Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

“Con người dưới đáy” trong một số truyện ngắn hiện thực tiêu biểu của Macxim Gorki ( phần 3 )

Chương 2:   HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “CON NGƯỜI DƯỚI ĐÁY”

 1. SỰ SA ĐOẠ, TỘI LỖI TRONG NHỮNG CẢNH ĐỜI CÙNG KHỔ TỐI TĂM
Những năm 90, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở Nga. Nông thôn ngày càng thu hẹp, thay vào đó là các thành phố ngày càng được mở rộng. Dù bấy giờ ở nước Nga đô thị rất phát triển nhưng đời sống của nhân dân Nga rất cùng cực và khốn khổ.
Ở nước Nga nửa cuối thế kỉ XIX, hằng năm có nạn đói nhỏ, ba năm một lần có nạn đói trung bình, năm năm một lần có nạn đói lớn và mười năm một lần có nạn đói khủng khiếp. Nạn đói năm 1891 – 1892 lan tràn khắp 30 tỉnh, làm cho hàng triệu người chết. Những người còn sống thì phải lênh đênh trôi nổi khắp nơi để tìm việc làm mà sống. Trong những năm 90, số người đi lang thang để tìm cách sinh sống lên đến năm triệu người. Gorki rất quan tâm chú ý đến cuộc sống của những người du thủ du thực này. Đối với họ, ông rất đồng cảm và thương yêu. Bởi vì bản thân ông cũng là người chung hội chung thuyền với họ nên ông thật sự hiểu được cuộc sống khốn cùng của họ, những “con người dưới đáy” xã hội.
Sống trong cái xã hội mà theo Lênin, bọn quan lại đã “giăng một mạng nhện chằng chịt và con người giãy giụa như ruồi trong cái mạng nhện ấy” [3, 424]  thì đời sống của người dân ngày càng nghẹt thở. Hơn nữa lúc bấy giờ nạn đói – hậu quả của phong trào vô sản hoá nông thôn – là một nỗi ám ảnh rất đáng sợ đối với nhân dân. Không có việc làm, họ phải lăn lộn với sóng gió cuộc đời để xin việc, nhưng khổ nỗi “trên trái đất này lại không đủ công việc cho người ta làm và con người phải tốn bao nhiêu công sức mới tìm được việc” [ 8, 71 ]. Chính vì thế mà EmiLian Pilai và người bạn đường của anh ta không tìm ra được một việc làm ngay trên thành phố cảng lớn của nước Nga – Ôđexxa.
Emelian Pilai (truyện Emelian Pilai) và người bạn đường của anh ta phải trôi dạt muôn phương trong lúc không có gì trong bụng suốt mấy ngày liền. Cuối cùng họ quyết định đi làm muối, “đấy là việc khổ sai…chẳng ai làm được lâu. Bao nhiêu người phải bỏ đấy mà chuồn…không chịu nổi” [ 8, 71 ], và tiền lương thì với giá lột da xẻo thịt 60 cô – pêch mỗi ngày.
Trước tình cảnh khốn khổ, Emelian Pilai nhìn lại cuộc đời đã qua của mình và thấy rằng không có gì là tốt đẹp cả. Anh nhận ra rằng mình đã hơn 47 tuổi đầu mà còn tệ hơn một con chó “không có cái ổ mà nằm, không có miếng xương mà gặm” [ 8, 62 ]. Con người khốn cùng ấy đã bị dồn vào chân tường và anh đã phản ứng lại một cách tiêu cực.
Từng làm chạy hàng cho một ông chủ gỗ, thế nhưng Emelian Pilai đã dần dần trở nên sa đoạ. Anh sinh ra uống rượu và đã ngốn mất của ông chủ hết 60 rúp. Thế rồi anh bị đưa vào tù. Sau khi ra tù, không xin được việc làm hơn nữa nạn đói lại mấp mé dưới chân, Emelian Pilai nghĩ rằng chỉ còn một lối thoát duy nhất là đi giết người cướp của, anh sẵn lòng “mua hạnh phúc của mình bằng tính mạng của kẻ khác” [ 8, 58 ]. Theo lời lão Paven Pêtrôp – một tên có cách làm ăn mập mờ, mở quán rượu và chuyên tàng trữ đồ lấy trộm, bao đủ các thứ du côn và che giấu những việc của chúng – thì anh quyết định phục kích giết chết Ôbaimôp – một lão lái buôn – để cướp tiền. Thế nhưng sự việc không thành.
Qua cuộc đời khốn khổ và tội lỗi của Emelian Pilai, Gorki đã phơi bày ra ánh sáng bản chất đê tiện xấu xa của bọn thống trị dã man, những kẻ tàn nhẫn đã bóc lột con người đến tận xương tuỷ, cướp hết mọi quyền sống của con người dù đó là quyền được lao động.
Không chỉ Emelian Pilai, Tsencasơ ( tác phẩm Tsencasơ) từng là một nông dân hiền lành, lớn lên đi lính và là một chàng lính cận vệ khoẻ mạnh, đẹp trai, khéo léo. Nhưng sống giữa cái xã hội ngột ngạt lúc bấy giờ, anh đã trở nên sa đoạ. Suốt mười một năm trời đi du đãng, Tsencasơ trở thành “một tay nghiện rượu khét tiếng và là một tên ăn cắp khéo léo, can đảm” [ 8, 168 ]. Cuộc sống của anh trên bến tàu như “một con sói già bị săn đuổi“, nhưng với bản tính “ngang tàng và táo tợn” nên anh cứ ngang nhiên lấy cắp ở đó để sống. Bởi vì y cần tiền và “y sẽ chơi bời thoã thích khi trong túi y có những tờ giấy bạc” [ 8, 172 ].
Tsencasơ chính là sản phẩm của cái xã hội đầy rẫy những ung nhọt và bất công. Cái xã hội đã làm cho con người bị tha hoá và nó sẵn sàng hất cổ họ ra bên lề cuộc sống một cách tàn nhẫn. Sống trong cái xã hội này, Tsencasơ chỉ là một con người mà nếu bị giết chết thì không ai vì hắn  mà làm ầm ĩ lên, bởi vì “hắn là con người thừa trên trái đất! Ai hơi đâu mà bênh vực hắn” [ 8, 208 ]. Tsencasơ ý thức được điều chua chát ấy và anh vẫn cứ ngang nhiên sống trong cái xã hội đó. Cuộc sống của anh ở đó như đám mây đen chập chờn trong mắt bọn lính đoan mà lúc nào chúng cũng muốn dùng những bạo lực của tù dày để xoá tan nó đi.
Mùa thu năm 1892, nước Nga bị khủng hoảng kinh tế. Hàng triệu người dân Nga trên những nẻo đường của nước Nga mênh mông phải chịu đói khổ và trôi dạt bốn phương. Hai ông cháu của Lionka (truyện Lão Arkhip và bé Lionka) trên đường xin ăn kiếm sống đã nói rằng, ở nước Nga đói lắm “cả gián cũng chết đói” huống chi là người. Để chống lại cái đói, lão Arkhip đành đi ăn cắp và cuối cùng hai ông cháu phải nhận cái chết đầy bi thảm.
Trong truyện Người bạn đường của tôi, ta lại bắt gặp hình ảnh những người dân đói lũ lượt kéo nhau đi thành từng đoàn để tìm việc. Cả bốn trăm con người ở Fêôđôxia đều mơ ước có được việc làm như tác giả và người bạn đường của anh ta. “Nhưng rồi họ cũng đành sắm vai trò những kẻ đứng xem người ta xây đập…khắp nơi – cả trong thành phố lẫn các vùng xung quanh – từng toán   dân đói  mặt mày xám ngắt, chán nản, đi lang thang vơ vẩn và những kẻ du đãng vùng Azôp và Tavri sục sạo như bầy chó sói” [ 8, 228 ].
Không có việc làm, “người bạn đường” của tác giả đã quyết định đi ăn xin. Nhưng không phải đi ăn xin là có được miếng ăn, là được sống, vì “bọn ăn xin các người nhiều quá“, họ kéo nhau thành từng  “bọn” với vẻ hốc hác, thảm hại, chỉ hi vọng kiếm được một chút gì đáp ứng cho cái dạ dày rỗng tuếch, dù đó là một mẩu bánh mì.
Không chỉ chịu cảnh đói khổ, lang thang mà đi đến đâu những người này đều bị cảnh sát xua đuổi đến đó. Khi tác giả và người bạn đường của anh ta đến Kecsơ thì “tất cả những kẻ vô dụng – bọn chân đất – đã bị đuổi ra khỏi Kecsơ” [ 8, 230 ]. Họ buộc phải nấp ngủ dưới chân cầu ván ghép bắc từ bến kè lên để tránh sa vào tay cảnh sát.
Người thất nghiệp đã thế còn người có việc làm thì cũng chẳng hơn gì. Hai mươi sáu anh thợ làm bánh mì (truyện Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái) vốn là những người lao động tự do nhưng họ chẳng khác gì những tên tù khổ sai dưới sự bóc lột tàn nhẫn của các ông chủ tư sản.
Hai mươi sáu anh thợ làm việc như hai mươi sáu người tù, “hai mươi sáu cái máy sống bị nhốt trong hầm nhà ẩm ướt“. Họ kể, ở đó họ “nhào bột từ sáng đến tối làm bánh sữa và bánh mì khô…ông chủ rào sắt ở bên ngoài cửa sổ để chúng tôi không thể đem những mẩu bánh mì của ông ta cho những người ăn xin và những người bạn của chúng tôi đang đói vì không có công ăn việc làm…buổi trưa ông ta cho chúng tôi ăn lòng thối thay cho thịt” [ 8, 484 ]. Họ sống trong cảnh ngột ngạt tối tăm, ẩm thấp và họ chỉ biết cử động tay, ngón tay như cái máy. Họ chán nản, họ buồn và họ “mượn lời người khác hát lên nỗi đau xót âm thầm của mình, hát lên nỗi buồn của những con người sống thiếu ánh mặt trời, nỗi buồn của những kẻ nô lệ… Hai mươi sáu con người trong căn hầm của toà nhà đá lớn, sống cực khổ đến nỗi có cảm giác như cả ba tầng của toà nhà này đều xây hẳn trên vai” [ 8, 487 ].
Xã hội thật bất công với họ. Ông chủ của họ là “một tên biển lận, một kẻ lừa bịp, quân bất lương và thích hành hạ người khác” [ 8, 487 ] và họ phải chịu đựng trong sự tàn ác đó. Hơn nữa, đi đến đâu họ cũng bị cảnh sát xua đuổi đến đó. Vào những ngày lễ những người thợ khác thì quần áo bảnh bao đi đến vườn hoa thành phố dạo chơi, còn hai mươi sáu anh thợ thì “quần áo rách rưới, bẩn thỉu, chân quấn giẻ hay đi dép bện bằng vỏ cây, cảnh sát không cho họ đến vườn hoa thành phố “. Tuy sống trong cảnh tối tăm bẩn thỉu, nhưng họ vẫn cố thắp lên cho mình những tia hi vọng. Và họ gởi niềm hi vọng của mình vào Tania nhưng cuối cùng họ đã vỡ mộng. Họ vây quanh chửi mắng Tania thậm tệ. Nhưng rồi cuộc sống tối tăm, cực khổ vẫn vây quanh họ. Họ chỉ biết “lẳng lặng trở vào cái hầm đá ẩm thấp“, và “vẫn như trước kia mặt trời không bao giờ nhìn vào cửa sổ (họ) và Tania không bao giờ đến nữa” [ 8, 504 ].
Dường như số phận của những “con người dưới đáy” này chỉ được an bài trong cuộc sống tối tăm ngột ngạt, thiếu ánh sáng mặt trời, nếu như họ không phải lang thang phiêu dạt hoặc ăn xin. Cuộc sống của hai vợ chồng anh thợ giày Orlôp ( truyện Vợ chồng Orlôp) trong căn hầm nhà “tối tăm, ẩm thấp, toả ra mùi mốc, mùi nước sôi và mùi da thối” [ 8, 404 ] đã khiến cho Grigori Orlôp luôn cảm thấy nhàm chán, bứt rứt, suốt ngày anh chỉ biết uống rượu và đánh vợ :
Trong tâm hồn anh, tất cả đều lộn xộn và nặng trĩu, và anh đành buông mình theo những cảm giác nặng nề trong lòng mà không hiểu rõ ra sao nữa, chỉ biết rằng nửa chai vôtka là liều thuốc duy nhất có thể làm anh nhẹ lòng“  [ 8, 407 ].
Nhưng vòng quay của nhịp sống vẫn cứ quay và anh cũng bị cuốn hút vào vòng xoáy đó, anh lại cũng làm việc, cũng sống trong căn “phòng ẩm ướt tẻ nhạt. Cuộc sống nhộn nhịp ở đâu đó bên trên, còn ở đây nó chỉ để lọt tới những âm thanh vang vẳng, mơ hồ, từng cụm không màu sắc quợn lẫn với bụi rơi xuống cái hố của vợ chồng Orlôp” [ 8, 411 ]. Họ làm việc, họ chán nản và họ hát lên những lời buồn tẻ cho cuộc sống đen tối của mình:
Ôi, cuộc đơ-ơi…cuộc đời chó chết của ta ơi…
Ngươi chỉ là một chuỗi buồn! Ôi chuỗi buồn đáng nguyền đáng rủa
Chuỗi buồn đáng nguyền đáng rủa của ta, ôi!…
[ 8, 413 ]
Là vợ chồng với nhau nhưng họ nói chuyện với nhau không bằng những lời âu yếm thiết tha mà bằng những lời thô lỗ, tục tằn và độc địa. “Họ yêu nhau, nhưng sống buồn tẻ, họ không có những cảm xúc và hứng thú có thể thoả mãn nhu cầu tự nhiên của con người là xúc động, suy nghĩ, và nói chung là sống. Giá vợ chồng Orlôp có một mục đích sống dù chỉ là mục đích góp nhặt từng xu, thì chắc chắn họ sống sẽ thoải mái hơn. Nhưng họ không có cả mục đích như thế ” [ 8, 414 ].
Cuộc đời đối với họ như cái hố tối tăm, chật chội và ngột ngạt, đã chôn sống họ. Điều đó đã khiến Orlôp cảm thấy tức tối mà thốt lên rằng: “Hỡi ơi, cuộc sống! Ngươi là chốn tù đày tuyệt diệu“[ 8, 420 ]. Vợ anh có ý định thay đổi chỗ ở để cho cuộc sống có gì đó mới mẻ hơn nhưng dù anh có thay đổi chỗ ở thì vẫn thế thôi, vẫn là sống trong cái “hố” tối tăm, ngột ngạt, không có gì tốt đẹp hơn lên vì “cuộc đời là cái hố“.
Họ cứ sống như thế hết ngày này sang ngày khác. Mà thật ra họ là những con người không đến nỗi tồi tệ lắm, họ sống và chờ đợi một cái gì xảy đến phá tan tành cuộc sống lố lăng đến khốn khổ của họ” [ 8, 422 ].
Gorki có sự tiếp thu truyền thống là miêu tả những bi kịch của con người nhưng ông có nét khác so với các nhà văn dân chủ Nga những năm 60. Đó là ông đi sâu miêu tả những bi kịch của những người cùng khổ nhưng ông không coi việc miêu tả tỉ mỉ bi kịch đó là mục đích chính của mình, mà ông đi sâu vào thế giới nội tâm, tìm hiểu những phẩm chất tốt đẹp, khám phá những khả năng tiềm tàng, những khát vọng hướng tới một cuộc cách mạng lớn lao trong những con người khốn cùng này. Đây cũng là một trong những đặc điểm quan trọng mà chúng tôi muốn trình bày.
2. NHỮNG THỂ HIỆN PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP CỦA NHÂN VẬT “CON NGƯỜI DƯỚI ĐÁY”
2.1.  Lòng khát khao về cuộc sống mới, tốt đẹp
Cứ tưởng rằng sống giữa chốn bùn nhơ đen tối thì những “con người dười đáy” sẽ bị vùi lấp đi bao mơ ước khát vọng của mình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn ấp ủ bao ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và nhân đạo.
Tsencase (tác phẩm Tsencase) ngoài cái vẻ của một tên cướp khét tiếng, ghê tợn, trong tâm hồn anh vẫn có những giờ phút thơ mộng để giao cảm với thiên nhiên. Anh yêu mến ngắm nhìn biển tươi đẹp, và ngắm nhìn không biết chán. Đối diện với biển, anh quên đi bao ý nghĩ tội lỗi:
Y, một kẻ cắp, y yêu biển. Cái bản tính nóng nảy sôi nổi, thèm khát cảm giác của y không bao giớ biết chán khi ngắm nghía khoảng rộng đen tối, bao la, tự do và dũng mãnh này…Ngồi ở cuối thuyền y bẻ tay lái rẽ nước và bình tĩnh nhìn về phía trước, lòng tràn ngập niềm mong muốn được đi lâu và xa trên làn nước phẳng lặng, mịn mượt như nhung này” [ 8, 183 ].
Nếu như Gavrila cảm thấy ngợp thở trước cái yên lặng và vẻ đẹp tối tăm của biển thì đối vối Tsencase, biển như là thứ nước thánh thiêng liêng của chúa trời, nó có thể rửa sạch mọi tội lỗi của y:
Ở ngoài khơi, trong lòng y bao giờ cũng dậy lên một tình cảm rộng lớn ấm áp, tình cảm ấy choán hết tâm hồn y, tẩy rửa hết những cái nhơ nhớp mà đời sống hằng ngày đã in sâu vào tâm hồn. Y quí trọng tình cảm ấy và thích thấy mình trở nên tốt đẹp hơn ở nơi đây, giữa khoảng trời nước bao la, nơi mà mọi ý nghĩ về cuộc sống  bao giờ cũng bớt gay gắt và bản thân cuộc sống bao giờ cũng mất giá trị. Đêm đêm, tiếng thở nhẹ nhàng trong giấc ngủ của biển bay bổng trên mặt nước bao la. Cái âm thanh mênh mông ấy truyền sự bình tĩnh vào tâm hồn con người, dịu dàng thuần hoá những dục vọng độc ác điên cuồng, khơi lên trong lòng người bao mơ ước mãnh liệt” [ 8, 184].
Suốt 11 năm trời sống cuộc đời một tên du đãng nhưng trong tâm trí của Tsencase  những kí ức tốt đẹp xa xăm không bao giờ mất đi và cái dĩ vãng tốt đẹp của cuộc đời xa xưa luôn hiện về trước mắt y: “Y đã kịp thấy y lúc trẻ thơ, làng quê y, mẹ y – người thiếu phụ má đỏ, mũm mỉm, có đôi mắt sáng hiền hậu – và bố y – người đàn ông cao lớn đồ sộ, có bộ râu cằm hung và khuôn mặt nghiêm khắc. Y thấy mình là chú rể và thấy vợ y, cô Anfixa mắt đen có bím tóc dài, người đẫy đà, dịu hiền, vui tính, và y lại thấy mình là chàng lính cận vệ đẹp trai…Y thấy cả cái cảnh làng xóm đón tiếp y khi y hết hạn tòng ngũ trở về. Y thấy bố y hãnh diện như thế nào trước cả làng về thằng “Grigori của mình“. Những kí ức ấy “đã làm sống lại những hòn đá của dĩ vãng và nhỏ những giọt mật vào chén thuốc độc mà hồi xưa người ta đã uống…Tsencase cảm thấy mình được tắm trong luồng không khí thân thuộc âu yếm, làm cho lòng y dịu lại. Luồng không khí thân yêu ấy đưa đến tai y cả những lời âu yếm của mẹ, cả những lời lẽ trang nghiêm của ông bố nông dân giàu nhiệt huyết, vô số âm thanh đã bị quên lãng và nhiều mùi thơm nồng đượm của đất mẹ vừa mới tan băng, mới cày và vừa được bao phủ một lớp lúa thu óng ả như tấm lụa màu ngọc bích” [ 8, 199 ]. Càng thả hồn trong những kí ức hạnh phúc bao nhiêu, thì khi nhìn lại hiện tại, Tsencase càng ý thức được những nỗi bất hạnh, cô độc của mình bấy nhiêu: “Y cảm thấy y là kẻ cô độc, bị vứt ra và vĩnh viễn bị gạt ra khỏi cái cuộc sống đã sản sinh ra dòng máu hiện đang chảy trong mạch y” [ 8, 199 ]. Điều đó càng làm cho ta quí mến hơn con người có dáng vẻ dữ tợn này.
Dù sống, lao động trong không khí ngột ngạt, ẩm thấp, chật chội nhưng hai mươi sáu anh thợ ( truyện Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái) vẫn tràn đầy mơ ước về một ánh sáng tốt đẹp, xa xăm. Họ nhắm nghiền mắt và cất cao ước mơ của mình bằng tiếng hát “và có lẽ anh hình dung những làn sóng âm thanh đậm đà bao la ấy là con đường dẫn về một nơi xa xăm rực rỡ ánh mặt trời – đó là con đường rộng lớn và anh thấy mình đang đi trên con đường đó”       [ 8, 487 ]. Ngoài những bài hát, họ còn có một cái gì tốt đẹp nữa để tắm mát những tâm hồn khốn khổ và khô cằn của mình, và có lẽ đối với họ “nó thay cho mặt trời“. Đó là mỗi buổi sáng họ được nhìn thấy Tania – một khuôn mặt nhỏ, xinh xắn hồng hào có cặp mắt xanh và vui vẻ – đến lấy bánh sữa. Trước mặt cô, họ tự cho mình là “những kẻ bẩn thỉu, tối tăm xấu xí“. Đối với họ, Tania như ngôi sao băng thoáng hiện rồi biến mất nhưng đó là nguồn sống hằng ngày không thể thiếu đối với họ. Họ tự dựng cho mình một hình tượng tốt đẹp về Tania. Họ cho rằng những người đàn bà mà họ biết đều là những kẻ chỉ đáng nghe những lời trơ trẽn thô lỗ nhưng đối với Tania thì họ không bao giờ dám nói những lời như thế. Họ “nói với cô bằng những lời đặc biệt – những lời …chỉ dành riêng cho cô. Trong lúc chuyện trò với cô, giọng nói (họ) dịu dàng hơn, những lời bông đùa cũng nhẹ nhàng hơn” [ 8, 488 ]. Với họ – “những con bò đực đần độn” – thì cô như một thiên thần sống giữa chốn bùn lầy mà họ phải tôn sùng. Việc giao bánh cho cô được họ xem như là một thứ nghi lễ thiêng liêng, “việc đó trở thành một lễ cúng hằng ngày hiến dâng thần tượng” [ 8, 490 ].  Họ cảm thấy sung sướng và hãnh diện khi được giúp đỡ cô mọi việc và không dám đòi hỏi ở cô một điều gì. Họ xem cô là nguồn hi vọng, nguồn ánh sáng duy nhất sẽ chiếu sáng vào cuộc sống tối tăm, ngột ngạt của họ. Họ nói: “Chúng tôi phải yêu Tania, bởi vì chúng tôi chẳng còn ai để mà yêu” [ 8, 490 ].
Nhìn thấy bao cô thợ khác chết mê chết mệt vì anh lính đẹp trai khoẻ mạnh, mới vào làm thì trong lòng hai mươi sáu anh chàng này lại không một chút mải may nghi ngờ gì về Tania. Họ luôn tin tưởng vào sự vững vàng của cô. Họ nói: “Tania ấy à? Cô ấy sẽ đứng vững! Không dễ gì lung lạc nổi cô ta đâu“          [ 8, 499 ]. Niềm tin đó đã tạo cho họ sự can đảm để họ quyết định thách đố với tên lính. Cuộc thách đố diễn ra và họ luôn tin rằng Tania sẽ chiến thắng. Càng ngày họ càng căng thẳng, sốt ruột, nóng lòng, chờ đợi kết quả cuộc thử thách tấm lòng trong sạch của vị thần nhỏ bé của mình. Đối với họ, Tania là điểm tựa duy nhất để họ bám vào và vươn lên cuộc sống bình thường. Họ chưa gục ngã vì còn hình ảnh của cô. Nhưng cuối cùng họ đã thất vọng, chiếc cầu hi vọng duy nhất của họ đã bị chặt đứt, thần tượng thiêng liêng mà họ tôn thờ đã sụp đổ, Tania đã bị tên lính chinh phục. Hai mươi sáu anh chàng xoay quanh chửi mắng cô bằng những lời độc địa, không kiêng nể. Họ cho rằng cô đã bóc lột hết của họ tất cả, trong khi “họ đã phung phí tất cả những gì tốt dẹp nhất vì cô, mặc dù cái tốt đẹp ấy chỉ là những mẩu vụn của những kẻ hành khất” [ 8, 503-504 ]. Cuối cùng họ nhận ra rằng đó không phải lỗi ở Tania.
Cũng như hai mươi sáu anh chàng, cuộc sống trong tầng hầm ẩm ướt, bẩn thỉu và tối tăm, không bao gìơ dập tắt được bao ước mơ cao đẹp của anh thợ đóng giày Grigori Orlôp (truyện Vợ chồng Orlôp). Anh luôn khao khát “thèm muốn cuộc sống nhẹ nhõm, vô tư” khác với cuộc sống nặng nề, chật chội và tù đọng mà anh đang sống. Với ý thức vươn lên, Orlôp không chấp nhận cái vòng lẩn quẩn của mình là “sống, khâu, và chết“. Và sự xuất hiện của anh sinh viên y tế như làn gió mát thổi vào tâm hồn đang chán nản của anh. Đó là một năng lực tự giác đột nhập vào cuộc sống tối tăm của anh, và hé mở trong anh bao hi vọng trong cuộc sống. Khi trở thành người hộ lí y tế, Orlôp muốn biểu hiện những mặt tốt đẹp nhất của mình, muốn trở thành người anh hùng: “Trong lòng anh bỗng dâng lên một khao khát muốn làm một điều gì để mọi người phải chú ý đến anh, phải kinh ngạc về anh. Đó là lòng hiếu danh độc đáo của một sinh vật bỗng nhận ra mình là một con người và vì chưa tin hẳn vào sự thật đó, một sự thật mới mẻ đối với mình, hắn muốn làm một điều gì để khẳng định điều đó cho mình và cho người khác: Đó là lòng hiếu danh đã đần dần biến thành khát vọng muốn lập nên một công trạng không vụ lợi” [ 8, 454 ]. Ước mơ đó lúc nào cũng cháy bỏng trong lòng Orlôp, “lòng anh đang thèm khát khoảng không rộng rãi…để anh có thể phát huy hết sức mạnh của mình…anh cảm thấy anh mang trong mình một sức mạnh lớn lao vô cùng tận!” và anh đã nghĩ đến ước mơ lập chiến công thầm lặng nhưng vẻ vang, đó là việc “giải phóng nước Nga khỏi bệnh dịch tả“. Chiến công đó sẽ giúp anh thoát khỏi cái “hố” không thấy ánh sáng, không thấy mặt trời, không biết mọi người. Nhưng khi đã ngoi lên được thì anh lại thấy lo sợ, cảm thấy cuộc sống trước kia chẳng có gì tươi đẹp, còn cuộc sống bây giờ cũng không vừa ý chút nào dù anh không uống rượu và không đánh vợ. Cuộc sống khắc khổ ăn không đủ no trước kia của vợ chồng anh bây giờ được thay bằng cuộc sống trọc phú mà cái giá của nó là “nỗi lòng day dứt“, và nỗi lòng đó không thể dung hoà được với cuộc sống hằng ngày. Anh muốn vươn lên thoát khỏi cuộc sống tầm thường nhưng cuộc sống ở bệnh viện vẫn là một sự tầm thường. Nếu như trước kia anh từng ngưỡng mộ bác sĩ Vasenkô và những sinh viên y tế ở đây vì họ làm những việc cao cả là cứu người, thì sau cái chết của cậu bé Xenka, anh đã nghi ngờ tất cả, nghi ngờ mọi cố gắng của con người, nỗi chán chường lại tràn ngập hồn anh và anh quay về với cuộc sống rượu chè cùng thói quen đánh vợ trước kia. Cuối cùng anh đã rời khỏi bệnh viện và trở thành một kẻ du thủ du thực. Nhưng ước mơ về hành động anh hùng vẫn cháy bổng không nguôi trong lòng anh. Orlôp nói: “Như thế là tôi đã được đưa lên cao rồi lại bị quặp xuống…tôi vẫn chưa làm nên công trạng gì. Nhưng giờ đây tôi vẫn muốn được hơn người về một mặt nào đó…Nghiền nát trái đất ra thành tro bụi hay tụ tập bè đảng! Hoặc đại khái làm một việc gì để vượt lên trên tất cả mọi người và nhổ nước bọt xuống đầu họ…và nói với họ: “Lũ dòi bọ kia! Các ngươi sống để làm gì? Các ngươi sống thế nào? Các ngươi chỉ là đồ đạo đức giả, có thế thôi!” [ 8, 482 - 483 ]. Nhưng: “Cuộc sống sao mà buồn tẻ và chật chội“, Orlôp thấy mình đã bế tắc, không có lối thoát, không có cách nào để thực hiện được ước mơ. Anh nói: “Tôi sinh ra với nỗi lòng day dứt…và số tôi là cái số lang thang. Tôi đã đi khắp bốn phương chẳng thấy đâu là nguồn an ủi” [ 8, 483 ]
2.2. Cố gắng giữ nhân phẩm của mình
Những nhân vật của Gorki dù có rơi vào sự sa đoạ tội lỗi nhưng trong tâm hồn họ vẫn còn sót lại những nhân tính quí báu.
Emelian Pilai (truyện Emelian Pilai) trong lúc cùng đường đã nghĩ đến việc giết người cướp của. anh nghĩ rằng chờ lão lái buôn xe ngựa đi ngang qua là “chỉ một vố ! Thế là có tiền” [ 8, 66 ]. Nhưng ở đời không ai có thể đoán trước được tương lai, anh nghĩ thế này mà chuyện xảy ra thế khác. Không phải lão Obaimôp đi qua  mà là một cô gái trẻ đang đau khổ tuyệt vọng đi qua. Và Emilian đã “dừng bước” khi nhìn thấy ” hai vai cô ta rung lên từng đợt và những giọt nước mắt to cứ lần lượt nhỏ xuống“. Những giọt nước mắt ấy đã làm anh xúc động, đã vực dậy cái lương tâm đang đứng trên bờ vực tội lỗi của anh. Đi bên cạnh cô gái, anh thấy mình lúng túng và anh đã nói những gì anh không biết nữa. Anh cảm thấy cái tốt đẹp nhất suốt 47 năm trời trong đời mình là được cô gái ấy, một cô tiểu thư được nuông chiều sung sướng, hôn lên trán mình – kẻ đói nghèo, dân đi chân đất phiêu dạt.
Từ những ý nghĩ ban đầu để có tiền, bây giờ Emelian Pilai trở nên cao thượng hơn, biết tự trọng và “chẳng còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến tiền bạc nữa“    [ 8, 69 ]. Anh đã can đảm từ chối số tiền mà cô gái đưa cho anh: “Thôi cô ạ, cám ơn cô, Tôi không cần tiền đâu” [ 8, 69 ]. Thế là từ ý nghĩ giết người ban đầu, Emelian đã chuyển sang cứu sống một linh hồn đau khổ, đáng thương đang tuyệt vọng và muốn trầm mình tự tử. Hành động đó cũng chính là sự vươn lên cao thượng của Emelian Pilai.
Còn Tsencase ( truyện Tsencase) thì có dáng vẻ bề ngoài dữ tợn của một tên cướp: “Y có cái vẻ hao hao giống con diều hâu thảo nguyên, thân hình gầy gò dữ tướng và dáng đi rình mò nhịp nhàng” [ 8, 168]. Nhưng thực ra bản chất của tên ăn cướp, kẻ du đãng, con người bị vứt ra khỏi tất cả những gì thân thiết ruột thịt này lại là người có tâm hồn đẹp đẽ và cao thượng. Anh khinh bỉ Gavrila – kẻ hèn nhát, tham lam ti tiện và độc ác đến mức đánh mất cả lòng tự trọng của mình. Khi phát hiện ra việc “làm ăn” cùng Tsencase là đi ăn cắp, Gavrila cho rằng đó là việc đáng nguyền rủa. Gã sợ sệt, lo lắng, “gã khóc thút thít, sụt sịt, ngọ ngoậy trên ghế nhưng vẫn chèo mạnh với vẻ tuyệt vọng” [ 8,186 ]. Đến lúc Tsencase lấy trộm hàng xong, trên đường về anh hỏi gã ” có muốn được tờ 200 rup không?” thì gã trả lời: “Tôi chẳng cần gì cả. Tôi chỉ mong được lên bờ” [ 8, 194]. Nhưng suốt đoạn đường về, trong đầu tên tham sống sợ chết này lúc nào cũng mưu tính nhiều thủ đoạn để lấy được số tiền mà Tsencase lấy cắp được. Gã nghĩ: “Ta sẽ phang cho hắn một nhát chèo…tiền thì ta chiếm lấy, còn hắn thì cho xuống biển” [ 8, 208 ]. Thật bỉ ổi hơn nữa là chỉ vì số tiền đó mà Gavrila sẵn sàng quỳ xuống, gục đầu vào gối và nghẹn ngào van xin Tsencase: “Anh ơi!…Anh cho tôi số tiền ấy! Vì chúa xin anh hãy cho tôi!” [ 8, 206 ]. Hành động của Gavrila đã đẩy gã từ giai cấp tư sản xuống “con người dưới đáy”. Gã trở thành tên nô lệ khúm núm của đồng tiền, tên tham lam, thấp kém và mất tự chủ. Còn Tsencase, một tên cướp, không vì tiền mà đánh mất nhân cách của mình. Trước hành động van vỉ hèn hạ của Gavrila, Tsenkasơ “thò tay vào túi, lấy ra những tờ giấy bạc, ném vào mặt gã…ném tiền xong, y cảm thấy mình là anh hùng” [ 8, 207]. Cho dù Gavrila đã có hành động bất lương đối với anh nhưng Tsencase vẫn sẵn sàng tha thứ cho hắn. Điều đó càng làm cho Tsencase vươn lên, cao thượng hơn.
Tuy là một tên lưu manh nhưng Tsencase vẫn là con người biết tự trọng. Anh cảm thấy mình bị tổn thương khi người khác xúc phạm đến thân phận nghèo khổ và danh dự của mình. Nhiều lần Gavrila cho anh là con người mờ ám thì “Tsencase cảm thấy như bị bỏng trong ngực và y hạ giọng, thốt lên với vẻ căm tức lạnh lùng…Y nhảy xuống đất, tay trái kéo ria mép, tay phải nắm lại thành từng nắm đấm rắn chắc, gân guốc, mắt long lên sòng sọc” [ 8, 177 ]. Tsencase rất đau đớn khi bị kẻ khác dẫm vào lòng tự ái của mình, và những lúc ấy ” y cảm thấy đau rát trong ngực. Cảm giác ấy làm y tức giận và bao giờ cũng xuất hiện khi lòng tự ái của y … bị kẻ khác làm tổn thương, đặc biệt khi kẻ đó là kẻ mà y coi là không đáng đếm xỉa đến” [ 8, 197-198 ]. Càng tức điên lên khi người ta chỉ xem mình là con người thừa trên trái đất: “Tsencase đứng thẳng, thân hình khô đét, dữ tợn, nhe răng ra coi đến độc ác, cười khanh khách, tiếng cười đầy vẻ châm chọc và ria mép y nhảy lên một cách nóng nảy trên khuôn mặt góc cạnh, dài hoắt. Cả đời chưa bao giờ y bị xúc phạm đau đớn đến thế và chưa bao giờ y hung tợn như thế” [ 8, 208 ].
Chi tiết “ria mép” của Tsencase (được nhắc lại 8 lần) biểu hiện cho khí phách ngang tàng đầy kiêu hãnh của y. Khi y đắc chí thì ” ria mép y rung rinh khoái trá và mắt rực lên như đốm lửa” [ 8, 202 ]. Khi y làm xong việc thì “mặt y đỏ, ria mép xoắn vểnh lên một cách ngang tàng” [ 8, 202 ]. Bộ ria mép đối với y là niềm kiêu hãnh. Vì thế dù bị thương nặng, đi lảo đảo nhưng y vẫn ” tay trái đỡ lấy đầu còn tay phải khẽ vuốt nhánh ria mép nâu“  [ 8, 212 ].
Trong truyện Người bạn đường của tôi, ta thấy dù sống trong cảnh nghèo khổ, nhưng tình người của những kẻ sống “dưới đáy” xã hội không bao giờ cạn. Họ sẵn sàng cứu giúp tên công tước Sakrô, khi hắn lang thang trôi dạt và đói rách. Chính hắn cũng nhận thấy rằng:”Bọn chân đất là những người rất tốt“         [ 8, 252 ].
Trong tâm hồn những “con người dưới đáy”, nghèo khổ và tội lỗi, là những phẩm chất rất đáng trân trọng. Họ trở nên độc ác, tội lỗi khi xã hội dồn họ vào chân tường. Và cuộc sống tối tăm, ngột ngạt trong xã hội đã mang lại cho họ những ý nghĩ độc ác. Họ cảm thấy bứt rứt, chật chội và tầm thường trong xã hội này. Họ đau đớn, quằn quại muốn tìm lối thoát cho mình nhưng họ bất lực và bế tắc. Tuy nhiên mọi sự vùng vẫy của họ đã chứng tỏ một điều là : Trong ý thức của quần chúng bị áp bức đang lớn dần lên sự phản kháng kiên quyết nhằm chống lại trật tự xã hội bất công, thối nát của bọn phong kiến  – tư bản Nga hoàng, đang bóp nghẹt quyền sống của con người. Đó là sự vươn dậy, sự “tái sinh” của những “con người dưới đáy” để khơi nguồn cho những tư tưởng phản kháng, đấu tranh sau này.
3.  NHỮNG THỂ HIỆN CỦA Ý THỨC ĐẤU TRANH
Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, trung tâm phong trào cách mạng thế giới dồn về nước Nga. Chế độ Nga hoàng ngày càng tàn bạo cộng với ách áp bức bốc lột nặng nề của những ông chủ tư sản và những tàn tích lạc hậu của chế độ nông nô đã làm cho đời sống người dân ngày càng nghẹt thở, cùng quẫn, tối tăm. Văn học Nga giai đoạn này luôn sát cánh để phản ánh những biến động trong xã hội. Năm 1909, Gorki cho rằng: “Nền văn học Nga mãi mãi cho đến ngày nay vẫn luôn luôn giữ được mối quan hệ mật thiết với các phong trào cách mạng“      [ 3, 248 ]. Bản thân ông với tư cách là một nhà văn, một chiến sĩ cộng sản, đã giữ được mối liên hệ đó.
Vốn ra đời trong một gia đình lao động và thuở nhỏ đã sống trong môi trường tiểu thị dân đầy rẫy những xấu xa, hủ lậu, Gorki đã sớm có tư tưởng phản kháng, chống đối lại hiện thực xã hội bất công. Trong tác phẩm đầu tiên của đời cầm bút – ” Bài ca cây sồi già”- Gorki đã tuyên bố: “tôi đến với cuộc đời để mà không thoả thuận” [ 3, 513 ]. Hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” mà ông đã xây dựng trong những truyện ngắn của mình là một bằng chứng cụ thể cho lời tuyên bố đó.
Các nhân vật của ông không chịu buông xuôi chấp nhận số phận đau khổ của mình mà họ luôn suy nghĩ về nguồn gốc của sự nghèo khổ đã trùm lên cuộc đời họ. Họ luôn cảm thấy chán nản, bực bội khi sống trong cái xã hội đầy rẫy những bất công. Họ muốn làm một việc gì đó để thay đổi cuộc đời họ. Trong đầu họ đã dần dần hình thành những ý nghĩ về tự do, và đây cũng là bước chuẩn bị cho những ý thức phản kháng đầu tiên.
3.1. Ý thức tự do
Đối với các nhân vật của mình, Gorki đã thổi vào hồn họ những ý nghĩ ban đầu về tự do. Một tên cướp ngang tàng như Tsencase (truyện cùng tên) cũng biết triết lí hết sức đơn giản về tự do. Anh nói với Gavrila về những suy nghĩ của mình: “Người anh em ạ, cái chính trong đời sống nông dân là tự do! Anh là chủ bản thân anh: Anh có nhà của anh, túp nhà tồi tàn, nhưng là nhà của anh. Anh có đất của anh, dù là miếng đất con con đi nữa, nhưng là đất của anh! Anh là ông vua trên mảnh đất của anh!…Anh có bộ mặt của anh…Anh có thể đòi hỏi mọi người phải tôn trọng anh...” [ 8, 197 ].
Còn “Kẻ phá bĩnh” – Gvôzđiep (truyện Kẻ phá bĩnh) cũng có những ý nghĩ riêng về tự do. Anh thích đi trên con đường thoai thoải bên bờ sông vì ở đây anh “cảm thấy mình cũng giống như mọi người, cũng được tự do hít thở làn không khí thoảng mùi lá cây, cũng được đi lại một cách thoải mái và ung dung, được làm một bộ phận trong một cái gì to lớn và cảm thấy mình bình đẳng với mọi người” [ 8, 389 ].
Đó là những ý nghĩ hết sức đơn giản về tự do nhưng những ý nghĩ này sẽ tạo thành những ngọn gió đầu tiên khêu lên những tia lửa phản kháng.
3.2. Ý thức phản kháng
Khi miêu tả những nhân vật “con người dưới đáy”, Gorki không nhằm nói về sự sa đoạ, lưu manh của họ. Mà mục đích của ông là cho ta thấy được sức mạnh to lớn trong tầng lớp “dưới đáy” xã hội, “họ là tầng lớp đáng kính nhưng chẳng được ai kính trọng” [ 3, 216 ]. Ngay từ những năm đầu tiên bước vào con đường hoạt động văn hoá, Gorki đã khẳng định được mục đích và nhiệm vụ của nghệ thuật, và sau đó không lâu, nhất là khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác, với đảng kiểu mới của Lênin thì ông đã đề ra được những luận điểm nổi tiếng: Thời đại anh hùng bắt đầu cần đến cái anh hùng; Nghệ thuật phải phản ánh “cơn phẫn nộ của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng”. Tất cả những luận điểm nổi tiếng đó điều được chứng minh trong các sáng tác của ông.
Emelian Pilai ( truyện Emelian Pilai) luôn suy nghĩ về nguồn gốc sự đau khổ của mình. Tuy không biết được nguyên nhân do đâu mà hàng triệu dân Nga lớp chết đói, lớp đi lang thang trôi dạt, nhưng anh không chấp nhận cách giải thích đơn giản là do mất mùa. Anh nói với người bạn đường của mình: ” Cậu ơi, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tớ đã đói rồi, mà có luật nào bắt như thế không? Ấy đâ-â-ây! Hắn nói phỏng? tại sao? Mất mùa à? Hắn mất mùa trong cái đầu này trước này, sau mới mất mùa ngoài đồng! Tại sao ở các nước khác không mất mùa? Tại vì người ta sinh ra có cái đầu không phải để mà gãi tai gãi gáy; Ở nước người ta biết nghĩ – thế đấy!” [ 8, 57 ]. Đó chính là mầm móng của sự phản kháng có ý thức đang hình thành trong quần chúng. Sự phản kháng ấy còn bộc lộ ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tsencase (truyện Tsencase) trở thành một tên cướp ngang tàng và thản nhiên ăn cắp để sống ở trên bến cảng cũng là một hành động phản kháng. Anh bình thản, giễu cợt trước mặt tên lính đoan khi hắn hăm he cho anh vào còng vì tội “xoáy hai kiện vải“. Lúc tên lính chửi mắng thậm tệ thì anh lại tỏ ra như không có chuyện gì, thậm chí còn bỡn cợt, ra vẻ vui hẳn lên và thản nhiên “khẽ huýt sáo qua kẻ răng và thọc hai tay vào túi quần, vừa đi vừa ném sang hai bên những tiếng cười và những câu bông đùa, châm chọc” [ 8, 171 ]. Hành động ngang tàng và liều lĩnh của Tsencase cũng chính là một biểu hiện của sự chống đối.
Tsencase sớm nhận ra rằng số phận của những kiếp sống thấp hèn như anh đã bị tước mất quyền làm người khi sống trong cái xã hội đen tối này. Anh chua chát nói: “sẽ không ai trừng phạt người nào giết chết những người như tớ đâu. Khi nhận ra, họ còn cám ơn là đằng khác” [ 8, 211 ]. Đây chính là một biểu hiện của ý thức nhân quyền trong quần chúng.
Còn bé Lionka ( truyện Lão Arkhip và bé Lionka) thì bắt đầu sự phản kháng của mình bằng cách chống lại những thói xấu, tội lỗi của ông nó,  người thân thiết duy nhất và cùng giai cấp với nó.
Sự phản kháng của bé Lionka diễn ra rất quyết liệt. Trong lòng nó luôn tràn ngập những mơ ước về cuộc sống bình thường, lương thiện. Nó không bao giờ chấp nhận bất cứ một sự lừa lọc, giả dối hay nhục mạ con người nào cả. Ý thức cao đẹp của nó không phải mới nảy sinh mà đã nảy sinh trong suốt quãng đường đi ăn xin của hai ông cháu: “Bao giờ cũng vậy, hễ nghe tiếng ông nó xin là nó có một cảm giác buồn buồn khó chịu thế nào ấy” [ 8, 114 ]. Khi biết đựơc sự thật ông nó chính là kẻ cắp thì  ý thức phản kháng của nó càng dữ dội hơn. Trong lòng nó bổng có cái gì bùng lên, nó chửi mắng, xỉ vả hành động xấu xa của ông nó: “Ông đi ăn cắp! – Lionka thét lên và bỗng đứng phắt dậy, người run bần bật – lão già ăn cắp!…ôi giào! – rồi nắm bàn tay nhỏ bé khô khan lại, nó lay lay quả đấm trước mũi ông lão đã im bặt và lại buông mình rơi phịch xuống đất, rồi nói tiếp qua kẽ răng: – đi ăn cắp qua trẻ con…Chao ôi thật là giỏi giang! Già đời rồi mà cũng thế…xuống địa ngục rồi ông sẽ phải đền tội này!” [ 8, 127 ]. Cơn phẫn nộ của nó rất mãnh liệt và dữ dội nhưng rồi nó cũng dịu đi như trời cao cũng sẽ yên tĩnh sau cơn giông bão. “Trời tối mịt. xa xa có tia chớp loé lên, im lặng nhưng vẫn dữ dội, rồi một giây sau lại có tiếng sóng yếu ớt rền rĩ. Rồi cảnh vật lại chìm trong im lặng, một cõi im lặng tưởng chừng như vô tận” [ 8, 129 ]. Và những hạt mưa lớn bắt đầu rơi xuống, Lionka van ông nó chạy vào làng nhưng ông nó kiên quyết không vào: “Tao không vào! Mày cứ vào một mình đi…Tao không muốn mày ngồi đây…đi đi! Đi đi!” [ 8, 129 ]. Nó van ông nó để được ông tha thứ cho hành động của mình nhưng ông nó không tha thứ: “Tao không tha thứ! Tao nâng niu mày suốt bảy năm trời! Cái gì cũng vì mày…Sống cũng chỉ vì mày. Tao có cần gì đâu? Tao chết đến nơi rồi. Tao chết đây, thế mà mày bảo tao là thằng ăn cắp. Vì sao tao phải ăn cắp? Vì mày, bấy nhiêu cũng chỉ vì mày cả…Tao cố góp nhặt để nuôi mày, để mày có tiền mà sống, cho nên tao phải ăn cắp.Chúa biết hết. Chúa biết tao ăn cắp. Chúa sẽ phạt tao. Chúa chẳng tha tội cho con chó già này đâu, cái tội ăn cắp. Và chúa đã trừng phạt tao rồi. Chúa đã dùng bàn tay một thằng bé để giết chết con!…Như thế là đúng, lạy chúa! Đáng đời rồi. Chúa công bằng lắm! Chúa hãy vớt lấy hồn con…ôi!” [ 8, 129 ].
Cuộc xung đột của hai ông cháu diễn ra thật căng thẳng. Dù trong tâm hồn non nớt của bé Lionka đã loé lên những tia sáng của sự phản kháng nhưng nó còn quá yếu ớt, nó chưa đủ sức để chống lại những tội lỗi, sa đoạ của ông nó. Xung đột ấy đã dẫn đến cái chết đầy bi thảm của hai ông cháu: “Sáng hôm sau những đứa trẻ trong thôn Cô-dăc…thấy lão ăn mày hôm qua ngồi dưới gốc cây đà dương hình như bị ai đâm chết vì bên cạnh thấy vứt một con dao găm. Nhưng…té ra không phải như thế. Lão già hãy còn sống…Lão đã bị cấm khẩu, chỉ giương đôi mắt dàn dụa van xin mọi người một điều gì không rõ và cứ nhớn nhác tìm ai trong đám đông. Nhưng rồi chẳng tìm thấy gì và không được ai trả lời một câu nào. Đến chiều lão tắt thở. Người ta chôn lão…dưới gốc cây đà dương, vì cho rằng đem chôn ở nghĩa địa thì không hợp lệ: trước hết vì lão là người xứ khác, thứ hai vì lão là hạng kẻ cắp, thứ ba vì lão chết đi mà chưa được sám hối“            [ 8, 131]. Và “vài ba hôm sau người ta lại tìm thấy cả Lionka nữa. Trên một cái hố, ngoài thảo nguyên, cách làng không xa, thấy có đàn quạ lượn vòng, và khi đến xem, người ta thấy thằng bé nằm sắp dưới hố, hai tay dang rộng, mặt úp vào lớp bùn sên sết đọng lại dưới đáy hố sau trận mưa” [ 8, 132 ].
Sự phản kháng của Lionka đã cho ta thấy cậu bé đã vươn lên thoát khỏi “đáy bùn” của xã hội dù đó chỉ là một tia sáng yếu ớt.
Thấm sâu trong tâm hồn những “con người dưới đáy” này là một khả năng tiềm tàng, một ý thức đấu tranh. Sống trong cảnh tối tăm ngột ngạt, Grigori Orlôp (truyện Vợ chồng Orlôp) cảm thấy mình ngày càng bị nhấn chìm trong cái “hố” buồn tẻ và chán ngán này. Nhưng anh không buông xuôi số phận, ý thức về một lẽ sống có ý nghĩa vẫn le lói trong anh. Anh buồn đau vì cảm thấy mình “chưa từng được sống mà lại sắp chết đến nơi rồi” [ 8, 438 ]. Trận dịch như là một thử thách đối với anh, hoặc là anh sẽ bị nó dìm nghỉm xuống hoặc là anh sẽ vươn lên đấu tranh. Và Orlôp đã chọn con đường có ý nghĩa, anh nói: “Tôi không muốn sống cái lối ấy nữa – sống để ngồi chờ dịch tả đến quật tôi xuống – tôi không thích thế. Không thể để thế được!…hãy xông lên! Số phận muốn dìm anh xuống, vậy anh hãy chống lại nó, xem ai thắng ai? Đúng là một cuộc chiến tranh! Không còn cách nào khác…” Orlôp đã quyết định xin vào làm nhân viên phục vụ ở trạm y tế để cùng với những người ở đây chống lại nạn dịch tả đang hoành hành khắp nơi. Anh biết đó là việc lao vào mồm thú dữ nhưng anh sẽ đạp vào họng nó để bảo vệ sự sống cho con người. Trong cuộc đấu tranh đó anh thấy cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa, con người mình trở nên mạnh mẽ hơn. Dù biết rằng mình sẽ ngã gục trong cuộc chiến tranh giữa “dịch tả và người” nhưng Grigori Orlôp cảm thấy tự hào về sự hi sinh ấy:
Giả dụ như cái bệnh dịch tả ấy hoá thành người, thành một dũng sĩ…thành ngay Ilia Muroometx đi chăng nữa, anh cũng sẽ choảng nhau với nó! Hãy cùng ta sống mái một phen! Người là một sức mạnh , và ta, Orlôp cũng là một sức mạnh, nào đọ sức xem ai thắng ai? Anh sẽ bóp chết nó và chính anh cũng sẽ gục xuống…Một cây thập tự cắm trên mồ anh ở ngoài đồng và một cái mộ chí: “Grigori Anđêep Orlôp …Người đã giải phóng nước Nga ra khỏi nạn dịch tả“      [ 8, 456 ].
Trận dịch còn là một biểu tượng cho tình trạng xã hội hư hỏng và sa đoạ. Trước tình trạng ấy, những con người có ý thức như Orlôp không bao giờ chịu buông xuôi để mặc cho nó suy đồi. Mà họ sẽ vươn cao hơn, sẽ đứng lên đấu tranh, đạp đỗ cái xã hội đó để khẳng định mình, để tìm cho mình một sự sống có ý nghĩa và để giải thoát những đau khổ của con người. Dù biết rằng chấp nhận con đường đấu tranh là phải chịu hi sinh mất mát, nhưng Orlôp vẫn tràn đầy lạc quan và tự hào về điều đó.
Bao ý tưởng cao đẹp vẫn ngút cháy trong lòng anh, anh sẵn sàng làm việc với tất cả sự nỗ lực hết mình của bản thân để thực hiện được chiến công của mình. Thế nhưng cuộc sống tầm thường cứ lẩn quẩn như mớ bòng bong chất nặng trong lòng khiến anh không thể nào vượt ra thoát khỏi nó được. Sau một thời gian anh nhận thấy cuộc sống ở bệnh viện cũng là một sự tầm thường. Nó không thể trút bỏ bao dây rợ đang rối bời trong tâm hồn anh. Nó cũng không phải là một mảnh đất tốt để anh có thể gieo vào đó những hoài bảo cao đẹp và gặt hái những chiến công để trở thành anh hùng. Anh cảm nhận được sự chật chội của cuộc sống và anh đã mỉa mai người bác sĩ trong lúc giận dữ: “Ông chữa bệnh cho người ốm…còn người khoẻ thì chết vì cuộc sống chật chội” [ 8, 479 ].
Sự tù đọng của xã hội tư hữu đã đè nặng lên vai Orlôp và tâm hồn anh như cái lò xo càng bị nén thì nó càng đàn hồi mãnh liệt. Tuy nhiên sức đàn hồi của Orlôp chưa đủ sức mạnh để phá tan cái mớ bòng bong kia. Nó chỉ là một sự phản kháng tự phát, sự đấu tranh của một con người trơ trọi giữa cánh đồng xám xịt.
Để miêu tả được sự phản kháng của quần chúng lao động, giai cấp vô sản, Gorki đã phải trải qua một thời gian mới có thể thể hiện được. Đề tài mà ông đề cao hơn hết là đề tài công nhân vì nó có tính khái quát. Năm 1891 Gorki đã bắt đầu tiếp xúc với môi trường công nhân ở Tiflit nhưng đến năm 1897, lần đầu tiên trong sáng tác của Gorki mới xuất hiện hình ảnh người công nhân bắt đầu bước lên con đường đấu tranh ít nhiều có ý thức. Đó là sự phản kháng của anh thợ xếp chữ Gvôzđiep (truyện Kẻ phá bĩnh). Hắn là kẻ tinh nghịch từ thuở bé và được mệnh danh là “kẻ phá bĩnh” – anh ta từng ngồi tù vì tội bẻ khoá và thả hết bồ câu của các ông chủ tư hữu, “trong một đêm hắn bẻ hết ổ khoá của bảy chuồng bồ câu và bao nhiêu chim hắn thả hết, bao chim mồi người ta hắn đuổi bay sạch“     [ 8, 384 ]. Hắn làm như vậy là để cho vui thôi chứ không nhằm thủ đoạn hại người nào cả. Hắn lại có trò “nuôi quỷ” trong nhà bằng cách để lố kim vào chai thuỷ ngân và đặt vào lò sưởi, khi đốt thuỷ ngân chảy ra chảy khắp chai, kim va vào thành chai kêu ken két như tiếng người nghiến răng.
Gvôzđiep cũng là một người thợ thông minh tinh thông nhiều việc. Anh đã bắt đầu nhận thức được sự bất công trong xã hội, anh đã có ý muốn tố cáo chính sách bóc lột của bọn tư sản và vai trò đầy tớ của những kẻ trí thức làm tay sai cho chúng. Anh đã tố cáo chính sách giả dối của báo chí tư sản bằng cách thêm vào bài báo những dòng chữ “ngớ ngẩn”: “Nền lập pháp chủ nghĩa của ta xưa nay đối với báo chí vẫn là một đề tài để tranh luận sôi nổi…Nghĩa là để nói đủ thứ chuyện ngớ ngẩn và ngu độn” [ 8, 376 ]. Hành động ngang tàng và trâng tráo hết sức hồn nhiên của anh khi nhận tội “chính tôi” đã làm điều đó, đã khiến cho tên chủ bút tức tối, giận dữ và “đôi môi mím chặt của ông ta hứa hẹn nhiều chuyện chẳng lành” [ 8, 377 ], còn những người thợ khác thì lặng thinh “không ai ngờ là thủ phạm sẽ thú nhận một cách nhanh chóng và điềm tĩnh đến thế” [8,378]. Bao lời quát tháo và tra khảo dồn dập của ông chủ bút cũng chẳng ăn thua gì đối với Gvôzđiep “và trong đôi mắt người thợ xếp chữ ánh lên một tia lửa xấc xược“. Anh ta dõng dạc nói: “đúng thế đấy…tôi đã cố ý thêm mấy chữ ấy vào, một cách có dụng tâm” [ 8, 378 ]. Lời nói thản nhiên đó đã làm cho tên chủ bút “nổi khùng” lên, mắt long lên sòng sọc, đầy căm giận.
Đây là hành động phản kháng có ý thức của người công nhân đầu tiên trong xưởng in. Anh ta đã vạch trần những lí lẽ giả dối mà ông chủ bút thuyết lí hằng ngày, như khuyên răn mọi người phải có lòng nhân ái nhưng thực chất đó chỉ là những tờ báo “vớ vẩn” khiến cho người nghe phải phát tởm. Gvôzđiep đã vạch trần bản chất trâng tráo ấy bằng những lời lẽ đanh thép: “Toàn những câu nói bậy không biết xấu hổ là gì, Mitrypavlits ạ!…Bởi vì ông viết báo răn người ta đừng bóc lột, thế mà ở xưởng in của các ông thì sao? Tuần trước Kirya Kôp làm việc suốt ba ngày rưỡi, kiếm được băm tám hào chỉ rồi lăn ra ốm. Vợ anh ta đến toà báo lĩnh số tiền ấy, thì ông quản lí bảo là còn tiền đâu mà lĩnh, đã trừ vào số tiền phạt rồi mà vẫn chưa đủ, chị còn phải nộp thêm đồng hai nữa. Thế không phải là bóc lột là ăn cướp à? Sao ông không viết về những chế độ ấy? Còn cái thói của ông quản lí động một tí là sủa nhắng lên rồi làm tình làm tội bọn trẻ con, sao ông không cho lên báo? Ông cũng không viết được là bởi vì chính ông cũng theo chính sách ấy. Ông viết bài nói là trên đời này người ta sống khổ lắm. Tôi nói cho ông biết: sở dĩ ông phải nói những chuyện ấy chẳng qua là vì ông không biết làm cái nghề ngỗng gì khác. Có thế thôi…Cho nên những chuyện dã man diễn ra trước mũi ông thì ông chẳng thấy gì hết, còn những chuyện dã man ở đâu bên Thổ-Nhĩ-Kì thì ông kể rất tường tận. Thế mà những bài báo của ông không phải những trò vớ vẩn hay sao? Từ lâu vì xấu hổ thay cho ông tôi đã muốn chêm vào những bài báo của ông những lời chân thật. Mà còn phải nhiều nữa chứ, như vừa rồi đã ăn thua gì!” [ 8, 381-382 ].
Lời nói công khai đầy kiêu hãnh và đắc thắng của anh thợ xếp chữ – kẻ mà ông chủ bút không bao giờ nghĩ là có quyền làm việc đó – như những mũi tên châm thủng vào tim ông chủ bút, khiến ông ta “khi thì tái mặt đi, khi thì đỏ mặt lên, môi nở một nụ cười khinh bỉ, lúng túng và bệnh tật” [ 8, 382 ]. Tác phẩm có giá trị cao vì nó đã đả kích trực tiếp vào bộ máy tuyên truyền báo chí – kẻ phát ngôn của giai cấp thống trị.
Không chỉ tố cáo bản chất giả dối của giới báo chí đương thời, Gvôzđiep còn vạch trần vai trò tay sai của những kẻ trí thức, như ông chủ bút chẳng hạn. Anh ta nói với ông chủ bút: “việc làm báo mà! Nó ngốn mất của ông nửa đời người, bao nhiêu sức khoẻ của ông đều ngốn vào đấy hết. Tôi hiểu lắm chứ! Đối với ông chủ nhiệm thì có nghĩa lí gì? Ông ta chỉ xuất tiền ra làm báo, còn ông thì dốc cả bầu máu ra! Đấy như đôi mắt của ông cũng đã nướng vào đấy rồi còn gì” [ 8, 394 ].
Hơn nữa Gvôzđiep còn ý thức được sự bất công giữa con người với con người trong cuộc sống. Anh ta thấy rằng mình và ông chủ bút cũng là những người bằng vai phải lứa, là “chim cùng một tổ“, hơn nữa anh còn là người có tình cảm, có trí khôn nhưng tại sao anh luôn sống trong cảnh tối tăm, còn những người như ông chủ bút thì lại ra dáng một quí tộc. Gvôzđiep cảm thấy rằng trước mắt ông chủ bút thì anh chỉ là một con số không. Anh ta ý thức được sự khinh rẻ của ông chủ bút đối với mình: “đúng là đối với ông tôi chỉ là một chỗ trống…có tôi hay là không có tôi đối với ông cũng thế thôi – mặc kệ. Tâm hồn của tôi thì ông có cần gì? Tôi sống một thân một mình trên thế gian này và làm cho tất cả những người biết tôi đều chán ngấy lên. Bởi vì tính tôi nó cay độc, và tôi rất thích bày trò này trò khác, nhưng tôi cũng có tình cảm và cũng có trí khôn. Tôi cảm thấy nhục trong tình cảnh của tôi. Tôi thua kém ông ở chỗ nào? Chẳng qua chỉ vì công việc của tôi” [ 8, 397 ]. Câu hỏi của anh đã được ông chủ bút đáp lại: “Ở đây cần phải có một quan điểm khác“. Nhưng Gvôzđiep không chấp nhận lời giải đáp đơn giản và đầy chủ quan như thế: “Quan điểm mà làm gì? Con người phải quan tâm đến con người không phải bằng một quan điểm mà bằng tấm lòng. Quan điểm là cái gì? Tôi đang nói đến sự bất công của cuộc sống. Chả nhẽ trên một quan điểm nào đó có thể vứt tôi vào sọt rác? Thế mà tôi thật đã bị loại ra ngoài cuộc sống, tôi không có lối nào để đi vào cuộc sống…tại sao lại thế? Tại vì tôi không có học thức ư? Thế thì giả dụ như các ông – những người có học thứ c- không suy luận trên quan điểm này quan điểm nọ mà suy luận theo một cách nào khác thì các ông phải đừng bỏ quên tôi đi, kéo tôi lên với các ông từ cái nơi thấp hèn mà tôi đang mục rữa trong cảnh ngu dốt và trong tâm trạng đang hằn học của tôi chứ! Hay là – trên quan điểm thì các ông không phải làm như vậy?” [ 8, 398 ].
Những lời lẽ ấy nhìn hình thức thì không có gì mới mẻ cả vì tình trạng bất công trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội thì người khác đã nói nhiều và nói từ lâu rồi. Nhưng ở đây nó có cái mới, trước đây những lời lẽ ấy đều do những tên điạ chủ, giai cấp quí tộc nói ra, còn bây giờ nó do Gvôzđiep, người công nhân trong xưởng in, con người thuộc tầng lớp “dưới đáy” xã hội, thốt ra.
Đây chính là mầm mống của sự đấu tranh giai cấp. Những lời lẽ gân guốc của Gvôzđiep đã khiến ông chủ nhiệm phải thốt lên rằng: “Đảng viên xã hội phỏng?“. Thực ra qua sự phản kháng của Gvôzđiep ta cũng biết rằng anh chưa phải là một đảng viên cộng sản. Sự phản kháng của anh chỉ là sự phản kháng tự phát. Nó được nảy sinh từ trong cái hiện thực đen tối nặng nề. Chính Gvôzđiep cũng thừa nhận điều đó: “Chẳng qua vì uất ức mà tôi làm như thế. Con người ta đôi khi thấy uất đến nỗi lấy rượu mà tưới cũng không nguôi… ấy, vào những lúc như thế người ta hay bày trò chơi khăm một kẻ nào bất kì: đấm một quả vào mõm những người qua đường hay là một vố gì như thế…tôi không hối hận – cái gì đã làm rồi thì không vớt lại được nữa, nhưng có lẽ…thậm chí tôi hiểu rất rõ nữa là khác, tôi hiểu rằng vừa rồi tôi có làm hơi quá, tôi đã thiếu mức độ” [ 8, 393 ].
Nhưng xét cho cùng sự phản kháng của Gvôzđiep có ý nghĩa xã hội hơn là ý nghĩa cá nhân. Không phải là một đảng viên cộng sản nhưng anh chính là đại biểu điển hình cho lớp công nhân bắt đầu bước lên con đường đấu tranh công khai với bọn tư sản bóc lột và đó chính là ngọn lửa khởi đầu cho những tư tưởng cộng sản sau này tiến lên.
Ngòi bút của Gorki thật sự là vũ khí sắc bén chống áp bức bất công. Ông đã phát ngôn cho hàng triệu người dân đói nghèo, thất học. Ông đã nuôi dưỡng lửa thiêng và động viên các thế hệ tranh đấu để phá tan tình trạng phục tùng, chịu đựng một cách im lặng theo kiểu nô lệ. Mặc dù chưa xác định được con đường đấu tranh cụ thể, nhưng ngòi bút của Gorki đã hun đúc cho bao trái tim quả cảm để họ có một điểm tựa đầy lạc quan mà đứng lên đấu tranh trong cuộc chiến năm 1905. Tuy cuộc đấu tranh đó đã thất bại nhưng nó chính là một trận diễn tập đầy ý nghĩa để chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng Mười thắng lợi sau này.
4. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT “CON NGƯỜI DƯỚI ĐÁY” VÀ SỰ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO CỦA MACXIM GORKI
Hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” là một bước đột phá của văn học Nga cuối thế kỉ XIX đầu XX, là bước chuẩn bị cho sự phát triển của nền văn học mới. Nó thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trẻ Macxim Gorki. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi ta so sánh với một số nhà văn khác.
4.1. So với các nhà văn Tây Âu
4.1.1. Charles Dickens (1812-1870)
Trong những sáng tác đầu tay của mình, Dickens đã xây dựng hàng loạt các nhân vật thuộc tầng lớp “dưới đáy” xã hội. Đó là cậu bé ở trại tế bần Olliver Twist (tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Olliver Twist, năm 1837-1839), là cô bé Nen trong tác phẩm Cửa hàng bán đồ cổ, nhưng cách xây dựng nhân vật của Dickens hoàn toàn khác với cách xây dựng nhân vật của Gorki. Đó là Dickens đã sử dụng một lối kết thúc có hậu cho các nhân vật của mình còn Gorki thì không.
Olliver Twist là một đứa trẻ mồ côi, sống trong trại tế bần – một thứ nửa trại giam nửa bóc lột sức lao động của trẻ em, một hình thức mị dân tiêu biểu của xã hội tư bản Anh, Pháp…thế lỉ XIX. Olliver Twist bắt trúng thăm là phải xin thêm cháo trong buổi phát chẩn. Cậu bé nói “tôi xin thêm cháo“. Và câu nói đó đã khiến cho vị giám đốc – đang thú vị biểu diễn trò đầu bếp và phát cháo một buổi tượng trưng – phải kinh hoàng đến lạc cả giọng. Và “một trong những tín đồ trung thành của chúa” trong buổi phát chẩn đã tiên tri rằng “đứa trẻ đó rồi sẽ lên giá treo cổ thôi” vì tội xin thêm cháo. Sau đó cậu bé đã bị hất ra ngoài “mạn Luân Đôn của hạ lưu” và bị lưu manh hoá. Cậu ta giãy giụa muốn thoát khỏi các ổ lưu manh nhưng không được. Bọn cảnh sát tróc nã Olliver như rượt đuổi một con thú cùng đường, nhưng lại chẳng che chở cho em thoát khỏi bọn tướng cướp, bọn anh chị bắt em phải đi ăn cắp để cung cấp cho hang ổ của chúng. Cuối cùng cô gái lưu manh Nanxy đã đổi mạng để giúp em trốn thoát.
Còn cô bé Nen dù bị chết yểu nhưng chết trong sự thương yêu của dân làng, trong sự hối hận của người ông. Dường như chưa bằng lòng với kết thúc đó, Dickens đã bù lại bằng cách cho một nhân vật khác của truyện, một cô gái từng làm nghề đi ở có biệt hiệu là “nữ hầu tước”, do tính tình nhẹ nhõm và tốt bụng, cô đã thoát khỏi cảnh nghèo, được học hành và lấy một chàng trai vui vẻ, dễ tính vừa hưởng được món kế thừa nho nhỏ đủ mang lại hạnh phúc cho hai người.
Cách kết thúc có hậu của Dickens trong các tác phẩm của ông là nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu độc giả đương thời và nó có màu sắc truyền thống trong lối kể dân gian. Hơn nữa nó phù hợp vào cái nhìn độ lượng của Dickens. Ngoài ra ông còn bị ràng buộc bởi muôn vàn sợi dây li ti vì nước Anh và nữ hoàngVictoriađã ngăn trở khiến ông không thể viết loại tiểu thuyết hoàn toàn bi thảm. Kiểu kết thúc có hậu này còn thể hiện một sự hoà hoãn, một khát vọng hoà giải trước những cuộc vật lộn giữa cái thiện và cái ác ngoài đời.
Chính vì thế mà “chúng ta luôn thấy rằng nhân vật của Dickens thiếu một cái gì đó” ( lời của Ran Fôcx ) [ 9, 567 ]. Đó là thiếu tính hiện thực khách quan, nó mang hơi thở lãng mạn có pha màu sắc của tôn giáo. Còn các nhân vật của Gorki thì không, Gorki đã xây dựng nhân vật của mình phù hợp với sự phát triển của logich thực tế cuộc sống.
Tóm lại, Dickens xây dựng các nhân vật trên không nhằm mục đích chính trị trực tiếp hay kích thích tinh thần dùng bạo lực để đấu tranh cách mạng, mà thông qua nhân vật của mình, ông muốn cho con người dịu bớt đau khổ, tăng thêm niềm tin yêu ở cuộc đời (có pha chút lãng mạn). Đó chính là một biểu hiện giới hạn tư tưởng của Dickens.
4.1.2.  Honore De Balzac
Cùng viết về những con người sa đoạ trong cuộc sống nhưng cách miêu tả, xây dựng nhân vật của Balzac và Gorki cũng khác nhau.
Balzac đã viết nên bộ “nghìn lẻ một đêm của Tây Âu”, ông đã đem cả thế giới lên trang sách của mình. Nhưng chủ yếu là thế giới của những người thuộc tầng lớp trên, giai cấp tư sản và quí tộc, như: De Rastignac, Lucien Sardon, David Séchard… Balzac chưa đi sâu, khắc hoạ những hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” như Gorki. Mặc dù Gorki đã cảm thấy “choáng ngợp” trước sự sáng tác có thể sánh ngang với đức chúa trời của Balzac, nhưng Gorki cũng đã tìm cho mình một hướng đi riêng. Đó là ông đã đi sâu và khắc họa thật đặc sắc hình ảnh những “con người dưới đáy” xã hội, điều mà Balzac chưa bao giờ nói đến trong sáng tác của mình.
Hơn nữa, Gorki và Balzac đều viết về con người sa đoạ nhưng mỗi người có một thành công riêng. Những nhân vật của Balzac hơi mang tính bi quan mặc dù giọng điệu của ông thật lạnh lùng khách quan, chỉ kể về cuộc đời và con người: “tôi chỉ là một người thư kí trung thành của thời đại còn các nhân vật của tôi mới là tác giả”. Ta thấy các nhân vật của Balzac khi rơi vào cuộc sống sa đoạ thì họ không hề có ý thức vươn lên hướng thiện để thoát khỏi cuộc sống đó mà họ luôn thách thức, nhưng đó cũng là sự đầu hàng và chấp nhận nó.
De Rastignac (tác phẩm Lão Goriot) vốn là một thanh niên có tâm hồn trong sáng, có lương tâm, từng quan niệm về một tình yêu chân thật, thanh cao. Nhưng gốc tích quí tộc của anh ta đã lôi cuốn anh từ quán trọ Voke tới những phòng khách thượng lưu của giới quí tộc. Và cái chết của lão Goriot đã giúp cho anh nhận ra bản chất của xã hội thượng lưu. Anh lên án hai cô con gái của Goriot “dẫm lên xác cha mà đi vũ hội” nhưng anh lại bị cuốn hút vào thế giới đó như con thiêu thân lao vào ánh đèn. Khi đứng trên nghĩa địa Pere Lasezer nhìn xuống Pari, anh nói: “Nào, bây giờ còn tao với mày!”. Đây vừa là lời thách thức vừa là sự chấp nhận cái xã hội “ung nhọt” đó. Và tối hôm ấy anh đã đến ăn tối nhà Nicingen và yêu phu nhân Nicingen, đó là một bằng chứng xác thực chứng minh cho sự thoả thuận của anh. Tình yêu đó là một sự giả dối, anh chỉ dựa vào đó để làm chiếc cầu nhằm xác lập địa vị trong cơ nghiệp ngân hàng nhà Nicingen.
Cũng giống như Rastignac, Lucien Sardon (tác phẩm Vỡ Mộng) cũng là một con người dễ đầu hàng. Anh là một thanh niên đẹp trai, từng ước mơ lập nghiệp bằng văn chương và gia nhập vào xã hội thượng lưu quí tộc. Tình yêu của anh với bà de Bargeton đã khiến anh rời bỏ tỉnh lẻ mà gia nhập vào giới thượng lưu ở kinh đô Pari – “cái ung nhọt đang nung mủ và bốc khói nằm trên bờ sông Seine”. Và ảo mộng tình yêu của chàng tan vỡ khi nó chạm vào thực tế. Lucien đã lên lời thách thức: “Dù thế nào, tôi cũng sẽ thắng! Tôi sẽ qua đại lộ này bằng xe bốn bánh có người hầu! Tôi sẽ chiếm được những bà hầu tước Despa!”. Lời thách thức ấy cũng là một sự chấp nhận qui tắc trò chơi của xã hội thượng lưu: “Phải có tiền bằng bất cứ giá nào…Đồng tiền là quyền lực duy nhất bắt xã hội phải quì gối”.
David Séchard (tác phẩm Vỡ Mộng), một nhân vật có tính cách độc đáo, mãnh liệt, kiên nghị và bản lĩnh nhưng cuối cùng cũng chịu sa cơ trong vòng xoáy của xã hội tư bản. Việc anh bán phát minh của mình cho bọn tư sản cũng là sự đầu hàng. Nhưng khác với Lucien Sardon, anh không bán linh hồn cho quỷ dữ, không lao vào nhập cuộc với “tấn trò đời” điên đảo, mà anh lui về miền quê làm một ông chủ trang trại. Trước “cơn lốc” dữ dội của xã hội thượng lưu, David Séchard đã từ bỏ ước mơ làm giàu chân chính bằng những phát minh của mình. Quyết định trở về quê của anh cũng chính là giải pháp duy nhất để anh cố giữ được sự lương thiện của mình sau khi đã đầu hàng trò đời nghiệt ngã của xã hội tư bản. David Séchard là một con người đầy bi kịch.
Còn các nhân vật của Gorki, dù sống trong cảnh tối tăm, sa đoạ nhưng trong lòng họ luôn cảm thấy ngột ngạt, bứt rứt. Họ không thể thờ ơ với những biến cố trong cuộc sống và không dễ dàng “thoả thuận” với nó. Họ muốn vươn lên, muốn làm một cái gì đó để thay đổi cuộc sống, để khẳng định mình. Một tên lưu manh như Tsencasơ (truyện cùng tên) vẫn là một con người hào hiệp, biết tự trọng và khinh bỉ những kẻ tham lam, những kẻ nô lệ của đồng tiền. Một anh chàng Orlôp (truyện Vợ chồng Orlôp) cùng quẫn, tăm tối vẫn không chịu chết dần chết mòn trong đời sống vô vị. Trong khi cuộc sống cộng đồng đang cần bao nhiêu việc làm có ích của mọi người và thế là anh hành động – anh đi cứu chữa những người mắc bệnh dịch dù biết rằng sẽ bị lây bệnh mà chết…Và khi kết thúc các tác phẩm, những ước muốn, những khát vọng của họ đã được nhà văn Gorki hứa hẹn một điều gì đó lạc quan hơn, tươi sáng hơn trong tương lai. Điều đó đã tạo nên những nét độc đáo riêng giữa Gorki và Balzac.
Gorki có xây dựng các nhân vật giống nhân vật của các nhà văn Tây Âu: con người sa đoạ, những đứa trẻ mồ côi nghèo khổ nhưng đây chỉ là một sự giống nhau ở việc phân loại nhân vật trên bình diện hình thức. Còn xét về bút pháp, giá trị của việc xây dựng nhân vật thì ta thấy Gorki đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật riêng của mình, đó là quan niệm mới về “con người dưới đáy” mà các nhà văn Tây Âu chưa hề nhắc đến. Đó chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Gorki và các nhà văn Tây Âu.
4. 2. So với các nhà văn Nga
Gorki xuất hiện khi nền văn học Nga (thế kỉ XIX) về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cuộc sống. Nhưng sự xuất hiện của Gorki không phải là một sự lặp lại mà là một ánh sáng mới. Đó là ánh sáng của một ngôi sao mới xuất hiện đã sáng trên bầu trời văn học Nga với tư cách là nhà văn mở đầu dòng văn học vô sản.
Thi hào Puskin là người có công xây dựng hình tượng nhân vật “con người thừa” xuất thân từ tầng lớp quí tộc như: Onegin (tiểu thuyết Evgheni Onegin), Grinhop (tiểu thuyết Người con gái viên đại uý). Ông đã phản ánh tâm trạng buồn chán của người trí thức thượng lưu Nga trong xã hội tư bản, dưới chế độ Nga hoàng ngột ngạt. Nhưng ông chỉ dừng lại ở tâm trạng buồn đau, chán nản của họ. Dù kết thúc tác phẩm, ông cũng hứa hẹn một con đường cách mạng cho các nhân vật của mình nhưng con đường ấy còn rất mơ hồ. Onegin là người có tâm trạng chán nản, ở cuối tác phẩm tâm trạng của anh đã có thay đổi. Đó là anh đã bắt đầu nhận thức được mối liên hệ giữa lí tưởng và tình yêu. Và anh sẽ không bao giờ tái phạm những sai lầm của mình, Nhưng đó chỉ là những dự đoán mà ta có thể suy ra khi kết thúc tác phẩm. Còn Grinhop có tiến bộ hơn Onegin. Tính cách của anh ta cũng có những biến đổi trong quá trình anh tiếp xúc với Pugatsov, một lãnh tụ phản loạn, một anh hùng thất bại, sa cơ. Từ ý định ban đầu là chống Pugatsov đến cùng, dần dần Grinhop đã có thiện cảm với Pugatsov và anh đã đến chào tạm biệt khi ông ta bị treo cổ. Cuối tác phẩm, ta cũng dự đoán được rằng anh sẽ đi đến con đường cách mạng dân chủ tư sản Nga.
Liev Tolstoi có sự kế thừa tiến bộ hình mẫu nhân vật “con người thừa” của Puskin như Andrey, Pier (tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình), Levin (tiểu thuyết Anna Karenina)…Liev Tolstoi đã đưa các nhân vật của mình hướng đến cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga. Và ông đã cho họ thử nghiệm các giải pháp để cải tạo xã hội. Nhưng đó là những giải pháp mang tính lí tưởng chủ quan của riêng ông, những giải pháp ấy không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. L.Toltsoi cũng là người đầu tiên xây dựng hình tượng người nông dân Nga Karataev và lấp ló “con người bé nhỏ” – Maxlova ( tiểu thuyết Phục sinh). Trong các tác phẩm của mình, L.Tolstoi đã miêu tả được mối liên hệ giữa chiều cao tư tưởng thẩm mỹ (sự vươn tới trí tuệ lịch sử và lí tưởng nhân văn thẩm mỹ thời đại), chiều rộng sử thi của “biển cả nhân dân” (sự thức tỉnh, chuyển động và vươn mình của quần chúng đông đảo) và chiều sâu tâm lí của tính cách nhân vật. Nhưng mối liên hệ đó còn ở mức cảm tính, mơ hồ chưa phải là những quan điểm chính trị – xã hội – triết học. Còn Gorki đã thể hiện được mối liên hệ đó một cách trực tiếp.
Nhà văn Sekhov thì đi sâu sáng tạo hàng loạt các hình tượng nhân vật “con người bé nhỏ” đạt đến độ điển hình cao nhất của văn học Nga. Đồng thời, ông cũng góp phần hoàn chỉnh bức tranh văn học hiện thực phê phán Nga thế kỉ XIX. Nhưng ông vẫn chưa xây dựng được các nhân vật thuộc tầng lớp “dưới đáy” xã hội.
Những sáng tác của các nhà văn từ Puskin, Liev Tolstoi đến Sekhov và M.Gorki là một sự chuyển tiếp, là một cuộc “chạy tiếp sức” mà Gorki là vận động viên chặng cuối thế kỉ. Ông đã đóng góp vào nền văn học Nga nhiều thành tựu xuất sắc. Dễ thấy nhất là ông đã xây dựng hàng loạt các nhân vật “con người dưới đáy” với những nét tính cách đa dạng, nổi bật hơn bao giờ hết. Khó có thể tìm thấy trong những truyện ngắn của Sekhov một cậu bé Lionka (truyện Lão Arkhip và bé Lionka, một Tsencasơ (truyện cùng tên) hay một Orlôp (truyện Vợ chồng Orlôp)…với một khuôn mặt tinh thần mới mẻ, có sức lay động tâm trí độc giả đến như vậy. Khác với các nhân vật của Sekhov, các nhân vật của Gorki không cảm thấy mình bé nhỏ, chán nản, vô vọng trước cuộc sống chật hẹp, tối tăm tù túng. Trái lại, họ cảm thấy mình có nơi để đến, có một cái gì đó không cúi rạp mình, có một chiều cao để không thấy mình thấp bé, hèn hạ. Sau này, nhà văn Alexei Tolstoi sẽ cùng Gorki đi tới đích – cách mạng Tháng Mười.
Đi sau Gorki là nhà văn Xeraphimovich. Trong các tác phẩm của mình Xeraphimovich đã dựng lên những nhân vật như: kẻ tàn tật, những người thợ mỏ bé nhỏ trên băng giá và trong lòng đất…Ông đã đi sâu miêu tả cuộc sống cùng cực của nhân dân lao động. Nhưng ông muốn thông qua những số phận bi thảm của họ mà bộc lộ cảm hứng phê phán và tố cáo xã hội đương thời. Trong những hồi kí về Gorki, Xeraphimovich thuật lại rằng sau khi đọc bản thảo truyện Người thợ mỏ bé nhỏ, Gorki nhận xét: “Anh không nên quên rằng người thợ mỏ bé nhỏ đó cũng là những người công nhân! Mà những người công nhân đã làm ra tất cả những gì quanh chúng ta. Trong văn học của ta họ chỉ được miêu tả như những kẻ nghèo nàn khốn khổ…Nhà văn chỉ tỏ ra thương xót họ…Đó đâu phải là toàn bộ sự thật“. Đúng vậy, những nhân vật mà Xeraphimovich miêu tả vẫn chưa thoát khỏi “con người bé nhỏ” của văn học Nga thế kỉ XIX. Các nhân vật này chưa biết con đường để đấu tranh thoát khỏi số phận của mình. Nhà văn chưa thấy được giai cấp công nhân không chỉ bị áp bức bóc lột mà họ còn là những lực lượng hùng mạnh đang trỗi dậy quyết liệt dẫn đầu cả phong trào cách mạng đang sôi sục.
So với các nhà văn Nga thì Gorki đã có cái nhìn riêng, một quan điểm nghệ thuật riêng về con người. Ông đã phát hiện trong quần chúng lao động những hạt ngọc quí báu. Đó là khí thế sôi sục đang âm ỉ chuyển mình để chuẩn bị cho cuộc cách mạng nhằm đoạn tuyệt với chế độ Nga hoàng mục nát. Gorki rất trân trọng những hạt ngọc quí báu ấy và ông đã thể hiện lên trang sách của mình những hình tượng nhân vật “con người dưới đáy”. Việc đó đã làm cho tên tuổi của Gorki được nhiều người chú ý.
Một trong những thành công của Gorki là ông đã lấy ngay chính bản thân mình mà miêu tả thành nhân vật “tôi”, đặc sắc trong truyện. Sau cách mạng Tháng Mười, Gorki vẫn tiếp tục xây dựng hình tượng nhân vật này (trong bộ ba tự truyện Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi) nhằm bổ sung, hoàn chỉnh bộ chân dung “con người dưới đáy” của thế kỉ XIX. Nhân vật “tôi” chính là chiếc chìa khoá để ta hiểu thấu nguồn gốc thiên tài của Gorki, nắm chắc mối quan hệ vô cùng sâu sắc của ông với nhân dân, đất nước và cuộc sống. Con đường mà nhân vật này trải qua tiêu biểu cho con đường của nhiều người sống trong nước Nga cũ, mòn mỏi trong cảnh bần cùng hoá bi thảm, trong việc lao động cực nhọc. Tính cách của nhân vật “tôi” cũng là điển hình cho các khả năng phong phú của tuổi trẻ vươn lên thường gặp nguy cơ áp chế, bóp nghẹt nhưng vẫn tràn trề niềm tin, vượt mọi trở ngại trên con đường đi tìm lẽ sống. Các đặc tính của Aliôsa là: lòng biết ơn nồng nhiệt đối với bà con và những người trong nhân dân đã có lòng tốt đối với mình hoặc nhiều hoặc ít, tình thương yêu bạn nghèo cùng lứa tuổi và đau khổ hơn mình vì tàn tật, nỗi khát vọng chống lại bọn áp bức tàn bạo, tinh thần bất khuất, khắc phục khó khăn, lòng yêu lao động. Nổi bật nhất là tinh thần hiếu học, chí cầu tiến, óc quan sát tinh vi, nhìn thẳng vào sự việc để phân biệt cái tốt cái xấu. Aliôsa sống không hề thụ động mà tính cách của cậu dần dần được hình thành vững vàng trong cuộc đấu tranh chống lại những nguồn gốc xấu xa trong đời sống, trong sự khao khát hướng tới những gì tốt đẹp, công bằng và nhân đạo. Vận mệnh cá nhân của Gorki tượng trưng cho giai cấp vô sản Nga – giai cấp này nhìn bề ngoài thì thiếu văn hoá, thô lỗ và thô bạo. Nhưng  được tôi luyện trong những thử thách của chiến tranh để chống lại đế chế Nga hoàng tàn bạo thì họ trở thành một lực lượng tích cực trong lịch sử. Cách xây dựng nhân vật kiểu này trong thực tế văn học Nga trước đó đã có nhiều nhà văn như: Xantưkôp Sêđrin, Liev Tolstoi…cũng đã sử dụng nhưng Gorki đã phát triển một cách sáng tạo những cái hay của truyền thống và nâng cao giá trị tư tưởng của tác phẩm lên một mức.
Đối với Gorki dù phải chịu đựng những điều khủng khiếp ghê gớm đến thế nào đi chăng nữa nhưng ông không bao giờ mất lòng tin vào cuộc sống. Chính vì thế mà ông đã nhìn thấy trong cuộc sống những mầm non tốt đẹp của tương lai và vạch ra con đường của quá trình phát triển lịch sử sau này. Đó chính là một trong những nét khác nhau cơ bản của Gorki với các tác giả đương thời và trước đó. Đồng thời Gorki đã đề ra một trong những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa – vấn đề hình thành tính cách của con người tiêu biểu cho những mối quan hệ xã hội mới – mà sau này nhiều nhà văn khác đã kế thừa.
Có thể nói rằng những truyện ngắn hiện thực của Gorki là những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa đầu tiên đặc sắc, làm tiền đề cho phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bởi vì Gorki đã kiên quyết vạch trần bản chất bóc lột tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản và tố cáo chế độ Nga hoàng mục nát theo lập trường quan điểm của Đảng, đồng thời ông cũng khẳng định tương lai vĩ đại của dân tộc Nga. Xét về nghệ thuật miêu tả tâm hồn con người, đặc điểm tâm lí, nghệ thuật thể hiện nội tâm thì tác phẩm của Gorki có thể sánh ngang hàng với những tác phẩm ưu tú của nền văn học thế giới. Tuy nhiên trung tâm chú ý của Gorki là quá trình phát triển tư tưởng cách mạng, quá trình con người nhận thức xã hội. Đó cũng chính là cái sáng tạo mà Gorki đã góp thêm vào truyền thống văn học vẻ vang của quá khứ. Điều đó cũng khẳng định những đóng góp giá trị trong các sáng tác của ông đối với sự phát triển của nền văn học Xô viết và thế giới.
Thành công của Gorki khi xây dựng hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” đã để lại trong mắt mọi người (kể cả các nhà văn có tên tuổi ở Nga và Tây Âu) bao nhiêu sự cảm phục và nó đã tạo cho ông một chỗ đứng riêng, vững chắc trên văn đàn văn học Nga và thế giới. Đồng thời đó cũng là những đóng góp thật giá trị và quí báu cho sự hình thành và phát triển rực rỡ của dòng văn học vô sản thế kỉ XX.  ±
PHẦN KẾT LUẬN

Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu chúng tôi thấy rằng những truyện ngắn hiện thực của Gorki (Lão Arkhip và bé Lionka, Kẻ phá bĩnh, Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái, Người bạn đường của tôi, Tsencasơ, Vợ chồng Orlôp, Emelian Pilai) thật mới lạ và độc đáo. Những truyện này không chỉ lôi cuốn người đọc ở nội dung tư tưởng thẩm mỹ mới mẻ mà nó còn hấp dẫn ở sự đổi mới quan trọng về nghệ thuật viết truyện của Gorki.
Những truyện ngắn trên là bảy trong nhiều truyện ngắn hay và đặc sắc nhất của Gorki. Nó đánh dấu một mốc son trong nghệ thuật viết truyện ngắn và đóng góp nền tảng cho một phương pháp sáng tác mới – phương pháp sáng tác    hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Gorki là “bậc tài hoa nghệ thuật vô cùng lỗi lạc” (Lênin), là người khai sinh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học thế kỉ XX. Một trong những thành công tập trung nhất của ông là việc xây dựng hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” với một quan điểm nghệ thuật mới lạ. Khi xây dựng hình tượng nhân vật này, Gorki không nhằm mục đích chính là miêu tả sự nghèo khổ, cùng cực của họ, mà mục đích chủ yếu của ông là phát hiện ở họ những phẩm chất tốt đẹp, những ý thức tiềm tàng hướng đến một cuộc cách mạng vô sản. Đúng như ông đã nói; “nghệ thuật phải phản ánh cơn phẫn nộ của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng” và hướng họ đến một điểm tựa đầy lạc quan. Đây chính là điều mà ông rất quan tâm khám phá, mô tả.
Qua các tác phẩm của mình, Gorki đã miêu tả được mối liên hệ biện chứng trực tiếp giữa chiều cao tư tưởng thẩm mỹ, chiều rộng sử thi của “biển cả nhân dân” và chiều sâu tâm lí của tính cách nhân vật. Trong đó chiều cao tư tưởng thẩm mỹ giữ vai trò chủ đạo. Hơn nữa nghệ thuật xây dựng nhân vật của Gorki đạt đến độ chính xác, sâu sắc và chân thực hơn. Con người và cuộc sống trong tác phẩm của ông hiện lên ở một tầm vóc cao lớn dưới những màu sắc mới mẻ, tươi sáng hơn.
Trong bảy truyện ngắn trên, ta thấy các sự việc, sự kiện của đời sống hằng ngày không chỉ được soi sáng, thể hiện từ góc độ đạo đức sinh hoạt mà còn chủ yếu từ góc độ chính trị – xã hội – triết học. Đọc những truyện của Gorki ta thấy được hiện thực cuộc sống nước Nga đang âm ỉ chuyển mình, và những cơn phẫn nộ của các nhân vật là bước chuẩn bị cho một cuộc cách mạng lớn lao để lật đổ chế độ tư bản – phong kiến Nga hoàng, kẻ đã đày ải hàng triệu người dân vào cảnh bần cùng.
Đi vào tìm hiểu hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” trong một số truyện ngắn hiện thực của Gorki chúng tôi mong muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp mới lạ, độc đáo của các tác phẩm. Tuy nhiên do không có điều kiện nên chúng tôi không thể đi sâu tìm hiểu đề tài này ở bình diện rộng hơn. Hi vọng rằng đến một lúc nào đó có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục để nghiên cứu đề tài này hoàn chỉnh hơn.
³

TÀI LIỆU THAM KHẢO



1.  Boris Xukhov (dịch) – Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, Nxb Tác phẩm mới)
2.  Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Hải Hà…- Lịch sử văn học Nga, Nxb GD, 1997
3.  Hoàng Ngọc Hiến – Văn học Xô viết những năm gần đây, Nxb Văn học, 1989
4.  Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Kim Đính, Huy Liên – Lịch sử văn học Xô viết, tập 1,2, Nxb ĐH & THCN, 1982
5.  Hồ Sĩ Vịnh – Gorki với văn nghệ dân gian, Nxb Văn hóa HN, 1986
6.  Lê Sơn – Còn lại với thời gian (nghiên cứu tiểu luận phê bình), Nxb KHXH Hà Nội, 2001
7.  Melich Nabarov (dịch) – Lịch sử văn học Xô viết, Nxb GD, 1978
8.  M.B.Khrape Henkô – Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm mới (Hội nhà văn Việt Nam), 1978 
9.  Nhiều tác giả – Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX, Nxb GD
10. Nguyễn Hải Hà,  Đỗ Xuân Hà – Văn học Xô Viết, tập 1, Nxb GD, 1897
11. Nhiều tác giả – Tự điển văn học bộ mới, Nxb Văn học Thế giới, 2003
12. Nhiều tác giả – Văn học phương Tây, Nxb GD
13. Nguyễn Thụy Ứng (dịch) – Những mẩu chuyện nước Ý,  Nxb Hội Nhà văn
14. Phùng Hoài Ngọc – Giáo trình văn học Nga (Đại học An Giang, năm 2003 – Lưu hành nội bộ )
15. Tuyển tập truyện ngắn M.Gorki, Nxb Văn học Giải phóng, 1976
16. Văn học nước ngoài, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An         xuất bản, 1994)

( hết )

sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét