Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KỊCH VÀ TIỂU THUYẾT CỦA VICTOR HUGO

LA THỊ NGỌC ÁNH
Lớp ĐH5C1
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGÀNH NGỮ VĂN
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KỊCH VÀ TIỂU THUYẾT CỦA VICTOR HUGO
LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn:
  1.                 1.  Ban giám hiệu trường Đại học An Giang đã tạo điều kiện cho em được thực hiện khóa luận tốt nghiệp.      
  2.                 2.  Các thầy cô trong Bộ môn Ngữ Văn đã hướng dẫn em học tập và nghiên cứu trong suốt khóa học vừa qua.
  3.                 3.  Thầy Phùng Hoài Ngọc đã hướng dẫn em hoàn thành khóa luận.
Long Xuyên, tháng 5 năm 2008
Sinh viên La Thị Ngọc Ánh

MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN                                                                                                    Trang
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU………………………………………………………………………………………….. 1
I.      Lí do chọn đề tài………………………………………………………………………………… 1
II.    Lịch sử vấn đề nghiên cứu………………………………………………………………….. 2
III.   Mục đích nghiên cứu………………………………………………………………………….. 3
IV.   Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu……………………………………….. 3
V.    Đóng góp của khóa luận……………………………………………………………………… 4
VI.   Phương pháp nghiên cứu…………………………………………………………………….. 4
VII.  Cấu trúc luận văn………………………………………………………………………………… 5
PHẦN NỘI DUNG……………………………………………………………………………………… 7
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI…………………………………………….. 7
I.      Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu là một trào lưu………………………………………….. 7
1.    Cơ sở triết học……………………………………………………………………………….. 7
2.    Cơ sở mỹ học…………………………………………………………………………………. 9
II.    Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu là một phương pháp sáng tác……………………. 11
1.    Nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa lãng mạn………………………………….. 12
2.    Đặc điểm thi pháp cơ bản của Chủ nghĩa lãng mạn………………………….. 12
CHƯƠNG II: KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ VICTOR HUGO……………………… 18
I.      Cuộc đời…………………………………………………………………………………………. 18
II.    Sự nghiệp sáng tác……………………………………………………………………………. 19
CHƯƠNG III: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KỊCH VÀ TIỂU THUYẾT CỦA VICTOR HUGO………………………………………………………………………………………………………………….. 26
I.      Kịch drame: vở “Hernani”………………………………………………………………… 26
1.    Giới thiệu cốt truyện…………………………………………………………………….. 26
2.    “Trận chiến Hernani”, sự chiến thắng của chủ nghĩa lãng mạn đối với chủ nghĩa cổ điển       27
II.    Tiểu thuyết………………………………………………………………………………………. 32
1.    “Nhà thờ Đức Bà Paris”, toà nhà thờ vĩ đại bằng thơ ca…………………… 32
2.    “Những người khốn khổ”, đỉnh cao Chủ nghĩa lãng mạn Victor Hugo…..                     39
PHẦN KẾT LUẬN…………………………………………………………………………………….. 54
PHỤ LỤC…………………………………………………………………………………………………. 55
TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………………………………………… 84


PHẦN MỞ ĐẦU


I.     Lí do chọn đề tài

Cho đến nay, quá trình hình thành và phát triển văn học đã trải qua những bước thăng trầm với nhiều biến động phức tạp của nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu…Văn học phương Tây thế kỉ XIX cũng nằm trong sự vận động đó. Tiếp sau văn học Phục hưng và thế kỉ Ánh sáng, văn học phương Tây thế kỉ XIX đã đạt được những thành tựu rực rỡ của hai khuynh hướng văn học: chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Ra đời kế tiếp nhau, hai trào lưu này không thể không ảnh hưởng qua lại và chịu sự chi phối của những điều kiện lịch sử – xã hội cùng thời.Với tính chất vạch trần bản chất xã hội đương thời, bênh vực cho những con người lao khổ, chủ nghĩa hiện thực đã thực sự phơi bày được bản chất của hiện thực, nâng cao lý trí con người. Do đó, chủ nghĩa hiện thực đã được các nhà phê bình, nghiên cứu đánh giá rất cao và coi nó là chuẩn cao nhất trong lĩnh vực sáng tác của các nhà văn.
Nhưng ngày nay, với cách nhìn nhận, cách đánh giá mới thì chủ nghĩa hiện thực không hoàn toàn ưu việt đến thế. Chúng ta không nên có sự so sánh giữa khuynh hướng văn học lãng mạn hay khuynh hướng văn học hiện thực. Bởi vì, bất cứ một khuynh hướng văn học nào, khi ra đời nó đều đáp ứng những nhu cầu bức thiết của con người và làm cho con người thỏa mãn với những nhu cầu đó. Nhất là trong thời đại ngày nay – thời đại kinh tế thị trường-thương trường cũng là chiến trường, con người bị cuốn hút vào những guồng máy công nghiệp thương mại, chạy theo đồng tiền. Đôi khi con người còn đánh mất cả nhân tính, linh hồn của mình vì lợi nhuận. Chính vì thế, chủ nghĩa lãng mạn trong đời sống hiện nay vẫn là vô cùng cần thiết. Nó sẽ hâm nóng lại tình người, làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Chủ nghĩa lãng mạn một mặt sẽ thỏa mãn tâm hồn con người, mặt khác nó sẽ nuôi dưỡng, bồi đắp, nâng cao tình cảm con người. Nói đến chủ nghĩa lãng mạn thì không thể không nhắc đến cây đại thụ tỏa bóng rợp thế kỉ XIX – Victor Hugo. Bằng “một hệ thống các phương thức và phương tiện thể hiện cuộc sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng”, ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn chương kiệt xuất. Thành tựu của ông đã đem đến nhựa sống tươi tốt, ương mầm cho tâm hồn bao thế hệ. Khảo sát toàn bộ tác phẩm của ông, ta  thấy chủ nghĩa nhân đạo bao trùm và xuyên suốt. Có thể nói, chủ nghĩa nhân đạo là thứ “hàng hóa” xuyên quốc gia. Nó có thể du nhập bất cứ đâu, bất cứ nơi nào mà không có một rào cản nào có thể ngăn được. Chính điều đó, tư tưởng và nghệ thuật của V.Hugo bao giờ cũng là những hạt ngọc tỏa sáng cho chính dân tộc ông và có những giá trị phổ biến cho các dân tộc khác.
Mặc dù kiến thức và tài liệu tham khảo còn hạn chế, nhưng với sự yêu thích văn chương cùng với sự yêu mến con người ông, tôi mạnh dạn chọn đề tài này với mong muốn tìm hiểu thấu đáo, cặn kẽ hơn về một số đặc điểm nghệ nghệ thuật làm nên bút pháp chủ nghĩa lãng mạn trong kịch và tiểu thuyết của V.Hugo. Ở đây, tôi sẽ trình bày những nét cơ bản nhất về nội dung tư tưởng và một số đặc điểm nghệ thuật kịch và tiểu thuyết mà ông thường sử dụng trong quá trình sáng tác. Qua đó, giúp người tiếp nhận có được cái nhìn khái quát về tác phẩm cũng như bước vào thế giới nghệ thuật tuyệt diệu của thơ văn V.Hugo.

II.  Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Với những thành tựu chói lọi trên văn đàn thế giới, V.Hugo cũng như tác phẩm của ông đã thu hút bao tâm trí của các nhà phê bình nghiên cứu trong và ngoài nước.
Ở ViệtNam, sự phổ biến của V.Hugo khá mạnh mẽ. Do đó, những công trình nghiên cứu về tác giả và tác phẩm của ông xuất hiện rất nhiều. Điển hình như:
-    Phùng Văn Tửu với “Victor Hugo” (NXBGD 1978)
-    Đặng Anh Đào với “Cuộc đời và tác phẩm Victor Hugo” (NXBGD)
-    Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm với “Văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán thế kỉ XIX” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985)
-    Minh Chính, Văn học phương Tây giản yếu (NXB ĐHQG TPHCM 2002).
-    “Văn học phương Tây” nhiều tác giả biên soạn (NXBGD 2002).
-    “Văn học thế giới tập II” (giáo trình dùng cho Cao Đẳng Sư Phạm, NXB Đại học Sư phạm), Lưu Đức Trung (chủ biên)…
 Nhìn chung, các công trình này đã giới thiệu khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của ông. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc đi vào tìm hiểu những yếu tố nghệ thuật làm nên bút pháp lãng mạn trong kịch và tiểu thuyết V.Hugo thì hầu như chưa có một công trình cụ thể, chuyên biệt.
Nghiên cứu về đặc điểm nghệ thuật kịch và tiểu thuyết của V.Hugo là một đề tài khá lí thú, mới mẻ và cũng không đơn giản. Do đó, với vốn kiến thức ít ỏi của một sinh viên năm tư chắc hẳn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Để hoàn thành luận văn người viết dựa vào một số tài liệu của các tác giả kể trên và những tài liệu liên quan đến V.Hugo (được liệt kê ở mục Tài liệu tham khảo).

III.             Mục đích nghiên cứu

Như chúng ta đã biết, một tác phẩm văn học có giá trị sẽ bao gồm giá trị nội dung và giá trị hình thức. Vì vậy, bất cứ nội dung nào cũng chứa đựng hình thức và bất cứ hình thức nào cũng chứa đựng nội dung. Do đó, “công việc tìm ra cái hình thức mang quan niệm”-tức là cái phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn nghệ sĩ đã ngưng kết thành cái hình thức nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật-là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tìm tòi, phát hiện. Nhất là với thiên tài văn học V.Hugo thì việc phát hiện ra cái phương thức nghệ thuật để nhà văn chuyển tải quan niệm là điều không dễ dàng chút nào.
Nhưng với tinh thần ham học hỏi, qua luận văn này tôi mong muốn tìm hiểu một cách sâu sắc, thấu đáo những yếu tố nghệ thuật mà ông sử dụng để có thể lý giải vì sao tác phẩm của V.Hugo lại có sức mạnh bất diệt, trở nên bất tử trong lòng độc giả bao thế hệ. Từ việc nghiên cứu đề tài này, tôi hy vọng nó sẽ là chiếc chìa khóa giúp bạn đọc mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật tác phẩm V.Hugo. Qua đó, chúng ta có thể nắm bắt được những tư tưởng, những quan niệm độc đáo tác giả đã gửi gắm vào trong đó, mà con người hôm nay cần phải trân trọng, học hỏi và kế thừa.

IV.              Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính là một số đặc điểm nghệ thuật kịch và tiểu thuyết của đại văn hào Victor Hugo.
Để làm nổi bật lên một số đặc điểm nghệ thuật mà ông sử dụng trong quá trình sáng tác, người viết khảo sát tác phẩm của ông ở lĩnh vực kịch và tiểu thuyết. Qua đó, người viết có được cái nhìn khái quát, hệ thống về nó. Nhưng do sự nghiệp văn chương của ông khá đồ sộ, ở lĩnh vực kịch, tôi chỉ chọn vở kịch đã từng gây tiếng vang lớn trong kịch trường: “Hernani”. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, tôi chọn hai bộ tiểu thuyết lớn làm nên tên tuổi của ông, đó là: “Nhà thờ Đức bàParis” và “Những người khốn khổ”. Bên cạnh đó, tôi còn tham khảo thêm một số tài liệu khác có liên quan để làm cơ sở cho việc nghiên cứu đạt kết quả cao nhất.

V.  Đóng góp của khóa luận

Khi tiếp nhận tác phẩm văn học, chúng ta không chỉ tiếp cận ở bề mặt câu chữ mà qua đó, phải thấy được những tầng ý nghĩa sâu xa mà tác giả gửi gắm vào nó. Để phát hiện ra được điều đó, người đọc phải có cái nhìn trực diện và chiều sâu suy nghĩ. Đặc biệt, việc đánh giá và tiếp cận văn học nước ngoài là vô cùng khó khăn, bởi sự cách ngăn của hàng rào ngôn ngữ và những khác biệt về văn hóa. Chúng ta chỉ được tiếp xúc với nó thông qua bản dịch chứ không ở nguyên tác. Do đó, việc tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật để khám phá được nội dung là điều hết sức cần thiết.
Victor Hugo, “con người của thành phốParishoa lệ”, tuy cách chúng ta nửa vòng trái đất nhưng tư tưởng của ông lại rất gần gũi, phù hợp với truyền thống của dân tộc ta. Với cuộc sống xô bồ, bận rộn, thời gian được tính bằng vàng như ngày hôm nay thì mấy ai trong chúng ta bỏ ra một ít thì giờ để đọc lại những câu thơ chứa chan tình người, “Nhà thờ Đức bà Paris” hay “Những người khốn khổ”… lắng lòng mình lại trước những câu, chữ và chiêm nghiệm nó. Nếu làm được điều đó, tôi tin chắc rằng bạn phải thốt lên rằng: “Ôi! V.Hugo, thật là kì diệu!”. Sống giữa xã hội tư bản thối nát, đang trên đường suy thoái lúc bấy giờ, V.Hugo có được tinh thần nhân bản quá tuyệt vời. Ông là con người của chủ nghĩa nhân đạo cao cả, của tình thương yêu nhân loại xốn xang. Ông không lúc nào không nghĩ đến, không bênh vực, không đấu tranh cho quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc của con người cần lao với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp bằng giải pháp tình thương.
Tôi hy vọng rằng khóa luận sẽ mang đến một cách tiếp cận mới, có hiệu quả về tác phẩm văn học nước ngoài, nó sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn đồng môn trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy sau này. Và tôi tin rằng, những tư tưởng, ý niệm tốt đẹp mà V.Hugo hoài vọng sẽ mãi là hành trang cho mỗi người chúng ta vững bước vào đời với sự tin yêu, tin tưởng cuộc sống này hãy còn tươi đẹp biết bao! Có được sự đồng cảm, sự thương yêu và tin cậy lẫn nhau thì con người sẽ sống và làm việc với tinh thần thái độ hăng say hơn, góp phần làm cho xã hội ngày càng phồn vinh hơn.

VI.              Phương pháp nghiên cứu

Để nghiên cứu khóa luận đạt hiệu quả tốt nhất, tôi phối hợp sử dụng nhiều phương pháp.
Đầu tiên, tôi dùng phương pháp tổng hợp, tức là đọc một số bài nghiên cứu có liên quan rồi tổng hợp và ghi chép lại những vấn đề cần thiết phục vụ cho bài nghiên cứu của mình.
Sau đó, tôi dùng phương pháp khảo sát, xem xét qua tất cả tư liệu rồi phân loại, liệt kê nó, ghi lại những dẫn chứng phù hợp. Khi liệt kê dẫn chứng thì phải có phân tích nên phương pháp phân tích được sử dụng để phân tích những luận cứ, luận điểm đưa ra, làm sao để cho vấn đề được nói đến có sức thuyết phục người khác. Trong bài viết, đôi khi tôi có sử dụng phương pháp so sánh làm nổi bật vấn đề.
Tóm lại, luận văn đã đồng thời sử dụng nhiều phương pháp: tổng hợp, liệt kê, phân tích, so sánh, . . . tất cả chỉ với một nguyện vọng là làm sao nghiên cứu khóa luận đạt kết quả tốt nhất.

VII.           Cấu trúc luận văn

TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KỊCH VÀ TIỂU THUYẾT CỦA VICTOR HUGO
PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN NỘI DUNG
Chương I: Cơ sở lý luận của đề tài
  1. Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu như một trào lưu:
             1.Cơ sở triết học.
             2.Cơ sở mỹ học.
  1. Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu như một phương pháp sáng tác:
             1.Nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa lãng mạn.
             2.Đặc điểm thi pháp cơ bản của Chủ nghĩa lãng mạn.
Chương II: Khái quát về tác giả Victor Hugo
  1. Cuộc đời.
  2. Sự nghiệp sáng tác.
Chương III: Một số đặc điểm nghệ thuật kịch và tiểu thuyết của Victor Hugo
  1. Kịch drame: vở “Hernani”
             1.Giới thiệu cốt truyện
             2.“Trận chiến Hernani”, sự chiến thắng của Chủ nghĩa lãng mạn đối với Chủ nghĩa cổ điển.
  1. Tiểu thuyết:
             1.“Nhà thờ Đức Bà Paris”, toà nhà thờ vĩ đại bằng thơ ca.
             2.“Những người khốn khổ”, đỉnh cao Chủ nghĩa lãng mạn Victor Hugo.
PHẦN KẾT LUẬN
PHỤ LỤC


PHẦN NỘI DUNG


CHƯƠNG I

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI


I.     Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu là một trào lưu

Chủ nghĩa lãng mạn là thuật ngữ chỉ chung các trào lưu văn học-nghệ thuật ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XVIII và phát triển nhất vào thế kỉ XIX ở nhiều nước phương Tây. Đến thế kỉ XIX ở Pháp, Chủ nghĩa lãng mạn phát triển thành một trào lưu có hệ thống luận điểm, có phương pháp sáng tác riêng, phổ biến trên mọi lĩnh vực thơ, kịch, tiểu thuyết như trong các tác phẩm của Lamartine, Muyxê, Vigny, V.Hugo . . .

1. Cơ sở triết học

Chủ nghĩa lãng mạn ra đời trên cơ sở sự bất bình đối với xã hội tư sản được thiết lập sau cách mạng 1789, hay nói như C.Mác, Chủ nghĩa lãng mạn là “sự phản ứng đầu tiên chống lại cách mạng Pháp và phong trào Ánh sáng gắn liền với cuộc cách mạng đó”. Ngoài những diễn biến lịch sử lớn, phải kể đến những yếu tố tư tưởng và truyền thống văn học đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành của Chủ nghĩa lãng mạn.
Trước hết, chúng ta thấy những nhà tư tưởng của thế kỉ Ánh sáng đã truyền bá những tư tưởng dân chủ và duy vật. Họ công kích tôn giáo, châm biếm thần học và ủng hộ tự nhiên thần luận. Họ tin tưởng mãnh liệt vào sự tiến bộ của lịch sử. Các nhà tư tưởng Ánh sáng cho rằng đặc quyền và áp bức sẽ nhường chỗ cho những chân lý vĩnh viễn. Và theo họ, sự thay đổi chế độ xã hội cốt yếu là nhờ ở việc truyền bá tư tưởng.
Đến đầu thế kỉ XIX, Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen là những nhà xã hội không tưởng vĩ đại. Học thuyết của họ đã phê phán những mâu thuẫn của chế độ tư bản chủ nghĩa, đã chứng minh phải thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng họ không nhìn thấy lực lượng giai cấp sáng tạo ra xã hội mới. Họ muốn sáng tạo ra hạnh phúc trên trái đất bằng pháp luật, bằng tuyên ngôn, mà không dựa vào bản thân nhân dân.(Stalin toàn tập, trích Từ điển triết học, NXB Sự thật).
Về truyền thống văn học, Chủ nghĩa lãng mạn đã kế thừa chủ nghĩa tình cảm, một tư trào văn chương thế kỉ XVIII ra đời nhằm cân đối với tính lý trí của văn học Ánh sáng thế kỉ XVIII vốn nặng nề về lý trí.
Về phương diện triết học, Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu đều tìm tới những hệ thống triết học mang tính duy tâm chủ quan để làm cơ sở cho học thuyết của mình. Mặc dù phủ định thực tại tư sản, thái độ coi thực tại là một cái gì không đáng quan tâm, coi “cái tôi” là đứng cao hơn tất cả, cuối cùng lại dẫn đến thái độ chiêm nghiệm trước thực tại, về thực chất là một thái độ “đầu hàng trước cảnh vô vị tư sản”. Âm vang trực tiếp của các tác phẩm của các nhà lãng mạn là mặc cảm bị tước đoạt, ý thức sâu sắc về sự trống rỗng của cuộc đời, về sự cô đơn và thất bại …
Đặc điểm chính của thế giới quan lãng mạn là sự lý giải một cách chủ quan về các hiện tượng đời sống, là gán cho đời sống cái mà chủ thể nghệ sỹ mơ ước, khát vọng. Do đó, các nhà lãng mạn không có nhận thức chính xác, mà có khi tùy tiện bóp méo các quy luật khách quan về sự phát triển của thực tại, đem đối lập cá nhân với xã hội, quá đề cao vai trò của cá nhân trong lịch sử. Bất bình với thực tại, các nhà lãng mạn muốn tìm ra những giải pháp chống lại những xấu xa trong xã hội, nhưng vì không nhận thức đúng đắn quy luật lịch sử cụ thể, nên chủ trương của họ thường xuất phát từ những ý tưởng trừu tượng, thường có tính chất không tưởng. Ví như trường hợp Bairơn nhìn ra phía trước, nhưng không thể nhận ra “đằng sau chốn xa cùng lấp lánh dải đất hứa hẹn của tương lai” (Bielinski); hay V.Hugo tuy có cảm tình sâu đậm với những người khốn khổ “nhưng lại đi tìm giải pháp cứu khổ bằng ảo tưởng tình thương”…
Chủ nghĩa lãng mạn là thế giới quan, là tiếng nói của thời đại mới sau cách mạng tư sản Pháp và những cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân châu Âu chống ách xâm lược của Napoleon. Tuy cùng bất mãn đối với thực tại tư sản, nhưng do xuất phát từ những nguyên nhân giai cấp khác nhau, nên khuynh hướng của Chủ nghĩa lãng mạn cũng khác nhau: có khuynh hướng lãng mạn tiêu cực và khuynh hướng lãng mạn tích cực.
Khuynh hướng lãng mạn tiêu cực (hay còn gọi là lãng mạn bảo thủ)
-    Cơ sở triết học là chủ nghĩa duy tâm: Kant, Béc-xơn, Freud, . . . .
-    Chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, đó là tiếng kêu thất vọng, lời than vãn, sự luyến tiếc của tầng lớp phong kiến quý tộc suy tàn về một thời đại vàng son đã qua, về “một thiên đường đã mất”. Đặc điểm của khuynh hướng này là chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa thần bí, thái độ đối nghịch với lý trí, sự thoát ly thực tại, chạy trốn cuộc đời, quay về quá khứ, đi vào tôn giáo, “đi sâu vào thế giới nội tâm với những tư tưởng bí ẩn thiên định của cuộc đời, về ái tình và về cái chết” (M.Gorki).
Khuynh hướng lãng mạn tích cực (hay còn gọi là lãng mạn tiến bộ)
-    Cơ sở triết học là chủ nghĩa xã hội không tưởng của Ô-oen và Phu-ri-ê. “Họ đã nhìn vào chiều hướng của sự phát triển thực tại, và thực tế là họ đã đi trước sự phát triển ấy” (Lênin).
-    Chủ nghĩa lãng mạn tích cực hướng về tương lai, tràn đầy nhiệt tình và khát vọng chân lý, nó “tăng cường ý chí con người đối với cuộc sống, thức tỉnh lòng bất phục tùng đối với thực tại, đối với mọi đè nén áp bức” (Gorki). Nó dẫn con người vào những tình cảm đẹp, những say mê lớn, ra sức biểu dương những phẩm chất cao quý, sẵn sàng hy sinh và lập nên những kì tích bất hủ. Sáng tác của họ phản ánh những cuộc đấu tranh xã hội hay giải phóng dân tộc, phù hợp với lợi ích nhân dân.

2. Cơ sở mỹ học

Chủ nghĩa lãng mạn bên cạnh là “sự khước từ thực tại và nguyện vọng muốn thoát ra khỏi thực tại đó” (Emile Faguet), nó còn là “thị hiếu về ước mơ, về sự huyền diệu và phóng khoáng, của trí tưởng tượng vượt khỏi lề thói”. Vì thế, lý tưởng lãng mạn đôi khi làm biến dạng thực tế để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ và tình cảm. Về mặt nghệ thuật, Chủ nghĩa lãng mạn đã thay thế sự tìm tòi một chân lý phổ biến và trừu tượng bằng sự miêu tả những kinh nghiệm riêng và cụ thể. Các nhà văn lãng mạn đã phê phán các nhà văn cổ điển nêu thành nguyên tắc sự thống trị của lý trí để phủ nhận những hứng thú của ước mơ và những thao thức của con tim hoặc cấm đoán sự bộc lộ sâu xa của của những tâm hồn cá nhân.
Về mặt thị hiếu thẩm mỹ, Chủ nghĩa lãng mạn là sự nổi dậy chống lại mọi ước lệ, mọi quy tắc gò bó của Chủ nghĩa cổ điển. V.Hugo nói rằng: “Chính với những lưỡi kéo của những quy tắc tam duy nhất, người ta đã cắt mất cánh của các nhà thơ”. Trong bài tựa Crôm-oen của V.Hugo ông cũng đã xác định: “Ba nguyên tắc ? Không, chỉ có một. Đó là tự do. Tự do trong nghệ thuật và tự do trong cấu trúc”. Thật vậy, tự do là nguyên tắc lớn nhất của Chủ nghĩa lãng mạn. Với Chủ nghĩa lãng mạn, đã xuất hiện “một nền văn học được giải phóng” trên nhiều bình diện: thơ ca, tiểu thuyết, sân khấu. Chủ nghĩa lãng mạn đã giải phóng thơ ca, cách tân sân khấu với vở “Hernani” 1830. Nhờ nguyên tắc tự do, Chủ nghĩa lãng mạn đã đem lại một làn sóng tiểu thuyết cực kỳ phong phú và đa dạng. Với cương lĩnh của Chủ nghĩa lãng mạn, V.Hugo đả phá sự phân chia nghệ thuật thành các loại hình cao thấp có tính chất đẳng cấp của Chủ nghĩa cổ điển, xóa bỏ ranh giới giữa bi kịch và hài kịch, phá tung những quy tắc của thi pháp cổ điển. Trong mỹ học, Hegel đã đưa ra nhận xét: “Tinh thần quay trở về mình, có được ở trong bản thân nó cái tinh thần khách quan mà nó vẫn hoài công tìm kiếm ở trong cái thế giới cảm quan bên ngoài; cảm thấy mình và nhận thức rằng mình thống nhất với bản thân mình. Sự nâng cao này làm thành nguyên lý cơ bản của nghệ thuật lãng mạn nhằm vươn tới đời sống nội tâm tuyệt đối”.
Các chủ đề về tình yêu, nỗi cô đơn, nỗi buồn, những lý tưởng không đạt được…được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật lãng mạn. Những chủ đề quan trọng và quen thuộc của văn học lãng mạn bắt nguồn từ cảm thức về thời đại, về lịch sử, về thân phận con người. Trong đó, con người thất vọng, bàng hoàng trước những cơn lốc lịch sử, trước sự trôi chảy của dòng đời, về định mệnh, về tôn giáo… Họ đã làm phong phú cho nghệ thuật bằng những hình tượng, những chủ đề mới. Trong các tác phẩm, họ đã đề cập đến các chủ đề có liên quan đến cuộc đấu tranh của nhân dân, đến quá khứ anh hùng, đến các sự kiện và những chiến công anh dũng của nhân dân. Điều đó cho thấy, người nghệ sĩ lãng mạn không phải là người chỉ biết có ước mơ, mà thực tế xã hội đã thức tỉnh người nghệ sĩ tình cảm yêu nước tha thiết và sự phản đối với mọi bất công.
Nhân vật lãng mạn là những nhân vật mới không phải là cá nhân hài hòa với tập thể như con người trong thời đại Ánh sáng. Nhân vật lãng mạn là những nhân vật “nổi loạn” chống đối với thực tại tư sản tầm thường. Họ là những người thực hiện các suy tưởng lãng mạn, các phản kháng lãng mạn. Các thái độ lãng mạn thường giống nhau: nặng chất suy tưởng, thiên về đời sống tình cảm, cô đơn và u sầu, xa cách và nổi loạn, không thỏa hiệp được với thực tại cuộc đời, thường có kết thúc mang tính bi kịch, dù họ là nhân vật lãng mạn hướng nội hay lãng mạn hướng ngoại, tiêu cực hay tích cực.
Chủ nghĩa lãng mạn ưa sử dụng các thủ pháp nghệ thuật như: phong vị ngoại lai thể hiện trong cách lựa chọn đề tài, nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ, không gian và thời gian nghệ thuật không phải là những khung cảnh, con người quen thuộc ở thị thành, cung đình, mà ở những nơi xa lạ, những thời điểm xa xưa, những tập tục khác thường… là một phương thức hữu hiệu đem lại phong vị tươi mới cho tác phẩm. Nguyên tắc tự do góp phần trẻ hóa lối hành văn, cách gieo vần, cách sử dụng các biện pháp tu từ, cách lựa chọn các không gian và thời gian nghệ thuật. Và do nhiệt tình, sôi nổi muốn tự thể hiện, chia sẻ và thuyết phục, văn chương lãng mạn nói chung thường mang tính hùng biện. Ở từng nhà văn có các thủ pháp riêng. Đặc biệt nhất là V.Hugo, người đã thể hiện được cả một hệ thống nghệ thuật riêng của mình với một loạt các thủ pháp nghệ thuật đặc thù như tương phản, cường điệu, trữ tình ngoại đề, sự đối lập giữa cái trác tuyệt và cái thô kệch…
Theo nhận xét của các nhà phê bình, nghệ thuật lãng mạn có khả năng dung nạp rộng rãi các phương tiện thể hiện. Thẩm mỹ của Chủ nghĩa lãng mạn chú ý sự hỗn hợp chặt chẽ giữa các thể loại với nhau, tạo sự sinh động, tự do… “Tinh thần lãng mạn chính là sự nối kết liên tục các yếu tố đối kháng nhau: tự nhiên và nghệ thuật, thơ ca và văn xuôi, sự nghiêm túc và thú vui, kỷ niệm và dự cảm, tư tưởng trừu tượng và những cảm giác sống động, sự sống và cái chết… hòa lẫn với nhau một cách mật thiết trong thể loại lãng mạn” (A W Sleigel).

II.  Chủ nghĩa lãng mạn Tây Âu là một phương pháp sáng tác

Phương pháp sáng tác là linh hồn của một nội dung hoạt động sáng tạo nghệ thuật, được biểu hiện thành các bình diện mang tính chất các giải pháp thẩm mỹ nhằm khắc phục trở ngại để từ chân lí đời sống tới chân lí nghệ thuật một cách tối ưu.
Nghệ thuật lãng mạn là một nghệ thuật không chấp nhận thực tại khách quan, là một nghệ thuật không muốn “mô tả hiện thực có thực”, mà chỉ chú trọng đào xới cảm xúc chủ quan nên trường thẩm mỹ của họ là vùng của “cái tôi nội cảm” (Hegel), vấn đề lớn nhất đối với họ là vấn đề “tự do tuyệt đối”, nhưng không phải là tự do ở ngoài đời, mà chỉ là thứ tự do trong tâm tưởng, trong mộng ước mà thôi.
Mở đường cho lý thuyết lãng mạn thế giới, Kant, nhà mỹ học Đức cuối thế kỉ XVIII tuyên bố: “Vẻ đẹp không ở đôi má hồng của cô thiếu nữ, mà trong con mắt của kẻ si tình”. V.Hugo, trong lời tựa của vở kịch đầu tay “Hernani”, ông cho rằng: “Nghệ thuật không đi giày đỏ, đội mũ đỏ”. Tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của Chủ nghĩa lãng mạn là một tư tưởng dựa trên chủ nghĩa duy tâm chủ quan, và một thái độ ít gửi gắm hy vọng nhất vào cuộc đời và vào sức mạnh thực tế của con người. Một quan niệm coi nghệ thuật chỉ là nơi để nghệ sĩ giải bày tâm tưởng, nghệ thuật không có nhiệm vụ giải đáp các vấn đề thuộc mâu thuẫn cơ bản của thời đại.
Xuất phát từ trường thẩm mỹ và tư tưởng sáng tạo nghệ thuật như trên, Chủ nghĩa lãng mạn đề ra các nguyên tắc sáng tác của mình.

1. Nguyên tắc sáng tác của Chủ nghĩa lãng mạn

Chủ nghĩa lãng mạn chủ trương dựa vào các nguyên tắc sau để sáng tác:
Nguyên tắc 1: Chối từ thực tại.
Xuất phát từ thái độ “nguyền rủa thực tại”, nghệ sĩ lãng mạn tự cho mình đứng trên hoàn cảnh. Do đấy, nghệ thuật này thường không xuất phát từ những yêu cầu cơ bản của cuộc sống để xây dựng hình tượng, mà chủ yếu dựa vào ý muốn chủ quan của nghệ sĩ để sáng tác. Vì thế, ngay trong các tác phẩm lãng mạn tích cực, các chi tiết cụ thể, chân thực, sinh động đều bị đẩy xuống bình diện thứ yếu, cốt lõi là dụng công vào việc xây dựng nhân vật lý tưởng.
Nguyên tắc 2: Tự do bay lượn trong nghệ thuật.
Tách mình ra khỏi cảnh đời thực, chủ trương nghệ thuật chỉ “vị nghệ thuật”, nên nghệ thuật lãng mạn chọn hình thức làm cứu cánh của mình. Vấn đề “tự do cá nhân”, “tự do sáng tác” là vấn đề bậc nhất của họ. Họ từ chối “đơn đặt hàng của xã hội”, chỉ nhận “đơn đặt hàng của trái tim”. Nghệ thuật không sống với đời sống mà chỉ sống với mình.
Nguyên tắc 3: Điển hình hóa tâm trạng.
Vì lấy cái “tôi nội cảm” của mình làm thước đo cho muôn vật, nghệ thuật lãng mạn tước đi vai trò nhận thức khách quan của nghệ thuật. Họ cho rằng, nghệ thuật không phải là “tấm gương” phản chiếu đường đời, mà chỉ là phương tiện bộc lộ tâm trạng. Nếu chủ nghĩa cổ điển chủ trương hạn chế cảm hứng, thì nghệ thuật lãng mạn lại vung tay thao túng cảm hứng đến mức tùy hứng. Họ nhấn mạnh tính khí, chứ không chủ trương tìm mối quan hệ biện chứng giữa tính cách và hoàn cảnh. Như vậy, họ đã tự thu hẹp tính cách nhân vật vào phạm vi tâm trạng. Từ đó, trữ tình không chỉ là một biện pháp, mà còn mở rộng thành chủ nghĩa trữ tình say đắm.

2. Đặc điểm thi pháp cơ bản của Chủ nghĩa lãng mạn

2.1.  Về phương diện cách nhìn

Văn học lãng mạn là một hiện tượng văn học phong phú phát triển trong nhiều thời kì, nhiều thể loại, nhiều khuynh hướng. Chắc chắn trong từng thời kỳ, với mỗi thể loại, mỗi khuynh hướng, với từng tác giả … sẽ có cách nhìn nhận và khám phá thế giới đa dạng mà lý luận không thể đúc kết. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, ta vẫn có thể tìm thấy nét nổi bật nhất trong cách nhìn của các nhà văn lãng mạn đối với hiện thực. Đó là khuynh hướng đề cao cái tôi chủ quan trong phương thức nhận thức và thể hiện cuộc sống bằng hình tượng; lấy cái chủ quan để thay thế hoặc lấn át cái khách quan, lấy mộng tưởng thay thế cho thực tế, lấy cái ngẫu nhiên cá biệt thay cho qui luật. Văn học lãng mạn là nơi người nghệ sĩ gởi gắm những giấc mơ có tính chủ quan. Khuynh hướng này đã từng có trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao… nhưng phát triển ở đỉnh cao và trở thành hệ thống lý luận trong Chủ nghĩa lãng mạn. Ta có thể bắt gặp cách nhìn này trong “Những người khốn khổ” của V.Hugo ở từng chi tiết, những sự kiện lịch sử, những nhân vật … Tác phẩm đã được viết bằng một trái tim yêu thương và một khát vọng cải tạo xã hội tha thiết và mãnh liệt …
Tóm lại, về phương diện cách nhìn, Chủ nghĩa lãng mạn cơ bản vẫn là khuynh hướng chủ quan trong tiếp cận và lý giải hiện thực.

2.2.  Về phương diện cách viết

Cách viết là vấn đề hết sức cụ thể, nên trong thực tế, để làm rõ lý thuyết thường ta vẫn phải tách chia ra: thể loại thơ, kịch và tiểu thuyết.
Thể loại thơ
Thơ là thể loại mà văn chương lãng mạn luôn luôn tìm đến. Bởi đó là “mảnh đất màu mỡ” có khả năng nhiều nhất trong việc giải bày, bộc lộ cái tôi muôn màu của chủ thể.
Nhìn vào hình thức, thơ lãng mạn dung nạp các hình thức đa dạng khác nhau, không bị lệ thuộc vào hệ thống thi luật gò bó của thi ca cổ điển, đã đem đến cho thơ lãng mạn khả năng diễn tả thế giới phong phú và tinh vi của tâm hồn con người.
Ở góc độ thi pháp, vấn đề hình thức câu thơ có liên quan hàng loạt đến các vấn đề khác: cách thức cảm nhận của con người về thế giới, về không gian thời gian, về đề tài, về việc lựa chọn ngôn ngữ, vấn đề tổ chức lời thơ, kết cấu nhạc điệu, khả năng bộc lộ cái tôi được cá thể hóa … Trong thơ luôn xuất hiện “cái tôi” chủ thể với tư cách là trung tâm vũ trụ, là nguồn thi tứ, là nhu cầu được tự biểu hiện, nhu cầu được tận hưởng, được chia sẻ những u uất, nhu cầu được hưởng hạnh phúc riêng tư. Chính nhu cầu này làm cho ngôn ngữ thơ gần gũi với ngôn ngữ đời thường, nó bớt đi rất nhiều những tượng trưng, sáo mòn, ước lệ.
Thơ ca lãng mạn đã kế thừa thi pháp của thơ ca cổ điển. Nhưng bên cạnh sự kế thừa đó, nó còn có sự cách tân tạo thành những qui luật chung của thi ca khuynh hướng văn học lãng mạn.

Lí luận kịch
Kịch thường được hiểu vừa theo nghĩa là một loại hình nghệ thuật sân khấu vừa có ý nghĩa là kịch bản văn học, là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp bao gồm các yếu tố văn học, âm nhạc, vũ đạo… hội hoạ và điêu khắc.
Kịch bản văn học là một trong 4 loại thể cơ bản cuả văn học.(Từ điển văn học tập III,1984).
Theo Hegel: “Thi kịch (tức là kịch) sử dụng những nghệ thuật khác như là cơ sở đơn giản và hoàn cảnh cảm quan những vần bị ngự trị bởi lời thơ (tức kịch bản) nó đóng vai trò chủ yếu, song mặt khác, cái buổi đầu chỉ có giá trị guíp cái sau có thể trở thành cứu cánh và không vượt giới hạn cuả mình, có thể tự nâng mình thành cái đẹp độc tôn”.(Dẫn lại Nguyễn Lương Ngọc, Nguyên lý luận văn học NXB Giáo dục 1962, Tập 2, trang 42). Theo mỹ học cuả Hegel và cuả Bielinski, kịch (trước hết là thể tài bi kịch) đã được khảo sát với tính cách là hình thức cao nhất cuả sáng tác văn học, là tinh túy cuả thơ ca.(Dẫn lại cuả Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học Nam Sơn Sài Gòn xuất bản 1996).
Và Hegel khẳng định bản chất cuả phương thức kịch: “Kịch là sự thống nhất có trung gian giữa những nguyên tắc cuả nghệ thuật tự sự và nghệ thuật trữ tình”.
Lucien Dubech nhà lịch sử nghệ thuật đã nhận xét về nguồn gốc kịch: “Kịch, theo qui tắc cuả tất cả những bộ môn cao cấp, đã bắt đầu bằng thi ca, ở khởi đầu mọi ngành nghệ thuật là thơ. Asgust Comte cũng cho rằng: “kịch không phải là nghệ thuật đầu tiên, mà chỉ là một hình thức cuả thơ”.
Sheldon Cheney trong bài báo “ Theatre-Three Thousand Year” (New York- 1961- Introduction) đã viết: “Bất cứ khi nào và ở đâu, loài người đã tiến bộ ngoài việc chiến đấu chỉ vì sự tồn tại, với thần thánh, để giải trí và tự biểu hiện, loài người còn có sân khấu trong một vài ý nghĩa nào đó”.
Có mấy cách phân loại kịch:
Nếu dựa trên nội dung tư tưởng và tính chất cuả xung đột, người ta chia ra hai loại chính: Bi kịch (tragedy) và hài kịch (comedy). Đấy là hai thể loại cuả thời cổ Hy Lạp. Về sau ra đời thể kịch hỗn hợp cái bi, cái hài và chất anh hùng gọi là chính kịch (drama) là do yêu cầu phản ánh hiện thực phức tạp và đa dạng. Đến thế kỉ XX, ở phương Tây nảy sinh một số trào lưu kịch mới như kịch hiện sinh  cuả J.P.Xactrơ, A. Camus, kịch phi lí cuả Ionexco.
Chính kịch trở thành loại chính trên sân khấu thế giới ngày nay, gọi tắt là kịch.
Nếu phân loại kịch theo ngôn ngữ nhân vật, ta có kịch nói, ca kịch (kịch dân ca), vũ kịch (ballet), nhạc kịch (opera), kịch câm và kịch thơ.
Định nghĩa kịch thơ trong Từ điển văn học 1 ông Nguyễn XuânNamviết: “Thể loại kịch thông qua lời thơ để thể hiện nội dung kịch. Các diễn viên phải đọc hoặc ngâm thơ khi diễn xuất. Kịch thơ có lịch sử lâu đời. Trong thời kì chủ nghĩa cổ điển ở châu Âu, phần lớn các vở kịch là thơ”.
Chúng tôi thấy định nghĩa trên dựa theo yếu tố thuần tuý hình thức. Có thể cho rằng quan niệm cuả nhà thơ Hoàng Cầm rõ hơn, tuy vẫn chưa chỉ ra đặc trưng cuả kịch thơ “Theo ý tôi một kịch thơ phải đạt hai điều kiện: Trong kịch thơ có thơ và trong thơ là kịch”. (Báo Người Hà Nội số 85 ngày 1-10-1988).
Sau đây chúng tôi điểm qua mấy yếu tố cơ bản cuả một vở kịch:
-    Kịch bản trình bày những biến cố, mâu thuẫn xung đột qua lời nói của nhân vật. Tác giả có nhiệm vụ sáng tạo tính cách và điển hình trong sự mâu thuẫn và xung đột ấy.
-    Hành động kịch: tức là những diễn biến của mâu thuẫn và xung đột. Hành động kịch phải là hành động tham gia trực tiếp vào xung đột (chứ không phải bất cứ hành vi nào của nhân vật trên sân khấu)
-    Hành động kịch phải có kịch tính, tức là nó phải thay làm đổi mối quan hệ giữa các nhân vật và bộc lộ tư tưởng chủ đề kịch. Theo nghĩa đó, hành động kịch bao gồm cả lời nói. (Hồ Ngọc, nghệ thuật viết kịch- Văn hóa năm 1973 trang 14 và 15).
Hành động kịch chia ra hai loại-hành động bên trong và hành động bên ngoài-đó là hai hình thức của hành động. Các hành động tuân theo qui luật nhân quả “Tiền nhân hậu quả”, hành động này gây ra hành động khác (gián tiếp và trực tiếp).
Kết cấu hành động kịch chính là kết cấu vở kịch, thường theo qui luật phổ biến sau (5 giai đoạn): 1-Giới thiệu. 2- Thắt nút. 3- Phát triển. 4- Cao trào (điểm đỉnh) 5- Cởi nút (kết thúc).
Ngôn ngữ trong kịch là yếu tố chủ yếu xây dựng tính cách nhân vật, nó biểu lộ bên trong (suy nghĩ); nó gây ra mọi hành động, tạo ra mâu thuẫn và đẩy tới xung đột. Vì vậy, ngôn ngữ trong kịch cần phải “tính cách hóa” “động tác hóa” “thi hóa” “hình tượng hoá” (tạo hình, âm thanh, màu sắc) và phải xúc tích, tinh luyện.
Đặc trưng nhân vật kịch; đơn giản về thể hiện tâm lí bên trong (trái với tiểu thuyết) nhưng xúc cảm phải được thể hiện đến độ căng thẳng bằng hành động kịch.
Nhiều thế kỉ trước, kịch trường theo qui tắc tam nhất do Aristote đề ra từ (384-322 trước Công nguyên):
-    Thống nhất về hành động kịch (kịch xoay quanh một hành động chính)
-    Thống nhất về thời gian (trong 24 giờ/ 1 ngày)
-    Thống nhất về không gian (1 địa điểm).
Về tiểu thuyết
Tiểu thuyết là một loại hình tự sự, tiểu thuyết lãng mạn cũng tuân thủ những đặc thù của tiểu thuyết nói chung, nhưng do văn chương lãng mạn có khuynh hướng nghiêng về diễn tả thế giới của khát vọng chủ quan, nên về thi pháp, Chủ nghĩa lãng mạn cũng có những nét đặc thù riêng: đó là chất trữ tình tha thiết, là thế giới nội tâm được khai thác một cách tinh vi, là thế giới thiên nhiên thơ mộng, là tình yêu lứa đôi muôn màu, muôn vẻ. Văn xuôi lãng mạn do đó giàu chất thơ, đầy hấp dẫn, làm say đắm lòng người. Văn xuôi lãng mạn kết hợp trong mình nó nhiều hình thức thể hiện đa dạng khác nhau: kể và tả, triết lí và bình luận, độc thoại và độc thoại nội tâm. Đặc biệt, hình thức độc thoại nội tâm được sử dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao trong khả năng diễn tả thế giới nội tâm. Nó có khả năng đi sâu kích thích những rung động thẩm mỹ sâu xa trong lòng người đọc.
Với tiểu thuyết lãng mạn, yếu tố truyện đã không còn giữ vai trò trung tâm như tiểu thuyết cổ điển truyền thống, thay vào đó là yếu tố xây dựng nhân vật, nhất là xây dựng tâm lý nhân vật. Tuy nhiên, tiểu thuyết lãng mạn chưa quan tâm đến những chi tiết chân thật của đời sống, những cảnh ngộ đời thường. Các tiểu thuyết lãng mạn có khuynh hướng xây dựng những nhân vật ở trong những cảnh ngộ phi thường, siêu phàm, để trên đó, nhân vật bộc lộ những tính cách phi thường, trác tuyệt. Để xây dựng nhân vật như thế, các tiểu thuyết gia thường sử dụng các biện pháp tương phản, cường điệu, lý tưởng hóa… Trong đó, nghệ thuật tương phản như một biện pháp nghệ thuật chính yếu, hệ thống và nhất quán trên nhiều phương diện của tác phẩm. Tương phản giữa tính cách và hoàn cảnh, tương phản giữa các nhân vật với nhau, tương phản ngay trong một nhân vật… Ví dụ như trong “Nhà thờ Đức Bà Paris” đó là sự tương phản giữa cái phần bên ngoài tật nguyền, xấu xí với trái tim cao thượng của gã kéo chuông nhà thờ Đức Bà Quazimodo, hay tương phản giữa ánh sáng chiếu rọi từ trái tim Jean với cái cống ngầm Paris đen ngòm đầy bóng tối khủng khiếp trong “Những người khốn khổ”.
Cái tương phản được gắn liền với thủ pháp cường điệu, phóng đại, của các yếu tố phi thường trong tính cách và hoàn cảnh để đẩy nhân vật tới mức siêu phàm, trác tuyệt trong Chủ nghĩa lãng mạn trở thành một hệ thống thi pháp được Chủ nghĩa lãng mạn xem như nguyên tắc trong sáng tạo nghệ thuật. Chủ nghĩa lãng mạn quan niệm: “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”.

CHƯƠNG II

KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ VICTOR HUGO


I.     Cuộc đời

Victor Hugo là nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, là nhân vật dẫn đầu phong trào lãng mạn của nền văn chương  Pháp.Victor Hugo, cây đại thụ tỏa bóng rợp thế kỉ XIX ở Châu Âu, từng được xem là  “người gây nên bão tố từ đáy lọ mực”.
Ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1802 ở thành phố Bzanson. Cha là một chiến binh, sĩ quan cao cấp dưới thời Napoleon đệ nhất tên là Leopaul Hugo. Mẹ là bà Tri-buy-sê mang dòng máu xứ Vandet, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Do sự khác biệt về tư tưởng chính trị, tính tình tương phản nhau nên giữa cha và mẹ V.Hugo đã dần dẫn đến việc ly dị chính thức vào năm 1818. V.Hugo sống nhiều với mẹ và đã từng sang Italia và Tây Ban Nha thăm bố, lúc ấy đang đóng quân ở đó. Hugo sớm hấp thụ tinh thần dân chủ và lý tưởng cách mạng thời đại, sáng tác thời kì đầu của ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng quân chủ nhưng dần ông thiên về tư tưởng dân chủ.
Hugo có khả năng sáng tác rất sớm. Năm 15 tuổi, ông được giải thưởng về thơ của viện Hàn lâm Pháp, hai năm sau với hai món học bổng của triều đình Hugo chuyên tâm vào sự nghiệp sáng tác. Nhờ sự khuyến khích của mẹ, V.Hugo đã lập ra  tạp chí văn học “Người bảo thủ văn học” (1819-1821) dưới sự bảo trợ của Satôbriăng. Trong cuốn nhật kí của mình ông đã viết: “Tôi sẽ trở  nên một  Satôbriăng hoặc chẳng ra gì cả”. Vào những năm 1820, Hugo tham gia nhóm nhà văn lãng mạn và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của trào lưu này.
Năm 1821 mẹ của ông qua đời. Đến năm 21 tuổi, V.Hugo kết hôn với người bạn ấu thơ Adèle Foucher và họ đã có với nhau bốn người con.
Khả năng sáng tạo của Hugo rất lớn lao, mỗi ngày ông có thể làm một trăm câu thơ hay, viết 20 trang tiểu thuyết. Và qua các tác phẩm, ông đã phản ánh các phong trào chính trị, văn chương của thời đại, và bộc lộ rõ niềm tin nơi khoa học, nền dân chủ và tự do.
Từ năm 1822, các tập thơ liên tiếp được xuất bản, bắt đầu từ “Đoản thi” và “Tạp thi”. Ở lĩnh vực kịch, Hugo cũng đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là vở “Hernani”. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, năm 1823, Hugo cho ra đời ấn phẩm đầu tiên “Hand’ Islande”. Sau đó, hàng lọat các tác phẩm xuất sắc khác ra đời: “Ngày cuối cùng của kẻ bị kết án” (1829), qua đó ông đã phản kháng án tử hình, “Nhà thờ Đức bàParis” (1831), ca ngợi tình thương yêu của  những con người lao động bình thường như: Quazimodo và Esmeralda…, “Clode Geur” (1834), “Thằng cười” (1869)…
Năm 1841, ông được bầu vào viện Hàn lâm Pháp. Năm 1845, ông trở thành nguyên lão của nước Pháp, chấp nhận cuộc sống lưu đày vì tự do. Đây là thời kì đặc biệt nhất của cuộc đời Hugo, và cũng là giai đọan đạt đỉnh cao trong phong độ sáng tác của ông: hàng lọat các tập thơ nối tiếp nhau ra đời. Bên cạnh đó, Hugo đã cho hoàn thành pho tiểu thuyết bất hủ: “Những người khốn khổ” (1861).
Năm 1859, Napoleon đệ tam ra lệnh ân xá cho Hugo. Ông khước từ với lí do: “Tôi chịu đến cùng số phận của Tự do. Tự do đã bị trục xuất khỏi đất Pháp, khi nào Tự do trở về đất nước, tôi sẽ trở về cùng Tự do”.
Năm 1870, Hugo trở vềParissau khi chế độ Lui Napoleon sụp đổ. Cũng trong khoảng thời gian này, công xãParisnổ ra. Năm 1873, ông được bầu vào Thượng viện. Những năm cuối cùng của cuộc đời mình, ông đã hòan thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng: “Năm chín mươi ba”.
V.Hugo mất ngày 25 tháng 5 năm 1885. Thi hài ông được đưa vào điện Pantheon. Hugo là một trong những khổng lồ văn chương hiếm hoi của thế giới. Hugo, nhà văn nhân đạo sáng ngời, là tấm gương tranh đấu không biết mệt mỏi cho nền tự do, dân chủ của nhân loại tiến bộ.

II.  Sự nghiệp sáng tác

Thiên tài của Hugo bộc lộ từ rất sớm. Với khả năng sáng tạo tuyệt vời, ông đã để lại cho nhân lọai một sự nghiệp văn học đồ sộ. Thế kỉ XIX với nền văn chương đặc sắc của nước Pháp đã được gọi là “thế kỉ của Victor Hugo”.
Sự nghiệp sáng tác của Hugo có thể chia ra làm bốn giai đọan:
-    Giai đoạn 1816-1830: đây là giai đoạn sáng tác trong những năm thiếu thời.
 Năm 1817, ông được giải thưởng về thơ của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1819, ông cũng đã đoạt giải nhất trong kì thi thơ phú toàn quốc. Năm 1821, V.Hugo cho xuất bản thi phẩm đầu tiên có tên là “Đoản thi và Tạp thi”. Năm 1823, ông cho xuất bản cuốn  tiểu thuyết đầu tiên tên là “Hand’ Islande”, mô tả sự man rợ của một bộ lạc chặt đầu người bằng búa đá và uống máu kẻ địch. Năm 1824, Hugo cho xuất bản tập thơ ngắn “Nouvelles Odes” (các bài thơ ngắn mới), rồi hai năm sau, xuất hiện cuốn tiểu thuyết “Bug-Jargal”. Năm 1829, tập thơ “Về phương Đông” ra đời gợi lên các phong vị lãng mạn và màu sắc của phương Đông.
Hugo cũng đã làm chấn động kịch trường với kịch bản “Cromwell” xuất bản 1827. Thông qua vở kịch “Cromwell” ông đã phá vỡ các luật lệ, các qui tắc tam duy nhất của Chủ nghĩa cổ điển chi phối cách viết kịch từ các thời kì trước, và chủ trương rằng trong vở kịch phải có cả các sự việc bi hài, có cả sự tầm thường lẫn sự cao cả. Chính điều này đã giúp cho Chủ nghĩa lãng mạn toàn thắng về mọi mặt. Năm 1829, vở kịch “Marion de Lorme” cũng được ra đời.
-    Giai đoạn sáng tác thứ hai từ 1830-1852: đây được coi là giai đoạn sáng tác phong phú của ông.
Ngày 25 tháng 2 năm 1830, ông cho trình diễn vở kịch lịch sử “Hernani”. Vở kịch hầu như đã bỏ qua tất cả các qui luật cổ điển củaRacinevà Corneille.
Năm 1831, ông cho ra đời tác phẩm “Nhà thờ Đức bàParis”. Cuốn tiểu thuyết này đã làm xúc động lương tâm quần chúng hơn cuốn “Ngày cuối cùng của một kẻ bị kết án”.
Nhân dịp vua Louis Phillippe trở thành vị vua của thể chế quân chủ lập hiến sau cuộc Cách mạng tháng Bảy, ông đã làm một tập thơ đề cao sự kiện kể trên với tên “Lời thơ sau cuộc Cách mạng tháng Bảy 1830”.
Cũng vào thời gian này, Victor Hugo còn cho xuất bản tập thơ “Lá thu” (1831) với các cảm hứng cá nhân, thân thương. “Các bài ca Hoàng Hôn” (1835) mang tính chính trị, “Các lời nội tâm” (1837) chứa đựng các ý tưởng cá nhân và triết học, “Tia sáng và Bóng tối” (1840)…
Vở kịch “Nhà vua tiêu khiển” (1832) mô tả tình yêu nông nổi của Francis I vào thời kỳ Phục hưng Pháp. Ba vở kịch thơ kế tiếp là “Lu crèce Borgia và Marie Tudor” (1833), “Angello, bạo chúa của thành Padoue” (1835), “Rue Blax” (1838)…
-    Giai đọan 1851- 1870: là giai đoạn ông sống lưu vong ở đất Bỉ. Đây là giai đoạn ông sáng tác thành công nhất, có  nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất.
Tác phẩm mở đầu cho những kiệt tác của giai đọan này là “Trừng phạt” (1853). Tác phẩm trữ tình lớn nhất của Hugo, tập thơ “Mặc tưởng” (1856) được chia làm 2 phần “Ngày trước” và “Ngày nay” nói lên nỗi niềm tâm sự riêng tư. Tiếp đến là tập thơ “Truyền kỳ các thế kỷ” (1862). Cũng trong năm này, ông cũng đã hoàn thành thiên tiểu thuyết dài nhất và danh tiếng nhất: “Những người khốn khổ” (1861), cuốn truyện mô tả rõ ràng và kết án sự bất công của xã hội trong thế kỷ XIX.
Ngoài tác phẩm lừng danh “Những người khốn khổ”, V.Hugo còn viết các tác phẩm khảo luận có tên là “William Shakespeare” (1864), tiểu thuyết “Những người lao động trên biển” (1868), “Người cười” (1869) – cuốn tiểu thuyết về người dân nước Anh chống lại chế độ phong kiến của thế kỷ XVII.
-    Giai đọan 1870 trở về sau, lúc này ông đã trở về Pháp. Giai đoạn này ông sáng tác rất ít chỉ tập trung vào các hoạt động chính trị.
Hugo không tán thành bạo lực cách mạng nhưng ông rất khâm phục những người chiến sĩ cộng sản. Ông viết tập thơ “Năm khủng khiếp” để ca ngợi họ. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là cuốn “Năm chín mươi ba”, tập trung vào năm 1793 đầy chính biến tại nước Pháp, đề cập tới sự công bằng và bác ái chống lại hậu trường của cuộc cách mạng Pháp. Năm 1877, ông viết xong tập thơ “Nghệ thuật làm ông” và “Năm 1883”, phần cuối tập thơ “Truyền kỳ các thời đại” cũng đã hoàn thành.
Nhìn chung, sự nghiệp sáng tác của ông vừa phong phú về thể loại, vừa trác tuyệt về chất lượng. Ngoài thơ, kịch, tiểu thuyết ông còn để lại hơn 2000 bức tranh và nhiều tác phẩm khảo cứu và các tùy bút khác…
Giới thiệu đôi nét về thơ của Victor Hugo
            Qua quá trình tìm hiểu sự nghiệp văn chương của ông, ta thấy thơ là lĩnh vực mà ông theo đuổi từ khi còn thiếu thời đến lúc cuối đời. Nó là mảng sáng tác tương đối lớn, góp phần tạo nên sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông. Do có được cảm quan nhạy bén của tâm hồn lãng mạn nên những tâm tư tình cảm, hiện thực cuộc sống  đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên. 
Đối với Hugo, gia đình, con và các cháu luôn là đề tài gây được cảm hứng để nhà thơ sáng tác.
Làm cha, Hugo rất mực thương con, ông luôn thể hiện cái nhìn âu yếm, thấy được cái khía cạnh tốt đẹp nhất của con mình:
Dù tóc con tôi đã chải hay sù,
Dù trái tim tôi buồn hay vui sướng
Bao giờ tôi cũng tấm tắc nhìn
Con là tiên, con là ánh sáng”.
Xót xa đau đớn trước cái chết của con giọng thơ Hugo êm ái hẳn đi, ông nhớ lại những kỉ niệm về đứa con gái thân yêu:
“Con gái tôi có tính quen này trong tuổi thơ
Là tạt đến phòng tôi mỗi sáng
Tôi đợi bé như chờ một ánh dương quang đãng
Nó đi vào, và nói: “Chào bố thân yêu”
Con lấy bút của cha, mở các quyển sách, ngồi
Trên giường tôi, lục các giấy tờ, và cười nhoẻn
Rồi bỗng đi xa, như một chim thoáng hiện”.
Trong khi tang tóc nặng trĩu, nhà thơ được an ủi nhờ sự có mặt của hai đứa cháu Georges và Jeane:
“Tôi mà một đứa trẻ thôi cũng khiến cho thành ngốc nghếch
Tôi lại có tới hai: Georges và Jeane, và tôi lấy một đứa làm kẻ dẫn đường
Và đứa kia làm ánh sáng thái dương
Nghe tiếng chúng là tôi chạy tới”.
Bên cạnh gia đình thì tình yêu nam nữ cũng là mảnh đất màu mỡ mà thơ ông hướng đến. Sống trong tình yêu người ta thường ngây ngất với men tình giống như tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Vì anh nếm”:
“Vì anh nếm chén tình chan chứa
Trong tay em áp vầng trán say sưa
 Vì anh thở ngọt ngào hơi thở
Tâm hồn em trong bóng lá hương đưa
Vì anh nghe giọng em thầm thì
Trái tim em huyền diệu bao lời
Vì anh thấy nụ cười và ngấn lệ
Mắt anh trong mắt em và môi chạm vào môi”…
Là một người giàu tình cảm như thế, cho nên trong con người ông còn chứa đựng tình cảm lớn lao hơn: tình yêu Tổ quốc. Nó luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho thi ca của ông. Do đó, Tổ quốc được ông nhắc đến một cách da diết. Trong bài “Lời ca”, ông lặp lại nhiều lần như một điệp khúc:
“ Người ta không thể sống được nếu không có bánh mì
Người ta cũng không thể sống được nếu không có Tổ quốc”.
Xuất phát từ lòng yêu Tổ quốc tha thiết, trong Trừng phạt có những bài vang lên như lời kêu gọi thiết tha giục giã mọi người hãy tỉnh dậy, hành động vì Tổ quốc. Trong đó cũng có những bài gợi lại quá khứ oanh liệt của cha ông:
“Không bao giờ biết buồn biết sợ
Họ chắc còn cả gan leo đến tận mây xanh
Nếu trong khi đang tiến, nhìn lại phía sau mình
Họ trông thấy nước Cộng hòa vĩ đại
Chỉ tay lên trời xanh”.
Đó có thể là những người lính tình nguyện của cách mạng, chân đi đất nhưng ngời ngời ánh sáng, khí thế oai hùng, đầu ngẩng cao trước mặt:
“Như sư tử đang hít thở gió xa
Khi cuồng phong thổi tới”.
Chính vì thế ông luôn ca ngợi Tổ quốc và các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc:
“Những ai tâm thành chết cho Tổ quốc
Phải được đồng bào đến bên quan tài thương nhắc
Giữa những tên đẹp nhất, tên của họ vang hơn.
Mọi thứ vinh quang hóa chóng rụng tàn bên họ,
Và, cũng như tấm lòng người mẹ
Giọng của toàn thể nhân dân ru họ mãi bên mồ.”
Hugo ca ngợi cho muôn đời cái dũng khí hào hùng của đoàn quân Cách mạng, qua những người bộ đội của năm thứ hai Cách mạng tư sản dân quyền Pháp 1789:
“Chống lại cả châu Âu với lũ vua và tướng cướp
Với những lính tráng phủ hết ruộng đồng đường sá,
Với đoàn quân kỵ mã chúng mày,
Đứng lên như một vị thần nghìn mắt, nghìn tay,
Họ ca hát, họ bước đi, tâm hồn không hề biết sợ
Và đôi chân chẳng có giày!”
Hugo rất gần gũi thiên nhiên, yêu thiên nhiên một cách say mê, cho nên thiên cũng hoan nghênh chào đón nhà thơ:
“ Tháng năm hoa nở thơm đầy
Đồng xanh réo gọi cỏ cây vui cùng
Đến đi em! Chớ ngại ngùng
Đồng quê với cánh rừng xinh
Cây xanh bóng mát lung linnh mặt hồ
Nước còn ngái ngủ cơn mơ
Ánh trăng vằng vặc bên bờ đợi ai”…
Tạo vật hữu tình, và tạo vật cũng vô tình, một nhà thơ phải nói cả hai mặt ấy, thì mới là sâu sắc. Vạn vật biến chuyển, cảnh trời đổi thay.trong tâm hồn con người:
“Đã thế thì hãy quên chúng tôi đi; ngôi nhà; khoảnh vườn; khóm bóng!
Cỏ, hãy lấp thềm xưa! Gai, phủ vết chân mờ!
Chim cứ hót, suối cứ tuôn! Cành cứ tỏa
Những kẻ các bạn quên sẽ không quên các bạn bao giờ”.
Thông cảm sâu sắc trước nỗi khổ của người dân lương thiện là nạn nhân của các thảm họa chiến tranh, của tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, bị ngược đãi…Hầu hết các tập thơ của ông đều thấm đượm chất trữ tình và lòng yêu thương con người. Tình nhân ái của Hugo rất tự nhiên và sâu xa, thuộc về một bản chất nhân hậu hiếm có. Nhìn một em bé Hi Lạp thơ ngây, côi cút giữa cảnh hoang tàn, chết chóc, với tình thương sâu thẳm không biên giới, nhà thơ xót xa, thổn thức:
“…Quân Thổ tràn qua: nơi nơi điêu tàn tang tóc
…Ôi em bé đáng thương ơi, chân trần trên đá sắc.
Lệ đầm đìa đôi mắt biếc xanh!
Làm sao đây để lau nước mắt
Cho đôi mắt em như bầu trời, như sóng nước trong xanh
Làm sao đây cho tia sáng vui tươi tràn ngập long lanh
Để mái tóc óng vàng ngẩng dậy!
…Làm sao đây cuốn gọn mái tóc vàng đẹp đẽ,
Vui chảy xuôi trên đôi vai trong trắng
Đang khóc thầm quanh vầng trán của em!”
Là nhà thơ của chủ nghĩa nhân đạo, đồng cảm với mọi đau thương, chia âu lo với những người lao động. Đứng trước biển ban đêm, nghe sóng réo gào, nhà thơ viết  bài “Biển đêm” bi tráng và thương cảm:
“Ôi! Đâu hết những người thủy thủ
Chìm trong đêm, bi thảm đời người
Kinh hoàng bao lòng mẹ, biển ơi!
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt vọng kêu la
Mỗi chiều về, lại đến cùng ta”.
Bên cạnh đó, nhà thơ còn phát hiện được những phẩm chất tốt đẹp và ca ngợi những người dân lao động:
“Trên ruộng tắm bóng thâm
Tôi cảm nhìn áo rách
Một ông lão đang tung
Gieo mùa sau xuống đất”…
Dù cuộc sống có vất vả nhưng họ vẫn tin tưởng ở thành quả ngày mai tốt đẹp.
Do là một nhà thơ viết kịch và tiểu thuyết nên những trang văn của ông mang đậm chất thơ. Đặc biệt, chính niềm cảm thương những số phận bất hạnh và trân trọng những phẩm chất cao quí của những người lao động đã được ông phát triển cao ở lĩnh vực kịch và tiểu thuyết sau này. Để thấy được điều đó, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu kịch và tiểu thuyết thông qua việc tìm hiểu một số đặc điểm nghệ thuật mà ông sử dụng trong quá trình sáng tác.


CHƯƠNG III

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KỊCH VÀ TIỂU THUYẾT CỦA VICTOR HUGO


I.     Kịch drame: vở “Hernani”

1. Giới thiệu cốt truyện

Sự việc xảy ra ở triều đình Tây Ban Nha từ thế kỷ XVI, trước khi Don Carlos trở thành hoàng đế nước Đức là Charles Qunit. Vua Don Carlos theo đuổi nàng Dona Sol, vợ chưa cưới của lão bá tước Don Ruy Gomez. Vua lẻn vào nhà nàng, núp vào trong tủ áo đúng lúc nàng hò hẹn với tình nhân là Hernani-người có mối thù giết cha với nhà vua nên bị truy nã, sống lẩn lút và trở thành tướng cướp sống ngoài vòng pháp luật. Don Carlos mở cánh tủ bước ra. Hai kẻ tình địch chuẩn bị đấu kiếm thì Don Ruy Gomez bất chợt về và nổi trận lôi đình. Vua cho lão biết tin Hoàng đế vừa băng hà và hy vọng mình được lên kế vị.
Vì đã nghe lỏm được ngày giờ và mật hiệu đôi tình nhân hẹn nhau đi trốn, hôm sau, Don Carlos đến định bắt cóc Dona Sol. Trong lúc nàng đang nguy kịch thì Hernani xuất hiện. Chàng định thanh toán kẻ thù, nhưng lại tha cho vua vì lúc đó nhà vua không có vũ khí trên tay. Vua trở về triều, huy động quân lính đến vây bắt tướng cướp. Hernani cải trang trốn vào nhà Don Ruy Gomez đúng lúc bá tước đang chuẩn bị làm lễ thành hôn với Dona Sol. Chàng tuyệt vọng. Vua đến và bắt Dona Sol làm con tin vì bá tước che giấu không chịu nộp tướng cướp cho vua.
Vua đi rồi, bá tước định thanh toán mối thù riêng với Hernani vì biết mối quan hệ của chàng với Dona Sol. Nhưng chàng đề nghị với bá tước hiệp lực trả thù vua, đồng thời chàng trao cho bá tước chiếc tù và và hứa khi nào trả thù xong, hễ nghe tiếng tù và thì chàng sẽ đến chịu chết.
Từ một hầm mộ Hoàng gia bên Đức, Don Carlos hồi hộp chờ đợi kết quả bầu Hoàng đế, trong khi Hernani và Don Ruy Gomez đang chuẩn bị âm mưu đón hạ sát Don Carlos… Ba tiếng súng thần công vang lên báo tin Hoàng đế Charles Quint trở thành vua Tây Ban Nha. Toàn bộ những âm mưu ám sát Hoàng đế đều bị bắt. Nhưng hoàng đế đã khoan hồng cho tất cả, hơn nữa còn trả lại chức tước cho Hernani và cho phép chàng cưới Dona Sol.
Tối tân hôn, Hernani nghe tiếng tù và, bá tước xuất hiện nhắc chàng giữ lời hứa và chàng đi nhận lọ thuốc độc. Dona Sol can ngăn không được liền giật lọ thuốc độc uống trước rồi đưa lại cho Hernani uống nốt. Bá tước tuyệt vọng, phải tự sát.

2. “Trận chiến Hernani”, sự chiến thắng của chủ nghĩa lãng mạn đối với chủ nghĩa cổ điển

Kịch là thể loại chủ yếu của Chủ nghĩa cổ điển. Trong thế kỉ XVII, Chủ nghĩa cổ điển là một trào lưu văn học tiến bộ với các nhà viết kịch có tên tuổi là Molier, Corneill,Racine… Nhưng đến đầu thế kỉ XIX, nhất là từ khi chế độ phong kiến được phục hồi năm 1815, nó trở nên lạc hậu, bảo thủ với nhiều nguyên tắc chật hẹp, gò bó.
Để tấn công vào trào lưu văn học cổ điển, vốn có rất nhiều thành tựu nhưng lúc bấy giờ đã lỗi thời, Hugo đã chọn mục tiêu tấn công là kịch trường, tiêu biểu là vở “Hernani”. “Hernani” thực sự là bản luận chiến, đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa lãng mạn đối với chủ nghĩa cổ điển . Hugo cho rằng quy tắc luật “tam duy nhất” của chủ nghĩa cổ điển đó là: duy nhất về thời gian, duy nhất về địa điểm, duy nhất về hành động đã ràng buộc tự do trong nghệ thuật. Và nó giống như việc “người ta đóng một chiếc giày cho mọi bàn chân”. Trước tình hình kịch cổ điển không còn phù hợp với những tâm hồn lãng mạn đương muốn thoát ra khỏi cuộc sống tư sản tầm thường, ở đó mọi thứ đều như bị trật khớp, họ không thể thích nghi nổi, thì việc “Hernani” xuất hiện như ngọn gió mát, trong lành thổi vào những tâm hồn đã chai cứng.

2.1.  Sự phá vỡ qui tắc luật “tam duy nhất” của chủ nghĩa cổ điển

Sự phản ứng đầu tiên của Chủ nghĩa lãng mạn đó là sự phá vỡ quy tắc luật “tam duy nhất” đó. Trước hết, nguyên tắc thời gian duy nhất đã bị vi phạm. Chúng ta thấy, một vở kịch cổ điển chỉ được công diễn trong hai tiếng đồng hồ, nhưng ở “Hernani” nó đã vượt ra khỏi qui phạm đó. Tuy vậy, vấn đề thời gian không phải là vấn đề lớn mà ông muốn đề cập ở đây.
Nguyên tắc thứ hai mà ông muốn phá vỡ, đó là địa điểm duy nhất. Trong “Hernani” địa điểm kịch được thay đổi rõ rệt. Thực ra, việc thay đổi địa điểm kịch không phải đến Hugo mới diễn ra, mà nó đã được manh nha từ trước. Ngay từ “Le Cid”, Corneill cũng đã thấy bức bối về sự chặt chẽ của luật duy nhất về địa điểm. Chính ông cũng không đóng khung địa điểm kịch tại cung đình mà ông còn tả cảnh chiến trường nơi Rodrigue chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tiếp nối Corneill, Hugo đã có sự bức phá ở “Hernani”. Địa điểm không chỉ diễn ra trong nước mà nó còn vượt phạm vi ngoài nước, lúc thì ở Xaragrox (Tây Ban Nha), lúc thì ở Ex-lasapen (Tây Đức).
Địa điểm là nơi để nhân vật diễn ra hành động chính duy nhất. Tăng thêm hành động chính để chuyển tải các xung đột đan chéo để hành động được phong phú. Đến Hernani, duy nhất về hành động kịch là nguyên tắc bị vi phạm nghiêm trọng nhất. Hành động kịch xảy ra không chỉ ở nhà của Don Ruy Gomez mà còn ở nhà mồ Charles Magne, nơi bọn phản bội họp nhau để giết chết vua Don Carlos.
Có thể thấy, địa điểm Hugo đưa vào kịch không nhiều. Nhưng để chống lại duy nhất về địa điểm của kịch cổ điển một cách mạnh mẽ, ông đã đưa vào kịch của ông một kiểu không gian “hiện thực chủ nghĩa” bắt chước một địa điểm thực sự, một không gian mà người ta có thể thấy trong cuộc sống. Đó là lâu đài của công tước Don Ruy Gomez với cả chiếc tủ mà vua Don Carlos có thể chui vào, là một dãy những bức chân dung gia đình ngài với bức ngăn đằng sau có thể giấu Hernani, với cả cánh cổng sau có thể giúp Dona Sol đi trốn. Một ngôi nhà với những ban công cho phép một gã nhân tình có thể trèo vào phòng người yêu. Đó là hầm mộ hoàng đế Charles Magne tại thành phố Ex-lasapen trong thực tế là nơi đã có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra: đây là nơi Hoàng đế Charles Magne ưa thích và là nơi ngài qua đời; 36 Hoàng đế Đức đã được đăng quang tại đây từ năm 813 đến năm 1531; nhiều hiệp ước đã được kí kết từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX, đặc biệt là hiệp ước giữa Tây Ban Nha và vua Loui XIV ngày 2 tháng 5 năm 1668 đem lại hòa bình cho hai nước. Tất cả những địa điểm trên mang đầy đủ những chi tiết tạo ra cho người xem cảm tưởng về những địa điểm có thật. Như vậy, linh hồn của kịch chính là cái hiện thực.

2.2.  Xây dựng kiểu nhân vật phản nghịch

Bên cạnh việc phá vỡ qui tắc luật “tam duy nhất”, Hugo còn xây dựng kiểu nhân vật chống lại kiểu nhân vật của kịch cổ điển. Ở kịch cổ điển nhân vật thường là những ông vua, bà hoàng, nhà quý tộc… là những anh hùng, dũng tướng đặt tư tưởng trung hiếu lên trên hết. Ở vở kịch “Hernani”, con người “phản nghịch”, Hernani là con người có những phẩm chất tốt đẹp, ý chí căm thù sâu sắc, tinh thần kiên cường trong đấu tranh, tâm hồn cao thượng trong tình yêu… Tuy về địa vị xã hội, Hernani bị liệt vào loại “tướng cướp” sống ngoài vòng pháp luật, của cải không có gì, “chỉ thở được khí trời, nhìn ánh sáng, uống nước lã, nghĩa là những thứ của chung phân phát cho mọi người”, cùng đồng đảng tung hoành khắp xứ, bị triều đình truy lùng mọi nơi nhưng Hernani lại là một hình ảnh rất đẹp. Với tư cách người tình nhân cũng như với tư cách người con trả thù cho cha, về phương diện nào, chàng cũng chiếm được cảm tình của khán giả.

2.3.  Sử dụng bút pháp tương phản

Nét nổi bật nhất thể hiện Chủ nghĩa lãng mạn trong kịch của Hugo là ông đã sử dụng bút pháp tương phản. Tương phản là biện pháp để làm tăng kịch tính và làm nổi bật phẩm chất của nhân vật. Dưới ngòi bút của Hugo, sự tương phản xuất hiện ngay trong mỗi nhân vật, giữa địa vị xã hội và phẩm chất đạo đức, giữa diện mạo bên ngoài và thế giới nội tâm của họ. Trong “Hernani” là sự tương phản giữa vua Tây Ban Nha và “tướng cướp” Hernani. Một bên là vua Tây Ban Nha sắp trở thành hoàng đế Charles Quint với một bên là tên tướng cướp không nhà, không cửa đương bị truy lùng ráo riết. Là con người bất khuất, kiên cường, nung nấu khôn nguôi mối thù cha phải trả, đồng thời cao thượng trong tình yêu… nhưng đối thủ của chàng là Don Carlos- một con người bỉ ổi, dùng đủ mọi lời đường mật trơ trẽn để quyến rũ phụ nữ và không ngần ngại có những hàng động vũ phu. Tác giả đã đặt vua bên cạnh tướng cướp. Họ cùng yêu một người con gái và người con gái dòng dõi quý tộc ấy trao trái tim mình cho tướng cướp chứ không cho vua. Sự tương phản còn thể hiện ở việc: Dona Sol hướng tới tình cảm chân thành với Hernani chứ không màng địa vị. Từ chối ngai vàng, từ chối lâu đài êm ấm, Dona Sol đã chọn tướng cướp Hernani: “Ông vua của tôi sống lang thang ngoài vùng xã hội và pháp luật, chịu đói và chịu khát, quanh năm trốn tránh, ngày ngày chia sẻ số phận cực khổ và hãi hùng hơn là sống với Hoàng đế (ám chỉ Don Carlos) để làm hoàng hậu”. Trong sự tương phản, tầng lớp quyền quý (vua, hầu tước) thường trở nên kệch cỡm, thô lỗ, bị thất bại… Chính điều này đã tạo nên sóng gió cho kịch trường của Hugo.

2.4.  Sử dụng yếu tố Grotesque

Một yếu tố khác tạo nên sự thành công của kịch lãng mạn Hugo, đó là quan điểm về cái thô kệch (grotesque) mà ông đề xuất. Theo ông, “đạo Thiên chúa dẫn thơ ca đến chân lý”, vì nó cho ta thấy trong con người có hai mặt: thiên thần và thú vật. Nó giúp cho nhà văn hiểu rằng trong thiên nhiên, trong xã hội không phải chỉ có toàn chân, thiện, mỹ. Trái lại, cái xấu tồn tại bên cạnh cái đẹp, cái ác bên cạnh cái thiện, cái thô kệch bên cạnh cái tao nhã, bóng tối bên cạnh ánh sáng. Văn học muốn chân thực phải phản ánh toàn vẹn những mặt tương phản ấy trong cuộc sống. Với quan điểm như vậy, cho nên Hugo chấp nhận đưa cả những yếu tố bình thường của cuộc sống vào kịch trong khi kịch cổ điển chỉ chấp nhận những gì thanh nhã, cao quý. Trong mắt của Hugo, vua không phải là người toàn mỹ mà là con người của cuộc sống trần tục. Don Carlos là một ông vua si tình. Ông cũng có những hành động rất ư là tầm thường như chui vài tủ áo để tránh tình địch, cũng biết nói dối. Điều này thể hiện ở chi tiết sau khi ra khỏi tủ, Don Carlos biện minh cho việc có mặt của mình là để thông báo việc Đức hoàng đế tổ phụ băng hà. Với địa vị của một ông vua nhưng Don Carlos vẫn dùng những thủ đoạn bỉ ổi của kẻ tiểu nhân trong việc chinh phục tình yêu của nàng Dona Sol. Don Carlos đã giả làm Hernani để rình đón Dona Sol đi. Các nhân vật tình địch không tìm kiếm sự công bằng và trái tim người đẹp bằng việc đấu gươm mà bằng mưu mẹo, bằng lọc lừa. Những yếu tố này đã làm thay đổi không khí trang nghiêm, vẻ lên gân, lên cốt của kịch cổ điển. Chúng làm cho kịch drame gần gũi hơn với cuộc sống đời thường, gần gũi hơn với tâm hồn những con người bình dân ở thế kỉ XIX.
Yếu tố Grotesque đã làm cho kịch drame có sức hấp dẫn, mới mẻ đối với công chúng. Điều này thể hiện đặc sắc ở cách kết thúc kịch đầy bất ngờ. Đó là khi Don Carlos lên làm Hoàng đế Charles Quint thì ông không tranh giành tình yêu với Hernani nữa. Ông tự nguyện đem Dona Sol cho Hernani và trả lại tước hiệp sĩ cho chàng với tư tưởng “thù hằn và giận dữ, ta muốn quên hết”. Trong lúc Hernani và Dona Sol tưởng chừng đang sắp sửa được hưởng hạnh phúc trăm năm thì tiếng tù và rúc lên, báo hiệu đến thời điểm Hernani thực hiện lời hứa oái oăm với Don Ruy Gomez: chàng phải uống lọ thuốc độc để chết. Chúng ta thấy, kết thúc kịch lãng mạn nhân vật đều có số phận hết sức bi thảm. Ở đây môtip “con đom đóm yêu một vì sao tinh tú” lại xuất hiện. Nhưng họ đã chết với tinh thần tự nguyện và lạc quan. Đó cũng là nét tạo nên tính chất lãng mạn của kịch drame.

2.5.  Một vài yếu tố nghệ thuật khác

Một bước đột phá nữa của kịch lãng mạn thể hiện ở lĩnh vực ngôn ngữ là tăng cường ngôn ngữ bình dân. Ngôn ngữ trong kịch đã thoát khỏi sự quy định của ngôn ngữ quý tộc mà gần gũi hơn với ngôn ngữ quần chúng. Trong Hernani, đôi khi chúng ta bắt gặp điều này, điển hình như ở Hồi II: Tướng cướp và lớp 4: đoạn Hernani từ biệt Dona Sol để trốn thoát sự bao vây của vua Don Carlos:
- Dona Sol: Anh Hernani! Trời ơi! Em run sợ! Này! Đã thế, chúng ta phải mau mau lên! Cùng nhau chạy trốn đi.
  – Hernani: Cùng nhau ư! Không, không. Bây giờ muộn mất rồi. Chao ôi! Dona Sol, khi em mới xuất hiện trước mắt anh, hiền hậu và đoái lòng yêu mến anh bằng một mối tình cứu vớt, anh dù khốn khổ vẫn rất có thể tặng em quả núi, khu rừng, dòng suối của anh-tình thương của em làm cho anh thêm mạnh dạn, -miếng bánh lưu đày của anh, nửa chiếc giường cỏ xanh rậm rạp mà rừng ban cấp cho anh; nhưng tặng em một nửa đài xử chém. Dona Sol ơi, tha thứ cho anh! Đài xử chém là của riêng mình anh”.
Về nghệ thuật dẫn dắt hành động kịch, Hugo xen vào những màn độc thoại nội tâm đầy tính chất lãng mạn ở Hồi I lớp 4, Hồi IV lớp 2, 5, Hồi V lớp 4.
Vở kịch không những có ý nghĩa đấu tranh về văn học mà còn có ý nghĩa đấu tranh trên vũ đài chính trị. Khán giả nhìn thấy trên sân khấu tên “tướng cướp” được đặt ngang hàng với vua, thậm chí còn cao hơn vua. Vở kịch có tác dụng như một gáo dầu giội vào ngọn lửa cách mạng đương âm ỉ. Hình ảnh Don Carlos  không chỉ xuất hiện như một cá nhân mà gắn với xã hội đầy bất công lúc bấy giờ. Và hành động trả thù của Hernani do đó có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Câu nói của Bá tước Don Ruy Gomez thốt ra khi vua Tây Ban Nha bắt Dona Sol làm con tin : “Hỡi vua, khi ngươi vui vẻ bước ra khỏi nhà ta, thì tấm lòng trung quân cũng ra khỏi trái tim ta lúc này chỉ còn đầm đìa nước mắt!”. Đây không chỉ là tâm trạng riêng của lão nữa mà đó là tâm trạng chung chống lại chế độ Trung hưng và Quân chủ tư sản lúc bấy giờ.
 Tuy nói kịch lãng mạn ra đời nhằm phủ định trào lưu chủ nghĩa cổ điển lúc bấy giờ đang được tái sinh nhưng đó không phải là sự phủ định hoàn toàn. Ta thấy ở Hugo có sự kế thừa nhiều yếu tố của kịch cổ điển. Tình yêu say đắm của thanh niên nam nữ  chính là đề tài lấy từ kịch cổ điển mà tình yêu chính là đề tài quán xuyến toàn bộ kịch của Hugo. Bản thân sự phân chia vở “Hernani” thành chương, hồi cũng là cách làm của những nhà viết kịch thế kỉ XVII. Sự cao thượng trong tình cảm ở các nhân vật: Don Carlos tha chết cho Hernani  (hồi I, lớp 3), Hernani không dám ra tay giết Don Carlos (hồi II, lớp 3), Don Ruy Gomez giấu Hernani sau bức chân dung của mình (hồi III, lớp 5), Hoàng đế Charles Quint tha cho những người âm mưu ám hại ông (hồi IV, lớp 5). Lòng độ lượng, sự khoan dung đó có từ truyền thống và nó đã chảy vào tâm hồn lãng mạn của Hugo để lại trong lòng ông một mối thiện cảm tốt đẹp. Chính vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi nhà văn giải quyết mâu thuẫn trong kịch “Hernani” bằng con đường thỏa hiệp hết sức bất ngờ giữa “tướng cướp” và vua Tây Ban Nha.
Tóm lại, bằng việc sử dụng một số đặc điểm nghệ thuật của kịch lãng mạn Hugo đã làm cho vở “Hernani” có chỗ đứng vững chắc và gây tiếng vang lớn trên kịch trường lúc bấy giờ. Cống hiến của Hugo ở lĩnh vực kịch  là ông đã mở toang cánh cửa sáng tạo nghệ thuật để đến với nghệ thuật tự do.

II.  Tiểu thuyết

1. “Nhà thờ Đức bà Paris”, toà nhà thờ vĩ đại bằng thơ ca

Tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris”(1831) là một sáng tác độc đáo của đại văn hào Pháp V. Hugo. Với một cấu trúc đặc biệt, ông đã dựng lên bức tranh đồ sộ, hoành tráng về cuộc sống, con người thời Trung cổ bằng một hệ thống ngôn từ tài hoa, nhiều tầng bậc. Ra đời cách đây gần hai thế kỉ, nhưng “tòa nhà thờ vĩ đại bằng thơ ca” này vẫn được cả loài người đón chào với niềm say mê lớn. Bằng những nét đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút lãng mạn đỉnh cao, cây sồi già xanh ngắt , V. Hugo đã vượt qua những hạn chế của tư tưởng thời đại, làm cho tác phẩm có sức vang động mãi đến tâm can người đọc, đánh thức lương tri nhân loại bằng những hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ vào tận những ngõ ngách sâu kín nhất của lòng người.
 “Nhà thờ Đức bà Paris” là cuốn tiểu thuyết mang đậm tính chất lãng mạn nhất của Hugo. Mọi tình tiết câu chuyện đều xoay quanh Nhà thờ Đức bà. Vào ngày lễ Vua và ngày Hội cuồng đãng năm 1482, trong đám dân chúng tự do vui chơi có cô gái Bohemieng xinh đẹp tên là Esmeralda. Cô sống bằng nghề ca múa và diễn trò với con dê nhỏ Djali khôn ngoan. Nhan sắc của Esmeralda khiến  Frollot, phó giáo chủ nhà thờ Đức Bà ngày đêm mơ tưởng. Theo lệnh của Frollot, Quazimodo-người kéo chuông nhà thờ Đức bà, thân hình dị dạng, lưng gù vừa câm vừa điếc-đi bắt cóc Esmeralda. Là đứa trẻ bị bỏ rơi, được Frollot đem về nuôi nấng, nên Quazimodo luôn trung thành, tận tụy phục vụ phó giáo chủ. Giữa lúc hai kẻ xấu đang hành hung định bắt cóc Esmeralda, đại uý đội cung thủ ngự lâm quân tên là Foebus cưỡi ngựa đi qua, đã ra tay cứu Esmeralda và bắt được Quazimodo. Người kéo chuông nhà thờ bị cột lên bánh xe giàn bêu tù và chịu những trận đòn tới tấp bằng roi da. Quazimodo xin được uống nước. Ngay lập tức từ đám đông nhốn nháo, giận dữ vang lên lời mắng nhiếc, tiếng la ó. Giữa lúc ấy, Esmeralda leo lên giàn bêu tù cho Quazimodo uống nước, khiến anh không cầm nổi nước mắt. Việc bắt cóc không thành, Frollot vô cùng tức giận và càng khao khát được thỏa ham muốn tội lỗi. Biết Esmeralda đem lòng yêu Foebus và đại uý thường hẹn hò với cô, Frollot lén theo đến chỗ hẹn. Tận mắt chứng kiến cảnh âu yếm đôi trai gái, Frollot nổi máu ghen rút dao đâm  trọng thương Foebus rồi bỏ chạy. Esmeralda bị bắt và bị kết tội “dùng tà thuật, buà phép” và dao găm sát thương đại uý. Không chịu nổi đòn tra tấn tàn bạo, Esmeralda phải nhận những tội lỗi mà người ta gán cho cô. Biết rõ Esmeralda  vô tội, gã đại uý phóng đãng, ích kỷ không minh oan cho cô. Lời khai mơ hồ của Foebus gây thêm nguy hiểm cho Esmeralda. Cô phải chịu án tử hình. Frollot tới thăm và bày tỏ tình yêu với Esmeralda, khuyên cô trốn theo y nhưng Esmeralda một mực từ chối. Cô vạch rõ tâm địa xấu xa, hành động tội ác của phó giáo chủ.
Ngay giây phút các đao phủ chuẩn bị hành hình Esmeralda, Quazimodo bất thần xuất hiện giải thoát cô và vác cô lên căn phòng nhỏ trong nhà thờ. Ngày ngày Quazimodo chăm sóc cô rất tận tình, chu đáo. Phó giáo chủ lần mò tới phòng của Esmeralda định cưỡng bức cô, Quazimodo kịp thời ngăn chặn. Frollot không từ bỏ mục đích của mình, y khích Gringoa, người đã từng được Esmeralda cứu sống, để ông ta tìm cách đưa Esmeralda ra khỏi nhà thờ. Đêm đó, những người nghèo khổ, đám ăn mày kéo đến nhà thờ Đức bà để giải phóng Esmeralda. Lầm tưởng đám đông nhốn nháo kia đến hại Esmeralda, Quazimodo ra sức lăn gỗ, đá xuống để bảo vệ cô. Nhân cơ hội đó, Frollot và Gringoa lẻn vào đưa Esmeralda đi. Phó giáo chủ hết cầu xin Esmeralda ban phát tình yêu lại đe dọa nhưng cô vẫn  kiên quyết cự tuyệt. Phó giáo chủ liền trao Esmeralda cho mụ tu hành bất hạnh Gudulier để mụ  “trả thù”. Trước đây, những người Bohemieng  đã đánh tráo đứa con gái yêu quý của Gudulier nên mụ căm thù người Bohemieng đến tận xương tủy. Trong lúc giằng co, tức giận tình cờ Gudulier nhận ra Esmeralda là con gái mình. Được tin báo của phó giáo chủ, bọn lính ập đến bắt Esmeralda  đưa lên giá treo cổ. Trên tháp chuông nhà thờ, Frollot và Quazimodo chăm chú theo dõi cuộc hành hình. Khi thấy cô gái quằn quại, giãy giụa, Frollot bật lên “tiếng cười ma quỷ”. Tuy không nghe thấy tiếng cười nhưng trông thấy rất rõ, người kéo chuông nhà thờ điên cuồng lao tới đẩy Frollot xuống đất. Sau hồi lâu đứng bất động và câm lặng nhìn về phía người vũ nữ, nước mắt tuôn ròng, Quazimodo biến khỏi nhà thờ Đức bà. Hai năm sau, trong căn hầm ở Mongphocon, người ta tìm thấy bộ xương của Quazimodo ôm lấy bộ xương Esmeralda.

1.1.  Nghệ thuật miêu tả  và xây dựng cốt truyện

Một trong những biện pháp chủ yếu mà V.Hugo thường sử dụng trong tác phẩm của mình là miêu tả cảnh thiên nhiên. Với tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, cùng với bút pháp miêu tả tài hoa, Nhà thờ Đức bà Paris hiện lên với nhiều kiểu soi rọi khác nhau: lúc thì toàn cảnh uy nghi, lúc thì phản chiếu quái dị của ông “thần bếp” ám ảnh và ngự trị khắp ngôi nhà, lúc thì hoang đường dữ dội, dưới ánh lửa mà Quazimodo đã đốt lên để đun nóng chì, bảo vệ Esmeralda chống lại cuộc tấn công của những người du đãng “… Vô vàn điêu khắc hình quỉ sứ và rồng càng có vẻ rùng rợn. Ánh lửa bập bùng khiến chúng ngọ nguậy trước mắt. Có mãng xà như đang cười, ống máng tựa hồ văng vẳng tiếng sủa, con kì nhông như đang thổi lửa, quái vật hắt hơi trong đám khói…”. Bên cạnh đó, thiên nhiên, cảnh trí trong tác phẩm cũng được ông miêu tả hết sức độc đáo: “Dần dần, làn sóng nhà cửa luôn bị xô đẩy từ giữa lòng thành phố ra bên ngoài, liền tràn ngập, gậm nhấm, mài mòn và xóa bỏ bức hàng rào này… Trải qua hơn một thế kỉ nhà cửa cứ chen chúc, tụ tập và dâng cao trong lưu vực đó, như nước dâng trong bể chứa. Nhà cửa bắt đầu trở nên sâu thẳm, chồng gác này bên tầng kia trèo lên nhau, vọt lên cao như nhựa cây bị dồn ép mạnh nhà nào nhà nấy nghểnh cổ cao hơn láng giềng để kiếm chút khí giời…. Cuối cùng, nhà cửa nhảy vọt qua bức tường Philip Ouyt và vui vẻ tỏa ra khắp cánh đồng, hỗn độn và bừa bãi như được trốn thoát”… Không chỉ thế, Hugo đã làm sống dậy cái “đêm dài trung cổ” khủng khiếp phương Tây. Paris, đô thành của cung điện thần kì, của đêm Hội rước giáo hoàng, cuồng đãng, của những tay trộm cướp, những thầy tu phá giới, những phế binh, những hành khất què cụt, lở loét, vang động những tiếng gào thét, rền rĩ, những tiếng gầm gừ với những căn nhà mốc meo, với triều đình kì quái của vương quốc tiếng lóng… Đó là Paris của dân chúng hiện lên với những phố hẻm tối tăm, với những cảnh hoang tàn…Trái lại, có những lúc Paris ấy cũng sống những giờ phút rạng rỡ, buổi sáng mỗi ngày lễ lớn, khi mặt trời phát đi một tín hiệu thần kỳ, Paris thức dậy với muôn ngàn tiếng chuông thoạt đầu thưa thớt, rồi ngày càng dóng dả và trở thành một dàn nhạc giao hưởng với những đàn bướm âm thanh sặc sỡ, làm rung rinh những chân trời xa tắp. Có những lúc Hugo miêu tả Esmeralda như một nàng tiên với bóng dáng rực rỡ xuất hiện giữa ánh lửa của hàng trăm ngọn đuốc thật huyền ảo, ngây thơ, múa theo nhịp trống làm say mê cảParis cuồng loạn và đau khổ. Bằng nghệ thuật miêu tả đám đông đặc sắc, Hugo đã miêu tả thành công cảnh tượngParis cùng khổ và giận dữ vào một đêm đã vùng dậy, tiến công dữ dội Nhà thờ Đức bà làm náo động và rung chuyển cả đô thành…
Trên đây là quang cảnh của Nhà thờ Đức Bà qua tài năng quan sát, miêu tả khéo léo kết hợp chất hiện thực cùng với chất thơ của trí tưởng tượng của nhà văn. Sức hấp dẫn của tác phẩm không dừng lại ở đó mà còn ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện hấp dẫn, sinh động. Nhà thờ Đức bà Paris là câu chuyện dài với nhiều cốt truyện được lồng ghép, đan cài hết sức tài tình, trong đó có những tuyến truyện chính như: chuyện thằng gù Nhà thờ Đức bà với người chủ của nó, chuyện nữ tu sĩ bà Gudulier, cô gái điếm bị xã hội trung cổ chà đạp, lúc thanh xuân phai nhạt thì chỉ còn lại con đường tăm tối, bị cướp mất đứa con gái. Thêm nữa là câu chuyện cô vũ nữ xinh đẹp người Bohemieng Esmeralda với những xung đột hoàn cảnh và nhất là những xung đột tâm lý được biện giải bởi đam mê ái tình. Mỗi nhân vật từ khi xuất hiện đến lúc tác phẩm kết thúc đều trải qua những cuộc vật lộn gay gắt để vươn lên, để làm người, nhưng cũng có những kẻ sa đọa đến mất cả nhân tính như phó giáo chủ Frollot. Nổi bật lên là nhân vật Quazimodo thánh thiện và Esmeralda xinh đẹp. Với thủ pháp tương phản quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn, ông đã tô đậm các tình huống và làm nổi rõ tính cách nhân vật.

1.2.  Xây dựng nhân vật lãng mạn

Là một nhân vật mang tính dân gian, Esmeralda xuất hiện như một thiên thần trong thế giới rách nát, nàng là tượng trưng của tâm hồn thanh khiết,  lương tâm trong sáng, của hy vọng và tương lai, là “tia nắng, giọt sương và tiếng chim ca”. Nàng là một người con gái xinh đẹp, còn son trẻ, ăn nói lại có sức quyến rũ. Nàng được mọi người yêu quý, thầm yêu trộm nhớ… Ẩn giấu bên trong thân hình kiều diễm ấy là cả tâm hồn cao thượng của Đức Chúa trời. Nàng đã có những hành động làm dân chúng vô cùng xúc động: “cứu sống Pierre Granhgoa và cho Quazimodo uống nước trên đài bêu tù”. Mặc dù, chính Quazimodo là người đã bắt cóc cô về cho phó giáo chủ nhà thờ. Nàng đã không hành động với  cách ứng xử thông thường là trả thù. Điều này phù hợp với cảm quan nhân đạo V.Hugo và chúng ta thấy nó phảng phất, tràn ngập trong tác phẩm của ông.
Quazimodo là con người tật nguyền nhưng lại là một biểu trưng cho tấm lòng cao đẹp của con người. Quazimodo đã chiếu sáng bộ tiểu thuyết âm u này bằng một lương tâm tỏa ánh hào quang làm phấn chấn lòng người và nhiều khi vươn lên những tầm cỡ phi thường, trở thành nhân vật anh hùng ca. Sự tương phản ở đây xuất hiện ngay ở trong bản thân nhân vật. Quazimodo từ khi sinh ra, nó đã bị cha mẹ đẩy ra ngoài xã hội. Nó phải nhận sự ghẻ lạnh, xúc phạm của đồng loại từ lúc nó còn chưa nhận thức được. Bởi thân hình dị dạng “cái mũi bè bè thành ba mặt tam giác”, “cái mồm vành móng ngựa, con mắt ti hí che lấp bởi chùm lông mày đỏ quạch rầm rì, trong khi con mắt phải hoàn toàn biến mất dưới cái mụn cóc to tướng”. Có những lúc, Quazimodo đã thú nhận với Esmeralda một cách đáng thương: “Còn tôi-tôi là cái gì gớm ghiếc, chẳng phải người, chẳng phải vật, một cái gì đó tôi cũng chẳng biết nữa, rắn hơn, bị giày xéo dưới chân hơn, dị dạng hơn một hòn cuội”. Một kẻ dốt nát, xấu xí nhất trần gian, nửa người nửa ngợm, với cái đầu tóc dựng đứng màu đỏ, cái lưng gù mang bướu lớn, hai chân đầu gối vòng vèo, méo mó, chạm vào nhau… thế lại là linh hồn của Nhà thờ Đức bà. Anh có khả năng kì diệu làm cho những khối đá nhà thờ sống dậy, hô hấp, chuyển động một cách kì lạ. Lúc làm giáo hoàng một ngày hội, khi bị treo trên bánh xe, nơi đài bêu tù, máu chảy ròng ròng vì những ngọn roi quất, Quazimodo thật sự trở thành anh hùng khi anh cứu được Esmeralda vào cư trú trong nhà thờ. Hình ảnh anh xuất hiện trên trời cao, tay nâng “chiến lợi phẩm”, miệng hô: “Tị nạn! Tị nạn!”, trong khi ở bên dưới, đám dân chúng hò reo: “Noen! Noen!”. Và để bảo vệ Esmeralda, một lần, một mình Quazimodo chống lại cuộc tấn công vào nhà thờ cùa hàng nghìn người đầy vũ khí. Bỗng nhiên, anh hóa thân thành thành một anh hùng của trường ca Iliat thế kỉ XIX.
Tương phản hoàn toàn với Quazimodo-gã kéo chuông nhà thờ kỳ hình dị tướng nhưng lại có tình cảm cao đẹp, mọi suy nghĩ và hành động đều nhằm mục đích làm cho người yêu được sung sướng là phó giáo chủ nhà thờ Frollot. Cái đẹp đẽ đạo mạo bên ngoài của vị phó giáo chủ đã che đậy bên trong một tâm hồn bỉ ổi và những dục vọng thấp hèn. Ở phần đầu Frollot thánh thiện, cao thượng, đức hạnh bao nhiêu thì ở phần sau sa đọa, vật hóa bấy nhiêu. Rõ ràng Hugo đã để Quazimodo đối lập với Frollot, và trong chính nhân vật là một sự đối lập khủng khiếp. Quazimodo tiến lên từ vật thành người. Còn Frollot thì ngược lại. Hugo giành hẳn một chương “tấm lòng vàng” để miêu tả tấm lòng cao thượng của Frollot, nhưng tấm lòng ấy lại dần dần chuyển sang cho trái tim Quazimodo. Có một dụng ý rõ rệt của Hugo khi ông thường xuyên diễn tả thế giới nội tâm của Frollot ở quyển một khi còn là một linh mục trong trắng. Sang quyển hai, gần như Frollot chỉ còn là một cái xác di động, để rồi bị vật hóa hoàn toàn. Điều đó cho thấy khi tâm hồn đã đông đặc những dục vọng tầm thường thì con người chẳng còn một thứ tình cảm gì giành cho đồng loại. Tuy vậy, trong con người Frollot, quá trình chuyển hóa ấy không hề đơn giản mà được Hugo gắn vào đó một cuộc chiến tranh khói lửa của tâm hồn, một cuộc giành giật không khoan nhượng của những đam mê thể xác với những khao khát cháy bỏng vươn đến cõi thánh thiện của linh hồn. Khi gặp Esmeralda, tất cả mọi quy phạm của luân lý và giáo thuyết đã hoàn toàn bị những dục vọng kìm tỏa xưa nay đạp đổ tan tành!
Hugo có những lúc để cho chính y nói về bi kịch của đời mình, chẳng hạn như lúc thở than cùng thầy Jack. Cuộc đời Frollot hệt như số phận của một con ruồi. Khao khát vươn lên thì đẹp đẽ biết chừng nào, nhưng rồi định mệnh lại giăng màn lưới kéo nó về sự tầm thường. Cái tầm thường, sự xấu xa vẫn mãi mãi đeo đuổi, bám riết và sẽ đánh gục con người bất kì lúc nào nếu con người không ngừng gắng sức. Con ruồi Frollot, Hugo viết: “bay tới khoa học, ánh sáng, mặt trời, mi chỉ lo sao tới được khoảng rộng, tới ánh sáng rực rỡ của sự thật muôn đời nhưng trong khi vào khung cửa sổ chói lọi mở sang thế giới bên kia, thế giới của ánh sáng, trí tuệ, và khoa học, hỡi con ruồi mù quáng, nhà bác học điên rồ, mi đã trông thấy cái mạng nhện tinh vi do số mệnh giăng ra giữa mi và ánh sáng, mi liều mình đâm đầu vào, hỡi gã điên khốn khổ, và bây giờ mi giãy giụa, vỡ đầu xẻ cánh, giữa những vòi vắt của địch”. Những hành động thú vật của Frollot sau này là một hệ quả tất yếu.  Như một con thú dữ, Frollot chìm đắm vào những đam mê tội lỗi. Người đọc không khỏi ngạc nhiên khi con người đạo hạnh xưa kia  đâm dao vào gã kỵ binh, kẻ cướp mất tình yêu của mình. Rồi trong cơn ái tình khát máu, y còn tìm mọi cách cưỡng đoạt cô gái. Trời mờ ánh trăng, Frollot dắt Esmeralda ra giữa quảng trường Grevo sừng sững dựng trên một loại thập tự đen. Dưới chân giá treo cổ, y nói với cô gái “bằng giọng ngập ngừng, từng câu ngắn, hổn hển, giọng run rẩy”, chứng tỏ sự xúc động sâu xa: “Em nghe đây, chúng ta đang ở đây. Ta sẽ nói chuyện với em. Đây quảng trường Grevo, chốn này là điểm tột cùng. Định mệnh trao chúng ta cho nhau. Ta sẽ quyết định đời em, còn em sẽ quyết định linh hồn ta”. Nhưng y đã bị thất bại một cách thảm hại. Chính từ đây, y đã hoàn toàn là ma quỷ, hóa thành kẻ mất cả nhân tính và lương tri. Với y, người đọc vừa căm ghét, phỉ nhổ, vừa muốn bày tỏ niềm xót thương đầy đau đớn.
 Bổ sung cho hình ảnh của Frollot là hình ảnh của Foebus, người mà Esmeralda lầm lẫn trao trọn trái tim yêu cho hắn. Bên trong cái mã đẹp trai của gã kỵ sĩ, mặc nhung y và đeo gươm, đồng thời cũng là một đại úy dẫn đội cung thủ đàn áp cuộc nổi dậy của dân chúng là cả một trái tim tàn bạo của một tay lưu manh, đàng điếm, thô bạo và tục tằn: “Thả ngay con đĩ ấy ra!”(lời của Foebus khi nói đến Esmeralda). Hắn là một kẻ vô lương tâm đã cùng cô nhân tình mới xem treo cổ Esmeralda…
Có lẽ, nhân vật thuần lãng mạn nhất trong tác phẩm là Pierre Gringoa. Đó là anh chàng họa sĩ, nhà thơ, nhà soạn kịch suốt đời đi tìm những khoái lạc không giống ai trong thi ca, viễn vông, ảo tưởng giữa một xã hội đầy rẫy tội ác luôn khiến con người rùng rợn vì tiếng vó ngựa sục sạo khát máu và những hình  thức xử phạt man rợ kiểu trung cổ. Cuối cùng, nghệ thuật gia này rơi vào trạng thái bất lực vì thất bại khi không giải quyết được những nhu cầu vặt vãnh của cuộc sống đời thường. Chàng thất bại hoàn toàn và xa lạ hoàn toàn trong xã hội mà không nhận ra. Đến đây, người đọc cảm thấy thất vọng về sự yếu đuối, tinh thần đấu tranh không triệt để củaPierre. Đây cũng là kiểu nhân vật thường gặp nhiều trong tiểu thuyết lãng mạn.

1.3.  Đề tài tình yêu là đề tài quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn

Xúc động người xem hơn cả đó là bản tình ca tuyệt đẹp của Quazimodo giành cho Esmeralda. Trước những nghĩa cử cao đẹp của Esmeralda, trái tim đá của Quazimodo đã biết đập những nhịp đập của tình yêu. Từ khi “giọt lệ nhỏ vì giọt nước”, Quazimodo đã yêu. Anh vẫn im lặng hoàn toàn, vì anh hiểu được rằng, đối với Esmeralda, mãi mãi, anh chỉ là một thứ dị hình, một con người không hoàn hảo, đau đớn hơn, có thể là một con thú! Anh chỉ là một thằng gù, một thằng khèo, một thằng chột, một thằng điếc mà thôi! Thật đau đớn biết chừng nào! Chưa một lần anh nhận được sự đáp trả ít ỏi nào về tình yêu nồng cháy mà anh giành cho Esmeralda. Anh đã vì nàng mà sẵn sàng đi tìm Foebus. Anh nhận sự la mắng của nàng để rồi âm thầm chăm sóc bảo vệ nàng. Xấu xí thay hình thể nhưng đẹp biết bao ở tâm hồn! Trái tim Quazimodo trong sạch, say mê, cao thượng biết dường nào! Khi mất Esmeralda, anh khóc, nước mắt như suối, anh húc đầu vào vách đá… Cố sống âm thầm bao nhiêu năm nhưng số phận cứ đọa đày khiến anh yêu mà dường như bất lực. Giá có được cái vẻ ngoài đẹp đẽ của chàng kỵ sĩ Foebus hay một hình thể bình thường nào đó, thì anh chẳng phải rơi vào đau khổ! Cả cuộc đời sống im lặng, và anh ra đi cũng im lặng như thế, mang theo linh hồn một nỗi đau trần tục. Kết thúc câu chuyện, hình ảnh mối tình mà cái chết cũng không thể chia rẽ: “khi người ta muốn kéo gỡ bộ xương Quazimodo ra khỏi bộ xương y ôm, thì nó vụn ra thành bụi”. Sự đan chéo những yếu tố bi-hài, cái đẹp-cái dị dạng là nét độc đáo tạo nên thiên tình sử bất diệt mang đậm nét lãng mạn này.

1.4.  Mô típ và cách kết thúc tiểu thuyết mang đậm tính chất lãng mạn

Cùng với bút pháp miêu tả, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đề tài tình yêu, mô típ “ám hại-che chở-cứu thoát” được ông sử dụng thường xuyên như một động lực để phát triển các tình tiết của cốt truyện, tạo nên sự căng thẳng hồi hộp, làm nhịp điệu của cốt truyện dồn dập thu hút, và qua đó cũng thể hiện quan điểm nhân đạo của ông. Mô tip “mẹ con thất lạc-hội ngộ” được cho hóa thân trong cặp nhân vật Gudulier-Esmeralda. Đó là câu chuyện về mụ tu kín cuồng tín bị bắt trộm mất đứa con gái xinh đẹp bé bỏng không ngừng nguyền rủa Esmeralda, coi cô ta là phù thủy mà đến phút cuối cuộc đời mới nhận ra đó là đó là đứa con gái rứt ruột đẻ ra của mình đã bị bắt trộm ngay từ thưở ấu thơ. Bên cạnh hình ảnh con dê trắng Djali-đạo cụ-một đặc điểm dễ nhận thấy trong các sáng tác lãng mạn, thì chiếc giày  cũng là một đạo cụ để màn nhận mặt diễn ra:
Chiếc giày giống hệt tìm xong
Ung dung mẹ đón, thong dong con về”.
Nhưng đó cũng là đỉnh điểm của tấn bi kịch: đứa con gái mà bà nguyền rủa và kết tội bị xử treo cổ còn người mẹ bất hạnh cũng gục chết. Đây cũng là kiểu kết thúc rất tiêu biểu của nghệ thuật lãng mạn Hugo, tạo ra một nỗi đau xé ruột. Sự đoàn tụ trong phút giây và cũng là đoàn tụ trong cái chết ấy gây một ấn tượng xúc động và một lời tố cáo đối với sự tàn nhẫn của xã hội phong kiến thần quyền.
Nhà thờ Đức Bà Paris thể hiện tập trung bút pháp lãng mạn của V.Hugo. Khi thể hiện con người bất hạnh như Quazimodo, Esmeralda hay miêu tả những bức tranh toàn cảnh về đám đông, Hugo lựa chọn kết hợp giữa cái trác tuyệt và cái thô kệch. Nhân vật của Hugo có “cái phi thường”, cái “quá kích cỡ”. Những hình thái tu từ trong nghệ thuật miêu tả của Hugo như ẩn dụ, tương phản tạo nên những bức chân dung mang tính lãng mạn. Quazimodo được xem là “nhân vật khởi đầu” cho một hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm: những con người khốn khổ. Với nghệ thuật miêu tả độc đáo của nhà tiểu thuyết lãng mạn Hugo, ngôi nhà thờ trở thành  một ẩn dụ về sức mạnh quần chúng. Nhà thờ Đức bàParislà cuốn tiểu thuyết lớn đầu tiên của Hugo viết về đám đông.
Với một cấu trúc độc đáo cùng việc sử dụng một số thủ pháp và phương thức nghệ thuật tài tình cộng với tư tưởng nhân đạo toát lên từ tác phẩm, tiểu thuyết Nhà thờ Đức bàParistrở thành một trong những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ XIX. Giá trị tinh thần mà Hugo gửi lại là khúc ca muôn thuở của loài người. Tác phẩm tỏa sáng vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Cái đẹp lan thấm trong tâm hồn, tâm trí người đọc, vọng hưởng và thúc bách, thay đổi con người, nuôi dưỡng mầm sống lương tri ở mỗi người.

2. “Những người khốn khổ”, đỉnh cao Chủ nghĩa lãng mạn Victor Hugo

“Những người khốn khổ” là đỉnh cao nghệ thuật văn xuôi của V.Hugo. Tác phẩm là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp trong thế kỉ XIX. Qua bản “anh hùng ca của những con người lao động bình thường này, nhà văn biểu lộ tấm lòng yêu thương vô hạn đối với những nạn nhân đau khổ của xã hội tư sản.
Tác phẩm được viết từ năm 1829 và đến 1862 thì ra mắt độc giả. Những người khốn khổ là tác phẩm kết tinh đặc trưng và thủ pháp nghệ thuật của nhà văn lãng mạn V.Hugo.
Jean Valjean là một nông dân nghèo xứ Bri. Anh phải làm việc suốt ngày vẫn không đủ ăn. Jean Valjean còn phải giúp đỡ chị nuôi đàn cháu nhỏ. Một buổi tối chủ nhật, không đành lòng ngồi nhìn các cháu nhịn đói, anh đã lấy cắp một ổ bánh mì và bị bắt. Jean Valjean phải lảnh án năm năm tù khổ sai. Sau nhiều lần bỏ trốn không thành, anh phải chịu mười chín năm tù. Năm 1815, mãn hạn tù, Jean không còn là người hiền lành, tốt bụng mà trở thành kẻ lầm lì, dữ tợn. Với tấm giấy thông hành màu vàng dành cho người tù khổ sai, đi đến đâu Jean Valjean cũng bị mọi người xa lánh, xua đuổi.
Anh tìm đến đức giám mục Myriel xứ Dignet và được tiếp đón ân cần. Nhưng đến đêm, Jean Valjean lấy trộm bộ đồ ăn bằng bạc rồi bỏ trốn. Anh bị bắt giải tới gặp Myriel. Với lòng nhân từ, độ lượng, giám mục nói với cảnh sát là chính ông đã cho Jean Valjean bộ đồ bạc. Giám mục còn  đưa cho anh hai cây chân đèn bằng bạc và mong anh trở thành người lương thiện. Sau đó trên đường đi, Jean Valjean lại cướp đồng hào của bé Gecve. Sau đó ít phút, hối hận về việc làm của mình, anh quay lại tìm bé Gecve trả nhưng không gặp.
Một người đàn ông lạ mặt xuất hiện ở thành phố nhỏ Montreui. Tới đây đúng lúc Toà  thị chính bốc cháy, anh dũng cảm cứu được hai đứa con của ngài cảnh sát trưởng. Vì vậy, chẳng ai hỏi giấy tờ của anh. Sau đó, mọi người biết anh tên là Madelein. Không bao lâu Madelein trở nên giàu có nhờ việc cải tiến nghề làm thuỷ tinh đen. Anh đã mở nhà máy sản xuất hạt huyền, xây dựng bệnh viện, trường học. Năm 1820, Madelein được bầu làm thị trưởng. Ngài thị trưởng Madelein ấy chính là Jean Valjean. Trong xưởng máy của Madelein có người thợ là Fantine từParistới. Chị có đứa con gái tên là Cosette đang gửi chủ quán Thenardier. Khi biết Fantine có đứa con hoang, người ta đuổi chị. Ông Madelein không hay biết. Fantine không có tiền trả Thenardier nên vợ chồng hắn lấy hết quần áo của Cosette cho con cái chúng. Thenardier còn viết thư cho Fantine nói dối Cosette ốm và yêu cầu chị gửi tiền về.Thương con, chị phải bán tóc, bán răng. Khi Fantine ốm nặng, Madelein đến thăm và hứa sẽ đi tìm, chăm sóc Cossett giúp chị. Trước sự việc một người tên là Champmathieu trông rất giống Jean Valjean bị bắt do những người tù cũ quả quyết chính đó là Jean Valjean, Madelein (Jean Valjean) quyết định tới Arass, nơi đang xử án để tự thú, cứu Champmathieu.Thanh tra Javert tới bắt Jean Valjean khi ông tới thăm Fantine đang hấp hối. Bị tống giam, Jean Valjean tìm cách vượt ngục. Vào đêm Lễ Giáng Sinh năm 1823, Cosette phải tới con suối trong rừng lấy nước. Jean Valjean gặp Cosette và giúp em. Ngày hôm sau, ông đã chuộc Cosette khỏi tay Thenardier, đưa em vềParissống trong căn nhà đổ nát. Một hôm Jean Valjean dắt Cosette chạy trốn khỏi sự theo dõi của Javert, vô tình tới tu viện Pơti Pichpuyx. Ông già làm vườn Fauchelevent trước đây được Jean Valjean cứu sống đã che chở Jean Valjean và giúp Cosette được học tập trong tu viện. Càng lớn, Cossett càng xinh đẹp. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ ởParis, năm 1832, Jean Valjean lên chiến lũy cùng những chiến sĩ cộng hòa. Tại đây ông đã tha chết cho Javert, lặng lẽ cứu sống Marius, người yêu của Cosette, cõng chàng qua đường cống ngầmParis. Khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Jean Valjean hết lòng chăm lo cho hạnh phúc của Cosette và Marius. Ông giành cho Cosette gần sáu mươi ngànFrancelàm của hồi môn và chân thành kể lại cho Marius nghe quãng đời đầy buồn tủi, tội lỗi trước kia của mình. Marius ngày càng lạnh nhạt, muốn xa lánh ông. Không bao lâu Thenardier tìm gặp Marius với mục đích tống tiền, đã vô tình kể lại những việc làm cao thượng của Jean Valjean . Biết rõ sự thật, Marius và Cosette ân hận, vội tới thăm Jean Valjean đang trên giường bệnh. Ông già cô đơn ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của đôi trai gái.

2.1.  Cấu trúc tiểu thuyết

Bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” về mặt cấu trúc phức tạp hơn nhiều so với “Nhà thờ Đức bàParis”. Bộ tiểu thuyết được chia làm năm phần:
Phần thứ nhất: Fantine.
Phần thứ hai: Cosette.
Phần thứ ba: Marius.
Phần thứ tư: Tình ca phố Plumet và anh hùng ca phố Saint Denis..
Phần thứ năm: Jean Valjean.
Trong năm phần trên, ta thấy đã có bốn phần tác giả lấy tên nhân vật mà đặt tên. Những nhân vật này, trừ Marius xuất thân từ tầng lớp quý tộc, còn lại đều có nguồn gốc từ tầng lớp người nghèo, những người dưới đáy xã hội. Hugo chọn đối tượng phản ánh thuộc về những con người như thế, phần nào đã thể hiện được thái độ, tình cảm và tấm lòng của ông dành cho họ. Ông thể hiện sự ưu ái cho những con người khốn khổ.
Khi nhìn vào cấu trúc tác phẩm, người đọc không khỏi ngạc nhiên khi thấy Jean Valjean, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, xuất hiện từ đầu đến cuối tiểu thuyết mà chỉ được đặt tên ở phần cuối tác phẩm, trong khi Fantine và Cosette lại được đặt ở phần I và Phần II. Phải chăng Hugo muốn xâu chuỗi toàn bộ những sự kiện, những hoàn cảnh mà Jean Valjean bắt đầu cuộc đời đến khi ra tù, gặp giám mục Myriel rồi sau đó gắn kết cả cuộc đời với Fantine, Cosette hay Marius… Nhất là đến phần cuối này ông mới thực sự là một Jean Valjean trọn vẹn.Tất cả điều đó không phải là ngẫu nhiên mà là sự dụng công nghệ thuật của tác giả. Qua đó, làm nổi bật lên hành trình tìm đến con đường hướng thiện của Jean. Đồng thời, đó cũng là con đường mà tác giả muốn vạch ra cho nhân loại tiến bộ.
Những người khốn khổ đã mang trong nó nhiều loại hình nghệ thuật của văn chương như: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa xen kẽ với những đoạn, chương bình luận ngoại đề. Với một kết cấu đồ sộ, nó đã chuyển tải nội dung vô cùng lớn: cả phong tục, tôn giáo, lịch sử, chính trị…đều có trong bộ tiểu thuyết từng được ví như là “một trái núi” này. Do vậy, số lượng nhân vật cũng tương đối lớn với những chi tiết hết sức rậm rạp. Đó là những câu chuyện kể về Đức giám mục Myriel, Jean Valjean, Javert, Thenardier, Mabeaf, Gavroche, Cosette, Marius, Fantine, đại tá Pontmercy và có cả những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa…Đọc vào, người đọc có cảm giác đó là những câu chuyện rời rạc nhưng với thiên tài văn học Hugo thì nó được liên kết một cách chặt chẽ. Ở phần I và phần II có chung cấu trúc và Jean Valjean là nhân vật chi phối, gắn kết các nhân vật: Myriel, Fantine, Cosette, Javert…Còn ở phần III, phần IV, Marius nổi bật lên là nhân vật trung tâm nối kết với Cosette, Eponine, nhóm A.B.C, Gillenormand…ở phần này Eponine và Gavroche vừa có câu chuyện riêng vừa là đường dây dẫn chuyện. Đặc biệt cũng ở trong phần này nổi bật lên câu chuyện tình Marius- Cosette và cuộc khởi nghĩa ở chiến lũy Saint Denis. Ở đây, Hugo huy động gần như hầu hết các nhân vật trong tác phẩm. Phần V, Jean Valjean xuất hiện lần nữa với sự hi sinh cao thượng lần cuối để kết thúc câu chuyện. Và sự xuất hiện trở lại của Thenardier trong cống ngầmParis vô tình đã giúp Jean Valjean giải oan mối nghi ngờ trong lòng Marius và đưa Maris- Cosette trở lại với ông làm cho câu chuyện kết thúc có hậu hơn. Kết cấu tác phẩm như thế, đã phần nào làm nổi bật lên chủ đề tư tưởng của tác giả: đề cao nhân đạo với tấm lòng thương cảm, yêu mến nhân dân sâu sắc.

2.2.  Cách đặt tiêu đề trong “Những người khốn khổ”

Tác phẩm đã đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng một phần nhờ vào cách Hugo đặt tiêu đề cho bộ tiểu thuyết của mình. Bên cạnh cấu trúc, tiêu đề cũng góp phần làm nên tính lãng mạn cho tác phẩm. Khảo sát toàn bộ các đề mục, người đọc sẽ phát hiện ra một điều thật thú vị: phần lớn đó là những câu thành ngữ, tục ngữ hết sức cô đọng nhưng lại giàu chất thơ. Nó gây được ấn tượng mạnh, kích thích sự tò mò, tìm hiểu của họ.
Do số lượng đề mục tương đối nhiều nên người viết chỉ đi vào trích dẫn những đề mục tiêu biểu thể hiện rõ nhất tính chất thơ (xem đầy đủ ở Phụ lục 3). Chẳng hạn:
Trong đoạn gặp gỡ rồi chia ly của Fantine và Tolomiet được ông đặt thành đề mục: “Ngựa chết, hết chuyện”. Kết quả cuộc tình ấy là sự ra đời của bé Cosette. Để tránh dư luận người đời, Fantine phải tìm người nuôi giúp và sự gặp gỡ giữa Fantine và vợ Thernardier, đó là sự gặp gỡ “Một người mẹ gặp một người mẹ”. Nhưng nàng có ngờ đâu việc giao con cho nhà Thenardier cũng đồng nghĩa với việc “Gửi trứng cho ác”.
Nói đến Jean sau khi được cảm hóa bởi giám mục Myriel ông trở thành một thị trưởng giàu lòng nhân ái với cái tên Madelein. Do có tấm lòng như vậy, ông không thể để người khác nhận tội cho mình và lương tâm ông không cho phép như thế. Thế là “Một trận bão táp trong đầu” đã xảy ra trong nội tâm của thị trưởng Madelein trước việc cứu hay không cứu Champmathieu. Đến tòa án Arass, Madelein đã “Đặc cách được vào”. Và khi giải oan cho Champmathieu, Jean bị Javert vây bắt thể hiện ở “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”.
Trong phần II, để diễn tả sự trốn thoát của Jean, tác giả đã viết “Xiềng sắt mà đập một búa làm gẫy tan thì chắc đã có kẻ chuẩn bị từ trước”. Và để “Giữ lời hứa với người đã khuất” Jean đi tìm đón Cosette. Sự tham lam của vợ chồng Thenardier được thể hiện qua đề mục “Tham thì thâm”. “Hai bất hạnh hợp thành hạnh phúc” là sự kết hợp giữa hai con người khốn khổ Jean Valjean- Cosette.
Trong phần III, khi giới thiệu về ông ngoại Marius tác giả giới thiệu hết sức lý thú “Chín mươi tuổi với ba mươi hai chiếc răng”. “Một cái bóng ma đỏ hồi ấy” là sự hồi tưởng câu chuyện về đại tá Pontmerci. Cuộc hội ngộ giữa Marius với người cha sắp chết “Ngày cuối cùng của tên giặc cướp”. Sau khi biết rõ về người cha thân yêu của mình chàng sẵn sàng chống đối lại ông ngoại, việc đó được tác giả đặt đề mục “Cẩm thạch chọi hoa cương”. Hậu quả của việc phản kháng là Marius bị đuổi ra khỏi nhà. Trong những ngày sống khó khăn này, chàng nhặt được “Bốn vẻ” tức bốn lá thư ăn xin của Thenardier. “Đóa hoa hồng trong cảnh cùng khổ” đó là những trang miêu tả hết sức cảm động về cô gái đáng thương Eponine.
Tính chất lãng mạn thể hiện rõ rệt ở ngay tiêu đề phần IV “Tình ca phố Plumet  và anh hùng ca phố Saint Denis”.
Hành vi giúp cụ già túi tiền của Gavroche trong “Cụ Mabeaf thấy ma hiện” đã thể hiện tính chất lãng mạn đậm đặc. Gavroche là một “Hạt bụi của đường phố Paris” tuy thiếu thốn, cùng quẫn nhưng giàu lòng nhân ái sẵn sàng giúp đỡ người khác. “Chú Gavroche tí hon lợi dụng Napoleon vĩ đại” là những trang miêu tả hết sức cảm động về tình cảm mà em giành cho hai thằng bé em ruột mình. Là “hạt bụi kết thân với bão táp” em lên chiến lũy tham gia vào cuộc khởi nghĩa và đã hi sinh anh dũng.
Trong phần V, sau khi trở về từ cái chết Marius vẫn bất mãn chính kiến với ông “Marius vừa ra khỏi nội chiến lại chuẩn bị cuộc chiến tranh trong nhà”. “Marius tấn công” bằng cách thuyết phục ông, cưới Cosette tìm đến “Bóng dáng giấc mơ trong hạnh phúc”.
Trở lại với Jean tuy ông không muốn mất Cosette về tay Marius bởi Cosette là niềm tin, lẽ sống của đời ông. Nhưng cuối cùng ông nghĩ sẽ giao Cosette cho Marius rồi tự thú làm cho “Cái tuyệt đối bị lung lay”. Những ngày tháng còn lại cuối đời ông đó là “Đêm tối cuối cùng, bình minh cuối cùng”. Tác giả “Thương xót người đau khổ” này bởi hiện tại ông như “Ngọn đèn cạn dầu thoi thóp”. Con người này “Ngày xưa nhấc cả cỗ xe bò, bây giờ cầm một quản bút thấy nặng”. Và ông đã ra đi trong “Ánh sáng chan hòa đằng sau đêm tối” của những ngày “Cỏ che mưa xóa”.

2.3.  Tính lãng mạn biểu hiện trong lối văn miêu tả, kể chuyện đầy chất thơ

Trong bộ tiểu thuyết những trang miêu tả và kể chuyện chiếm một dung lượng tương đối lớn. Ở đây, người viết chỉ điểm qua những nét tiêu biểu nhất.
Dưới ngòi bút lãng mạn của Hugo, cảnh trí thiên nhiên hiện lên đầy sức quyến rũ. Đó là đoạn Hugo miêu tả khu vườn mà Jean và Cosette ở sau khi ra khỏi nhà tu Poti Pichpuyx: “…Vào trưa, hàng nghìn con bướm trắng tụ tập lại đó, và khi nhìn những hoa trắng kia vèo bay trong bóng mát làm nên một cơn mưa tuyết sống giữa trưa hè thì ai cũng phải cho mình được xem một cảnh thần tiên. Trong râm tối của lá xanh, vô vàn những tiếng thơ ngây đang thỏ thẻ với tâm hồn ta và cái gì tiếng chim không nói thì đã có tiếng ong dế bổ sung. Vào chiều tối thì một thoáng mơ mộng toát ra từ cánh vườn và bao phủ lấy nó: một bức màn sương nhẹ, một niềm u hoài mênh mông êm ả trùm lên vạn vật; mùi thơm say người của hoa tâm hương và hoa bìm bốc ra từ khắp nơi như môt chất độc ngọt ngào và thấm thía…”.
 Không những ưu ái thiên nhiên mà ông còn dành những trang miêu tả nhân vật xúc động lòng người. Fantine, một nhân vật mà tác giả dành cho những tình cảm tốt đẹp. Một người phụ nữ xinh đẹp, “nàng rất đẹp. Nàng cố giữ cho mình trong trắng. Nàng có vàng ngọc làm của riêng như ai, nhưng vàng của nàng xếp trên mái tóc, ngọc của nàng giắt ở sau môi”… Fantine đã trả giá cho tình yêu của mình là sự ra đời của đứa con vô thừa nhận. Thương con, chấp nhận hi sinh tất cả vì con “con ta không rét nữa, ta đã lấy tóc dệt cho con ta rồi!” Rồi bán cả răng, vẫn không đủ, cuối cùng phải bán thân. Trong thân hình tiều tụy với cái “đầu trọc” nàng vẫn xinh đẹp lạ thường. Nét đẹp ấy không còn đơn thuần là vẻ đẹp ngoại hình nữa mà tỏa sáng lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn người mẹ.
Bên cạnh yêu thương những người cùng khổ, Hugo còn dành những tình cảm tốt đẹp cho các chiến sĩ cộng hòa. Ông đã nhiệt thành ca ngợi những “anh hùng vô danh” trên chiến lũy Saint Denis. Gương mặt lý tưởng mà ông yêu quý có thể kể đến là Anjonras- người chỉ huy của nhóm ABC. Ngay trong những giờ phút ác liệt nhất trên chiến lũy, Anjonras vẫn tin tưởng ngày mai tươi sáng sẽ đến với nhân loại: “Anh em chết ở nơi này là chết trong ánh hào quang của tương lai và chúng ta sẽ bước vào nấm mồ tràn ngập ánh bình minh”. Anh đã chiến đấu một cách anh dũng và hy sinh với nụ cười còn đọng trên môi. Anh chết đứng với tám viên đạn xuyên qua người “tưởng như đạn đã đóng đinh chàng vào đây!”, duy chỉ “cái đầu ngả sang một bên”. Một hình ảnh rất đẹp đã đi mãi vào lòng những con người chính nghĩa.
Xen kẽ với những trang miêu tả, kể chuyện, Hugo chen vào đó là những đoạn văn bình luận sắc sảo: “Xã hội có nhiệm vụ thấy rõ những điều mà chính xã hội đã gây ra … Một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một người siêng năng như anh mà phải đói khát thì có phải đó là một hiện tượng nghiêm trọng không ? … Xử phạt nặng như thế có phải là để kẻ phạm tội chuộc tội không? Hay là lại đưa đến kết quả đảo ngược là biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của người đàn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ và cuối cùng đem công lý đặt về bên kẻ đã xâm phạm vào công lý ? . . .”
Không những là những trang miêu tả, kể chuyện, bình luận riêng lẻ mà đôi khi tác giả kết hợp chúng lại. Điển hình ở cảnh “Một người mẹ gặp một người mẹ”. Bằng lời kể tác giả đưa ta đến quán trọ của Thernardier tại Montfermeil. Quang cảnh của quán trước hết là cỗ xe bò, nói đúng hơn là “mãnh xe cổ quái”, là “nửa trước của một cỗ xe đại ở miền rừng dùng để chở gỗ”. Nó là tài sản của chủ quán và đồng thời cũng là chỗ chơi của trẻ con. Nó “thấp lùn, nặng nề, xấu xí” nhưng lại có vẻ như là “giàn đế của một khẩu đại bác khổng lồ”. Và ở đó gỗ bị bùn che lấp, sắt bị gỉ phủ kín, chỉ còn sợi xích sắt lòng thòng là dễ nhận và đập vào mắt trước tiên. Nếu việc tả một cỗ xe như vậy bộc lộ phần nào thái độ của tác giả thì lời bình dưới đây góp phần xác định thêm thái độ đó. Hugo viết: “dưới cái trục xe tăng còn có một chiếc xích sắt to bự, xứng đáng để xích Goliat nếu hắn là tù khổ sai”. “Nó có dáng của nhà tù, nhà tù nhốt bọn khổng lồ dị thường. Hình như nó được cưỡi ra từ mình của một quái vật. Homero có thể dùng nó trói Polipheme còn Shakespeare thì trói Caliban”. Đến đây thái độ của tác giả đã được bộc lộ, “khung xe to tướng đen xì gỉ sắt, ghê rợn, chằng chịt những đường cong, đường gãy, khom khom như một cửa hang”. Giữa ánh sáng ban ngày, cách miêu tả cỗ xe từ những khía cạnh gớm ghiếc của nó, được lồng trong bối cảnh một quán cơm với cái bảng màu lòe loẹt tạo ra một ấn tượng “huyền bí” theo cách nói của Fantine, hay một cái “bẫy chuột” theo cách nói của Thernardier. Cảnh hai đứa con cái của Thernardier ngồi trên chiếc xích được ví như “hai đóa hoa hồng giữa đồng gỉ sắt”. Điểm vào đó là hình ảnh một bà mẹ ngồi xổm ở ngưỡng cửa “đu đưa võng con bằng một sợi dây dài” mà người mẹ đó cũng “không có vẻ gì đáng ưa”. Nắm lấy thần thái của nhân vật để từ đó triển khai miêu tả các yếu tố khác của ngoại hình là một nét nổi bật ở thi pháp nhân vật của Hugo. Điều “không có vẻ gì đáng ưa” được biểu hiện bằng “đôi mắt mụ như ôm ấp con lo lắng sợ con ngã với bản năng của người mẹ” nhưng tại sao như thế lại không có vẻ gì đáng ưa? Và đến đây tác giả cho người đọc một nhận xét: “những giống vật dù hung dữ đến đâu đi nữa khi thấy người ta vuốt ve con mình cũng thấy hiến lành” ở đây nhân vật được hé lộ ra như một con thú. Cái nhìn ác cảm được xác lập và cái nhìn đó tác giả dành cho mụ Thernardier. Cái nhìn thương cảm được tạo ra từ một phía khác và dành cho Fantine. Cách miêu tả cũng bắt đầu từ thần thái “người mẹ trong nghèo nàn, buồn bã”, vẻ nghèo nàn toát lên từ “chiếc áo choàng nâu bằng len xấu, một chiếc áo dài vải thô và đi một đôi giày lớn”, vẻ nghèo nàn đó còn toát ra từ bàn tay rám nắng “lấm tấm những vệt đỏ, ngón trỏ đầy vết kim châm sần sùi”. Cái buồn hiện ra qua đôi mắt “hình như vừa ráo lệ chưa lâu”, bởi lẽ “những giọt sương hoa lộng lẫy như kim cương” đã tan biến dưới ánh mặt trời. Cái buồn ấy còn được tô điểm bằng “người chị xanh xao”, “dáng mệt nhọc lắm và chừng như hơi đau yếu” và lại thêm “một nét chán chường sớm hiện”. Cái đau khổ của Fantine hiện hình qua chiều sâu của sự miêu tả, là đau khổ của một đoạn đời lang thang là tủi hờn của tình yêu lầm lạc, là của quá khứ buồn bã thê lương mà tương lai phía trước thì còn mờ mịt. Hình ảnh của mụ Thernardier một lần nữa được tác giả giới thiệu qua cái nhìn cận cảnh: “mụ Thernardier là một mụ đàn bà tóc hung, to béo, người thô lổ, nom ra tướng của mụ vợ lính thất thế. Trông mụ, người ta tưởng là một người đàn ông làm duyên ăng-lê. Giả sử mụ đứng hẳn dậy chứ không ngồi xỏm thì có lẽ cái vóc người cao lớn, cái thân hình hộ pháp đáng làm diễn viên cho rạp xiếc lưu động ấy đã làm cho khách phải giật mình ngần ngại mà không dám bày tỏ ý định”.
Trên đây là sự tương phản toát lên từ nhân vật. Không chỉ có thế mà tác giả còn tạo nên sự tương phản của tình thế, của hoàn cảnh. Mụ Thernardier càng ỏng ẹo bao nhiêu thì Fantine bình tĩnh bấy nhiêu, bởi lẽ Fantine phải đương đầu với một hoàn cảnh đặt biệt: phải gửi con để đi kiếm việc làm mà trên đời “người đàn bà ấy chỉ có con bé ấy và con bé ấy cũng chỉ có một người đàn bà ấy”. Song song với việc miêu tả hai người mẹ ông còn miêu tả các đứa trẻ. Hai đứa trẻ con mụ Thernardier vẫn là “hai đóa hoa hồng”, “hai cái đầu nhỏ nhắn như nặng bằng hạnh phúc, như tôi trong ánh sáng”. Còn bé Cosette thì “đẹp như tiên đồng”. Khi chúng chơi với nhau thì “ba cái trán sáng sủa kề gần nhau trông giống ba cái đầu trong một vành hào quang”. Sự tương đồng toát ra từ đám trẻ thơ ngây, trong trắng làm nền cho sự tương phản giữa hai bà mẹ. Vợ chồng lão Thernardier đồng ý nuôi hộ bé Cosette vì một lí do không lãng mạn chút nào bởi nhà lão còn thiếu tiền trả nợ. Trong khi đó Fantine nghĩ, khi giao Cosette cho họ thì con nàng sẽ có một cuộc sống sung sướng. Nhưng nàng có ngờ đâu mình đã quyết định sai lầm.
Bằng việc điểm qua một vài bút pháp nghệ thuật đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, ta thấy được ở Hugo một tài năng văn học đặc sắc với lối văn miêu tả, kể chuyện đầy chất thơ. Tất cả những yếu tố đó đã làm nên tính lãng mạn cho tác phẩm của ông.

2.4.  Kiểu nhân vật lãng mạn đặc trưng của Victor Hugo

Là “chủ soái” của trường phái lãng mạn, Hugo luôn dùng giải pháp tình thương, dùng công lý tha thứ để cải tạo, để  làm thay đổi xã hội. Chính tư tưởng này là động lực giúp ông xây dựng nên các nhân vật lãng mạn để thực hiện hoài bão đó.
2.4.1.     Nhân vật Myriel
Nhân vật thuần lãng mạn nhất trước hết có lẽ là giám mục Myriel- nhân vật được tác giả giao phó nhiệm vụ thắp sáng ngọn nến tâm hồn cho Jean Valjean, con người biểu thị “tình yêu đồng loại ở ý nghĩa thuần túy nhất của kinh Phúc âm”.
Cuộc đời ông là một  minh chứng hùng hồn cho một hình mẫu lý tưởng của đức tính tu thiện. Ông là bạn của những con người nghèo khổ. Trong khi mọi người đều ghê tởm, xa lánh Jean thì ông  lại đối xử rất nồng hậu và coi Jean là “người anh em”. Trước hành động ăn cắp bộ đồ ăn bằng bạc của Jean, ông vẫn dửng dưng xem như không hề xảy ra việc gì, còn tặng Jean cả đôi chân đèn nữa và coi những thứ đó là của những người nghèo. “Sự tỏa sáng của ánh sáng lương tri từ đôi chân đèn ấy tựa dòng suối màu nhiệm, trong vắt, cuốn trôi hết tàn dư độc ác mà nhà tù và xã hội liên tục trút lên đầu Jean” (Văn học thế giới tập II,NXB Đại học sư phạm, giáo trình dùng cho cao đẳng, trang 55). Đối với Myriel tha thứ là phương châm xử thế, là phương châm hành động nên ông thắp lên tia lửa trong tâm hồn Jean bằng sự cảm hóa: “Nếu ông từ nơi đau khổ bước ra với tư tưởng thù hằn và  căm giận đối với người đời thì ông là người đáng thương. Nhưng nếu ông từ đó bước ra với tư tưởng độ lượng và hiền hòa thì chúng tôi không ai bằng ông được”. Như vậy, theo Myriel, dù bị cuộc đời bạc đãi tồi tệ, ta không vì vậy mà quay lưng với đời mà cần tha thứ cho đời. Từ đó tha thứ, cảm hóa tội lỗi thì sẽ làm tội bớt đi còn nếu trừng trị tội lỗi thì dễ dàng làm cho tội lỗi phát triển. Jean Valjean đã được cảm hóa bởi chính lòng từ bi, đức độ ấy và chuỗi đời còn lại của Jean sẽ là hành trình tìm đến con đường hướng thiện. Jean trở thành hiện thân  nguyên lý bác ái của giám mục Myriel.
Câu chuyện về giám mục Myriel là cả một bài thơ trữ tình lãng mạn về con người đạt đến tự do sâu thẳm của một nội tâm đầy ắp những mối ưu tư và niềm thương yêu con người. Là con người của tự do, ông xuất hiện trong nhân gian với một vẻ thanh thoát ngoạn mục. Ông yêu thương những người nghèo khổ, tố cáo luật pháp nghiệt ngã, kết án những kẻ giàu có quyền thế. Ông không ưa lối giảng đạo theo kiểu “tô vẽ thiên đường”. Vị giám mục ấy cho rằng “tấm khăn phủ bàn thờ chúa đẹp nhất là linh hồn của kẻ khốn khó được cứu giúp đang cảm tạ chúa”.
2.4.2.     Nhân vật Jean Valjean
Sau khi được giám mục Myriel đưa ra khỏi bóng tối của tội ác  đến với ánh sáng của lòng lương thiện, Jean  đã luôn phấn đấu để trở  thành một người lương thiện đúng nghĩa và chỉ nghe theo mệnh lệnh của trái tim yêu thương. Là kẻ tự nguyện chịu ràng buộc trong những đòi hỏi của bác ái, Jean Valjean dấn thân vào cuộc cứu vớt những người nghèo khổ, bất hạnh. Và để làm được điều này, ông buộc phải che đậy thân phận người tù khổ sai bằng cái tên ngài thị trưởng Madelein. Hugo dựng lên xưởng máy của ông Madelein dường như để tô vẽ cho kiểu mẫu một xã hội lý tưởng. Tính lãng mạn thể hiện rất rõ trong con người đáng kính này. Làm giàu cho bản thân, làm giàu cho thành phố, ông không đè nén, áp bức ai mà còn cố đem lại công ăn việc làm cho họ. “Ai túng đói thì cứ tìm đến đó, chắc chắn là sẽ có việc làm và có cơm ăn… Không còn cảnh thất nghiệp, nghèo đói nữa. Không có túi áo  xấu xí nào là không xủng xoảng ít tiền, không có nhà tranh tồi tàn nào là không có tiếng cười vui…”. Năm 1820, ông có sáu mươi ba vạn France gửi ngân hàng, nhưng trong lúc để ra số tiền đó ông đã chi cho dân nghèo đến hơn một triệu. Ông quyên tiền cho nhà thương, lập thêm giường bệnh, ông xây dựng trường học mới. Xưởng máy của ông trở thành một trung tâm, chung quanh đó mọc lên một khu phố của những người nghèo khổ “quây quấn lấy ông”. Cả tỉnh được nhờ ông, “nhất là thợ thuyền làm trong xưởng thì thật quý mến ông”. Ở đấy, không có chuyện tư sản bóc lột công nhân!(Victor Hugo, NXBGD 1978, trang 44).
Nhưng cái “vương quốc lý tưởng” đó nhanh chóng sụp đổ. Bởi nó như một ốc đảo bị chìm giữa biển sa mạc mênh mông của xã hội tư sản vô nhân đạo. Vai trò thị trưởng của Jean bị lung lay bởi phép thử lương tâm trước sự việc cứu hay không cứu Champmathieu:
“Ông hỏi mình suy tính đến đâu rồi. Ông tự vấn xem “quyết định như thế nào”, thì rồi ra sao? Ông tự thú, công việc xếp đặt như thế là bất nhân. Cái lối để mặc cho công việc xảy ra, để yên cho Chúa định đoạt là một lối rõ ràng ghê tỏm. Cứ để mặc cho số phận và người đời nhầm lẫn, không ngăn cản nó lại, yên lặng để phụ họa với nó, không làm gì cả, tức là mình đã làm tất cả đấy! Đó là một việc gian giảo đê mạt nhất! Đó là một tội ác khốn nạn, hèn hạ, hiểm độc, đáng khinh, đáng tởm!”
Sau một đêm dằng dặc, đấu tranh trong tâm tưởng và ông đi đến quyết định cuối cùng: “Dứt khoác rồi, phải theo con đường ấy! Phải làm bổn phận của mình. Phải cứu người ấy”.
Thật đúng như lời nhận xét của tác giả: “Loài ngừơi biết suy nghĩ, ai cũng từng trải qua những phút mình nói với mình. Ngôn ngữ thật không bao giờ huyền diệu tuyệt vời bằng khi ở bên trong con người, nó như con thoi chuyển từ trí tuệ đến lương tâm, rồi từ lương tâm quay về với trí tuệ… Người ta tự nói với mình, tự bảo với mình, tự kêu lên với mình. Thật là ầm ĩ: cái gì trong ta cũng nói, chỉ miệng là không…”
Còn gì đau khổ cho bằng một tâm hồn bị giằng xé giữa trận bão táp? Lương tâm con người là một cõi vô biên ghê rợn. Nhất là khi người ta phải lựa chọn giữa hạnh phúc và đạo đức. Và việc quyết định đến tòa án Arass- sự lựa chọn xuống địa ngục để thành thiên thần còn hơn sống ở thiên đàng để làm ác quỷ- chính là sự chiến thắng của tâm hồn hướng thiện của Jean.
Sau vụ việc tại tòa án Arass, Jean trở lại thân phận của một cựu tù khổ sai lúc nào cũng bị rình rập bởi hiện thân pháp luật Javert. Thay đổi thân phận nhưng ánh sáng tâm hồn ông vẫn tỏa sáng như viên ngọc toàn bích. Ông đi tìm Cosette và cưu mang, nuôi dưỡng cô bé. Đó cũng là hành động của con người biết vượt lên nỗi đau khổ bản thân để thông cảm, cứu vớt cuộc đời của người khác. Yêu thương Cosette hết mực, ông lúc nào cũng mong muốn cho Cosette được hạnh phúc. Đôi khi vì lòng ích kỷ bản thân ông không muốn giao Cosette cho Marius. Nhưng ông không thể vui được khi Cosette thiếu  đi hình bóng Marius. Không thể khoanh tay trước hạnh phúc của con bị đe dọa, một lần nữa ông lại phải hi sinh “là sự quên mình với những nỗi đau khổ rất trần thế” để lên chiến lũy cứu Marius, để rồi chấp nhận sự cô đơn hiu quạnh của lòng mình: “Tình yêu có những cái trẻ con, dục vọng có những cái nhỏ mọn. Xấu hổ thay những dục vọng làm con người nhỏ lại! Vinh dự thay! Tình yêu làm con người thơ ấu!”. “Yêu hoặc đã từng yêu, thế là đủ, không đòi hỏi gì thêm. Yêu đã là một sự hoàn tất”.
Đến cuối đời, Jean Vajean đã tự thú với Marius như để tìm đến sự thanh thản tận cùng của tâm hồn và để ra đi một cách thảnh thơi: “Tôi nguyên là thằng tù khổ sai. Tôi không là gì với Cosette cả. Lạnh giá là thành thực! Tôi là thằng tù khổ sai. Phải! Đúng! Động cơ rất lạ lùng chỉ vì lòng hướng thiện…Gia đình không!Không! Tôi không có gia đình! Tôi không thuộc gia đình ông. Tôi không ở trong gia đình loài người. Tôi là con người thừa ở trong gia đình êm ấm của người ta”. Thật là đau xót cho số phận con người  mong muốn có một mái ấm gia đình nhưng điều đó hình như xa vời với những con người vốn lầm lỗi như ông. Thương cảm trước con người đức hạnh này, Hugo đã viết nên những trang xé lòng: Jean nói: “Cái gì bắt buộc tôi nói? Một điều giản dị thôi: lương tâm tôi! Tôi mà muốn sung sướng ư? Tôi có quyền được sung sướng không chứ? Thưa ông, tôi  ở ngoài rìa của cuộc đời rồi! Tự xé ruột xong thì lòng lại yên tĩnh với lòng. Fauchelevent cho tôi mượn cái tên, nhưng tôi không có quyền dùng cái tên ấy….Để sống xưa kia tôi ăn cắp một cái bánh, bây giờ để sống tôi không dám ăn cắp một cái tên”.
Sau khi, Thenardier gặp Marius nói rõ tất cả : “Chàng thấy Jean Valjean là con người cao quý âm thầm”. “Chàng thấy trước mặt là một đạo đức phi thường, cao cả mà hiền từ, mênh mông mà khiêm tốn”. Mọi việc được tường tận  Jean  ra đi nhẹ nhàng bên vòng tay yêu thương của hai con. Những lời trăn trối cuối cùng của ông: “Cha chết trong sung sướng. Những chiếc đầu yêu quý của các con đâu, đưa đây cho cha đặt bàn tay lên…Các con hãy yêu nhau mãi mãi. Trong đời chỉ có một điều ấy thôi: là yêu nhau” đã gói ghém triết lý sống của ông như một hành trang mà ông mang theo trong suốt cuộc đời mình. Phải chăng đó cũng chính là thông điệp mà Hugo gửi đến thế hệ mai sau?
Qua những điều nói trên, ta thấy Jean là nhân vật lý tưởng của tác phẩm: có một sức khỏe phi thường, một trí tuệ, lòng nhân hậu, trái tim yêu thương, một khả năng nhẫn nại, một ước muốn vươn lên, một lòng thủy chung  với lời hứa… Xây dựng nhân vật có tầm vóc phi thường như thế, Hugo muốn họ sẽ là những hình tượng nghệ thuật phản chiếu niềm hy vọng về sự xuất hiện những cõi lòng từ tâm sẽ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để chia sẻ, an ủi, vực dậy những tâm hồn thất vọng, đưa người nghèo ra khỏi cảnh cùng khổ, bênh vực những kẻ thế cô khỏi tình trạng bị đè nén, bất công. Đây là kiểu nhân vật lãng mạn tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn.
2.4.3.     Nhân vật Gavroche
Gavroche là một trong số những nhân vật lãng mạn tiêu biểu mang tính sáng tạo của Hugo. Lòng yêu đời, tính hóm hỉnh, sự tinh nghịch và tinh thần dũng cảm làm cho Gavroche lấp lánh ánh hào quang trên trang văn với những vẻ sáng rỡ của phẩm cách và tâm hồn.
 Dưới ngòi bút trìu mến của Hugo, Gavroche hiện ra với tất cả vẻ đẹp tinh thần của một thiếu niên nảy sinh từ đêm đen của xã hội, em trở thành biểu tượng của sự thanh khiết. Là “tên trộm cắp bé con hào hiệp” em đã cưu mang hai đứa trẻ mà em vừa mới quen nhưng thực chất là hai đứa em ruột của mình mà em nào hay biết. Gavroche đưa chúng về chỗ “cư ngụ” của em (một chỗ cư ngụ mà “đức chúa vĩ đại” đã ban tặng cho em. Đó là một cái hang với một cái lỗ nhỏ để chui vào). Thế nhưng, Gavroche vẫn tỏ ra là một ông chủ thật sự. Em nói với hai đứa trẻ với giọng nửa đùa nửa thật: “Chúng mình phải dặn người gác cổng có ai hỏi thì bảo là chúng mình đi vắng”. Cứ y như là một ông chủ lâu đài, một biệt thự nào đó thực sự nhưng khi biết “người gác cổng” của em chỉ là một mảnh ván dùng để đậy lỗ hổng dưới bụng voi là lối ra vào của Gavroche thì ta không khỏi buồn cười. Dù sao sự mộng mơ ấy  cũng là phẩm chất lạc quan mang nét lãng mạn của em.
 Sau lời dẫn truyện về những gì đã xảy ra trước đó, tác giả đưa chúng ta đến chiến lũy. Nơi đó có sự hiện diện của Gavroche. Em chiến đấu với mục đích thiết thực, mong sao trong cái rổ của người nghèo có miếng ngon. Xuất phát từ việc số đạn của nghĩa quân đang cạn dần, em đã xin ra ngoài chiến lũy để nhặt đạn. Trước sự lo lắng của nghĩa quân trong tình thế hiểm nghèo của chiến trường nhưng em vẫn “nhởn nhơ ca hát”. Hành động của chú nhanh nhẹn như “con chim sẻ mổ người đi săn”: “chú nằm xuống, chú đang lên, chú lẩn sau hốc cửa rồi thình lình nhảy ra, chú ẩn, chú hiện, chú chạy đi rồi quay trở lại, chú xỉa tay lên mũi nhạo báng những tên bắn chú và trong lúc ấy chú không ngừng lục bị lấy đạn bỏ đầy giỏ”. Nhưng hình ảnh đó không được kéo dài, một phát đạn nhằm thẳng chú mà bắn. “Chú lảo đảo rồi ngã quỵ xuống. Toàn chiến lũy hét lên”. Tiếng hét đó phản ánh sự lo âu của toàn chiến lũy. Nhà văn so sánh em như: “chú lùn cổ tích khoác áo huyền thoại, chú mang đặc tính của thần Ăngte, chú trở thành Ăngte. Chú ngã xuống để mà chồm lên”. Trong tình thế đó, em cất tiếng hát, em trở thành hiện thân của nhân dân, của những khát vọng nhân dân. Bài hát cất lên trong hoàn cảnh đặc biệt. Nó tạo ra ấn tượng sâu sắc. Phẩm chất thần tiên của chú bé được khẳng định thêm. Trớ trêu thay “chú hát không hết” “một viên đạn thứ hai đã làm chú câm bặt”. Của “tên lính ấy” hàm chứa một sự khẳng định dứt khoát, chắc chắn.  Nhưng tên lính nào? Tên lính đó không có tên cụ thể nói lên sự tàn bạo của kẻ thù. Do vậy, “lần này  chú ngã sấp mặt xuống đường, không động đậy nữa”. Tác giả kể về cái chết của Gavroche một cách ngắn gọn, không tô vẽ. Gavroche ngoài “đứa trẻ ranh” còn có phẩm chất “thần tiên” nữa, vì thế em không chết cái “linh hồn bé bỏng vĩ đại ấy đã bay về trời”.. Tên tuổi của các nhà ánh sáng vĩ đại Voltair, Rousseau…. vẫn vang lên như khát vọng đòi sống của những người khốn khổ.
Sự đan kết giữa các thủ pháp tương phản – so sánh, giữa cảm quan hiện thực – huyền thoại đã tạo ra sự kì vĩ của hình tượng Gavroche. Từ đó, nó tạo ra những cảm nhận tốt đẹp về em, về “đứa trẻ ranh thần tiên”. Hình ảnh Gavroche thể hiện tư tưởng lãng mạn và những rung cảm hướng về tương lai của nhà văn.

2.5.  Tiểu thuyết “Những người khốn khổ” là tiểu thuyết mang đậm chất thơ

Hugo đã mở đầu tiểu thuyết bằng một lời đề từ rất đáng trân trọng: “Khi pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỏi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn nghẹt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất đói khát và dốt nát còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có ích”.
Thật đúng vậy, tiểu thuyết đã gần như giải quyết được các vấn đề mà ông đã nêu ra ở trên. Toàn bộ tác phẩm chứa chan tinh thần nhân bản và tinh thần lãng mạn của Hugo. “Những người khốn khổ” mang lòng cảm thông sâu sắc đối với những con người bần cùng trong xã hội, ông luôn tin tưởng vào tâm hồn của họ vẫn tốt đẹp như: Jean Valjean bị xã hội giày xéo, bóp nghẹt, lùng bắt thì lại nảy sinh ra ngài Madelein sống bình dị, nhân hậu, sẵn sàng hi sinh vì những kẻ bị ruồng bỏ. Fantine bị xã hội đạp xuống bùn đen, vẫn là một tâm hồn thanh cao, sẵn sàng hi sinh cả thân mình vì con thơ…                                                       
Có thể thấy, “tình thương” là nguyên tắc thẫm mĩ cơ bản mà ông thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm. Ngoài ra, ông còn sử dụng tình thương  như một giải pháp xã hội, là tư tưởng, là phương tiện đấu tranh nhằm mang lại bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người.
Chất thơ còn thể hiện ở niềm tin và lòng tự hào đối với Cách mạng. Cách mạng sẽ giải phóng con người ra khỏi cuộc sống phi nhân bản của xã hội tư sản, mang đến xã hội lý tưởng mà trong đó tình thương sẽ là nguyên tắc cao nhất.

PHẦN KẾT LUẬN


Qua quá trình tìm hiểu đôi nét về sự nghiệp văn chương của Victor Hugo, ta thấy ở phương diện nào ông cũng có những đóng quan trọng cho nền văn chương Pháp và văn chương thế giới. Đặc biệt ở lĩnh vực kịch và tiểu thuyết.
Ở lĩnh vực kịch, tuy chỉ sáng tác trong khoảng thời gian hơn mười năm nhưng với những cách tân nghệ thuật táo bạo ông đã gây tiếng vang lớn trên kịch trường và đưa trường phái lãng mạn đi tới đỉnh cao của sự toàn thắng. Bằng việc phá vỡ qui tắc “tam duy nhất” của chủ nghĩa cổ điển, ông mở đường cho sân khấu tự do phát triển theo hướng hiện đại. Một sáng tạo mới ở đây đó là việc ông đưa vào sân khấu hình ảnh “nhân vật nổi loạn” mà nhân vật này sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong các tiểu thuyết sau này của ông.
Ở lĩnh vực tiểu thuyết, lĩnh vực mà ông chỉ sáng tác ở giai đoạn cuối nhưng nó đem lại vinh quang rất lớn cho ông với hai kiệt tác “Nhà thờ Đức bà Paris”, “Những người khốn khổ”…Với hàng loạt các thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn như: sử dụng bút pháp tương phản, đề tài tình yêu, xây dựng nhân vật mang tính cách phi thường, cao cả….ông đã chuyển tải một cách đầy đủ và sâu sắc nội dung tư tưởng chứa đựng trong nó: lòng thương yêu con người, mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp bằng giải pháp tình thương…Tác phẩm đã để lại âm vang trong lòng người đọc không chỉ ở tài năng viết tiểu thuyết độc đáo mà còn ở tấm lòng yêu thương nhân loại cần lao.
Nhìn chung, Victor Hugo là nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị lớn của nước Pháp. Sự rộng lượng trong tư tưởng của ông, sự ân cần trong cách diễn tả đã làm rung động tâm hồn người đọc. Ông là một nhà thơ bình dân, đã viết văn và làm thơ với đặc tính giản dị nhưng bao hàm bên trong sức mạnh, đề cập cả niềm vui, nỗi buồn nhiều người. Di sản văn học mà ông để lại có giá trị về nhiều mặt, mà nổi bật lên là giá trị nhân đạo lớn lao. Với những gì đóng góp cho dân tộc và nhân loại, Hugo xứng đáng với danh hiệu “lương tâm của các dân tộc”. Nói đến Hugo là người ta nói đến chủ nghĩa nhân đạo, tấm lòng thương yêu của ông đối với những người lao động nghèo đói, bị áp bức…Dù nhân loại có tiến bộ đến chừng nào đi chăng nữa thì chủ nghĩa nhân đạo của ông vẫn rất cần thiết cho mọi thời đại. Nó làm cho con người xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn trong sự hòa nhập nền văn hóa toàn cầu.

PHỤ LỤC 1
NIÊN BIỂU VICTOR HUGO
26/2/1802, lúc 22giờ 30 phút, Victo Hugo được sinh ra ở thành phố Bơ-dăng-xông, thủ phủ của tỉnh Frăngsơ Conate, phía đông nam thủ đô Paris.
1803 A-đen Phu-sê, vợ tương lai của V.Hugo ra đời. Lê-ô-pôn Hugo đưa vợ và các con đến doanh trại đảo Enbơ.
1804 Bà Tri-buy-sê dưa các con trở vềParis. Victo Hugo bắt đầu đi học tại trường ở phố Mông blăng. Lê-ô-pôn Hugo được thưởng Bắc đẩu bội tinh.
1806 Lê-ô-pôn Hugo tham gia chiến dịch đánh chiếm vương quốc Náp-lơ. Juy-li-en Gô-vanh (tương lai là Juy-li-et Đru-êt, thư kí và là người tình của V.Hugo) chào đời.
1807 Bà Tri-buy-sê  đưa các con đến Náp-lơ theo yêu cầu của chồng.
1808 Bá Tri-buy-sê đưa các con vềParis.
1809 V.Hugo theo học dưới sự hướng dẫn của M.de La Riviere. Bố Hugo được phong chức Thiếu tướng và làm Tổng thanh tra quân đội ở Tây Ban Nha.
1811 Cả nhà lên đường đi đến Madrit.
1812 Bà Tri-buy-sê cùng Engene và Victo Hugo trở về Pariss. Aben ở lại với bố. Ba mẹ con sống ở Fơi-ăng-tin.
1813 Aben trở về với mẹ và hai em. Gia đình chuyển đến khu phố Secsơ-Miđi.
1814 Bố mẹ V.Hugo li dị nhau. Tòa án Xen xử cho bà mẹ được nuôi các con.
1815 Ơ-gien và Victo chung nhau mua một sân khấu rối nhỏ.
1816 Ơ-gien và Victo học triết học tại trường Lu-i Đại đế.
1817 V.Hugo tham dự cuộc thi thơ vá đoạt giải Bông huệ vàng của Viện Hàn lâm Pháp. Tên V.Hugo xuất hiện lần đầu tiên trên báo chí. Ơ-gien và Victo cùng vượt qua lớp toán đặc biệt với ý muốn thi vào trường Đại học Bách khoa.
1819 V.Hugo và A-đen Phu-sê chính thức tuyên bố yêu nhau. Anh em Hugo sáng lập tờ tạp chí Người bảo thủ văn học. Người bảo trợ cho tờ báo là Sa-tô-bri-ăng.
1820 Tờ báo Moniteur giới thiệu V.Hugo như một tác giả mới của thời đại. 17/6/1820, tiểu thuyết Bug-Jargal xuất hiện trong số 15 của Người bảo thủ văn học.
1821, ngày 27/6, mẹ Hugo mất. Ngày 30/6, Victo và Ađen bí mật đính ước với nhau. Ngày 31/3, tạp chí Người bảo thủ văn học bị đình bản.V.Hugo bắt đầu viết lại Hand Islande, cuốn tiểu thuyết đã chiếm nhiều thời gian của ông trong năm 1821.
1822 Tập thơ đầu tiên của Hugo Đoản thi và Tạp thi. Kết hôn với Ađen Phusê. Tháng 2/1822, Hand Island được xuất bản và tới tháng 7 thì được tái bản.
1824, ngày 7/3 tập Đoản thi và Tạp thi mới được công bố. Ngày 28/8,con gái đầu lòng Lê-ô-pôn-đin Hugo ra đời.
1825 Được thưởng Bắc đẩu bội tinh.
1826, ngày 7/11, tập Đoản thi và Balat được xuất bản. Tiểu thuyết Bug-Jargal được công bố lần thứ hai nhưng không đề tên tác giả.
1827 Kịch CrômoenTựa Crômoen.
1828 Bố Hugo mất ngày 28/1. Lần đầu tiên V.Hugo gửi thư cuo Ban-dắc.Xuất bản Odes và Ballades. Bắt tay khởi thảo Nhà thờ Đức Bà ParisNgày cuối cùng của một người bị kết án.
1829 Tập thơ Những bài thơ phương Đông, truyện vừa Ngày cuối cùng của một người bị kết án, kịch Mariông dơ Lormơ. Xuất hiện nhiều bài báo công kích Ngày cuối cùng của một người bị kết án. V.Hugo đọc kịch Her-na-ni cho các bạn hữu.
1830 Kịch Hernani được diễn liên tiếp 36 buổi từ 25/2 đến 26/2.
1831 Tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris, tập Lá thu. Xanhtơ Bơvơ trở thành tình nhân của Ađen Phu-sê.
1832 Kịch Nhà vua hành lạc. V.Hugo và Vi-nhi đọan giao.
1833 Kịch Luycrexơ Borgia, Mari Tuyđo, Giuyliet Đurê đi vào đời sống của Hugo. Lần đầu tiên Hugo gặp Juy-li-et Đru-et trong vai Nữ quận chúa Nê-grô-ni của vở Luycrexơ Borgia.
1834 Truyện vừa Clôt Gơ ra mắt độc giả ngày 6/9.
1835 Kịch Angiêlô, bạo chúa ở Pađu, tập thơ Tiếng hát hòang hôn. Ngày 24/10, Hugo nộp đơn xin vào Viện Hàn lâm.
1837 Tập thơ Tiếng nói nội tâm được xuất bản ngày 26/6.
1838  Kịch Ruy Blax được diễn lần đầu tiên ngày 8/11 tại rạp Phục hưng.
1840 Tập thơ Tia sáng và Bóng tối ngày 16/5.
1841 Gia nhập Viện Hàn lâm Pháp với 17 phiếu thuận và 15 phiếu chống.
1843 Kịch Buyếc-gra-vơ bị thất bại. Lêopônđin, con gái lớn cùng chồng là Sác-lơ Vac-cơ-ri tại sông Xen ngay trong tuần  trăng mật.
1845 Được bầu vào Viện Nguyên lão. Khởi thảo tiểu thuyết Những người khốn khổ.
1846 V.Hugo nhìn thấy một người bị kết án vì  tội ăn cắp một chiếc bánh mì.
1848 Chính quyền Lu-i Phi-lip bị lật đổ.
1851 Cuộc đảo chính ngày 2 tháng Mười Một của Lui Bônapac.
Hugo tổ chức cuộc kháng chiến chống lại Lui Bonapac. bắt đầu viết Lịch sử một tội ác.Cuộc sống lưu vong lần đầu tiên ở Bruycxen.
1852 Chuyển sang sống lưu vong lần thứ hai ở Giecxây. Viết Napoleon tiểu đế.
1853 Tập thơ Trừng phạt.
1855 Cuộc sống lưu vong lần thứ ba ở Ghecnơxây. Aben Hugo chết. Hòan thành tập Trầm tư.
1856 Tập thơ Trầm tư.
1858 Ađen và con gái trở lại Paris.
1859 Tập thơ Truyền kì các thế kỉ ra mắt ngày 3/4.
1862 Tiểu thuyết Những người khốn khổ được hoàn thành và được bán cho nhà sách Lac-roa với giá 3000.000 France.
1863 Ađen, con gái thứ hai của Hugo (sinh năm 1830) trốn khỏi Ghecnơxây, trở lại năm 1872 và bị giữ lại điều trị trong một nhà chữa bệnh thần kinh. Công bố cuốn V.Hugo được kể từ một chứng nhân.
1864 Chuyên luận William Shakespear đồng thời viết Lời nói đầu cho các tác phẩm của Shakespear mà ông đã dịch.
1865 Tập thơ Những bài ca phố phường và rừng núi. Hòan thành Những người lao động miền biển.
1866 Tiểu thuyết Những người lao động miền biển.
1868 Ađen Phu-sê, vợ Hugo chết ngày 27/8 tại Bruc-xen và được cải táng đưa về Vi-lê-quy-ê.
1869 Tiểu thuyết Người cười được xuất bản. Viết Tor-kê-ma-đa.
1870 Nền cộng hòa thiết lập ở Pháp. Ngày 4/9, Hugo trở về Paris sau 19 năm lưu vong.
1871 Công xã Paris bùng nổ, Saclơ Hugo, con trai lớn của Hugo (sinh năm 1826) chết. Hugo sống lưu vong lần thứ tư ở Bỉ, rồi sang Luyxămbua. Ông bênh vực và bảo vệ cho các nhà Công xã.
1872 Tập thơ Năm khủng khiếp ra mắt ngày 20/4.
1873 Frăngxoa Victo Hugo, con trai thứ hai (sinh năm 1828) chết.
1874 Tiểu thuyết Chín mươi ba ra mắt ngày 19/2.
1875-76 Tác phẩm Hành động và lời nói (tập 1,2,3,).
1876 Hugo trở thành nghị sĩ. Ông đấu tranh ân xá cho các chiến sĩ Công xã Paris.
1877 Tập tiếp theo Truyền kì các thế kỉ, tập thơ Nghệ thuật làm ông, tập Lịch sử một tội ác (phần 2).
1878, ngày 29/4 xuất bản tập Giáo hòang.
1879, ngày 28/2 xuất bản tập Tình thương tột đỉnh
1880, tháng 4, xuất bản tập Các tôn giáo  và Tôn giáo. Kỉ niệm lần thứ 50  ngày công diễn Her-na-ni.
1881 Ngày hội quần chúng mừng Victo Hugo 80 tuổi. Tập thơ Bốn luồng gió của tinh thần được xuất bản ngày 31/5.
1882 Torkêmađa ra mắt ngày 26/2.
1883 Giuyliet Đruê chết kết thúc 50 năm 3 tháng chung sống với V.Hugo.
1884 V.Hugo đi du lịch Thụy sĩ.
1885 Ngày 12 tháng Năm, V.Hugo viết những dòng chữ cuối cùng. Ngày 14/5, ông bị chứng xung huyết phổi. Ngày 22 tháng Năm vào lúc 13 giơ 30, Victo Hugo mất. Ngày 1/6 lễ quốc tang được cử hành trọng thể. Linh cữu V.Hugo được đặt trên một chiếc xe tang trần trụi, chiếc xe tang của kẻ khó như lời Di chúc của ông.Đám tang đông tới hai triệu người đứng vòng trong vòng ngòai tại Khải hòan môn nơi đặt linh cữu, kéo dài cho tới điện Păngtêông, nơi an nghỉ cuối cùng của ông.


PHỤ LỤC 2

Danh mục toàn bộ tác phẩm V. Hugo
Thơ (Nguyên văn tựa đề tiếng Pháp)
Tiếng việt
  1. Odes et poésies diverses (1822)
  2. Nouvelles Odes (1824)
  3. Odes et Ballades (1826)
  4. Les Orientales (1829)
  5. Les Feuilles d’automne (1831)
  6. Les Chants du crépuscule (1835)
  7. Les Voix intérieures (1837)
  8. Les Rayons et les ombres (1840)
  9. Les Châtiments (1853)
  10. Les Contemplations (1856)
  11. Première série de la Légende des Siècles (1859)
  12. Les Chansons des rues et des bois (1865)
  13. L’Année terrible (1872)
  14. L’Art d’être grand-père (1877)
  15. Nouvelle série de la Légende des Siècles (1877)
  16. Religions et religion (1880)
  17. Les Quatre Vents de l’esprit (1881)
  18. Série complémentaire de la Légende des Siècles (1883)
  19. La Fin de Satan (1886)
  20. Toute la Lyre (1888)
  21. Dieu (1891)
  22. Toute la Lyre – nouvelle série (1893)
  23. Les Années funestes (1898)
  24. Dernière Gerbe (1902)
  25. Océan. Tas de pierres (1942)
  1. Những khúc hoan ca và các dạng thơ
  2. Những tân khúc hoan ca
  3. Những khúc hoan ca và các bài thơ sự tích
  4. Các mệnh phụ Đông phương
  5. Chiếc lá mùa thu
  6. Tiếng hát của hoàng hôn
  7. Lời nói tự tâm hồn
  8. Ánh sáng và Bóng tối
  9. Trừng phạt
  10. Trầm tư mặc tưởng
  11. Các bài thơ đầu tiên của truyền thuyết các thế kỉ
  12. Bài hát của những con đường và các rừng cây
  13. Năm tháng kinh hoàng
  14. Nghệ thuật làm ông
  15. Loạt bài thơ mới của truyền thuyết các thế kỉ
  16. Tôn giáo và lòng tín ngưỡng
  17. Bốn dòng tư tưởng
  18. Loạt bài thơ bổ sung của truyền thuyết các thế kỉ
  19. Ngày tàn của quỷ Satan
  20. Đàn Lyre
21. Thượng đế
22. Đàn Lyre- loạt bài thơ mới
23. Những năm tháng thảm họa
24. Bó cuối cùng
25. Đại dương- Rất nhiều đá
Kịch (Nguyên văn tựa đề tiếng Pháp)
Tiếng Việt
  1. Cromwell (1827)
  2. Hernani (1830)
  3. Marion Delorme (1831)
  4. Le Roi s’amuse (1832)
  5. Lucrèce Borgia (1833)
  6. Marie Tudor (1833)
  7. Angelo, tyran de Padoue (1835)
  8. Ruy Blas (1838)
  9. Les Burgraves (1843)
  10. Torquemada (1882)
  11. Théâtre en liberté (1886)
  1. Cromwel
  2. Hernani
  3. Marion Delorme
  4. Vua hề
  5. Lucrece Borgia
  6. Marie Tudor
  7. Angelo, bạo chúa thành Padoue
  8. Ruy Blas
  9. Nhà Burgraves
  10. Torquemada
  11. Sân khấu tự do
Tiểu thuyết
Tiếng Việt
  1. Bug-Jargal (1820)
  2. Han d’Islande (1823)
  3. Le Dernier Jour d’un condamné   (1829)
  4. (Notre-Dame de Pariss) (1831)
  5. Claude Gueux (1834)
  6. (Les Misérables) (1862)
  7. Les Travailleurs de la mer (1866)
  8.  (L’Homme qui rit) (1869)
  9. (Quatre-vingt-treize) (1874)
  10. Bug- Jargal
  11. Han d’Islande
  12. Ngày cuối cùng của tên tội phạm
 
  1. Nhà thờ Đức Bà Paris
  2. Claude Gueux
  3. Những người khốn khổ
  4. Ngư dân trên biển
  5. Người cười
  6. Chín mươi ba
Tiểu luận nghiên cứu phê bình
Tiếng Việt
  1. Étude sur Mirabeau (1834)
  2. Littérature et philosophie mêlées  (1834)
  3. Le Rhin (1842)
  4. Napoléon le Petit (pamphlet, 1852)
  5. Lettres à Louis Bonaparte (1855)
  6. William Shakespeare (1864)
  7. Pariss-Guide (1867)
  8. Mes Fils (1874)
  9. Actes et paroles – Avant l’exil (1875)
  10. Actes et paroles – Pendant l’exil (1875)
  11. Actes et paroles – Depuis l’exil (1876)
  12. Histoire d’un crime – 1re partie (1877)
  13. Histoire d’un crime – 2e partie (1878)
  14. Le Pape (1878)
  15. L’Âne (1880)
  16. L’Archipel de la Manche (1883)
  17. Œuvres posthumes
  18. Choses vues – 1re série (1887)
  19. Alpes et Pyrénées (1890)
  20. France et Belgique (1892)
  21. Correspondances – Tome I (1896)
  22. Correspondances – Tome II (1898)
  23. Choses vues – 2e série (1900)
  24. Post-scriptum de ma vie (1901)
  25. Mille Francs de récompense (1934)
  26. Pierres (1951)
  27. Mélancholia
      1. Nghiên cứu về Mirabeau 2. Cuộc hỗn chiến giữa văn học và triết học

3. Sông Rhin
4. Napoleon tiểu đế
5. Những bức thư gửi Louis Bonaparte
6. William Shakespeare
7. Pari- sách hướng dẫn
8. Những đứa con trai của tôi
9. Hành động và lời nói- Trước khi lưu đày
10. Hành động và lời nói- Trong khi lưu đày

 11. Hành động và lời nói- Kể từ khi lưu đày
12. Câu chuyện một tội ác- Phần thứ nhất
13. Câu chuyện một tội ác- Phần thứ hai
14. Đức giáo hoàng
15. Con lừa
16. Quần đảo vùng biển Manche
17.  Những tác phẩm xuất bản sau khi tác giả qua đời
18. Những điều trông thấy- Bộ đầu tiên
19. Dãy núi Alpes và Pyrenes
20. Pháp và Bỉ
21. Những lá thơ- tập 1
22. Những lá thơ- tập 2
23. Những điều trông thấy- Bộ 2
24. Tái bút cuộc đời
25. 1000Francetiền thưởng
26. Những hòn đá
27. Melancholia
(Người dịch Ths. Phan Tuệ Châu-
Bộ môn Ngoại Ngữ Đại học An Giang)

PHỤ LỤC 3
CẤU TRÚC VÀ CÁC ĐỀ MỤC CỦA TIỂU THUYẾT “NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ”
  1. PHẦN THỨ NHẤT: PHĂNG TIN
Quyển 1: Một chính nhân quân tử
  1. Ông Mirien.
  2. Ông Mirien thành Đức cha Biêngvơnuy.
  3. Giám mục giỏi thì địa phận khó.
  4. Nói làm sao vậy.
  5. Đức cha Biêngvơnuy dùng áo lâu quá.
  6. Ông Mirien giao nhà cho ai giữ.
  7. Cavơvat.
  8. Triết lý sau bữa ăn.
  9. Cô em tả ông anh.
10. Ông giám mục đứng trước một ánh sáng khác lạ.
11. Một điểm giới hạn.
12. Sự cô quạnh của Đức cha Biêngvơnuy.
13. Ông tin gì.
14. Ông nghĩ gì.
Quyển 2: Sa ngã
  1. Sau một ngày đường.
  2. Khuyên người hiền phải đề phòng.
  3. Dũng cảm nhắm mắt vâng lời.
  4. Chi tiết về những xưởng phó mát ở Pôngtacliê.
  5. Tĩnh mịch.
  6. Giăng Vangiăng.
  7. Bên trong tuyệt vọng.
  8. Biển cả và đêm tối.
  9. Lại gặp bất công.
10. Thức dậy.
11. Hành động.
12. Ông giám mũc làm việc.
13. Bé Giecve.
Quyển 3: Trong năm 1817
  1. Năm 1817.
  2. Hai bộ tứ.
  3. Taytư và tay tư.
  4. Tôlômiet vui quá hát một bài hát Tây Ban Nha.
  5. Ở quán Bôngbácđa.
  6. Thương yêu nhau.
  7. Triết lý của Tôlômiet.
  8. Ngựa chết, hết chuyện.
  9. Cuộc vui tàn trong cảnh vui vẻ.
Quyển 4: Gửi trứng cho ác
  1. Một người mẹ gặp một người mẹ.
  2. Vài nét phác họa đầu tiên về hai bộ mặt khả nghi.
  3. Sơn ca.
Quyển 5: Xuống dốc
  1. Quá trình cải tiến nghề làm thủy tinh đen.
  2. Ông Madelain.
  3. Tiền gửi ngân hàng Lafit.
  4. Ông Madơlen để tang.
  5. Chân trời có dạng chớp.
  6. Cụ Phôsơlơvăng.
  7. Phôsơlơvăng thành người làm vườn ởParis.
  8. Mụ Vituyếcniêng tiêu 35Francevề khoản đạo đức.
  9. Mụ Vituyếcniêng thành công.
10. Hậu quả của thành công.
11. Chúa giải thoát chúng ta.
12. Gã Bamataboa vô công rỗi nghề.
13. Giải quyết mấy vấn đề cảnh sát thành phố.
Quyển 6: Javert
  1. Bắt đầu yên nghỉ.
  2. Thế nào mà Giăng lại hóa ra Săng
Quyển 7: Vụ án Săngmachiơ
  1. Bà xơ Xempơlit.
  2. Sự tinh ý của người chủ xe Xcôfơle.
  3. Một trận bão táp trong đầu.
  4. Những hình thái của khổ đau trong giấc ngủ.
  5. Gậy chọc bánh xe.
  6. Bà xơ Xempơlit được thử thách.
  7. Vừa đến đã chuẩn bị đi ngay.
  8. Đặc cách được vào.
  9. Nơi người ta đã bắt đầu tin chắc.
10. Phương pháp chối cãi.
11. Săngmachiơ mỗi lúc một thêm ngạc nhiên.
Quyển 8: Hậu quả
  1. Ông Madơlen nhìn tóc mình ở cái gương nào.
  2. Fantine sung sướng.
  3. Javert đắc ý.
  4. Người cầm quyền khôi phục uy quyền.
  5. Chỗ chôn thích đáng.
  6. PHẦN THỨ HAI: CÔDÉT
Quyển 1: Oateclô
  1. Người ta thấy gì khi đi từ Niven đến.
  2. Hugomông
  3. 18 tháng 6 năm 1815.
  4. A.
  5. Trận đánh có điểm mờ mịt.
  6. Bốn giờ chiều.
  7. Napoleon vui vẻ.
  8. Hoàng đế hỏi người dẫn đường Lacôt.
  9. Điều bất ngờ.
10. Cao nguyên Monde Saint Jean.
11. Hướng đạo của Napoleon tồi, hướng đạo của Buylôtốt.
12. Đoàn cận vệ.
13. Đổ vỡ.
14. Đội hình vuông cuối cùng.
15. Căngbơrôn.
16. Bao nhiêu quyển sách trong tâm hồn.
17. Có nên cho Oateclô là tốt không.
18. Quân quyền thần thánh lại được đề cao.
19. Chiến trường ban đêm.
Quyển 2: Chiếc tàu Oriông
  1. Số 24.601 trở thành số 9.430.
  2. Nơi có 2 câu thơ có lẽ là của quỷ sứ.
  3. Xiềng sắt mà đập một búa đã gãy tan thì chắc là đã có kẻ chuẩn bị bẻ từ trước.
Quyển 3: Giữ lời hứa với người đã khuất
  1. Vấn đề nước ăn tại Môngfecmây.
  2. Hoàn thành hai bức chân dung.
  3. Phải có rượu cho người, nước cho ngựa.
  4. Một con búp bê lên sân khấu.
  5. Một mình con bé.
  6. Có lẽ Bulatơnuyen cũng thông minh thật.
  7. Côdét đi cạnh người lạ trong bóng tối.
  8. Phải tiếp trong nhà một kẻ nghèo mà có lẽ giàu thì thật là phiền.
  9. Tenacdiê giở thủ đoạn.
10. Tham thì thâm.
11. Con số 9.4300 lại xuất hiện, côdét trùng số ấy.
Quyển 4: Căn nhà nát Góocbô
  1. Ông biện lý Goócbô.
  2. Tổ dành cho cú và bạc má.
  3. Hai bất hạnh hợp thành hạnh phúc.
  4. Những nhận xét của bà chánh trưởng.
  5. Một đồng nămFrancerơi xuống đất kêu thành tiếng.
Quyển 5: Đàn chó phải thầm lặng trong cuộc săn đuổi tối tăm
  1. Chiến lược quanh co.
  2. May mà cầu Auxtéclit có xe cộ đi lại.
  3. Xem bản đồParisnăm 1727.
  4. Mò mẫm để trốn.
  5. Nếu đường phố thắp đèn khí thì không thể thế được.
  6. Bí mật bắt đầu.
  7. Bí mật còn tiếp.
  8. Bí mật càng tăng.
  9. Người đeo nhạc.
10. Vì sao Javert đi không về rồi.
Quyển 6: Nhà tu Pơti Pichpuýt
  1. Ngõ Pichpuýt, số 62.
  2. Tiểu tu viện của Mattanh Vécga.
  3. Những điều nghiêm khắc.
  4. Những niềm vui.
  5. Những trò giải trí.
  6. Tu viện nhỏ.
  7. Vài hình dáng của cái bóng tối ấy.
  8. Sau quả tim đá.
  9. Một thế kĩ sau tấm mạng.
10. Nguồn gốc dòng “Chầu Mình thánh hàng ngày”.
11. Tu viện Pơti Pichpuýt không còn nữa.
Quyển 7: Trong dấu ngoặc đơn.
  1. Nhà tu ý niệm.
  2. Nhà tu sự kiện lịch sử.
  3. Tôn trọng quá khứ với điều kiện nào.
  4. Nhà tu về phương diện nguyên tắc.
  5. Sự cầu nguyện.
  6. Cầu nguyện là một điều hay tuyệt đối. Phải thận trọng khi cảnh cáo.
  7. Lòng tin, kỷ luật.
Quyển 8: Ai cho cái gì, nghĩa địa nhận cái ấy
  1. Vào nhà tu bằng cách nào.
  2. Cụ Phôsơlơvăng đứng trước khó khăn.
  3. Mẹ Inôxăngtơ.
  4. Jean Valjean có vẻ đã đọc lầm Ôtstanh Catstilegiô.
  5. Nghiện rượu chưa đủ để trở thành bất tử.
  6. Trong bốn tấm ván.
  7. Nguồn gốc thành ngữ: không để mất thẻ.
  8. Việc xét hỏi thành công.
  9. Nơi cấm địa.
  10. PHẦN THỨ BA: MARIUS
Quyển 1:Parisxét qua một hạt bụi của nó.
  1. Parvulus.
  2. Một vài dấu hiệu đặc biệt của nó.
  3. Nó thật dễ thương.
  4. Nó cũng có thể có ích.
  5. Biên giới của nó.
  6. Một ít lịch sử.
  7. Bầy nhóc con có thể có vị trí trong bảng phân loại tầng lớp xã hội ở Ấn Độ.
  8. Câu nói lý thú của ông vua vừa qua.
  9. Hồn xưa của xứ Gôlơ.
10.Parisđây, người đây.
11. Nhạo báng, trị vì.
12. Tương lai tiềm tàng trong quần chúng nhân dân.
13. Chú bé Gavơrốt.
Quyển 2: Nhà đại tư sản
  1. 90 tuổi với 32 chiếc răng.
  2. Người làm sao, nhà làm vậy.
  3. Luc expri.
  4. Con người gần trăm tuổi.
  5. Batscơ và Nicolet.
  6. Thoáng bóng mụ Manhông  và hai đứa trẻ.
  7. Nguyên tắc: chỉ tiếp khách buổi tối.
  8. Hai mà không nên cặp.
Quyển  3: Ông và cháu
  1. Một phòng khách ngày trước.
  2. Một cái bóng ma đỏ hồi ấy.
  3. Họ yên nghỉ rồi.
  4. Ngày cuối cùng cuả  tên giặc cướp.
  5. Đi lễ nhà thờ lại có lợi để trở thành người Cách mạng.
  6. Gặp một ông quản lý nhà chung thì có tác dụng gì?
  7. Chiếc váy nào đây.
  8. Cẩm thạch chọi hoa cương.
Quyển 4: Những người bạn cuả nhóm ABC
  1. Một nhóm suýt có tên tuổi trong lịch sử.
  2. Bôtxuyê đọc văn tế Bơ lông đơ.
  3. Những sự ngạc nhiên của Marius.
  4. Buồng trong của tiệm cà phê Muydanh.
  5. Chân trời mở rộng.
  6. Gia tài chẳng có gì?
Quyển 5: Nghèo khổ lại hóa hay.
  1. Marius túng quẫn.
  2. Marius nghèo.
  3. Marius trưởng thành.
  4. Ông Mabơp.
  5. Nghèo, láng giềng gần của khổ.
  6. Người thay chân.
Quyển 6: Hai ngôi sao gặp nhau
  1. Biếm danh: cách hình thành của tên tộc họ.
  2. Ánh sáng đã đến.
  3. Vì một ngày xuân.
  4. Bắt đầu tương tư.
  5. Sét nổ trên đầu mụ Bugông.
  6. Thành tù binh.
  7. Chuyện của chữ U theo phỏng đoán.
  8. Thương binh cũng có thể sung sướng.
  9. Mất hút.
Quyển 7: Patơrông Minet
  1. Mỏ và thợ mỏ.
  2. Tầng đáy.
  3. Babe, Gơlơme, Colacơxu và Môngpacnaxơ
  4. Tổ chức của bọn này.
Quyển 8: Anh nhà nghèo bất hảo
  1. Marius đi tìm cô gái đội mũ hoa lại gặp ông già đội mũ lưỡi trai.
  2. Bắt được của.
  3. Bốn vẻ.
  4. Đoá hoa hồng trong cảnh cùng khổ.
  5. Lỗ hổng chúa trổ trên vách.
  6. Con người- thú trong hang.
  7. Chiến lược và chiến thuật.
  8. Tia sáng trong ổ chuột.
  9. Giôngđơrét hầu như muốn khóc.
10. Giá thuê xe nhà nước: 2France1 giờ.
11. Nghèo đói giúp đau khổ.
12. NămFrancecủa ông Lơ Blăng dùng làm gì.
13. Một mình một bóng cũng không  nghĩ tới cầu Chúa.
14. Một cảnh binh tặng một luật sư hai quả đấm.
15. Giôngđơrét sắm sửa.
16. Một bài hát theo điệu Anh thịnh hành khoảng 1832.
17. Đồng nămFrancecủa Marius tiêu vào việc gì?
18. Hai chiếc ghế của Marius đặt đối diện nhau.
19. Chú ý đến những xó tối.
20. Cuộc mai phục.
21. Đáng lẽ phải bắt nạn người trước.
22. Đức bé kêu khóc ở tập III.


  1. PHẦN THỨ TƯ: TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNY.
Quyển 1: Mấy trang sử.
  1. Khéo cắt.
  2. Vung may.
  3. Luy Philip.
  4. Nứt rạn từ móng.
  5. Những sự việc làm nên lịch sử nhưng lịch sử lại không biết đến.
  6. Angiônrát và các phó tướng.
Quyển 2: Epônin.
  1. Cánh đồng sơ ca.
  2. Các vụ cướp của giết người được thai nghén trong nhà tù như thế nào?
  3. Cụ Mabớp thấy ma hiện.
  4. Marius cũng thấy ma.
Quyển 3: Ngôi nhà phố Pơluymê.
  1. Ngôi nhà có bí mật.
  2. Jean Valjiean quốc dân quân.
  3. Cành lá rườm rà.
  4. Thay đổi chấn song.
  5. Hoa hồng nhận thấy mình là một cái máy chiến tranh.
  6. Cuộc chiến đấu bắt đầu.
  7. Kẻ buồn người lại ủ ê.
  8. Xiềng xích.
Quyển 4: Người giúp nhà mà có thể là trời giúp.
  1. Lở ở ngoài, lánh ở trong.
  2. Bà Pơluytác chẳng lúng túng chút nào khi giải thích một hiện tượng.
Quyển 5: Đoạn cuối và đoạn đầu khác nhau.
  1. Vừa quạnh hiu vừa gần doanh trại.
  2. Côdét sợ hãi.
  3. Bà Tútxanh lại bàn thêm vào.
  4. Một trái tim dưới hòn đá.
  5. Côdét đọc xong thư.
  6. Trời sinh các ông già để đi vắng phải lúc.
Quyển 6: Chú bé Gravrốt.
  1. Trận gió tinh quái.
  2. Chú Gravrốt tí hon lợi dụng Napolêong vĩ đại.
  3. Diễn biến của cuộc vượt ngục.
Quyển 7: Tiếng lòng.
  1. Nguồn gốc.
  2. Cội rễ.
  3. Tiếng lóng khóc và tiếng lóng cười.
  4. Hai nhiệm vụ: cảnh giác và hy vọng.
Quyển 8: Sướng vui và buồn khổ.
  1. Ánh sáng tràn ngập.
  2. Ngây ngất vì hạnh phúc vẹn tràn.
  3. Bóng tối bắt đầu.
  4. “Cab” tiếng Anh thì lăn, tiếng lóng thì sủa.
  5. Chuyện đêm.
  6. Marius trở lại thiết thực quá đến nỗi cho Côdét biết địa chỉ của mình.
  7. Lòng già lòng trẻ đối nhau.
Quyển 9: Họ đi đâu?
  1. Jean Valjean.
  2. Marius.
  3. Cụ Mabớp.
Quyển 10: Ngày 5 tháng 6 năm 1932.
  1. Bề mặt của vấn đề.
  2. Bề sâu của vấn đề.
  3. Một đám tang: cơ hội để tái sinh.
  4. Những sôi sục ngày xưa.
  5. Vẻ độc đáo củaParis.
Quyển 11: Hạt bụi kết thân với bão táp.
  1. Vài điểm sáng tỏ về nguồn gốc thơ của Gravrốt: Ảnh hưởng của một viện sĩ hàn lâm đối với thứ thơ này.
  2. Gravrốt hành quân.
  3. Sự căm phẫn chính đáng của một anh phó cao.
  4. Chú bé ngạc nhiên vì cụ già.
  5. Cụ già.
  6. Lính mới.
Quyển 12: Côranh.
  1. Lịch sử Côranh từ ngày được xây dựng.
  2. Những cuộc vui mở đầu.
  3. Đêm tối bắt đầu xuống với Gơrăngte.
  4. Thử an ủi bà Huysơlu.
  5. Công việc chuẩn bị.
  6. Trong khi chờ đợi.
  7. Người mới tuyển ở phố Bidét.
  8. Nhiều dấu hỏi về tên Lơ Cabuyc mà có lẽ không phải tên là Lơ Cabuyc.
Quyển 13: Marius trong bóng tối.
  1. Từ phố Pơluymê đến khu Xanh Đơni.
  2. Parisdưới cánh cú bay.
  3. Mép bờ cuối cùng.
Quyển 14: Những nét vĩ đại của thất vọng.
  1. Lá cờ dưới màn 1.
  2. Lá cờ dưới màn 2.
  3. Giá Gavrốt nhận khẩu cacbin của Ăngiônratx thì hơn.
  4. Thùng thuốc súng.
  5. Những vần thơ của Giăng Pruve chấm dứt.
  6. Cái chết hấp hối sau cuộc sống thoi thóp.
  7. Gavrốt ước lượng xa gần rất thạo.
Quyển 15: Phố Lumacmê.
  1. Giấy thấm mách thầm.
  2. Chú bé thù địch của ánh sáng.
  3. Trong lúc Côdét và bà Tútxanh ngủ.
  4. Gavrốt tích cực quá mức.
  5. PHẦN THỨ NĂM: JEAN VALJEAN.
Quyển 1: Chiến tranh trong bốn bức tường.
  1. Nước xoáy ở Ô Xanh Angtoan và đá ngầm ở Tăngpơlơ.
  2. Làm gì dưới vực, nếu không kháo chuyện.
  3. Hé sáng rồi tối sầm.
  4. Bớt 5, thêm 1.
  5. Trên đỉnh chiến lũy nhìn thấy chân trời nào.
  6. Marius như người mất hồn, Javert nói năng cụt ngủn.
  7. Tình hình thêm nghiêm trọng.
  8. Bọn pháo thủ làm cho người ta không dám coi thường.
  9. Lại dùng tài sản bắn trộm và súng bá phát bá trúng đã ảnh hưởng đến bản án năm 1796.
10. Bình minh.
11. Bắn đâu trúng đó nhưng không giết một ai.
12. Hỗn độn bảo vệ cho trật tự.
13. Ánh sáng lướt qua.
14. Tình nhân của Angionratx.
15. Gavrốt ra ngoài.
16. Làm anh rồi lại làm cha.
17. Cha qua đời chờ con sắp chết.
18. Ác điểu trở thành miếng mồi.
19. Jean Valjean báo thù.
20. Người chết đúng mà người sống cũng không sai.
21. Những người anh hùng.
22. Từng tấc đất.
23. Đôi bạn kẻ đói người say.
24. Tù binh.
Quyển 2: Ruột gan con quái khổng lồ.
  1. Đất trút của va biển.
  2. Cổ sử về cống vãnh.
  3. Bnuynơdô.
  4. Những chi tiết không ai biết.
  5. Tiến bộ ngày nay.
  6. Tiến bộ tương lai.
Quyển 3: Bùn đấy nhưng lại là tâm hồn.
  1. Những điều bất ngờ dưới cống.
  2. Giải thích.
  3. Người bị theo dõi.
  4. Người ấy cũng vác thánh giá.
  5. Có thứ cát mịn mà nguy hiểm, cũng như có người đàn bà tế nhị mà giảo quyệt.
  6. Khoảng đất sụt.
  7. Có khi tưởng cập bến lại hóa mắc cạn.
  8. Vạt áo rách.
  9. Dưới con mắt một người thành thạo, Marius có vẻ như đã chết rồi.
10. Đức con phung phí cuộc đời nay lại trở về.
11. Cái tuyệt đối bị lung lay.
12. Người ông.
Quyển 4: Javert mất hướng.
Quyển 5: Ông và cháu.
  1. Lại thấy cái cây có gắn miềng keôn.
  2. Marius vừa ra khỏi nội chiến lại chuẩn bị cuộc chiến tranh trong nhà.
  3. Marius tấn công.
  4. Rốt cuộc dì Gilơnormăng không thấy khó chịu khi ông Phôsơlơvăng vào nhà lại ôm theo một cái gói.
  5. Thà gửi tiền ở khu rừng ấy còn hơn gửi ông Nô-te ấy.
  6. Hai cụ già, mỗi người một lối, làm tất cả để Côdét được sung sướng.
  7. Bóng dáng giấc mê trong hạnh phúc.
  8. Hai người không tìm ra được.
Quyển 6: Đêm trăng.
  1. Ngày 16 tháng 2 năm 1833.
  2. Jean Valjean vẫn buộc cánh tay.
  3. Người tri kỷ.
  4. Đau khổ bất diệt.
Quyển 7: Dốc cạn chén tân toan
  1. Vòng địa ngục thứ 7 và tầng trời thứ 8.
  2. Nói hết rồi mà vẫn còn có những chỗ mờ ám.
Quyển 8: Bóng ngả hoàng hôn.
  1. Gian buồng bên dưới.
  2. Lại những bước thoái lui nữa.
  3. Họ nhớ lại cái vườn phố Pơluymê.
  4. Thu hút và tàn lụi.
Quyển 9: Đêm tối cuối cùng, bình minh cuối cùng.
  1. Thương xót người đau khổ, rộng lượng với người sung sướng.
  2. Ngọn đèn cạn dầu thoi thóp.
  3. Ngày xưa nhấc cả cỗ xe bò, bây giờ cầm một quản bút thấy nặng.
  4. Chai mực chỉ làm trắng thêm.
  5. Ánh sáng chan hòa đứng sau đêm tối.
  6. Cỏ che, mưa xóa.

PHỤ LỤC 3
Anh đã hái hoa này 
(J’ai cueilli cette fleur pour toi sur la colline)
J’ai cueilli cette fleur pour toi sur la colline
Anh đã hái hoa này
(Người dịch: Xuân Diệu)
J’ai cueilli cette fleur pour toi sur la colline.
Dans l’âpre escarpement qui sur le flot s’incline,
Que l’aigle connaît seul et seul peut approcher,
Paisible, elle croissait aux fentes du rocher.
L’ombre baignait les flancs du morne promontoire ;
Je voyais, comme on dresse au lieu d’une victoire
Un grand arc de triomphe éclatant et vermeil,
À l’endroit où s’était englouti le soleil,
La sombre nuit bâtir un porche de nuées.
Des voiles s’enfuyaient, au loin diminuées ;
Quelques toits, s’éclairant au fond d’un entonnoir,
Semblaient craindre de luire et de se laisser voir.
J’ai cueilli cette fleur pour toi, ma bien-aimée.
Elle est pâle, et n’a pas de corolle embaumée,
Sa racine n’a pris sur la crête des monts
Que l’amère senteur des glauques goémons ;
Moi, j’ai dit: Pauvre fleur, du haut de cette cime,
Tu devais t’en aller dans cet immense abîme
Où l’algue et le nuage et les voiles s’en vont.
Va mourir sur un coeur, abîme plus profond.
Fane-toi sur ce sein en qui palpite un monde.
Le ciel, qui te créa pour t’effeuiller dans l’onde,
Te fit pour l’océan, je te donne à l’amour. –
Le vent mêlait les flots; il ne restait du jour
Qu’une vague lueur, lentement effacée.
Oh! comme j’étais triste au fond de ma pensée
Tandis que je songeais, et que le gouffre noir
M’entrait dans l’âme avec tous les frissons du soir !
Anh đã hái đoá hoa này trên đồi ấy cho em
Trong khoảng cheo leo nhìn xuống sóng nghiêng,
Mà chỉ có con diều biết rõ và tới được,
Giữa khe đá to bình yên hoa mọc.
Bóng tối dầm những sườn đá đìu hiu;
Anh nhìn thấy; như ở nơi mừng thắng trận
Một khải hoàn môn huy hoàng thắm đậm
Ở chốn kia mặt trời đã lặn chìm
Đêm dựng lên một cổng lớn mây chen.
Những cánh buồm bay ra xa, dần nhạt,
Dăm mái nhà dưới lũng sâu lát đác
Như sợ loé lên và sợ lộ mình.
– Anh đã hái hoa này, cho em của anh.
Hoa lọt lạt, mà cũng không thơm nữa,
Bởi rễ nó mọc ở trên vách đá
Chỉ hít mùi đằng đít của rong xanh.
Anh bảo thầm: -Hoa tội nghiệp! từ trên đỉnh gập ghềnh
Đáng lẽ em phải về nơi mênh mông vực thẳm
Mà rong với mây với buồm rong ruổi
Nhưng thôi em hãy chết trên một trái tim,
                             vực thẳm sâu hơn
Em hãy đến tàn trên ngực phập phồng
Trời sinh em ra để rã cánh vào sóng nước,
Trời uỷ em cho đại dương, ta uỷ em cho tình ái.
Gió khi ấy trộn các đầu sóng rối
Ngày chỉ còn một thoảng sáng dần phai
Ôi!trong đáy hồn anh buồn biết bao nhiêu
Anh nghĩ ngợi và vực đen trong lúc ấy
Vào giữa hồn anh cùng với vạn hơi chiều run rẩy!

Đôi ta đã chạm môi
(Puisque j’ai mis ma lèvre à ta coupe encor pleine)

Puisque j’ai mis ma lèvre à ta coupe encor pleine
Đôi ta đã chạm môi
(Người dịch: Hoài Anh)
Puisque j’ai mis ma lèvre à ta coupe encor pleine ;
Puisque j’ai dans tes mains posé mon front pâli ;
Puisque j’ai respiré parfois la douce haleine
De ton âme, parfum dans l’ombre enseveli ; Puisqu’il me fut donné de t’entendre me dire
Les mots où se répand le coeur mystérieux ;
Puisque j’ai vu pleurer, puisque j’ai vu sourire
Ta bouche sur ma bouche et tes yeux sur mes yeux ;
Puisque j’ai vu briller sur ma tête ravie
Un rayon de ton astre, hélas ! voilé toujours ;
Puisque j’ai vu tomber dans l’onde de ma vie
Une feuille de rose arrachée à tes jours ;
Je puis maintenant dire aux rapides années :
– Passez ! passez toujours ! je n’ai plus à vieillir !
Allez-vous-en avec vos fleurs toutes fanées ;
J’ai dans l’âme une fleur que nul ne peut cueillir !
Votre aile en le heurtant ne fera rien répandre
Du vase où je m’abreuve et que j’ai bien rempli.
Mon âme a plus de feu que vous n’avez de cendre !
Mon coeur a plus d’amour que vous n’avez d’oubli !
Bởi môi ta đã chạm chén vàng
Bởi tay ta đặt trán nàng xanh xao
Bởi ta thở hơi ngọt ngào
Tự hồn nàng, hương lẫn vào bóng đêm Bởi ta từng lắng nghe êm
Những lời thốt tự trái tim tuyệt vời
Thấy em khóc, thấy em cười
Mắt trên mắt, môi trên môi gắn liền
Bởi ta thấy ánh sao huyền
Nàng soi lên trán bỗng nhiên tối mờ
Thấy trên dòng sóng vật vờ
Cánh hồng nàng rứt trên bờ tặng ta
Hỡi tháng năm cứ trôi qua
Ta không còn sợ tuổi già nữa đâu
Cứ trôi với cánh hoa rầu
Hồn ta một đóa ban đầu mãi tươi
Cánh thời gian khó hất rơi
Nước bình ta uống chẳng vơi bao giờ
Hồn ta lửa nhiều hơn tro
Tim ta tình chấp mọi đều lãng quên.


PHỤ LỤC 4

Nhà thờ Đức Bà Pariss (tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Pariss) là một nhà thờ Thiên Chúa giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic trên đảo Île de la Cité (nằm bên dòng sông Seine) của Pariss.

Thế kỷ 12, Pariss là một thành phố quan trọng của Cơ Đốc giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế. Nhà buôn và thợ thủ công tập trung tại chợ lớn bên bờ phải sông Seine. Trường học của nhà thờ tạo được uy tín. Vương triều Capet cũng quay trở lại Pariss.
Ngày 12 tháng 10 năm 1160, dưới thời Louis VII, Maurice de Sully trúng cử giám mục Pariss. Cùng với các tu sĩ, Maurice de Sully đã có một quyết định quan trong: xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ sẽ thờ Đức Mẹ và theo phong cách kiến trúc mới, về sau được gọi là kiến trúc Gothic. Cùng với việc xây dựng nhà thờ là cả một dự án quy hoạch đô thị.

 PHỤ LỤC 5
Những người khốn khổ
(Les Misérables)

Chân dung “Cosette” do Emile Bayard vẽ,
trong phiên bản  đầu tiên của Les Misérables (1862)
(Trong tranh, nguyên mẫu Gavroche giơ súng, ở sau lưng
Nữ thần Tự do trên chiến lũy - Tranh của Eugène De Lacroix)
Chuyển thể
Những người khốn khổ là tác phẩm đã được chuyển thể rất nhiều lần, một phần hoặc toàn bộ tiểu thuyết, thành các tác phẩm sân khấu và điện ảnh.
Điện ảnh

Phim Những người khốn khổ phiên bản 1995
  1. 1907, On the barricade, đạo diễn Alice Guy Blaché
    1. 1907, Le Chemineau
    2. 1909, Les Misérables, đạo diễn J. Stuart Blackton
    3. 1911, Les Misérables, đạo diễn Albert Capellani
    4. 1913, Les Misérables, đạo diễn Albert Capellani
    5. 1913, The Bishop’s Candlesticks, đạo diễn Herbert Brenon
    6. 1917, Les Misérables, đạo diễn Frank Lloyd
    7. 1922, Les Misérables
    8. 1923, Aa Mujo, đạo diễn Kiyohiko Ushihara và Yoshinobu Ikeda
10. 1925, Les Misérables, đạo diễn Henri Fescourt
11. 1929, The Bishop’s Candlesticks, đạo diễn Norman McKinnell, chuyển thể điện ảnh có tiếng đầu tiên của tác phẩm
12. 1929, Aa mujo, đạo diễn Seika Shiba
13. 1931, Jean Valjean, đạo diễn Tomu Uchida
14. 1934, Les Misérables, đạo diễn Raymond Bernard
15. 1935, Les Misérables, đạo diễn Richard Boleslawski
16. 1937, Gavrosh, đạo diễn Tatyana Lukashevich
17. 1938, Kyojinden, đạo diễn Mansaku Itami
18. 1943, Los Miserables, đạo diễn Renando A. Rovero
19. 1944, El Boassa, đạo diễn Kamal Selim
20. 1947, I Miserabili, đạo diễn Riccardo Freda
21. 1949, Les Nouveaux Misérables, đạo diễn Henri Verneuil
22. 1950, Re mizeraburu: Kami to Akuma, đạo diễn Daisuke Ito
23. 1950, Ezai Padum Pado, đạo diễn K. Ramnoth
24. 1952, Les Misérables, đạo diễn Lewis Milestone
25. 1955, Kundan, đạo diễn Sohrab Modi
26. 1958, Les Misérables, đạo diễn Jean-Paul Le Chanois
27. 1967, Les Misérables, đạo diễn Alan Bridges
28. 1967, Os Miseráveis
29. 1967, Sefiler
30. 1972, Les Misérables, đạo diễn Marcel Bluwal
31. 1973, Los Miserables, đạo diễn Antulio Jimnez Pons
32. 1977, Cosette, hoạt hình
33. 1978, Les Misérables, đạo diễn Glenn Jordan
34. 1978, Al Boasa
35. 1979, Jean Valjean Monogatari, đạo diễn Takashi Kuoka, hoạt hình Nhật Bản
36. 1982, Les Misérables, đạo diễn Robert Hossein
37. 1985, Les Misérables, đạo diễn, phiên bản truyền hình của bộ phim năm 1982
38. 1988, Les Misérables, đạo diễn, hoạt hình Nhật Bản
39. 1990, Les Misérables, đạo diễn Jean-Paul Rappeneau
40. 1995, Les Misérables, đạo diễn Claude Lelouch
(bối cảnh phim được chuyển dịch về thế kỷ 20)
41. 1998, Les Misérables, đạo diễn Bille August, có sự tham gia của Liam Neeson
42. 2000, Les Misérables, phim truyền hình, có sự tham gia của Gérard Depardieu, Christian Clavier, John Malkovich,…)
43. 2007, Les Misérables: Shōjo Cosette, Japanese animated TV series by Nippon Animation
Sân khấu chuyển thể tác phẩm Hugo
Nổi tiếng nhất có lẽ là vở nhạc kịch cùng tên Những người khốn khổ do Claude-Michel Schönberg sáng tác. Đây có lẽ là vở nhạc kịch Pháp nổi tiếng nhất và là một trong những vở nhạc kịch (opera) độc đáo nhất thế giới. Vào ngày 8 tháng 10 năm 2006, vở diễn kỉ niệm tròn 21 năm ngày ra mắt lần đầu tiên. Những người khốn khổ đang giữ kỷ lục là vở nhạc kịch được diễn liên tục lâu nhất ở sân khấu West End, Luân Đôn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1994. Văn học nước ngoài. NXB Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An.
Đặng Anh Đào. Cuộc đời và tác phẩm Victor Hugo.
Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm. 1985. Văn học lãng mạn và văn học hiện thực Phương Tây thế kỉ XIX. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội.
Hoàng Nhân, Nguyễn Ngọc Ban, Đỗ Đức Hiểu. 1979. Lịch sử văn học Phương Tây 2. NXB Giáo dục.
Lưu Đức Trung. 1998. Văn học Nước ngoài. NXB Giáo dục.
Lưu Đức Trung. Văn học Thế giới tập II – sách dùng cho Cao đẳng Sư phạm.
Minh Chính. 2002. văn học Phương Tây giản yếu. NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều tác giả. 1990. Lịch sử văn học Pháp Thế kỉ XIX. NXB Ngoại văn.
Nhiều tác giả. 1997. Văn học Phương Tây. NXB Giáo dục.
Phê bình bình luận văn học Balzac và Hygo. NXB Tổng hợp KH.
Phùng Hoài Ngọc. Giáo trình văn học Phương Tây 2.
Phùng Văn Tửu. 1978. Victo Hugo. NXB Giáo dục.
Tạp chí văn học. 6/2002.
2004. Từ điển văn học bộ mới. NXB Thế giới.


nguồn : giangnamlangtu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét