Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Sơ kính tân trang - một bài văn, một tiếng khóc


Sơ kính tân trang - một bài văn, một tiếng khóc

Phạm Thái (1777 - 1814)

Phạm Thái còn có tên là Phạm Phượng Sinh, tự Đan Phượng, hiệu Chiêu Lì. Ông sinh ngày 19 tháng Giêng năm Đinh Dậu (1777), người làng Yên Thị, xã Yên Thường, tổng Xuân Dục, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là ngoại thành Hà Nội). Cha là Trạch trung hầu Phạm Đạt (có sách ghi là Thạch). Ông là một võ tướng thời Cảnh Hưng nhà Lê, từng tham gia cuộc nổi dậy chống Tây Sơn nhưng thất bại. Bản thân Phạm Thái cũng cùng cha can dự vào việc này nên có thời gian phải lẩn trốn khắp nơi. Khi gặp Nguyễn Đoàn, một người đang tụ nghĩa chống Tây Sơn, ông dâng bài Quân yếu, góp bàn kế dụng binh nhưng không được dùng. Chán nản, Phạm bỏ đi tu, lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Nơi tu không cố định nhưng chùa Tiêu Sơn ở Yên Phong (Kinh Bắc) là nơi nhà sư hay đi về hơn cả. Một thời gian sau, ông lên Lạng Sơn theo lời mời của một người bạn là Trấn thủ Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ để cùng bàn chuyện cần vương. Năm sau, trong khi ông về thăm nhà thì hay tin Trương Đăng Thụ đột ngột qua đời, linh cữu được đưa về quê an táng. Hay tin dữ, Phạm Thái vội về Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình viếng bạn, được thân phụ bạn là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ lưu lại nhà. Tại đây, Phạm Thái đem lòng yêu em gái bạn là Trương Quỳnh Như. Đôi bên quấn quýt, làm thơ xướng họa, hạnh phúc tràn đầy: “Thế là toàn bộ ý chí, nghị lực của Phạm Thái đặt hết vào cuộc tình. Mọi sự nghiệp, công danh, kể cả mối hận về dòng chính thống đều bỏ lại đằng sau tất cả”(1). Tuy nhiên, tình duyên chẳng thành. Quỳnh Như tự tử. Không gượng dậy nổi sau cái chết của người yêu, Phạm Thái bỏ đi lang bạt kỳ hồ, chìm đắm trong men rượu với những cơn say tỉnh triền miên. Không có tài liệu nào cho biết Phạm Thái chết ở đâu, cụ thể ra sao, năm nào, song các giả thuyết đều ghi ông mất năm 1814, tại Thanh Hóa, tuổi chưa trọn tứ tuần. Bởi vì các sáng tác của nhà thơ hiện còn lưu lại đến nay cũng dừng ở thời điểm 1814. Còn về người con gái “định mệnh” của cậu Chiêu họ Phạm thì tiểu sử cũng chỉ thể hiện trên có mấy dòng ngắn ngủi: là con gái ông bà Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ, sau cái chết của người con trai Trương Đăng Thụ thì hiện gia đình chỉ còn có một mình cô:
Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa; thân là thân hiếm hơi chừng ấy(2)
(Văn tế Trương Quỳnh Như)

Đó là một cô con gái ngoan, gia giáo, có khiếu làm thơ và sâu sắc trong tình yêu mà phải chết yểu vì tình. Cũng từ mối tình của mình, Trương Quỳnh Như đã sáng tác một số bài thơ như: Sơ âm cổ tự, Tặng ông Chiêu Lì về quê và mười hai bài thơ Nôm Đường luật ứng với mười hai múi giờ trong ngày, diễn tả tâm trạng mong nhớ người yêu của một người con gái đang yêu mà phải xa cách người yêu (có hai bài Phạm Thái làm, Quỳnh Như ra vận). Những bài thơ này hình thức không có vẻ gì đặc biệt nhưng cảm xúc yêu đương diễn trong đó thì như “một luồng gió lạ”.
Còn Phạm Thái thì sao? Ngoài Chiến tụng Tây Hồ một bài phú từng làm sửng sốt giới trí thức văn thi sĩ Hà Thành đương thời cả ở thái độ cực đoan của người cầm bút lẫn cái tài nghệ của tác phẩm, Phạm Thái còn để lại một số thơ văn (chủ yếu bằng chữ Nôm), trong số đó phải kể đến các bài: Tự trào, Đề tranh tố nữ, Đề chùa Tiêu Sơn, Đề núi con voi, Họa thơ mừng tiệc sinh nhật Thanh Xuyên hầu, Văn triệu linh (Tức Đề nhà nghĩa lư của Long Cơ) Diễn thơ Trương tứ lang, và một bài Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu bằng chữ Hán (sau chính tác giả lại dịch ra lục bát) v.v... Đặc biệt, từ mối tình với Trương Quỳnh Như, phạm Thái đã sáng tác một số thơ văn hết sức đặc sắc: các bài làm trong khi xướng họa với Quỳnh Như: Cầm tháo, Thuật hoài… khi người yêu chết, ông có bài Văn tế Trương Quỳnh Như, bài Văn triệu linh Trương Quỳnh Như và một truyện thơ nhan đề Sơ kính tân trang - mà thực tế, tác phẩm này cùng bài văn tế là những trang “tự bạch”, những “hàng tình lệ” - như ông đã gọi về mối tình vừa lãng mạn vừa đắng cay của bản thân. Sơ kính tân trang độc đáo và nổi tiếng đến mức về sau hễ cứ nhắc đến tên Phạm Thái, người ta không thể không hình dung về một Phạm Thái - nhà thơ đầy phong cách và cá tính. Tuy nhiên trước khi bước vào Sơ kính tân trang - cũng tức là bước vào thế giới tình yêu say đắm, lãng mạn và vô cùng thi vị nhưng cũng đầy nước mắt của đôi tình nhân thì một phương diện khác trong tư tưởng, tình cảm của Phạm Thái được thể hiện ở thể loại phú cũng cần được xem xét kỹ, để thấy được cá tính trái ngược, tình cảm, lý trí cực đoan đến cùng tột của họ Phạm. Vì điều này mà trước đây có lúc ông đã bị công kích khá gay gắt ở phương diện chính trị, tư tưởng mặc dù ông là một nhà thơ tài hoa bậc nhất.


Sơ Kính Tân Trang

Gặp và yêu Trương Quỳnh Như, Phạm Thái bước vào mối tình thơ mộng của mình một cách hồn nhiên và như một “tiếng sét”. Đến khi tình yêu thì còn mà người tình thì mất, Phạm Thái đành ký thác nỗi hận tình quá lớn ấy vào trang thơ, công khai kể lại mối tình ngoài vòng lễ giáo đẹp đẽ và oan nghiệt của mình cùng nhân thế trong một truyện thơ Nôm tên là Sơ kính tân trang (Chuyện lược gương mới). Tác phẩm viết năm Giáp Tý thứ ba đời Gia Long (1804), 1484 câu, chủ yếu là thơ lục bát, có xen một số bài Đường luật, từ, một số đoạn viết theo thể song thất lục bát(5). Sự táo bạo của tác giả trong cuốn tự truyện là ở chỗ, ông cho nhân vật nam chính mang họ Phạm của mình; đổi tên người yêu là Quỳnh Như sang một cái tên na ná là Quỳnh Thư, giữ nguyên quê quán của các nhân vật. Đó là những điều chưa từng có trong các truyện Nôm ra đời trước nó, thậm chí cùng thời với nó. Kết cấu tác phẩm cũng hết sức độc đáo: phối hợp hai yếu tố thực và mộng. Phần thực: từ câu đầu đến câu 886; phần “mộng”: từ câu 887 đến hết (1484). Đó là một kết cấu hoàn toàn mới so với kết cấu truyền thống của truyện Nôm: cũng có ba phần là gặp gỡ - tai biến và đại đoàn viên nhưng kết thúc đại đoàn viên của Sơ kính tân trang chính là phần mộng - phần hư cấu của tác giả: Quỳnh Thư chết, tái sinh thành Thuỵ Châu, Phạm Kim và Thuỵ Châu sống với nhau hạnh phúc. Quan niệm hóa thân của Phật giáo được khai thác triệt để trong truyện dân gian và trong thủ pháp nghệ thuật của truyện kỳ ảo đã được Phạm Phái khai thác sáng tạo, đưa vào làm thành phần đoàn viên của tác phẩm, thỏa mãn hai nhu cầu tâm lý: một là của bản thân tác giả, không chịu chấp nhận sự thực đã mất người yêu; hai là thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận của độc giả: người ngoan được đầu thai trở lại sống cuộc đời viên mãn. Như vậy, truyện vừa có kết cấu mới mẻ, lại vẫn giữ được mô hình của kết cấu truyền thống.
Trước nay hầu hết các ý kiến đều xuất phát từ góc độ thể loại để chê trách cấu trúc nghệ thuật của Sơ kính tân trang là lỏng lẻo, chắp vá, cảm hứng không liền mạch, tác giả gặp gì viết nấy, xây dựng nhân vật sơ lược kém bản sắc, v.v. Tóm lại, tác phẩm không tuân thủ quy tắc một truyện Nôm truyền thống. Thực ra, chỗ “khác người” - mà các nhà nghiên cứu gọi là “nhược điểm” của Phạm Thái lại chính là ưu điểm, là đặc trưng cơ bản làm nên phong cách họ Phạm: đó là tính ngẫu hứng trong tư duy nghệ thuật, là bút pháp hết sức phóng túng. Ông cầm bút không dưới một ý đồ nghệ thuật nào định lối trước, cầm bút chỉ là để thỏa mãn cảm xúc sáng tạo, viết gì, hình thức nghệ thuật nào cứ để cho cảm xúc điều khiển. Cho nên không riêng Sơ kính tân trang mà ở một số thể thơ khác như thơ Nôm ngũ ngôn, ông vừa là người khai sinh ra nó:
Đèn mờ khôn tỏ bóng,
Nguyệt khuyết mái tây hiên,
Xa xa rền tiếng trống,
Lồng lộng chốn binh điền.
(Trời Đông nghe trống đánh)
lại cũng là người “phá luật”, thêm cho nó cái kết của thơ yết hậu:
Một năm mười hai tháng,
Một tháng ba mươi ngày,
Hũ lớn cạn, hũ bé cạn, Say!
(Con trả lời)
Hoặc như ở bài Văn triệu linh Trương Quỳnh Như, ông lại là người trước nhất đặt những bước đi ban đầu cho một kiểu dạng mới của thể song thất lục bát, đó là dạng “trữ tình tự tình” mà sau này Cao Bá Nhạ thể hiện rất thành công với tác phẩm Tự tình khúc. Ngòi bút của ông luôn chịu sự chi phối sâu sắc bởi một tư duy nghệ thuật hết sức duy cảm. Dòng cảm xúc, ý tưởng thơ đưa nhà thơ đến đâu thì ngòi bút của ông theo đến đấy. Khi cần vận dụng thể tài nào là nhà thơ đưa ngay vào trang thơ, do đó Sơ kính tân trang của ông bao gồm rất nhiều thể tài: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn luật, từ... khiến cho: “Nhịp thơ đi như triều lên gió loạn, bẻ gãy mọi tiết tấu hiền hòa êm dịu của thể thơ lục bát vốn mềm mại để tạo ra một nhịp điệu mới, hỗn độn và ngang tàng”(6). Với nhãn quan đó thì Sơ kính tân trang như một “nghịch truyện” đính kèm một nghịch lý tương ứng: cuốn hút và thỏa mãn thưởng thức. Thỏa mãn ở chỗ: người đọc có thể tìm thấy mình ngay trong câu chuyện của họ Phạm mọi trạng thái tinh thần: vui, buồn, sảng khoái, hài hước, phẫn uất... tất cả đều thoắt ẩn thoắt chuyển, bất ngờ lỏng lẻo nhưng không hề nhàm chán. Một kết cấu lạ và phá cách như thế dự báo rằng: hình thức quy phạm của kết cấu cốt truyện truyện thơ lục bát đang chuyển động theo hướng rạn vỡ và sẽ đến thời điểm tự lùi dần vào lịch sử thể loại. Tuy nhiên, trước mắt, Phạm Thái vẫn một mình một giọng chủ trì bút pháp “say mê bồng bột”, tác phẩm của ông như bài thơ trường thiên, tự do... chi phối bởi một cá tính sáng tạo trực cảm, phóng túng, trữ tình đến say mê.
Theo như tiểu sử thì Phạm Thái phải phiêu bạt giang hồ từ rất sớm nên chắc chắn thơ văn của ông cũng lưu lạc nhiều, song chỉ với những tác phẩm còn truyền đến nay, phải thừa nhận Phạm Thái là một nhà thơ có tài, bút lực của ông thật khoẻ, kỹ xảo thơ ông không mấy ai theo kịp. Nguyễn Tử Mẫn, người gần như đương thời với Phạm Thái nhận xét: “Ban đầu tôi đọc tập kính tân trang cho là thơ văn của ông chỉ có nguyên đấy, nhưng sau lại được đọc nhiều bài khác, mới biết ông là bậc toàn tài. Người xưa nay như ông thực hiếm có: Nhiều bài Đường luật đem so với văn chương Lý, Đỗ cũng không kém gì (...). Ông từ lúc còn bé đến khi nhớn, hết gặp gia biến lại gặp quốc nguy, trải bao cảnh ngộ đắng cay, thế mà văn càng điêu luyện, võ đủ lược thao, cho đến cầm kỳ thi họa cũng đều tinh thạo. Không phải bậc đại tài mà được như vậy sao?”(7). Như vậy theo Nguyễn Tử Mẫn, Phạm Thái còn sáng tác bằng chữ Hán và thơ chữ Hán của ông sánh ngang Lý Bạch, Đỗ Phủ. Thế mà hiện tại chúng ta không có trong tay một bài thơ chữ Hán nào, tất cả là thơ Nôm khiến thoạt tưởng ông chỉ là nhà thơ quốc âm. Tuy nhiên mảng thơ đã mất không vì thế ảnh hưởng vị trí tuyệt đỉnh của ông trong lịch sử văn chương trung đại Việt Nam. Về điều này, Sở Cuồng Lê Dư cũng xác nhận: “Tới nay gần hai trăm năm, đọc lại lời văn, vẫn hãy còn lâm ly cảm khái cái giá trị của văn chương ấy thực có bổ ích cho đời, có ảnh hưởng đến nghìn muôn thu”(8). Nói về cái tài diệu của “lâm ly cảm khái” hẳn chúng ta không thể bỏ qua Văn tế Trương Quỳnh Như. Bài này cùng với Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh (chị ông là vợ Phạm Nguyễn Du), Văn tế vua Quang Trung của Lê Ngọc Hân là một trong ba bài văn tế được xem như nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII. Nếu phải đặt lên bàn cân ba bài văn này thì có lẽ vị trí số một vẫn dành cho bài của Phạm Thái: “Cả bài văn là tiếng kêu thương bi thiết chân thành, là hiện thân của nỗi thống khổ đau nóng sốt không hề vướng bận một chút kỹ thuật văn chương”(9). Thật ra kỹ thuật đạt đến độ không còn là kỹ thuật nữa thì đó chính là kỹ thuật vậy. Bài văn khởi đầu và kết thúc đều bằng những câu hỏi lặp đi lặp lại, tạc vào năm tháng:
Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!
Nỗi đau càng được khoét sâu thêm bởi số phận trớ trêu của người bạc mệnh: gia cảnh hiếm hoi, lúc này ông bà Trương chỉ còn có mình nàng, anh trai đã mất, nàng lại cũng bỏ cha mẹ mà đi, một kiếp người của nàng chỉ có “đôi mươi năm”:
Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, riêng một mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa. Thân là thân hiếm hoi chừng ấy.
Nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, đỉnh gì không đoái đến cõi phù sinh!
Rồi nhà thơ lại đưa ra những câu hỏi liên tiếp: nếu nàng có là tiên giáng thế thì sao không nguyện thân này cho vẹn kiếp mà đuề huề xuân huyên, phu tử “rồi sẽ rong chơi nơi chín suối, cớ gì riêng bỗng vội vàng chi?”. Nhà thơ xác nhận tình yêu của họ gắn bó như “nghĩa cương thường” với biết bao “tâm sự”:
Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã, những như thân gia ấy, tình cảm ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên là chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao tâm sự!
Vừa than thở vừa cật vấn rồi giọng văn chuyển sang thủ thỉ như nói với người yêu lại như tự nói với riêng mình:
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; Chua xót cũng vì đâu? Não nuột cũng vì đâu?
Câu chữ trau chuốt một cách tự nhiên, nhịp điệu trập trùng hài hòa làm nền cho những suy tưởng về lẽ sống chết, về những chướng căn bất ngờ chi phối số phận con người, do đó ai cũng có thể tìm thấy “cái tôi” của mình trong cái tôi của tác giả.
Tình yêu này kéo theo biết bao hệ lụy, trở thành thảm kịch bởi nó không chỉ kết thúc với cái chết oan khuất của Quỳnh Như, làm tan nát trái tim cha già mẹ yếu của nàng mà đối với Phạm Thái - người con trai từng vì hạnh phúc tình yêu bỏ cả chí hướng sự nghiệp, lại cũng bởi “Một mối chung tình tan mấy mảnh” mà trở nên tàn lụi, cũng tuyệt mệnh ở tuổi hoa niên. Các sách đều chép sau khi Quỳnh Như mất, Phạm Thái chán nản, sống mà như chết, lang thang vất vưởng nay đây mai đó, lao sâu vào rượu, hủy hoại mình trong nỗi nhớ người người yêu:
Trời xanh thăm thẳm mấy tầng khơi,
Nỡ để duyên ai luống ngậm ngùi.
Buồn đốt lá vàng hương nhạt khói,
Sầu châm chén ngọc, rượu chìm hơi,
Lầu Tây nguyệt gác, mây lồng nóng.
Ải Bắc hồng bay bổng tuyệt vời,
Một mối chung tình tan mấy mảnh,
Suối vàng ai nhắn hộ đôi lời!
Và cũng như các nhà thơ tình thời này, Phạm Thái đã nhận ra một giá trị rất lớn của cuộc sống là tình yêu, có tình yêu trong hôn nhân, ngoài hôn nhân, có tình yêu phải được kết quả ở hôn nhân. Song đáng tiếc, khi ông cùng các nhà nho - thi sĩ thời này nhận chân được điều đó, phát hiện được vẻ đẹp của tình yêu, giác ngộ sâu sắc bản ngã của con người, thì cũng là lúc họ phải chịu hệ luỵ từ chính những tư tưởng đó: là hiện thân vẻ đẹp tinh thần thời đại nhưng họ lại bị hủy hoại bởi chính tinh thần đó. Tuy nhiên, với phạm Thái, lịch sử văn chương dân tộc sẽ nhớ mãi về ông - nhà thơ của mỗi thể loại một tác phẩm vô song: một bài phú, một truyện thơ, một bài văn tế.
Đặng Thị Hảo
Theo: Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (Cb), NXB Hà Nội, 2004, Tr.542-552

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét