CHƯƠNG V . THI PHÁP CỐT TRUYỆN
I – KHÁI NIỆMCốt truyện là yếu tố cơ bản của tác phẩm tự sự. Theo định nghĩa truyền thống, cốt truyện là tất cả các hành động, biến cố phát triển trong truyện được kể lại. Khi thuật một câu chuyện, ta có thể kể các biến cố ấy theo một trật tự logic nào đó khiến người nghe hiểu được. Thành phần của cốt truyện có thể là:
- Phần mở đầu (trình bày trạng thái/ quan hệ chuẩn bị vào truyện)
- Phần thắt nút (khai đoan) miêu tả gặp gỡ, mâu thuẫn nảy sinh
- Phần phát triển kể những bước thăng trầm của nhân vật và những quan hệ theo nguyên tắc nhân quả, liên tục
- Phần cao trào, đỉnh điểm bước ngoặt xung đột, chấm dứt.
Có khi tác giả thêm phần “vĩ thanh” giới thiệu một viễn cảnh về sau (phần này không nối tiếp với cốt truyện mà cách xa về sau).
Xét theo một quan niệm mới: Truyện không nhất thiết phải kể theo sự tự vận hành của hành động sự kiện, biến cố. Có thể vận hành kiểu khác tuỳ thuộc vào quan niệm của tác giả về thế giới và con người.
Truyện nào cũng ít nhất có một biến cố xảy ra. Nhưng chẳng phải hễ có biến cố là có truyện. Chỉ thành truyện khi có một ý nghĩa nào đó. Nhà văn chọn một biến cố có vẻ khác thường, lạ lùng (lệch chuẩn, siêu việt) dự báo một đổi thay, một điều đáng lo nghĩ. Ví dụ: Nhà văn trước khi viết truyện ngắn “Luyxennơ“, ông quan sát thấy hàng trăm nhà giàu tụ tập say sưa nghe một nghệ sĩ hát rong suốt cả tiếng đồng hồ trước cửa khách sạn ông ở tại Thụy sĩ. Hát xong, nghệ sĩ ngửa mũ trước mặt họ nhận tiền thì ai cũng quay đi, chàng nghệ sĩ tội nghiệp chẳng nhận được một xu. Nếu họ ào ào móc tiền bỏ vào mũ chàng thì đó chỉ là hành động bình thường, chưa phải là biến cố. Nhà văn Liev Tolstoi nhìn thấy cảnh ấy, nghĩ rằng đó là sự suy đồi về đạo lí, đáng gọi là biến cố xã hội (nhà viết sử, nhà chính trị không quan tâm tới cái chuyện cỏn con ấy).
Nhiệm vụ của thi pháp cốt truyện không phải là đi trình bày các thành phần của cốt truyện mà phải là ý nghĩa của lối xây dựng cốt truyện ấy, hoặc quan niệm của tác giả đã chi phối cốt truyện đó.
II – THI PHÁP CỐT TRUYỆN CỦA MỘT SỐ TÁC PHẨM
- Trường ca Đam San (sử thi dân tộc Êđê)
Đam San là người tù trưởng anh hùng, say mê lì tưởng của dân tộc. Cuộc hôn nhân theo tục “nối dây” là nghi thức trao trách nhiệm, anh nhnậ hai trách nhiệm: người chồng và tù trưởng của bộ tộc. Hành động chủ yếu của anh là đứng đầu cộng đồng – quan trọng hơn việc làm chồng. H`Nhí là nhân vật chức năng chỉ biết li sự yên ổn và danh dự của tù trưởng hơn là vai trò làm vợ.
Cốt truyện là 21 sự kiện xảy ra liên tục. Chia ra ba giai đoạn:
- Bảo vệ H`Nhí là sứ mệnh bảo vệ cộng đồng của Đam San (cũng như cưới cô chẳng vì tình yêu – chỉ là bổn phận)
- Anh lập nhiều chiến công cũng vì nhiệm vụ cộng đồng
- Khao khát cưới Nữ Thần Mặt Trời làm vộ lẽ cũng là vì lí tưởng cộng đồng. Cái chết thảm khốc của Đam San. Lễ cúng người chết. Mở hội ăn mừng kinh đình.
Nhân vật sử thi Đam San cũng có cá tính, đam mê và nóng nảy bất chấp nguy hiểm. Vẫn là cá tính của cộng đồng.
- Nhóm truyện Tấm Cám – Thạch Sanh – Sọ Dừa
Cốt truyện xếp theo xung đột thiện – ác xen kẽ và luật nhân quả.
Cái ác gồm: tham lam, đố kị, ích kỉ, vu oan, tranh công, lứa dối,lật lọng
Cái thiện gồm: thương người, vị tham dũng cảm, giữ lời hứa, chung thuỷ, chịu đựng cực khổ…
Đặc biệt niềm tin của cái thiện trong cổ tích là một niềm tin tuyệt đối kết hợp với yếu tố kì diệu dẫn cốt truyện đến kết thúc có hậu.
- Tấm Cám: Mâu thuẫn bắt đầu từ phần thưởng cái yếm đỏ, Cám lừa chị để giành bằng được (mò tép được nhiều hơn thì được giải). Cái ác cứ lấn tới mãi, tự bộc lộ mình thoải mái, khốc liệt và tới hành động giết người. Kết quả nó phải đền tội.
- Thạch Sanh: Lí Thông lợi dụng Thạch Sanh từ việc nhỏ đến việc lớn – lấp hang tiêu diệt Thạch Sanh để giành công
- Sọ Dừa: Lão phú hộ tìm cách lật lọng mãi dẫn đến bị trừng phạt buộc phải gả con gái cho Sọ Dừa (không còn cách nào lật lọng).
Đặc điểm chung của thi pháp cốt truyện cổ tích là “mở nút” nhanh gọn nhờ phép màu nhiệm. Mâu thuẫn thường xảy ra là mâu thuẫn giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, thiện ác.
- Cốt truyện Người thiếu phụ Nam Xương
Biến cố chính: nỗi oan tình của Vũ Nương
- Người vợ hiền thuỷ chung bị chồng nghi oan
- Tự vẫn để tỏ lòng chồng hối hận thì đã muộn
- Giải oan
- Cốt truyện Truyện Kiều
Thử so sánh với nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân. Truyện Kim Vân Kiều thuộc loại “tài tử – giai nhân, anh hùng – giai nhân” tầm cỡ trung bình. Cốt truyện có ba nhân vật gần như bình đẳng: Kim, Vân và Kiều, nhiều sự kiện, biến cố chồng chéo hoặc song song, bình đẳng với nhau (giang hồ, lừa lọc, đánh ghen, giải thoát, báo ân báo oán, đi tu, đoàn tụ)
Nguyễn Du đã xếp đặt cốt truyện “Đoạn trường tân thanh” với ý thức khác. Một cốt truyện gọn nhẹ, lược bỏ rất nhiều chi tiết, tình tiết (lừa lọc, vu oan, đánh ghen…) mà gia tăng cốt truyện tình yêu cùng bước đường lưc lạc của nhân vật chính là Kiều.
Đó là cốt truyện tính người – một đặc sắc truyện Nguyễn Du.
Bắt đầu từ lễ Thanh minh, gặp mộ Đạm Tiên, thương bạn gái quá cố chạnh nghĩ đến đời mình. Mối lo lắng âu sầu bắt đầu. Suốt 15 năm lưu lạc kể cả khi đã đoàn tụ, Kiều vẫn luôn luôn cảm nhận cuộc đời. Đằng sau công thức mà Kiều nhắc nhở “trung hiếu tiết nghĩa” là trái tim người con gái tài sắc luôn luôn xao động tình đời. Nàng cảm thấy nỗi cô đơn của một cá nhân trước sóng gió cuộc đời và khát khao vươn lên một cuộc sống tốt hơn, vừa với mình hơn. Dù thế nào nàng vẫn có tấm lòng vị tha nhân ái với người thân và những người bất hạnh khác.
Sự kiện nào là hạt nhân của cốt truyện Kiều ?
Đó là sự kiện: Kiều nhận thấy cuộc đời mình không tương ứng, không phù hợp với lí tưởng và khả năng của mình. Nỗi day dứt ấy theo suốt đời nàng, làm nên tấn bi kịch Truyện Kiều của Nguyễn Du. (Làm lẽ Mã giám Sinh chứ không làm đĩ. Làm đĩ sang trọng chọn khách chứ không làm đĩ tầm thường. Đi tu – lại bỏ tu. Làm vợ Thúc Sinh: muốn chính thức công khai chứ không lén lút. Thà chết chứ không làm vợ thổ quan. Đoàn tụ: làm bạn Kim Trọng chứ không làm vợ)
Tóm lại, ý thức của Kiều về sự không trùng khít cuộc đời với lí tưởng ước mơ tạo ra cốt truyện Kiều chứ không phải các sự biến khách quan lôi kéo xô đẩy nhân vật. Tiếng nói Thuý Kiều là đặc sắc của tác phẩm, cùng với tiếng than thở của “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, thơ Hồ Xuân Hương, lời hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Ngày nay đọc Truyện Kiều, công chúng còn say mê chính là say cái tình tự Thuý Kiều hơn là sự hấp dẫn của những sự kiện. Đó là thành công của thi pháp Truyện Kiều.
- Thi pháp cốt truyện Thạch Lam
Xem xét ba tác phẩm: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan.
Theo quan niệm cốt truyện thông thường thì người ta bảo truyện của Thạch Lam không có cốt truyện, chỉ đọc được chứ không kể lại được. Không thấy có sự kiện, biến cố khiền người chú ý… Nhưng thực ra có biến cố tâm lí. Thạch Lam dõi theo biến cố tâm lí mà dựng truyện.
BÀI TẬP
- Miêu tả cốt truyện của ba tác phẩm kể trên. Tìm ra đặc điểm của cốt truyện.
- Miêu tả cốt truyện Lão Hạc (hai cốt truyện song song, cốt truyện chính là tâm trạng và mối lo tính của lão Hạc, cốt truyện phụ là quan hệ ông giáo và lão Hạc).
CHƯƠNG VI . THI PHÁP KẾT CẤU
I – KHÁI NIỆM
Kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật của tác phẩm. Cái khó nhất của sáng tác là: Kết cấu. Tác phẩm là một công trình kiến trúc, vây thì việc khó nhất phải là kết cấu (ta thường nói: xây dựng, cấu tứ… ). Ngay cả từ “kết cấu” vốn của kiến trúc và hội hoạ. Nhà văn xây dựng một công trình văn học với mục đích phản ánh đời sống và sự cảm nhận của mình trước nó. Nhà văn phải xây dựng nhận vật, tính cách, xác định không gian thời gian, chọn lựa, sắp xếp chi tiết…
Kết cấu tác phẩm thực chất là tác giả mở lối cho người đọc đi vào dòng sự kiện, dòng đời. Bố trí điểm nhìn cho công chúng sao cho dễ thấy được chiều rộng và chiều sâu của câu chuyện nhằm thấy được ý nghĩa nhân sinh cần thiết cho con ngưởi.
Nói chung, nghệ thuật kết cấu tác phẩm văn học có mấy phương tiện sau
- Hệ thống hình tượng nhân vật, sự kiện và các chi tiết
- Sắp xếp tương quan nhân vật chính phụ, chính diện – phản diện
- Lựa chọn và sắp xếp chi tiết, tình tiết, hoàn cảnh, nội ngoại thất, đồ vật sao cho ý nghĩa hình tượng nổi lên.
- Hệ thống điểm nhìn và tổ chức văn bản
- Tổ chức cái nhìn và hệ thống điểm nhìn, trước hết cho chính mình. Điểm nhìn nghĩa là: câu chuyện diễn ra dưới con mắt của ai (nhà văn/ nhân vật trữ trình/ nhân vật chính/ nhân vật phụ hoặc phối hợp hai người kể). Mỗi điểm nhìn có ý nghĩa khác nhau mặc dù cùng một câu chuyện ấy thôi
- Hệ thống điểm nhìn đặt trong không gian và thời gian (nhìn từ hiện tại hay quá khứ, nhìn về quãng tời gian nào? Thậm chí còn đứng ở tương lai giả định nhìn về hiện tại hoặc quá khứ. Nhìn từ xa hay ở gần, trên cao xuống hay dưới lên…
- Nhìn một cách chủ quan (từ trạng thái tâm lí) hay khách quan (ghi chép, trần thuật kiểu phóng sự).
Nói cách đơn giản là văn bản bắt đầu từ đâu? Có hai kiểu mở đầu: văn học dân gian thường bắt đầu câu chuyện theo trình tự tự nhiên, nhân quả. Văn học hiện đại có thể bắt đầu từ bất cứ điểm nhìn nào theo ý đồ tác giả.
Sau khi xác định điểm nhìn, tức xác định chủ thể kể chuyện thì văn bản diễn ra theo ngôi thứ thích hợp (anh ấy, lão ta, hắn… ) với giọng điệu thân mật hay nghiêm trang tuỳ quan hệ của người kể với nhân vật.
Trong thơ trữ tình, điểm nhìn từ bên trong và còn nương theo nguyên tắc âm nhạc nữa.
Hình thức kết cấu văn học rất đa dạng và cũng phụ thuộc vào thể loại (riêng đối với thơ luật thì còn phải theo kết cấu định sẵn ví dụ thơ Đường luật, lục bát, song thất lục bát. v.v…
Sự tích cực chủ động sáng tạo của nhà văn làm phong phú nhiều kiểu kết cấu thú vị.
II – THI PHÁP KẾT CẤU CỦA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC
- Truyện Trầu Cau
Kết cấu trùng với cốt truyện:
- Hai anh em họ Cao sinh đôi
- Cô gái họ Lưu yêu cả hai anh em nhưng chọn người anh làm chồng.
- Một hôm người vợ nhận lầm người em là chồng, em xấu hổ, anh không vui rồi xa lánh em (có ý nghi ngờ).
- Người em buồn, bỏ nhà ra đi, hoá tảng đá bên bờ suối.
- Người anh hối hận đui tìm em, hoá cây cau mọc bên tảng đá
- Người vợ đi tìm chồng, thất vọng hoá thành cây trầu leo quấn cây cau.
- Vua Hùng nghe chuyện, lấy ba thứ ấy nhai chung thấy mùi thơm và màu đỏ thắm, đặt tục lệ ăn trầu.
(Có bản khác kể cô gái chỉ yêu người em, nhưng khi người anh đến hỏi cưới, cô tưởng lầm là người em nên mới nhận lời. Việc nhầm lẫn về sau trở nên phức tạp, và người anh có lí khi nghi ngờ em).
- Kết cấu Truyện Kiều
Xét qua ba đoạn văn trần thuật sau
3.1. Kiều gặp gỡ Kim Trọng
Mở đầu “dùng dằng nửa ở nửa về” kể theo con mắt (điểm nhìn) của chị em Kiều. Kiều nhìn Kim Trọng với cảm tình rõ rệt:
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời…
Sau đó Vương Quan kể về Kim Trọng:
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu bậc tài danh
Văn chương nết đất thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.
Bấy giờ đến cái nhìn của Kim Trọng:
Chung quanh vẫn đất nước nhà
Với Vương Quan, trước vẫn là đồng thân
Vẫn nghe thơm nức hương lân
Một nền đống tước khoá xuân hai Kiều.
(Ba tiếng “vẫn”: ý chàng Kim từ lâu muốn sáp đến gần nay mới có dịp)
Và bây giờ nhà thơ ngắm nhìn nhân vật của mình:
Người quốc sắc kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Rồi trả lại điểm nhìn cho Kiều:
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
Tác giả giành lại điểm nhìn:
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
Và cuối cùng, Kiều nhìn xung quanh, ngẩn ngơ:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
(Theo bản gốc của Thanh Tâm tài nhân, Vương Quan nghe tiếng nhạc ngựa, báo hai chị tạm lánh đi. Kiều vừa lánh sau hoa, vừa liếc trộm Kim Trọng. Kim Trọng thì cố tìm cách kéo dài thời gian. Vương viên ngoại cho người đi đón ba chị em vì trời đã xé chiều. Kim Trọng tiếc rẻ đứng ngó theo), còn Nguyễn thì tả “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo”. Kiều mạnh dạn hơn, không kìm nén cảm xúc của mình.
3.2 Đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều”
Đúng ra phải gọi là “Thuý Kiều bán mình” – phù hợp với vai trò chủ động của Kiều. Nguyễn Du cũng tả câu chuyện mua bán dưới con mắt Thuý Kiều.
3.3 Đoạn “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” nên gọi là “Thuý kiều tiễn biệt Thúc Sinh”, vì sự việc diễn ra dưới mắt Kiều, theo tâm trạng Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
“Ai” là ai đây ? Ông Trời hay là số phận, hay là chính mình (Kiều) – chính nàng đã thúc giục chàng đi về gặp Hoạn Thư, nay nghĩ lại mà hối hận tự trách mình ?!
(Còn Thanh Tâm tài nhân kể ra tất cả. Ông kể rằng Kiều không ra tiễn Thúc được vì “khách của Thúc ra tiễn Thúc đông quá nên Kiều phải dừng lại sau bức bình phong”. Thúc chào, nàng không đáp chỉ nước mắt lưng tròng…) Kiều nhút nhát và thụ động quá.
- “Qua Đèo Ngang”
Bài thơ trữ tình được kết cấu theo sự vận động của cảm xúc dẫn đến sự bừng tỉnh của ý thức, nhận thức.
Thơ trữ tình cổ điển thường ưa bắt đầu từ sự cảm nhận một hiện tượng thực: một phong cảnh, một tình huống… rồi suy tư, sinh ra tình cảm, ý nghĩ thái độ mới.
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Vẽ ra một cảnh nghịch mắt: hoang sơ, tiêu điều. Cỏ cây rậm rạp chen lấn đá (đường mòn), ấy là do ít người qua lại . Lá chen lấn hoa, thiếu vẻ đẹp (hoa bị lấn lướt). Thử liên hệ cảnh: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.
Cảnh hoang sơ còn được nối tiếp ra xa: Lom khom dưới núi tiều vài chú/ lác đác bên sông chợ mấy nhà. Và vang khẽ len một âm thanh mơ hồ: nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Kết thúc, nhà thơ cảm thấy cô đơn trong nỗi nhớ nhung một thời đã qua không trở lại:
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Kết cấu chung của bài gồm hai nửa: 4 câu đầu là cảnh thực, 4 câu sau là cảnh tâm trạng – cảnh ảo. Có thể doi đây là một mô hình kết cấu rất phổ biến của thơ luật Đường.
4. Kết cấu “Tam quốc diễn nghĩa”: “hợp- phân –hợp”, “ vòng vo tam quốc”
5. Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”
(Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh
Nhân vật : Kiên, học sinh cuối cấp 3 nhập ngũ năm 1965
Cha họa sĩ tiền chiến lãng mạn, mẹ cán bộ Đảng , mẹ bỏ chồng. Cha dượng là một nhà thơ lãng mạn bút danh “thần sầu”. Phương cô hàng xóm, bạn học cùng lớp. Mẹ là nhạc sĩ. Phương thích hội họa, chơi đàn piano. Kiên học xong buổi cuối cùng phổ thông, giấy gọi nhập ngũ tháng Năm (1965). Cô Lan con bà chủ nhà nơi đóng quân miền trung du (thôn Đồi Mơ, Thái Nguyên Yên thế) yêu một bạn trong đơn vị Kiên. Sinh con, không nuôi được. Mẹ mất. Yêu Kiên khi anh về thăm, hẹn anh trở lại. .. Cả đơn vị chỉ còn Kiên sống sót. Hiền thương binh cụt hai chân quê Nam Định, cùng chuyến tàu về Bắc.
[ Kiên đến Hà Nội lúc 4 giờ chiều, hẹn 6.30 tập kết lên tàu, 7.00 tàu chạy. Lỡ tàu...]
Quá khứ 1 . Hà Nội tuổi thơ, cấp 3, mối tình đầu với Phương
1964-1965 . 3 tháng ..và 3 ngày cuối có Phương cùng đi đến Ga Thanh Hóa…]
Quá khứ 2 . 1966 Chiến trường Tây Nguyên 10 năm ………………………. .1975..]
Hiện tại 1 & Hiện tại 2 :
1976 đi tìm hài cốt đồng đội Tây Nguyên, xong trở về Hà Nội …………… 1986…]
(gặp lại Phương , Kiên làm báo viết văn, hồi tưởng.
Sách dày 343 trang chia ra 3 đoạn thẳng = 3 đoạn thời gian trần thuật .
Mở đầu chuyện là năm 1976 sau đất nước thống nhất
Đi về quá khứ, đi ngược về quá khứ 1, trở lại hiện tại 2 .
Ba giai đoạn đều song song đi tới chót . Kết thúc tiểu thuyết với 3 cái “kết” cùng lúc.
Giai đoạn nào thu hút hết tâm hồn của nhân vật Kiên ???
Kết cấu nghệ thuật = thời gian nghệ thuật . Ý nghĩa của “kết cấu” đó ?
Bài tập
1. Kết cấu “Thủy hử truyện”
2. Kết cấu “Liêu trai chí dị”
3. Kết cấu “Đông Chu liệt quốc”
3. Kết cấu “Hồng lâu mộng”
P
CHƯƠNG VII . THI PHÁP LỜI VĂN NGHÊ THUẬT
I – KHÁI NIỆM
Lời văn nghệ thuật có gì khác với lời nói bình thường (phi nghệ thuật) ?
- Lời văn nghệ thuật có tính hình tượng, mỗi lời đều là lời sáng tạo của nhà văn nhằm thực hiện ý muốn của mình.
- Lời nghệ thuật có tính tổ chức cao, được lựa chọn theo ý thích, thói quen và khả năng của nhà văn, từ âm thanh, từ ngữ, nhịp điệu, đoạn và cả bài.
- Phương tiện ngôn từ để viết văn: Phương tiên có sẵn (âm, vần, ẩn dụ và các biện pháp tu từ quen thuộc của dân tộc…). Tác giả sử dụng khi cần thiết, ngẫu hứng rải rác trong tác phẩm. Nhưng trong các phương tiện ấy, câu là phương tiện chủ yếu.
- 1. Các phương diện của lời văn
- Từ ngữ : từ thuần Việt, Hán Việt, lời sang trọng, lời quê mùa
- Ngữ âm, thanh, vần.
- Tốc độ dùng từ
- Câu, cú pháp (đảo, song đôi, nghi vấn, khẳng định…)
- Tu từ (mĩ từ pháp): so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, song hành, gia giảm, khoa trương, phản nghĩa,… gọi chung là Phép chuyển nghĩa.
- Kiểu văn bản (ngữ pháp văn bản).
- 2. Ba kiểu lời văn: văn đàm thoại – văn sách vở – văn nghệ thuật.
II – ĐẶC ĐIỂM LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
Nhà văn có một lời văn riêng, khác với những gì đã kế thứa – đó là thi pháp của tác giả. Nghĩa là nhà văn đã tạo ra một hệ thống lời văn độc đáo.
Truyền thống thi pháp cổ khi bình giảng, họ chỉ đi tìm những “nhãn tự, thần cú” – có vẻ ngẫu nhiên may mắn tác giả viết được câu hay, từ đắt mà làm cho bài thơ, văn hay. Không hài lòng với kiểu truyền thống, thi pháp học hiện đại đi tìm quan niệm của lối sử dụng lời văn ấy – vì sao tác giả sáng tạo như thế?
Lời văn thể hiện học vấn, kinh nghiệm và quan niệm sống của con người.
III – THI PHÁP LỜI VĂN TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM
- Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan
Bài thơ chuẩn mực về thi luật “thất ngôn bát cú”. Khởi đầu có vần (nhập vận)
Cân đối: 28 thanh bằng và 28 trắc
Mỗi câu có từ 3, 4 hoặc 5 âm bằng làm cho câu thơ êm ái du dương
Mỗi câu đều có từ Hán – Việt làm cho thơ có vẻ cổ kính, xa xưa đài các.
Mỗi câu thơ có khả năng độc lập, danh ngữ hoá – hạn chế dùng động từ. Cả bài thơ dường như chỉ có một động từ “gây” ở đầu câu. Những động từ khác yếu ớt (trơ gan, cau mặt, soi kim cổ) biểu hiện tình trạng ngưng đọng, suy tàn của cảnh vật Thăng Long. Các câu đôi nhau theo lối song hành, không theo lối tương phản, làm cho khí thơ yếu trầm, hợp với động từ yếu kể trên.
Tám câu thơ đầy ắp cảm giác thời gian và sự thay đổi buồn bã, nhớ thương xưa, hãnh diện về ngày xưa, nhà thơ bâu giờ chỉ còn cô đơn lạc lõng.
Cái tôi thi sĩ chỉ đề lộ trong 5 tiếng “người đây luống đoạn trường”. Luống nghĩa là uổng công, suông, đau lòng nhưng bất lực, thôi thì chỉ biết đau suông, chẳng làm gì được. (Thi pháp cổ thông thường chỉ nhận thấy các nhãn tự “hồ, bóng, trơ, cau” là đặc sắc).
Thăng Long hoài cổ
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Cảnh chiều hôm
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể chuyện hàn ôn.
Chùa Trấn Bắc
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau
Mấy giò sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu
Qua Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
- Lời văn nghệ thuật trong Truyện Kiều
Chỉ bàn về lời văn nghệ thuật, Truyện Kiều đã xứng là một kiệt tác bất hủ của nền văn học Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã nhận thấy nhiều kiểu lời văn nghệ thuật đặc sắc nguyễn Du, đến mức ông cho rằng: có một “ngữ pháp Truyện Kiều”. Chỉ riêng phép đối: 250 câu đối đa dạng, linh động, tiết kiệm ngôn từ mà biểu hiện cao, lời thơ dễ thuộc, dễ cảm.
- Thi pháp lời văn “Người thiếu phụ Nam Xương”
Lời kể và lời thoại đều của tác giả. Chưa có lời của nhân vật.
- Từ ngữ của thơ Tố Hữu
Những hình ảnh đậm nét, chói ngời, tươi trẻ, mạnh mẽ, đầy sức sống, đầy nhiệt huyết, ngôn từ muốn toả sáng, ngun ngút tinh thần và tình cảm. (Thử so sánh với lời thơ Chế Lan Viên – nhẹ nhàng, kín đáo, say mê kìm nén…)
- Thi pháp lời văn Lão Hạc, Chí Phèo
Lời văn trần thuật đa thanh, phức điệu. Ngôn ngữ nhân vật đã được cá tính hoá. Lời trần thuật của Nam Cao xũng thay đổi đa dạng tuỳ theo tình huống và tâm trạng quan niệm của mình. Lời văn nghệ thuật Nam Cao đạt tới đỉnh cao lời văn hiện đại còn nhờ độ chân thực rất cao.
CHƯƠNG VIII. HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ
(Một dạng thi pháp đặc biệt)
Tiếp xúc với tác phẩm văn học, ngoài việc cảm nhận nội dung khách quan chúng ta còn giao tiếp với tác giả của nó, đồng cảm với tác giả, hiểu được tác giả. Có hai khái niệm tác giả: tác giả tiểu sử (ngoaì đời) và tác giả nghệ sĩ.
Tác giả nghệ sĩ cũng gọi là “hình tượng tác giả” do tác giả tiểu sử sáng tạo ra, có vai trò như một hình tượng nhân vật khác mặc dù tác giả có ý thức sáng tạo ra hay không.
Hình tượng tác giả đã đứng ra nói chuyện, giao tiếp với độc giả. Vậy chúng ta không nên đồng nhất hai tác giả đó. Hình tượng tác giả có chân dung, hành động, ngôn ngữ chứa đựng trong tác phẩm.
Đặc biệt có khi tác giả tự miêu tả mình, như một số truyện ngắn của Maxim Gorki, hoặc những tác phẩm tự thuật khác…
Nhìn chung, hình tượng tác giả thể hiện trên ba mặt:
1.1 Cái nhìn
1.2 Giọng điệu
1.3 Lập trường lựa chọn, phân tích, đánh giá
Hình tượng tác giả có vẻ như tồn tại vô hình. Tuy vây khi đọc văn, người đọc vẫn nhìn theo hướng của tác giả, đọc thầm hoặc đọc thành tiếng theo giọng điệu của tác giả. Cái nhìn và giọng điệu này vô hình nhưng có thực, luôn luôn tồn tại, ổn định suốt theo tác phẩm. Đó là một yếu tố thi pháp quan trong có thể xác định được cho dù nó vô hình dạng. Rõ rệt nhất là khi con mắt tác giả đặt vào các chi tiết (giống như xem phim khi ta thấy rõ cảnh nào tức là tác giả/ ống kính máy quay đang chiếu vào cảnh đó).
- Hình tượng Nguyễn Du
Đây là một đề tài khó xác định. Nhìn chung khó tìm ra rõ nét một hình tượng tác giả trong tác phẩm Truyện Kiều.
Nguyễn Du đã nhìn con người ở một khoảng cách thật gần gũi, nhìn thấu rõ gan ruột tâm tư nhân vật. Từ đó chúng ta thấy chỗ đứng và lập trường tư tưởng của nhà thơ.
Cái nhìn của Nguyễn Du luôn luôn vận động, uyển chuyển để theo sát hiện tượng, do đó hiện thực nổi lên rõ hơn. Một cái nhìn biện chứng không cứng nhắc Chẳng hạn, khi Kim Trọng khuyên Kiều đừng nên gảy những bản nhạc sầu thảm thì Kiều đáp rằng:
Lời vàng vâng lĩnh ý cao
Hoạ dần dần bớt chút nào được chăng.
Nhà thơ biết rằng sự chuyển hoá tính cách con người là một quá trình, không thể đột biến, muốn là được ngay.
Khi Kiều thắp nhang khấn vái Đạm Tiên, nàng nói:
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Hoạ là người dưới suối vàng biết cho.
Nhà thơ biết rằng từ “ý muốn” đến “kết quả”còn có khoảng cách. Kiều làm việc từ thiện nhưng không chắc rằng người hàm ơn “biết cho”. Nàng chưa tin hẳn vào luật nhân quả nhưng vẫn làm việc thiện.
Kiều nói với Kim Trọng ở hồi đoàn tụ:
Đã đem mình bỏ am mây
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa
Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bui hồng làm chi
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu trót, qua thì thì thôi.
Qua một tiếng “bỏ”, nhà thơ bộc lộ quan niệm về Phật giáo: đi tu là “vất bỏ cuộc đời” tránh xa cõi thế. Nhân vật vẫn còn tiếc nuối cái hạnh phúc sống trong đời. Đó là quan điểm nhân văn sâu sắc của nhà thơ, hạnh phúc là “sống và yêu” chứ không phải đi tu ! Và sau bao nhiêu lựa chọn, gửi gắm thì “sống với cái gia đình sinh ra mình” là lựa chọn cuối cùng của nhà thơ, của nhân vật Thúy Kiều !
Hình tượng Nguyễn Du có cái nhìn nhiều chiều đã là sự tiến bộ lớn lao so với nhà thơ trung cổ chỉ có một cách nhìn Nho giáo (trung hiếu tiết nghĩa). Mỗi nhân vật trong Truyện Kiều đều nhìn theo ít nhất hai cách.Từ Hải- có người gọi là giặc, có người gọi là anh hùng…
Có 4 cách nhìn Hồ Tôn Hiến. Có nhiều cách nhìn nhận chữ “trinh” của Thuý Kiều. Do vậy có người bảo Nguyễn Du tự mâu thuẫn và phức tạp trong nhân sinh quan, thế giới quan.
Thực ra tác giả không muốn để lộ mình mà đưa ra nhiều cách nhìn để cho bạn đọc đánh giá. Cái nhìn phong kiến chính thống bị co hẹp lại nhường chỗ cho những quan điểm của nhân dân mà nhà thơ đưa ra trong truyện.
- Hình tượng Tố Hữu trong thơ ông
Thưở ban đầu “Từ ấy” nhà thơ viết “Ta đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ là anh của vạn đầu em nhỏ/ không áo cơm, cù bất cù bơ”.
Nhà thơ chọn chỗ đứng giữa mọi người nên tiếng thơ thân thiết gần gũi, chan hoà với mọi người.
Đôi khi cần thiết, giọng thơ mang đầy quyền uy của cách mạng. Một người cách mạng chân chính, thật sự mới dám cất tiếng nói quyền uy như thế. Tiếng nói nhất quán trước sau, kêu gọi, hứa hẹn, an ủi, phê phán, thúc giục. . . với nội lực mạnh mẽ.
Tiếng nói ấy rất cần thiết cho cách mạng. Một tiếng hô muôn lời ứng. Tác giả nhân danh cách mạng mà lên tiếng, không phải cá nhân Tố Hữu có quyền uy ấy.
Giọng quyền uy ẩn chứa cả trong lời tâm tình bạn bè nhẹ nhàng tha thiết:
Sài gòn ơi, Huế ơi xin đợi
Tái hợp huy hoàng cả nước non.
Khi tâm tình bạn bè, thơ Tố Hữu tràn đầy tự tin nhiệt tình chứ không phải cao ngạo hách dịch, không phải lệnh trên ban xuống.
Hình tượng tác giả Tố Hữu còn có cái nhìn nhiều chiều của cái Tôi cách mạng: cái tôi cá nhân, cái tôi cộng đồng (cái Ta), cái tôi dân tộc, cái tôi lương tri nhân loại, cái tôi thời đại. Tố Hữu đã mở rộng cái tôi trữ tình.
Và sức hấp dẫn của thơ ông là “cái tôi nhiều vai” ấy. Khi nhà thơ thu hẹp lại trong cái tôi cá thể thì ông lúng túng và bối rối, chẳng hạn trong bài thơ “Bài ca Xuân 61: ” Ba con tôi đã ngủ lâu rồi/ còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi ?”. Tập thơ cuối cùng “Một tiếng đàn” của ông là tiếng đàn cá thể, cô đơn, rất ít tiếng vang trong lòng bạn đọc..
LƯU Ý
Cần phân biệt hình tượng tác giả với “người dẫn chuyện/ người kể chuyện”. Thật ra, hình tượng tác giả lớn hơn, bao trùm cả người dẫn/ kể chuyện. Đôi khi họ trùng lên nhau.
Trong thơ trữ tình, nhân vật trữ tình có thể không đồng nhất với hình tượng tác giả mặc dù xưng “tôi” hay không.
Thơ trữ tình cổ điển không thấy cái “tôi” nhưng vẫn có hình tượng tác giả, bởi vì vẫn có ý thức trữ tình (có người nói thơ cổ điển phi ngã – thực ra chỉ là phi ngã về mặt hình thức).
Mỗi thời đại có một kiểu hình tượng tác giả. Mỗi kiểu vẫn gồm nhiều phong cách tác giả khác nhau.
Trong văn học cổ, hình tượng tác giả đứng biệt lập, tách ra khỏi hiện thực, đứng trên mọi nhân vật.
Văn học cận hiện đại: tác giả không giấu sự thiên vị, có trường phái, tự bộc lộ mình hơn.
Trong Thơ Mới 1930 -1945, cái “tôi” đại diện cho một lớp người mới kêu gọi đòi giải phóng cá nhân.
Mỗi thể loại, thể tài văn học có những kiểu hình tượng tác giả khác nhau. Thi nhân khi làm thơ chữ Hán có phong cách khác khi làm thơ Nôm (khi trang trọng tao nhã, lúc nôm na bình dân: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến…). Chẳng hạn, hai hình tượng tác giả có phong cách rõ nét khác nhau là Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan.
