Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Tự sự học từ Kinh điển đến Hậu kinh điển

Tự sự học từ Kinh điển đến Hậu kinh điển

GS.TS. Trần Đình Sử
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
        
        Tự sự học(1) là một ngành nghiên cứu hết sức non trẻ, được định hình ở Pháp từ những năm 60-70 của thế kỉ XX, nhưng đã nhanh chóng vượt qua biên giới, trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được phổ biến quan tâm trên thế giới ngày nay. Khi chủ nghĩa giải cấu trúc xuất hiện, một số người vội vàng dự báo, tự sự học với tư cách một phân nhánh của chủ nghĩa cấu trúc sớm muộn cũng đi đến hồi kết. Thế nhưng, đến những năm 80, 90 tự sự học vẫn giữ được niềm hứng thú, và theo nhận định của một số học giả Mỹ, nó còn được “Phục hưng”, rồi trung tâm của nó hầu như đã chuyển sang Mỹ. Năm 1993 tạp chí Tự sự ra đời và năm 1994 xuất hiện một loạt công trình mới về tự sự học của Mỹ(2). David Herman trong sách Tự sự học mới (1999) cho biết: “Mười năm trở lại đây, thi pháp tự sự đã có những đổi thay đáng kinh ngạc, đến hôm nay có thể nói là tự sự học đã phục hưng, nói cách khác, tự sự học đã từ giai đoạn kinh điển của chủ nghĩa cấu trúc, một giai đoạn của Saussure vốn khá xa cách đối với văn học đương đại - để bước sang giai đoạn hậu kinh điển. Tự sự học hậu kinh điển (không nên lẫn lộn nó với lí luận tự sự hậu cấu trúc) chỉ coi tự sự học kinh điển như một trong những “khoảnh khắc quan trọng” của mình, bởi vì nó còn hấp thu nhiều phương pháp luận và giả thiết nghiên cứu mới, mở ra nhiều cách nhìn mới về hình thức và chức năng tự sự. Thứ hai, giai đoạn tự sự học hậu kinh điển không chỉ phơi bày những hạn chế của mô hình tự sự học cấu trúc chủ nghĩa cũ, mà còn lợi dụng các khả năng của chúng; cũng giống như vật lí học hậu kinh điển không hề vứt bỏ một cách giản đơn mô hình vật lí Newton, mà suy nghĩ lại về những tiềm năng của chúng, đánh giá lại phạm vi ứng dụng của chúng”(3).
Quả đã có một bước đổi mới, mở rộng tự sự học đáng kể đã được nhiều tác giả đề cập và ghi nhận. Dưới đây chúng tôi tổng hợp giới thiệu bước chuyển đổi hệ hình nghiên cứu trong lĩnh vực tự sự học.
Tự sự học với tư cách là một lĩnh vực tri thức rộng lớn, có lịch sử lâu đời. Tuy chủ nghĩa cấu trúc và tiền thân của nó là trường phái hình thức Nga đã làm cho lí thuyết tự sự trở thành một học vấn có hệ thống chặt chẽ, kiến thức về tự sự đã không ngừng được khám phá từ xưa đến nay. Thời cổ đại Hi Lạp Platon đã đối lập Mô phỏng (mimesis)/Tự sự (diegesis), đầu thế kỉ XIX, các tác giả Anh như Thomas Lister đã nói đến điểm nhìn, John Gibson Lockhart bắt đầu dùng khái niệm khoảng cách, sau đó các tác giả như Henry James (Mỹ), E. Foster (Anh) đã sử dụng rộng rãi các khái niệm ấy. Các học giả Nga V. Shklovski, Ja. Propp, B. Tomashevski đã làm cho các học giả phương Tây chú ý đến những đề xuất của họ về cấu trúc tự sự. Trong khi  chủ nghĩa cấu trúc xem tự sự như một ngôn ngữ, đi tìm các yếu tố chung trong mọi hình thức tự sự nhằm khám phá cái hệ thống quy tắc chi phối các hình thức tự sự cụ thể, thì W. Booth (1961) lại nghiên cứu Tu từ học tiểu thuyết, chú trọng nghiên cứu tác giả hàm ẩnâm điệu trần thuật, mở ra hướng nghiên cứu tu từ học của tự sự. Những tưởng tự sự học Nga đã bị tự sự học Pháp thay thế, nhưng không, năm 1970 B. Uspenski công bố Thi pháp kết cấu, nghiên cứu về điểm nhìn trần thuật, và năm 2003, tác giả Đức Wolf Shmid công bố công trình Tự sự học, M., Nxb. Ngôn ngữ văn hoá Slave, phát triển những truyền thống tự sự học Nga.
Nhìn lại quá trình hình thành tự sự học cho đến nay có thể nhận thấy những đổi thay hệ hình lí thuyết, các tầng bậc và phương pháp nghiên cứu tự sự.
Hệ hình tự sự học kinh điển theo Prince có thể phân làm ba nhóm. Nhóm  thứ nhất là các nhà tự sự học chịu ảnh hưởng trực tiếp của V. Propp, họ tập trung nghiên cứu cấu trúc của truyện, đối tượng của trần thuật, trong đó chú ý xây dựng ngữ pháp của tự sự, chức năng của sự kiện, kết cấu, lôgích phát triển của chúng. Ý kiến chung xem công trình Hình thái học truyện cổ tích thần kì Nga (1928) của Propp là cuốn sách mở đầu cho tự sự học cấu trúc chủ nghĩa. Propp bất mãn với lối phân loại truyện cổ tích chỉ dựa vào nhân vật, mà nhân vật thì biến hoá khôn lường, không cung cấp tiêu chí bất biến cho sự phân loại, vì thế mà ông nghiên cứu chức năng hành vi như một yếu tố bất biến (có 31 chức năng) và xem nhân vật như những vai (có 7 loại). Trước đó, V. Shklovski đã phân biệt “tích truyện” (fabula - cố sự, chuyện, truyện gốc, để bản. Có người dịch là chất liệu) với “truyện kể” (siuzhet - thuật ngữ này ở ta nhiều tài liệu dịch là “cốt truyện”, không phù hợp với cách hiểu về siuzhet trong lí luận Nga lâu nay. Có tài liệu dịch là “chủ đề” cũng không hoàn toàn thích hợp). Phân tích tương quan tích truyện và truyện kể là con đường đi tìm nghệ thuật và ý nghĩa của truyện. B. Tomashevski nghiên cứu đơn vị môtip và phân loại các môtip. Sau các nhà hình thức Nga các nhà tự sự học Pháp nghiên cứu hệ thống cấu trúc bề sâu và cấu trúc bề mặt của truyện kể. Greimas nghiên cứu logích ngữ nghĩa của truyện, Bremond chủ yếu nghiên cứu cấu trúc bề mặt của truyện. C. Levi-Strauss trái lại, không hề quan tâm tiến trình của truyện kể mà chỉ quan tâm khám phá cấu trúc bề sâu, tĩnh tại của truyện để tìm nghĩa. R. Barthes nghiên cứu cấu trúc, yếu tố của truyện, phát triển ý tưởng kiểu Tomashevski. Khi đề xuất tự sự học Tz. Todorov tiếp tục đi theo lôgích của người đi trước. Ông định nghĩa: “Tự sự học là lí luận về cấu trúc của tự sự. Để phát hiện cấu trúc và miêu tả cấu trúc ấy, người nghiên cứu đem hiện tượng tự sự chia thành các bộ phận hợp thành, sau đó cố gắng xác định chức năng và mối quan hệ qua lại của chúng” (Ngữ pháp Câu chuyện mười ngày”). Ông dựa vào phương pháp ngữ học nhằm tìm đơn vị nhỏ nhất và chuỗi (dãy) sắp xếp các đơn vị ấy để miêu tả truyện. Theo ông, đơn vị ấy là mệnh đề. Chẳng hạn “A là vua” hoặc “A giết B”. Mỗi truyện theo ông có năm mệnh đề sắp xếp thành một dãy: Mệnh đề biểu thị trạng thái thăng bằng ban đầu - Mệnh đề biểu thị ngoại lực xâm phạm - Mệnh đề biểu thị trạng thái thăng bằng bị phá vỡ -  Mệnh đề biểu thị thăng bằng được khôi phục - Mệnh đề biểu thị một trạng thái thăng bằng mới. Dãy mệnh đề này kèm theo các phương thức như xen vào, nối tiếp, thay thế… là tạo nên văn bản tự sự(4).
Tuy lấy truyện kể làm đối tượng nghiên cứu, nhưng chủ nghĩa cấu trúc ban đầu chỉ tập trung chú ý vào hành động, sự kiện mà bỏ qua việc nghiên cứu cách kể, nhân vật và ý nghĩa của truyện, đồng thời thiên về lạm dụng thuật ngữ ngữ học. Mang tâm thế của chủ nghĩa cấu trúc, các nhà nghiên cứu có hoài bão tìm ra ngữ pháp phổ quát của truyện để phân tích truyện được nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng ngữ pháp phổ quát rất hạn chế về mặt giải thích, và Todorov, Barthes sau đó chuyển sang nghiên cứu văn hoá và kí hiệu học. Một số ý kiến đã cho rằng tự sự học cấu trúc đã lỗi thời hoặc rơi vào khủng hoảng.
Nhóm thứ hai tiêu biểu là G. Genette, tập trung nghiên cứu sự triển khai của diễn ngôn trần thuật. Bước phát triển thứ hai của tự sự học theo hướng chủ nghĩa cấu trúc kinh điển là nghiên cứu lời kể, cách kể, hoặc nói cách khác là nghiên cứu diễn ngôn tự sự. Nghiên cứu cố sự, sự kiện, hành động có rất nhiều hạn chế, bởi cùng một chuyện mà người ta có nhiều cách kể khác nhau và trở thành những truyện khác nhau. Diễn ngôn trần thuật là phương thức kể chuyện. Rimmon - Kenan trong Tác phẩm hư cấu tự sự nêu ra 3 phương diện độc lập với diễn ngôn trần thuật: Đó là phong cách thể loại; chủng loại ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng (tiếng Anh hay tiếng Pháp...); hệ thống kí hiệu, phương tiện truyền đạt, ví dụ ngôn ngữ, điện ảnh, vũ đạo... Năm 1972 Genette nêu ra 3 phạm trù của diễn ngôn trần thuật: thời thái (tence), quan hệ với thời gian; ngữ thức (mood), quan hệ với cự li và góc độ trần thuật; ngữ thái (voice), liên quan đến tình huống, quan hệ người kể và người nhận trong trần thuật. Ông đã nghiên cứu các yếu tố như người kể, tụ điểm, giọng điệu, tần xuất... Ông phân biệt tụ tiêu (ai nhìn) với điểm nhìn lúc ấy còn có những cách hiểu khác nhau và giọng điệu (ai kể). Genette phân biệt người mang điểm nhìn với người kể, người kể và người mang điểm nhìn thường không trùng nhau. Phần lớn tự sự mang điểm nhìn phức hợp. F. Stanzel, người Áo đề ra khái niệm “tình huống kể” (narrative situation), thực ra là một cách phân loại điểm nhìn, bao gồm tình huống kể theo ngôi thứ nhất, tình huống kể của người kể, tình huống kể của nhân vật, phân biệt mức độ tham dự vào truyện, mức độ hiểu biết về truyện, mục đích kể, điểm nhìn… Một sự kiện, nhân vật có thể có nhiều hình thức kể rất khác nhau và ý nghĩa do đó sẽ khác nhau. Về giọng điệu kể, S. Lanser và James Phelan gắn với việc sử dụng các biện pháp tu từ, bởi  đó là phương tiện biểu cảm nhằm đạt tới hiệu quả mong muốn. Có thể nói lí thuyết tự sự cấu trúc chủ nghĩa đã cung cấp một hệ thống các khái niệm công cụ rất có hiệu quả để phân tích diễn ngôn tự sự và đó là một di sản vô giá để đọc hiểu văn bản tự sự. Nhược điểm của lí thuyết cấu trúc tự sự là dừng lại ở việc miêu tả các yếu tố hình thức cấu trúc tự sự trong thế tĩnh tại, khép kín, mà chưa đi sâu tìm hiểu cơ chế vận hành của tự sự trong ngữ cảnh tiếp nhận và văn hoá.
Tự sự học cấu trúc chủ nghĩa, theo tổng kết của Martin Cortazzi(5) quan tâm năm vấn đề: 1. Coi tự sự học là một đối tượng nghiên cứu độc lập, dùng quy tắc và cấu trúc tường minh để nghiên cứu tổ chức ngữ nghĩa. 2. Chú trọng phân biệt chuyện và diễn ngôn. 3. Vận dụng ngữ pháp tạo sinh phân biệt cấu trúc bề mặt và cấu trúc bề sâu. 4. Xem nhân vật như là vai hoặc yếu tố hành động của tự sự. 5. Trung tâm chú ý của họ là dãy đơn vị tự sự, cách tổ chức và tầng bậc tự sự. Tất cả các bình diện đó đều chưa hề miêu tả các thông tin tự sự một cách hệ thống. Đối tượng nghiên cứu của tự sự học kinh điển chủ yếu là các tác phẩm tương đối giản đơn như truyện cổ tích, truyện kể thời Phục hưng cho nên không thích hợp với các hình thức tự sự phức tạp. Các công trình tự sự hậu kinh điển đều nhằm cố gắng khắc phục các nhược điểm đó.
Nhiều nhà nghiên cứu xác lập cấu trúc tự sự. Tiếp theo mô hình “siuzhet/fabula” của Shklovski, có các mô hình “truyện/diễn ngôn” hoặc “chuyện/chuyện kể/hành động kể”.
Theo nhận xét của Thân Đan (Trung Quốc), các nhà nghiên cứu diễn ngôn thường coi nhẹ sự lựa chọn ngôn từ của nhà văn(6).
Nhóm thứ 3 tiêu biểu là Prince, S. Chatman và Mieke Bal. Họ cho rằng cấu trúc diễn ngôn và cấu trúc chuyện đều quan trọng như nhau, chủ trương nghiên cứu kết hợp cả hai mặt. Nhà nghiên cứu Hà Lan Mieke Bal, trong sách Trần thuật học - Dẫn luận lí luận tự sự (bản sửa chữa, năm 1999) đã kết hợp nghiên cứu cấu trúc chuyện với văn bản và định nghĩa về tự sự học khác với Todorov. Bà viết: “Tự sự học (narratology) là lí luận về trần thuật, văn bản trần thuật, hình tượng, hình ảnh sự vật, sự kiện cùng sản phẩm văn hoá “kể chuyện””. M. Bal chia tự sự làm ba tầng bậc: văn bản trần thuật (narrative text), chuyện kể (story), chất liệu (fabula). Mỗi tầng lại có các khái niệm hạt nhân. Văn bản gồm người kể chuyện, trần thuật, bình luận phi trần thuật, miêu tả. Chuyện kể gồm: trật tự sắp xếp, nhịp điệu, tần xuất, từ người hành vi đến nhân vật, không gian, tiêu điểm. Chất liệu gồm: sự kiện, kẻ hành vi, thời gian, địa điểm. Mỗi khái niệm hạt nhân lại gồm nhiều khái niệm bộ phận. Các tầng bậc đan kết, xuyên thấm vào nhau trong chức năng và mục đích kể chuyện. Công trình của M. Bal đã cung cấp một hệ thống khái niệm được định nghĩa khá chính xác và chặt chẽ, có thể làm cơ sở cho các công trình nghiên cứu tự sự. Theo mô hình của Bal thì khái niệm văn bản tự sự chính xác hơn khái niệm diễn ngôn tự sự thường được hiểu khác nhau. Hệ thống chức năng của Propp và những người phát triển tư tưởng của ông thực chất chỉ nghiên cứu bình diện chất liệu của tự sự. Khi nhân vật bị quy vào vai thì thực chất cũng nằm ở tầng chất liệu. Điểm nhìn thuộc văn bản, còn tiêu điểm lại thuộc truyện kể, không nên nhầm lẫn. Nếu trước đây người ta nghiên cứu tự sự theo từng mặt tách rời như chức năng của hành động, ngữ pháp tự sự, tu từ học tự sự, nhiều khái niệm nhầm lẫn và thiếu rạch ròi, thì giờ đây tất cả các mặt đều được xét trong tính hệ thống của chúng.
Tự sự học hậu kinh điển xuất hiện vào những năm 80, khi tự sự học kinh điển bị công kích từ phía chủ nghĩa giải cấu trúc và chủ nghĩa lịch sử, là một hướng nghiên cứu mở, nó kết hợp với quan niệm phê bình phản ứng người đọc và hướng nghiên cứu văn hoá đang thịnh hành, nghiên cứu tự sự trong quan hệ với người đọc, với ngữ cảnh và với các lĩnh vực tự sự ngoài văn học.
Tự sự học hậu kinh điển có hai hướng nghiên cứu chính. Một là nghiên cứu đặc trưng chung của tác phẩm tự sự, bất kể sự khác nhau về phương tiện và thể loại (văn học, truyện tranh, điện ảnh, truyền hình, báo chí...). Khái niệm tự sự truyền thống chỉ đóng khung trong phạm vi văn học. Đặc trưng chung ở đây ít nhất bao gồm 5 điểm. 1. Từ văn bản tự sự chuyển sang quá trình người đọc tiếp nhận tự sự. Chẳng hạn D. Herman trong công trình Logich của câu chuyện (2002) chú ý đến sự kiến tạo câu chuyện của người đọc, xem xét mối quan hệ qua lại giữa cấu trúc văn bản và người đọc. 2. Từ những hiện tượng văn học phù hợp quy ước chuyển sang hiện tượng văn học phá bỏ quy ước hoặc từ tự sự văn học chuyển sang tự sự ngoài văn học. B. Richardson dựa vào hiện tượng tự sự hậu hiện đại nêu ra khái niệm “giải tự sự” (denarration) và phân loại các kiểu thời gian bị phá vỡ. Như thế, tự sự học hậu kinh điển gắn bó với văn học đương đại. 3. Vận dụng những công cụ phân tích từ lĩnh vực khoa học khác. Chẳng hạn M. Ryan trong công trình Thế giới khả nhiên, trí năng nhân tạo và lí thuyết tự sự (1991) mượn công cụ phân tích trí năng nhân tạo để miêu tả đặc trưng cấu trúc tác phẩm tự sự... 4. Từ cấu trúc tự sự đồng đại chuyển sang cấu trúc tự sự lịch đại. Có người phân tích ngữ cảnh thời đại, xã hội làm thay đổi cấu trúc tự sự. 5. Từ chỉ quan tâm hình thức chuyển sang phân tích mối quan hệ hình thức với hình thái ý thức xã hội.
 Hướng thứ hai là từ phân tích cấu trúc tự sự trừu tượng chuyển sang phân tích cấu trúc tự sự của tác phẩm cụ thể. Điều này cũng giống như thi pháp học cấu trúc Pháp từ chối phân tích tác phẩm cụ thể. Nhưng nhu cầu phân tích thi pháp tác phẩm cụ thể cũng rất tự nhiên. Hình thái mới của tự sự học hậu kinh điển này thực ra đã bắt đầu được thực hiện ở Việt Nam.
Mối quan hệ giữa tự sự học kinh điển và tự sự học hậu kinh điển có sự giao thoa và kế thừa. Chẳng hạn, nói riêng về quan hệ tự sự và tiếp nhận. Chủ nghĩa cấu trúc nghiên cứu ngữ pháp tự sự nhằm tìm một con đường tắt để tìm nghĩa tự sự trong tính khép kín. Song đó là ảo tưởng, hoặc là chỉ thích hợp với một số văn bản giản đơn nào đó. Mặc dù trong văn bản tự sự, người kể luôn luôn dùng mọi biện pháp để lũng đoạn, cầm tù người đọc, song ở khâu tìm nghĩa thì văn bản vẫn là hiện tượng đa nghĩa do chịu sự chi phối của người đọc và ngữ cảnh. Về phương diện này nhà nghiên cứu Israel, bà Rimmon-Kenan trong công trình Mơ hồ và tầng bậc tự sự (1982) đã phân tích các tác phẩm của Hemingwey như là những ví dụ sinh động. Ở đây phải tính đến hệ thống mã tự sự mà trước đây R. Barthes đã đề cập. Thực ra từ những năm 70 thế kỉ trước Todorov và Barthes đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề đọc tác phẩm tự sự. Todorov trong bài Đọc tựa như kiến tạo đã nói đến diễn ngôn có tính quy chiếu, những bộ lọc của truyện kể, ý nghĩa và biểu tượng, xây dựng như một chủ đề. R. Barthes trong sách S/Z (1970) nghiên cứu cách đọc tác phẩm Sarrasine của Balzac, đã nói đến năm loại mã để đọc hiểu tác phẩm tự sự. Đó là mã hành động, mã nghĩa tố, mã giải thích, mã tượng trưng, mã văn hoá. Mỗi hành động của con người đều có chuỗi liên tục tự nhiên của nó mà mọi người đã có kinh nghiệm nhập tâm, vì thế, khi có một hành động nào đấy xuất hiện đều gợi ra cái hành động trước đó hay hành động sẽ tiếp theo sau đó. Mã hành động (proairetic cod) là cơ sở để người ta hiểu và chờ đợi các hành động tiếp theo trong tự sự. Mã nghĩa tố (seme cod) là đơn vị nhỏ nhất của tính cách, mã tượng trưng có quan hệ trực tiếp đến ý nghĩa văn bản nhưng là phức tạp và tối nghĩa nhất, nó thường gắn với mã giải thích. Lí thuyết cấu trúc chỉ trích sự tuỳ tiện của các mã này, song đó là những cơ sở mà người đọc dựa vào để kiến tạo ý nghĩa(7). Người ta xem tự sự là quá trình chứ không phải là sản phẩm. Tự sự học cần nghiên cứu sự tác động qua lại giữa hình thức tự sự và ngữ cảnh giải thích, chẳng hạn suy đoán về vị trí của người kể và sự kiện, về tính đáng tin cậy hay không đáng tin cậy của người kể, suy đoán về các chủ đề ưu tiên, những cấu trúc có thể gây phản ứng về giới, hoặc giá trị. Người đọc không hề giản đơn dựa vào quy tắc, mà dựa vào quan hệ ngữ cảnh giữa tác giả, người kể, văn bản, người đọc mà phán đoán.
Tự sự học cấu trúc thường chỉ xem xét sự kiện và chức năng, mà bỏ qua lớp “cú pháp”, các quy luật động trong tự sự. Trong bài Sự khoái lạc của văn bản R. Barthes(8) đã nói đến văn bản tự sự gắn liền với ham muốn, dục vọng của người đọc, ông ví cấu trúc tự sự giống như một vở múa thoát y vũ, mà mỗi khi cởi bỏ một phần trang phục là một sự kiện, một câu trần thuật, khi nào cởi hết thì kết thúc. Nghệ thuật tự sự là phải kéo dài cái giây phút tìm đến chân lí, khoái cảm nằm trong quá trình. Điều này phù hợp với nghệ thuật kể chuyện mà Kim Thánh Thán đã nói trong thiên Phép đọc ở sách ông bình Tây sương kí. Kể chuyện phải từ xa kể lại, khi đến gần thì dừng lại, lại từ xa tả lại, nuôi niềm chờ đợi nơi người đọc. Điều này B. Riftin cũng đã phân tích rất hay nghệ thuật kể chuyện ở đoạn kế liên hoàn của Vương Tư Đồ trong hồi 9 tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa. Nhà nghiên cứu Mỹ Thomas Pavel trong Thi pháp truyện (Manchester UP, 1985) đã nghiên cứu sự kiện và sự chuyển hoá của sự kiện cùng các nhân tố động lực, trương lực và trở lực tạo thành tính động thái của truyện, chú ý đến chức năng những chỗ ngắt truyện đối với người đọc.
Hướng mở thứ ba là mô hình tự sự học hôm nay có công thức “tự sự học + X”, “X” ở đây có thể là chủ nghĩa nữ quyền hay nghiên cứu giới tính, nghiên cứu văn hóa hay nghiên cứu hậu thực dân, nghiên cứu tự sự học tâm lí (như kiểu của L. Vygotski trong Tâm lí học nghệ thuật), tự sự học lịch sử (như H. Whiter), tự sự học pháp luật, tự sự học tu từ (như Phelan, Karl Kao, Lí Kiến Quân), tự sự học hậu hiện đại (như M. Coli, Hồ Toàn Sinh). Đây có lẽ là tư tưởng bắt đầu từ R. Barthes. Sau ông, M. Bal cũng có quan niệm mở về thể tự sự  bao gồm văn học, lịch sử, hội hoạ, điện ảnh, báo chí, các bản đối tụng ở toà án (ở đấy cùng một sự kiện mà cách kể và quan điểm của các người trần thuật hoàn toàn đối lập nhau)… Quan điểm này gần gũi với quan điểm của Arthur Asa Berger trong sách Tự sự trong văn hoá thông tục, truyền thông và sinh hoạt đời thường (Sage Publicasions, 1997), phân tích tự sự trong giấc mơ, trong đồng thoại, trong tranh liên hoàn, chương trình truyền hình, phát thanh, điện ảnh, tiểu thuyết thông tục, các chuyện đời thường như đàm thoại, cáo phó, truyện cười… Jahn trong công trình Lí luận về thể loại văn học (2002) cũng đề cập đến phương diện liên ngành này. Quan niệm này thực sự mở rộng tự sự học sang một phạm vi mới.
Phương tiện kể cũng là một phương diện của tự sự học. Năm 1964 Claude Bremond quan niệm mỗi truyện đều có một lớp ý nghĩa tự quy định, lớp ý nghĩa ấy có một cấu trúc có thể tách ra từ toàn bộ thông tin, đó là chuyện kể (récit). Do đó bất luận thông tin tự sự như thế nào… đều có thể từ phương tiện biểu đạt này chuyển sang phương tiện biểu đạt khác mà không mất đi bản tính của nó. Đề tài câu chuyện có thể trở thành cái biểu diễn bằng ballet, đề tài tiểu thuyết có thể đưa lên sân khấu hay màn ảnh, cũng có thể dùng từ ngữ để kể cái đã xem trên màn bạc. Tất nhiên cái xem trong phương tiện cụ thể là khác nhau, nhưng chúng ta vẫn chỉ xem cùng một truyện”. Ngày nay mọi người bắt đầu nghi ngờ cái truyện chung đó, bởi chỉ cần kể lại một chuyện bằng các phương tiện khác nhau thì cái truyện đã thay đổi. M. Chatman đã nghiên cứu tác động của phương tiện điện ảnh, thanh âm đối với nội dung của truyện kể.
Nếu trước đây tự sự học cấu trúc chỉ chú ý đến chức năng, ngữ pháp truyện, ngữ nghĩa truyện ở cấu trúc bề sâu, thì nay các học giả đang chú ý đến tu từ học tự sự học như là phương diện biểu hiện tư tưởng, tình cảm của tự sự. Ngoài vấn đề điểm nhìn, thì kí hiệu tượng trưng, khoảng cách trần thuật là những vấn đề đang được đặc biệt quan tâm.
Tìm về truyền thống tự sự dân tộc là một hướng nghiên cứu đáng chú ý của Trung Quốc. Dương Nghĩa trong công trình Tự học Trung Quốc(9) phê phán khuynh hướng dùng con mắt tự sự học phương Tây để nhìn tự sự Trung Quốc, chủ trương trở về cội nguồn, sử dụng kinh nghiệm Trung Quốc, dung hợp lí luận phương Tây, tạo ra một lí luận mang màu sắc Trung Quốc. Ông khảo chứng từ “tự” (kể) tương thông với các từ “tự” ((thứ tự), “tự” (đầu mối); từ “sự” tương thông với từ “sử” (lịch sử), từ đó ông hiểu tự sự học Trung Quốc là cái học về thứ tự, đầu mối các sự kiện, tự sự học Trung Quốc là lấy sử làm trọng điểm, từ sử mà mở ra tiểu thuyết, hí kịch. Dương Nghĩa phân tích cách tự sự trong Tả truyện, Sử kí, truyền kì chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Trung Quốc từ xưa đã biết tự sự từ điểm nhìn nhân vật nhưng kín đáo, không lộ diện mà thôi. Đó là điều rất đáng chú ý cho những ai áp đặt giản đơn quan niệm tự sự phương Tây vào văn học Trung Quốc. Ngoài ra còn phải chú ý đến tự sự học so sánh, tự sự học văn hoá học… Đó là những khuynh hướng mới trong tự sự học trên thế giới mà chúng tôi tiếp cận được.
Từ khi được giới thiệu vào Việt Nam tự sự học đã được hưởng ứng rộng rãi của giới nghiên cứu, đặc biệt là ở các trường đại học. Hội thảo Tự sự học - 2001 tại Đại học Sư phạm Hà Nội và xuất bản tập công trình tuyển chọn đã đánh dấu một bước khởi đầu tuy muộn màng nhưng bổ ích. Từ đó về sau các luận văn, luận án theo hướng tự sự học ngày một nhiều lên, trong đó không ít những tìm tòi, khám phá đáng chú ý, song những công trình khoa học dày dặn vẫn còn hiếm hoi. Điều đáng quan ngại là ít có công trình đi sâu, mức độ minh hoạ, lặp lại giản đơn khá nhiều. Đó là do chúng ta còn ít người có điều kiện nghiên cứu sâu vào lí thuyết, ít có công trình dịch thuật hoặc trình bày có hệ thống và cụ thể cặn kẽ các tư tưởng tự sự học nước ngoài để đông đảo bạn đọc có thể tham khảo. Trong khi đó ở nước ngoài các học giả vẫn tiếp tục đặt lại vấn đề về những khái niệm tưởng đã thành định luận, như tác giả hàm ẩn, trần thuật không đáng tin cậy, tiêu điểm, sự phân loại điểm nhìn, cấu trúc tự sự…
Tự sự học Việt Nam còn rất non trẻ. Chúng tôi mong nó tiếp tục được quan tâm, giới thiệu thêm về các lí luận mới và khuynh hướng tìm tòi mới theo hướng mở, vượt qua sự hạn hẹp của tự sự học cấu trúc một thời, giúp tiếp cận tự sự học trong những hướng phát triển mới nhất và có triển vọng nhất. Đối tượng của tự sự học ngày nay không còn chỉ là ngữ pháp tự sự nói chung mà còn là thi pháp tự sự, phong cách học tự sự của các tác phẩm cụ thể, ngôn ngữ tự sự của các thể loại tự sự, các loại hình tự sự, mô hình tự sự của các giai đoạn phát triển văn học, sự tiếp nhận tự sự và cách tác động đến người đọc của tự sự. Tìm hiểu rõ nội hàm, nguồn gốc và diễn biến của các khái niệm tự sự học, vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào phân tích các tài liệu cụ thể, chắc rằng chúng ta sẽ hiểu thêm về bản chất, phương thức, lịch sử và các bí ẩn của nghệ thuật tự sự, một  phương tiện hùng mạnh để biểu đạt và lí giải thế giới, góp phần hữu ích vào việc phê bình và giảng dạy văn học1
Hà Nội, tháng 10 năm 2007
Bổ sung tháng 7 năm 2008
_______________
(1) Narratologie (tiếng Pháp), narratology (tiếng Anh), trong tiếng Trung được dịch bằng hai cách: Tự sự học 叙事学 Tự thuật học 叙述学 (từ này tương đương với “trần thuật học” trong tiếng Việt, “tự” đây có nghĩa là “kể”; hai chữ “trần thuật” thường dùng để dịch chữ tiếng Anh ‘Statement” và chữ tiếng Pháp “énoncés”). Dịch thành Tự sự học phù hợp với định nghĩa ban đầu do Todorov đưa ra. Trong ngữ cảnh thích hợp chúng tôi vẫn dùng “trần thuật học”. Tuy nhiên hai cách dịch này không hoàn toàn đồng nghĩa. Khi dịch là Tự thuật học (trần thuật học) hàm nghĩa của khái niệm gắn liền với các khái niệm người kể, cách kể, hoạt động kể; còn khi dịch là “tự sự học” thì nó còn bao hàm toàn bộ các phương diện của tự sự: sự kiện, cốt truyện, tình tiết, nhân vật, người kể chuyện. Tự sự học chủ yếu nghiên cứu các hình thức tự sự. Việc đã dùng thuật ngữ “Tự sự” để chỉ phương thức xây dựng tác phẩm phân biệt với trữ tình, kịch... không bị ảnh hưởng gì, bởi vì Tự sự học là ngành học nghiên cứu riêng về lĩnh vực tự sự theo nghĩa rộng. Chính vì muốn có nội dung bao quát mà chúng tôi chủ trương sử dụng thuật ngữ “Tự sự học”. Xem Lời nói đầu trong sách Tự sự học. Nxb. Đại học Sư phạm, H, 2004, tr.8.
(2) Các công trình này được dịch ra tiếng Trung trong khuôn khổ tủ sách “Vị Danh”, gồm: H. Miler: Lí luận tự sự giải cấu trúc; Siusan Lanser: Lí luận tự sự nữ quyền; James Phelan: Lí luận tự sự tu từ học; David Herman: Lí luận tự sự liên ngành; Mc. Coli: Lí luận tự sự hậu hiện đại.
(3) David Herman: Tân tự sự học (Narratologies). The Ohio State University, 1999, Mã Hải Lương dịch, Nxb. Đại học Bắc kinh,  2002, tr.2-3.
(4) Todorov T: Grammaire du Decameron. The Hague, 1969, p.69.
(5) Dẫn theo D. Herman, Tân tự sự học (Narratologies). Sđd, tr.150.
(6) Thân Đan: Tự sự học, trong sách Từ then chốt trong lí luận văn học phương Tây,  Nxb. Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ,  Bắc Kinh, 2006, tr.726-734.
(7) Tham khảo: Todorov: Thi pháp văn xuôi, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội (2004); Robert Scoles: Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, bản dịch tiếng Trung của Nxb. Tam Liên, Bắc Kinh, 1988; La Cương: Dẫn luận tự sự học, Nxb. Nhân dân Vân Nam, 1999.
(8) R. Barthes: Khoái lạc của văn bản, trong sách: Văn bản kinh điển của mĩ học phương Tây thế kỉ XX,  Nxb. Đại học Phúc Đán. Tập 3, Thượng Hải, 2001, tr.438.
(9) Dương Nghĩa: Tự sự học Trung Quốc, Nxb. Nhân dân, B., 1997. Cách giải thích tự sự Trung Quốc về mặt văn hoá, Thông báo khoa học sư phạm kĩ thuật Quảng Đông, số 3-2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét