Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Thần Zeus và cây phả hệ rối ren


Zeus (tên La Mã: Jove, hoặc Jupiter).

Theo tích Zeus là vua của các vị thần, cai quản thiên đường, điều khiển sấm chớp, điều khiển mây… Do tài phép như vậy nên Zeus rất dễ đáng chán. Hết truyện này đến truyện khác, Zeus không có gì làm nên cứ hay ngó xuống mặt đất, khi ngó thấy cô nào đẹp (hoặc cậu nào đẹp – trong xã hội Hy Lạp cổ thì giới tính là thứ mập mờ), Zeus sẽ tìm cách cưỡng bức. Vị vua này đi hết với người nọ đến người kia, và có một đàn con cái ngoài giá thú.
Trong hình, Zeus đang ngồi trên ngai ở đỉnh Olympia, tay trái cầm cây trượng sấm sét (trên đầu cây trượng có gắn con đại bàng - biểu tượng của Zeus), tay phải giữ thần Nike - thần Chiến thắng.
Trong hình, Zeus đang ngồi trên ngai ở đỉnh Olympia, tay trái cầm cây trượng sấm sét (trên đầu cây trượng có gắn con đại bàng - biểu tượng của Zeus), tay phải giữ thần Nike - thần Chiến thắng.

Cái duy nhất thú vị về Zeus là tích về sự ra đời của ông, vì nó gắn liền với phả hệ của thần thoại Hy Lạp. Tranh vẽ liên quan đến tích này cũng khá nhiều.

Theo truyện dân gian, và theo nhà thơ Hesiod thì vào thời xa xưa, vũ trụ là một thứ lung tung không hình thù. Vị thần duy nhất, Chaos, không có mặt mũi gì (Chaos có nghĩa là hỗn độn). Sau đó, ở một mình mãi cũng chán, Chaos sinh ra Gaia (Mặt Đất), Tartarus (Âm phủ), Eros (Tình Yêu), Erebus (Bóng Tối), và Nyx (Màn Đêm). Đến lượt Gaia, mang tiếng làm “đất mẹ”, tự thân mang bầu rồi sinh: Uranus (Trời), Ourea (Núi), Pontus (Biển).

Tiếp đến, Gaia cưới con mình là Uranus (theo đúng nghĩa của “Trời và Đất”, loạn luân là yếu tố luôn đi kèm với tích Hy Lạp cổ, nên hình dung các vị thần này như thể họ là “thiên nhiên”), cả hai tạo ra một giống thần mới, gọi là Titans. Mười hai Titans đầu tiên bắt đầu thay thế bố mẹ mình và cai quản vũ trụ. Họ bao gồm: Oceanus, Tethys, Hyperion, Theia, Coeus, Phoebe, Cronus, Rhea, themis, Mnemosyne, Crius, và Iapetus.

Một trong các Titans là Cronus phản lại cha là Uranus, cắt của quý của ông và tống cổ ông khỏi thiên đàng.

Cronus sau đó lấy em gái Rhea. Nhưng chưa kịp vui, Gaia tiên đoán rằng một trong những đứa con của Cronus sẽ phản lại ông, y như cách ông đã phản lại Uranus trước đây. Rhea sinh được người con nào, Cronus nuốt ngay đứa đó vào bụng. Tới lúc Cronus nuốt đứa thứ năm, vợ ông chịu hết nổi, và khi bà mang thai đứa thứ sáu, bà mon men đến nhờ Gaia giúp đỡ.

Đứa thứ sáu đó là Zeus. Khi Zeus vừa lọt lòng, Rhea lén đưa Zeus cho Gaia, rồi lấy chiếc khăn bọc một tảng đá để giả làm em bé, Cronus nuốt ngay lấy hòn đá vì tưởng đó là Zeus!

Sau đó thì Zeus cứ thế lớn lên, chờ ngày đủ mạnh để phản lại cha mình.

Về quá trình khôn lớn ấy, có rất nhiều thuyết về việc ai làm má nuôi của Zeus. Nhưng cơ bản nhất là ba thuyết này:

- Zeus được Gaia nuôi

- Zeus được một con dê – hay thần dê – có tích nói đó là con dê, có tích nói đó là một cô tiên của loài dê tên Amalthea nuôi

- Zeus được một cô tiên núi (Mountain nymph) tên Adamanthea (tên tuổi thường thay đổi, lúc là Adamanthea, Adrastia, Melissa) nuôi.
Tác phẩm "Zeus thời trẻ", Jacob Jordaens, 1640. Cô tiên Amathea đang vắt sữa dê để cho Zeus uống. Faun (quái vật nửa dê nửa người) đứng ở bên trái.
Tác phẩm: "Zeus bú sữa Amalthea", Poussin, 1638.
 
Vì Cronus cai quản đất, biển, và trời, Adamanthea mắc một cái võng trên ngọn cây và đặt Zeus nằm đấy, Zeus lửng lơ giữa ba thứ nên không bị Cronus phát hiện.

Khi Zeus lớn thì chuyện không còn gì ngạc nhiên nữa. Zeus đánh nhau với cha là Cronus, bắt Cronus phải nôn hết anh em của mình từ trong bụng ra. 5 anh em đó bao gồm: Hades, Demeter, Poseidon, Hestia, và Hera. Tuy không cắt của quý của Cronus như chính Cronus đã từng làm với cha mình, Zeus giam Cronus cùng với toàn bộ dòng dõi thần Titan xuống âm phủ ở dưới lòng đất, rồi lên làm vua. Zeus cùng Hades và Poseidon bốc thăm trúng thưởng xem ai cai quản cái gì, kết quả: Zeus bốc được trời, Hades bốc âm phủ, Poseidon bốc biển. Hera trở thành vợ của Zeus, Demeter thành thần cai quản vụ mùa, Hestia – chắc do không biết làm gì – trở thành thần của trinh nữ.

Theo Soi.com.vn

Zeus trừng phạt Promete

PRÔMÊTÊ


...o0o...

Bầu trời soi bóng trong nước và nước đầy cá. Chim bay trên trời và gia súc gặm cỏ trên đồng. Nhưng không có ai chăn gia súc, không ai bắt cá và không ai nghe chim hót. Trên mặt đất không có người.
Prômêtê, hậu duệ của gia đình những người Titan thần thánh, buồn bã lang thang trên mặt đất, không tìm ra những sinh vật sống, đi đứng như anh và mặt mày giống như anh. Anh chỉ thấy từ đất sét mọc lên cỏ, cây cối, thấy mưa to rơi xuống đất. Nước mưa, giữ cho thiên nhiên tươi tốt và chỗ nào không mưa thì cây lớn, cây bụi chết khô, nhường chỗ cho sa mạc.
Khi prômêtê phát hiện thấy sức mạnh của đất và nước anh trộn đất sét với nước mưa, nặn ra hình người đầu tiên. Hình dáng ấy giống những vị thần thánh. Panla Atêna, nữ thần khôn ngoan và trí tuệ truyền một linh hồn vào hình dáng bất động: đất sét xám trở nên hồng hào, trong người một quả tim bắt đầu đập và chân tay trước nay bất động bắt đầu cử động. Prômêtê đưa xuống mặt đất con người đầu tiên như thế đấy.
Một thời gian lâu, loài người không biết làm gì với linh hồn, quà tặng của Panla Atêna. Họ sống như những đứa trẻ. Họ thấy mà không nhận biết được, nghe mà không hiểu, bước đi trên mặt đất như trong mộng. Họ không biết nung gạch, đốn gỗ làm nhà. Họ dụi mặt đất và phía dưới mặt đất, ở trong những xó của hang động như đàn kiến. Thậm chí cũng chẳng biết mùa hạ tiếp nối mùa xuân và mùa thu đến sau mùa hạ.
Prômêtê bèn xuống mặt đất với loài người, dạy họ làm nhà, đọc, viết, đếm và hiểu biết thiên nhiên. Anh chỉ cho họ buộc loài vật vào xe như thế nào để khỏi mang gánh nặng trên lưng. Anh hướng dẫn nghệ thuật đóng tàu, giải thích những cánh buồm đỡ công cho người chèo ra sao. Anh đưa họ vào sâu trong đất tìm kiếm những kho tàng ẩn náu. Công việc vất vả của thợ mỏ khai thác từ lòng đất ra sắt, đồng, bạc, vàng.
Trước đó loài người không biết thuốc men, không phân biệt được cái gì lợi cái gì hại; Prômêtê trình bày cho họ cách làm các vị cao, vị thuốc. Anh dạy mọi nghệ thuật cho loài người; họ hết sức ngạc nhiên và khao khát học tập tất cả.
Các vị thần thánh, quần tụ trên ngọn núi thiêng Ôlympơ, nghi ngờ theo dõi thế hệ người này trên mặt đất mà nhờ có Prômêtê, đã học tập lao động, khoa học nghê thuật - Dớt, chúa tể các vị thần ngày càng cau mày lại. Ông gọi Prômêtê và nói:
- Ngươi dạy loài người làm việc và suy nghĩ nhưng ngươi ít dạy cho họ tôn sùng thần thánh. Ngươi nên biết đất đai phì nhiêu, sự thịnh vượng hoặc tai họa tùy thuộc vào các vị thần thánh. Thánh thần quyết định số mệnh của họ. Bản thân ta, khi nào muốn, ta nổi sấm sét xuống. Ngươi hãy trở lại với loài người, bảo họ hiến dâng lòng hy sinh cho chúng ta, nếu không chúng ta giáng phẫn nộ xuống đầu họ.
Prômêtê trả lời:
- Loài người sẽ hiến dâng lòng hy sinh cho thần thánh, nhưng kính thưa thần Dớt, bản thân Người phải xuống chọn lựa cái gì họ phải hy sinh.
Prômêtê giết một con bò mộng. giấu thịt vào da con bò và đặt bộ lòng lên trên. Anh dồn xương vào một đống khác, phủ mỡ che kín xương; đống xương phủ mỡ lợn lớn hơn và có vẻ ngon lành hơn. Khi làm xong, thần Dớt ngửi thấy mùi vị thơm ngon của vật hiến sinh đã chuẩn bị bèn xuống mặt đất.
Prômêtê gặp Dớt trình bày:
- Kính thưa thần Dớt vĩ đại, Người hãy chọn phần Người ưa thích. Phần mà Người, vị chúa tể các vị thần đã chọn sẽ là phần loài người tiếp tục hiến dâng cho Người.
Dớt biết rõ Prômêtê tìm cách đánh lừa ông. Tuy thế ông không tỏ ra giận dữ mà quả quyết chọn đống ánh lên vì mỡ. Miệng tươi cười, Prômêtê bước tới, gạt lớp mỡ: những khúc xương trần trụi hiện ra. Khi anh cất tấm da bò ở đống kia thì toàn thịt tươi bay mùi dễ chịu. Từ ngày đó, loài người hiến dâng cho thần thánh mỡ và xương, giữ thịt lại cho mình.
hần Dớt không để hành động liều lĩnh đó tránh khỏi trừng phạt: ông quyết định không cho loài người có lửa và, nếu phần tốt nhất - thịt bò - dành cho họ thì từ nay loài người phải ăn thịt sống.
Dớt ra lệnh cho mây làm mưa tắt hết mọi đám lửa và gió thôi tung tro nóng phân tán ra biển. Như vậy là loài người mất lửa, cần thiết cho công việc và cuộc sống: đến bánh họ cũng không nấu chín được. Các lò rèn xếp bỏ, những xưởng thợ vắng người. Khi ban ngày trời lạnh, ban đêm băng giá, loài người không biết làm cách nào để sưởi ấm.
Prômêtê thấy tai họa giáng xuống, thương xót và không bỏ rơi họ. Biết được trong lâu đài Dớt có một ngọn lửa tỏa sáng đêm ngày, ban đêm anh trèo lên ngọn Ôlympơ luồn vào lâu đài linh thiêng của vị thần chúa tể. Anh kín đáo, nhẹ nhàng lấy một ít lửa trong bếp lò của Dớt giấu vào trong chiếc gậy rỗng. Rồi vui mừng, anh trở lại với loài người cùng vật quí đánh cắp được.
Ngọn lửa lại bùng lên trong các nhà ở và xưởng thợ, mùi thơm món ăn nấu chín, thịt chiên bay lên trên vào mũi các vị thần. Dớt nhìn xuống thấy khói tỏa trên các bếp lò. Ông giận điên người, hình dung ngay một hình phạt mới. Ông cho gọi Hêphaitốt, ông thần thọt nghệ sĩ nổi danh sống dưới chân ngọn núi lửa và có một xưởng thợ hạ lệnh làm một bức tượng đàn bà thật đẹp...
Hêphaitốt vâng lời, chẳng bao lâu Dớt có thể ngắm nghía một sắc đẹp không ai mơ có được. Nữ thần Atêna cho cô gái một tám voan đẹp, bộ quần áo trắng ngần và chiếc thắt lưng tuyệt mỹ. Nữ thần sắc đẹp Aphrôđit cho nét duyên dáng thần tiên còn Hécmet, người phát ngôn của các vị thần tặng cô lời văn hoa sống động và giọng nói tuyệt vời được trang bị mọi quà quý - và giao cho một chiếc hộp bằng vàng. Sau đó Hécmet dẫn Păngđo xuống mặt đất, ở vào nhà Êpimêtê em của Prômêtê.
Prômêtê thường đã bảo em không được nhận quà gì của thần thánh nhưng trước sắc đẹp của Păngđo, Êpimêtê quên hết lời dặn dò và nhận nàng cùng chiếc hộp vàng vào nhà. Tò mò muốn biết các vị thần gửi gì cho anh trong chiếc hộp, anh đề nghị nàng mở nắp hộp, điều mà nàng sẵn lòng làm. Bệnh tật, Đau đớn, Khổ cực và Nguy biến thoát ra khỏi chiếc hộp rít lên, gầm gừ, rên rỉ. Những tai ương đó bay lên đến các nhà, tỏa ra khắp mọi nơi từ trước đến nay không biết đến những điều tệ hại. Bản thân Păngđo cũng sợ hãi, khép ngay nắp hộp. Những gì là tai ương ra hết và chỉ một mình Hy vọng còn lại trong đó: Bệnh tật và Nguy biến chèn ép nó xuống đáy hộp nên chỉ một chút thoát đươc ra ngoài.
Đói nghèo và Bệnh tật lan tràn các nhà ở và Cái chết theo gót chúng. Đau đớn, Lo âu quấy rầy loài người trong giấc ngủ: ác mộng bóp nghẹt họ. Riêng Hy vọng không lan rộng vì gần như toàn bộ bị nhốt trong hộp của Păngđo.
Cơn giận dữ của thần Dớt cũng dội xuống Prômêtê. Chúa tể các vị thần thánh cử Hêphaitốt và tùy tùng trói anh vào một tảng đá cao nhất trên núi Côcadơ bằng những dây xích nặng và chắc chắn. Buộc phải vâng lời. Hêphaitốt trói Prômêtê đến mức không cựa được.
Prômêtê bị treo lơ lững giữa trời, đất, đứng trên những vực thẳm đầy mây mù nhưng không khuất phục và van xin lòng thương của Dớt.
Khi Dớt biết Prômêtê không xin lỗi, kiêu hãnh chịu đựng số phận, ông cho một con diều hâu khổng lồ đến Côcadơ. Hàng ngày con diều hâu phải rút gan của Prômêtê ra ăn. Đêm đến lá gan mọc lại và hôm sau con diều hâu tiếp tục hành hạ. Như vậy Prômêtê bị làm đau khổ suốt đời. Nhiều năm trôi qua nhưng anh không chịu qui phục.
Sau bao thế kỉ Prômêtê đang chịu hành hạ và cô đơn, Hêraklét, con trai Dớt nhận thấy người anh hùng bị trói trên núi Côcadơ. Đi hái những quả táo trong vườn Hêtpêridet, anh đi qua đó lúc con diều hâu đến ăn thịt.
Hêraklet đặt chùy xuống, giương cung và bắn một phát giết chết con vật ăn mồi. Rồi anh chặt đứt dây xích, trả lại tự do cho người bị cầm tù. Để xoa dịu Dớt và tiếp tục chịu đựng hình phạt, Prômêtê phải mang một vòng sắt có một tảng đá Côcadơ. Anh " bị xiềng" như vậy vĩnh viễn theo ý muốn của vị thần chúa tể.
Từ ngày đó loài người đeo vòng trang sức bằng đá để nhớ đến nỗi gian khổ của Prômêtê. Đến nay họ vấn đeo như vậy tuy từ lâu đã quên hẳn Prômêtê, người không chịu qui phục thần thánh và đứng về phía loài người.