Lịch sử văn học có thể xây dựng bằng lịch sử các kiểu hình tượng tác giả.
KẾT LUẬN
Trong lịch sử nghiên cứu, giảng dạy văn học, đối tượng Văn được tách ra hai nhánh: ngữ học và văn học. Những tác phẩm truyền miệng và văn bản gọi là Văn chương. Hai cặp tương ứng: ngôn ngữ và văn chương là đối tượng của ngữ học và văn học. Thật ra hai cặp là một không thể chia lìa.
Có ý kiến cho rằng nên gọi thi pháp học là “Thi học” với định nghĩa thi học là khoa học về thơ (nghĩa rộng là văn chương). Theo đó, Thi học cũng là văn học như một khoa học nghiên cứu văn chương.
Quan niệm khác, gọi VĂN HỌC là khoa học của mọi thứ văn bản của con người. Nhưng đã có một ngành khoa học gọi là “Văn bản học” hoặc “Phong cách ngôn ngữ học” làm việc đó .
Trước đây người ta chỉ quen đưa ra câu hỏi khi nghiên cứu văn học: cái tác phẩm ấy chuyển tải nội dung tư tưởng gì. Bên cạnh đó, người ta “chiếu cố” tìm ra vài hình thức nghệ thuật của nhà văn như một phần phụ thêm. Chúng ta gọi đó là kiểu “xã hội học”, “chủ nghĩa sơ lược” chứ không phải “nghệ thuật vị nhân sinh” (thử hỏi: nghệ thuật nào không vị nhân sinh, nghệ thuật nằm ngoài nhân sinh hay sao ?).
Thực ra, ngôn ngữ là vật chất. Nhà thơ siêu thực Pháp Paul Valery nhận xét: “bản chất của văn xuôi là để mất đi”. Khi đọc xong một bản văn xuôi (truyện, kí) người đọc đã lĩnh hội được “ý” của nó rồi thì không còn nhớ “lời” của nó nữa. Ngoại trừ thơ! Nhớ thơ là phải nhớ Lời – tức là hình thức gắn chặt với nội dung, với ý. Quên lời là quên tất cả. Ví dụ hai câu thơ sau:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Nếu không chú ý đến hình thức thì chẳng có nội dung gì hết nữa. (Nội dung thường biểu đạt ở động từ, mà hai câu thơ trên không có động từ!)
Vậy là chúng ta phải đi tìm từ hình thức đến nội dung, rồi lại trở về hình thức thì mới hiểu trọn vẹn hai câu thơ.
Chất thơ chính là cội nguồn và thực chất của văn chương, dù là truyện, kí, kịch hay thơ, dân ca, ca dao, thần thoại, cổ tích cũng vậy. Cái còn đọng lại là “chất thơ” – chất thơ của Mị Châu Trọng Thuỷ, Trương Chi, chất thơ của truyện ngắn Nam Cao, kịch Lưu Quang Vũ .v.v.. thậm chí chất thơ trong cả Tuyên ngôn độc lập.
Aristote đã gọi chung nguyên tắc sáng tạo của văn học cổ đại là Poetika ( tiếng Anh là Poetics) tạm dịch là “Thi pháp”. Khái niệm đó cũng được chấp nhận trong thời hiện đại. Tuy nhiên, người ta vẫn ghi rõ: Thi pháp tiểu thuyết, Thi pháp kịch, Thi pháp thơ…
Cần phân biệt khuynh hướng chỉ say mê đi tìm hình thức nghệ thuật của văn chương mà không quan tâm đầy đủ đến nội dung tư tưởng. Khuynh hướng này thực chất là “chủ nghĩa hình thức”, đã từng bị phê phán chỉ trích là “nghệ thuật học tầm thường” hoặc “chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật”. Thi pháp học hiện đại hoàn chỉnh và khoa học hơn hẳn lối nghiên cứu nói trên.
Qua chuyên đề này, cần nắm vững hai khái niệm: Thi pháp và Thi pháp học. Thi pháp thuộc về sáng tạo của tác giả, còn Thi pháp học là công việc nghiên cứu văn học của chúng ta.
Khi nghiên cứu “Thi pháp thời kì văn học”, cần nhớ rằng Thi pháp thời kì (hoặc giai đoạn) đều có tính ước lệ, quy phạm. Bên cạnh đó vẫn có vai trò cá tính sáng tạo (thi pháp tác giả) vừa nhập vào cái chung (thi pháp thời kì) vừa có vai trò đóng góp mới, riêng.
Các bài mẫu phân tích thi pháp trong chuyên đề này đã được sắp xếp theo trình tự của lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một phác thảo công trình Thi pháp học lịch sử – một chuyên ngành củaThi pháp học hiện đại.
Thi pháp trong văn chương thế giới cực kì phong phú, đa dạng. Chúng ta có thể áp dụng lý thuyết Thi pháp học hiện đại để tiếp tục nghiên cứu.
THỰC HÀNH – LUYỆN TẬP
NHỮNG LƯU Ý CẦN THIẾT KHI TÌM HIỂU THI PHÁP
1.Một tác phẩm, tác giả có thể sáng tạo vận dụng một hay nhiều thi pháp.
- Những tác giả, tác phẩm cỡ lớn mới hội đủ các dạng thi pháp, chẳng hạn Truyện Kiều của Ngyễn Du, tác phẩm của Tolstoi, Sholokhov, Hồng Lâu Mộng.
- Một tác phẩm thành công ít nhất phải có một thi pháp.
- Chỉ nghiên cứu thấu đáo một thi pháp cũng đủ hiểu nội dung của tác phẩm và cảm xúc, tư tưởng của nhà văn. Chúng ta hãy coi mỗi thi pháp như một lát cắt ngang/ dọc qua tác phẩm. Lát cắt sẽ bộc lộ nội dung tác phẩm. Vấn đề là chọn lát cắt nào thể hiện nhiều nhất, rõ nhất tác phẩm, tác giả, trào lưu, giai đoạn đó. Người nghiên cứu cần phải chọn đúng hướng tiếp cận đối tượng thì mới đảm bảo thành công.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG SAU ĐÂY CHỨA ĐỰNG THI PHÁP VĂN HỌC
1. Một tác phẩm
2. Một nhóm/ chùm tác phẩm của một tác giả
3. Toàn bộ tác phẩm của một tác giả/ thi pháp tác giả
4. Một trào lưu văn học gồm những tác giả tiêu biểu
5. Một thời đại/ thời kì/ giai đoạn văn học, gồm từ một tới nhiều trào lưu, trường phái, giai đoạn nhỏ.
6. Một thể loại văn học (xuyên suốt một thời kì hoặc toàn bộ lịch sử văn học dân tộc).
BÀI 1 – Thi pháp thơ Bà huyện Thanh Quan
Nghiên cứu 4 bài thơ của bà, chúng ta xác định được Thi pháp tác giả. Chúng ta hãy xem yếu tố nào được lặp đi lặp lại trong suốt mọi tác phẩm của tác giả. Sau đó tìm hiểu quan niệm triết học của tác giả chi phối việc sử dụng yếu tố nào đó, cũng có thể là triết lí dân gian hoặc “triết lí không ý thức”. Đó là thi pháp tác giả.
Qua bốn bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy không gian, thời gian từ ngữ Hán – Việt (lời văn) là những yếu tố gây ấn tượng đậm nét với người đọc.
KHÔNG GIAN
“Bãi vắng bên sông, đèo Ngang hoang vắng tiêu điều, chùa Trấn Bắc vắng vẻ, ngay cả Hồ Gươm tuy đông người qua lại nhưng bà vẫn miêu tả là vắng vẻ (mục hạ vô nhân)”…
Vậy chúng ta nhận xét: Không gian nghệ thuật ”cảnh vắng vẻ” là nơi bà ưa thích để trầm tư một mình, vui với cảnh cô đơn.
Hãy tìm hiểu ý nghĩa của những cảnh khác:
- Một ngư ông lặng lẽ đi về cuối phố
- Một thằng bé chăn trâu gõ sừng đi về xóm xa
- Lom khom dưới núi tiều vài chú
- Dặm liễu sương sa, một người khách bước dồn, gấp gáp cho kịp trước khi tối
- Lũ trọc đầu ngẩn ngơ ở chùa Trấn Bắc
THỜI GIAN
- Bóng tịch dương
- Bóng xế tà
- Bảng lảng bóng hoàng hôn
Ý nghĩa chung của không gian và thời gian trong thơ Bà huyện Thanh Quan là gì ?
Cảnh vật và thời gian hoà quyện mật thiết với nhau. Cảnh vắng vẻ là nơi bà lựa chọn, bà thích cô đơn vì chẳng có bạn tri âm. Nếu có người trong cảnh ấy thì mờ nhạt, câm lặng, không đáng chú ý (lũ sư trọc đầu, ông lão, thằng bé, mấy chú tiều phu…). Đặc biệt có một không gian tâm tưởng ở bờ hồ Hoàn Kiếm – nơi trung tâm náo nhiệt của kinh đô – nhưng bà coi như không có gì trong mắt – chỉ còn “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Và bà chợt tìm thấy kẻ tri âm tri kỉ, ấy là “đá vẫn trơ gan, nước còn cau mặt” – cảnh vật cũng biết tỏ thái độ đồng tình với bà. Chỉ có nữ sĩ với đá và nước “trơ gan” không thể hoà nhập vào dòng đời – thời nhà Nguyễn (còn có con quốc quốc và cái gia gia biết kêu thương nữa).
Cảnh tượng suy tàn, mòn mỏi, uể oải, ngưng đọng như bị tách ra khỏi dòng chảy của đời sống. Nhà thơ tìm chỗ ẩn ở đó, chối từ dòng đời cuộn chảy . Vậy là bà phủ định hiện thực hiện tại, bà chỉ tìm ở đó chút gì của qúa khứ. Do vậy chúng ta bảo thơ bà chỉ có một niềm hoài cổ.
Bà chỉ một niềm nhớ thương, tiếc nuối một cái đẹp cũ – thời quá khứ vàng son của nhà Lê thịnh trị ngày xưa. Không còn hy vọng gì nữa bởi bà là người thức thời, bà chỉ biết đau mà kêu kên bằng tiếng thơ trầm lắng, kín đáo, thế thôi !
Thơ hoài cổ của bà không hề có ý nghĩa tiêu cực. Thực ra nó mang cảm hứng tích cực – tỏ thái độ bất mãn với thời Trịnh -Nguyễn đảo điên mục nát. Thơ bà nhớ thoương những cái đẹp cũ chứ không phảo bất cứ cái gì của quá khứ.
Thơ bà Huyện Thanh Quan là một tấn bi kịch.
BÀI 2 – Thi pháp thơ cổ điển Việt nam
(Mấy đặc trưng thẩm mĩ của thơ cổ điển Việt Nam)
Ở đây thi pháp thể loại trùng với thi pháp thời kì cổ điển
2.1 – Một số quan niệm triết học cổ
1. Con người và giới tự nhiên gắn bó với nhau theo các quy luật Âm – Dương, Tam tài và Ngũ hành tương sinh tương khắc, kể cả Bát quái. Thiên nhiên vẫn giữ vai trò quyết định, con người chịu phụ thuộc:
- Sao băng (rơi xuống) à vua chết
- Sao chổi à loạn lạc
- Gió thổi gãy cờ (suý) à thua trận
- Mả táng hàm rống à dòng họ phát đạt
- Tiếng cú, quạ kêu à điềm gở sắp xảy ra
2. Thiên nhiên được coi là bạn tri âm tri kỉ của con người, có thể chia sẻ tâm sự, nương nhờ vào thiên nhiên, giao hoà với cảnh vật.
3. Con người lo sợ rơn ngợp trước không gian lớn lao, xa cách, thích sống yên tĩnh với ruộng vườn (đặc trưng văn hoá nông nghiệp lúa nước – xem giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam )
4. Con người chưa nhận thức được sự vận động tiến lên không ngừng của thế giới, họ chỉ thấy chu kì tuần hoàn của thời gian (Lịch âm dương, một chu kì 60 năm gọi là một Hội – tương ứng với một triều đại).
5. Tin tưởng vào những giá trị cũ được thử thách cần được bảo tồn như mẫu mực. Tính kế thừa được đề cao. Thủ pháp ước lệ chính là dựa vào những chi tiết đã được gọi là chuẩn mực. (Ví dụ anh hùng thì phải cao lơn, giai nhân thì yểu điệu thục nữ… )
6. Cái đẹp cân đối hài hoà, hoàn chỉnh, trong đó đạo đức là trung tâm, quan trọng nhất: “văn dĩ tải đạo, văn dĩ minh đạo”, Câu văn cũng phải cân đối mới hay: thơ luật, văn biền mẫu, lục bát. Đặc biệt nhiều cảnh tế nhị được miêu tả dồn nén, lược qua, không muốn tả tỉ mỉ.
7. Khó chấp nhận cái mới, cách tân .
2.2. Mấy đặc điểm ngôn ngữ cổ
Quan niệm triết học kể trên chi phối cách dùng ngôn ngữ – trước hết là lời văn nghệ thuật
- Lời thơ trữ tình ngâm vịnh
Thiên nhiên tự biểu hiện thông qua tâm hồn nhà thơ. Hai bên tương thông với nhau, chẳng hạn: gió nhẹ à tâm hồn nhà thơ xao động, gió yên à tâm hồn nhà thơ cũng bình lặng. Gió ào ạt à tâm trạng nổi sóng.
Nhà thơ Nho giáo coi mình như cây trúc, cành trúc phát tiếng động khi có gió thổi qua. Nếu không tất cả là hư không.
- Lời thơ kí thác
Nhận thức của thi nhân tiến thêm bước nữa: họ có thể gởi gắm tâm sự vào thiên nhiên mà không cần nói thẳng cảm xúc, ý nghĩ của mình. Do đó lời thơ vô nhân xưng. Họ coi tâm sự mình là của thời đại, chẳng phải của riêng mình. Nói cách khác, họ gán tâm sự mình cho cả thời đại – cũng khoa trương. Gửi thơ cho bạn là để thử tìm bạn tri âm. Bốn câu thơ đầu bài “Cảnh chiều hôm” của Bà Huyện Thanh Quan chỉ tả cảnh chứ không nói gì về mình (trời chiều bảng lảng…), chỉ một câu nói về “khách” (thực ra là chính mình)
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Cứ để cho tiếng thơ lắng xuống chúng ta sẽ nghe ra được tâm sự thi nhân.
Thơ quốc âm của Nguyễn Trãi và Bà Huyện Thanh Quan kín đáo nhưng vẫn khác nhau, cảm hứng Nguyễn Trãi hăng say còn Bà Huyện thì uể oải. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du nồng nàn mạnh mẽ hơn vì cần nói trực tiếp ý mình.
3 – Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của thơ cổ điển
- Thời gian nghệ thuật
Khái niệm thời gian vũ trụ lấn át thời gian lịch sử. Họ khọng thấy sự vận động của lịch sử dù sao vẫn tiến lên phía tương lai dù có phải thăng trầm.
Họ tính thời gian bằng “nghìn thu/ kim cổ” hoặc chu kì “cơn bĩ cực/ kì thái lai” đi cùng với một triều đại, một dòng họ. Đời người tính gọn là “cuộc trăm năm, cuộc vuông tròn” hoặc cuộc bể dâu”. Họ lo sợ thời gian làm mòn mỏi, kéo lê thê đời người. Họ cũng sợ thời gian kéo dài làm mòn mỏi cả giá trị cổ xưa đẹp đẽ. Tâm trạng hoài cổ tích cực khi một thời tốt đẹp đã qua. Họ trách thời gian vô tình, thật ra thời gian tích cực, xoa dịu nỗi đau, hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Từ đó có lối thơ “tức cảnh/ tức sự” mạn hứng, nghĩa là có sự xung đột giữa tâm trang, ý thức thời gian của nhà thơ với cảnh vật (không gian xung quanh). Khi nhà thơ tìm ra cách giải quyết xung đột tạm thời thì hoàn thành bài thơ (Nguyễn Khuyến viết: Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái – vận dụng câu thơ của Thôi Hiệu và Nguyễn Du: Đào hoa y cựu tiếu đông phong, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông – các thi nhân đều nhận lầm hoa đào năm nay thành năm ngoái).
- Không gian nghệ thuật
Không gian cũng như thời gian là hình thức tồn tại của thế giới và cuộc đời. Trong ca dao, không gian chủ yếu là cảnh làng quê, bến nước, gốc đa, hàng dâm bụt, cảnh sinh hoạt gần gũi thân thiết giản dị.
Trong thơ ca bác học, không gian trở nên trừu tượng hoặc ước lệ. Đó là không gian vũ trụ vô tận mà cõi trần chỉ là nhỏ bé chật hẹp. Thiếu vắng không gian xã hội cộng đồng và không gian lịch sử. Họ đi tìm núi cao, đám mây trôi, một con hạc cô đơn, một tiếng chim hót báo hiệu vũ trụ (không nói rõ chim gì), một bông hoa ( ? ), một mái chùa… còn thi nhân/ nhân vật trữ tình thì cô đơn, ngồi lặng, bó gối, hoặc tưới hoa, ôm cần câu… Không gian tùy thuộc cảm hứng (Nho, Phật, Đạo- xem lại Giáo trình Văn học Trung Quốc- phần Đường Thi)
Càng về sau, nhất là đến cuối thế kỉ 19 đầu 20, không gian thơ mở rộng dần, cho nhập cư thêm vợ, con, trâu bò gà vịt, và đủ mọi loại người bình thường, tầm thường lẫn sang trọng trong xã hội, chẳng hạn thơ Nguyện Khuyến, Tú Xương.
Xét về kích thước không gian trong thơ cổ điển ta có thể phân loại như sau:
- Không gian lên cao: Nơi thi nhân đến cho tâm hồn phóng khoáng, ý chí cao xa, lánh cõi tục nhất thời để được tự do tư tưởng.
- Không gian lữ thứ: Quán trọ, đường xa, cũng lánh đời, tự thử thách trui rèn bản thân.
- Không gian nhỏ hẹp: Phòng văn, con thuyền cô độc, tấm rèm, song mai, song trúc. Thi nhân sống một mình nhưng vẫn ngỏ cửa nghe ngóng, liên lạc với cuộc đời.
- Không gian cộng hưởng: đôi khi thi nhân gặp nơi nào đó một sự đồng điệu với mình: Long lanh đáy nước in trời/ thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. Cảnh trời nước ấy thật đẹp đẽ huy hoàng như tâm hồn chàng Thúc Sinh sắp được gặp lại Kiều. Chàng nhìn thấy không gian tĩnh mà thấy nó động theo mình. Trái lại, Bà Huyện Thanh Quan lại biến một không gian động thành tĩnh lặng cùng với mình (bờ Hồ Hoàn Kiếm trong bài Thăng Long thành hoài cổ). Họ đều thoả mãn.
Trên đây chúng tôi nêu ra một số không gian tiêu biểu của Thơ cổ điển. Mặc dù quan niệm thơ cổ điển khá cứng nhắc về không gian nhưng thực tế không gian nghệ thuật của họ cũng khá phong phú, điều đó tuỳ thuộc óc quan sát nhạy bén của thi nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bài giảng Thi pháp học hiện đại của GS Trần Đình Sử năm 1987 tại ĐHSP Hà Nội
- Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học. Tác giả Khravchenko Nxb Tác phẩm mới . H 1978
- Số phận của tiểu thuyết . Nhiều tác giả, TPM – 1983
- Lí luận văn học tập 3 . Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam… NxbGiáo dục,1988
- Văn học phương Tây I – II – III . Nxb GIÁO DỤC. 1986 -90 – 92
- Thuật ngữ văn học . Lê Bá Hán, Trần Đình Sử. GD 1992
- Một số vấn đề thi pháp học hiện đại. Trần Đình Sử. Chuyên đề Cao học, ĐHSP Hà Nội 1, năm 1986
- Lí luận và thi pháp tiểu thuyết. M. Bakhtin. Phạm Vĩnh Cư dịch.
Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản . 19929.
9. Mấy vấn đề thi pháp Lỗ Tấn. Gs Lương Duy Thứ, ĐHSP Huế. 1992
10. Nghĩ tiếp về Nam Cao (Viện văn học)
11. Thi pháp Thơ Mới (Đỗ Lai Thúy)
12. Thi pháp thơ Tố Hữu. Trần Đình Sử. TPM. 1987
13. Thi pháp tiểu thuyết L. Tolstoi . Nguyễn Hải Hà. NxbGiáo dục. 1991
14. Thơ cổ điển Việt Nam, hình thức và thể loại. Lê Hoài Nam.Nxb Giáo dục. 1993
15. Báo Văn Nghệ, “Khai bút về Thi pháp và Thi pháp học, GS Trần Thanh Đạm. 1995
16. Một số bài viết thực hành thi pháp học. Phùng Hoài Ngọc, Chuyên san Sở Giáo dục An Giang, Tạp chí Thất Sơn, An Giang từ 1992 – 1995
17. “Không gian nghệ thuật, một hướng tiếp cận Thơ Đường”. Đề tài nghiên cứu của Phùng Hoài Ngọc. GS Lương Duy Thứ nhận xét phản biện, Trường Cao Đẳng Sư phạm An Giang nghiệm thu 1993 – 199
18. Và nhiều tài liệu khác.
Phùng Hoài Ngọc
Đại học An Giang 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét