Truyền thuyết An Dương Vương với lễ hội Đền Cuông ở Nghệ An
1. Truyền thuyết với tư cách là một thể loại của văn học dân gian Việt Nam có quan hệ mật thiết với lễ hội - một sinh hoạt văn hóa tinh thần dân tộc, như hình với bóng (xem cuốn Người anh hùng làng Gióng của Cao Huy Đỉnh - NXB khoa học xã hội, 1972). Nằm trong quỹ đạo chung đó, truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy (tên đầy đủ của truyện này) tồn tại trên thực tế gắn với lễ hội được tổ chức ở hai nơi: thành Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội và núi Mộ Dạ thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cả hai nơi đó đều có đền thờ vua Chủ cùng với am thờ Mỵ Châu mà không có am thờ Trọng Thủy. Đền thời An Dương Vương ở núi Mộ Dạ tục gọi đền Cuông từ lâu đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Bẵng đi một thời gian khá dài (từ 1965 đến 1975), do chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ cho nên lễ hội tổ chức ở ngôi đền này tạm thời không được duy trì. Sau ngày nước nhà thống nhất, lễ hội đền Cuông được phục hồi với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, của huyện Diễn Châu và nhân dân ở một số xã thuộc vùng núi Mộ Dạ.
Theo cuốn Địa chỉ lễ hội Nghệ An do NXB Nghệ An ấn hành năm 2005, cho đến thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh này đã có tất cả 23 lễ hội, trong đó có 12 lễ hội diễn ra ở các đền chùa: đền Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, đền Đức Hoàng ở Yên Thành, đền Vạn Lộc ở Cửa Lò, đền Cờn ở Quỳnh Lưu, đền Quả Sơn ở Đô Lương, đền Nguyễn Xí ở Nghi Lộc, đền Cuông ở Diễn Châu, đền Bạch Mã ở Thanh Chương, đền Hoàng Mười ở Hưng Nguyên, đền Hồng Sơn, đền Trần Trùng Quang và chùa Cần Linh đều ở thành phố Vinh. Đối với đền Cuông, cuốn sách này ghi rõ: Đền Cuông thờ Thục An Dương Vương. Đền được xây dựng lên từ xưa và được trùng tu, hoàn thiện nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1864, vua Tự Đức có sắc chỉ xây dựng lại với quy mô như ngày nay. Ngày 21/2/1975, Bộ văn hóa thông tin quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hóa… Di tích phụ trợ: Am thờ Mỵ Châu ở đỉnh núi Mộ Dạ, giếng Trọng Thủy nằm ở trung điện (S.đ.d, tr 24) riêng về lễ hội ở đền này, cuốn sách đã dẫn viết: Lễ hội đền Cuông là một lễ hội vùng tỉnh Nghệ An. Lễ hội đền Cuông diễn ra trong 3 ngày 14 - 15 - 16 tháng 02 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị vua đã có công sáng lập nên quốc gia Âu Lạc (250 - 208 TCN) (tr 24). Tiếp đó các tác giả cuốn Địa chỉ lễ hội Nghệ An đã trình bày tóm lược phần lễ và phần hội được tổ chức hàng năm ở đền Cuông và chỉ ra tiềm năng phát triển du lịch gắn với khu di tích.
Để góp phần làm cho lễ hội đền Cuông Nghệ An có nét riêng, không lẫn với bất cứ lễ hội nào và giúp cho ngành du lịch tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, trong bài viết này, chúng tôi trình bày đôi điều suy nghĩ về vấn đề: truyền thuyết An Dương Vương với lễ hội đền Cuông ở Nghệ An.
2. Là một trong những truyện có giá trị vào bậc nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, truyền thuyết An Dương Vương có nhiều dị bản. Ngoài các dị bản đã được các nhà nghiên cứu VHDG ở nước ta công bố, đối chiếu, theo sự tìm hiểu của chúng tôi trong các lần đưa sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐHSP Vinh (nay là Đại học Vinh) đi điền dã và tham quan ở khu vực đền Cuông vào năm 1983 và 1987, nhân dân quanh vùng Mộ Dạ còn thêm một vài chi tiết khi kể về kết cục của An Dương Vương. Theo lời kể của cụ Trần Chu (nguyên là người coi giữ đền Cuông và nay đã mất): sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo khoác, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn v.v… châu tuần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự tử. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó. Đoạn kể này đã được thầy trò chúng tôi ghi lại và xem như một dị bản đáng lưu ý của truyện An Dương Vương. Dị bản ấy có đáng tin cậy hay không đã được chúng tôi trình bày trong bài viết có tiêu đề: Về một số địa danh gắn với truyện An Dương Vương ở Nghệ An và đã công bố tại hội thảo khoa học Ngữ học trẻ do Viện ngôn ngữ Việt Nam và trường Đại học Vinh đồng tổ chức vào thàng 4 năm 2008. Trong bài viết, chúng tôi nêu rõ: tất cả các chứng tích gắn với lời kể của cụ Trần Chu đều có thật và hiện tại vẫn còn lưu dấu vết ở huyện Diễn Châu và Nghi Lộc. Những chứng tích đó với cái hồn bên trong của nó là cơ sở để mở rộng quy mô lễ hội đền Cuông, là điểm đến của du khách và vẫn còn có chỗ để bàn về vị trí của am thờ Mỵ Châu cũng như cái gọi là giếng Trọng Thủy mà theo chúng tôi, trong cuốn Địa chỉ lễ hội Nghệ An có chỗ chưa chính xác.
Theo lời kể, trên đỉnh núi Mộ Dạ là nơi An Dương Vương trong giờ phút cuối linh hồn đã nhập vào núi và đá với quan niệm bất tử hóa người anh hùng phổ biến trong thể loại truyền thuyết. Nơi đó không phải là nơi Mỵ Châu bị chém đầu. Vì thế, đỉnh núi Mộ Dạ (phía trên đền Cuông) không thể là am thờ Mỵ Châu mà chỉ là nơi chứng kiến giờ phút cuối cùng của một ông vua đã đi vào truyền thuyết. Nhà bát giác mà ngành du lịch Nghệ An đã xây trên đó là việc làm cần thiết để bảo vệ một dấu tích thiêng liêng. Hồi còn học cấp 2, chúng tôi được nhà trường cho đi tham quan đền Cuông. Nếu tôi nhớ không sai thì nơi thờ Mỵ Châu là một cái am nhỏ nằm ở phía dưới bên tay phải của ngôi đền theo hướng đi vào. Vị trí am thờ Mỵ Châu ở đền Cuông gần giống với am thờ này ở đền An Dương Vương đặt tại thành Cổ Loa ngoài Bắc. Hơn nữa, trong nguyên tắc kiến trúc Việt Nam, am thờ người con gái không thể ở trên cao so với ngôi đền chính thờ vua cha! Về chứng tích này, theo chúng tôi, Sở văn hóa, du lịch và thể thao Nghệ An cần có sự xác minh để trả am thờ Mỵ Châu đúng với vị trí ban đầu của nó.
Ngay cả cái gọi là giếng Trọng Thủy nằm ở trung điện đền Cuông cũng cần xem lại. Thực ra đây chỉ là cái hố có hình rất vuông vức, sâu khoảng 2 mét, bên trong có nước lắp xắp và một số hòn đá lô nhô (do đào trên núi) và nằm ngay trước ngai thờ An Dương Vương. Trước đây, khi chưa trùng tu lần hai do tỉnh Nghệ An tiến hành, người ta lấy ván gồ ghép lên miệng hố và đặt trên đó chiếc hương án. Nhưng nay cái hố đó đã bị nề xi măng và biến dạng, không còn hình vuông nữa! (ngành văn hóa Nghệ An cũng đã nghiêm túc kiểm điểm về thiếu sót này). Tuy nhiên, việc giải thích cái hố hình vuông ấy là giếng nơi Trọng Thủy tự tử thì hoàn toàn không có căn cứ vì rằng: Trọng Thủy không tự tử ở núi Mộ Dạ mà ngoài Cổ Loa. Giếng Trọng Thủy thường được gọi là giếng ngọc, là cái giếng hình tròn nằm giữa hồ nước trước đền Thượng thờ An Dương Vương. Nơi đó, tương truyền cũng là nơi Trọng Thủy bị oan hồn Mỵ Châu dìm chết theo dị bản xác nàng hóa đá và người ta thờ nàng bằng một phiến đá không đầu. Cái hố hình vuông trong đền Cuông thực ra người ta đào là để tạo nên sự quân bình âm - dương theo quan niệm phong thủy của người phương Đông. Do đền Cuông được xây ở một vị trí cao trên núi Mộ Dạ, thuộc dương (mà dương hình tròn) cho nên người ta phải đào cái hố đó làm biểu tượng của âm (mà âm hình vuông) nhằm quân bình với mong muốn cho ngôi đền vững chải, trường tồn. Chỉ cần qua một cái hố như vậy, cũng có thể nói cho du khách khi đến lễ hội đền Cuông hiểu được tính chất tôn nghiêm của nó và thấy rõ hơn quan niệm kiến trúc đã trở thành truyền thống của người Việt Nam. Do chưa hiểu rõ nguồn gốc của cái hố hình vuông đó cho nên trong lần lễ hội diễn ra đầu năm 2007, chúng tôi chứng kiến một sự thật đáng buồn: nhiều người tham gia lễ hội đã bỏ tiền vào hố vì nó đã được bê tông hóa và coi đó là nơi tiếp nhận công đức! Việc Trọng Thủy không có am thờ như Mỵ Châu cũng phần nào thể hiện thái độ căm ghét của nhân dân ta đối với một kẻ đã gây ra thảm họa cho toàn dân tộc. (Xem bài Nhân vật chứng năng trong thể loại truyền thuyết của Hoàng Minh Đạo, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4, 2007).
3. Để lễ hội đền Cuông trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch Nghệ An nên triệt để khai thác các chứng tích nhất là các địa danh như núi Kiếm, núi Đầu Cân ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), rú Mụa (núi Mũ) ở xã Diễn Phú, núi Mã Yên (Yên Ngựa) ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu). Những địa danh này cùng với núi Mộ Dạ và các chứng tích như đền thờ đức Ngài, am thờ Mỵ Châu, đá dấu chân người và đá bàn cờ tướng v.v… sẽ là quần thể du lịch có quy mô rộng có thể lưu giữ du khách nếu ngành du lịch Nghệ An chú ý đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, hiểu biết của khách thập phương, trong lễ hội đền Cuông cần có những người có khả năng thuyết minh và diễn giải những chứng tích có liên quan tới truyện An Dương Vương và nguồn gốc tên gọi một số địa danh. Nếu có người nào đó hỏi: Vì sao núi này có tên là Mộ Dạ? Đền này lại gọi đền Cuông? thì lý giải thế nào? Về tên núi Mộ Dạ, cho đến nay có ba cách giải thích. Cach phổ biến nhất cho rằng: Mộ Dạ là từ ghép Hán Việt có nghĩa là chiều tối, nhằm chỉ xưa kia núi này rất âm u, rậm rạp. Cách thứ hai, theo sự lý giải của ông Thái Kim Đỉnh thì Mộ Dạ là sự nói chệch của từ Mỗi Dạ (mỗi đêm). Theo lời truyền tụng của nhân dân thì sau sự kiện An Dương Vương chém Mỵ Châu và tự tử, mỗi đêm trên đỉnh núi Mộ Dạ đều phát ra ánh sáng rất kỳ lạ. Cách thứ ba theo chúng tôi có lý hơn cả là cách giải thích của ông Nguyễn Đổng Chi. Theo ông, Mộ Dạ là biến âm từ chữ Mô da trong ngôn ngữ cổ của cư dân sống ven biển. Từ này có nghĩa là con chim Công mà tiếng địa phương gọi là chim Cuông. Núi Mộ Dạ, vì thế là núi có nhiều chim Cuông sinh sống. Do đó, đền này cũng được gọi đền Cuông hay đền Công. Tên của ngôi đền do gắn với đặc điểm của ngọn núi nơi nó tọa lạc cho nên việc khôi phục giống chim Cuông ở núi Mộ Dạ như một cảnh quan riêng biệt là việc mà ngành du lịch Nghệ An nên nghĩ tới. Đến với lễ hội, được chứng kiến một vùng núi đẹp, có nguồn gốc thiêng liêng cùng với những con chim Cuông rực rỡ sắc màu, chắc chắn du khách sẽ rất hài lòng với một ngôi đền có tên gọi vừa dân dã vừa nên thơ của nó.
4. Tóm lại, các danh lam thắng cảnh ở bất cứ nơi nào trên đất nước ta gắn với các di tích lịch sử - văn hóa đều là nơi có đủ tiềm năng để phát triển du lịch mà linh hồn của chúng là lễ hội. Truyền thuyết An Dương Vương với lễ hội đền Cuông là một trong những lợi thế của ngành du lịch Nghệ An nếu biết đi sâu khai thác nguồn tư liệu đang tiềm ẩn trong dân như chúng tôi đã trình bày. Hơn nữa, việc sửa chữa, trùng tu ngôi đền này cùng với việc tổ chức lễ hội để làm nơi tưởng niệm, tri ân những người có công với nước sao cho xứng tầm của nó là cả một quá trình, cần có sự đầu tư trí tuệ và công sức của nhiều người. Những việc mà ngành văn hóa tỉnh nhà đã làm được trong thời gian qua với lễ hội đền Cuông và nhiều lễ hội khác là điều đáng trân trọng! Tuy vậy, đây đó vẫn có chỗ cần bàn để tìm giải pháp tối ưu cho các lễ hội, trong đó có lễ hội đền Cuông với hy vọng làm cho hoạt động này thực sự trở thành nền tảng của ngành du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét