2. NHÀ VĂN M.GORKI
2.1. Vài nét về cuộc đời và sáng tác
2.1.1. Cuộc đời
M.Gorki là “người đại diện lớn nhất của của nền nghệ thuật vô sản”(Lê nin). M.Gorki tên thật là Alexei Macximovich Peskov, sinh ngày 28.3.1868 tại thành phố Nigiơni Novogod (nay là thành phố Gorki).
Bố của Aliôsa là một thợ mộc giỏi, gan dạ, sôi nổi, nhưng không may ông mất sớm khi chú bé Aliôsa mới 3 tuổi. Vài năm sau mẹ của Aliôsa cũng lìa đời. Aliôsa trải qua một thời thơ ấu đầy nước mắt và roi đòn trong căn nhà của ông ngoại Vaxili Kasirin. Căn nhà là một môi trường tiểu thị dân lạc hậu, hủ lậu. Ông ngoại là một người keo kiệt, nóng tính. Nhưng bà ngoại Aculina Ivanôpna lại rất mực nhân ái hiền từ, độ lượng. Qua những truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian, bà đã sớm khơi dậy trong tâm hồn thơ dại của Aliôsa niềm yêu quí những gì là chính nghĩa, là anh hùng, cao thượng và nỗi căm ghét những gì là phi nghĩa, thấp hèn. Chính người đàn bà đôn hậu đó đã sớm nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo của nhà văn vĩ đại tương lai bằng nguồn sữa lành mạnh của những sáng tác dân gian.
Chẳng bao lâu, cái xưởng nhỏ bé của ông ngoại bị phá sản. Aliôsa mới hơn 10 tuổi đầu đã bị ông ngoại ném ra ngoài đời, và cậu phải tự lực kiếm sống rất vất vả và gian khổ. Cậu đi ở, bới rác, bẫy chim, vẽ tượng thánh, phụ bếp trên tàu thủy, khuân vác…
Aliôsa rất sớm say mê văn học. Trong thời niên thiếu đầy cay đắng, cậu tìm đến văn học nghệ thuật với tinh thần sôi nổi, nhiệt tình như tìm đến một niềm vui lớn, sức mạnh lớn. GorKi đọc những tác phẩm của Puskin, Lermentov, Gôgôn, Shakespeare, HuyGô, Balzac…Chính những cuốn sách của các thiên tài nghệ thuật đó, như sau này ông đã nói: “rửa sạch tâm hồn mình”, giúp mình “vượt cao hơn cái đầm lầy rữa thối” của cuộc sống tư hữu, trưởng giả đương thời.
Sống trong môi trường lao động vất vả, Aliôsa đã không ngừng học tập. Cậu tìm đến những cuốn sách tốt và đọc say mê. Cậu luôn khao khát trở thành một người hữu ích nhưng điều này không phải dễ. Với khát vọng cháy bỏng là được học tập một cách đầy đủ, có hệ thống, năm 16 tuổi (1884) Aliôsa đếnKazanđể thi vào đại học và hi vọng đó không thể thực hiện được.
Trong cuộc sống, muốn có một mẩu bánh mì và manh áo mặc anh phải lao động nặng nhọc, đêm đến thì vào ngủ trong các nhà trọ tồi tàn giành cho những người du thủ du thực (khi ấy ởKazancó 2 vạn người du thủ du thực trong tổng số 12 vạn dân của thành phố). Chính ở đây, Pêskôp đã trải qua những “trường đại học của cuộc sống, của thực tiễn lao động, của thực tiễn đấu tranh xã hội”.
Ở Kazan, Alêchxây có dịp học cuốn Tư bản của Mac, và anh gặp gỡ những nhà hoạt động cách mạng thuộc phái dân túy. Alêchxây có quan hệ mật thiết với Phêđôxêep – một trong những người đầu tiên xây dựng nhóm Macxit cách mạng ở Nga. Alêchxây có cảm tình với những người thợ, những thanh niên sản xuất có tư tưởng cách mạng nhưng anh còn quá xa lạ với họ. Ngày 12.12.1887, trong một tâm trạng cô đơn buồn chán, anh đã tự sát bằng súng lục nhưng được cứu sống.
Hè năm 1888 Pêskôp đi cùng Rômat, một nhà cách mạng dân túy, về làng Kraxnôviđôvô để tuyên truyền cách mạng trong nông dân. Gặp sự chống trả quyết liệt của bọn nhà giàu, Rômat đã phải rời đi nơi khác, còn Pêskôp thì về miền biển Kaxpi làm nghề đánh cá. Một thời gian sau anh lại băng qua vùng đồng cỏ đến Xaritxưn (nay là Vongagat) làm nghề cân hàng ở các ga xe lửa.
Đầu tháng 4.1891, Pêskôp bắt đầu một cuộc hành trình dài vạn dặm để tìm hiểu nước Nga. Khởi hành từ thành phố quê hương, anh đi xuôi về miềnNam, Vừa đi vừa lao động để kiếm sống (làm phu khuân vác ở bến cảng, làm mướn cho phú nông, làm muối ở Hắc Hải).
Tháng 11.1891, Pêskôp tới Tiflit ( bây giờ là Tbilixi, thủ đô nước cộng hòa Xô viết Gruzia). Lúc đầu anh làm thợ quay búa, sau làm nhân viên kế toán ở xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa.
Hè năm 1892, anh làm việc cùng những người bị nạn đói trên công trường xây dựng tuyến đường xe ô tô Xukhumi-Nôvôrôttxixk. Cuộc hành trình qua những nẻo đường của nước Nga nghèo nàn và đau khổ đã để lại cho Pêskôp nhiều ấn tượng phong phú mà sau này anh sẽ dùng làm chất liệu để sáng tác văn học.
Ngày 30.8.1896, Pêskôp kết hôn với Êkatêria Paplôpna Vônjina. Đầu năm 1897 vì bị bệnh lao nặng, ông được quỹ văn học cho vay tiền để về dưỡng bệnh ở Krưm (Hắc Hải).
Mùa xuân năm 1897, ông cùng vợ về sống ở làng Manuilôpka thuộc tỉnh Pôntava. Ở đây, ông tiếp tục sáng tác văn học, làm đạo diễn và diễn viên ở một rạp hát do chính ông tổ chức ra cho nông dân. Tháng 10.1897 ông về sống ở Tvêri (nay là thành phốKalinin). Đầu 1898, ông lại trở về Nijơni novogod. Vì bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động cách mạng nên ông bị bắt và giam ở nhà tù Tiflit từ ngày 11 đến ngày 29.5.1898. Sau đó ông được thả dưới sự “giám sát đặc biệt” của cảnh sát. Ở Nijơni, ông tích cực tham gia hoạt động văn hóa xã hội và có quan hệ với tổ chức Đảng công nhân xã hội – dân chủ (Đảng cộng sản) ở địa phương.
Ông là độc giả thường xuyên của tờ báo Tia lửa của Lênin và đã ủng hộ tờ báo này 500 rúp. Do viết truyền đơn tố cáo chính quyền biểu tình đàn áp cuộc biểu tình ngày 4.3.1901 của sinh viên nên ông bị bắt giam 1 tháng rồi bị quản thúc tại nhà riêng. Tháng 9.1901 chính quyền Nga hoàng quyết định trục xuất ông ra khỏi thành phố quê hương. Quần chúng căm phẫn biểu tình. Trong bài Bắt đầu những cuộc biểu tình (đăng trên báo Tia lửa ngày 7.12.1901) Lênin đã hoan nghênh những cuộc biểu tình phản đối việc trục xuất Gorki và coi đó là việc trưởng thành ý thức của quần chúng.
Khi M.Gorki công bố truyện ngắn Bài ca chim báo bão (tạp chí Đời sống, 4.1901), ông được mệnh danh là “chim báo bão”, “sứ giả của bão táp cáh mạng”. Năm 1902, Nicôlai hủy bỏ kết quả việc viện hàn lâm khoa học bầu Gorki làm viện sĩ danh dự. Để phản đối việc đó, Sekhov và Kôrôlenkô đã quyết định ra khỏi viện hàn lâm. Sự kiện này làm cho danh tiếng Gorki thêm lừng lẫy. Nhiều buổi diễn kịch của Gorki đã làm nổ ra nhũng cuộc biểu tình chống lại chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, vở kịch Dưới đáy được trình diễn ở rất nhiều nhà hát Nga và châu Âu. Ông hứa từ tháng 10.1902 hằng năm sẽ ủng hộ tờ báo Tia lửa 5000 rúp.
Năm 1905 Gorki viết truyền đơn phản đối Nga hoàng xả súng bắn vào đoàn biểu tình tay không làm hàng ngàn người chết và bị thương trên quảng trường cung điện và ông bị bắt. Ngồi trong tù ông vẫn tiếp tục sáng tác, sau 1 tháng giam giữ, chính quyền Nga hoàng buộc phải tha ông với số tiền đặt cọc 1 vạn rúp và giấy cam đoan rằng ông không được ra khỏi Peterburg. Hè năm 1905 ông gia nhập Đảng Bônsêvich và ngày 7.12.1905 lần đầu tiên ông được gặp gỡ Lênin, thời gian này ông vẫn tiếp tục viết bài cho báo chí Đảng. Khi ở đây nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang, ông đã giúp đỡ công nhân chiến đấu. Khởi nghĩa thất bại, ông có nguy cơ bị bắt. Năm 1906 Đảng cử ông đi nước ngoài tuyên truyền và quyên góp tiền cho cách mạng. Ông đi qua Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Mĩ. Báo chí phản động Mĩ la ó ầm ĩ đòi ông phải rời khỏi Mĩ, nhưng ông vẫn ở lại tới mùa thu năm ấy, và viết nhiều tác phẩm tố cáo chế độ tư bản.
Tháng 5.1907 ông được mời sangLondon(Anh) dự Đại hội lần thứ V của Đảng công nhân xã hội – dân chủ Nga với tư cách là đại biểu dự thính. Ở đây ông gặp lại Lênin và mối quan hệ của hai người thêm thân thiết. Lênin đánh giá cao sáng tác của Gorki, coi đó là “những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại” và ông là “nhà nghệ sĩ vĩ đại”. Tháng 12.1913 lợi dụng việc ân xá của nga hoàng nhân dịp kỉ niệm 300 năm trị vì của dòng họ Rômanôp, Gorki về nước.
Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, lực lượng cách mạng bị khủng bố ác liệt. Gorki kiên quyết chống lại tư tưởng Sôvanh mà giới cầm quyền Nga ra sức tuyên truyền, đẩy các dân tộc vào lò lửa chiến tranh. Gorki đứng ra sáng lập nhà xuất bản Cánh buồm và tạp chí Biên niên nhằm tập hợp, đoàn kết tri thức tiến bộ dân chủ.
Những tháng trước và sau Cách mạng tháng Mười, Gorki tỏ ra dao động, lo sợ cách mạng không thắng lợi. Nhưng Lênin đã thẳng thắng phê bình sai lầm của ông. Sau khi nhận sai lầm của mình, Gorki đã công khai phê bình trên báo chí và thư từ gởi bạn bè để cùng rút kinh nghiệm chung. Sau Cách mạng tháng Mười, Gorki đảm nhiệm nhiều công tác văn hóa xã hội: Giám đốc nhà xuất bản Văn học thế giới, tổng biên tập tạp chí khoa học và những hoạt động khoa học…Do làm việc quá sức, sức khỏe yếu nên ông bị lao phổi nặng.
Theo chỉ thị của Lênin, năm 1921 Gorki ra nước ngoài chữa bệnh. Ông sang Đức, Tiệp Khắc, và năm 1924 trở về Ý. Tuy sống ở nước ngoài để chữa bệnh nhưng ông vẫn không ngừng sáng tác.
Năm 1928 ông về nước. Năm 1931 nhân dân Liên Xô trân trọng kỉ niệm 40 năm lao động nghệ thuật của Gorki. Nhân dịp này ông được tặng thưởng huân chương Lênin, thành phố quê hương ông đổi tên là Gorki. Nhà hát nghệ thuật Matxkva, một đại lộ trung tâm thủ đô, một công viên lớn của thành phố được mang tên ông. Viện văn học mang tên Gorki được thành lập. Thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó, Gorki dốc hết sức mình vào việc chuẩn bị Đại hội nhà văn Liên xô lần thứ nhất. Và ông được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Xô viết.
Bước vào những năm 30, Khi thấy xuất hiện nguy cơ bùng nổ chiến tranh Đế quốc, Gorki đã kịp thời lên tiếng tố cáo chủ nghĩa phát xít, kêu gọi lực lượng dân chủ, tiến bộ đấu tranh ngăn chặn. Cùng với nhiều nhà văn tiến bộ nước ngoài, Gorki đã góp phần quan trọng vào việc triệu tập hội nghị quốc tế chống chiến tranh ở Amxtecđam và Pari. Tuy bận nhiều việc những năm cuối đời, nhưng ngòi bút nghệ thuật của ông vẫn rất sung sức. Ông đã đề xuất sáng kiến và trực tiếp chỉ đạo xây dựng bộ sách Cuộc đời của những danh nhân, Tủ sách của nhà thơ, tham gia chủ trì những bộ sách lớn Lịch sử cuộc nội chiến, Lịch sử nhà máy và công xưởng.
Ngày 1.6.1936 Gorki bị cảm lạnh, bệnh tình lại thêm trầm trọng, đến ngày 18.6.1936 Gorki vĩnh viễn ra đi giữa cơn giông bão. Di hài ông được đặt ở chân thành Kremli, phía sau lăng Lênin, trên Quảng trường Đỏ ở Matxkva.
M.Gorki qua đời sau hơn 40 năm lao động sáng tác không mệt mỏi. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học vô cùng to lớn cho nhân loại.
2.1.2. Sáng tác
Giai đoạn 1892-1904
M.Gorki là “ngôi sao mới xuất hiện đã tỏa sáng trên bầu trời văn học Nga với tư cách là nhà văn mở đầu dòng văn học vô sản”. Tác phẩm đầu tay của ông là Bài ca cây sồi già, một bài thơ dài viết bằng lối văn xuôi “có nhịp điệu”. Đây là một bài thơ dở, chẳng có giá trị gì lắm.
Truyện ngắn
Ngày 12.9.1892 M.Gorki đã bước lên văn đàn với tư cách là nhà văn của quần chúng lao khổ. Truyện ngắn đầu tiên là Markar Tsudra (1892) được đăng trên báo Kafkaz ở thành phố Tiflit, với bút danh Macxim Gorki (Macxim tiếng Nga nghĩa là cay đắng) và nhà văn giữ bút danh này suốt đời. Truyện ngắn này đã mở đầu cho hàng loạt các truyện ngắn tiếp theo ra đời như Truyền thuyết về Marco (1892), Cô gái và thần chết (1892), Bài ca con chim ưng (1895), Bài ca chim báo bão (1901), Bà lão Izecghin, Vợ chồng Orlôp (1897), Tsenkasơ (1895)…Gorki đã nhanh chóng trở thành một tên tuổi được nhiều độc giả cảm mến, được nhiều giới phê bình, nghiên cứu chú ý. Năm 1898 lần đầu tiên tác phầm của Gorki được tập hợp và in thành sách ở Petesburg với đầu đề Bút kí và truyện ngắn.
Tiểu thuyết
Năm 1899 Gorki cho in tiểu thuyết đầu tiên Fôma Gorđêep trên tạp chí Đời sống. Năm 1901 Gorki cho xuất bản tiểu thuyết Ba người, tác phẩm có tiếng vang lớn trong giới thanh niên cách mạng, đánh dấu một bước phát triển mới tài năng nghệ thuật và tìm tòi cách tân sáng tạo của Gorki.
Kịch
Năm1901-1904 ba vở kịch xuất sắc của Gorki liên tiếp xuất hiện như Bọn tiểu thị dân (1901), Dưới đáy (1902), Những người đi nghỉ mát (1904).
Sáng tác trong giai đoạn đầu của GorKi phong phú và đa dạng về nội dung tư tưởng cũng như về hình thức nghệ thuật. Nó thể hiện sự tìm tòi căng thẳng, sự phấn đấu thường xuyên liên tục của nhà văn nhằm sáng tạo ra những tác phẩm mới ngày một tốt hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì tự do dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Sáng tác của ông góp phần chuẩn bị cho “cơn bão táp” cách mạng mà mở đầu là cách mạng Nga lần thứ nhất (1905-1907).
Giai đoạn 1905-1916
Truyện ngắn
Tác phẩm Những mẩu chuyện nước Ý (1912-1916) gồm 27 truyện ngắn, bút kí và truyền thuyết được tập hợp thành. Tập truyện Trên nước Nga (1912-1916) gồm 29 truyện ngắn.
Tiểu thuyết
Tiểu thuyết Người mẹ (1906), tiểu thuyết Thời thơ ấu, tiểu thuyết Kiếm sống (tập 1,2 bộ tự truyện của GorKi).
Kịch
Những đứa con của mặt trời (1905), Bọn dã man (1905), Những kẻ kì quặc (1910), Những kẻ cuối cùng (1908), Gia đình nhà Zưkốp (1913), Những kẻ thù (1906), Vatxajêlêznôva (bản thứ nhất, 1910).
Văn châm biếm
Hình ảnh xã hội phương Tây đầy mâu thuẫn và bất công đã được Gorki khắc hoạ bằng ngòi bút châm biếm sắc sảo trong 2 tập kí: Những cuộc phỏng vấn của tôi và Ở Mĩ.
Những sáng tác của Gorki giai đoạn này không chỉ là tấm gương phản chiếu cách mạng vô sản nga mà còn là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga thời Kì giữa hai cuộc cách mạng.
Giai đoạn 1917-1936
Tiểu thuyết
Bộ ba tự truyện Thời thơ ấu (1912-1913), Kiếm sống (1915, in 1916), Những trường đại học của tôi (1923) được hoàn thành. Tiểu thuyết Sự nghiệp gia đình Artamônôp (1915-1916) và tiểu thuyết sử thi Cuộc đời Klim Xamghin (1925-1936).
Bút kí
Năm 1928 Gorki về nước đi thăm nhiều nhà máy công trường và viết 2 tập kí về thực tại xã hội Xô Viết: Trên nẻo đường liên bang Xô viết và Truyện kể về những người anh hùng.
Trong giai đoạn này, Gorki viết nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng đặc biệt ông giành nhiều thời giờ và công sức để hoàn thiện thể loại tiểu thuyết sử thi cho phù hợp với chất liệu cuộc sống và cảm quan mới của mình.
2.2. Giới thiệu truyện ngắn của M.Gorki
Trong lịch sử văn học Nga – Xô Viết, văn hào M.Gorki có một vị trí đặc biệt. Ông là người khai sinh, là bậc thầy của văn học Nga – Xô Viết. Với toàn bộ tác phẩm của ông, văn học Nga trở thành ngọn cờ đầu của văn học thế giới đương đại trong công cuộc thức tỉnh và đấu tranh giải phóng nhân loại cần lao khỏi ách áp bức thống trị của chủ nghĩa tư bản. Ông cũng là người tạo ra những bước ngoặt mới trong tiến trình văn học thế giới hiện đại. Bút pháp của Gorki rất độc đáo, đặc biệt là trong các truyện ngắn, có tác phẩm lãng mạn, rất lãng mạn; có tác phẩm hiện thực, rất hiện thực; có tác phẩm có cả 2 yếu tố vừa lãng mạn vừa hiện thực.
2.2.1. Truyện ngắn lãng mạn
Viết những tác phẩm lãng mạn, Gorki đã kế thừa truyền thống lãng mạn tiến bộ của các nhà văn nổi tiếng như Puskin, Lermentov…Ngay từ nhỏ Gorki cũng rất say mê các nhân vật lãng mạn, sôi nổi chan chứa khát vọng tự do trong sáng tác của Sile, Bairơn. Nhưng quan trọng hơn hết là ông đã tiếp thu sâu sắc sức sống mãnh liệt, bất khuất, luôn vươn dậy mạnh mẽ của nhân dân, biểu hiện trong những truyền thuyết, cổ tích…
Hơn nữa trong những năm 90 giai cấp vô sản Nga đã bắt đầu bước lên vũ đài chính trị nhưng đây chỉ mới là “buổi bình minh của phong trào”. Lúc này ”những cán bộ đầu tiên của giai cấp chiến đấu tương lai mới bắt đầu hình thành và những khối óc đang bị xâm chiếm với những tư tưởng đấu tranh còn lờ mờ, tản mạn”. Gorki muốn thổi vào những con người héo hon, tàn tạ, tầm thường, dung tục xung quanh mình bằng những lời văn hùng tráng, chấp cánh cho tâm hồn để “khích lệ con người đã bị cuộc sống dơ bẩn làm nhục chí và đẩy vào cảnh sa đoạ” (truyện Người độc giả, 1894). Từ đó cảm hứng chủ đạo nổi bật trong các tác phẩm lãng mạn của ông là ca ngợi tự do, ca ngợi chiến công, ca ngợi những con người tràn đầy ý chí bất khuất, chiến đấu và chiến thắng, ca ngợi cuộc sống anh hùng, thi vị hoá ý chí sáng tạo của con người.
Truyện ngắn Makar Tsudra (1892) là khúc ca bi tráng về ý chí tự do bất khuất của con người. Sự xung đột giữa tình yêu và tự do của đôi trai tài gái sắc Lôikô Zôbar và Radda đã dẫn đến cái chết đầy bi kịch lãng mạn của đôi trai gái xứ Xưgan. Họ yêu nhau tha thiết nhưng họ còn yêu tự do hơn. Họ chết một cách bất khuất và kiêu hãnh với ý thức rằng không thể tiếp nhận hạnh phúc của tình yêu mà phải đổi bằng sự phục tùng nô lệ. Cái chết của họ là sự lựa chọn tự do. Tự do đối với họ cao hơn tình yêu và tình yêu chỉ làm nền cho việc khác đó là tự do. Tự do đã được đánh đổi rất đắt, máu đã phải đổ để tự do được chiến thắng. Đây là cảm hứng rất mới mẻ. Tiếng nói của thời đại lúc này là những bản hùng ca chứ không phải là tình ca. Cái chết của họ là sự chứng minh cho hành động cao đẹp: đặt cộng đồng lên trên hạnh phúc nhỏ bé của mình.
Truyện Nàng tiên nhỏ bé và chàng chăn cừu (1892, về sau tác giả cho in bài thơ rút trong tập này với nhan đề Truyền thuyết về Marco) nói về mối tình của chàng chăn cừu và nàng tiên nhỏ bé trong rừng rậm. Chàng là con người luôn gắn liền với thảo nguyên lộng gió, bao la, chan hoà ánh nắng của “Thảo nguyên thân yêu! bốn bề tít tắp; Cỏ mọc tràn lan ngời ngời trắng bạc; Giá tự do xoè rộng cánh tung bay; Cùng thảo nguyên âu yếm vui chơi…”. Chàng sung sướng khi thấy những tia chớp xé rách bầu trời nặng trĩu, báo hiệu cơn bão táp sắp đến. Chàng reo lên “chẳng có gì mạnh mẽ và đẹp hơn bão táp!” Cái chất lãng mạn “thảo nguyên” đó của chàng hoàn toàn đối lập với cuộc sống “rừng rậm”của nàng tiên nhỏ bé. Cái lãng mạn đã thi vị hoá cuộc sống tư tưởng ngột ngạt tăm tối trong rừng rậm. Và nàng tiên nhỏ bé đã chết sau khi đem lòng yêu chàng chăn cừu trẻ tuổi bởi vì nàng chỉ quen sống trong thế giới yên tĩnh, chật hẹp, đã không chịu nổi không khí đấu tranh và tự do của đồng cỏ bao la.
Truyện Bà lão Izecghin (1894) là tác phẩm lãng mạn xuất sắc nhất trong sáng tác thời kì đầu của Gorki. Truyện nói lên mục đích, ý nghĩa cuộc đời của con người thông qua việc giới thiệu những quan niệm sống và lối sống khác nhau. Truyện gồm 3 phần: Truyền thuyết Lara, hồi ức của Izecghin, về tuổi trẻ của bà cách khoảng 50 năm, và truyền thuyết về ĐanKô. Ba phần này không phải là sự lắp ghép, rời rạc nhau mà hoà quyện vào nhau tạo nên một chân lí nghệ thuật đẹp đẽ, đầy sức thuyết phục. Phần đầu truyện nói về một thanh niên kiêu ngạo, ích kỉ, tàn bạo tên là Lara ( Lara tiếng Nga nghĩa là bị ruồng bỏ, bị xua đuổi) – con trai chim đại bàng và một cô gái bị con ác điểu bắt lên núi – Lara có sức mạnh phi thường. Đó là sức mạnh của chủ nghĩa cá nhân, tách rời nhân dân và chống lại xã hội. Lara gây nhiều tội ác và nó bị trừng phạt là phải sống cuộc đời cô đơn, lang thang, không có cuộc sống và cũng không có cái chết. Trong cuộc đời con người không có gì khổ hơn là bị tách khỏi cộng đồng.
Ngược lại với Lara là Đankô (phần thứ ba), một con người vị tha cao đẹp. Trong giờ phút nguy kịch của bộ lạc anh đã dám xả thân vì nghĩa lớn, giương cao trái tim nóng hổi của mình làm “bó đuốc của tình yêu vĩ đại đối với con người”, đưa cả tập thể mở đường xuyên qua rừng rậm dày đặc bóng tối ảm đạm, nồng nặc hơi bùn vữa thối, vượt ra với thảo nguyên thanh bình tự do và ngời ngời ánh sáng. Anh dám băng lên trước nguyện làm người chiến sĩ tiền phong vì anh có niềm tin mãnh liệt rằng cái rừng ngột ngạt kia nhất định phải có chỗ tận cùng, kết thúc.
Cuộc đời bà lão Izecghin có những điểm chung với hai nhân vật của truyền thuyết: bà vừa gần gũi với nhân dân lao động (Đankô) lại vừa sống cho niềm vui hạnh phúc bản thân (Lara). Bà phê phán những kẻ lười biếng, hèn nhát. Bà ca ngợi những người anh hùng biết lập chiến công. Bà đã lấy cả đời mình và đi khắp nơi để tuyên truyền lí tưởng anh hùng của mình.
Ba phần của truyện với ba cuộc đời khác nhau của các nhân vật có thật và truyền thuyết hợp thành một chỉnh thể nghệ thuật, và dạy cho con người những bài học bổ ích về lẽ sống. Đồng thời tác phẩm cùng tập trung thể hiện một chủ đề: biểu dương người anh hùng xuất thân từ nhân dân, chiến đấu vì tự do hạnh phúc của nhân dân.
Truyện ngắn Bài ca con chim ưng (1895) là một bản tuyên ngôn cách mạng sinh động. Hình ảnh chim ưng dũng cảm, coi hạnh phúc chân chính là ở cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù vì tự do. Qua lời chim ưng “Ta đã sống thật vinh quang! Ta đã biết thế nào là hạnh phúc!…Ta chiến đấu dũng cảm!..Ta đã trông thấy bầu trời!”, người đọc tự võ trang cho mình một nhân sinh quan cách mạng: Hạnh phúc là trong chiến đấu, vinh quang là trong chiến giành tự do và ánh sáng. Những lời của sóng biển cuối bài ca chính là lời của nhân dân ca ngợi, khẳng định vai trò và giá trị bất tử của những người ưu tú nhất, đã hi sinh trong chiến đấu: “niềm cuồng nhiệt của những người dũng cảm, đó là trí anh minh của cuộc đời! ôi chim ưng dũng cảm! Người đã đổ máu trong chiến đấu với kẻ thù, nhưng rồi đây những giọt máu nóng hổi của ngưòi như những tia lửa, sẽ làm bùng lên trong bóng đêm của cuộc đời và bao trái tim quả cảm sẽ rực cháy vì khát vọng cuồng nhiệt vươn tới tự do và ánh sáng”. Hình ảnh chim ưng anh hùng đối lập với hình ảnh rắn nước hèn nhát, cầu an vị kỉ không dám ước mơ, hoài bão lớn nhưng lại tự đắc là thông minh, sáng suốt. “Bài ca chim ưng” là lời kêu gọi hào hùng thúc giục con người hướng vào cuộc chiến đấu, chống lại chính quyền chuyên chế và chủ nghĩa tư bản Nga trong thời kì cách mạng đang tiến lại gần.
Cao trào cách mạng Nga đầu thế kỉ XX đã chấp cánh cho cảm hứng lãng mạn của Gorki bay cao hơn trong truyện Bài ca chim báo bão (1901). Hình ảnh chim báo bão với những so sánh táo bạo “tựa hồ như một ánh chớp đen, như một mũi tên chọc thủng các tầng mây..”, với những tiếng thét chứa đựng lòng căm thù, khát vọng chiến đấu, hạnh phúc và niềm tin của người chiến sĩ trên nền của một cơn bão biển đang sôi sục, là tượng trưng cho nghị lực và lực lượng cách mạng vĩ đại của giai cấp công nhân Nga. Đối lập với chim báo bão là những loài chim đần độn, nhút nhát, chỉ ưa chuộng cuộc sống phong lưu an nhàn, sợ hãi mọi sự biến động. Hình ảnh chúng ám chỉ lớp tiểu thị dân tầm thường, dung tục đang sợ hãi cách mạng. Chim báo bão bay lượn ngang tàng và tự do. Nó cười nhạo mây đen, nó nức nở vui mừng và reo hò kêu gọi bão táp “dữ dội hơn nữa, bão táp háy nổi lên!”. Bài ca chim bão bão thể hiện bước khải hoàn của phong trào cách mạng Nga và tâm trạng vui mừng của hàng triệu quần chúng đang đứng lên làm chủ cuộc đời. Tác phẩm dài khoảng một trang giấy, ngay khi nó mới ra đời đã được người ta chép tay hoặc in tới hàng triệu bản, phổ biến rộng rãi khắp nơi, nhằm cổ vũ mãnh liệt khí thế cách mạng của nước Nga. Trong bài báo mang tên “Trước cơn bão táp” Lênin đã trích dẫn lời kêu gọi của chim báo bão “Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên!”.
Văn học không chỉ miêu tả cuộc sống mà qua cuộc sống đó để khích lệ lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của con người nhằm giành lấy tương lai tốt đẹp cho họ. Truyện Về con chim yến nói dối và con gõ kiến yêu chân lí (1893). Chim yến đã kêu gọi mọi loài chim hãy tin tưởng vào bản thân “đã đến lúc các bạn phải tin tưởng vào mình “và nó khích lệ lòng tự hào, ý chí chiến đấu của mọi loài chim để có một tương lai tràn đầy ánh sáng và tự do “chúng ta không được mệt mỏi, chúng ta phải luôn luôn đấu tranh và chiến thắng tất cả để tỏ ra xứng đáng với giá trị của mình để có quyền nói rằng: tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai chính là của chúng ta “và “con đường chúng ta phải đi… tôi tin chắc rằng…ở đấy có một xứ sở xứng đáng làm phần thưởng cho những khó khăn nhọc nhằn mà chúng ta phải chịu đựng ở dọc đường! Ở đấy, ánh sáng vĩnh viễn không bao giờ tắt, ở đấy những điều kì diệu mà chúng ta chưa từng biết…Hãy đến đấy – đến nước của hạnh phúc! Nơi chiến thắng vĩ đại đang chờ đón chúng ta, nơi chúng ta sẽ là người đang làm ra pháp luật của thế giới và là chúa tể của thế giới, nơi chúng ta sẽ là chúa tể của vạn vật…Hãy tới đấy! – tới cái tiến lên kì diệu ấy!”.
Truyện Cô gái và thần chết (1892) ca ngợi niềm tin thắng lợi của con người đối với vận mệnh. Truyện dựng lên một hình tượng cao đẹp của người thanh nữ tràn đầy sức sống, mãi mãi tươi xanh với thời gian. Trong cuộc giao tranh với thần chết cô đã chiến thắng. Ý chí khẳng định quyền được sống, được hưởng hạnh phúc của mình vang lên trong những lời ca rực lửa: “hồn ta tràn đầy sức mạnh thiêng liêng; Ánh sáng thiêng liêng rọi hồn ta cháy lửa; Trước số mệnh bạo quyền; chẳng cúi đầu khiếp sợ”. Tình yêu mãnh liệt với ý chí bảo toàn sự sống của cô đã đẩy lui được thần chết và đã trở nên bất tử “Khắp nơi nơi – ngày tang lễ cũng như ngày thành hôn; Không phút giây mệt mỏi lặng ngừng; Niềm vui tình yêu và hạnh phúc trong cuộc sống”. Sức sống bất khuất là sức sống chiến thắng! Bao niềm tin yêu vào sinh lực tươi xanh của cuộc sống, ở khả năng đấu tranh của con người chan chứa trong bản trường ca.
Giữa lúc trong thực tế đã bắt đầu nổi lên khuynh hướng phát triển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa do Lênin và Đảng Bônsêvich chủ trương, Gorki bằng nghệ thuật đã phát biểu về sự cần thiết phải đoàn kết tất cả những người lao động trong một tổ chức chính trị chặt chẽ để tiến hành một cách có hiệu quả cuộc đấu tranh vì tự do trong truyện Đồng chí (1906). Đồng thời, qua tác phẩm Gorki còn ca ngợi sự đoàn kết nhất trí của giai cấp vô sản Nga trong cuộc cách mạng 1905, nhất là trong cuộc tổng bãi công của công nhân toàn nước Nga tháng 10.1905.
Trong tác phẩm Người độc giả (1895) Gorki đòi hỏi văn học phải “nói đến những quay cuồng trong đầu óc con người, đến sự cần thiết hồi sinh của trí tuệ”, phải lên tiếng “kêu gọi làm cho cuộc đời thắng lợi”, phải cho con người những bài học dũng cảm những dòng chữ sôi nổi chấp cánh cho tâm hồn” để khích lệ con người đã bị cuộc sống dơ bẩn làm nhục chí và đẩy vào cảnh sa đọa”
Trong truyện Những mẩu chuyện nước Ý (1906-1913), Gorki đã dùng chất liệu Ý để miêu tả những thời điểm – khi mà con người do nhiều nguyên nhân đã biểu hiện một cách kì diệu tựa như trong truyện cổ tích – những tình cảm và tư tưởng sẽ là đặc điểm điển hình của tập thể loài người trong xã hội tương lai. Đó là tinh thần đoàn kết giữa giai cấp vô sản và nhân dân lao động, là sức mạnh, lòng nhân đạo là niềm tin vào thắng lợi, là đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, cuộc sống đầy chất thơ và vẻ đẹp của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời…Gorki muốn nêu lên sự đối lập những khía cạnh của thực tế Ý với cuộc sống bình lặng ở Nga, nhằm cổ vũ tinh thần của nhân dân Nga trong cuộc đấu tranh cánh mạng. Cũng chính vì thế mà lời đề của tác phẩm ông đã lấy câu nói của Anđerxen “Không có truyện cổ tích nào hay hơn là những chuyện do chính cuộc sống tạo ra”.
Không những viết về những người anh hùng, kiêu hãnh, phi thường…Gorki còn viết về những người lao động bình thường thể hiện rõ nét những yếu tố lành mạnh, giàu sức sáng tạo đang tiềm tàng trong nhân dân Nga. Trong truyện Một con người ra đời (1912) tác giả đã miêu tả sự ra đời của một con người như một sự kiện thiêng liêng. Nó đem lại niềm vui lớn cho người mẹ và cho cả thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp. Người mẹ thì “đôi mắt không đáy của chị tươi rói lên một cách kì lạ, cháy bừng lên một ngọn lửa xanh biếc”, trước mắt người mẹ là một con đường dài, chị tin rằng trên con đường đó “em bé kháu khỉnh con tôi kia sẽ lớn dần lên áp vào vú mẹ nó mà lớn mãi trong tự do”. Còn tác giả thì khi “người công dân mới của nước Nga “ ấy ra đời thì khuyên “ hãy làm ầm ĩ lên chú bé tỉnh Oren! Hãy lớn tiếng mà chứng tỏ sự có mặt của mình, bằng không thì mọi người sẽ lấn tới vận cổ chú mình” và sóng biển cũng “phả bọt lên…vui vẻ” đón chào con người mới. Mọi đau đớn của người mẹ lúc sinh nở, mọi lo lắng cho số phận tương lai của đứa con đều bị chìm sâu trước niềm vui sướng của sự sáng tạo thiêng liêng, của niềm tin vào sức mạnh con người “rồi đột nhiên, chị khẽ kêu lên một tiếng, im bặt rồi laị mở mắt ra, đôi mắt đẹp vô cùng, đôi mắt thần thánh của người sản phụ. Xanh biếc, đôi mắt ấy nhìn lên bầu trời xanh biếc, trong đôi mắt bừng lên và hòa tan một nụ cười hoan hỉ biết ơn, nhấc cánh tay nặng trĩu, người mẹ làm dấu thánh cho mình và cho con”. Mặc dù trong hiện thực đen tối của nước Nga những năm đói kém nhưng con người đã ra đời, bất chấp tất cả và nhất định sẽ phản kháng lại mọi sự thù địch, khẳng định địa vị của mình trên trái đất.
Qua hình ảnh người thợ mộc Ôxip trong truyện Băng chuyển (1912) Gorki không những cho độc giả thấy được những khả năng to lớn đang ẩn náo trong tính cách đân tộc Nga mà ông còn muốn đặt vấn đề về sự cần thiết phải giải phóng con người ra khỏi những xiềng xích nặng nề của lao động nô lệ “
Miêu tả tính cách dân tộc Nga trong hoàn cảnh “nghèo nàn cay cực” của xã hội Nga trước cách mạng, Gorki đặt ra vấn đề chủ nghĩa nhân đạo, về lí tưởng và hiện thực, về ước mơ và thực tế, về thái độ cần thiết phải có của con người trước nỗi đau khổ của đồng loại qua truyện ngắn Lenka ( Xtraxli – Morđaxti, 1917).
Cuộc đời cơ cực và tăm tối không thể dập tắt được những tia sáng ước mơ trong tâm hồn con người. Giữa cảnh đời sầu thảm vẫn không thiếu những con người đi tìm đi tìm hạnh phúc. Nhưng khi ánh bình minh của chân lí còn chưa rọi tới thì bao nhiêu ảo mộng, ước mơ đã tan biến. Cô gái Tachyana trong truyện Người đàn bà (1912) chỉ muốn xây dựng một hạnh phúc nho nho nhỏ trong cuộc sống đơn giản, bình yên. Thế mà ước mơ nhỏ bé này chị cũng không thể thực hiện được. Tachyana cô đơn và đau khổ giữa những con người. Nhưng chị thương xót cho mình thì ít mà thương xót cho sức người, cho tuổi trẻ bị hoài phí, cho cái kiếp người thống khổ thì nhiều. Vì lòng thương người chị đã phung phí chất nhựa sống của mình, đã phạm tội và đã bị đày đi Xibiri.
Truyện Mối tình đầu kể về cuộc tình của tác giả với “người phụ nữ đầu tiên đầu tiên“, O.IukaminXkaia, ở Nigiơni Novogod từ năm 1889 – 1892. Trong những năm bế tắc ấy đối với Gorki hình ảnh người phụ nữ này mang nhiều tính chất lí tưởng và thần tượng đối với ông. Ông cho rằng “ chính người đàn bà này không những giúp tôi cảm biết được hết cái bản ngã thật của mình, mà nàng còn có thể làm một điều gì thần diệu và sau đó tôi sẽ lập tức thoát ra khỏi giam cầm của những ấn tượng đen tối của cuộc sống, sẽ vĩnh viễn vứt bỏ một cái gì đó ra khỏi tâm hồn và tâm hồn tôi sẽ bừng lên một ngọn lửa của một sức mạnh lớn lao, của một niềm vui vĩ đại”. Nhưng sau khi chung sống với người phụ nữ đầu tiên này, ông đi đến kết luận là không thể tiếp tục chung sống với người phụ nữ ấy được nữa. Bởi vì nàng cũng đang lẩn quẩn trong sự tìm tòi “cái thú vị” trong những con người bình thường, đang đợi chờ một cái gì tốt đẹp trong cuộc sống. Đôi khi nàng mới “nhen nhóm được trong đôi mắt đờ đẫn của một con người tẻ nhạt một cách vô hi vọng cái tia sáng nhạy bén của một ý nghĩ sắc sảo, những điều này thường thấy hơn là nàng nhen nhóm lên cái dục vọng lì lợm muốn chiếm hữu nàng”. Và đương nhiên con người đó không thể làm được một điều gì thần diệu và cũng không thể đưa tác giả thoát khỏi cảnh đời bế tắc.
Chủ đề về sự hình thành tính cách con người là một trong những chủ đề quan trọng trong sáng tác của M.Gorki. Truyện Sách (1915), truyện Tôi đã học tập như thế nào (1918) không chỉ nói đến việc hình thành tính cách của tác giả thời thơ ấu, thời niên thiếu, thời thanh niên mà còn góp phần giải quyết vấn đề tính cách dân tộc Nga nói chung. Đối với Gorki, sách vở là người bạn tri kỉ, là người thân yêu trong cảnh cô đơn, trong cuộc sống địa ngục chán chường, đơn điệu mà thỉnh thoảng người ta lại khuấy động lên bằng những trò man rợ. Sách là cái chìa khóa mở cửa cho ông vào một thế giới mới ”nơi mà mọi cái đều hợp lí hơn”, nhưng sách cũng không làm cho ông trốn tránh cuộc đời thực, xa lánh mọi người mà ngược lại, nó còn cho ông lòng tin vào, kích thích thái độ của ông đối với cuộc sống, khát vọng muốn cải tạo hiện thực, và làm cho con người tốt đẹp hơn. Vì “mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để vươn tới gần con người”. Và ông kêu gọi “hãy yêu sách, nó là nguồn hiểu biết, chỉ có hiểu biết mới là con đường sống, chỉ có nó mới có thể làm cho chúng ta trở thành những người kiên nghị, chính trực, khôn ngoan có khả năng thành thật yêu mến con người, tôn trọng lao động của con người và thành tâm khâm phục những thành quả tuyệt vời do công trình lao động vĩ đại liên tục của con người tạo nên” (Tôi dã học tập như thế nào).
Truyện ngắn Sách (1915), và truyện Tôi đã học tập như thế nào (1918) còn thể hiện một chủ đề mới mẻ – giai cấp vô sản phải học tập, nâng mình lên ngang tầm trí tuệ nhân loại thì mới có thể đảm trách sứ mệnh lịch sử của dân tộc và nhân loại.
Có thể nói những tác phẩm lãng mạn của Gorki là những bản tuyên ngôn khẳng định lòng tin yêu vào cuộc sống và con người, về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Gorki đã kế thừa truyền thống lãng mạn tiến bộ của văn học quá khứ và đã xây dựng nên những tác phẩm thể hiện những cảm hứng rất mới mẻ, phản ánh những khát vọng của nhân dân khi phong trào cách mạng vô sản đang dâng dậy. Cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn của Gorki tràn đầy tính lạc quan cách mạng tươi trẻ, mạnh mẽ.
2.2.2. Truyện ngắn hiện thực
Ngay ở thời kì đầu, Gorki không những là cây bút lãng mạn có sức rung cảm mạnh mẽ mà ông còn là cây bút hiện thực lỗi lạc. Trong những năm tháng tự lực lao động kiếm sống trước mắt Aliôsa bày ra một cảnh “hỗn độn hoang dã, sự sôi sục của những mâu thuẫn nhiều vô số và không sao hòa hoãn được, nhỏ có lớn có, cả cái khối mâu thuẫn đó tạo thành một tấn bi hài kịch quái gở trong đó lòng tham của con người đóng vai trò chính”. Chính những mâu thuẫn đó đã để lại trong tâm trí nhà văn những ấn tượng day dứt như “một cục trong họng ” không viết, không khắc họa chúng bằng ngôn từ thì không chịu nổi. Đó chính là động cơ giúp Gorki viết hàng loạt truyện ngắn hiện thực sinh động, độc đáo.
Khi viết về đề tài đời sống, tư tưởng tình cảm của nhân dân Nga, bản lĩnh của Gorki được thể hiện rõ ràng và được khẳng định ngay từ đầu. Chủ đề chính trong các tác phẩm này là cuộc sống của những người cùng khổ, đặc biệt là những người du thủ du thực. Ở họ có những phẩm chất tốt đẹp nhưng không ít hạn chế mà nhà văn đã phê phán không thương tiếc. Ông chú ý tới thế giới nội tâm phong phú đa dạng của những người cùng khổ, nhất là những mầm móng của ý thức xã hội mới nảy sinh, sự phản kháng tự phát, âm thầm ngày càng mạnh, niềm mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn đang âm ỉ cháy trong lòng những con người ở “dưới đáy” xã hội này.
Truyện ngắn Emelian Pilai (1893) cho ta thấy trật tự xã hội bất công đã đẩy Emelian tới chổ cùng đường, anh không thể tìm được việc làm. Anh cảm thấy rằng chỉ có một lối thoát duy nhất là đi giết người cướp của để giành lấy một chỗ đứng cho mình trong cuộc đời. Nhưng khi gặp cảnh đau khổ của một cô gái đáng thương, anh đã khắc phục được những ý nghĩ tội lỗi nhất thời đó và thể hiện bản chất tốt đẹp, cao thượng vốn có của người lao động. Truyện đã tố cáo bọn thống trị dã man, tàn nhẫn đã tước đoạt mọi quyền hành của người lao động, kể cả quyền tối thiểu đồng thời cũng là phương tiện duy nhất để sinh sống của họ – quyền được lao động.
Truyện Làm muối (1893) Gorki lại đưa ra một vấn đề khác. Đó là sự áp bức bóc lột, lao động khổ sai, đã làm cho con người phẫn nộ. Nhưng vì không biết trút sự bực tức của mình vào đâu nên giữa những con người này đã nảy sinh tính tàn nhẫn và độc ác với nhau. Truyện ngắn Lão Arkhip và bé Lionka (1893) nói lên sự xung đột trong ý thức của những người nghèo khổ. Trong tâm hồn của cậu bé Lionka đã bừng dậy những phẩm chất tốt đẹp, nhưng nó còn quá yếu đuối và non nớt. Nó chưa đủ sức chống lại những thành kiến lạc hậu của xã hội cũ mà lão Arkhip đã tiếp thu và cố gắng thực hiện trong đời sống của mình. Sự xung đột đó đã dẫn đến cái chết đầy bi thảm của hai ông cháu ăn mày bần cùng và bất lực.
Kônôvalôp (truyện cùng tên viết năm 1896) là một thanh niên nướng bánh mì, lực lưỡng, đẹp trai, làm việc “khéo léo như một nghệ sĩ ”, có tấm lòng thương người, có một thế giới tâm hồn phong phú và nhạy cảm trước cái đẹp. Anh đã nghĩ nhiều đến nỗi đau khổ của mình và của người đời, về mục đích và ý nghĩa của cuộc đời. Kônôvalôp không thấy được nguyên nhân nỗi đau khổ của mình và của nhiều người khác. Anh đã lí giải nó một cách sai lầm. Anh cho rằng sở dĩ mình sống cuộc đời tẻ nhạt và buồn chán là bởi vì mình là người thừa trên trái đất, mình không tìm thấy điểm tựa cho mình trong cuộc đời. Và anh đã đi vào con đường nghiện ngập, du đãng rồi cuối cùng tự tử.
Còn cô gái Manva xinh đẹp, đầy kiêu hãnh, khoẻ mạnh trong truyện cùng tên (1897) đã rời bỏ làng quê ngột ngạt đi ra vùng bờ biển để tìm một cuộc sống tự do. Nhưng sau một hồi vùng vẫy, cuối cùng cô chỉ thấy bế tắc và tuyệt vọng. Truyện Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái (1899) nói đến cảnh lao động khổ sai của 26 anh thợ làm bánh mì đã tự dựng lên một thần tượng về con người đẹp, trong sạch giữa cảnh đời bẩn thỉu, tối tăm. Nhưng rồi cái ảo ảnh ấy cũng đã bị thực tế phũ phàng làm cho tan vỡ.
Nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm Người bạn đường của tôi (1894) trong thời gian này đã dứng cao hơn những người xung quanh. Nhưng tư tưởng của anh và ý thức của đông đảo quần chúng còn rất xa nhau. Và trong truyện ngắn Câu chuyện một ngày thu (1895) nhân vật này đã trải qua những tình huống éo le do sự bất lực của bản thân trước hoàn cảnh. Anh ta chỉ còn biết than thân trách phận.
Truyện Tsencase (1894) là tác phẩm lớn của Gorki viết về những người du thủ du thực. Nhân vật chính là Tsencase, một kẻ cắp khét tiếng ở bến tàu. Xuất thân là nông dân, Tsencase đã từng là một chàng lính cận vệ đẹp trai, nhưng 11 năm trời đi du đãng đã làm y quên hết những gì thuộc về quá khứ. Bây giờ y là một kẻ cắp, y cần tiền để được tiêu xài thoải mái và sống một cuộc đời tự do. Y khinh những kẻ tư hữu tham lam, những kẻ nô lệ của đồng tiền. Đối lập với Tsencase là Gvarila, gã nông dân trẻ tuổi đi lang thang tìm cách kiếm tiền sinh sống và về quê xây dựng một cơ ngơi. Vì tiền Gavrila sẵn sàng phạm tội ác. Gã định giết chết Tsencase, kẻ đã giúp gã kiếm ăn, để đoạt lấy số tiền 500 rup. Cuộc xung đột giữa Tsencase và Gavrila ở cuối truyện càng làm nổi bật lên lòng hào hiệp, phẩm chất cao đẹp của TsenKasơ, một con người đã bị vứt ra ngoài rìa cuộc đời bên cạnh sự đê tiện, hèn hạ, lòng tham lam của kẻ đại diện cho tư tưởng tư sản – Gavrila.
Tác phẩm hiện thực tiêu biểu nhất trong sáng tác thời kì đầu của Gorki là truyện Vợ chồng Orlôp (1897). Tác phẩm nói về cuộc sống tối tăm, nghèo nàn đơn điệu và không mục đích của hai vợ chồng người thợ đóng giày. Do buồn chán, Orlôp thường xuyên uống rượu và đánh vợ. Anh từng nghĩ đến số mệnh nhưng có lần anh đã cưỡng lại nó. Đó là lúc anh quyết định cùng vợ xin vào làm ở bệnh viện và anh mơ ước lập chiến công thầm lặng nhưng vẻ vang. Anh ước mơ “giải phóng nước Nga khỏi nạn dịch tả”. Nhưng cuộc sống tầm thường hằng ngày đã chặt đứt bao ước mơ của anh. Anh bế tắc và không có lối thoát. Cuối cùng anh trở lại với rượu chè và đánh vợ và anh đã rời bỏ bệnh viện để đi du đãng. Cuối tác phẩm là cuộc gặp gỡ giữa Orlôp và tác giả trong một quán rượu rẻ tiền và anh đã kể cho tác giả nghe câu chuyện đáng buồn trên. Sự phản kháng của Orlôp trong phút chốc đã xẹp ngay. Anh không bằng lòng với thực tại tối tăm nhưng anh lại không làm được cái gì lớn lao ( chữa bệnh dịch – cải tạo xã hội). Đó chính là tấn bi kịch của anh và của tất cả người du thủ du thực.
Nhân vật tích cực trong các tác phẩm hiện thực thời kì này là tác giả – người kể chuyện. Nhưng đây chỉ là một người nghèo khổ chưa phải là một công nhân có trình độ giác ngộ cao. Mầm mống ý thức giai cấp có thể thấy ở anh thợ xếp chữ Gvôzđiep ( truyện Kẻ phá bĩnh, 1897). Nhưng sự phản kháng của Gvôzđiep cũng chỉ là một hành động đơn độc, tự phát, không có tổ chức. Gvôzđiep chưa phải là người anh hùng lí tưởng của Gorki.
Trong các truyện ngắn hiện thực của Gorki những năm 90, mặc dù ông chưa xây dựng được hình ảnh hoàn chỉnh về người công nhân cách mạng nhưng ông đã miêu tả được sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của quần chúng. Hơn nữa, Gorki cũng là nhà văn đầu tiên đưa vào trong sáng tác của mình một khí thế chiến đấu mới, tinh thần dũng cảm lập chiến công, anh hùng mới và hơi thở của phong trào quần chúng đang bắt đầu sôi sục khi cơn bão táp cách mạng sắp nổ ra.
Sự phân chia các tác phẩm của Gorki thành những truyện ngắn hiện thực và truyện ngắn lãng mạn như trên chỉ mang tính tương đối. Nó không có một ranh giới cụ thể rõ ràng nào cả mà chúng tôi chủ yếu dựa vào cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm. Chất lãng mạn và hiện thực ở đây luôn có sự xâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau. Trong tác phẩm lãng mạn có yếu tố hiện thực và trong tác phẩm hiện thực có yếu tố lãng mạn, chỉ có điều là nó đậm hay nhạt mà thôi.
2.3. Sơ lược về những hình tượng nhân vật chủ yếu trong truyện ngắn của Macxim Gorki
Bằng những truyện ngắn đầu tay của mình, Gorki đã hé mở một tia nắng mới vào dòng văn học Nga thế kỉ XIX với một cảm hứng mới lạ cùng với sự xuất hiện của nhiều nhân vật mới. Các nhân vật này được Gorki miêu tả rất sinh động và phong phú. Từ người anh hùng Lôikô cùng cô gái Radda chỉ biết tự do là tất cả, từ chàng Đankô với trái tim cháy rực soi đường cho cộng đồng vượt qua bóng tối và đầm lầy để đến với thảo nguyên bao la tràn đầy ánh sáng mặt trời, từ chú chim báo bão ngang tàng bay lượn trên bầu trời lúc mưa bão dữ dội đến những kiếp sống mòn mỏi, thấp hèn trong xã hội như Chú bé ăn mày Lionka, anh thợ đóng giày Orlôp, gã lưu manh (hảo hán) Tsencasơ, hai mươi sáu anh thợ làm bánh mì là những người thợ tự do nhưng phải sống, lao động như những tên tội phạm khổ sai…tất cả những nhân vật này đều mang một dáng vẻ riêng, một đặc trưng riêng. Nhưng xét kĩ ra thì các nhân vật của Gorki tựu chung lại có thể xếp thành hai loại: nhân vật “con người mới” (truyện ngắn lãng mạn) – mầm mống của người anh hùng mới – và nhân vật “con người dưới đáy” (truyện ngắn hiện thực). Trong phần nghiên cứu này chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu vào loại nhân vật thứ hai – hình tượng nhân vật “con người dưới đáy” trong những truyện ngắn hiện thực tiêu biểu của M. Gorki.
( còn tiếp )
sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét