2
-Anh có nghe thấy ở đâu người ta còn hát như thế không ? - Bà lão Idecghin vừa hỏi vừa ngẩng đầu lên và cái miệng móm mém mỉm cười.
-Không, tôi chưa bao giờ nghe thấy …
-Và sẽ không bao giờ được nghe thấy nữa. Chúng tôi thích hát. Chỉ những người đẹp là những người ham sống. Chúng tôi ham sống. Anh tưởng những người đang hát ở kia không mệt mỏi sau một ngày vừa qua sao ? Chớ tưởng lầm như vậy ! Họ làm việc từ lúc mặt trời mọc cho tới hoàng hôn, bây giờ trăng đã lên mà họ vẫn ca hát. Những kẻ không biết sống thì đã đi ngủ rồi. Những người yêu đời vẫn ca hát, anh thấy đấy.
-Nhưng sức khỏe .. - Tôi toan nói.
-Sức khỏe bao giờ cũng đủ dùng suốt đời. Sức khỏe! Nếu anh có tiền, anh lại không tiêu tiền chăng ? Sức khỏe cũng là vàng. Anh có biết thời trẻ tôi đã làm gì không ? Tôi dệt thảm từ sáng tinh mơ cho đến chiều hôm, gần như không hề đứng lên. Tôi lanh lợi như một tia sáng mặt trời, vậy mà cứ phải ngồi lì một chỗ như tảng đá. Tôi ngồi đến nỗi đôi khi xương cốt kêu răng rắc. Vậy mà cứ tối đến là tôi chạy đến với người yêu để ôm hôn chàng. Ba tháng ròng như thế, suốt thời gian chúng tôi yêu nhau. Hồi ấy, đêm nào tôi cũng đến với chàng. Thế mà tôi sống đến ngần này tuổi rồi đây : khí lực sung túc lắm đấy chứ! Tôi đã yêu biết bao nhiêu người! Tôi đã cho và nhận bao nhiêu cái hôn!
Tôi nhìn mặt bà lão. Cặp mắt đen của bà vẫn mờ đục, hồi ức không làm cho cặp mắt ấy linh hoạt lên. Ánh trăng rọi sáng cặp môi khô nứt nẻ của bà, rọi sáng cái cằm nhọn vêu vao dính những sợi tóc bạc và cái mũi nhăn nheo khoằm xuống như mỏ cú. Hai má trũng xuống thành hai hõm đen : từ dưới tấm khăn đỏ, như miếng giẻ rách quấn quanh đầu, một mớ tóc màu tro xõa ra, dính bết vào bên hõm má. Da mặt, da cổ và da tay chằng chịt nếp nhăn nom như những vết khía và mỗi khi bà lão cử động, tôi cứ tưởng như làn da khô héo ấy sẽ rách tơi tả, bong xuống từng mảnh và trước mắt tôi sẽ hiện lên bộ xương trần trụi với hai hốc mắt đen ngòm, đờ đẫn.
Bà lão lại bắt đầu kể chuyện, bằng cái giọng lạo sạo của mình:
-Dạo ấy tôi sống với mẹ ở Fanmi, ngay trên bờ sông Buôclai. Khi anh ấy đến xóm tôi thì tôi mười lăm tuổi. Anh ấy cao lớn, thân hình mềm dẻo, ria đen, vui tính. Anh ấy ngồi trong thuyền và cất giọng sang sảng, thét vọng vào cửa sổ gọi chúng tôi : "Này, các người có rượu nho … và cái gì cho tôi chén với không ?" Tôi nhìn ra cửa sổ và qua những cành tần bì, tôi thấy : cả dòng sông xanh biếc dưới ánh trăng, anh mặc sơ mi trắng, chiếc thắt lưng rộng bản buông thõng hai đầu xuống một bên sườn, một chân anh đứng trong thuyền, chân kia ghếch lên bờ. Anh lắc lư và hát một điệu gì không rõ. Thấy tôi, anh nói : "Chà, ở đây có cô em xinh đẹp quá đi mất ! Thế mà ta chẳng biết gì cả ! " Cứ như là trước khi gặp tôi, anh đã biết tất cả con gái đẹp trên đời rồi không bằng ! Tôi đem rượu nho và thịt lợn luộc cho anh … Rồi bốn ngày sau, tôi đã hiến cả con người tôi cho anh … Đêm nào chúng tôi cũng xuống thuyền đi chơi với nhau. Anh đến, huýt sáo khe khẽ như tiếng chuột nhảy, còn tôi nhảy qua cửa sổ xuống sông như một con cá … Thế rồi chúng tôi cho thuyền đi … Anh là một tay chài lưới ở Prut, về sau, khi mẹ tôi đã biết hết mọi chuyện và giọt cho tôi một trận nên thân thì anh luôn luôn dỗ tôi đi với anh đến Đôbrutja và đi xa hơn nữa, tới cửa sông Đanuyp. Nhưng lúc ấy tôi không thích anh nữa rồi : anh chỉ biết ca hát và ôm hôn tôi, ngoài ra không còn gì nữa ! Tôi đã chán anh rồi. Hồi ấy có một đoàn người Guxun kéo đến vùng này, và trong bọn họ có những tay đáng yêu … Bọn họ sống đến là vui. Có một cô gái nọ đang chờ đợi chàng trai hiên ngang của mình (chàng là người xứ Cacpát). Cô cứ tưởng anh đã vào tù hoặc bị giết trong một cuộc ẩu đả ở đâu đó, vậy mà bỗng nhiên chàng vụt đến với cô, như từ trên trời rơi xuống, đi một mình hay với hai ba người bạn. Chàng mang đến cho cô những món quà sang trọng : thứ gì họ cũng kiếm được một cách dễ dàng thôi mà ! Chàng ăn uống linh đình ở nhà cô, hãnh diện về cô trước các bạn mình. Cô thích thú về chuyện đó. Tôi nhờ một cô bạn hiện đang có chàng Guxun giới thiệu họ cho tôi … Tên cô ấy là gì ? Tôi quên mất rồi … Bây giờ tôi bắt đầu quên hết mọi việc trên đời. Từ bấy đến nay đã bao lâu rồi, mọi việc đều quên ráo cả. Cô ta giới thiệu cho tôi một anh chàng giỏi trai. Anh chàng khá xinh … Đầu tóc anh đỏ, cái gì cũng đỏ hoe : cả ria lẫn những búp tóc xoăn ! Một cái đầu rực lửa ! Dáng dấp anh buồn rười rượi, khi thì anh âu yếm, khi thì gầm thét và ẩu đả như thú dữ. Có lần anh đánh vào mặt tôi … Còn tôi nhảy chồm vào ngực anh như một con mèo, cắn ngập răng vào má anh … Từ đó, trên má anh có một lỗ trũng, và khi tôi hôn vào cái lỗ trũng ấy thì anh thích lắm …
-Thế còn anh thuyền chài, anh ta đi đâu ? - Tôi hỏi.
-Anh thuyền chài, hả ? Anh ta … vẫn ở đấy. Anh ta nhập bọn với cánh Guxun. Thoạt tiên, anh ta vẫn cứ dỗ dành tôi và dọa quẳng tôi xuống sông, nhưng rồi cũng không có chuyện gì cả, anh ta nhập bọn với họ, kiếm được một cô khác … Cả hai anh bạn của tôi - anh thuyền chài và anh Guxun ấy - cùng bị treo cổ một lúc. Tôi có đi xem họ bị treo cổ. Chuyện đó xảy ra ở Đôbrutja. Khi đi ra chỗ xử tội, anh thuyền chài mặt tái mét, khóc lóc, còn anh Guxun thì phì phèo tẩu thuốc. Anh đi ung dung như thường và hút thuốc, hai tay đút túi quần, một bên ria mép ngả xuống bên vai, nhánh kia thõng trước ngực. Thấy tôi, anh nhả tẩu thuốc ra và lớn tiếng gọi tôi : "Vĩnh biệt ! …" Tôi thương tiếc anh suốt một năm trời. Chuyện đó xảy ra lúc họ định về quên ở Cacpát. Trước khi đi, họ đến thăm một người Rumani để từ biệt. Họ bị bắt ở đó. Chỉ có hai người bị bắt, còn thì mấy người bị giết, những người khác trốn thoát … Sau đó họ đã trả thù gã người Rumani kia … Họ đốt trại, đốt nhà xay bột, đốt hết lúa mì của hắn. Hắn trở thành ăn mày.
-Cụ làm việc ấy chứ gì ? - Tôi đoán già đoán non.
-Bọn Guxun thiếu gì bạn bè, không phải chỉ có mình tôi … Người nào là bạn thân nhất của họ, người ấy rửa hờn cho người khuất bóng …
Tiếng hát trên bờ biển đã im bặt, bây giờ chỉ có tiếng sóng biển ì ầm hòa nhịp với bà lão : tiếng sóng tư lự và sôi nổi hòa điệu tuyệt diệu cho câu chuyện về một cuộc đời sóng gió. Đêm mỗi lúc một êm dịu hơn, ánh trăng xanh ngời tỏa chiếu càng rộng khắp trong đêm, còn những âm thanh mơ hồ phát ra từ cuộc sống tất bật của những cư dân vô hình của đêm tối cứ khẽ dần đi, bị át trong tiếng sóng biển rì rào mỗi lúc một to … vì gió mỗi lúc một mạnh.
-Sau đó tôi còn yêu một anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Tôi ở trong khuê phòng của anh ta ở Xkutari. Tôi sống ở đó suốt một tuần, cũng tạm được … Nhưng rồi tôi đâm chán … lúc nào cũng chỉ thấy đàn bà là đàn bà … Anh ta có tám ả … Suốt ngày họ chỉ ăn, ngủ và tán chuyện lăng nhăng … Hay chửi nhau, quang quác cái mồm lên như những con gà mái. Anh ta không còn trẻ nữa, cái anh Thổ Nhĩ Kỳ ấy. Tóc gần bạc hết, nghiêm trang rất mực và giàu có. Nói năng như đấng chúa tể .. Mắt đen .. đôi mắt thẳng thắn .. nhìn thẳng vào tâm hồn người ta. Anh rất thích cầu nguyện. Tôi gặp anh ở Bukaresti … Anh đi đi lại lại trong chợ như một ông vua, xem xét mọi cái với vẻ trang nghiêm, rất đỗi trang nghiêm. Tôi mỉm cười với anh. Ngay chiều hôm đó, người ta chộp lấy tôi ở ngoài phố và đưa lên xe, đưa đến nhà anh. Anh buôn bạch đàn và dừa, còn anh đến Bukaresti mua cái gì thì không rõ. "Cô em đến Thổ Nhĩ Kỳ với ta chứ ? " - anh hỏi. "Ồ vâng, em xin đi với chàng !" "Tốt lắm !". Thế là tôi đi. Anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ ấy giàu có lắm. Anh ấy có một đứa con trai, thằng bé ngăm ngăm đen, rất mềm mại … Nó mười sáu tuổi. Tôi cùng với nó trốn khỏi nhà anh Thổ Nhĩ Kỳ ấy … Tôi trốn sang Bungari, đến Lôm-Palanka … Ở đấy, tôi bị một ả Bungari cho một nhát dao vào ngực, ả ghen về chồng chưa cưới hay chồng ả, tôi cũng không nhớ nữa.
Tôi ốm, nằm một thời gian trong tu viện. Một tu viện phụ nữ. Một cô gái chăm sóc tôi, cô ta người Ba lan, cô có người anh ở một tu viện khác - tôi còn nhớ là ở gần Acse-Palanka - anh vẫn lui tới thăm cô, anh cũng là một thầy tu … Anh ta .. cứ uốn éo làm duyên làm dáng trước mặt tôi như con sâu ấy .. khi tôi khỏe hẳn, tôi bỏ ra đi với anh … sang nước Ba lan của anh.
-Hượm đã ! Thế thằng bé Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ đâu rồi ?
-Thằng bé ấy à ? Thằng bé ấy nó chết rồi. Vì nhớ nhà hay vì tình thì không rõ .. Nó héo quắt đi như cái cây nhỏ non yếu, bị nắng rọi quá nhiều .. nó cứ héo quắt mãi đi .. tôi nhớ, nó nằm trên giường, người đã trong vắt và xanh nhợt như tảng băng, vậy mà tình yêu vẫn rực cháy trong người nó .. Nó vẫn nài tôi cúi xuống và hôn nó .. Tôi đã yêu nó và tôi còn nhớ tôi đã hôn nó rất nhiều .. Rồi nó suy kiệt hẳn, gần như không cử động được nữa. Nó nằm trên giường và kêu van thảm thiết như một thằng ăn mày xin bố thí, nài tôi nằm xuống cạnh nó và sưởi ấm cho nó. Tôi nằm xuống. Tôi vừa nằm xuống với nó .. thì toàn thân nó lập tức nóng rực lên như lửa. Một hôm, tôi thức dậy thì nó đã lạnh ngắt .. nó chết rồi .. Tôi khóc thương nó. Biết nói thế nào được ? Có lẽ chính tôi đã giết nó. Lúc ấy tuổi tôi gấp đôi tuổi nó. Tôi khỏe mạnh như thế, dồi dào sức sống như thế .. còn nó, nó là cái gì ? … Một thằng nhóc!
Bà lão thở dài, và làm dấu thánh ba lần - lần đầu tôi thấy bà cụ làm dấu - mấp máy cặp môi khô, lẩm bẩm câu gì không rõ.
-Thế rồi cụ sang Ba lan .. - Tôi nhắc.
-Phải … đi với gã Ba lan nhỏ nhắn ấy. Gã là một kẻ lố bịch và đê tiện. Khi cần đàn bà thì gã quấn quít lấy tôi như con mèo, và từ lưỡi gã tuôn ra một thứ mật ngọt nóng hừng hực, nhưng khi gã không thèm muốn tôi thì gã nói tôi đâu như roi quất. Có lần, chúng tôi đi trên bờ sông, thốt nhiên gã nói một câu hợm hĩnh xúc phạm đến tôi! Ôi chao! … Tôi giận điên lên! Tôi sôi lên như thùng nhựa nấu! Tôi nhấc bổng gã lên như đứa trẻ - người gã nhỏ bé - tôi bóp chặt hai cạnh sườn gã, đến nỗi gã tái nhợt đi. Thế rồi tôi lấy đà quăng gã xuống sông. Gã kêu gào. Gã kêu gào đến là tức cười. Tôi đứng trên bờ nhìn gã, còn gã không vùng vẫy dưới nước. Thế là tôi bỏ đi. Từ đấy, tôi không bao giờ gặp gã nữa. Tôi có may mắn như vậy đấy : không bao giờ gặp lại những người mà tôi đã từng yêu. Đấy là những cuộc gặp gỡ tệ hại, chẳng khác gì gặp lại những người đã chết.
Bà lão im lặng, thở dài. Tôi tưởng tượng ra những người mà bà lão gợi lại trong ký ức. Đây là chàng Guxun râu tóc đỏ rực như lửa, ria mép vắt vẻo, đang đi đến chỗ chết mà vẫn điềm nhiên phì phèo tẩu thuốc. Hẳn là anh có cặp mắt xanh biếc lạnh lùng, nhìn mọi vật một cách chăm chú, cương quyết. Bên cạnh anh là gã thuyền chài xứ Prut, ria đen ; gã khóc lóc và không muốn chết, và trên khuôn mặt tái mét, đau buồn vì sắp phải từ giã cuộc đời, cặp mắt vui vẻ mờ đi, bộ ria mép đẫm nước mắt rũ xuống hai bên cái miệng méo xệch, nom mới buồn thảm làm sao. Còn đây là lão già Thổ Nhĩ Kỳ trang nghiêm, chắc hẳn là một người tin ở định mệnh và chuyên chế, cạnh lão là con trai lão, bông hoa bé nhỏ, nhợt nhạt và mảnh mai của phương đông, đã bị đầu độc vì những chiếc hôn. Còn đây là anh chàng Ba lan háo danh, vừa thanh lịch vừa tàn nhẫn, vừa khéo nói vừa lạnh lùng … Tất cả bọn họ chỉ là những cái bóng nhợt nhạt, còn người đàn bà mà họ đã ôm hôn thì đang ngồi cạnh tôi, một con người sống, nhưng thời gian đã làm cho héo hắt đi, không còn thân hình, không còn khí huyết, lòng không ham muốn, mắt không còn những tia sáng linh lợi, cũng gần như một cái bóng.
Bà lão kể tiếp :
-Ở Ba Lan, tôi sống khó khăn lắm. Người nước này lạnh nhạt và dối trá. Tôi không biết thứ tiếng rin rít như tiếng rắn phun của họ … Người nào nói cũng rít lên. Sao họ lại rít lên như thế nhỉ ? Chúa ban cho họ thứ tiếng rin rít của loài rắn là bởi họ hay dối trá. Hồi ấy tôi cứ đi mà chẳng biết là đi đâu, tôi thấy họ tụ tập nhau nổi lên chống lại người Nga các anh. Tôi đi đến thành phố Bôcnia. Một gã Do Thái bỏ tiền ra mua tôi, không phải mua cho gã, mà để dùng tôi làm món hàng buôn bán. Tôi cam chịu cảnh ngộ ấy. Muốn sống được thì phải biết làm một việc gì. Tôi chẳng biết làm gì bởi thế tôi đành bán thân nuôi miệng. Nhưng lúc ấy, tôi nghĩ rằng hễ kiếm được ít tiền đủ để về quê nhà ở Buôclat là tôi sẽ dứt bỏ xiềng xích, dù là kiên cố đến mấy đi nữa. Vậy là tôi ở lại đấy. Khách của tôi là những pan giàu có, chúng chơi bời chè chén ở nhà tôi. Chúng phải trả giá đắt về những cuộc ăn chơi đó. Chúng đánh nhau, khuynh gia bại sản vì tôi. Có một tên trong một thời gian dài vẫn cố giành lấy tôi cho riêng mình hắn và một hôm, hắn làm thế này : hắn đến, mang theo tên gia nhân vác một cái bao tải. Tên pan hai tay cầm lấy bao tải và dốc ngược trên đầu tôi. Những đồng tiền vàng túa ra, đập xuống đầu tôi, và tôi vui thích nghe thấy tiếng tiền vàng rơi loảng xoảng xuống sàn nhà. Những mặc dầu vậy, tôi vẫn tống cổ tên quý tộc đó đi. Nó có cái mắt bự thịt, thô kệch, còn bụng thì cứ như cái gối to phồng. Nom nó như con lợn ỉn ăn no. Phải, tôi đã tống khứ thằng cha đó đi ; mặc dù nó nói rằng nó đã bán hết đất đai, nhà cửa, ngựa nghẽo để rắc vàng lên khắp người tôi. Hồi đó, tôi yêu một pan xứng đáng, mặt đầy vết chém. Mặt anh đầy vết chém ngang dọc vì những nhát gươm của bọn Thổ Nhĩ Kỳ : trước đó ít lâu, anh đứng về phía người Hy Lạp đánh lại chúng. Đấy mới thật là con người ! … Người Hy Lạp thì thân thiết gì với anh, anh là người Ba Lan kia mà ? Nhưng anh ra trận, cùng họ chống lại kẻ thù của họ. Anh bị chúng đâm chém, lòi một mắt, bàn tay trái mất hai ngón … Duyên do là thế này : anh thích làm nên chuyện phi thường. Và khi một con người ưa thích làm nên chuyện phi thường thì bao giờ người đó cũng biết lập kỳ công và sẽ tìm được chỗ có thể làm chuyện đó. Anh biết không, trong cuộc sống bao giờ cũng có chỗ để làm nên sự nghiệp phi thường. Còn những kẻ không tìm được cơ hội để lập nên kỳ công thì chỉ là những kẻ lười biếng hoặc hèn nhát, hoặc là không hiểu cuộc sống, vì nếu hiểu cuộc sống thì mỗi người đều muốn lưu lại bóng dáng mình sau khi mình không còn trên đời này nữa. Và như thế thì cuộc sống sẽ không ngốn ngấu con người không để lại vết tích gì … Ồ, anh chàng bị chém nát mặt ấy đáng là con người. Anh sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất để làm được một việc gì. Hẳn là người Nga các anh đã giết anh ta trong thời gian nổ ra cuộc nổi loạn. Nhưng tại sao các anh lại đi đánh người Magya ? Này thôi, im đi ! …
Và để bắt tôi im lặng, bà lão Idecghin đột nhiên ngừng bặt, trầm ngâm suy nghĩ.
-Tôi còn quen biết một người Magya. Một hôm anh ta bỏ tôi ra đi, lúc ấy là mùa đông, và mãi đến mùa xuân, khi tuyết tan, người ta mới tìm thấy anh ta trên cánh đồng, đầu bị đạn xuyên qua. Thế đấy ! Anh thấy chứ : tình yêu giết người không kém bệnh dịch hạch, tính ra thì không ít hơn đâu … Vừa nãy tôi nói chuyện gì nhỉ ? À, nói về Ba Lan .. Phải, ở đấy tôi đã chơi canh bạc cuối cùng của tôi ! Tôi gặp một tay quý phái Ba Lan … Tay này mới thật là đẹp trai ! Ranh như quỷ sứ ấy ! Còn tôi thì già rồi, ôi chao, tôi già rồi ! Lúc ấy tôi đã đến bốn mươi chưa nhỉ ? … Có lẽ đến rồi đấy … còn nó thì kiêu hãnh, được bọn đàn bà chúng tôi chiều chuộng. Tôi đau khổ vì nó. Đúng thế, nó muốn lập tức chiếm lĩnh tôi mà không tốn chút công sức nào, nhưng tôi đâu có chịu. Chưa bao giờ tôi chịu làm nô lệ cho bất cứ kẻ nào. Tôi đã dứt được thằng Do Thái, tôi cho nó vô khối tiền … Bấy giờ tôi ở Cracôvi. Tôi đã có đủ mọi thứ : ngựa, vàng bạc, kẻ hầu người hạ … Con quỷ kiêu ngạo ấy lui tới thăm tôi và vẫn muốn tôi tự gieo mình vào hai cánh tay nó. Chúng tôi cãi nhau … tôi còn nhớ là vì chuyện ấy mà tôi đâm ra sọm người đi. Câu chuyện kéo dài khá lâu … Tôi đã thắng : nó quỳ gối van xin tôi … Nhưng vừa chiếm được tôi thì nó cũng bỏ tôi luôn. Thế là tôi hiểu tôi đã già rồi … Ôi, điều đó chẳng dễ chịu gì cho tôi đâu ! Chẳng dễ chịu gì đâu ! Tôi thì tôi yêu nó, thằng quỷ sứ ấy … Còn nó, khi gặp tôi, nó cười cợt .. cái thằng xỏ lá thế ! Khi nói chuyện với những đứa khác, nó chế nhạo tôi, tôi biết. Chà, đau xót lòng tôi, thật đấy ! Nhưng nó vẫn ở đây, gần gũi, và dù sao tôi vẫn mê nó. Khi nó ra đi đánh nhau với người Nga các anh, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi cố nén lòng, nhưng không thể được … Và tôi quyết đi theo nó. Nó ở gần Vacxôvi, trong rừng …
Nhưng khi tôi đến nơi thì được biết bọn họ đã bị các anh đánh tan … nó bị bắt làm tù binh, giam ở một làng cách đấy không xa.
Tôi nghĩ : "Thế là ta không bao giờ còn gặp nó nữa ! ". Nhưng tôi muốn gặp nó. Thế rồi tôi cố tìm cách gặp nó bằng được. Tôi giả dạng làm một mụ hành khất, chân đi tập tễnh và mặt quấn băng, tìm đến cái làng nó bị giam. Chỗ nào cũng gặp người Cô dắc và lính tráng … tôi đã phải trả một giá đắt để đến được nơi đó! Tôi đã khó lòng mà lọt tới được! Nhưng tôi cần phải đến. Thế là ban đêm, tôi bò đến chỗ họ bị giam giữ. Tôi bò trong vườn rau, giữa các luống đất và tôi thấy một tên lính gác đứng trên đường tôi đi … Tôi đã nghe thấy bọn người Ba Lan đang hát và nói oang oang. Họ hát một bài ca ngợi Đức mẹ … và nó cũng hát với họ … Ackađec của tôi … Tôi chua xót nghĩ rằng trước kia người ta bò rạp đến tìm tôi … vậy mà bây giờ đã đến lúc tôi bò trên mặt đất như con rắn, tìm đến với một gã đàn ông và có lẽ là bò đến tìm cái chết của tôi cũng nên. Kìa, tên lính gác đã nghe ngóng, vươn người về phía trước. Tôi phải làm như thế nào đây ? Tôi đứng lên và tiến thẳng đến trước mắt hắn. Tôi không có dao, không có gì hết, chỉ có hai bàn tay và miệng lưỡi của tôi thôi. Tôi lấy làm tiếc rằng đã không giắt dao bên mình. Tôi thì thầm : "Ấy gượm ! …" Nhưng tên lính đã chĩa lưỡi lê vào họng tôi. Tôi thì thầm nói với hắn " Đừng đâm, hãy gượm, nếu anh còn có một tấm lòng thì xin hãy nghe tôi ! Tôi không thể cho anh cái gì đâu, nhưng tôi van xin anh … " Hắn hạ súng xuống và cũng thì thầm nói với tôi : "Xéo đi, mụ kia ! Xéo đi ! Mụ muốn gì ? " Tôi bảo hắn rằng con trai tôi hiện bị nhốt ở đây .. "Anh hiểu đấy, anh lính ạ, con trai tôi! Anh cũng là con trai một người nào đó, phải không ? Thế thì anh hãy nhìn tôi đây, tôi cũng có một đứa con trai như anh, vậy mà bây giờ nó ở kia! Cho tôi nhìn nó một tí, có lẽ chẳng bao lâu nữa nó sẽ chết … chưa biết chừng ngày mai anh sẽ bị giết … mẹ anh sẽ khóc anh chứ gì ? Và hẳn là anh đau lòng nếu chết mà không được nhìn mặt mẹ, phải không? Con trai tôi cũng đau lòng như thế. Anh hãy thương lấy thân anh, thương nó, thương cả tôi nữa, vì tôi là người mẹ! …"
Ôi chao, tôi nói với hắn lâu lắm ! Trời mưa, chúng tôi ướt ráo cả. Gió gào thét, gầm rú, lúc thì thốc vào lưng, lúc thì xô vào ngực tôi. Tôi đứng, lảo đảo trước mặt tên lính trơ trơ như tượng đá ấy .. Còn hắn thì luôn miệng nói : "Không !" Và mỗi lần nghe tiếng "Không !" lạnh lùng của hắn thì niềm mong muốn gặp Ackađec lại càng bừng cháy trong lòng tôi …. Tôi vừa nó vừa đưa mắt lượng sức vóc tên lính : hắn nhỏ bé, gầy nhẳng và ho luôn miệng. Thế là tôi sụp xuống đất trước mặt hắn, ôm lấy đầu gối hắn, không ngớt van nài hắn bằng những lời lẽ nhiệt thành, rồi tôi quật hắn xuống. Hắn ngã vào đống bùn. Nhanh như cắt, tôi lật úp mặt hắn xuống đất, dìm đầu hắn xuống vũng nước để hắn khỏi kêu. Hắn không kêu, chỉ vùng vẫy, cố hất tôi khỏi lưng hắn. Còn tôi, hay tay ấn đầu hắn xuống bùn sâu hơn nữa. Hắn tắt thở … Thế là tôi đâm bổ đến kho thóc, chỗ có tiếng hát của những người Ba Lan. "Ackađec !" - Tôi thì thầm gọi qua khe tường. Những người Ba Lan ấy sáng ý lắm, nghe tiếng tôi gọi, họ vẫn tiếp tục hát ! Kìa , đôi mắt Ackađec hiện ra trước mắt tôi. "Anh có thể ra được không ?" - "Được, chui qua dưới sàn !" - nó nói. "Ừ, thế thì ra đi". Rồi bốn người chui qua dưới sàn ván ra ngoài : ba người khác và Ackađec của tôi. "Bọn lính gác đâu ? " - Ackađec hỏi. "Nó nắm kia kìa !" Thế là họ im hơi lặng tiếng, nhẹ nhàng ra đi, khom mình sát đất. Trời mưa, gió gào thét. Chúng tôi đã ra khỏi làng và im lặng đi hồi lâu trong rừng. Chúng tôi đi thật nhanh. Ackađec dắt tay tôi, tay nó ấm và run run. Ôi ! … Lúc nó chưa nói gì cả thì đi cạnh nó, tôi sung sướng làm sao. Đấy là những phút cuối cùng, những phút sung sướng trong cuộc đời đầy ham muốn của tôi. Nhưng chúng tôi ra đồng cỏ và dừng lại. Cả bốn người đều cảm tạ tôi. Ôi, họ nói lâu lắm và nhiều lắm, nói những gì tôi cũng chẳng rõ nữa ! Tôi chỉ nghe và nhìn gã pan của tôi. Nó sẽ làm gì cho tôi đây ? Đây này, nó ôm lấy tôi và nói rất nghiêm trang. Tôi không còn nhớ nó nói những gì, nhưng tóm lại nó bảo bây giờ để trả ơn tôi đã cứu nó ra khỏi chốn ấy, nó sẽ yêu tôi … Nó quỳ xuống trước mặt tôi, mỉm cười nói với tôi : "Bà chúa của anh ơi !". Chà, thằng chó, giả dối đến thế đấy ! … Thế là tôi đá cho nó một cái và định đập vào mặt nó, nhưng nó né tránh được và bật dậy. Nó đứng trước mặt tôi, hầm hầm và tái mét … Ba tên kia cũng đứng đấy, đứa nào cũng cau có. Cả bọn đều im lặng. Tôi nhìn chúng … Tôi còn nhớ, lúc đó tôi chỉ cảm thấy chán ngán vô cùng, không còn thiết tha gì nữa … Tôi bảo chúng : "Các người đi đi !" Còn chúng, đồ chó, chúng bảo tôi : "Chị sẽ quay lại đằng ấy và chỉ cho chúng biết chúng tôi đi đường nào chứ ?" Quân đê hèn làm sao ! Nhưng rồi chúng cũng bỏ đi. Và tôi cũng đi .. Hôm sau người Nga các anh bắt được tôi, nhưng rồi họ thả ngay. Thế là tôi thấy đã đến lúc tôi phải xây một tổ ấm, tôi sẽ sống cuộc đời của con chim cu! Tôi đã đâm ra ì ạch, cánh đã yếu, lông đã bợt màu … Đã đến lúc sống chân chỉ, đã đến lúc rồi ! Tôi đến Galixi, rồi từ đó về Đôbrutja. Và tôi ở đây đã ba chục năm trời. Tôi lấy một anh chồng người Mônđavi, anh ấy mất đã gần một năm. Còn tôi vẫn sống ! Sống đơn độc một mình .. Không, không phải một mình, mà sống với những người kia.
Bà lão đưa tay về phía biển, mặt biển khắp nới đều yên tĩnh. Đôi khi một âm thanh ngắn ngủi, hư ảo bật lên rồi tắt lặng ngay.
-Họ yêu tôi. Tôi kể cho họ nghe đủ thứ chuyện. Họ cần nghe những chuyện đó. Bọn họ còn trẻ cả … Sống với họ tôi thấy thú vị lắm … Tôi nhìn họ và nghĩ : "Đã có thời ta cũng như thế … Có điều là thời ấy, cái thời sôi nổi xa xưa của ta, con người có nhiều sức lực và nhiều lửa sống hơn, vì thế sống vui hơn và thú hơn … Đúng thế ! …"
Bà lão im lặng. Ngồi bên bà, tôi cảm thấy buồn man mác. Bà lão thiu thiu ngủ, đầu lắc la lắc lư và khẽ lầm rầm cái gì không rõ … có lẽ bà cầu nguyện.
Trên mặt biển nhô lên một đám mây đen nặng nề, có đường viền gân guốc, giống như một chỏm núi. Đám mây trườn vào thảo nguyên. Từ chỏm mây, có những mảng mây tách ra, bay vượt lên trước và lần lượt che tắt hết ngôi sao này đến ngôi sao khác. Biển động ầm ầm. Cách chúng tôi không xa, dưới những gốc nho, người ta hôn nhau, thì thầm, thở dài. Một con chó sủa rống lên ở một nơi nào xa tít trong thảo nguyên … Không khí đầy một mùi kỳ lạ, làm ngứa ngáy lỗ mũi, kích thích thần kinh. Bóng mây in xuống mặt đất từng đám dày đặc, trườn đi, trườn đi, biến mất rồi lại xuất hiện … Ở chỗ mắt trăng trước kia, chỉ còn lại một vệt trắng đục, đôi khi bị một mảng mây xanh nhạt hoàn toàn che khuất. Xa xa trên thảo nguyên lúc này đã trở nên đen ngòm và đáng sợ, như đang ẩn náu và thu giấu trong mình một cái gì bí ẩn, có những đốm lửa xanh lam bùng lên. Chúng xuất hiên trong giây lát, khi thì chỗ này, khi thì chỗ kia rồi tắt đi, chứ như có mấy người tản mát trong thảo nguyên, ở cách xa nhau, đang tìm kiếm cái gì, xòe diêm lên những lại bị gió thổi tắt ngay. Đấy là những lưỡi lửa xanh rất kì dị, gợi nhớ tới một cái gì hoang đường.
-Anh có thấy những ánh lửa không ? - Bà lão Idecghin hỏi tôi.
-Những ánh lửa xanh kia phải không ? - Tôi vừa nói vừa trỏ ra thảo nguyên.
-Ánh lửa xanh hả ? Ừ, đúng đấy … Vậy ra những ánh lửa ấy vẫn còn bay lượn ! Lạ thật … Nhưng mắt tôi bây giờ không còn thấy những ánh lửa ấy nữa. Bây giờ có nhiều cái tôi không nhìn thấy được.
Trước đo tôi đã được nghe một đôi điều về nguồn gốc những tia lửa này, nhưng tôi muốn nghe bà lão Idecghin kể câu chuyện ấy.
-Những tia lửa ấy từ trái tim cháy của Đankô tóe ra đấy. Thuở xưa, có một trái tim một hôm đã bốc cháy … Những tia lửa này là ở trái tim đó mà ra … Tôi sẽ kể cho anh câu chuyện ấy … cũng là một câu chuyện cổ tích cũ … Câu chuyện cũ kỹ, toàn những câu chuyện cũ kỹ cả thôi ! Anh thấy không, thời xưa có biết bao nhiêu chuyện hay ? .. Còn thời nay chẳng có gì hết : không có công việc, không có con người, cũng chẳng có những chuyện cổ tích như thời xưa nữa … Tại sao ? Nào, nói đi .. Anh không trả lời được đâu .. Anh biết được những gì nào ? Bọn trẻ các anh biết được những gì ? Hà, hà ! .. Nếu các người nhìn kỹ vào thời xưa thì sẽ giải đáp được hết … Nhưng các người không nhìn, và vì thế các người không biết sống .. Tôi không nhìn thấy cuộc đời chăng ? Ồ, tôi thấy hết, mặc dù mắt tôi kém ! Tôi thấy thiên hạ không sống, mà chỉ đắn đo, suy tính và phí cả đời vào việc đắn đo suy tính đó. Rồi khi sống uổng hết một đời người vì hao phí thời gian thì lại bắt đầu khóc than cho số phận. Nhưng viện ở số phận ra mà làm gì ? Số phận của mỗi người là ở chính bản thân người đó ! Cho tới nay, tôi vẫn gặp đủ mọi loại người, nhưng không thấy những người dũng cảm ! Họ đâu cả rồi ? .. Người đẹp cũng mỗi ngày một ít đi ..
Bà lão bắt đầu suy nghĩ về việc những người dũng cảm và đẹp biến đi đâu hết cả, vừa suy nghĩ vừa chăm chú nhìn thảo nguyên tối thẫm, như để tìm trong đó câu trả lời. Tôi chờ nghe câu chuyện của bà lão và im lặng, sợ rằng hỏi câu gì thì cụ sẽ lại xoay sang chuyện khác.
Và bà lão bắt đầu kể.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét