĩa mà Bônđi nêu:
1- Nghĩa thứ nhất là Tốt đẹp (trong sáng, cao thượng). Hai dịch giả hiểu theo nghĩa này:
Vì thơ tôi gợi cảm tình trong sáng
(Nguyễn Văn Giai)
Vì thơ tôi gợi những tình cảm cao thượng
(Nguyễn Hải Hà)
2- Nghĩa thứ hai là Đôbrôta, lòng vị tha, lòng tốt trong quan hệ với mọi người. Hai dịch giả hiểu theo nghĩa này:
Vì đàn thơ ta thức tỉnh tình thân ái
(Thúy Toàn)
Ta đã thức tỉnh lương tâm bằng sợi dây đàn
(Tạ Phương)
X. Bônđi khẳng định rằng cụm từ Trupxtva đôbrưê gắn với câu thơ thứ tư kêu gọi từ tâm (milôxti) cho nên cụm từ này chỉ có thể hiểu là lòng tốt (đôbrôta) đối với mọi người.
Chúng tôi thiển nghĩ cách hiểu độc đoán này của Bônđi đã làm nghèo ý thơ của Puskin. Theo quan điểm của chúng tôi cụm từ “những tình cảm tốt đẹp” rộng hơn lòng tốt. Ngoài lòng tốt, những tình cảm tốt đẹp trong thơ Puskin còn vô cùng phong phú: tình bạn, tình yêu, tình gia đình, lòng say mê thi ca, tình yêu thiên nhiên, khát vọng tự do, mong muốn vinh quang, niềm vui sống, nỗi buồn trong sáng…
N.M Fortunatôp chủ biên và soạn giả viết bài về Puskin trong sách giáo khoa Đại học Lịch sử Văn học Nga thế kỷ XIX (Matxcơva, 2008) có cách hiểu gần với chúng tôi. Giải thích lý do vì sao ông lưu danh hậu thế, “chính Puskin đã trả lời như sau: cái thiện, từ tâm và tự do – đó là những giá trị tinh thần căn bản”. Fortunatôp hiểu “những tình cảm tốt đẹp” như cái thiện (đôbrô) tức là tập hợp của những gì tốt đẹp nhất.
2- Thơ và Nhà thơ
Quan hệ giữa nhà thơ và thơ của anh ta là tiêu chí quan trọng để xác định bản chất của thơ trữ tình. Có hai quan điểm đối lập nhau về quan hệ giữa nhà thơ và thơ.
Nhiều nhà nghiên cứu đi theo chủ nghĩa tiểu sử, đồng nhất thơ và tiểu sử nhà thơ. Bàn về Giucôpxki, nhà phê bình Bêlinxki viết: “Tác phẩm của nhà thơ có thể đồng thời là tiểu sử tốt nhất của anh ta”. Chính Giucôpxki cũng nói: “Đời và thơ là một”. Nhà nghiên cứu người Pháp H. Troyart, tác giả hai tập chuyên luận về Puskin cho rằng: “Sáng tác của ông chính là hình ảnh của cuộc đời ông”.
Đối lập với quan điểm trên là những người phủ nhận hoặc coi nhẹ tác giả bài thơ. Các nhà cấu trúc luận coi văn bản thơ là một cấu trúc khép kín, hoàn toàn tách rời thời đại và nhà thơ. Nhà nghiên cứu Tây Ban Nha Ortêga I Gatxet cho rằng: “Nhà thơ bắt đầu nơi con người kết thúc. Số phận người này là đi theo con đường “của con người”, sứ mạng của người kia là tạo ra cái không tồn tại (…) Cuộc đời là một chuyện, thơ ca là một cái gì khác”(2).
Cả hai quan điểm trên đều đúng một phần, đều nắm một nửa chân lý, và đều sai lầm do cực đoan và phiến diện. Thơ gắn bó với tiểu sử nhà thơ và đều ít nhiều có chất tự thuật nhưng thơ không phải là tác phẩm tự thuật. Puskin rất coi trọng chủ thể sáng tạo: “Chúng ta thích thấy nhà thơ trong mọi trạng thái, mọi biến đổi tâm hồn sống động và sáng tạo của anh ta: cả trong nỗi buồn, cả trong niềm vui, cả lúc hân hoan phấn chấn cũng như khi cảm hứng dạt dào – cả trong sự phẫn nộ kiểu Giuvênan cũng như trong cơn bực tức nhẹ nhàng về người hàng xóm tẻ ngắt…” (1836). Nhưng đồng thời Puskin cho rằng thơ không trùng khít tiểu sử nhà thơ, thơ không xuất phát từ lợi ích vật chất thực dụng mà hướng tới sự sáng tạo cái đẹp: “Trong lúc mỹ học từ thời Kant và Letxinh đã phát triển sáng rõ và rộng rãi thì chúng ta vẫn còn chìm trong các khái niệm của kẻ cố chấp nặng Gốtsét; chúng ta vẫn cứ lặp lại rằng “cái đẹp” là sự mô phỏng thiên nhiên đẹp, rằng phẩm chất chủ yếu của nghệ thuật là “lợi ích”. Vì sao chúng ta ít thích các pho tượng tô mầu hơn các pho tượng thuần chất bằng đá hoa và bằng đồng? Vì sao nhà thơ thích diễn tả tư tưởng của mình bằng các câu thơ của mình? Và có lợi ích gì trong tượng Vênuyt ở Tixian và tượng Apôlông ở Benvêđe?
Sự giống như thật vẫn còn được xem là điều kiện và cơ sở của nghệ thuật kịch. Sẽ ra sao nếu người ta chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng bản chất của nghệ thuật kịch thật sự loại trừ sự giống như thật? Khi đọc trường ca, tiểu thuyết chúng ta thường có thể lặng người đi và cho rằng sự việc được mô tả không phải là hư cấu mà là sự thật. Chúng ta có thể nghĩ rằng trong tụng ca, sầu ca, nhà thơ mô tả tình cảm đích thực của mình trong các hoàn cảnh đích thực (1830, N.H.H nhấn mạnh).
Về bài Con quỷ, một nhà phê bình cho rằng “con quỷ của Puskin không phải là một thực thể tưởng tượng”. Có người còn nói bài thơ này ám chỉ người bạn của Puskin là Alêchxan Raiepxki. Nhà thơ coi những ý kiến này là “không đúng” và “nhà phê bình đã sai lầm”. Puskin cho biết trong Con quỷ ông muốn thể hiện “tinh thần phủ nhận hoặc hoài nghi và ảnh hưởng đáng buồn của nó tới đạo lý thời đại chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Puskin đã gạt bỏ nhiều câu thơ quá đậm chất tự thuật. Chẳng hạn bài Hồi ức (1829) mà L. Tônxtôi và nhiều người rất thích chỉ còn 16 câu, bỏ mất 20 câu thơ hay nhưng cay đắng. Bài Tôi lại về thăm (1836) bị bỏ nhiều câu, đáng chú ý là 22 câu kết thúc thể hiện tâm trang buồn bực của nhà thơ trong hai năm bị quản thúc tại quê nhà (1824-1825). Tất nhiên việc thêm bớt câu thơ của Puskin còn gắn với ý đồ, kết cấu và tính hàm súc của bài thơ.
Khó mà nói bài Tôi yêu em gắn với mối tình nào của nhà thơ. Người đẹp phàm tục Anna Pêtơrôpna Kern (1800-1879) thoắt trở thành “thiên thần sắc đẹp trắng trong” trong bài thơ tình nổi tiếng thế giới Gửi K. (1826). Tình yêu đơn phương của Puskin đối với thiếu phụ chết yểu Amalia Ritnhích (1803-1825) thăng hoa thành những vần thơ tình say đắm trong bài Dưới bầu trời xanh quê hương (1826), Em từ giã dải bờ đất khách (1830, Thúy Toàn dịch) và Tha thứ cho anh chăng những mộng tưởng ghen tuông (1823) với hai câu kết:
Em đâu biết anh yêu em mãnh liệt
Em đâu biết anh khổ đau khôn xiết
Gôgôn thấu hiểu công phu sáng tạo của Puskin: “Ngay cả những lúc ông loay hoay “trong ngất ngây dục vọng”, thi ca đối với ông vẫn là vật thiêng, hệt như một ngôi đền. Ông không bước vào đó với bộ dạng luộm thuộm, lôi thôi; ông không mang vào đó một cái gì chưa nghiền ngẫm kỹ, nông nổi từ chính cuộc đời của riêng mình. Bước vào đó không phải là một hiện thực tả tơi, lõa lồ (…) Bạn đọc chỉ cảm nhận được độc có hương thơm, nhưng những chất liệu gì cháy rụi trong lồng ngực nhà thơ để có thể sản sinh ra hương thơm đó thì không ai có thể thấy.”
Đại thi hào Gớt nói: “Thế giới rộng lớn, phong phú và cuộc sống đa dạng tới mức sẽ chẳng thiếu gì nguyên cớ để làm thơ. Nhưng tất cả các bài thơ phải được viết ra “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội), nghĩa là hiện thực phải tạo ra nguyên cớ, chất liệu để làm việc đó. Cơ hội riêng lẻ trở thành chung và nên thơ bởi vì nó được nhà thơ gia công. Tất cả thơ của tôi đều là những bài thơ “vì nguyên cớ” (nhân cơ hội); chúng được hiện thực thôi thúc và vì thế có cơ sở”. Ở đây Gớt đã nói ngắn gọn, dễ hiểu về quan hệ giữa Đời và Thơ, giữa chất liệu và hư cấu, giữa cái tôi và cái ta (Riêng – Chung) giữa tiểu sử nhà thơ và thơ trong thi ca.
Dẫu sao tính tự thuật khá đậm nét trong thơ Puskin và ta có thể nói như nhà văn A. Gherxen: “thơ trữ tình của Puskin là các giai đoạn đời ông, tiểu sử của tâm hồn ông” (N.H.H nhấn mạnh).
Cho tới cuối thế kỷ XIX quan điểm Hêghen về thơ vẫn ngự trị: thơ trữ tình thể hiện nội tâm, tính chủ quan của nhà thơ. Nhưng “tính chủ quan” đó phải chăng là nguyên phiến, chỉ thuộc về một ý thức duy nhất, một tinh thần tuyệt đối? Gớt và Puskin cùng nhiều nhà thơ đã chỉ ra bóng dáng cái ta bên cái tôi trong thơ trữ tình. Đầu thế kỷ XX nhà Mỹ học Nga M. Bakhtin nhận ra “người khác”, “nhân vật” bên cạnh “tác giả” trong bài thơ. Năm 1910 bà M. Susman người Đức gọi “người khác” đó trong thơ là Cái Tôi trữ tình và năm 1921 nhà lý luận Nga Yu. Tưnhianôp gọi đó là Nhân vật trữ tình. Hai thuật ngữ này đã được vận dụng từ ngót một trăm năm nay để phân tích thơ trữ tình. Tuy thế các thuật ngữ này vẫn chưa có cách hiểu thống nhất và vẫn còn gây tranh cãi. Điều đó cho thấy mối quan hệ nhà thơ và thơ vẫn còn phải tiếp tục được đào sâu, biện giải khoa học.
3- Con đường sáng tạo
Puskin nhắc lời Kinh thánh “sự thật mạnh hơn nhà vua”. Ông coi việc khám phá sự thật là nhiệm vụ tối cao của nghệ thuật:
Hãy dũng cảm và coi khinh dối trá
Con đường sự thật phấn chấn noi theo
(Phỏng kinh Coran, 1824)
Bực bội vì chương VII tiểu thuyết Epghêni Ônêghin bị chê, Puskin đã nói một cách cực đoan kiểu tranh luận: “Nhà thơ có thể chọn đối tượng vớ vẩn nhất, nhà phê bình không cần phân tích điều nhà thơ mô tả mà cần phân tích cách anh ta mô tả”. Thật ra, Puskin rất coi trọng “điều nhà thơ mô tả”, hơn thế ông còn đòi hỏi nhà thơ phải khám phá cái mới: “Nếu như mọi cái đều đã được mô tả, thì anh viết để làm gì? Để nói một cách hoa mỹ điều đã được nói một cách giản dị ư? Một việc làm thảm hại! Không, chúng ta không nên vu khống trí tuệ con người – trí tuệ này vô tận trong cách hiểu thấu các khái niệm cũng như ngôn ngữ là vô tận trong cách hiểu các từ” (1827). Và điều đặc biệt cần lưu ý là Puskin coi sự sáng tạo cao nhất thể hiện trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa điều nhà thơ muốn mô tả và cái cách anh ta mô tả điều đó: “Có sự táo bạo cao cấp: sự táo bạo phát minh, sáng tạo, ở đó bố cục rộng lớn được bao bọc bởi một tư tưởng sáng tạo, - đó là sự táo bạo của Sêcxpia, Đantê, Miltơn, Gớt trong Faust và Môlie trong Kẻ đạo đức giả” (1827).
Ngay từ lúc mới chập chững vào nghề, Puskin đã luôn có ý thức về cá tính sáng tạo. Ông học tập chứ không bắt chước các bậc thầy:
Tôi đi đường của mình
Mỗi người một cách riêng
(Gửi Batiuscôp)
Gôgôn kể lại rằng sau khi dẫn hai câu thơ của Đergiavin:
Vì ngôn từ, mặc người ta giày vò tôi
Vì sự nghiệp, nhà châm biếm kính trọng tôi
Puskin nói: “Đergiavin không hoàn toàn đúng: ngôn từ của nhà thơ đã là sự nghiệp của anh ta rồi”.
Suốt đời mình Puskin say mê nghệ thuật ngôn từ. Chẳng những Puskin đã làm cho thơ Nga thật sự là thơ, ông còn bồi đắp và hoàn thiện ngôn ngữ văn học Nga. Puskin rất yêu tiếng mẹ đẻ: “Số phận tiếng Nga vô cùng may mắn, vào thế kỷ XI, tiếng Hy Lạp cổ bỗng nhiên mở ra trước tiếng Nga vốn từ vựng của mình, kho báu của sự hài hòa, cung cấp cho tiếng Nga những luật lệ ngữ pháp đã được nghiền ngẫm kỹ của mình (…). Tiếng Nga tự nó đã du dương và biểu cảm từ đó lại tiếp thu tính uyển chuyển và chính xác”. Tiếp đó Puskin nói tới ảnh hưởng của tiếng Pháp, Đức, Hà Lan tới tiếng Nga dưới thời Đại đế Piôt. Năm 1824 Puskin cho rằng việc dùng nhiều tiếng Pháp, coi thường tiếng Nga là một trong các nguyên nhân khiến văn học Nga phát triển chậm: “Ở nước ta vẫn còn chưa có văn chương, chưa có sách, mọi hiểu biết của chúng ta, mọi khái niệm của chúng ta từ bé đều được rút ra từ sách nước ngoài, chúng ta quen suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài (…) nhưng sự uyên bác, chính trị, triết học đều chưa được diễn giải bằng tiếng Nga - ở nước ta hoàn toàn chưa hề có ngôn ngữ siêu hình; văn xuôi ta vẫn còn ít được trau chuốt tới mức trong thư từ đơn giản chúng ta cũng buộc phải sáng tạo các cách nói để diễn giải những khái niệm bình thường nhất; và sự lười biếng của chúng ta được diễn tả thoải mái hơn trong tiếng nước ngoài là thứ tiếng mà các hình thức máy móc của nó đã được chuẩn bị và được mọi người biết tới từ lâu” (N.H.H nhấn mạnh).
Ông cảm nhận rõ yêu cầu bức thiết phải xây dựng ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ toàn dân (mà nhà thơ gọi là ngôn ngữ siêu hình): “Một lúc nào đó phải nói to lên rằng tiếng Nga siêu hình của nước ta hãy còn ở tình trạng mọi rợ. Cầu trời cho một lúc nào đấy ngôn ngữ đó sẽ hình thành giống như tiếng Pháp, ngôn ngữ chính xác của văn xuôi, nghĩa là ngôn ngữ của tư tưởng” (Thư gửi P.A. Viademxki năm 1825).
Nhân lễ khánh thành tượng đài Puskin ở Matxcơva năm 1880, nhà viết kịch Nga nổi tiếng A.Ôxtơrôpxki đã đánh giá rất cao tác động của thơ ca Puskin: “ngoài khoái cảm, ngoài hình thức diễn đạt tư tưởng và tình cảm, nhà thơ còn đưa ra ngay cả các công thức diễn đạt tình cảm và tư tưởng (…) Vì sao người ta sốt ruột chờ đợi mỗi tác phẩm mới của nhà thơ vĩ đại? Bởi vì ai cũng muốn suy nghĩ và cảm xúc một cách cao cả cùng với ông…” (do chúng tôi nhấn mạnh N.H.H).
Theo Puskin, đặc điểm của trường phái thơ Giucôpxki và Batiuxcôp là “tính chính xác hài hòa”. Nhà thơ nói rõ quan điểm của mình về thị hiếu thẩm mỹ: “Thị hiếu chân chính không phải ở việc gạt bỏ theo bản năng một từ nào đó, một cách nói nào đó mà thể hiện trong cảm giác về sự cân đối và phù hợp”. Đó cũng chính là điều mà bạn đọc thấy nổi bật trong thơ ông. Nhà phê bình Biêlinxki nhận xét: “Ở Puskin không bao giờ có cái gì thừa, không có cái gì thiếu, tất cả đều vừa mức, tất cả đều đúng chỗ, phần cuối hài hòa với phần đầu và sau khi đọc tác phẩm của ông, ta thấy không thể bớt gì từ nó và cũng chẳng thể thêm gì vào nó”.
Cảm hứng, giây phút xuất thần thai nghén, ấp ủ và bật ra ý thơ, câu thơ, bài thơ là một hiện tượng không dễ giải thích, thậm chí có người còn gán cho nó ý nghĩa huyền bí. Trong bài thơ Mùa thu (1833, in năm 1841) Puskin nói tới bốn mùa, tới mùa thu – mùa ly biệt, buồn thương, cũng là mùa gợi cảm hứng sáng tác. Puskin đã chia sẻ với bạn đọc về những phút giây cảm hứng đầy hạnh phúc:
Tôi lãng quên thế giới và trong tĩnh lặng êm đềm
Trí tưởng tượng ngọt ngào ru tôi thiêm thiếp,
Rồi trong tôi thơ bừng tỉnh giấc:
Xúc động trữ tình khiến tâm hồn nghẹt thở,
Run rẩy, ngân vang và tựa trong mơ,
Rốt cuộc đòi biểu lộ tự do –
Cả một đoàn khách vô hình đang tới thăm,
Những người quen cũ, con đẻ của mộng mơ tôi đó.
Những ý tưởng trong đầu trào dâng táo bạo,
Và các vần êm ái lao tới luôn,
Rồi ngón tay đòi bút, bút đòi giấy,
Một phút thôi – và những câu thơ thoải mái trào tuôn.
Ở đây có cả thực và mơ, cả ý thức và vô thức, cả trí tưởng tượng sáng tạo và những trải nghiệm thực tế, cả giây phút xuất thần và những hình ảnh tích lũy, cả ý tưởng và sự biểu hiện. Tất cả vừa như một công việc đơn giản, vừa như một sự trở dạ kỳ lạ. Đó là sáng tạo của tài năng.
4- Nhà thơ và bạn đọc
Khi sáng tác nhà thơ nào cũng tưởng tượng bạn đọc lý tưởng của mình. Nhưng Puskin biết rằng thơ kén bạn đọc: “Ngụ ngôn (cũng như tiểu thuyết) được cả nhà văn, nhà buôn, cả người thượng lưu và phu nhân, cả chị hầu phòng và trẻ em đọc. Nhưng chỉ có những người yêu thơ đọc thơ trữ tình. Và liệu họ có nhiều không?” (1830). Chỉ qua đối thoại, tiếp nhận của bạn đọc bài thơ mới lan truyền tình cảm, hun đốt lòng người và bắt đầu cuộc sống của mình trong dòng thời gian dằng dặc.
Từ lúc còn ngồi trên ghế trường Lixê, Puskin đã ao ước vinh quang của nhà thơ, dù coi cuộc đời là phù du nhà thơ vẫn muốn lưu danh hậu thế.
Công chúng bạn đọc không thuần nhất. Puskin có nhiều tri âm tri kỷ. Đó là các nhà thơ bậc thầy như Đergiavin, Giucôpxki, Batiuscôp, các bạn học, bạn thơ như Đenvích, Kiukhenbêker, Pusin, Đavưđôp, Gribôiêđôp, Rưlêep... và đông đảo người hâm mộ. Nhưng suốt đời Puskin kình địch với đám đông điếc đặc thơ ca, trong đó có cả một số nhà phê bình. Trong bài thơ Nhà thơ và đám đông (in năm 1828 với nhan đề Trernhi có nghĩa là Đám đông) Puskin đã xác định đám đông là những kẻ “lạnh lùng và ngạo mạn”, “đám phàm tục”, “lũ ngu đần”, “nô lệ của các nhu cầu, lo toan”. Cả bài thơ là cuộc đối thoại giữa nhà thơ và đám đông. Đây là lời đám đông tự nói về mình:
Bọn ta nông nổi, bọn ta tham lam
Vô sỉ, độc ác và vô ơn
Trái tim lạnh giá như hoạn quan
Lũ vu khống, nô lệ và ngu đần.
Có thể tìm thấy chữ kẻ ngu đần trong rất nhiều bài thơ của Puskin. Nhà thơ lớn tiếng thách thức lũ ngu đần đó:
Không vì những xáo động trên đời
Không vì lợi lộc, không vì đấu tranh,
Chúng ta sinh ra vì cảm hứng,
Vì lời nguyện cầu và ngọt dịu âm thanh.
Khổ thơ này đã làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu và làm tốn nhiều giấy mực tranh cãi trong gần 200 năm nay.
Biêlinxki có nhiều khám phá tinh tế và sâu sắc về thơ ca Puskin nhưng ông đã không hiểu được bài thơ này và cũng không hiểu thấu đáo Puskin. Biêlinxki sai lầm khi cho rằng tư tưởng bài thơ này sai lầm. Và ông đi tới những nhận định vô cùng sai lầm: “Puskin – Nhà thơ cao hơn nhiều Puskin – Nhà tư tưởng” và “thời gian đã vượt qua thơ Puskin” Người chủ trương phá hủy mỹ học Đ.I. Pixarép chế giễu nhà thơ trong bài thơ trên và trách Puskin “cực kỳ dửng dưng với đau khổ nhân dân”, coi thường cái nghèo, khinh bỉ lao động có ích.
Vào giữa thế kỷ XIX, A.V. Đruginin dựa vào bài thơ này của Puskin để tạo dựng lý thuyết có tính nghệ thuật về nghệ thuật làm cơ sở cho thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật. Năm 1897 Đ.X. Mêrêgiơcôpxki - nhà thơ, nhà lý luận coi Puskin “nhà tiên tri”, “Á thánh” là “kẻ thù của đám đông”, là “hiệp sĩ của chủ nghĩa quý tộc tinh thần vĩnh cửu”.
Nhà lý luận G.V. Plêkhanôp cũng cho rằng với bài thơ này và trong những năm 30 Puskin đã rơi vào thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật. Theo ông cũng có thể bào chữa phần nào cho thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật ở chỗ nó nảy sinh từ sự bất hòa giữa nhà thơ và môi trường xung quanh.
Sau gần 200 năm bài thơ ra đời, giờ đây ta có thể khẳng định rằng Puskin chưa bao giờ là người đi theo thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật. Ông phân biệt đám đông ngu đần với nhân dân. Ông biết “nhà thơ được vua chúa sủng ái” sẽ bị nhân dân xa lánh (Ấm êm trong nhung lụa triều thần, đoạn thơ chưa sửa viết năm 1827, in năm 1884, Lê Đức Thụ dịch).
Puskin chỉ chống lại chủ nghĩa thực dụng vật chất tầm thường, chống chủ nghĩa sơ lược, chủ nghĩa minh họa. Ông coi “mục đích của thơ là thơ”. Ông muốn thể hiện tư tưởng mình bằng thơ, sao cho thật nên thơ. Có thế mới có thể đem tới cho bạn đọc “khoái cảm của những tư tưởng cao xa và những vần thơ”. Nhiều bài thơ của Puskin nóng hổi tính thời sự, “những xáo động trên đời”: Hồi ức ở Thôn Vua, Napôlêông, Anđrê Sêniê, Gửi tới Sibir, Ariôn, Anh hùng, Gửi lũ vu khống nước Nga, Kỷ niệm Bôrôđinô, Trước phần mộ linh thiêng... Lòng căm thù chế độ nông nô – chuyên chế, khát vọng tự do cháy bỏng trong biết bao bài thơ của Puskin: Tự do, Làng quê, Gửi Traađaep, Người tù, Con chim nhỏ, Gửi biển, Cây thuốc độc, Kapkadơ, Tu viện trên đỉnh núi... (tất cả đều đã được dịch sang tiếng Việt)
Trong bài Gửi nhà thơ (1831) Puskin khẳng định mạnh mẽ tự do tuyệt đối của nghệ sỹ:
Nhà thơ! Chớ coi trọng tình yêu của dân chúng.
Lời khen nhiệt thành ầm ĩ sẽ qua nhanh.
Nghe kẻ ngu phán xét và đám đông lạnh lùng cười cợt,
Ngươi hãy vững lòng, khinh khỉnh, thản nhiên.
Ngươi là Vua: hãy sống một mình
Theo con đường tự do dẫn dắt bởi trí tuệ tự do
Trong những năm cuối đời, Puskin ít đưa in thơ trữ tình. Một số tác phẩm của ông kể cả Kịch, văn xuôi không được giới phê bình đánh giá đúng. Có kẻ đối địch với ông còn phao tin Puskin là “ngôi sao lụi tắt giữa ban ngày”. Ngay Biêlinxki, nhà phê bình trẻ lúc đó, người ca ngợi Puskin, cũng đã nói về sự sa sút tài năng của ông ngay khi nhà thơ còn sống: “Puskin đã ngự trị mười năm (...). Giờ đây không nhận ra Puskin nữa: ông đã chết hoặc ông tạm thời chết (...). Như vậy những năm ba mươi đã kết thúc hoặc đúng ra thời kỳ Puskin đã đột ngột đứt đoạn vì chính Puskin đã chết”. Chính trong bầu không khí ảm đạm như vậy, năm 1836 Puskin tâm sự với hậu thế trong bài Đài kỷ niệm (Thúy Toàn dịch). Dường như nhà thơ tranh luận quyết liệt:
Không! Ta không chết trong đàn thơ di chúc
Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan
Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân
Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi
Một khí phách ngang tàng pha chút đắng cay hừng hực trong khổ cuối cùng của Đài kỷ niệm:
Nàng thơ hỡi, hãy tuân lời Thượng đế,
Vòng hoa không màng, nhục hờn sa kể
Chẳng bận lòng tới lời khen lời chê,
Chẳng hoài công cãi với đứa ngu si.
Đầu năm 1837, cả nước Nga bàng hoàng đau xót trước tin dữ: Puskin – Mặt trời thi ca Nga đã lặn. Nhưng danh tiếng Puskin vẫn còn vang mãi mãi
KẾT LUẬN
Năm 1827 Puskin nhận xét: “Ở xứ ta có nền văn học, nhưng chưa có nền phê bình”. Nhà thơ cũng nêu lên những yếu kém của chất lượng phê bình thời đó: phê bình ấu trĩ, phê bình chửi bới, phê bình kiểu ông nói gà bà nói vịt (nhà phê bình, nhà thơ và bạn đọc giống như quan tòa, bên nguyên, bên bị đều là những anh điếc trong phiên tòa) phê bình chung chung, hời hợt: “Các nhà phê bình của chúng ta thường nói: cái này hay vì nó tuyệt, còn cái này dở vì nó tồi”.
Về quan hệ của ông với các nhà phê bình, Puskin cho biết: “Không may là phần nhiều chúng tôi không hiểu nhau”. Được khen ông phấn khởi, bị chê ông cố nén tự ái, tìm hiểu quan điểm nhà phê bình và Puskin không bao giờ đáp lời nhà phê bình. Năm 1830, Puskin phải lưu lại trại ấp Bônđinô nhiều ngày để tránh bệnh dịch đang lan rộng. Đây là thời gian Puskin viết được nhiều tác phẩm hay. Cũng nhân dịp này nhà thơ viết một bài dài nhan đề Bác bỏ phê bình điểm lại tất cả các bài phê bình tác phẩm của ông trong 16 năm trước đó. Bài viết còn dở dang và phần lớn được công bố dần sau khi nhà thơ mất. Qua bài viết này bạn đọc có thể hiểu đúng hơn các tác phẩm của Puskin. Nhà thơ thừa nhận các nhà phê bình đã chỉ ra đúng 5 lỗi chính tả, ngữ pháp trong các tác phẩm của ông 16 năm qua.
Puskin hiểu rõ tầm quan trọng của phê bình: “Tình trạng phê bình tự nó chứng tỏ trình độ văn hóa của toàn bộ nền văn học”. Năm 1830, Puskin phác thảo bài viết rất ngắn Bàn về phê bình (công bố lần đầu năm 1928) nói rõ quan điểm của ông về phương pháp phê bình và phẩm chất nhà phê bình. Toàn văn bài viết như sau:
“Phê bình nói chung. Khoa học phê bình.
Phê bình là khoa học khám phá cái đẹp và những thiếu sót trong tác phẩm nghệ thuật và văn học.
Phê bình dựa trên sự hiểu biết thấu đáo các quy tắc mà nghệ sỹ hoặc nhà văn tuân theo trong các tác phẩm của mình, trên sự hiểu biết sâu sắc các mẫu mực và trên sự quan sát tích cực các hiện tượng xuất sắc đương thời.
Tôi không nói tới sự vô tư – trong phê bình, kẻ nào bị chi phối bởi cái gì đó ngoài tình yêu trong sáng với nghệ thuật, kẻ đó sẽ tụt xuống đám đông bị điều khiển một cách nô lệ bởi những động cơ thấp kém.
Ở đâu không có tình yêu nghệ thuật thì ở đó không có phê bình. Vinkenman nói: bạn có muốn là người am hiểu nghệ thuật không? – Bạn hãy cố gắng yêu quý nghệ sỹ, hãy đi tìm cái đẹp trong các sáng tác của anh ta”.
Như vậy Puskin cho rằng nhà phê bình đứng đắn phải có cái tâm trong sáng, lòng say mê nghệ thuật và tầm hiểu biết sâu rộng. Là một khoa học, phê bình phải dựa trên ba căn cứ:
1- Hiểu biết sâu sắc các mẫu mực nghệ thuật tự cổ chí kim, tinh hoa văn hóa và văn học nhân loại mà các nghệ sỹ đã kế thừa. Puskin nhắc tới Hôme và văn học cổ Hy Lạp, văn học cổ La Mã, Sêcxpia, Đantê, Gớt, Byron, Giucôpxki...
2- Quan sát tích cực các hiện tượng văn học xuất sắc đương thời ở Nga và nước ngoài. Puskin am hiểu các nhà thơ Anh, Pháp, Ba Lan... đồng thời có quan hệ bạn bè, văn chương với nhiều nhà thơ, nhà văn Nga đương thời. Nhà thơ luôn sáng tạo trong giao lưu và đối thoại với các bạn văn.
3- Hiểu biết thấu đáo các quy tắc mà nhà thơ tuân theo trong các tác phẩm của mình. Nhà thơ vừa noi theo các mẫu mực cổ điển, vừa sáng tạo quy tắc riêng trong các sáng tác của mình. Puskin học nghệ thuật kịch của Sêcxpia, chịu ảnh hưởng sâu sắc thơ Byron nhưng Puskin là Puskin vì ông đã sáng tạo nên thế giới nghệ thuật của riêng mình.
Phê bình phải khám phá được phong cách, nét đặc sắc trong cá tính sáng tạo của mỗi nghệ sỹ.
Nhiệm vụ tối cao của phê bình là khám phá cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng thế nào là cái đẹp trong nghệ thuật? – Đây là vấn đề hóc búa đối với các nhà mỹ học mọi thời đại.
Đâu là cái đẹp trong thơ của Puskin? – Đây là câu đố hấp dẫn và niềm vui bất tận dành cho các thế hệ bạn đọc yêu thơ hôm nay và mai sau.
Việc thấu hiểu quan niệm của Puskin về thơ sẽ giúp chúng ta cảm nhận dễ dàng hơn cái hay cái đẹp trong thơ ông(3)1
Mùa Xuân 2009(1) Phần lớn các câu thơ trích trong bài này đều do chúng tôi dịch nghĩa trực tiếp từ nguyên tác tiếng Nga – N.H.H.
(2) Ortêga I Gatxet: Phi nhân văn hóa nghệ thuật, 1925 (sách Mỹ học. Triết học văn hóa. Bản dịch sang tiếng Nga, 1991).
(3) Xin xem: - Các nhà văn Nga bàn về công việc nhà văn. Bốn tập. Tập I, Nxb. Nhà văn Xô Viết, Matxcơva, 1954.
- V.G. Bêlinxki: Tác phẩm của Alêcxan Puskin. Nxb. Đetghiz, Matxcơva, 1969.
- N.L. Xtêpanôp: Thơ trữ tình Puskin. Nxb. Nhà văn Xô Viết, Matxcơva, 1959.
- B.P. Gôrôđexki: Thơ trữ tình Puskin. Nxb. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Matxcơva – Lêningrát, 1962.
- X. Bônđi: Về Puskin. Nxb. Văn học nghệ thuật, Matxcơva, 1983.
- N.M. Fortunatôp (Chủ biên): Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX. Nxb. Trường Cao đẳng, Matxcơva, 2008.
- Nhiều tác giả: Văn học Nga thế kỷ XIX-XX. Hai tập. Tái bản lần thứ 9. Nxb. Trường Đại học Tổng hợp, Matxcơva, 2008.
nguồn : Viện văn học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét